lượng lớn rác thải sinh hoạt của người dân xung quanh, điều này không những làm giảm khả năng điều hòa không khí mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ô nhiễm nước thải: Quận Long Biên chưa có hệ thống thoát nước bẩn riêng mà thoát chung với nước mưa. Nhiều tuyến phố chưa có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống này đã quá cũ, không được nạo vét định kỳ nên ít phát huy tác dụng. Theo kết quả kiểm tra số điểm ngập úng thường xuyên của quận là 28 điểm, xảy ra ở cả 14/14 phường trên địa bàn. Do hiện tượng này, nhiều điểm nước cống ở dưới dồn lên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt nguồn nước thải từ các bệnh viện chứa nhiều chất bẩn và độc hại, hàm lượng chất hữu cơ BoD5 cao, chứa nhiều vi trùng gây bệnh. Hầu hết nước thải của hai bệnh viện, trung tâm y tế Hàng Không và các trạm y tế, phòng khám đều không quả xử lý, xả trực tiếp vào cống thoát nước, sau đó xảy ra sông, hồ. Đây là nguồn gây bệnh rất nguy hiểm. Bên cạnh đó là nước thải của trên 500 nhà nghỉ, khách sạn và hàng trăm cơ sở sản xuất trung tâm công nghiệp quy mô nhỏ thuộc sở hữu tư nhân, đổ ra một khối lượng nước thải khá lớn; nhiều xí nghiệp có chất thải độc hại cao xả trực tiếp vào hệ thống cống chung của quận sau đó được đưa vào sông Hồng và các sông, hồ khác.
Nước thải công nghiệp được đánh giá là vấn đề bức xúc nhất hiện nay, trong đó nước thải từ khu nhà máy xe lửa Gia Lâm, kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu khu vực 1…được đánh giá là gây ô nhiễm rất lớn, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Riêng nước thải khu công nghiệp Sài Đồng B, mặc dù chưa có đánh giá chính thức nhưng nguồn nước thải ở đây có thể mang theo các chất độc rất nguy nhiểm như: thủy ngân, phóng xạ… cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách chính xác, toàn diện.
Nguyên nhân của tình trạng trên là hầu hết các hộ sản xuất công nghiệp cá thể và một số doanh nghiệp chưa có ý thức chấp hành các quy định về môi trường, chưa quan tâm đến đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra hệ thống chung. Các khu công nghiệp tập trung vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, kể cả khu công nghiệp Sài Đồng. Một số doanh nghiệp tự thiết kế hệ thống xử lý chất thải, nhưng thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp khu công nghiệp Đức Giang có quy mô khá lớn
như may Đức Giang, gạch Thạch Bàn nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải hoặc hệ thống được thiết kế quá sơ sài, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Về môi trường không khí: Theo kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp thành phố: "Thực trạng và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các khu vực tập trung công nghiệp ở nội thành", thì nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu như CO2, SO2, NO2, nồng độ bụi lơ lửng (TSP) ngoài trời ở Hà Nội đều cao hơn so với tiêu chuẩn Việt Nam tới 3-4 lần. Cụ thể theo tiêu chuẩn của Việt Nam, thành phần bụi trong không khí không được quá 0,2mg/ m3, nhưng thực tế thì nồng độ bụi tại các quận Đống Đa và Long Biên là 0,8mg/ m3, Hoàng Mai: 0,72mg/ m3, Ba Đình và Hoàn Kiếm đều hơn 0,52mg/ m3. Từ đó có thể thấy, mức độ ô nhiễm không khí về bụi đang ở mức rất cao, nồng độ bụi trung bình trên địa bàn Quận gấp 4 lần mức độ cho phép, cao nhất trong số các quận nội thành và gấp trên 1,5 lần so với các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (nồng độ 0,52 mg/ m3).
Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm bụi hiện nay trên địa bàn là do các xe vận chuyển vật liệu xây dựng như đất thải, cát, xi măng, vôi…không đúng quy cách, bùn đất bám ở lốp, thành xe trở thành nguồn phát tán bụi. Thêm vào đó, các tụ điểm buôn bán vật liệu xây dựng không đủ điều kiện kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường, không che chắn vật liệu và thường xuyên sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi tập kết, vận chuyển và bốc dỡ cũng là tác nhân gây bụi trong quận. Tình trạng ô nhiễm bụi, không khí diễn ra rất bức xúc ở các tuyến đường Ngô Gia Tự thuộc đoạn quốc lộ 1 từ ngã ba Cầu Chui đến chân Cầu Đuống. Hàng ngày, đoạn đường này luôn bị ô nhiễm nặng vì bụi đất do các xe tải chở vật liệu xây dựng rời (cát đen) từ phía sông Hồng đi về khu đô thị mới Việt Hưng không che chắn để cát rơi xuống mặt đường. Việc phát triển và giữ gìn cây xanh không được quan tâm đúng mức, diện tích cây xanh bình quân đầu người trên địa bàn ngày càng giảm
do mật độ xây dựng và mật độ dân số ngày càng gia tăng. Trong khi diện tích công viên, vườn hoa và thể dục thể thao của các nước phát triển từ 15 - 20 m2/người thì chỉ tiêu này ở khu vực nội thị Hà Nội bình quân chỉ có 1,26 m2/người. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng của tình trạng ô nhiễm không khí.
Có thể bạn quan tâm!
- Quy Hoạch Phát Triển Ngành Công Nghiệp, Tiểu Thủ Công Nghiệp Và Xây
- Giá Trị Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Quận Long Biên [16]
- Về An Ninh, Quốc Phòng Và Trật Tự An Toàn Xã Hội
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Và Định Hướng Quy Hoạch Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Quận Long Biên
- Những Giải Pháp Chủ Yếu Nhằm Hoàn Thiện Quy Hoạch Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Quận Long Biên Đến Năm 2015
- Hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quận Long Biên, thành phố Hà Nội đến năm 2015 - 11
Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.
Để giữ gìn môi trường, Xí nghiệp Môi trường đô thị tổ chức thu gom vận chuyển và xử lý rác thải ở 4 phường Ngọc Lâm, Bồ Đề, Đức Giang, Sài Đồng. Hiện nay, đã có trên 90% rác thải sinh hoạt của nhân dân, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, trường học… trên địa bàn này được thu gom và vận chuyển đi, nhưng còn nhiều hộ gia đình, cơ quan, cơ sở sản xuất nhỏ vẫn đổ rác ra hồ, ao, thùng đấu, mương thoát nước, chân đê và những nơi công cộng khác gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường đô thị, cảnh quan đường phố. Phần còn lại được thu gom bởi những người thu gom đồng nát nhằm tái chế hoặc được thu gom qua các kỳ tổng vệ sinh.
Đối với các phường còn lại, do không có người thu gom gây mất vệ sinh trong các làng xóm, ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm trước kia đã chủ trương xây dựng làng xã xanh
- sạch - đẹp với mô hình tổ vệ sinh tự quản tại các địa phương, với hoạt động đặc trưng cơ bản là tự tổ chức thu gom và đổ phế thải ngay trên địa bàn phường. Kinh phí chi trả cho vệ sinh viên từ nguồn thu phí vệ sinh, tuy đã phát huy được kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều bất cập chưa được xử lý, đó là chưa cho điểm chôn lấp, xử lý rác thải, chưa có biện pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Người thu gom rác phần lớn có trình độ văn hóa thấp, không có người quản lý trực tiếp và không phải là lao động chuyên nghiệp nên đôi khi còn đổ rác đã thu gom vào chân đề, các ao gây ô nhiễm.
Đánh giá chung mức độ ô nhiễm của quận Long Biên được xếp vào loại trung bình của thành phố. So với quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, chất lượng môi trường Long Biên vẫn được xếp ở mức khá hơn, nhưng nếu so với các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy thì chất lượng môi trường Long Biên kém hơn. Mức độ ô nhiễm trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, cụ thể môi trường nước mặt của quận (gồm nước sông Đuống, sông Hồng và các hồ điều hòa) được đánh giá vào loại ô nhiễm nhẹ. Tình trạng ô nhiễm nước thải ở nhiều địa điểm là khá nặng. Chất lượng nước ngầm còn khá tốt nhưng đang có chiều hướng ô nhiễm vượt giới hạn cho phép nhiều lần, nhất là ở các khu vực có mật độ giao thông cao; các công trình xây dựng và các khu công nghiệp cũ. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm khói bụi trên địa bàn quận đang ở mức rất cao so với tiêu chuẩn và thuộc nhóm ô nhiễm bụi cao nhất thành phố. Về rác thải, tuy chưa ở mức trầm trọng nhưng vấn đề
rác thải đang được đặt ra cấp bách do khối lượng rác thải ngày càng gia tăng trong khi hiệu quả thực tế của việc thu gom, xử lý rác thải còn kém hiệu quả, chưa mang tính bền vững.
2.2.6. Công tác quản lý đô thị và nhà ở
Những năm qua, quận Long Biên đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm: quốc lộ 1, cồng Phù Đổng, Thanh Trì… Nhiều khu công nghiệp ra đời, các khu đô thị mới với quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật được triển khai đã tạo cho Long Biên một diện mạo mới đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, sức ép gia tăng cơ học về dân số, các vấn đề về xã hội và công tác quản lý đất đai, đô thị cũng nảy sinh hết sức phức tạp.
Về quản lý xây dựng đô thị: Công tác quản lý đô thị Long Biên đã phát huy được một số kết quả bước đầu, như cấp phép và quản lý trật tự xây dựng, đô thị theo phân cấp, có tiến bộ, giảm phiền hà cho nhân dân. Công tác kiểm tra xử lý vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công được tăng cường. Tuy nhiên, tỷ lệ các công trình xây dựng, nhất là xây dựng nhà ở không phép vẫn diễn ra tràn lan, chiếm đến 80% số công trình xây dựng. Các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp còn diễn ra và đang được xử lý, khắc phục như phường Giang Biên, Thượng Thanh, Bồ Đề.
Hệ thống chiếu sáng: Năm 2004, lắp đặt trên 1500 bóng đèn chiếu sáng cho trên 50 km đường giao thông ở các phường. Năm 2005, hoàn thành thực hiện dự án chiếu sáng đợt I là 134.022 km với 933 bộ bóng đèn tại 14 phường.
2.3. QUY Hoạch Phát Triển Hạ Tầng Kỹ Thuật
2.3.1. Hệ thống giao thông
- Về đường bộ: Long Biên có hệ thống giao thông trên mặt đê sông Hồng và đê sông Đuống, cùng với đường vành đai 3 chạy gần như bao quanh quận. Hệ thống đê chia quận thành khu vực trong đồng và ngoài bãi (gồm bãi sông Hồng và sông Đuống). Hệ thống đường quốc lộ gồm đoạn từ cầu Chương Dương đến cầu Đuống cùng với đoạn đường từ ngã ba Cầu Chui đến đường vành đai 3. Trục giao thông hình chữ T này đã và đang là trục
đô thị hóa trên địa bàn Quận. Ngoài hai hệ thống trên, khu vực thị trấn Gia Lâm cũ, khu vực Đức Giang, Thạch Bàn bước đầu hình thành mạng lưới giao thông đô thị. Tuy vậy hệ thống này còn chắp vá, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. ở các làng xóm cũ, các đường làng, ngõ xóm chưa được cải tạo theo hướng giao thông đô thị. Tổng chiều dài các tuyến đường bộ trên địa bàn quận là 323 km, đạt 5,35 km/ km2 (chỉ tiêu này của quận Hoàn Kiếm là hơn 14km/ km2).
- Đường sắt: Dọc quốc lộ 1 cũ và quốc lộ 5 có hai tuyến đường sắt đi Lạng Sơn và Hải Phòng. Đây là tuyến đường sắt liên tỉnh chạy qua quận Long Biên. Hai tuyến này hầu như chưa có vai trò tích cực trong giao thông nội đô.
- Đường thủy: Sông Hồng và sông Đuống là hai tuyến giao thông thủy quan trọng đối với quận Long Biên. Tuy nhiên, năng lực vận tải thủy của hai tuyến này đối với Long Biên còn hạn chế, do hệ thống cảng sông còn yếu kém.
- Đường không: Trên địa bàn quận Long Biên có cụm cảng hàng không Gia Lâm. Cụm này đóng vai trò giao thông đối ngoại cho cả khu vực, hầu như không có vai trò gì trong giao thông nội đô của quận.
2.3.2. Hệ thống cấp nước, thoát nước
Nguồn cấp nước ở quận có Nhà máy nước Gia Lâm, công suất 30.000 m3/ ngày đêm và trạm nước sân bay Gia Lâm có công suất 6.000 m3/ngày đêm, dự án nâng công suất nhà máy nước Gia Lâm lên 60.000 m3/ngày đêm đang được triển khai. Hiện nay đã có 8/14 phường được cấp nước sạch là Ngọc Lâm, Bồ Đề, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Gia Thụy, Phúc Đồng, Sài Đồng với 25.000 m3 nước/ngày đêm. Hiện đã có 2 phường có dự án đầu tư nước sạch là Ngọc Thụy, Thạch Bàn với giá trị dự án là 29 tỷ đồng, 1 phường đang lập dự án là Long Biên với giá trị 14 tỷ đồng. Như vậy, còn 3 phường chưa có dự án nước sạch gồm: Cự Khối, Giang Biên, Phúc Lợi.
Hệ thống thoát nước vẫn gồm các cống, rãnh, mương đất nhỏ giúp thoát nước từ các khu dân cư ra các mương tiêu liên phường hoặc thoát ra các hồ ao hiện có, sau đó thoát vào hệ thống mương tiêu nông nghiệp và đổ ra sông Cầu Bây. Nhưng hệ thống này xuống
cấp và không đảm bảo khả năng thoát nước. Hầu hết các tuyến mương thoát nước cho khu dân cư và mương nông nghiệp đều bị bồi lắng, có đáy mương cao, nhiều điểm bị co thắt, bị phủ bèo, cây dại gây cản trở dòng chảy. Các hồ điều hòa Tai Trâu, Công Viên, Cầu Tình, Sân Bay do có mực nước cao nên khả năng điều hòa nước rất hạn chế. Tuyến sông Cầu Bây mặt sông có nhiều bèo, việc thoát nước tự chảy của sông phụ thuộc vào mực nước hệ thống Bắc - Hưng - Hải tại cửa cống Xuân Thụy (khi mực nước hạ lưu cống Xuân Thụy > 2,8 m thì nước sẽ chảy ngược lại từ Bắc - Hưng - Hải vào sông Cầu Bây). Trên địa bàn quận chưa có hồ điều hòa kết hợp trạm bơm cưỡng bức, hầu hết hệ thống kênh dẫn chủ yếu là kênh đất.
Hiện nay quận có dự án trạm bơm tiêu Nam Đuống kết hợp tưới bãi sông Hồng theo Quyết định số 337/QĐ-UB ngày 27/2/1995 được xác định đặt tại thôn Tư Đình, phường Long Biên. Đến nay sau nhiều lần đổi tên dự án, thay đổi phương án thiết kế kỹ thuật, quy mô… dự án vẫn chưa được triển khai gây khó khăn rất lớn cho công tác thoát nước, đặc biệt là vào mùa mưa.
Hướng thoát nước và các lưu vực chính: Quận Long Biên được giới hạn bởi hai tuyến đê sông Hồng và sông Đuống với địa hình lòng máng được tạo bởi hai triền đê đó. Ranh giới giao cắt giữa hai triền đê đã tạo ra dòng chảy tự nhiên là sông Cầu Bây, chảy từ Tây - Bắc xuống Đông - Nam quận. Tiêu thoát nước theo hướng Tây - Bắc xuống Đông - Nam chảy xuôi tự nhiên của sông Cầu Bây đổ ra hệ thống thủy nông Bắc - Hưng - Hải qua cống Xuân Thụy.
Các công trình thoát nước chính: Là quận đang trong giai đoạn đầu của quá trình đô thị hóa, nên hệ thống thoát nước theo sông và mương lộ thiên còn phổ biến. Thoát nước của quận được triển khai theo hai trục chính: sông Cầu Bây và tuyến mương Nam đường
5. Sông Cầu Bây, đoạn từ cống Lâm Thịnh đến đập trại lợn dài 7.200 m. Đoạn này có chiều rộng từ 3-12 m có nhiều đoạn mặt cắt ngang chỉ còn trên dưới 3 m. Đoạn từ đập trại lợn đến sông Bắc-Hưng - Hải dài 5.800 m. Đoạn này tình trạng xâm lấn dòng chảy có phần ít nghiêm trọng hơn đoạn trên. Các mương thoát lộ thiên có 20 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 49.000 m [21]. Tuyến mương Nam đường 5 dài khoảng 5,5 km đang đảm nhận vai
trò là trục tiêu thoát nước chính cho phường Bồ Đề, Ngọc Lâm, một phần phường Long Biên và phường Phúc Đồng. Hệ thống cống ngầm, rãnh thoát nước có tổng chiều dài khoảng hơn 58.580 m. Trong đó, chủ yếu là các tuyến rãnh và trên 1.000 m cống dẫn ngầm với phi từ 0,6 đến 1 m. Phân bố các cống dẫn và rãnh thoát tập trung chủ yếu ở các phường đã có tỷ lệ đô thị hóa cao như: Phúc Đồng với 8380m, Đức Giang với 6.539 m, Sài Đồng với 4.041 m; 11 phường còn lại, mỗi phường chỉ có một vài ngàn mét cống và rãnh.
Hệ thống cống thoát và điều tiết thoát nước: Long Biên có các cống thoát quan trọng là cống chợ Ô Cách, cống Lâm Thịnh, cống Ga. Đây là 3 cống thoát chính từ các mương, rãnh thoát cho các phường ở lưu vực 3. Trên sông Cầu Bây có 4 cống điều tiết: cống Xuân Thụy với lưu lượng thoát 24 m3/s, thoát nước sông Cầu Bây ra hệ thống Bắc - Hưng - Hải; cống T4 và cống Gù là hai cống thoát cho các phường Đức Giang, Thượng Thanh, Việt Hưng, Giang Biên và một phần phường Gia Thụy, Phúc Đồng; cống Trại Lợn, cách cống qua đường 5 khoảng 1.000 m về phía hạ lưu. Ngoài ra tại nút cầu chui còn có trạm bơm công suất 450 m3/ha để giải quyết úng cục bộ tại nút Cầu Chui.
Hiện có trên 30 điểm thường bị ngập úng khi có mưa to. Nếu sau này, khi diện tích đồng ruộng không còn, tình trạng ngập úng sẽ còn tăng thêm. Nguyên nhân ngập úng ở các khu dân cư thôn xóm là do chưa có hệ thống cống rãnh được xây dựng bài bản, còn chắp vá, không đồng bộ. Hướng thoát vẫn theo truyền thống từ thôn đổ ra đồng ruộng, ao hồ, mương lộ thiên, trong khi đó các đáy mương ngày càng cao lên. Với các khu dân cư đô thị thì hệ thống cống rãnh chưa đồng bộ, đô thị hóa tự phát. Việc quản lý nhà nước về cốt nền nhà, đường và các công trình kiến trúc hầu như chưa được đặt ra.
2.3.3. Về phát triển đô thị
Quận Long Biên là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao (xét cả về tỷ lệ dân cư, tỷ lệ đất đô thị, giá trị sản xuất của các ngành kinh tế). Không gian kiến trúc của quận Long Biên được hình dung với các khu vực không gian chính như sau:
Các khu vực đô thị cũ thuộc Gia Lâm trước đây là khu vực nằm hai bên trục đường từ đầu cầu Long Biên và cầu Chương Dương lên Đông-Bắc (cầu Đuống). Hạt nhân của khu vực này là thị trấn Gia Lâm cũ, khu vực ngã ba Cầu Chui. Không gian đô thị ở đây
được phát triển tự phát bám theo hai bên đường giao thông. Nhà "hình ống"của dân cư bám sát hai bên đường, nên hầu như không có các tuyến phố gắn với không gian thoáng đãng, không có các điểm cây xanh sinh thái như kiểu các vườn hoa, công viên xen kẽ trong khu dân cư đã gây ra cảm giác bức bối, lộn xộn rất khó tổ chức giao thông hiện tại theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Khu vực nằm dọc theo đường 5 từ ngã ba Cầu Chui đến ngã tư đường 5 và đường vành đai 3. Quá trình đô thị hóa ở khu vực này cũng tự phát như khu vực nói trên. Đặc trưng về kiến trúc, về tổ chức giao thông ở đây cũng tương tự khu vực nói trên.
Các khu vực đô thị gắn liền với các cụm công nghiệp tập trung của huyện Gia Lâm trước đây, chủ yếu nằm trên địa bàn phường Đức Giang và Thạch Bàn. Đặc trưng về tổ chức không gian đô thị của khu vực này về cơ bản là nhà "hình ống" được xây dựng bám theo hai bên đường giao thông, có một số điểm dân cư nhỏ nằm xen với khu vực sản xuất công nghiệp.
Về tổ chức của hai cụm công nghiệp này được hình thành trong bối cảnh trước đây, xung quanh là đồng ruộng sản xuất nông nghiệp và mật độ dân cư còn thấp. Nay cả hai điều kiện đó đều đang diễn biến ngược lại, đất sản xuất nông nghiệp giảm nhanh, còn mật độ dân cư lại tăng nhanh cùng với sự gia tăng dân cư của toàn huyện.
Các khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung: Trên địa bàn quận Long Biên có khu công nghiệp Sài Đồng B, Đài Tư và Sài Đồng A. Trong đó hai khu Sài Đồng B và Đài Tư đã giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch. Khu Sài Đồng B đã xây dựng cơ sở hạ tầng được 48,5 ha và cho thuê gần hết số diện tích. Khu Đài Tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng xong trên cả 40 ha. Tuy được quy hoạch, song trước đây các nhà quy hoạch chưa lường trước được tình hình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, nên cả hai khu công nghiệp đã và đang bị đô thị hóa bao bọc xung quanh. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong tổ chức không gian đô thị khu dân cư và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần phải được định hướng khoa học. Riêng khu công nghiệp Sài Đồng A được quy hoạch với 407 ha từ năm 1997, nhưng đến nay diện tích đã giải phóng mặt bằng vẫn là số 0. Trong phạm vi ranh giới quy hoạch khu công nghiệp Sài Đồng A chủ yếu vẫn là diện tích đất sản xuất nông