Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay - 2

Đồng thời, du lịch được coi là một trong các ngành mũi nhọn “Trong quá trình thực hiện chiến lược sẽ xác định rõ thêm những sản phẩm mũi nhọn trong các ngành và lĩnh vực nêu trên và tùy theo khả năng mới về vốn, công nghệ và thị trường mà một số ngành và sản phẩm khác có thể trở thành mũi nhọn như điện tử - tin học, vật liệu mới, du lịch,…” [21, tr 167]. Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và phát triển ngành dịch vụ du lịch đã được Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI như sau: “Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế. Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước; đa dạng hóa thị trường ngoài nước… Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn quốc tế” [26, tr 116]. Việc này cũng đồng nghĩa với việc phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý đối với ngành dịch vụ du lịch, để du lịch thực sự phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau 55 năm (1960-2015) xây dựng và phát triển, ngành du lịch nước ta có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn: khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam tăng hơn 30 lần, khách du lịch nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990; doanh thu từ du lịch năm 2000 là 17,4 ngàn tỷ đồng, năm 2013 là 200 ngàn tỷ đồng tăng 11,5 lần và năm 2014 con số này là 230 ngàn tỷ đồng tăng 15% so với năm 2013; thị trường du lịch không ngừng được mở rộng, việc xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, thân thiện và hòa bình ngày càng thành công trong lòng bạn bè quốc tế; những thành tựu đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, từng bước xóa đói giảm nghèo. [4]

Tuy nhiên, ngành du lịch nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế: so với các nước trong khu vực lượng khách quốc tế đến với Việt Nam còn thấp (giữ khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực: năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 7.572 ngàn lượt, trong khi khách quốc tế đến Malaysia là 10.810 ngàn lượt,

Singapore là 12.470 ngàn lượt, Thái Lan là 16.420 ngàn lượt); đóng góp của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta chưa thực sự vượt trội so với các ngành khác; kết cấu hạ tầng còn lạc hậu; chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch còn chưa đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế…[4]. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên (do nền tảng kinh tế, do nhân tố con người, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu…), nhưng trong đó có những nguyên nhân trực tiếp đến từ khuôn khổ pháp luật hiện hành. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch (Luật Du lịch năm 2005; Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2007/NĐ-CP; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch…) đã trở thành công cụ hữu ích cho Chính phủ, các cấp, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung: một số nội dung trong Luật Du lịch 2005 chưa hợp lý hoặc một số điều khoản được quy định trong Luật chỉ mang tính ước vọng, không có tính khả thi nên không thể triển khai thực hiện; có những quy định trong Luật Du lịch sau nhiều năm vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện; có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; bên cạnh đó nhiều quy định pháp luật du lịch chưa đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan… Trong một chừng mực nhất định, các quy định pháp luật hiện hành về du lịch vừa thiếu lại vừa thừa, tính hệ thống không cao gây khó khăn cho việc thực thi, chậm đi vào cuộc sống. Thực trạng này đặt ra yêu cầu khách quan trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về du lịch.

Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch không chỉ xuất phát từ thực trạng của pháp luật về du lịch mà còn là yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam được nêu lên tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật…”.[6]

Bởi vậy, tôi chọn đề tài nghiên cứu luận văn của mình là “Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay”. Việc nghiên cứu đề tài này tạo ra cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch, góp phần tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài


Trong những năm qua, để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng như nhu cầu học tập, nghiên cứu một số cá nhân, tổ chức làm trong lĩnh vực du lịch đã có những đề tài, luận văn nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, như: “Phát triển sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên” (Chủ nhiệm đề tài - Nguyễn Đệ, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 1/2014 – 12/2015); đề tài “Giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam” (Chủ nhiệm đề tài – Đỗ Cẩm Thơ, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 1/2013 – 12/2013); “Nghiên cứu hoạt động du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam” (Chủ nhiệm đề tài – Hà Văn Siêu, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 1/2012 – 12/2013); “Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch” (Chủ

nhiệm đề tài – Nguyễn Thị Bích Vân, Tổng cục Du lịch, 2001); một số luận văn thạc sĩ như: “Thực trạng công tác đào tạo nhân lực du lịch tại các trường du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” (Đoàn Thị Thắm, luận văn thạc sĩ Du lịch, 2013); “Tài nguyên du lịch biển Việt Nam cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng”(Mai Hiên, luận văn thạc sĩ Du lịch học, 2007); “Quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam trong xu thế hội nhập”(Lê Ngọc Tuấn, luận văn thạc sĩ Du lịch, 2009); “Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay”(Trần Quang Hảo, luận văn thạc sĩ Du lịch, 2009)…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Ngoài ra, còn rất nhiều bài viết đăng trên Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch,… các tài liệu hội thảo cấp ngành, cấp quốc gia về du lịch như: Hội thảo tháng 7/2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Ban Kinh tế Trung ương – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”; Hội thảo quốc gia tháng 6/2010 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Báo Nhân dân tổ chức với chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2010); Hội thảo tháng 4/2015 do Dự án EU tổ chức với chủ đề “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa”

Các đề tài, luận văn, bài viết nói trên nhìn chung đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau về chuyên môn trong lĩnh vực du lịch và đã có những đóng góp nhất định về mặt lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên để đi sâu nghiên cứu một cách toàn diện những quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực du lịch, từ đó tìm ra những mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng và đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc kiến nghị sửa đổi Luật Du lịch 2005 thì hiện nay ở Việt Nam còn là vấn đề mới mẻ. Việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực du lịch hiện nay là một yêu cầu cấp thiết đặt ra nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, giàu tính cạnh tranh trong thời kỳ mới.

Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay - 2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


- Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hệ thống pháp luật hiện hành trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam. Qua nghiên cứu cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch và thực trạng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, luận văn đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay.

- Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu thực trạng pháp luật hiện hành trong lĩnh vực du lịch để tìm ra các đặc điểm, hạn chế cụ thể nhằm xác định các giải pháp cơ bản để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay. Luận văn phân tích và khái quát các yêu cầu cụ thể về các lĩnh vực cụ thể trong lĩnh vực du lịch để làm nổi bật vấn đề quan tâm chủ yếu: hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ bản và toàn diện về quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay.

4. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu


- Mục tiêu: Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật trong lĩnh vực du lịch hiện hành, để xác định phương hướng, nội dung hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay.

- Nhiệm vụ: Đề phù hợp với mục tiêu trên, luận văn tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau đây:

Một là: Xây dựng cơ sở lý luận về pháp luật về du lịch và hoàn thiện pháp luật về du lịch; đề xuất các tiêu chí hoàn thiện pháp luật về du lịch.

Hai là: Phân tích, đánh giá các ưu điểm và hạn chế của pháp luật về du lịch trong thời gian qua.

Ba là: Trên cơ sở lý luận đã được xây dựng qua những đặc điểm và hạn chế của pháp luật về du lịch đã được chỉ ra để đề xuất những phương hướng và giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu


- Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lên nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước và pháp luật, đặc biệt là các quan điểm của Đảng ta về du lịch: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1991; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam…Hiến pháp Việt Nam năm 1992, năm 2013 và Luật Du lịch 2005.

- Trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả đã vận dụng các phương pháp khoa học như: phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp xã hội học để làm rõ những vấn đề bất cập giữa lý luận và thực tiễn công tác soạn thảo, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực du lịch để phân tích, đánh giá khách quan những ưu điểm, hạn chế cần khắc phục của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về du lịch.

Luận văn kết hợp giữa phương pháp thống kê, phương pháp phân tích so sánh, phương pháp khảo sát đánh giá và nhiều phương pháp khác có liên quan để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu.

6. Kết cấu của luận văn


Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành 3 chương như sau:

Chương 1. Cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch

Chương 2. Thực trạng pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay Chương 3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở

Việt Nam hiện nay

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH


1.1 DU LỊCH, BẢN CHẤT VÀ VAI TRÒ CỦA DU LỊCH


1.1.1 Khái niệm, bản chất du lịch


Từ giữa thế kỷ 19, du lịch bắt đầu phát triển mạnh và ngày nay đã trở thành một hiện tượng kinh tế xã hội phổ biến. Du lịch từ lâu đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu. Nhiều nước đã lấy chỉ tiêu đi du lịch của dân cư là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và thuật ngữ “Du lịch” đã trở nên rất thông dụng.

Thuật ngữ “Du lịch” trong ngôn ngữ nhiều nước bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được La Tinh hóa thành “tornus” và sau đó thành “tourisme” (Tiếng Pháp) và “tourism” (Tiếng Anh).[38]

Ở Việt Nam, thuật ngữ “Du lịch” được dịch thông qua tiếng Hán. “Du” có nghĩa là chơi, “Lịch” có nghĩa là từng trải.

Tuy nhiên người Trung Quốc lại gọi là “Du lãm” với nghĩa là đi chơi để nâng cao nhận thức.

Ngày nay, trên thế giới có rất nhiều khái niệm khác nhau về du lịch. Như một chuyên gia nghiên cứu về du lịch đã nhận định, đối với du lịch, có bao nhiêu tác giả thì có bấy nhiêu định nghĩa. Khái niệm “Du lịch” được hiểu rất khác nhau tại các quốc gia khác nhau; giữa những nhà nghiên cứu khác nhau từ nhiều góc độ khác nhau.

Vào năm 1941, ông W.Hunziker và Kraff (Thụy Sỹ) đưa ra định nghĩa: Du lịch là tổng hợp những hiện tượng, mối quan hệ nảy sinh từ việc di chuyển và dừng lại của con người tại nơi không phải là nơi cư trú thường xuyên của họ; hơn nữa, họ không ở lại đó vĩnh viễn và không có bất kỳ hoạt động nào để có thu nhập tại nơi đến.

Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc họp về du lịch ở Roma năm 1963, với mục đích quốc tế hóa, các chuyên gia đưa ra định nghĩa về du lịch như sau: Du lịch là

tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ.

Dưới con mắt của Guer Freuler trong cuốn nhập môn khoa học du lịch: Du lịch với ý nghĩa hiện đại của từ này là một hiện tượng của thời đại của chúng ta dựa trên sự tăng trưởng về nhu cầu khôi phục sức khoẻ và sự thay đổi của môi trường xung quanh, dựa vào sự phát sinh, phát triển tình cảm đối với vẻ đẹp của thiên nhiên.

Theo nhà kinh tế Kalíiotis, du lịch là sự di chuyển tạm thời của cá nhân hay tập thể từ nơi này đến nơi khác nhằm thoa mãn nhu cấu tinh thần, đạo đức, do đó tạo nên các hoạt động kinh tế.

Theo quan điếm của Robert W.Mc.Intosh, Charles R.Goeldner, J.R Brent Ritcie, du lịch là tổng hợp các mối quan hệ nảy sinh từ tác động qua lại giữa khách du lịch, nhà cung ứng, chính quyền và cộng đồng chủ nhà trong quá trình thu hút và đón tiếp khách du lịch.

Với cách tiếp cận tổng hợp ấy, các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch bao gồm: khách du lịch; các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách du lịch; chính quyền sở tại; cộng đồng dân cư địa phương.

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới: “Du lịch là một hiện tượng văn hóa, xã hội và kinh tế đòi hỏi sự di chuyển của con người đến những quốc gia hay những địa điểm khác bên ngoài khu vực sinh sống thường ngày của họ vì mục tiêu cá nhân hoặc mục tiêu công việc/nghề nghiệp. Những người này được gọi là khách viếng thăm (có thể là khách du lịch hoặc khách thăm quan, người cư trú hoặc không cư trú) và du lịch liên quan đến những hoạt động của họ, một trong số đó đòi hỏi có chi tiêu du lịch”.[46, tr 25]

Tại Việt Nam, mặc dù du lịch là một lĩnh vực khá mới mẻ nhưng các nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng đưa ra các khái niệm xét trên nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 18/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí