Hoàng Hoa Thám Trong Phiên Bản Văn Học Viết Trước 1945‌


Khởi nguồn từ một nghi lễ mùa màng nhưng Lễ hội Yên Thế không phát triển thành một lễ hội tôn giáo mà chuyển thành lễ hội lịch sử, vì nó gắn với Hoàng Hoa Thám - nhân vật lịch sử - ở hai cương vị: người chủ tế và thần thiêng được tế lễ. Điều đáng chú ý là bản thân nhân vật ngay từ lúc sinh thời đã được gắn với nhiều giai thoại, truyền thuyết; khi ông qua đời, cộng đồng thiêng hóa ông biến ông thành đối tượng phụng thờ của lễ hội Yên Thế nhưng lễ hội này không gắn kèm với bất kỳ truyền thuyết nào về ông - như thường xảy ra với nhiều lễ hội lịch sử - mà lại kế thừa căn bản những nghi thức tế lễ do chính ông thực hiện khi tại thế. Và trong quá trình biến đổi nói trên, một số nghi tiết của lễ hội mùa màng, lễ hội tôn giáo đã thẩm thấu vào lễ hội lịch sử. Hoặc, nói khác đi, lễ hội lịch sử Yên Thế đã tiếp nhận nhiều nghi tiết của lễ hội nông nghiệp và lễ hội tôn giáo để gia tăng sự cộng cảm tâm linh và tính thiêng của nhân vật cũng như sự kiện lịch sử nhưng không gắn với bất kỳ truyền thuyết lịch sử nào, như khá nhiều lễ hội lịch sử khác.


Chương 3

HOÀNG HOA THÁM TRONG PHIÊN BẢN VĂN HỌC VIẾT‌


Như đã trình bày ở mục 1.2.2.3, tác phẩm văn học sớm nhất về Đề Thám là Chân tướng quân của Phan Bội Châu (1917) và gần đây nhất là tiểu thuyết lịch sử Rừng thiêng Yên Thế của Huy Cờ (2013). Giữa quãng đó có rất nhiều sáng tác về Đề Thám với nhiều thể loại khác nhau1.

Căn cứ theo hai tiêu chí là thể loại và dấu mốc thời gian, trong đó có hai dấu mốc thời gian quan trọng là 1945 (Việt Nam chính thức thoát khỏi chế độ thuộc địa Pháp) và 1986 (chính sách đổi mới có nhiều tác động đến sáng tạo nghệ thuật), chúng tôi chọn ra những tác phẩm tiêu biểu làm trường hợp nghiên cứu cho mỗi thời kỳ, mỗi thể loại. Các sáng tác trước năm 1945, chúng tôi khảo sát Chân tướng quân của Phan Bội Châu; Bóng người Yên Thế của Việt Sinh; Cầu Vồng Yên Thế của Trần Trung Viên; Lịch sử quân Đề-Thám Yên-Thế2 của Ngô Tất Tố và L.T.S3; Truyện Hoàng Hoa Thám trong tiểu truyện danh nhân Tôn Thất Thuyết và những văn thân trong phong trào Cần Vương của Cố Nhi Tân. Sau năm 1945, đề tài Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế vẫn được tiếp tục, tuy nhiên các sáng tác chủ yếu thuộc chuyện kể lịch sử, hoặc ấn phẩm giáo dục lịch sử dành cho thiếu nhi. Phải từ hai thập niên cuối của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, chủ đề này mới trở lại trong những sáng tác quy mô của nhà văn, như: Núi rừng Yên Thế (1981) của Nguyên Hồng, Người trăm năm cũ (2009) của Hoàng Khởi Phong, Rừng thiêng Yên Thế (2013) của Huy Cờ. Các sáng tác này đều thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử, trong đó Nguyên Hồng, Huy Cờ là hai đại diện văn học trong nước, còn Hoàng Khởi Phong thuộc số nhà văn sáng tác ở nước ngoài. Không thuộc hình thức tiểu



Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

1 Xin xem mục 1.2.2.3

2 Trên microfilm tại Thư viện Quốc gia, tác phẩm này có tên đầy đủ là Lịch sử quân Đề-Thám Yên- Thế và có thêm dòng phụ chú dưới tên sách với nội dung “Viết theo cuộc điều - tra rất kỹ”. Sách được in thành từng quyển (gọi là “số”, có 20 “số”), đánh số trang liên tiếp, tổng cộng 320 trang. Tên sách thống nhất ở tất cả các quyển nhưng dòng chữ chạy phía trên trang lại ghi khác nhau. Từ quyển (tức “số”) 1 đến 8 ghi Quân Đề Thám, từ quyển 9 đến 20 ghi Lịch sử Đề Thám. Đó là lí do sau này tác phẩm được nhắc đến bằng những tên khác nhau.

Hoàng Hoa Thám, hiện thực lịch sử và những phiên bản văn chương - 10

3 Chúng tôi có tra cứu nhưng chưa rõ L.T.S là bút danh hoặc tên viết tắt của nhà văn, nhà báo nào. Vì vậy, trước khi có được những bằng cứ xác đáng về tác giả này, trong luận án, ở những chỗ phân tích liên quan đến tác giả, chúng tôi sẽ chỉ nói tới Ngô Tất Tố.


thuyết lịch sử như những tác phẩm trên, Mưa Nhã Nam của Nguyễn Huy Thiệp lại thuộc về hình thức truyện ngắn, và quan trọng hơn, tác phẩm này là một "triết luận lịch sử" độc đáo, như chúng tôi lược thuật ở Phụ lục 1 [tr.160]. Vì vậy, trong giới hạn của luận án, đồng thời căn cứ vào mốc thời gian sáng tác, chúng tôi chọn Núi rừng Yên Thế (Nguyên Hồng) làm đại diện cho giai đoạn trước 1986, Mưa Nhã Nam (Nguyễn Huy Thiệp) và Người trăm năm cũ (Hoàng Khởi Phong) cho thời kỳ sau đổi mới 1986 để nghiên cứu trong thế đối sánh và tìm ra những điểm tương đồng, khác biệt của các tác giả khi viết về Đề Thám. Các tác phẩm khác về Hoàng Hoa Thám như tiểu thuyết Tướng quân Hoàng Hoa Thám (1996) của Lê Minh Quốc, Rừng thiêng Yên Thế (2013) của Huy Cờ,…được dùng làm tư liệu đối sánh khi cần thiết.

3.1. Hoàng Hoa Thám trong phiên bản văn học viết trước 1945‌

3.1.1. Truyện “Chân tướng quân” (Phan Bội Châu)

Truyện Chân tướng quân được viết trong khoảng thời gian Phan Bội Châu hoạt động ở Trung Quốc, sau khi bị Nhật Bản trục xuất vào tháng 3 năm 1909. Sáng tác này đã được tờ Binh sự tạp chí (Hàng Châu, Trung Quốc) đăng liên tiếp trên ba số: 41-43, từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1917. Tác phẩm ra đời trong những thập niên đầu thế kỉ XX, khi Việt Nam chịu sự xâm lăng và ách đô hộ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, dân tộc Việt cũng vô cùng hùng tráng với những kháng cự mạnh mẽ, quyết liệt trên mọi phương diện, dưới nhiều hình thức, đối với hiện thực bi thương ấy. Trong bối cảnh đó, một nhà nho ái quốc như Phan Bội Châu đã ý thức rò trách nhiệm của một người cầm bút với vận mệnh dân tộc và sức mạnh của văn chương trong công cuộc vận động đấu tranh cách mạng. Trong hoàn cảnh bị cách li với các hoạt động ái quốc diễn ra sôi nổi ở trong nước, sáng tác Chân tướng quân chính là một cách để Phan tham gia phong trào này.

Khi kể chuyện Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu đã tựa theo mô hình truyện về thánh nhân quân tử và chịu ảnh hưởng của bút pháp trung đại, đặc biệt là kiểu "liệt kê một số đặc điểm phi thường về ngoại hình và phẩm chất đạo đức, tinh thần và những năng lực khác của nhân vật anh hùng" [29, tr.30]. Về ngoại hình nhân vật, Hoàng Hoa Thám được nhà văn khắc họa với nhiều nét khác thường, nhấn mạnh ở


diện mạo: "thân hình to lớn, bước đi rắn chắc nhưng mà nhẹ nhàng không có tiếng động. Nằm ngồi đều không rời súng đạn, chỉ nhìn qua cũng biết là một vị hổ tướng" [12, tr.161]. Cách Phan Bội Châu miêu tả ngoại hình nhân vật có nhiều điểm tương đồng với liệt truyện truyền thống - một thể văn dùng để viết sử, chép gia phả, viết bi kí về người thật việc thật, lời kể có kèm lời bình và người viết thường đứng ở vị trí bề dưới để ghi công, ca ngợi với thái độ sùng kính - đặc biệt ở thể loại liệt truyện mà Tư Mã Thiên sử dụng trong Sử ký. Ở Chân tướng quân, nhà văn tả hình nhưng cốt để tả thần. Dưới bút pháp phóng đại, tô đậm của nhà văn, nhân vật Đề Thám được hiện lên với tướng mạo khác người và thần thái uy vũ hơn người thường.

Con người Đề Thám được nhấn mạnh ở những phẩm chất nổi trội: "người khỏe mạnh béo tốt, sức mạnh như hổ, khi chơi đùa đánh nhau với trẻ trâu thì một mình có thể đánh nổi vài chục đứa, (…) rất ôn hòa, được anh em rất yêu mến, anh em trẻ trâu cần gì người cũng cung ứng" [12, tr.150]. Sự tài trí, nhanh nhẹn của nhân vật cũng khác người, "có thể bắt gà của người ta giữa ban ngày mà không ai biết" [9, tr.150]. Không những thế, Đề Thám có khí chất của một thủ lĩnh nghĩa quân ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là phẩm chất nghĩa hiệp: "Bắt được bao nhiêu gà, đều đem cả về cho các bạn chăn trâu, rồi cùng tụ họp nhau nấu nướng cùng ăn với nhau vui vẻ. Ngài thường nói: Gà của nhà giàu nuôi là để cung phụng bọn anh em chúng tôi, nếu anh em không đòi hỏi thì tôi lấy mà làm gì. Anh em trẻ trâu thấy vậy lại càng cảm phục, đi đứng chơi bời họ đều theo sự chỉ huy của Quan lớn" [12, tr.151].

Cuộc đời của Đề Thám được nhà văn hình dung ở ba giai đoạn chính, đó là lúc Đề Thám còn nhỏ, lúc khởi binh và thời kì làm thủ lĩnh nghĩa quân.

Đề Thám lúc nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt: "mới sinh ra đã bị mất cha, không biết cha là ai, mẹ thì nghèo khổ, lưu lạc tới nơi đây, (…) làm con nuôi họ Hoàng do đó lấy họ là Hoàng. Sáu tuổi mẹ chết, cha nuôi cũng chết, bơ vơ côi cút, đi ở chăn trâu, nhà nghèo không có khả năng đi học" [12, tr.150]. Xuất thân của nhân vật Đề Thám không được tác giả khắc họa ở yếu tố phi thường, kì vĩ như các nhân vật anh hùng thời trung đại mà nhấn mạnh ở hoàn cảnh mồ côi, nghèo khổ, phải sớm phiêu bạt, tự lập thân. Nếu như các nhân vật anh hùng trong văn chương quá khứ thường "bộc lộ tài năng thiên phú", khả năng ứng đối linh hoạt thì Hoàng Hoa Thám trong


truyện của Phan là "một vị chân tướng quân mà không biết được một chữ quèn" [9, tr.20]. Nhân vật Đề Thám theo cách mô tả đó "có những nét gần gũi với các nhân vật người anh hùng xuất thân bình dị như Thánh Gióng, Thạch Sanh của người Việt, Đăm Săn của người Ê-đê, Đăm-rơ-tít của người Cà tu" [57, tr.31].

Hoàng Hoa Thám lúc khởi binh đã hội tụ tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc của một người tuổi trẻ tài cao. Hành động của thiếu niên mới mười lăm tuổi đã "vứt bỏ roi trâu, cởi áo tơi đến mộ quân ở một vị thống lĩnh nọ làm một tên lính trơn" [12, tr.152] thể hiện một Đề Thám có lí tưởng yêu nước cao cả, sẵn sàng hi sinh cuộc sống bình thường để dấn thân vào nguy hiểm. Tài năng quân sự của Đề Thám cũng sớm được khẳng định "có thể tự chỉ huy một cánh quân, gặp giặc giao chiến một mình, có thể đảm đương được một mặt phòng ngự. Chủ soái rất yêu mến tài năng của tướng quân phong làm chức đề đốc" [12, tr.152].

Hình ảnh Hoàng Hoa Thám khi làm thủ lĩnh được khắc họa ở ý chí sắt đá và bản lĩnh của người đứng đầu trong những giờ phút quyết định lựa chọn giữa sống - chết, vinh - nhục. Trong khi các vị đầu mục người thì chết trận, người thì bỏ trốn, kẻ xin hàng giặc, thì tướng quân vẫn cương quyết trả lời: "Bậc đại trượng phu thà chịu chết chứ không chịu nhục. Đầu tôi chưa rụng thì sao tôi lại chịu cúi để theo giặc. Tôi thề chết không đầu hàng. Ai còn dám nói đầu hàng, sẽ chém!" [12, tr.156]. Nhà văn cũng nhấn mạnh phẩm chất đại lượng của một bậc đại trượng phu, thể hiện qua chi tiết: khi quân giặc câu kết với tên họ Vương (tức Bá Phức) để gài tạc đạn vào giường nằm của Đề Thám, may tạc đạn nổ trong lúc tướng quân đi ra ngoài nên không bị tổn thương gì, và Đề Thám "không bắt tội tên họ Vương, chỉ bảo hắn về nói với quân giặc rằng: Tôi cho rằng đã gọi là con người văn minh thì không làm cái kế thâm độc mà nay cũng làm cái trò hèn mạt như vậy!" [12, tr.157]. Không những giỏi trong chiến trận, nhân vật Đề Thám còn được mô tả là thâm trầm, cơ mưu hơn người. Điều này làm cho nhân vật của Phan Bội Châu vượt lên hình ảnh một thủ lĩnh nông dân đánh giặc, hoặc một tên giặc cướp như phe đối nghịch vẫn đánh giá ông. Tác giả cũng chú ý chọn chi tiết tiêu biểu để làm rõ mưu trí thâm trầm ấy. Đó là thời gian tạm hòa, giặc có mở tiệc mời Đề Thám đến họp bàn, "tướng quân nghi là có gian kế, lúc đã vào tiệc, giả vờ làm điệu nhún nhường xoay chiếc


bàn trôn ốc đi một vòng. Món ăn ở trước mắt tướng quân lại xoay về phía tên tùy viên. Chưa đầy một phút sau khi bắt đầu ăn, tên tùy viên của giặc đã bị ngã lăn quay (…), vì bọn giặc đã ngầm sai người bỏ thuốc độc vào bát ăn ở trước mặt tướng quân, nhưng tướng quân đã xoay bàn cho nên tên tùy viên ăn nhầm phải mà chết, tướng quân chẳng hề gì", không những đấu trí trên bàn tiệc, "mỗi khi tướng quân ra trận, phần nhiều lấy mưu trí thắng kẻ địch. Tướng quân có thể vào ngay chỗ hiểm trở để dò la tình hình địch, lại biết đánh vào những lúc địch bất ngờ, cho nên có thể lấy ít địch nhiều" [12, tr.153].

Có thể nói, nhân vật Đề Thám trong câu chuyện của nhà văn họ Phan có nhiều nét khá gần gũi với hình ảnh Hoàng Hoa Thám qua hình dung của dân gian (đã được phân tích ở chương trước): Từ nhỏ đã mang những phẩm chất, chí khí hơn người, là thủ lĩnh tài năng, trí dũng, cơ mưu, uy danh nhưng tấm lòng bao dung và bình dị. Và, so với các tác giả liệt truyện truyền thống, Phan Bội Châu cũng có một điểm tương đồng, là nhà văn trực tiếp bày tỏ thái độ, cảm xúc, những bình luận… của mình đan cài sau mỗi câu chuyện kể. Tác giả dùng tới 12 lần thán từ (Than ôi!, Trời!, Ôi!...) cùng nhiều câu hỏi tu từ để vấn trách, than vãn, bày tỏ niềm tiếc thương cho vị chân tướng quân sinh ra không đúng nơi, không gặp thời: "tôi không thương là nước ta không gặp thời, mà rất đáng thương là con người sinh ra ở đất nước ta; Than ôi! Một vị chân tướng quân mà không biết một chữ quèn; Trời! Thực là tôi đã phụ lòng tướng quân. Nhưng thời thế như vậy biết làm sao được?" [12, tr.162].

Nét đổi mới trong cách viết truyện lịch sử của Phan Bội Châu thể hiện ở nghệ thuật kể chuyện. Nếu như người kể chuyện toàn tri trong liệt truyện truyền thống dường như biết hết và phải kể toàn bộ câu chuyện một cách chân thực, không hư cấu, thì trong Chân tướng quân, người dẫn chuyện "tôi" dùng những câu chuyện "lượm nhặt" của người khác kể về Đề Thám, mượn lời của cụ lão nông để kể, kết hợp cả ấn tượng cá nhân và chuyện của chính mình để phác họa chân dung, con người và cuộc đời một vị tướng. Cách kể của "tôi" đã tạo nên kết cấu mới lạ "truyện lồng truyện", đồng thời vừa tạo nên mạch truyện phong phú vừa tạo sự khách quan khi kể về Đề Thám.


Cách kết truyện của Phan cũng là một sự sáng tạo. Ở những truyện trung đại, kết thúc truyện khi nói về cái chết thường có "lời kết mang tính chất đánh giá khẳng định hoặc thông báo về việc hậu thế ca ngợi, tôn thờ nhân vật (…) hoặc chuyển sang một trạng thái khác, thường là hóa thần và trở về phù hộ cho dân lành" [29, tr.68]. Còn ở Chân tướng quân, khi miêu tả đoạn đời cuối của người anh hùng Hoàng Hoa Thám, tác giả không nói đến cái chết, song cũng tôn trọng thực tại: "Thế của tướng quân ngày càng bị cô lập. Thủ hạ chỉ còn vào trăm người, thì dù sức có bạt được núi, khí thế có ngất trời, mà thời vận không lợi, thì ngựa ô cũng phải chùn bước" [12, tr.164]. Sau nhiều năm cầm cự, Đề Thám rơi vào thế "lương hết, đạn hết, chi viện thì không, thế quân cô đơn", cũng giống như "nhân vật Lệ Mai Tử trong truyện Tái sinh sinh, Trần Thiện Quảng trong Nhà sư ăn rau (Tước Thái thiền sư) [29, tr.35], Đề Thám trong Chân tướng quân phải kết thúc cuộc đời, "đã đến lúc tướng quân không thể không ẩn vào non sâu như thế của một con mãnh hổ nghỉ ngơi. Chiến sự của tướng quân cũng kết thúc từ đây" [12, tr.165]. Dường như Phan Bội Châu chủ trương không nhắc đến cái chết của vị thủ lĩnh để tránh tạo không khí bi lụy cho người đọc, điều này phù hợp với mục đích tuyên truyền, khích lệ tinh thần đấu tranh của sáng tác thơ văn thời điểm đó. Nhân vật Hoàng Hoa Thám của ông cũng không hóa thần và trở về phù hộ cho dân lành như motif trong truyện kể dân gian và truyện trung đại, bởi khoảng thời gian gián cách lịch sử chưa đủ lớn, người đọc và nhân vật lịch sử còn rất gần gũi. Vì vậy, để cho Hoàng Hoa Thám không chết mà "ẩn vào non sâu như thế của một con mãnh hổ nghỉ ngơi" [12, tr.165] là một lựa chọn có cân nhắc, sáng tạo.

