Vấn đề thời hạn hiệu lực của GĐK: Khoản 1 Điều 09 Nghị định 42 quy định: “GĐK có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày ký” và có thể gia hạn không hạn chế. Với quy định này, có thể thấy rằng:
Một là, pháp luật không đặt ra thời hạn cho hoạt động BHĐC bởi doanh nghiệp có thể gia hạn với số lần không hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp hoạt động với thời hạn càng dài thì số lần gia hạn càng nhiều. Về cơ bản, quy định về thời hạn hiệu lực GĐK không khác so với Nghị định 110. Điểm mới chỉ là cắt thời gian hoạt động thành những đoạn ngắn với thời hạn là 5 năm.
Hai là, quy định mới này được đánh giá là nghiêm khắc hơn so với cơ chế tiền kiểm bằng GĐK. Việc được cấp GĐK chưa đảm bảo cho hoạt động ổn định lâu dài của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể bị chấm dứt hoạt động khi cơ quan có thẩm quyền không gia hạn GĐK cho dù không bị thu hồi GĐK. Với cách thức này, mức độ rủi ro cho doanh nghiệp rất cao và ngược lại quyền năng của cơ quan Nhà nước được tăng cường mạnh mẽ.
Trong quá trình soạn thảo Nghị định 42, ban soạn thảo đưa ra hai căn cứ để đưa ra giải pháp quy định thời hạn cho GĐK là: (1) doanh nghiệp đăng ký mà không hoạt động; (2) doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình [24]. Hai căn cứ này chưa thực sự thuyết phục bởi lẽ bên cạnh thủ tục đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp, pháp luật đã có quy định về thu hồi GĐK. Trong trường hợp doanh nghiệp không hoạt động trong một thời gian nhất định, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể thu hồi. Nếu doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định, chắc chắn pháp luật phải có những biện pháp xử lý cho từng tình huống cụ thể. Ví dụ, nếu doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nộp thuế thì pháp luật thuế đã có những biện pháp xử lý doanh nghiệp. Nếu hành vi vi phạm của doanh nghiệp đủ để pháp luật cưỡng chế chấm dứt hoạt động thì biện pháp thu hồi GĐK sẽ được áp dụng. Ngược lại, nếu hành vi vi phạm chưa đủ nghiêm trọng để áp dụng biện pháp thu hồi nhưng cơ quan nhà nước lại quyết định không cho gia hạn GĐK cho doanh nghiệp thì dễ trở thành sự lạm dụng quyền quản lý của cơ quan công quyền.
Ba là, nếu xuất phát từ những tiêu cực của một số chủ thể để đặt ra cơ chế ràng buộc cho tất cả các chủ thể thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 42 là không
công bằng, thiếu hợp lý, không có tính phổ quát. Cần có đánh giá về tác động của giải pháp được đề xuất đến quyền lợi của những chủ thể bị áp dụng. Đối với phần đông là những doanh nghiệp có ý thức tuân thủ triệt để pháp luật, việc định hạn GĐK tạo tâm lý không an tâm cho các khoản đầu tư dài hạn trong kinh doanh, hơn nữa, thủ tục gia hạn GĐK sẽ làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và cũng có thể có sự tùy tiện, thiếu minh bạch, thiếu công bằng từ phía cơ quan công quyền. Dù có những lo lắng về việc các doanh nghiệp tổ chức BHĐC có nhiều biểu hiện thiếu tôn trọng pháp luật nhưng khi đã thừa nhận phương thức này là hợp pháp thì đương nhiên pháp luật cần đảm bảo sự ổn định và lâu dài cho hoạt động của doanh nghiệp. Với các hành vi thiếu tôn trọng pháp luật, chúng ta hoàn toàn có đủ phương thức và công cụ quản lý khác để xử lý.
2.3.3.2. Yêu cầu về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và năng lực tài chính
Ký quỹ: Theo quy định, doanh nghiệp BHĐC phải ký quỹ một khoản tiền tương đương với 5% vốn điều lệ và tối thiểu không thấp hơn 5 tỷ đồng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia trong trường hợp doanh nghiệp BHĐC ngừng hoạt động. Khoản tiền ký quỹ này bị đóng băng tại ngân hàng không tạo ra lợi nhuận (trừ lãi suất ngân hàng). Việc này sẽ tạo nên gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp BHĐC cũng như lãng phí nguồn vốn. Việc ký quỹ này với doanh nghiệp nước ngoài BHĐC tại Việt Nam là chuyện không quá khó khăn bởi họ có tiềm lực tài chính lớn, nhưng lại gây khó đối với doanh nghiệp trong nước.
Khoản tiền ký quỹ sẽ chỉ được sử dụng khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động BHĐC, đồng thời thỏa mãn thêm điều kiện:
Doanh nghiệp BHĐC không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động BHĐC đối với người tham gia BHĐC và có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp BHĐC với người tham gia BHĐC liên quan đến các nghĩa vụ đó [10, Điều 31, Khoản 1].
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Ngành Công Nghiệp Bán Hàng Đa Cấp Tại Việt Nam
- Thực Trạng Thực Thi Quy Định Pháp Luật Và Những Khó Khăn Trong Việc Quản Lý Hoạt Động Bán Hàng Đa Cấp Tại Việt Nam
- Khó Khăn, Vướng Mắc Trong Quá Trình Quản Lý Hoạt Động Bán Hàng Đa Cấp Tại Việt Nam
- Một Số Nét Chính Có Thể Học Hỏi Trong Kinh Nghiệm Các Nước Để Hoàn Thiện Pháp Luật Việt Nam Về Bán Hàng Đa Cấp
- Hoàn thiện pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới - 12
- Hoàn thiện pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới - 13
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Do đó, không thể sử dụng khoản tiền ký quỹ để thi hành các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật khi doanh nghiệp vẫn đang hoạt động BHĐC. Biện pháp này chỉ áp dụng được với doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động BHĐC nhưng vẫn
còn tồn tại tư cách pháp lý (chưa giải thể hoặc phá sản). Trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động BHĐC đồng thời chấm dứt tư cách pháp lý thì không thể có các quyết định xử lý hoặc quyết định giải quyết tranh chấp có sau khi giải thể hoặc phá sản. Nếu tình huống này xảy ra, tiền ký quỹ được sử dụng chỉ để thực hiện những quyết định được ban hành trước khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản.
Xét trong mối quan hệ với các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan như thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính, thi hành án dân sự… Khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thi hành các quyết định, bản án, quy định này có một số điểm chưa hợp lý như sau:
Nếu quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vi phạm liên quan tới hoạt động BHĐC của doanh nghiệp với người tham gia là một quyết định xử lý vi phạm hành chính thì việc thực thi quyết định này sẽ theo thủ tục thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;
Nếu quyết định của cơ quan có thẩm quyền về các tranh chấp giữa doanh nghiệp BHĐC và người tham gia là một bản án dân sự của Tòa án về việc giải quyết các tranh chấp trên thì việc thi hành sẽ tuân theo pháp luật thi hành án dân sự [30].
Quy định như trên trong khi BCT không có chức năng, thẩm quyền hướng dẫn chi tiết pháp luật về thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và thi hành án dân sự (thi hành các quyết định hoặc bản án đó đã có đủ khung pháp lý đầy đủ) là không hợp lí.
Vốn pháp định: Theo quy định mức vốn pháp định được quy định đối với doanh nghiệp BHĐC là 10 tỷ. Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ pháp luật doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, quy định này chưa thực sự hợp lí bởi lẽ:
Một là, việc định ra vốn pháp định là đặt điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp. Theo quy định“đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định” [28, Điều 7, Khoản 2]. Trong khi đó BHĐC là “phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa…” [26, Điều 3, khoản 11]. Như vậy, BHĐC không phải là ngành nghề kinh doanh mà chỉ là phương thức tiếp thị và bán lẻ hàng hóa, do
đó, việc đặt ra vốn pháp định cho phương thức này là trái với nguyên tắc về điều kiện kinh doanh;
Hai là, việc quy định điều kiện về vốn pháp định đã tạo nên cơ chế điều kiện kinh doanh kép cho hoạt động BHĐC. Chỉ khi nào thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 42 (trong đó có điều kiện vốn pháp định), doanh nghiệp có cơ hội được cấp GĐK (thỏa mãn điều kiện về GĐK). Cơ chế điều kiện kinh doanh kép chắc chắn sẽ gây ra những trở ngại và khó khăn cho doanh nghiệp nhiều hơn trong triển khai thực hiện.
2.3.3.3. Quản lý các đối tượng được kinh doanh theo phương thức đa cấp
Theo pháp luật Việt Nam, chỉ có hàng hóa là đối tượng được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy vậy, trong thực tiễn nhiều doanh nghiệp vẫn muốn tiến hành việc kinh doanh đa cấp đối với lĩnh vực dịch vụ. Các doanh nghiệp này hoạt động mà không được đăng ký, không được quản lý theo quy định pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC nên dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý và gây ra hậu quả tiêu cực đến xã hội. Vụ việc Diamond Holiday năm 2011 với các gói dịch vụ du lịch đã gây ra những tác động lớn làm rúng động xã hội với khoảng 87.000 lượt bị hại với số tiền hơn 678 tỉ đồng [25].
2.3.3.4. Quản lý chi phí mua tài liệu đào tạo
Điểm h khoản 1 Điều 5 Nghị định 42 quy định cấm hành vi thu phí của doanh nghiệp BHĐC đối với người tham gia khi họ tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 42. Tuy nhiên, pháp luật lại chấp nhận cho doanh nghiệp BHĐC được thu chi phí hợp lý cho các tài liệu đào tạo. Doanh nghiệp BHĐC rất dễ lợi dụng quy định này để thu về khoản lợi lớn mà không đúng với chi phí thực tế. Do vậy, cần có biện pháp để xiết chặt lại việc thu chi phí này.
2.3.3.5. Sự không hợp lí trong công tác chỉ đạo điều hành
Hướng dẫn thực hiện Nghị định 42 BCT ban hành công văn 9652/BCT- QLCT tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, những doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh bán lẻ trước thời điểm Nghị định 42 có hiệu lực không cần phải bổ sung ghi rõ ngành “bán
lẻ” (bao gồm cả bán lẻ theo phương thức đa cấp) trong Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để đáp ứng điều kiện đăng ký hoạt động BHĐC. Công văn này có hai điểm chưa hợp lí: Thứ nhất, ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bởi vậy, BCT không có thẩm quyền hướng dẫn về ngành nghề kinh doanh; Thứ hai, để kinh doanh theo quy định của pháp luật doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh [28, Điều 9 khoản 1]. Văn bản hướng dẫn của BCT này có nguy cơ tạo ra tiền lệ xấu và cơ chế xin cho ảnh hưởng đến hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật.
2.3.3.6. Những bất cập khác
Khó khăn trong quản lý hoạt động quảng cáo: Đặc trưng của hoạt động BHĐC như đã đề cập là việc người tham gia trực tiếp bán hàng cho NTD cuối cùng. Do đó, việc quản lý những thông tin mà người tham gia trao đổi với NTD là một điều rất khó khăn và nan giải. Các hoạt động quảng cáo thổi phồng về tính năng hay công dụng của sản phẩm rất khó kiểm soát và do vậy NTD rất khó để khiếu nại khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Về phía doanh nghiệp BHĐC, khi muốn tiến hành quảng cáo về các sản phẩm họ kinh doanh, phần nhiều họ phải xin phép cơ quan chuyên môn để được cấp phép. Tuy nhiên, không có căn cứ nào đảm bảo người tham gia BHĐC sẽ chỉ cung cấp cho NTD những thông tin đã được cơ quan quản lý chuyên môn cấp phép cho doanh nghiệp BHĐC.
Chưa có cơ chế quản lý mạng lưới BHĐC quốc tế: Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, các hoạt động mua bán, giao dịch trực tuyến diễn ra rất sôi nổi trong đó có các hoạt động BHĐC của các công ty trên thế giới. Việt Nam thừa nhận và cho phép cung cấp qua biên giới theo hình thức bán lẻ đối với sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân và phần mềm máy tính, bao gồm cả hoạt động của các cá nhân NPP theo phương thức BHĐC [01]. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về quản lý BHĐC hiện nay chưa đáp ứng được cam kết của Việt Nam khi hội nhập. Cụ thể, chúng ta chưa đưa ra được những quy định để điều chỉnh hệ thống của các công ty BHĐC mà không thành lập công ty con tại Việt Nam. Việc này có thể dẫn đến các hoạt động của nó không được quản lý, dẫn đến những khó khăn trong công tác giám sát và điều hành.
Tiểu kết chương 2
Trải qua các giai đoạn phát triển, ngành công nghiệp BHĐC tại Việt Nam đã từng bước định hình và đạt được những thành tựu đáng kể góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nó cũng bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm đặt ra các vấn đề thách thức khả năng quản lý, điều hành của chính quyền để làm sao khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đó.
Công tác quản lý bằng pháp luật đối với ngành công nghiệp BHĐC Việt Nam đã ghi được dấu ấn với sự ra đời của những quy phạm pháp luật điều chỉnh khá toàn diện và đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy trong đó các vấn đề còn tồn tại, còn yếu kém.
Đồng thời với quá trình nghiên cứu về những quy định pháp luật cụ thể của các nước ở Chương 1 phần 1.3, tại Chương 2 tác giả đã cố gắng lột tả các mặt, góc cạnh mà pháp luật Việt Nam đã và đang lộ ra để từ đó làm căn cứ xây dựng Chương 3 với những giải pháp mang tính khoa học và hiệu quả.
Chương 3
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI VIỆT NAM THEO KINH NGHIỆM MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Trên cơ sở những phân tích một số vấn đề lí luận chung và kinh nghiệm một số nước tại Chương 1, đánh giá thực trạng pháp luật về BHĐC của Việt Nam tại Chương 2, trong Chương 3, tác giả sẽ đưa ra các các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về BHĐC để cho hoạt động BHĐC thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, người tham gia, các doanh nghiệp và trở thành phương thức bán hàng đúng nghĩa. Những giải pháp này vừa được xem xét trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, vừa là sự kết tinh những bài học của các quốc gia trên thế giới mà ở đây tiêu biểu là Malaysia, New Zealand, Canada một cách có chọn lọc và dưới góc nhìn thẳng.
3.1. Nhận định chung
3.1.1. Nhu cầu hoàn thiện những quy định pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam
Thứ nhất, xét về mặt lí luận, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC nói riêng là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Nó là nhiệm vụ thường xuyên được đặt ra và quan tâm thực hiện.
Thứ hai, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật điều chỉnh tương đối toàn diện đối với hoạt động BHĐC nhưng những nỗ lực này của nhà làm luật vẫn còn quá chậm so với những đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra. Khoảng cách từ khi có sự xuất hiện của mầm mống BHĐC đầu tiên (năm 1998) đến khi có văn bản pháp luật điều chỉnh (Luật Cạnh tranh năm 2004) là 07 năm – một quãng thời gian tương đối dài. Trong 07 năm ấy, các vi phạm pháp luật về BHĐC đã đủ để làm cho thị trường liên quan bị biến dạng, nhận thức của người dân trở nên méo mó, chuệch choạc. Do đó, trong thời gian tới, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về BHĐC để
kiểm soát và định hướng cho thị trường vẫn còn là một đòi hỏi vô cùng bức thiết và cần kíp.
Thứ ba, xuất phát từ chính những hạn chế của các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động BHĐC, nhu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật được đặt ra. Một thực tế phải thừa nhận là trình độ lập pháp cũng như nhận thức của nhà làm luật của chúng ta nói chung chưa cao, về vấn đề BHĐC lại càng yếu kém. BHĐC không phải là vấn đề dễ dàng có thể nhận thức được một cách đầy đủ và toàn diện. Trong khi đội ngũ làm công tác chuyên môn chưa đủ số lượng và yếu về chất lượng mà các văn bản pháp luật điều chỉnh vẫn phải ban hành đứng trước đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tế thì chất lượng của các văn bản được ban hành chưa cao.
Thứ tư, xuất phát từ chính hiện trạng ngành công nghiệp BHĐC tại Việt Nam. Như trong Chương 2 đã đánh giá, ngành công nghiệp BHĐC tại Việt Nam tuy cũng đã gặt hái được những thành tựu đáng kể nhưng nó cũng bộc lộ đầy rẫy những khuyết tật và yếu điểm gây ra những tác hại cực kỳ nguy hiểm và sâu sắc cho xã hội. Nó đặt ra câu hỏi pháp lý làm sao để khỏa lấp những chỗ trống chưa được nhà làm luật dự liệu để điều chỉnh cũng như chấn chỉnh lại những vi phạm của những doanh nghiệp, người tham gia gây ra cho NTD, trật tự nền kinh tế - cái mà đã bị làm cho méo mó.
Thứ năm, chúng ta đi sau rất nhiều so với phần còn lại của thế giới trong công tác điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động BHĐC. Việc này có tính chất hai mặt của nó. Một mặt, chúng ta phải thấy thực tế là chúng ta lạc hậu hơn so với các nước nên dễ trở thành miếng bánh ngon cho các công ty BHĐC trên thế giới khai thác và làm biến dạng thị trường trong khi pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện. Mặt khác, chúng ta có thể tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm các nước để áp dụng vào xây dựng pháp luật trong nước. Làm tốt mặt thứ hai chúng ta sẽ góp phần đẩy lùi được các hành vi vi phạm về BHĐC diễn ra, hạn chế được những khuyết tại của nó và có được một hệ thống pháp luật toàn diện hơn và có tính hiệu quả cao hơn.