Bỏ Một Số Quy Định Về Các Trường Hợp Được Hoàn Thuế

áp dụng. Theo chúng tôi, pháp luật thuế GTGT nước ta chỉ áp dụng hệ thống một mức thuế suất 10%.

Về thuế suất 0%:

Hiện nay cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu phi thuế quan không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT, không thực hiện kê khai và không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào nên đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào có thuế GTGT mặc dù sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn không được khấu trừ mà phải đưa vào chi phí. Theo chúng tôi, nên sửa đổi qui định theo hướng không phân biệt doanh nghiệp nội địa hay doanh nghiệp khu phi thuế quan, đều thực hiện kê khai, nộp thuế, khấu trừ, hoàn thuế như nhau. Vì vậy, cần loại đối tượng là hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ra khỏi diện áp dụng thuế suất 0%, tức vẫn áp dụng thuế suất như hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nội địa. Theo đó, bỏ cả qui định về việc các dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan nhưng địa điểm cung cấp và tiêu dùng dịch vụ ở ngoài khu phi thuế quan thì không được áp dụng thuế suất 0%.

Đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng loại dịch vụ xuất khẩu nào được áp dụng thuế suất 0% bởi dịch vụ là một loại hàng hóa vô hình rất khó kiểm soát được thực tế có xuất khẩu hay không, vì vậy, rất có thể bị lợi dụng để được hoàn thuế đầu vào khống làm thất thoát tiền của NSNN. Vì vậy, theo chúng tôi cần phải có sự qui định rõ ràng và chặt chẽ về việc xác định tính thực tế xuất khẩu của dịch vụ. Cụ thể, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Hợp đồng ký với đối tác nước ngoài,

+ Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;

+ Tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp không xác định được địa điểm tiêu dùng thì áp dụng thuế suất như đối với tiêu dùng nội địa.

3.2.4.2. Về phương pháp tính thuế

Qua thực tiễn áp dụng thuế GTGT, phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT đã không có mấy tác dụng mà thậm chí còn phản ánh sai lệch nghĩa vụ thuế GTGT cũng như bản chất của thuế GTGT và đưa đến nhiều hậu quả phái sinh tiêu cực khác. Mặt khác, phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT chỉ tồn tại trên phương diện lý thuyết còn thực tế nó không phải là một phương pháp tính thuế. Hơn nữa, nếu như pháp luật thuế GTGT xác định lại phạm vi đối tượng nộp thuế GTGT bằng cách đưa ra ngưỡng chịu thuế GTGT thì phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT không còn lý do để tồn tại. Vì vậy, tất yếu pháp luật thuế GTGT sửa đổi chỉ cần qui định một phương pháp duy nhất đó là phương pháp khấu trừ thuế GTGT.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Chúng tôi kiến nghị, Luật Thuế GTGT chỉ cần qui định một phương pháp đó là phương pháp khấu trừ, bỏ qui định phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT.

3.2.5. Bỏ một số quy định về các trường hợp được hoàn thuế

Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 12

Trường hợp quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể phá sản có số thuế nộp thừa nên chuyển sang qui định về quyết toán thuế. Điều này vừa mang tính logic vừa phù hợp với bản chất của vấn đề, bởi không phải khi doanh nghiệp được nhà nước trả lại một khoản tiền nhất định thì đều được xếp vào diện hoàn thuế. Trường hợp đối tượng nộp thuế là tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản có số thuế GTGT nộp thừa thì cơ quan thuế thực hiện việc thoái thu khi quyết toán thuế và được qui định trong các điều luật về quyết toán thuế mà không nên nằm trong điều khoản về hoàn thuế. Thoái thu thuế khác biệt với hoàn thuế về bản chất, cơ sở pháp lý đồng thời thoái thu khi quyết toán thuế là hiện tượng bình thường trong bất kỳ sắc thuế nào khi số tiền tạm nộp lớn hơn số tiền phải nộp sau khi quyết toán thuế hoặc khi có sự nhầm lẫn.

Trường hợp hoàn thuế theo quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo qui định của pháp luật cần đưa ra khỏi diện được hoàn thuế GTGT. Bởi quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan thuế có thẩm quyền là một quyết định quản lý hành chính nhà nước - quyết định này không phải là sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền hoàn thuế GTGT; thứ nữa với qui định này dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện không đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong hoàn thuế.

Những trường hợp hoàn thuế đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, các tổ chức sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức cá nhân nước ngoài để mua hàng hóa dịch vụ tại Việt Nam cũng nên đưa ra khỏi diện được hoàn thuế bởi chế định hoàn thuế trong thuế GTGT không kiêm nhiệm chức năng thực hiện chính sách xã hội, chức năng này được thực hiện thông qua các qui định về thuế suất và các hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT.