Qua việc xây dựng hình tượng Đề Thám, bên cạnh những cách tân nghệ thuật, tác giả còn cho thấy sự chuyển biến của mình trong tư tưởng yêu nước và quan niệm về người anh hùng. Thời gian vận động ở trong nước, Phan Bội Châu tích cực tìm người có xuất thân hoàng tộc để lập làm minh chủ, nhưng việc ông tìm gặp Hoàng Hoa Thám1, công khai bày tỏ nguyện vọng kết giao cùng nghĩa quân Yên Thế, ca


1 Trong Ngục trung thư, Phan Bội Châu đã nói đến việc hai lần tìm gặp Đề Thám và kể lại khá chi tiết cuộc gặp này. Tại Phồn Xương, ông và Đặng quân Thái Thân đã "xin Hoàng tướng quân cắt đất làm đồn, tính cách thu dụng những đảng viên Nghệ Tĩnh, Hoàng tướng quân vui lòng ừ ngay. Liền dẫn chúng tôi đi xem khắp xa gần, để chúng tôi tùy ý lựa chọn chỗ nào cũng được" (Theo http://www.erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/Nguc_Trung_Thu.htm).


ngợi Đề Thám,… đã cho thấy tư tưởng của tác giả chuyển từ trung quân ái quốc sang nghĩa đồng chủng, đồng bào, coi liên kết các phong trào, đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh của công cuộc cứu nước. Từ đó, Phan Bội Châu đã xác định được mẫu người anh hùng tiêu biểu của thời đại mình. Đó là người phải có ý chí bền bỉ, sắt đá để gánh vác sự nghiệp cứu nước, là mẫu người cứu thế, dám xả thân mình hành động cứu nước, "lấy lí tưởng cứu nước làm lẽ sống" [27, tr.64]. Từ đây, đối tượng người anh hùng theo quan niệm của Phan tiên sinh được mở rộng. Không cần đến xuất thân quyền quý cao sang, trâm anh thế phiệt, chỉ cần người có lí tưởng yêu nước, dám xả thân cứu nước, dám đứng lên để thay đổi cục diện thời thế đều có thể trở thành anh hùng. Theo lẽ đó, cứu nước giờ đây gắn với nhân dân, với "một nông dân nghèo khổ côi cút dám đứng lên đòi tự do" như Đề Thám, "một nhà sư không an phận ngồi nhìn cảnh đời bị áp bức" như Trần Thiện Quảng và "một nhà nho có khí tiết không chấp nhận cảnh nô lệ của dân tộc" [29, tr.64] như Lệ Mai Tử,… chứ không còn là lẽ sống vì những bậc quân vương nữa.

Từ quan điểm mới mẻ trên, Phan dẫn dụ đến những tấm gương anh hùng xả thân cứu thế toàn cầu. Nếu như liệt truyện thường mượn gương của những anh hùng lịch sử của Trung Quốc, thì nhà văn so sánh Hoàng Hoa Thám với những nhân vật lịch sử thế giới như: Hoa Thịnh Đốn (tức Washington, Mỹ), Nã Phá Luân (tức Napoleon, Pháp), Tây Hương (tức Tây Hương Long Thịnh, Nhật Bản), Vệ Thanh, Trần Thắng (Trung Quốc). Tác giả đặt ra nhiều giả thiết: "Ví thử ông Hoàng Hoa Thám sinh ra ở châu Mỹ hay Nhật Bản (…) thì cái thành tựu của ông chắc gì đã kém Hoa Thịnh Đốn với Tây Hương". "Ví phỏng thượng đế cấu tạo ra tướng quân ở một nước văn minh, sản sinh ra tướng quân ở nơi quyền quý, được học ở trường này mấy năm rồi lại vào đại học kia mấy năm, giật lấy mảnh bằng bác sĩ này, bác sĩ nọ, v.v… thì đối với tướng quân cũng dễ như trở bàn tay, phỏng có khó khăn gì". "Còn như ở nước ta thì thế nước đương lúc tan tác, lòng người rã rời, quân thì đều là bọn người ô hợp, tướng thì ít ỏi (…). Giả sử đặt Nã Phá Luân vào tình huống đó, thì so với tướng quân ai dễ hơn ai?" [12, tr.152-153]. Có thể nói, đây là những so sánh thể hiện cái nhìn phóng khoáng và quan niệm tiến bộ của Phan tiên sinh - kết

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí