Hoàng Hoa Thám Trong Lễ Hội Dân Gian‌


những hư cấu của dân gian về mối tình Đề Thám và cô Cẩn không làm giảm đi vầng hào quang của người anh hùng trong lòng dân, trái lại đã tăng thêm một cái nhìn thiện cảm với ông ở góc độ con người đời thường. Việc dân gian miêu tả tỉ mỉ và phong phú câu chuyện tình yêu giữa Đề Thám và Cô Cẩn cho thấy họ đặc biệt "để ý" đến mối quan hệ này. Góc riêng tư mà sử liệu buộc phải bỏ qua này lại là nơi trí tưởng tượng dân gian được tự do tạo tác. Và cũng nhờ đó, các nhà văn sau này có nguồn mạch phong phú để tiếp tục khai thác. Câu chuyện tình yêu của cô Cẩn và Đề Thám được tái hiện sinh động trong truyện Cầu Vồng Yên Thế (Trần Trung Viên), tiểu thuyết Người trăm năm cũ (Hoàng Khởi Phong),… là những ví dụ.

Tựu trung, phương thức kết hợp các motif theo hướng thiêng hóa và việc sử dụng chi tiết hiện thực khi xây dựng nhân vật lịch sử cho thấy xu hướng tạo dựngmột người anh hùng trong các sáng tác của dân gian. Bằng cách này, họ đã tạo nên một biểu tượng Hoàng Hoa Thám đặc biệt trong các chuyện kể. Hình tượng Đề Thám vừa mang tính hiện thực vừa mang tính kì vĩ, với dáng vóc của nhân vật anh hùng truyền thuyết, chứa đựng trong đó những thông điệp có sức lan tỏa và đối kháng mạnh mẽ với diễn ngôn áp đặt của thực dân về vị thủ lĩnh. Phiên bản Đề Thám nhìn theo hướng này đã trở thành điểm tựa tinh thần quan trọng mà cộng đồng cần dựa vào trong giai đoạn mà “niềm tin” và những biến cố lịch sử xã hội đang biến đổi theo sự vận động của thời gian.

Nhìn từ mối quan hệ folklore-sử liệu và folklore-văn học viết, các truyện kể dân gian về ông đều là nguồn tư liệu tham chiếu quan trọng. Khi thể hiện Đề Thám, các nhà sử học và tác giả dân gian đã có sự gặp gỡ. Đó là việc ghi nhận năng lực, phẩm chất, ý chí kiên cường chống giặc của vị thủ lĩnh và đưa ra những giả thuyết về cái chết của ông. Sự khác biệt ở chỗ, trong khi sử liệu chú ý đến những diễn biến, sự kiện lớn thì dân gian lại chú ý đến những tình tiết nhỏ, những chuyện bên lề, thậm chí hình dung, thêu dệt cả những điều phi hiện thực. Những câu chuyện về tài phép siêu nhiên và mối tình của Đề Thám với cô Ba Cẩn - sản phẩm của trí tưởng tượng chỉ có ở truyện kể dân gian - là minh chứng. Qua những hư cấu sáng tạo, dân gian thể hiện và gửi gắm tình cảm và khát vọng của mình với vị thủ lĩnh. Ở chiều ngược lại, có vô số dẫn chứng cho thấy sử liệu đã tham chiếu hoặc được hình thành từ các truyền ngôn dân gian. Như kết quả của cuộc điền dã thực hiện năm


1956 đã được “khai thác triệt để cho việc biên soạn cuốn Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế” [88; tr.19]. Hoặc, hư cấu dân gian đã tác động đến việc thẩm định và khai thác các dữ liệu liên quan đến lịch sử của các nhà sử học. Ví dụ những hư cấu về cái chết của Đề Thám quá đậm khiến cho việc ghi chép sử liệu đương thời gặp khó khăn nhất định, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc khảo cứu được đầu tư để đi tìm cái kết về cái chết và ngôi mộ của Đề Thám đều chưa tìm được lối thoát trong màn sương hư ảo của truyền ngôn dân gian. Trong khi đó, với văn học viết, truyện kể dân gian càng nhiều tình tiết li kì hấp dẫn và hư cấu bao nhiêu thì càng cung cấp dữ liệu phong phú và kích thích sự sáng tạo của nhà văn bấy nhiêu. Nhận xét về điều này, tác giả Trần Thị An cho rằng: “trong quá trình phát triển của văn học dân tộc, truyền thuyết dân gian vừa có ý nghĩa kiến tạo những truyền thống tự sự sơ khởi vừa có giá trị nuôi dưỡng sáng tác cho các nhà văn ở nhiều giai đoạn” [1, tr.269]. Nhận xét này, thiết nghĩ cũng đúng với các hình thức truyện kể dân gian khác, trong đó có truyện kể dân gian về Hoàng Hoa Thám. Và đến lượt mình, những hư cấu, sáng tạo của văn chương hiện đại giúp kết nối, khơi gợi người đọc tìm về với lịch sử, với những truyền thuyết xa xưa.

