Không Cho Phép Hoặc Cản Trở Thành Viên Trong Gia Đình Tham Gia Ý Kiến Vào Việc Sử Dụng Tài Sản Chung Của Gia Đình, Thực Hiện Các Hoạt Động Tạo Thu Nhập

Cũng do định kiến giới truyền thống nên trong các gia đình, phụ nữ thường gắn liền với trách nhiệm không thành văn liên quan đến chức năng sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục và tâm lý tình cảm, còn nam giới lại thường gắn với trách nhiệm là người thực hiện chức năng kinh tế của gia đình. Trên cơ sở trách nhiệm này, đã có không ít những đánh giá thiên lệch của một bộ phận xã hội về khả năng thực tế của phụ nữ và nam giới trong gia đình cũng như về khả năng thực hiện các vai trò khác của họ trong xã hội. Gánh nặng công việc, gánh nặng gia đình đã và đang ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt văn hóa của phụ nữ, hạn chế cơ hội của họ tham gia học tập nâng cao trình độ và công tác xã hội. Đây cũng là một trong những lý do hạn chế phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và trẻ em gái các gia đình khó khăn đi học, đồng thời cũng tạo ra áp lực cho một bộ phận nam giới khi họ không thể thực hiện tốt trách nhiệm là người thực hiện chức năng kinh tế gia đình. Thực tế này đã tạo áp lực cho cả vợ và chồng dẫn đến nhiều hệ lụy mà hậu quả nặng nề cả hai phải gánh chịu, nhưng tổn thương tinh thần nhiều nhất vẫn thường là phụ nữ.

Bằng quy định trong Điều 16“công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã khắc phục một phần tồn tại nêu trên. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng khi ly hôn là chủ yếu, chưa được thể hiện rõ ràng trong các chế định khác, nhất là khi hôn nhân còn đang tồn tại. Điều này cho thấy sự nhìn nhận về vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình vẫn còn mờ nhạt, mặc dù trong thực tế họ có đóng góp rất lớn và quan trọng việc làm ra kinh tế gia đình. Việc pháp luật quy định không rõ ràng cùng với ảnh hưởng của tâm lý, tập quán truyền thống đã dẫn tới thái độ tự ti của một bộ phận không nhỏ phụ nữ, từ đó làm cho bộ phận phụ nữ này quan niệm rằng phụ nữ sinh ra đã gắn với thiên chức nội trợ gia đình và chăm sóc con cái. Đây cũng là nguyên cớ để củng cố thêm

sự khắt khe của dư luận xã hội đối với người phụ nữ, biểu hiện rõ hơn cách nhìn nhận và suy nghĩ của cộng đồng về vai trò của vợ - chồng trong gia đình là "nam hướng ngoại", "nữ hướng nội".

Pháp Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay đã có quy định về việc tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của vợ, chồng. Tuy nhiên, để bảo đảm quy định tiến bộ này có tính khả thi thì ngoài Luật Hôn nhân và gia đình thì cần phải có những giải pháp về pháp lý, chính sách xã hội, giáo dục phù hợp để tạo điều kiện cho vợ, chồng duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội khác ngoài quan hệ gia đình với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn và những người khác trong xã hội. Thực tế có không ít một bên vợ, chồng (đặc biệt là người chồng), do ích kỷ cá nhân hoặc có thái độ phân biệt đối xử mà đã có những hành vi hạn chế hoặc ngăn cấm vợ hoặc chồng mình tham gia hoặc giảm bớt các hoạt động, giao lưu xã hội. Bất cập này đã làm cho không ít một bên vợ, chồng bị bạn đời cô lập trong môi trường hẹp, ít giao tiếp xã hội và khó duy trì tình cảm với người thân thích, ruột thịt của mình mà thực tế đã chứng minh phần đông phụ nữ đã và đang là nạn nhân.

Ngoài ra, thực tế tài sản, thu nhập của phụ nữ nhìn chung thấp hơn so với nam giới đã tác động không nhỏ tới tiếng nói của họ trong gia đình và không ít người đã bị mất quyền nuôi con, nơi cư trú… thậm chí trắng tay khi gia đình ly tán. Thực tiễn này đòi hỏi cần có các biện pháp tích cực hơn nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

Thứ tư, vấn đề tâm, sinh lý vợ chồng được xem là khía cạnh tế nhị nên pháp luật về hôn nhân gia đình hiện hành chỉ đề cập dưới dạng quy định về tình nghĩa vợ chồng, trong đó đề cập đến sự chung thủy của vợ chồng. Thực tế đã chứng minh do đặc điểm tự nhiên, ngoài khả năng sinh sản không giống nhau, phụ nữ và nam giới có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc, cơ địa và

một số chức năng cơ thể, nhưng cũng xuất hiện rất nhiều khác biệt ngay trên điểm tương đồng bắt nguồn từ giới tính thực tế của mỗi người. Sự thủy chung, tôn trọng, chia sẻ và hợp tác giữa vợ và chồng chỉ có được khi cả hai cùng thấu hiểu, lắng nghe, chấp nhận những khác biệt không do mình tạo ra và cùng chung sức, đồng lòng để thực hiện các hoạt động phục vụ lợi ích chung của gia đình thì những bất đồng về tâm, sinh lý vợ chồng mới không xảy ra. Cùng với việc mang thai, sinh từ 1-2 con, lại là người chủ yếu chăm sóc con, làm các công việc trong gia đình nên sức khoẻ của phụ nữ đã yếu lại càng bị suy giảm hơn khi tiếp tục là người gánh vác chính trách nhiệm kế hoạch hoá gia đình, dẫn đến tình trạng một bộ phận phụ nữ bị suy dinh dưỡng trường diễn, phụ nữ mang thai thiếu máu, thiếu sắt chiếm tỉ lệ rất cao. Thực tế này đòi hỏi các quy định của pháp luật phải chặt chẽ, cụ thể hơn để nam giới cùng chia sẻ với phụ nữ những công việc trong gia đình và trách nhiệm kế hoạch hoá gia đình mới có thể cải thiện tốt tình trạng sức khoẻ cho phụ nữ và thế hệ tương lai.

Thứ năm, ứng xử giữa cha mẹ và con đã được pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành quy định, như về quyền và trách nhiệm của cha mẹ với con, con với cha mẹ, đại diện và xử lý những vấn đề do con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có năng lực hành vi dân sự gây ra… Mặc dù vậy, pháp luật vẫn chưa có quy định rõ về ứng xử giữa cha mẹ và con theo nguyên tắc bình đẳng giới, dẫn đến thực tế do không vượt qua được định kiến về việc có con trai nên hiện tượng sinh thêm con ngoài quy định pháp luật, chọn lọc giới tính thai nhi, chia tài sản không công bằng cho con trai, con gái… đã để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Quan hệ cha mẹ và con là quan hệ thứ bậc, sẽ không có bình đẳng giữa các bậc với nhau, nhưng cách ứng xử giữa bậc trên với bậc dưới sẽ phải luôn luôn dựa trên nguyên tắc bình đẳng, trong đó nếu có con trai và gái thì phải quan tâm đến nguyên tắc bình

đẳng giới. Trẻ em trong mỗi gia đình là con của cặp vợ chồng đã sinh ra, nhưng là công dân của đất nước, do đó ứng xử của cha mẹ với con cần phải được xác định rõ khía cạnh “quyền lực” của cha mẹ trong mối quan hệ với việc bảo đảm quyền công dân của các con để tránh hiện tượng “con tôi đẻ ra tôi đánh”, “con tôi tôi muốn ứng xử như thế nào là quyền của tôi”… Khi có các quy định giải quyết vấn đề này cũng sẽ là cơ sở để thay đổi và làm tăng nhận thức tốt của cộng đồng, xã hội về ứng xử trong giáo dục trẻ em theo hướng “roi vọt không làm trẻ nên người, lời nói yêu thương làm nên tất cả”. Tương tự, ứng xử giữa ông bà và cháu cũng pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định nhưng lại chưa có quy định về ứng xử của ông bà dựa trên giới tính thực tế của cháu. Thực tế đã chứng minh nhiều cặp vợ chồng trẻ quyết tâm sinh bằng được con trai (gia đình theo chế độ phụ hệ) hoặc sinh bằng được con gái (gia đình theo chế độ mẫu hệ) không phải do nhận thức của họ mà do yêu cầu của thế hệ đi trước, nhất là tác động từ cha mẹ của họ do ông bà mong có cháu trai, cháu gái để nối dõi hoặc để thực hiện những tâm nguyện cụ thể khác đã được quy định mang tính truyền thống của dòng họ về giới tính của cháu.

Các quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự hiện vẫn chưa xác định cụ thể những hành vi nào là hành vi vi phạm quyền bình đẳng giới, đối với vi phạm về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, tuy vấn đề này đã được Luật Bình đẳng giới xác định cụ thể tại Điều 41, bao gồm:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

“1. Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

2. Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.

Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 11

3. Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới

tính.

4. Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học

vì lý do giới tính.

5. Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.”

Các hành vi nêu trên rõ ràng là đã xâm phạm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể và mang tính liệt kê như thế này đã không bao quát hết tất cả các hành vi vi phạm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình. Ngoài ra, các hành vi được quy định chủ yếu là vi phạm quyền bình đẳng giới trong quan hệ gia đình, còn đối với quan hệ hôn nhân dường như bỏ ngỏ, chẳng hạn như hành vi áp đặt đối với việc kết hôn mà có sự phân biệt giới như cha mẹ cho phép con trai được tùy chọn người kết hôn nhưng lại tìm đủ mọi cách để ép buộc con gái phải kết hôn với người mà mình chỉ định.

Như vậy, mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã lần lượt ra đời, nhưng tình trạng phân biệt đối xử giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại trong mỗi gia đình cũng như ngoài xã hội.. Chính vì thế, chúng ta cần phải có các giải pháp cụ thể để nâng cao bình đẳng giới trong gia đình hiện nay.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Trong Chương 2, tác giả đã đi sâu phân tích các quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, thực trạng pháp luật về bình đẳng giới thông qua việc phân tích lịch sử hình thành, phát triển

của hệ thống pháp luật về bình đẳng giới. Đối với mỗi khía cạnh, tác giả đã đi sâu phân tích những kết quả đã đạt được cũng như chỉ ra những khó khăn, hạn chế đã gây ảnh hưởng đến thực tiễn áp dụng của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Qua đó cho thấy, việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình là một yêu cầu cấp thiết. Vì vậy cần có các phương hướng và giải pháp để hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

.

Chương 3

QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ

GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Từ những phân tích ở hai chương trên, có thể thấy, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng là yêu cầu tất yếu và cấp thiết ở nước ta. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân chính là pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình còn có nhiều hạn chế, bất cập.

3.1. Quan điểm về hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình

3.1.1. Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình

Nền tảng chính trị, nền tảng pháp lý Việt Nam được vận hành trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc Việt Nam. Theo Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối đối với Nhà nước và xã hội .

Vai trò của phụ nữ trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã được khẳng định qua các thành tựu lịch sử của dân tộc ta. Mặc dù là đối tượng thiệt thòi trong chế độ phong kiến, chịu nhiều tầng xiềng xích nhưng chính phụ nữ là người sản sinh và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, đã có nhiều vị anh hùng là nữ giới đứng lên lãnh đạo, góp sức cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc như Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu…Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nói đến phụ nữ là nói đến phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải

phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” [32, tràn 432]. Người khẳng định: “phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trong quyền lợi của phụ nữ” [33, trang 225]. Trong Di chúc trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ cho ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ” [34, trang 504]. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện từ luận cương chính trị 1930 của Đảng về“Nam nữ bình quyền”. Để phụ nữ có thể tham gia công cuộc xây dựng nhà nước, để nói lên tiếng nói góp phần quyết định sự tiến bộ của phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới…”, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “phụ nữ lại càng phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử” [31, trang 36- 37]. Như vậy, đấu tranh giải phóng phụ nữ, đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ song hành cùng với cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Theo Người, dù ở đâu, bất kỳ lĩnh vực nào, phụ nữ cũng cần phải được bình quyền với nam giới, đó là sự bình đẳng mang tính thực chất, không thiên vị. Người cũng rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Người cho rằng bình đẳng giới trong lĩnh vực này là bước đi tất yếu và đầu tiên trong giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền. Không có bình đẳng giới trong lĩnh vực này sẽ khó có bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác, không có bình đẳng giới trong lĩnh vực hôn nhân gia đình phụ nữ không thể tham gia lao động bình đẳng với nam giới, không thể tham gia chính trị như nam giới…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/11/2023