Chính tinh thần dân chủ, tiến bộ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động được phụ nữ ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tập hợp được rộng rãi quần chúng thông qua tuyên ngôn vị trí bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong các luận cương, cương lĩnh và đường lối, chính sách của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hoà bình và thống nhất đất nước năm 1975, sự khởi sắc và phát triển của đất nước Việt Nam trong những năm của thời kỳ đổi mới là những mốc lịch sử minh chứng về sự đóng góp, cống hiến vô cùng to lớn của các tầng lớp phụ nữ vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước.
Xuất phát từ quan điểm luôn tôn trọng phụ nữ và bảo vệ phụ nữ, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ. Đặc biệt, Đảng đã có các Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề về công tác phụ nữ, trong đó có đề cập đến vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình như Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 Của Bộ Chính trị khoá VII “về đổi mới và tăng cường công tác vận đông phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 29/9/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII “về thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị: về đổi mới và tăng cường công tác vận đông phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII “về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”…
Báo cáo chính trị của Đại hội VIII khẳng định: “Đối với phụ nữ, xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2000. Đặc biêt coi trọng việc đào tạo nghề, giúp đỡ chị em có việc làm, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em. Quan tâm phát triển Đảng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các cấp,
các ngành” [17, trang 125]. Tiếp đến, trong Văn kiện Đại hội IX tiếp tục khẳng định và nêu cụ thể hơn: Đối với phụ nữ thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành; chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc [20, trang 126]. Đến Đại hội X, vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ đã trở thành vấn đề trọng tâm, Đại hội đã xác định: Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ [21, trang 120].
Như vậy, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta ngay từ đầu xác định cần phải đấu tranh, bảo đảm và phát huy quyền bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới cho phụ nữ là yếu tố song hành cùng với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Là một bộ phận của pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải được hoàn thiện trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng.
3.1.2. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và không ngừng nâng cao năng lực, kỹ thuật lập pháp trong hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình
Trong những năm qua, thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy pháp luật không thể có hiệu lực và hiệu quả khi không có tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và được xây dựng với kỹ thuật lập pháp cao. Điều này có nghĩa là khi mà bộ phận cấu thành nên pháp luật thiếu tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện, kỹ thuật văn bản và còn có những quy định mâu thuẫn thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện pháp luật. Vì vậy, muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật cho từng lĩnh vực cụ thể thì không thể chỉ chú ý đến việc hoàn thiện từng bộ phận pháp luật mà phải chú ý đến mối liên hệ, tính hệ thống giữa các bộ phận đó. Ngược lại, để bảo đảm tính hệ thống, khi hoàn thiện từng bộ phận của pháp luật phải đặt nó trong tổng thể các yêu cầu khách quan, mục tiêu, phương hướng hoàn thiện pháp luật. Do pháp luật bình đẳng giới là đặc thù, là bộ phận của pháp luật nói chung, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình lại là một bộ phận đặc thù của pháp luật bình đẳng giới nên trong mối tương quan này, việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới phải được đặc trong chỉnh thể thống nhất hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hoàn thiện hệ thống pháp luật bình đẳng giới nói riêng.
Về tính thống nhất, khi hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải đảm bảo các quy định pháp luật này không mâu thuẫn, chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, sự phối hợp tác động điều chỉnh quy định theo một chiều hướng nhất định và sự thống nhất giữa nội dung với đối tượng phản ánh, tức là các quan hệ kinh tế, xã hội hiện thực, nhằm bảo đảm giá trị thực tế của hệ thống pháp luật bình đẳng giới. Cùng với đó, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải đặt trong mối tương quan
chung về hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoàn thiện pháp luật bình đẳng giới. Việc hoàn thiện phải đồng bộ, thống nhất với nhau, cùng một nhịp thay đổi, cùng một nhịp phát triển.
Khi hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải xác định cụ thể, đầy đủ phạm vi tác động và các quan hệ xã hội cụ thể mà pháp luật này tác động. Đặc biệt là các phạm vi còn thiếu, các quan hệ xã hội chưa điều chỉnh hoặc sẽ phát sinh cần phải có những quy định, những dự tính hoặc những sửa đổi, bổ sung kịp thời để điều chỉnh bằng pháp luật các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Quy Định Của Pháp Luật Về Bình Đẳng Giới Trong Lĩnh Vực Hôn Nhân Và Gia Đình
- Hạn Chế Và Bất Cập Của Pháp Luật Về Bình Đẳng Giới Trong Lĩnh Vực Hôn Nhân Và Gia Đình
- Không Cho Phép Hoặc Cản Trở Thành Viên Trong Gia Đình Tham Gia Ý Kiến Vào Việc Sử Dụng Tài Sản Chung Của Gia Đình, Thực Hiện Các Hoạt Động Tạo Thu Nhập
- Sửa Đổi, Bổ Sung Một Số Quy Định Trong Pháp Luật Hiện Hành Về Bình Đẳng Giới Trong Lĩnh Vực Dân Sự, Hôn Nhân Và Gia Đình
- Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 14
- Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 15
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Về kỹ thuật lập pháp, trong xây dựng pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải áp dụng kỹ thuật lập pháp tiên tiến... Thực tế cho thấy kỹ thuật, trình độ lập pháp của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, vì vậy cần tăng cường nghiên cứu học tập kinh nghiệm lập pháp của các nước có trình độ lập pháp phát triển. Đó là xét về tổng thể, còn trong việc xây dựng pháp luật về bình đẳng giới nói chung, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng, rất nên học tập kinh nghiệm lập pháp của một số nước có thành tích cao trong lĩnh vực này, cụ thể như các nước Bắc Âu.
3.1.3. Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải bảo đảm phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia
Việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới không chỉ là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà còn là nhu cầu tự thân của xã hội, là đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế. Nhu cầu tham gia các tổ chức quốc tế, các công ước quốc tế mang tính toàn cầu, khi đó sẽ kéo theo nhu cầu hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của
khu vực và quốc tế nói chung và của quốc gia nói riêng trong bối cảnh hội nhập và mở cửa. Đáp ứng các chuẩn mực quốc tế là nghĩa vụ của các quốc gia khi tham gia sân chơi toàn cầu, vì vậy, pháp luật Việt Nam phải ngày càng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế nói chung, quyền bình đẳng giới nói riêng, trong đó có quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình không chỉ đơn thuần là việc sửa chữa, chỉnh lý văn bản trên cơ sở pháp luật quốc tế, và càng không phải sao chép hoàn toàn pháp luật quốc tế, mà thực chất là phải dựa trên những nội dung và nguyên tắc của pháp luật quốc tế để từ đó có sự so sánh, lựa chọn những quy phạm nào phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá; những quy phạm pháp luật nào khắc phục được sự khác biệt về truyền thống, phong tục tập quán, khác biệt về chế độ chính trị giữa các nước. Bình đẳng giới hiện nay là vấn đề mang tính toàn cầu, vì vậy việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung và pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng đòi hỏi phải có sự lựa chọn phương thức hội nhập riêng, sáng tạo tránh rập khuôn, máy móc và không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, với trình độ dân trí.
Trong quan hệ quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã cam kết tôn trọng và đảm bảo thực thi các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền bình đẳng giới và quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, trong đó có hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá năm 1966, và đặc biệt là Công ước về quyền trẻ em năm 1989 và Công ước về xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979. Điều 2 của CEDAW quy định quyền bình đẳng giới như sau: “...Đưa
nguyên tắc bình đẳng giữa nam nữ vào Hiến pháp nước họ hoặc vào các văn bản pháp lý thích hợp khác nếu chưa đưa vào các văn bản thực hiện các nguyên tắc này trong thực tế bằng pháp luật và các biện pháp thích hợp khác.
Thông qua biện pháp pháp luật và các biện pháp thích hợp khác, kể cả trừng phạt trong những trường hợp cần thiết nhằm cấm mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ.
Tổ chức về mặt luật pháp các quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới và thông qua các Toà án quốc gia có thẩm quyền và các cơ quan nhà nước khác bảo đảm việc bảo vệ phụ nữ một cách có hiệu quả chống lại mọi hành động phân biệt đối xử...”.
Với tư cách là thành viên Công ước CEDAW, nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan đến việc thực thi quyền bình đẳng giới nói chung, quyền bình đẳng của phụ nữ trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới, không chỉ thuần tuý nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhằm cụ thể hoá quyền hiến định về bình đẳng nam nữ được Hiến pháp Việt Nam công nhận, mà còn là một việc cần phải làm là một nghĩa vụ pháp lý của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Việc xây dựng một hệ thống pháp luật trong nước hoàn chỉnh cần chú ý đến việc nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết cũng như các thông lệ quốc tế, nhất là Công ước CEDAW. Cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bình đẳng giới của các nước và các tổ chức quốc tế, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật trong nước, phù hợp với tình hình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây là những việc làm cần thiết để hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
3.1.4. Phát huy dân chủ trong hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình
Bản chất nhà nước và pháp luật của Việt Nam là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Pháp luật ban hành trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của nhân dân để đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội, nhu cầu của nhân dân, đem lại và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Pháp luật nước ta không thể hiện ý chí của một nhóm người nào mà là ý chí của toàn dân, là tiếng nói của nhân dân, là sự làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cũng là sự thể hiện ý chí của nhân dân, là việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc xây dựng pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải có tiếng nói của tất cả các đối tượng nhân dân không chỉ tham gia với tư cách góp ý luật mà phải tham gia ở giai đoạn xây dựng và thực thi nhằm xoá bỏ hoặc giảm thiểu khoảng cách giữa “pháp luật trên văn bản” và “pháp luật trên thực tế”. Điều này có nghĩa là mỗi dự thảo bộ luật hay văn bản dưới luật nói chung và văn bản pháp luật quy định về bình đẳng giới nói riêng, khi xây dựng, mọi người dân phải biết đến, được đóng góp ý kiến ngay từ quá trình soạn thảo luật để ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với quyền và lợi ích của mọi người.
Như vậy, tất cả các khâu của quá trình soạn thảo, ban hành cho đến thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải phát huy dân chủ. Cần phải huy động tài lực, trí lực của mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
Trong những năm qua, việc đóng góp cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng đã huy động được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ phía nhân dân, làm dân chủ hóa việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, các hình thức phát huy dân chủ trong hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng vẫn còn nhiều bất cập như cơ chế tiếp thu ý kiến còn mang tính chủ quan, việc tiếp cận đóng góp ý kiến của nhân dân đối với các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác còn nhiều hạn chế, đặc biệt là sự hạn chế về tin học và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin là trở ngại lớn nhất… Chính vì vậy, trong thời gian tới, đối với dự án luật, trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần triển khai lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến ngay tại xã, phường, thị trấn. Tiến tới, chúng ta cần phải tin học hóa, việc đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật cần bố trí các máy tính có kết nối và tạo điểm truy cập ngay tại cấp xã để nhân dân thuận tiện trong việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật.
3.2. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình
3.2.1. Rà soát, hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình thì việc rà soát, hệ thống hoá các quy định của pháp luật bình đẳng giới trong các lĩnh vực này hiện nay là một công việc hết sức cần thiết và không thể thiếu. Một hệ thống pháp luật muốn phát huy tốt hiệu lực thì không thể không coi trọng công tác rà soát và hệ thống các văn bản hiện có.