2.3. Hoàng Hoa Thám trong lễ hội dân gian‌

Với tư cách là một “văn bản” (folklore), lễ hội dân gian do Hoàng Hoa Thám tổ chức và sau này là lễ hội tưởng niệm khi ông mới hy sinh có mối quan hệ rất mật thiết với truyền thuyết lịch sử và tín ngưỡng dân gian, “nhân vật của truyền thuyết lịch sử không chỉ sống trong lời kể mà còn sống trong cả những nghi lễ thờ cúng với những nghi thức, tập tục sinh động” [83, tr.75].

Trong tiểu luận tốt nghiệp đại học (đã nhắc ở trên), Nguyễn Thị Tâm nhận xét về lễ hội tưởng niệm Đề Thám như sau: “Lễ hội Yên Thế vốn không phải là một lễ hội cổ truyền từ xa xưa mà chỉ mới được tổ chức từ năm 1984. Nhưng lễ hội vẫn kế thừa và phát triển những nội dung, trò chơi,… từ lễ hội truyền thống cả trước và trong thời gian Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cuộc khởi nghĩa” [83, tr.79]. Để chứng minh cho quan điểm này, tác giả đã dẫn một số trò chơi và lễ hội ở Yên Thế (như hội Đình Kép, hội Đình Gia, hội Đình Hả) là cơ sở ban đầu của lễ hội Yên Thế. Sau đó tác giả mô tả sơ lược lễ hội “Cầu siêu” do Hoàng Hoa Thám tổ chức, và tập trung nhiều hơn ở việc thuật thời gian không gian, nội dung, các trò chơi trong lễ


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

hội Yên Thế, tuy nhiên không chỉ rò lễ hội thuộc loại nào, diễn ra thời điểm nào, do ai quan sát, ghi chép lại.

Từ thực tế điền dã lễ hội Yên Thế và nghiên cứu những công trình đi trước, chúng tôi cho rằng, trước hết, có nhiều cách phân loại lễ hội, tuỳ theo tiêu chí, như theo mùa, theo vùng, theo tộc người, theo địa điểm, và theo chủ đề. Dựa vào tiêu chí “chủ đề” thì có ba loại lễ hội: lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo, và lễ hội lịch sử [101, tr.57]. Như vậy lễ hội Yên Thế thuộc dạng thứ ba, song quá trình hình thành và phát triển lễ hội này lại cho thấy có sự đan xen giữa các loại lễ hội (mà dưới đây và ở chương 4 chúng tôi sẽ làm rõ). Chúng tôi cũng thấy cần tách biệt lễ hội này thành hai giai đoạn: lễ hội dân gian (thời điểm trước, trong khi Hoàng Hoa Thám đứng ra tổ chức cho đến khi ông mới mất) và lễ hội hiện đại (tính từ năm 1945, đặc biệt là dấu mốc 1984, khi lễ hội được chính thức đổi tên và có sự tham gia quản lí, tổ chức của chính quyền trung ương). Theo đó, ở chương này, chúng tôi sẽ khảo sát giai đoạn thứ nhất của Lễ hội Yên Thế - với tư cách là một văn bản thuộc folklore (và trong mối quan hệ với các hình thức folklore khác), còn giai đoạn thứ hai của lễ hội sẽ được khảo sát ở Chương 4 do có nhiều liên hệ với đời sống cộng đồng hiện nay.

Hoàng Hoa Thám, hiện thực lịch sử và những phiên bản văn chương - 9

Ghi chép của Bùi Văn Thành cho biết, ban đầu Lễ hội Yên Thế có nguồn gốc là Lễ hội Phồn Xương, là ngày hội mùa do dân các làng thuộc Thông Trung tổ chức, sau khi thu hoạch, vào khoảng cuối tháng Tám đầu tháng Chín âm lịch hàng năm tại đình Phồn Xương. Họ tự nguyện mang những nông sản thu hoạch được đến để tạ thần linh và cầu xin mùa vụ sau được bội thu. Lễ vật dâng cúng các thần linh của cư dân các thôn gồm có: bánh chưng, bánh dày, bánh rán, xôi, gà và lợn quay,.... Lễ xong, lễ vật được chia cho các thôn cùng hưởng gọi là "lộc thánh" với ước vọng năm sau dân làng các thôn xã đều làm ăn thịnh vượng, đời sống nhân dân được an lành.

Từ khi hòa hoãn lần hai với thực dân Pháp (năm 1897), lễ hội Phồn Xương được thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đứng ra tổ chức. Mục đích chính của Đề Thám là mượn lễ hội để thu hút nhân tài, nhân lực cho lực lượng của nghĩa quân Yên Thế.

Bùi Văn Thành cho biết, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám là người rất coi trọng việc thờ cúng, sùng bái Phật giáo, tin vào sự linh thiêng của đất trời nên quan hệ mật thiết với sư sãi trong các đình, chùa ở Yên Thế và vùng lân cận [53, tr.20-25].


Tương truyền, nhà Đề Thám cũng có bàn thờ Đức thánh Trần, bàn thờ Phật. Bà Ba giỏi bói nên mỗi khi làm nhà, mở hội, xây dựng đình chùa hoặc làm việc gì quan trọng, ông đều nhờ bà gieo quẻ chọn ngày lành tháng tốt [88, tr.380]. Vì vậy, lễ hội Phồn Xương thời kì Hoàng Hoa Thám làm chủ lễ được tổ chức với quy mô lớn và không gian rộng mở hơn trước rất nhiều. Thời gian chính của lễ hội vào các ngày từ 10 đến 15, 16 tháng Giêng, tại Phồn Xương - đại bản doanh của nghĩa quân.

Trong phần lễ, Hoàng Hoa Thám tổ chức thêm nhiều nghi lễ tâm linh như: lễ lập đàn cầu siêu cho vong hồn nhân dân quanh vùng, các nghĩa quân, tướng lĩnh tử trận, lễ phóng ngư thả điểu cầu an, thể hiện tinh thần quyết giành tự do độc lập của nghĩa quân và Hoàng Hoa Thám. Tại Phồn Xương, vào ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy hàng năm, Hoàng Hoa Thám tổ chức lễ hội chay cầu siêu cho vong linh các nghĩa sĩ hy sinh. Hành động nhân nghĩa này của ông được dân gian truyền tụng ca ngợi qua những câu vè:

Tháng Giêng sắp sửa hội hè

Quan Hoàng rang đỗ nấu chè làm chay [42, tr.279],

Tháng Giêng Kỷ Dậu-Duy Tân

Lại toan mở hội ân cần phô trương [99, tr.143],…

Nhà sưu tầm Bùi Văn Thành cung cấp thông tin chi tiết hơn: vào ngày này, Hoàng Hoa Thám cho đi đón hòa thượng và các vị sư ở chùa Bồ Đả về để chủ trì lễ cúng cầu siêu. Nghi lễ cúng tế diễn ra ở chùa Phồn Xương, lễ vật là hương hoa quả oản (lễ chay). Lễ có đám rước vong linh các nghĩa quân đã hy sinh, sau kiệu rước vong là đoàn người cầm cờ, súng và hương án. Hòa thượng được ngồi trên ngựa, một người phụ việc của Đề Thám cầm dây cương dắt ngựa, đi kèm theo hai người cầm lọng che hai bên. Đáng chú ý hơn, đám rước còn mang theo một lồng chim gồm các loài chim, một chậu cá gồm nhiều loại cá, một bè chuối 100 cây và 100 ngọn nến cắm trên đó. Đám rước được khởi hành từ miếu Âm hồn trong đồn Phồn Xương ra đình Phồn Xương rồi đi tới cống Cầu Gồ. Sau khi hòa thượng và các vị sư tụng kinh và cử hành những nghi thức lễ Phật, Đề Thám cho thả bè chuối đã đốt 100 ngọn nến xuống sông, ông tự tay thả chim lên trời, thả cá xuống nước cho chúng tự do. Sau đó đám rước quay về chùa, hòa thượng và các sư sãi niệm Phật giải oan cho các âm hồn [53,


tr.77]. Có thể nhận thấy khá dễ dàng ở nghi lễ cầu siêu này sự kết hợp các nghi thức truyền thống trong các ngày lễ tháng Giêng (cầu an), tháng Bảy (xá tội vong nhân) với mục đích cầu cúng đương thời của Hoàng Hoa Thám.

Bên cạnh đó, vị thủ lĩnh còn cho tổ chức nhiều hoạt động khác ở phần hội như hát tuồng, chèo, thi thổi cơm niêu, thi làm bánh, đánh cờ tướng, cờ người,… Đặc biệt, những màn biểu diễn và thi đấu vật, đấu vò, thi bắn súng, bắn cung, nỏ,… được tiếp nối từ truyền thống thượng võ và tinh thần chống ngoại xâm xa xưa1, đến thời lễ hội do Hoàng Hoa Thám chủ trì đã trở thành những màn trình diễn không thể thiếu vì nó gắn liền với không khí chiến sự đang diễn ra trên mảnh đất Yên Thế. Trong các màn võ thuật đó, bài võ sáo “Thiết địch thần phong” (cây sáo mạnh như gió thần) do Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân đã sáng tạo ra từ các bài võ vốn có trong vùng rừng núi Yên Thế là đáng chú ý hơn cả. Bởi nó là sự điều hoà tuyệt đẹp giữa võ thuật và nghệ thuật, giữa tinh thần thượng võ và sự lãng mạn muôn thủa của con người. Đương thời, võ sáo này được truyền dạy rộng rãi trong nghĩa quân lúc bấy giờ. Và chính nhờ các cuộc biểu diễn và tranh tài vật, võ trong lễ hội, Đề Thám đã phô trương thanh thế nghĩa quân, cũng như thu hút vào hàng ngũ lãnh đạo nhiều tướng giỏi, thu nạp và bổ sung thêm nhiều nghĩa quân vào đội quân tinh nhuệ phục vụ cho khởi nghĩa Yên Thế.

Ngoài ra, Đề Thám còn cho xây dựng quanh đồn Phồn Xương một số công trình như chùa Phồn Xương, miếu, đền âm hồn,… cho tô tượng, thờ Phật để tạo nên một thiết chế liên hoàn, khép kín của văn hóa tâm linh nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nghĩa quân và nhân dân trong vùng [53, tr.16-22].

Những hoạt động của Đề Thám được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, khiến cho quy mô lễ hội ngày càng mở rộng, thu hút cả nhân dân các vùng khác đến tham dự. Các làng, các thôn như Yên Thế, Cầu Khoai, thôn Thượng thuộc Thông Thượng (nay là Tam Hiệp), thôn Lèo, Mạc, Trung và các làng như làng Nứa cũng nấu cỗ và tổ chức đám rước kiệu về đình Phồn Xương. Việc làm của thủ lĩnh và không khí những lễ hội được dân gian miêu tả lại sinh động trong nhiều truyện kể. Cụ Tăng


1 Dư địa chí do Nguyễn Trãi viết từ thế kỷ XV đã ghi nhận “Tên nỏ của Yên Thế bắn trúng chỗ nào thì máu chảy vọt ra, một chốc thì chết. Tên tẩm thuốc độc được dùng vào chống giặc phương Bắc” [dẫn theo 53, tr.52].


Thị Đa kể lại: “Hằng năm cứ đến 12 tháng Giêng ta, cụ Thám lại cho mở hội Phồn Xương. Trong ngày này, cụ Thám cho mổ trâu, lợn để khao quân và dân trong vùng. Mỗi mâm có từ 10 đến 20 người ngồi ăn, người này ăn xong đứng dậy thì người khác chưa ăn lại ngồi xuống ăn tiếp. Trong ngày lễ hội quân cụ Thám về rất đông và mỗi người quân đều có đeo súng” [88, tr.376]. Dân gian cũng cho biết: Cụ Hoàng còn tổ chức các hội chay tưởng niệm các thủ lĩnh nghĩa quân và các vong hồn tử sĩ. Ngày mười hai tháng giêng hàng năm, đồn Phồn Xương tưng bừng trong những ngày hội thi làm cỗ, làm các loại bánh, thi đấu vật, thi vò, thi bắn,…Người khắp nơi về dự hội rất đông, không kể thành phần dân tộc. Cụ Hoàng còn cho đón cả gánh hát tuồng, hát chèo miền xuôi về dự hội. Cụ thích xem tuồng, diễn tích những anh hùng, những người yêu nước, yêu chính nghĩa. Tương truyền cụ Hoàng khi xem đến cảnh Hồ Xanh đánh mộc trong vở Hồ Xanh, Bảo Nghĩa thì rất vui thích, sẵn tráp tiền bên cạnh đổ thưởng tất cả [88, tr.375].

Có thể nói, ngày lễ hội Phồn Xương, thời Hoàng Hoa Thám hoạt động kháng Pháp, đã từ một nghi lễ nông nghiệp truyền thống của một địa bàn (Phồn Xương) trở thành một lễ hội đương đại vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa có mục đích chính trị, quân sự thiết thực cho vùng Yên Thế và có lẽ còn rộng hơn nữa. Lễ hội còn thực hiện mục đích lớn là tạo ra tinh thần đoàn kết, chuẩn bị lực lượng cả con người và vật chất cho cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám.

Năm 1913, khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám hy sinh, thiếu vắng người chủ xướng nhưng không vì thế mà lễ hội dừng hoạt động mà chỉ thu hẹp quy mô cho phù hợp với thực tiễn. Sự nghiệp chống Pháp can trường, hiển hách và cái chết còn những chi tiết chưa sáng tỏ của Đề Thám đã trở thành những giai thoại trộn lẫn hư thực. “Niềm tin” của dân gian lúc này được thể hiện một cách sinh động trong tín ngưỡng về người anh hùng. Cho rằng Đề Thám mất ngày 05 tháng Giêng âm lịch, nên lễ giỗ ông được tổ chức vào ngày này. Lễ hội Phồn Xương vì lẽ đó cũng được tổ chức ngày 05 tháng Giêng âm lịch, với quy mô nhỏ gọn, tập trung lễ Phật, Thần, giỗ Hoàng Hoa Thám mà không chú trọng phần hội [53, tr.22-23].


Tựu trung, lễ hội Phồn Xương - lễ hội dân gian của nhân dân xa xưa đến thời Hoàng Hoa Thám và dành cho Hoàng Hoa Thám là một “sáng tạo dân gian” đặc biệt. Bởi lẽ: 1/ So với những lễ hội thờ nhân vật hiển linh khác như Lễ hội Bà Chúa Kho, Lễ hội Bà Tơ hay hội Gióng,… lễ hội Phồn Xương trong quá trình phát triển có sự tham gia của chính nhân vật Hoàng Hoa Thám ở cả hai phương diện: vừa là người chủ lễ vừa là người (sau khi mất trở thành nhân vật hiển linh) được thờ phụng. Điều này dẫn đến việc kế thừa trọn vẹn hay hiện tượng lặp lại một số nghi lễ do chính Đề Thám đã thực hiện ở Lễ hội Phồn Xương trong nghi thức tế lễ ông tại Lễ hội Yên Thế sau này (chúng tôi làm rò ở chương 4); 2/ Lễ hội đã chuyển từ nghi thức tế lễ nông nghiệp cổ truyền (trước khi Hoàng Hoa Thám làm chủ tế) sang một nghi thức tế vong và cầu siêu chủ yếu cho nghĩa sĩ vùng Yên Thế (khi Hoàng Hoa Thám đứng tế), và kết hợp với mục đích tế linh hồn Hoàng Hoa Thám (sau khi Hoàng Hoa Thám qua đời); 3/ Lễ hội cũng không chỉ là không gian diễn xướng của truyện kể, thơ ca về Hoàng Hoa Thám mà còn là nơi lưu giữ, truyền tiếp những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của nhân dân, như những nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian, niềm tin vào tính chất thiêng của người anh hùng,… Cùng với truyện kể và thơ ca, lễ hội dân gian với những ứng biến linh hoạt về quy mô, hoạt động trong từng thời kì, từng hoàn cảnh để giữ được đức tin vào thần thiêng Hoàng Hoa Thám, đã góp phần tạo nên một diễn ngôn mạnh mẽ của dân gian đối lập với tiếng nói áp đặt của thực dân Pháp về người anh hùng Đề Thám.

* Tiểu kết:

Với hàng trăm phiên bản khác nhau, sáng tác dân gian về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo tập trung vào các hình thức: truyện kể, ca dao, câu đố, vè, … Có thể thấy, trong các phiên bản đó, truyện kể và vè chiếm số lượng nhiều hơn cả. Hình thức đó cũng tương ứng với phương thức sáng tạo thể loại: chất tự sự (kể chuyện, kể sự kiện, truyền thông tin…) đậm hơn chất trữ tình.

Ở truyện kể dân gian, vai trò của tác giả dân gian chủ yếu là kể và tả, sự cường điệu kết hợp với tưởng tượng và sử dụng yếu tố thần kì để lí giải hiện thực và tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Còn ở mảng dân dao (ca dao, câu đố, vè), các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, hư cấu, vần điệu, ngắt nhịp, ngôn ngữ,… cũng được vận dụng để thể hiện hai nội dung chính: 1/ thông tin về


nhân vật và sự kiện; 2/ tình cảm ngưỡng mộ đối với vị thủ lĩnh. Thêm nữa, hai đặc tính (ngôn ngữ có vần có nhịp với nguồn gốc dân dã, thể hiện những cung bậc tình cảm của người nghệ sĩ dân gian) đã khiến cho thơ ca dân gian cũng như các bài văn vần về thủ lĩnh Đề Thám không khô khan như sử liệu và hàm súc hơn các truyện kể dân gian. Nhằm thể hiện hai nội dung là cuộc khởi nghĩa Yên Thế và vị thủ lĩnh của nó là Hoàng Hoa Thám, như đã phân tích, các tác phẩm folklore sử dụng cả hai thao tác tả thực và hư cấu. Trong đó, miêu thuật và tự sự về các sự kiện, các tác giả chủ yếu dùng lối tả thực; còn để khắc họa ‘Ông Đề’ thì cả truyện kể và dân dao đều kết hợp cả hai.

Qua các sáng tác dân gian, cũng có thể nhận thấy, trong tiềm thức người dân, Hoàng Hoa Thám là một vị thủ lĩnh tài năng, khí phách và phẩm chất hơn người. Tính chất nhất phiến này là điểm tương đồng của hình ảnh này với nhân vật truyện kể dân gian nói chung. Bên cạnh đó, sự pha trộn hư-ảo, và việc sử dụng thủ pháp cường điệu cũng cho thấy người nghệ sĩ dân gian đã tuân thủ thi pháp folklore và hướng tới đối tượng thưởng thức là người bình dân. Tuy nhiên, nhiều chi tiết cụ thể, nhiều tình tiết lịch sử liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cũng như phần đời thường của nhân vật lại cho thấy những sáng tạo dân gian này ít nhiều đã bước vào thời hiện đại. Bởi đây là những sáng tạo có bối cảnh chiến trận, và diễn ra ở những năm cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX; hơn thế, khoảng cách thời gian xảy ra biến cố và thời gian tác phẩm dân gian hình thành, khoảng cách giữa thời điểm tác phẩm dân gian xuất hiện và thời điểm chúng được ghi chép lại (tức văn bản hóa) là không xa.

Có lẽ vì chất “thực” nói trên mà các sáng tác dân gian xung quanh nhân vật Hoàng Hoa Thám và nhà sử học đã gặp nhau ở nhiều điểm, như cùng quan tâm đến từng quãng đời của Đề Thám, những trận đánh lớn và chiến công của ông. Tuy nhiên, trong khi sử liệu cần đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan và quan tâm đến cái bề mặt của lịch sử thì dân gian lại phiếm chỉ, tưởng tượng, bộc lộ thái độ, tình cảm và quan tâm đến những thứ không thể bị phát hiện từ nguồn này1. Những "thứ" đó là nguồn gốc sức mạnh của Đề Thám, những độc thoại nội tâm của thủ lĩnh, chuyện tình cảm nam nữ, tình cảm của nhân dân với Đề Thám và ngược lại.



1 Chữ dùng của Tsubouchi Shoyo [93, tr.202].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022