3.2.6. Bổ sung điều luật về giải thích từ ngữ

Để tránh các trường hợp bất lợi khi áp dụng pháp luật thuế GTGT, cần quy định một số khái niệm tại Luật Thuế GTGT chứ không giao cho Chính phủ hướng dẫn tại nghị định, như các khái niệm sau: Khoáng sản chưa qua chế biến, thanh toán qua ngân hàng...

Trong thực tế đã xảy ra vụ án hành chính về hoàn thuế GTGT đối với hoạt động xuất khẩu quặng sắt, xuất phát từ việc Luật Thuế GTGT không quy định rõ các khái niệm.

Nội dung vụ án như sau:

Công ty TNHH Thương mại Quốc tế (Hải Phòng) thực hiện mua quặng sắt đã qua chế biến nâng cao hàm lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (hàm lượng sắt 54%) của Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn, sau đó xuất khẩu quặng cho Công ty TNHH thương mại Kỳ Duyên, Trung Quốc. Công ty TNHH Thương mại Quốc tế đề nghị hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa là quặng sắt xuất khẩu.

- Điều 4, Luật Thuế GTGT quy định:

+ Đối tượng không chịu thuế bao gồm: Một số sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến do Chính phủ quy định cụ thể.

+ Hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, trừ trường hợp được áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này.

+ Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến do Chính phủ quy định không được áp dụng thuế suất 0%.

- Thực hiện quyền hướng dẫn Luật do Quốc hội giao, Chính phủ đã có quy định:

Đối tượng thuộc diện không chịu thuế GTGT, bao gồm:

Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác quy định cụ thể dưới đây:

- Dầu thô;

- Đá phiến, cát, đất hiếm;

- Đá quý;

- Quặng măng - gan, quặng thiếc, quặng sắt, quặng crôm-mit, quặng êmênhít, quặng a-pa-tit.

Căn cứ các quy định trên, Cục thuế Thành phố Hải phòng không hoàn thuế đối với trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Quốc tế. Công ty đã kiện ra Tòa án Thành phố Hải Phòng. Tại Bản án sơ thẩm số 02/2009/HCST ngày 24/9/2009, Tòa án nhân dân Thành phố Hải Phòng xác định sản phẩm quặng sắt đã qua làm giàu nâng cao hàm lượng là khoáng sản đã qua chế biến, tuyên xử Công ty TNHH Thương mại Quốc tế thắng kiện, được hoàn thuế GTGT đầu vào của quặng sắt xuất khẩu. Căn cứ Tòa án đưa ra là:

- Luật Thuế GTGT quy định: Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến là đối tượng không chịu thuế GTGT

- Luật Khoáng sản quy định: Chế biến khoáng sản là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản đã khai thác.

Như vậy, Tòa án không xem xét đến quy định của Nghị định là sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản phải chế biến thành sản phẩm khác mới được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu mà chỉ căn cứ vào Luật Khoáng sản quy định về chế biến khoáng sản để xác định khoáng sản nào được coi là đã qua chế biến.

3.2.7. Bỏ quy định không cho khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với các hóa đơn, chứng từ kê khai quá thời hạn sáu tháng

Theo chúng tôi, nguyên tắc cao nhất để được khấu trừ thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Mọi điều kiện được đặt ra cũng chỉ là nhằm xác định cơ sở kinh doanh thực mua hàng hóa, dịch vụ để kinh doanh. Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện về thanh toán qua ngân hàng, hợp đồng, hóa đơn thì không xác định hóa đơn đó phát sinh từ thời điểm nào, đều được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

3.2.8. Sử dụng đúng nghĩa của từ để tránh tình trạng áp dụng pháp luật tùy tiện

Từ "như" được sử dụng rất phổ biến trong các văn bản hướng dẫn dưới luật, đặc biệt là Thông tư, trong một số trường hợp, thay vì phải hiểu đồng nghĩa với từ "ví dụ" thì lại được hiểu là "bao gồm".

Ví dụ: Điểm 1.3 Mục II Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC hướng dẫn: "Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan nhưng địa điểm cung cấp và tiêu dùng dịch vụ ở ngoài khu phi thuế quan như: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn,

kho bãi; dịch vụ vận chuyển, đưa đón người lao động" không được áp dụng thuế suất 0%. Thực tế áp dụng quy định này, cơ quan thuế chỉ thu thuế đối với các dịch vụ được liệt kê sau từ "như", ngoài các dịch vụ này thì vẫn được áp dụng thuế suất 0%. Theo chúng tôi, việc có được áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan hay không là theo quy định "địa điểm cung cấp và tiêu dùng dịch vụ" ở ngoài khu phi thuế quan hay ở trong khu phi thuế quan. Các dịch vụ được liệt kê sau từ "như" chỉ mang ý nghĩa là các ví dụ để xác định các dịch vụ tương tự. Còn nếu dụng ý chỉ đánh thuế đối với các dịch vụ liệt kê thì phải quy định như sau: Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan, bao gồm: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch vụ vận chuyển, đưa đón người lao động không được áp dụng thuế suất 0%.

3.2.9. Bổ sung quy định cho phép khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hóa đơn phát sinh trước thời điểm doanh nghiệp liên doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Thực tế hiện nay rất nhiều trường hợp doanh nghiệp liên doanh trong thời gian chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa được cấp mã số thuế, nên một trong các bên liên doanh phải đứng tên trên các hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp liên doanh.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, đối với hợp đồng trước đăng ký kinh doanh:

1. Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh.

2. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp là người tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ phát sinh trước đăng ký kinh doanh vẫn được pháp luật công nhận. Nhưng do Luật Thuế GTGT không có quy định cho phép khấu trừ, hoàn thuế trường hợp này (doanh nghiệp liên doanh đề nghị khấu trừ, hoàn thuế thì không đảm bảo điều kiện hóa đơn, chứng từ phải đứng tên đơn vị, còn doanh nghiệp đứng tên mua hàng hóa, dịch vụ đề nghị khấu trừ, hoàn thuế thì không đảm bảo điều kiện hàng hóa, dịch vụ đó phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mua), cơ quan thuế rất lúng túng trong việc xử lý.‌

3.2.10. Bổ sung quy định về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng vào Luật Thuế giá trị gia tăng

Hiện nay quy định về thời điểm xác định thuế GTGT mới chỉ được quy định tại nghị định và thông tư. Theo chúng tôi, nội dung này cần được quy định trong Luật Thuế GTGT, dưới dạng nguyên tắc. Cụ thể, bổ sung thêm một điều luật như sau:

Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng

1. Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

2. Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


1. Trên cơ sở những bất cập phát sinh từ thực trạng pháp luật thuế GTGT, trong bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay, Luận văn đưa ra những nguyên tắc, phương hướng cơ bản hoàn thiện pháp luật thuế GTGT.

2. Trên cơ sở những nguyên tắc, phương hướng cơ bản đó, Luận văn đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật thuế GTGT.

KẾT LUẬN


Trong phạm vi của một luận văn, bằng lập luận của mình kết hợp với luật thực định của các nước trên thế giới luận văn tập trung xây dựng lý luận về một số nội dung chủ yếu của pháp luật thuế GTGT. Bằng việc soi lý luận về pháp luật thuế GTGT vào pháp luật thực định về thuế GTGT ở nước ta hiện nay, luận văn đi vào đánh giá thực trạng điều chỉnh pháp luật thuế GTGT và triển khai áp dụng ở Việt Nam. Trên cơ sở sự đánh giá tổng quan những mặt được và chưa được của pháp luật điều chỉnh thuế GTGT, luận văn đi sâu đánh giá thực trạng điều chỉnh pháp luật thuế GTGT trên một số nội dung cụ thể và cũng là chủ yếu của pháp luật thuế GTGT, mà những nội dung này đã hình thành nên một bộ phận quy phạm pháp luật cơ bản nhất, quan trọng và chủ yếu nhất của pháp luật thuế GTGT đó là: phạm vi áp dụng thuế GTGT (gồm đối tượng chịu thuế GTGT, đối tượng nộp thuế GTGT); căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế GTGT; khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT. Khi đánh giá, luận văn chỉ rõ và phân tích những bất cập của pháp luật thuế GTGT ở nước ta hiện nay mà đặc biệt là những bất cập lớn của Luật Thuế GTGT và những vướng mắc phát sinh trong thực tế do sự bất cập của pháp luật thuế GTGT mang lại. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật thuế GTGT trong điều kiện nước ta hiện nay.

Trên cơ sở những vấn đề đặt ra từ thực trạng pháp luật thuế GTGT ở nước ta hiện nay, cũng như những nguyên tắc, phương hướng hoàn thiện pháp luật thuế GTGT, luận văn đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật thuế GTGT, đồng thời có một số kiến nghị cụ thể cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT nhằm nâng cao tính hiệu quả của việc áp dụng thuế GTGT ở Việt Nam.

Mặc dù luận văn đã cố gắng xây dựng cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, song trong phạm vi của một luận văn thạc sĩ không thể giải quyết hết mọi vấn đề một cách đầy đủ, thấu đáo và còn nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được sự quan tâm, đánh giá để tác giả có thể tiếp thu hoàn thiện luận văn.

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 12/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí