Khái Niệm, Đặc Điểm Của Pháp Luật Trong Lĩnh Vực Du Lịch

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam, du lịch được hiểu trên hai khía cạnh:


Thứ nhất, du lịch là một dạng nghỉ dưỡng sức, tham quan tích cực của con người ngoài nơi cư trú với mục đích: nghỉ ngơi, giải trí, xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa nghệ thuật. Theo nghĩa này, du lịch được xem xét ở góc độ cầu, góc độ người đi du lịch.

Thứ hai, du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước; đối với người nước ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình; về mặt kinh tế du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn; có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ. Theo nghĩa này, du lịch được xem xét ở góc độ một ngành kinh tế.[27, tr 156]

Điều 4 Luật Du lịch Việt Nam (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 7, Khóa XI năm 2005) giải thích khái niệm du lịch như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.[35]

Các định nghĩa trên đều nêu lên được bản chất của du lịch, đó là:


Là hoạt động của con người rời khỏi nơi cú trú thường xuyên của mình (trừ trường hợp di chuyển đi cư trú chính trị, tìm việc làm hoặc xâm lược).

Đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Không mang mục đích về kinh tế vì có thể thăm dò để làm kinh tế về sau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.


Vậy du lịch là hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người, ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu giải trí trong một khoảng thời gian nhất định và không mang mục đích kinh tế.

Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam hiện nay - 3

1.1.2 Vai trò của du lịch

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc và có tính chất liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao. Phát triển du lịch liên quan và phụ thuộc vào tất cả các ngành, lĩnh vực đời sống xã hội. Du lịch chỉ có thể phát triển trên nền tảng văn hóa mà ở đó mọi mặt đời sống xã hội đã cơ bản hội đủ các điều kiện cần thiết về sức hấp dẫn của tài nguyên và mức độ thuận lợi, tiện nghi của dịch vụ do các ngành liên quan cung cấp. Ngược lại, du lịch phát triển sẽ kích thích nhu cầu và là đòn bẩy, động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển. Có thể nói, du lịch ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường.

a. Vai trò kinh tế

Được coi là “ngành kinh tế mũi nhọn” [23], vai trò của du lịch thể hiện trước hết ở phương diện kinh tế.

Du lịch phát triển sẽ góp phần đẩy mạnh sự dịch chuyển cơ cấu ngành kin tế, cơ cấu lao động, cơ cấu về mặt lãnh thổ. Như vậy, du lịch được coi là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, và đây cũng chính là nguồn thu ngoại tệ lớn của nhiều nước.

Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp mà sản phẩm của nó dựa trên và bao hàm các sản phẩm có chất lượng của nhiều ngành kinh tế khác như ngành giao thông vận tải (đặc biệt là vận tải hành khách); ngành thương mại( kinh doanh ăn uống); bưu chính viễn thông; ngành bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, sáng tạo sản phẩm du lịch (thủ công truyền thống); tài chính – ngân hàng, xây dựng… Ngành dịch vụ du lịch kéo theo hàng loạt các ngành khác phát triển, tăng thu nhập cho quốc gia, cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nói cách khác, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có tính lan tỏa cao.

b. Vai trò xã hội

Du lịch góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, giảm bớt nạn thất nghiệp, nâng cao mức sống và làm cho đời sống tinh thần của con người trở lên phong phú, giảm bớt tệ nạn xã hội.

Du lịch có vai trò trong việc giữ gìn, bảo vệ, phục hồi sức khỏe cho nhân dân, trong một chừng mực nào đó nó còn có tác dụng hạn chế bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và tăng khả năng lao động cho con người. Các công trình nghiên cứu về sinh học khẳng định rằng nhờ chế độ nghỉ ngơi và du lịch tối ưu, bệnh tật của cư dân trung bình giảm 30%, bệnh đường hô hấp giảm 40%, bệnh đường tiêu hóa giảm 20%, bệnh thần kinh giảm 30%. Một số khu vực điều dưỡng khẳng định, nước khoáng ở đó có thể chữa được các vết loét, u nhọt…

Thông qua hoạt động du lịch, người dân và khách du lịch hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các danh lam thắng cảnh của đất nước… từ đó góp phần giáo dục tinh thần dân tộc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người.

Cũng thông qua du lịch, người dân ở những địa phương, vùng miền, quốc gia khác nhau được giao lưu, tiếp xúc với nhau, tăng cường đoàn kết dân tộc. Đồng thời có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa du khách với cư dân địa phương, góp phần nâng cao dân trí cũng như vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống của cả người dân bản địa lẫn khách du lịch.

Phát triển du lịch cũng góp phần vào việc khôi phục, phát triển văn hóa dân tộc. Nhu cầu nâng cao nhận thức văn hóa trong chuyến đi của du khách đã thúc đẩy các nhà cung ứng chú ý đến việc khôi phục và duy trì các di tích, các lễ hội văn hóa, các làng nghề thủ công truyền thống.

c. Vai trò chính trị


Du lịch góp phần củng cố hòa bình, đẩy mạnh các mối giao lưu quốc tế và mở rộng sự hiểu biết giữa các dân tộc. Thông qua du lịch và hoạt động quảng bá du lịch, chúng ta có thể giới thiệu cho các nước khác trên thế giới về hình ảnh, sức hấp dẫn của đất nước mình.

Năm 1967, du lịch được coi là “giấy thông hành của hòa bình”. Thông qua du lịch quốc tế, con người thể hiện nguyện vọng của mình là được sống, lao động trong hòa bình, hữu nghị.

d. Vai trò môi trường sinh thái


Vai trò sinh thái của du lịch thể hiện ở việc tạo nên môi trường sống ổn định về mặt sinh thái, du lịch sẽ là nhân tố kích thích bảo vệ, khôi phục và tối ưu hóa môi trường tự nhiên xung quanh, bởi chính môi trường này có tác động rất lớn đến sức khỏe và các hoạt động khác của con người.

Việc làm quen với các danh thắng và môi trường tự nhiên bao quanh có ý nghĩa không nhỏ đối với khách du lịch, tạo điều kiện cho họ hiểu biết sâu sắc các tri thức về tự nhiên, hình thành thói quen bảo vệ, giữ gìn tự nhiên.

1.2 PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH


1.2.1. Khái niệm, đặc điểm của pháp luật trong lĩnh vực du lịch


Pháp luật là một hiện tượng xã hội khách quan, đặc biệt quan trọng nhưng cũng vô cùng phức tạp chính vì vậy mà từ xưa đến nay đã có không ít những quan niệm, nhận thức khác nhau về pháp luật. Trên bình diện phổ quát, căn bản nhất và vận dụng vào điều kiện kinh tế xã hội đương đại, có thể nêu định nghĩa pháp luật như sau: “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được bảo đảm thực hiện bằng nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích trật tự và ổn định xã hội vì sự phát triển bền vững của xã hội”.[33, tr 288]

Pháp luật là hiện tượng của kiến trúc thượng tầng, vừa phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội vừa có giá trị bảo đảm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Pháp luật là công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý và điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhà nước không thể tồn tại nếu thiếu pháp luật và ngược lại pháp luật chỉ có thể phát huy hiệu lực, hiệu quả của mình nếu được bảo đảm bằng sức mạnh của bộ máy nhà nước “Ý chí đó nếu có của Nhà nước thì phải được biểu hiện dưới hình thức một đạo luật do chính quyền đặt ra, nếu không thì hai tiếng ý chí chỉ là sự rung động không khí do những âm thanh trống rỗng gây nên” [31, tr 51]. Vì lẽ đó, pháp luật luôn thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực nhà nước.

Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là công cụ cho sự phát triển xã hội. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì dân thì pháp luật phải là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Pháp luật là cơ sở để xây dựng “xã hội công dân” và là giá trị không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ta đã khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật” [23, tr 131, 132]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng khẳng định: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật…” [25, tr 125] . Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định : “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo…Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. [26, tr 126]

Từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước luôn coi việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật là mối quan tâm lớn, thường xuyên và quan trọng của đất nước. Điều này thể hiện trong hầu hết các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa VII), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 48 – NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005…

Thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cơ quan nhà nước quản lý về du lịch đã và đang nỗ lực xây dựng pháp luật trong lĩnh vực du lịch một cách đầy đủ và hiệu quả. Tuy

nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực du lịch hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa, chưa cụ thể và tính hệ thống chưa cao, tác động của nó trong quá trình triển khai còn nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Về cơ sở lý luận, cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về pháp luật du lịch. Tuy nhiên, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch cũng giống như các quy phạm pháp luật khác đều có tính bắt buộc chung, là khuôn mẫu để mọi chủ thể tuân thủ và là tiêu chí đánh giá về hành vi của con người, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận và được áp dụng nhiều lần trong cuộc sống cho đến khi bị thay đổi hoặc hủy bỏ. Điểm khác là quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động du lịch. Để tiếp cận khái niệm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, xuất phát từ đối tượng điều chỉnh có thể nêu một quan niệm chung như sau:

Pháp luật trong lĩnh vực du lịch là hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động du lịch, bao gồm các quy định về: tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch; khách du lịch; kinh doanh du lịch; hướng dẫn du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác quốc tế về du lịch; thanh tra du lịch, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch.

Pháp luật trong lĩnh vực du lịch mang những đặc điểm chung của pháp luật và những đặc điểm đặc thù, đó là:

- Pháp luật trong lĩnh vực du lịch thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đường lối, chính sách của Đảng luôn giữ vai trò chỉ đạo trong mối quan hệ với pháp luật. Điều này thể hiện ở sự chỉ đạo về quan điểm, phương hướng xây dựng pháp luật, chỉ đạo nội dung pháp luật và việc tổ chức, thực hiện pháp luật. Pháp luật về du lịch luôn phản ánh và thể chế đường lối, chính sách của Đảng thành

các quy định thống nhất áp dụng trên quy mô toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thực hiện pháp luật về du lịch phải căn cứ vào quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là quan điểm coi “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” (thể hiện trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng lần VII, VIII, IX và tiếp tục khẳng định trong Đại hội Đảng lần X, XI) để thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, pháp luật về du lịch cũng có tính độc lập tương đối của, nó có tác động trở lại đối với đường lối, chính sách của Đảng. Nếu sử dụng tốt công cụ pháp luật thì chủ trương, đương lối, chính sách của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thông qua pháp luật đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng được triển khai và thực hiện nhanh chóng, cụ thể trên quy mô rộng lớn nhất.

- Pháp luật trong lĩnh vực du lịch là hệ thống các quy tắc xử sự có tính thống nhất nội tại cao và có quan hệ chặt chẽ pháp luật trong các lĩnh vực khác

Tính hệ thống của pháp luật về du lịch thể hiện sự đa dạng của các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong những thời điểm nhất định để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động du lịch.

Pháp luật về du lịch có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với pháp luật trong các lĩnh vực khác như: hành chính, tài chính, khoa học công nghệ, quyền và nghĩa vụ của công dân, hình sự, dân sự…

Tuy nhiên pháp luật về du lịch cũng có đặc điểm riêng, mang tính đặc thù so với pháp luật trong các lĩnh vực khác:

- Pháp luật trong lĩnh vực du lịch là tổng thể các quy phạm pháp luật phản ánh đặc thù của ngành du lịch (ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa rất cao), bao gồm các quy định của pháp luật về: tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch; khách du lịch; kinh doanh du lịch; hướng dẫn du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác quốc tế về du lịch; thanh tra du lịch, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch

được quy định tại Luật Du lịch 2005 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra còn có các quy định liên quan đến lĩnh vực du lịch nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông vận tải, các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh…

- Pháp luật trong lĩnh vực du lịch quy định hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước trong việc bảo đảm hiệu lực thực tế của các quy định pháp luật về du lịch bằng các biện pháp pháp luật, bảo đảm cho các quy định này được thực thi trên thực tế.

- Nguồn của pháp luật trong lĩnh vực du lịch rất phong phú, đa dạng, các quy định của pháp luật về du lịch không chỉ thể thiện trong các văn bản pháp luật du lịch mà còn thể hiện ngay trong các văn bản pháp luật khác có liên quan: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật bảo vệ môi trường…

1.2.2. Nội dung, hình thức của pháp luật trong lĩnh vực du lịch

a. Nội dung của pháp luật trong lĩnh vực du lịch

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về du lịch hiện hành đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản về hoạt động du lịch, trong đó Luật Du lịch dành 9 chương quy định cụ thể các vấn đề này (tài nguyên du lịch, quy hoạch du lịch…). Trên cơ sở các quy định chung đó và các quy định tại các văn bản có liên quan, các cơ quan thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể về những vấn đề này. Nội dung pháp luật về du lịch ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

- Quy định về tài nguyên du lịch và chế độ quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch.

Các quy định của pháp luật về du lịch phân chia các loại tài nguyên du lịch thành; điều tra tài nguyên du lịch; nguyên tắc bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch; trách nhiệm quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch. Đặc biệt, trong trường hợp tài nguyên du lịch được sử dụng cho nhiều mục đích kinh tế khác nhau, pháp luật du lịch quy định sự phối hợp giữa các ngành, các cơ

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 18/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí