Khó Khăn, Vướng Mắc Trong Quá Trình Quản Lý Hoạt Động Bán Hàng Đa Cấp Tại Việt Nam

Hưng Thời Đại (43-43A Bình Phú, phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) bán với giá 3,6 triệu đồng; một áo lót có hạt nano thì là 1.8 triệu đồng (trong khi giá gốc thấp hơn rất nhiều lần). Đây là những sản phẩm có giá mềm nhất trong số những sản phẩm được kinh doanh tại đây [55]. Trường hợp công ty TNHH Lô Hội thì bán hàng cao hơn giá gốc cả trăm lần. Ví dụ: sản phẩm Sonya Mascara của Canada giá vốn chỉ có 14.834 đồng nhưng Lô Hội bán sỉ tới 171.000 đồng (gấp hơn 11 lần) và bán lẻ 244.000 đồng (gấp 15 lần) [20].

Với tâm lý của người bệnh là dùng sản phẩm xịn, đã mất tiền thì bệnh sẽ khỏi, nên dù không có tác dụng chữa bệnh nhưng khi dùng TPCN, người bệnh vẫn cảm thấy mình khỏe hơn mỗi ngày, khiến cho những lời thổi phồng của doanh nghiệp lại càng có cơ hội được chia sẻ rộng rãi. Việc này gây ra tác hại cực lớn cho người sử dụng. Các vụ việc gần đây gây xôn xao dư luận chúng ta có thể kể đến như: uống TPCN của Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam bị lột da lưng [34], hay tình trạng mệt mỏi, ngủ li bì, trí nhớ giảm, mắt mờ, thở dốc… của NTD khi sử dụng TPCN viên uống Canxi của AMWAY. Liên quan đến vấn đề này GS.TSKH Hoàng Tích Huyền (nguyên chủ nhiệm Bộ môn Dược lý - Trường Đại học Y Hà Nội) kết luận: “Thuốc, TPCN có hàm lượng tri thức ở trong đó do vậy phải có những người am hiểu có tri thức vì nếu dùng bừa nguy hiểm sức khỏe con người” [22].

Lợi nhuận theo mô hình nhị phân

Theo thông tin từ người tham gia mạng lưới muaban24, khi tham gia hệ thống và mời được nhiều người tham gia dưới mình, người mua sẽ được hưởng lợi nhuận theo sơ đồ “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”. Cụ thể, mỗi người tham gia sẽ có hai nhánh, từ hai nhánh này phát triển thành các nhánh con, ở giữa có đường kẻ dọc gọi là trục đối xứng, nếu mỗi bên phát triển được 99 gian hàng sẽ đạt 198 gian hàng trở thành VIP. Thành viên VIP có thu nhập 111,680 triệu đồng/tháng. Sau cấp đó là VIP lãnh đạo, phó giám đốc, giám đốc, giám đốc kim cương… thu nhập cấp càng cao sẽ còn nhân lên nữa. Cụ thể, nếu giới thiệu hai người tham gia sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người (trích từ số tiền 5,2 triệu đồng/người nộp khi mua gian hàng), nếu mỗi chân mời thêm hai người vẫn sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người, mỗi cặp mời thêm 2

người nữa, mỗi đối xứng đó được thêm 320.000 đồng/người. Cụ thể, mỗi VIP được thưởng từ 198 người dưới cấp, tương đương 99 cặp đối xứng, nhân với khoản thưởng

320.000 đồng/người là 31,68 triệu đồng cộng thêm một tài khoản 80 triệu đồng tại ngân hàng. Chính những người tham gia khẳng định, người bỏ không tham gia sẽ không được hoàn tiền mua gian hàng, vì đã được ăn chia dựa vào số tiền hoa hồng khi giới thiệu và một phần trừ vào “phí duy trì dịch vụ của công ty và trả cho các thành viên VIP”. Cụ thể, 10% của 5,2 triệu tương ứng 520.000 đồng văn phòng công ty sẽ thu, 3% phí đào tạo, 87% còn lại thưởng cho người có công xây dựng chợ giao dịch (thực chất là những người đứng đầu hệ thống) [18].

Hành vi BHĐC vi phạm từ phía người tham gia mạng lưới BHĐC

Các hành vi vi phạm pháp luật BHĐC phổ biến từ phía NPP bao gồm:

Yêu cầu người tham phải đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia vào mạng lưới. Đây là hành vi rất phổ biến được người tham gia áp dụng để trục lợi từ những người mới tham gia. Ví dụ: để tham gia vào hệ thống BHĐC của công ty Lô Hội, người tham gia phải đóng 7 triệu đồng [77]. Các sản phẩm của công ty TNHH Lô Hội (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… ) phần nhiều còn xa lạ và đắt đỏ với đời sống của người dân nên việc những người mới bán được nhiều hàng là điều gần như không thể. Cách tốt nhất để những người mới tham gia mới có thể có đủ số tiền đặt cọc, hay hoàn lại số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm là dụ dỗ, lôi kéo thêm càng nhiều người tham gia càng tốt để hưởng hoa hồng. Tuy việc lôi kéo người khác tham gia vào chuỗi lừa đảo này là hành vi bất chính, nhưng chính hoàn cảnh khách quan đã buộc những NPP này phải thực hiện. Vô tình người mới đã tiếp tay cho những hành vi bất chính của công ty khiến cho mạng lưới ngày một mở rộng theo cấp số nhân, tiền kiếm được chưa thấy đâu họ đã phải đau đầu kiếm tiền để trả nợ đặt cọc. Hành vi của họ vừa đáng trách nhưng cũng có phần cần được cảm thông từ cộng đồng.

Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của người tham gia bán hàng đa cấp. Đây cũng là hành vi rất phổ biến của những người tham gia BHĐC. Tác giả đã vào tận nơi đào tạo của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tại trụ sở (15 ngõ 251 phương Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) để lấy thông tin

và thấy rằng người tham gia tiềm năng sẽ được NPP của công ty giới thiệu về cơ hội kiếm tiền rất tốt để lôi kéo người tham gia. Những người tham gia tiềm năng sẽ được tiếp xúc với những người được giới thiệu với chức danh rất cao trong công ty, với địa vị xã hội cao và với thu nhập ở mức rất cao, có thể là lên đến 100 triệu VNĐ/tháng. Những thông tin này không hề được kiểm chứng.

Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hóa. Các doanh nghiệp BHĐC có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác cho NPP của mình về tính năng, công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, việc NPP sẽ gửi đến NTD những thông tin gì thì phần lớn doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Đây chính là lí do tại sao, các sản phẩm của các doanh nghiệp BHĐC qua kênh phân phối trực tiếp của người tham gia đã trở nên khác biệt và bị làm sai lệch so với những gì sản phẩm mang lại. Nguy hiểm hơn là các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm này nếu không sử dụng đúng cách sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng. Ví dụ: Thông tin do báo chí phản ánh, những TPCN được người tham gia thổi phồng trở nên: “rất tốt, rất bổ, có thể chữa được bách bệnh, kể cả ung thư” nhưng khi sử dụng lại bị tình trạng “không thể ăn, uống được gì, cơ thể suy nhược” [78]

2.3.2. Xử lý vi phạm

Xử lý vi phạm hành chính

Theo số liệu do SCT Hà Nội cung cấp trong tài liệu tập huấn phổ biến các vấn đề pháp lý và thực trạng hoạt động BHĐC tại thành phố Hà Nội ngày 05/10/2012 [37], từ năm 2007 đến năm 2012, VCA đã tiến hành điều tra và xử lý 23 vụ việc BHĐC bất chính, trong đó:

Năm 2007: 02 vụ

Năm 2010: 04 vụ

Năm 2008: 09 vụ

Năm 2011: 01 vụ

Năm 2009: 04 vụ

Năm 2012: 03 vụ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Hoàn thiện pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới - 9

SCT các địa phương cũng rất tính cực trong công tác kiểm tra và xử lý đối với hoạt động BHĐC. Theo số liệu nêu trong Báo cáo tổng kết công tác quản lý công tác BHĐC của VCA ngày 01/07/2011 [55] phản ảnh:

Tại Hồ Chí Minh từ năm 2008 đến thời điểm báo cáo SCT Hồ Chí Minh phối hợp Văn phòng đại diện VCA và Sở Y tế Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 44 lượt với 36 doanh nghiệp, trong đó 18 doanh nghiệp do Sở cấp GĐK, 8 doanh nghiệp thông báo mở rộng mạng lưới bán hàng trên địa bàn thành phố và 10 doanh nghiệp chưa có GĐK nhưng hoạt động kinh doanh theo hình thức BHĐC. Thanh tra SCT và Thanh tra Sở Y tế tiến hành thủ tục xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 936,45 triệu đồng.

Tại Hà Nội, việc kiểm tra giám sát và thanh tra hoạt động BHĐC được tiến hành hàng năm với sự phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường và các phòng chuyên môn, thanh tra SCT. Năm 2010, SCT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với 22 doanh nghiệp kinh doanh BHĐC trên địa bàn (bao gồm cả doanh nghiệp chưa đăng ký), lực lượng quản lý thị trường và thanh tra Sở tiến hành xử phạt với tổng số tiền phạt trên 120 triệu đồng.

Ngoài ra, các SCT tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Nghệ An, Điện Biên, Hòa Bình… cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra doanh nghiệp BHĐC trên địa bàn với tổng số tiền phạt là trên 32 triệu đồng.

Xử lý hình sự với các hành vi vi phạm

Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa hình sự hóa hành vi vi phạm pháp luật về BHĐC. Bởi vậy, việc xử lý hình sự chủ yếu được xem xét khi có các dấu hiệu lừa đảo. Chúng ta sẽ không thể quên một số vụ việc tiêu biểu như năm 2004 đã có 3 cán bộ lãnh đạo công ty Thế Giới Mới bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ Luật hình sự và bị phạt tù từ 8-12 năm [18] hay như năm 2011, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 226b Bộ luật Hình sự đối với lãnh đạo công ty Diamond Holiday. Hiện tại, chưa có một thống kê đầy đủ về các vụ việc các công ty lợi dụng phương thức BHĐC để lừa đảo bị xử lý về mặt hình sự. Tuy nhiên, tác giả cũng xin dẫn ra một số vụ việc tiêu biểu để thấy được cách thức và biện pháp chúng ta đã vận dụng pháp luật hình sự trong việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động BHĐC.

- Vụ xử lý hình sự đối với Tập đoàn Colony Invest

Cuối năm 2006, đầu năm 2007, tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một nhóm người tự xưng là đại diện cho Công ty Colony Invest Management Inc (CI), Callyinvest, E.G.A… trụ sở tại Mỹ thực hiện các hình thức quảng bá rầm rộ về việc tập đoàn này đang đầu tư vào các dự án lớn, siêu lợi nhuận tại Mỹ và các sàn giao dịch chứng khoán nổi tiếng tại Hồng Kông, New York, Luân Đôn…và tìm cách lôi kéo các nhà đầu tư tham gia để được hưởng lãi suất cao. Sau đó, các đối tượng này tiếp tục tìm cách quảng bá, đặt chân rết và thu hút rất nhiều người dân tham gia ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó tập trung tại Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp... Dạng thức của hành vi lừa đảo của các đối tượng là: Người muốn tham gia phải có người giới thiệu, phải điền vào một bản khai trên website www.colonyinvest.net, đồng thời nạp tiền cho người giới thiệu, người này sẽ tạo ra một tài khoản cho người đầu tư. Số tiền đầu tư tối thiểu là 100 USD. Chúng đánh vào lòng tham của người dân khi đưa ra mức lợi nhuận rất cao, lên tới 2,8 - 3%/ngày với ba sự lựa chọn để rút lãi nhưng thực tế số tiền quay vòng không phát sinh lợi nhuận mà chỉ chuyển điểm cho nhau theo từng cấp độ. Nhà đầu tư có thể mua bán điểm với nhau nên giao dịch trong mạng lưới là tiền ảo ngày càng mở rộng. Lãi của người cũ chính là tiền của người mới tham gia vì thế những đối tượng quản trị mạng Colony Invest luôn thu lợi được số tiền bất chính rất lớn vì bán điểm ảo thu tiền thật và không phải trả lãi suất bằng tiền mặt mà chỉ bằng điểm ảo. Người tham gia vào mạng lưới này chủ yếu là người không có đủ kiến thức về mạng nên đã tin tưởng vào website lừa đảo và những thông tin về tài khoản, điểm ảo được các đối tượng tạo ra cho mình trên website.

Cuối tháng 10/2007, chỉ tính riêng mạng lưới lừa đảo của Colony đã lan rộng tới 38 tỉnh, thành tạo nên cơn sốt đầu tư ảo, thu hút tới hơn 25.000 người dân đầu tư với lượng tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó có người nộp tới 82.000 USD.

Ngày 28/12/2009, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có cáo trạng đề nghị truy tố 8 bị can thuộc tầng cao nhất trong vụ án lừa đảo tài chính qua mạng Internet này về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự và ủy

quyền cho Viện KSND tỉnh Đồng Tháp thực hành quyền công tố khi Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án này. Chỉ riêng 8 bị can này đã lừa đảo, chiếm đoạt của người đầu tư hơn 58 tỷ đồng.

Ngày 18/11/2011, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt các mức án từ 2 năm đến 20 năm tù. Ngoài nhóm cầm đầu, các đại lý của Tập đoàn Colony Invest cũng lần lượt bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các án phạt thích đáng [56].

- Vụ xử lý hình sự muaban24

Tháng 5/2011, Ngô Văn Huy, Lê Văn Cường, Nguyễn Tuấn Minh thành lập Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến có trụ sở tại khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Mặc dù không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ “Sàn giao dịch thương mại điện tử” nhưng ngay sau khi thành lập, Huy cùng đồng bọn vẫn quảng cáo gắn với trang web www.muaban24.vn là doanh nghiệp chuyên cung ứng sàn giao dịch thương mại điện tử. Trên muaban24.vn, các đối tượng đã tạo ra các gian hàng ảo có tính năng, tác dụng như một gian hàng thương mại điện tử đã thu hút được hàng chục nghìn người tham gia đầu tư. Trong quá trình hoạt động, Nguyễn Mạnh Hà đã tham gia vào và phụ trách mảng công nghệ thông tin của muaban24.vn. Theo đó, Hà đã sử dụng trang mạng muaban24.vn bán các gian hàng ảo, điểm ảo (1 điểm tương đương 10.000 đồng), đồng thời thiết lập phần mềm tự động hóa việc quản lý hội viên và phân chia hoa hồng. Với những thủ đoạn trên, từ khi thành lập đến tháng 7/2012, Ngô Văn Huy và đồng bọn đã bán được 121.349 gian hàng ảo trên muaban24.vn, tương ứng với hơn 631 tỷ đồng. Trong đó, các bị can đã chiếm đoạt gần 30,9 tỷ đồng… Ngày 30/06/2014 Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã lần lượt tuyên phạt tù đối với ổ nhóm chiếm đoạt tài sản thông qua website muaban24.vn. Với vai trò cầm đầu, Ngô Văn Huy (Giám đốc) bị tuyên phạt 16 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 226b-Bộ luật hình sự. Đồng phạm với bị cáo có Lê Văn Cường (Phó Giám đốc) bị tuyên án 14 năm tù và Nguyễn Mạnh Hà cũng phải nhận 12 năm tù cùng tội danh [57, 58].

- Vụ xử lý hình sự đối với Công ty Cộng Đồng Việt

Tháng 4/2011, Nguyễn Minh Thành, Đoàn Hồng Chương và Huỳnh Minh Tuấn lập Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Cộng Đồng Việt (Cộng Đồng Việt), có trụ sở tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Cộng Đồng Việt là đăng tải các thông tin như giá cả, lợi ích của các sản phẩm như Linh Chi, Tinh dầu thông đỏ, Ngũ bảo linh đơn... trên các trang mạng để lừa đảo người tham gia. Thủ đoạn được đưa ra là khi tham gia mua sản phẩm, khách hàng sẽ được tham gia chương trình bốc thăm trúng ô tô, xe máy, điện thoại... Công ty này đã thu hút được 186 ngàn người tham gia, kích hoạt mã (nộp tiền để mua sản phẩm) với số tiền 335,3 tỷ đồng. Đến thời điểm bị phát hiện, Công ty Cộng Đồng Việt còn lừa đảo thêm số tiền 108 tỷ đồng của hơn 3000 người bị hại. Công ty chưa tiến hành đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định, chưa nộp hồ sơ để xin GĐK nhưng đã sử dụng website vicongdongviet.vn để quảng cáo, giới thiệu, bán hàng hóa, kinh doanh thương mại điện tử, kiểu như BHĐC, đồng thời lập khoảng 20 trung tâm phân phối, chi nhánh, văn phòng đại diện ở 13 tỉnh, thành phố, phân phối sản phẩm, giới thiệu, tư vấn cho khách hàng và được hưởng 4% tổng doanh thu. Ngày 21/07/2014 Viện KSND tối cao đã có cáo trạng truy tố đối với Huỳnh Minh Tuấn; Thái Vĩ Huê và Huỳnh Quốc Việt. Các đối tượng bị truy tố về tội "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo Điều 226b Bộ luật hình sự. Khi hành động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty này bị phát hiện, Nguyễn Minh Thành và Đoàn Hồng Chương đã bỏ trốn [59].

2.3.3. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam

2.3.3.1. Về Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Thẩm quyền cấp GĐK: Theo quy định trước đây, cơ quan cấp GĐK là Sở Thương mại hoặc Sở Thương mại Du lịch nơi doanh nghiệp đề nghị cấp GĐK đăng ký kinh doanh [7, Điều 15]. Điều lo ngại của quy định trên là mỗi SCT có năng lực thẩm định và quan điểm khác nhau dẫn đến sự khác nhau trong việc chấp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp làm cho có hồ sơ được chấp nhận tại địa phương này

nhưng không được chấp nhận tại địa phương khác [24]. Thêm nữa, việc thẩm định không giống nhau nên có thể diễn ra tình trạng khi doanh nghiệp BHĐC mở rộng phạm vi hoạt động sang các địa phương khác thì địa phương đó không chấp nhận GĐK. Bởi vậy, thẩm quyền cấp đã được chuyển về BCT.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng việc thẩm định khác nhau giữa các địa phương là tình trạng tồn tại trong thực tiễn và vấn đề phân quyền của chính quyền trung ương cho các địa phương là xu hướng từ lâu và được chấp nhận. Vấn đề không nằm ở việc chuyển về 01 cơ quan đầu mối quản lý mà là nâng cao năng lực của cán bộ quản lý. Có thể thấy được khi chuyển về Bộ chủ quản quản lý, tình trạng mỗi chuyên viên khác nhau có ý kiến thẩm định khác nhau về cùng một hồ sơ là có thể xảy ra. Thêm nữa, quy định này làm hình thành một đội ngũ viên chức mới. Việc này đi ngược lại với chủ trương tinh giản biên chế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước [16]. Quan điểm cho rằng SCT này chấp thuận thông báo, SCT khác thì không là không có căn cứ vì trước đó pháp luật không quy định về việc thẩm định và chấp nhận nội dung hồ sơ thông báo mà chỉ quy định nghĩa vụ thông báo. Chưa biết hiệu quả của việc chuyển cơ quan tiếp nhận hồ sơ về BCT đến đâu nhưng có thể thấy hậu quả rõ ràng rằng lại thêm thủ tục hành chính tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi GĐK. Nó đi ngược lại xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay và trong tình hình kinh tế còn khó khăn thì thiết nghĩ cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Không thể xuất phát từ yếu kém trong quản lý của Nhà nước để làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Như vậy, nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh thẩm quyền là do hạn chế trong năng lực chuyên môn của bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại các SCT, sự yếu kém trong công tác quản lý. Ngoài ra, việc chuyển thẩm quyền về bộ quản lý được cho là sẽ giúp thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về BHĐC. Tuy nhiên, theo tác giả, cần phải có sự đánh giá một cách đầy đủ và sâu sắc trước khi tiến hành việc điều chỉnh này. Nếu không, nó sẽ một mặt không đem lại hiệu quả, mặt khác còn tạo thêm gánh nặng cho công tác quản lý về một bộ máy cồng kềnh đi ngược lại với định hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/05/2024