hành vi dân sự đầy đủ ở đây là gì? Do cơ quan nào cấp? Có đòi hỏi phải có quyết định của tòa án hay không? Theo quy định của pháp luật dân sự, khi không có quyết định của các cơ quan chuyên môn, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mọi công dân đều được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với các tổ chức năng lực hoạt động, tư cách pháp nhân được thừa nhận khi có quyết định thành lập hoặc có giấy phép hoạt động. Vì vậy, nội dung hướng dẫn tại Thông tư 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính như nêu trên là chưa rõ ràng, có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau gây phiền hà, cản trở việc tham gia mua cổ phần của các tổ chức cá nhân, cần có sự sửa đổi hướng dẫn cụ thể hơn.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 31 Nghị định 187/2004/NĐ-CP, thời hạn tối thiểu cần công bố công khai thông tin về bán cổ phần trước ngày bán đấu giá cổ phần chỉ là 20 ngày. Theo hướng dẫn tại Thông tư 126/2004/TT-BTC, các nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc trước ngày bán đấu giá cổ phần tối thiểu là 5 ngày. Như vậy, thời hạn tối thiểu để các nhà đầu tư tiếp nhận thông tin, nghiên cứu tính toán, làm thủ tục đăng ký mua, chuẩn bị vốn đầu tư có thể chỉ là 15 ngày. Theo tác giả, khoảng thời gian này là quá ngắn để các nhà đầu tư có thể thực hiện một "quyết định đầu tư" và so với tổng thời gian thực hiện quá trình CPH kéo dài tới hơn 400 ngày (2004: 439 ngày) [35, tr. 209] thì thời gian "dành để thu hút các nhà đầu tư mua cổ phần" ở mức tối thiểu như vậy là quá ngắn. Cần sửa đổi bổ sung các quy định này theo hướng kéo dài khoảng thời gian từ khi công khai thông tin về bán cổ phần đến thời điểm bán đấu giá cổ phần cũng như không cần thiết phải giới hạn thời điểm đăng ký mua trước ngày bán đấu giá cổ phần quá dài như nêu trên.
Thứ ba, theo hướng dẫn của Thông tư 126/2004/TT-BTC, nhà đầu tư phải đăng ký mua cổ phần và đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua (theo giá sàn), trước ngày tổ chức bán đấu giá là 5 ngày, số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư căn cứ theo số lượng đã đăng ký mua.
Theo tác giả, quy định như nêu trên là chưa phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế, tạo ra những sơ hở cho các hành vi tiêu cực, bởi vì:
Chúng ta thực hiện CPH DNNN trong điều kiện thị trường vốn, thị trường bất động sản mới bắt đầu đi vào hoạt động, chưa có tính chuyên nghiệp và ổn định. Các tổ
chức có chức năng thẩm định giá chưa phát triển, trình độ năng lực còn yếu kém. Khó có thể khẳng định rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp luôn sát với giá trị thực của doanh nghiệp. Hạ thấp giá trị doanh nghiệp CPH luôn là xu hướng gắn liền với lợi ích cục bộ của doanh nghiệp CPH thậm chí cả cơ quan thực hiện quyền sở hữu và các nhà đầu tư. Có thể nêu điển hình trong CPH Công ty sữa Vinamilk - một Công ty lớn, làm ăn rất có hiệu quả, tuy nhiên giá trị theo kết quả định giá Công ty thấp hơn đến 3 lần giá thị trường (theo Tạp chí Tài chính, tháng 3/2005, trang 9). Có thể khẳng định, việc CPH DNNN có thực sự được thực hiện theo nguyên tắc của thị trường hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức bán cổ phần.
Với các quy định nêu trên, trong quá trình thực hiện bán đấu giá cổ phần, tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần luôn nắm vững tương quan cung cầu, trong điều kiện tham nhũng tiêu cực phổ biến như hiện nay, không cho phép loại trừ khả năng sử dụng thông tin cung cầu để thực hiện các "giao dịch nội gián" trong mua bán cổ phần. Thực tiễn CPH DNNN đã có biểu hiện rò rỉ thông tin cung cầu trong quá trình bán đấu giá cổ phần. Ví dụ: Trong phiên đấu giá nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, "có thể thấy rằng tổng mức cầu đã bị rò rỉ (không ở độ chính xác tuyệt đối) lãnh đạo Trung tâm giao dịch chứng khoán cũng khó có thể biết việc rò rỉ thông tin từ đâu..." [34, tr. 45]. Khó có thể đưa ra được cơ chế giám sát để đảm bảo bí mật đối với thông tin này và càng rất khó có căn cứ để kết luận và xác định trách nhiệm đối với cá nhân để lộ thông tin và người sử dụng thông tin. Nếu không có giải pháp loại trừ tình trạng này sẽ dẫn đến gây thiệt hại và có thể là rất lớn cho Nhà nước và cho các nhà đầu tư chân chính.
Để khắc phục, loại trừ sơ hở nêu trên đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong việc quyết định việc mua cổ phần tại phiên đấu giá, theo tác giả cần sửa đổi các quy định này theo hướng: Cho phép các nhà đầu tư được mua số lượng cổ phần cao hơn 1,5 - 2 lần số lượng đã đăng ký mua, sự thay đổi số lượng này được ghi nhận trực tiếp trên phiếu đấu giá cùng với giá đặt mua của nhà đầu tư, trong phiên đấu giá. Việc kiểm tra xác định kết quả đấu giá phải được tiến hành công khai, kết quả đấu giá phải được công bố ngay trong phiên đấu giá. Quy định này cần được bổ sung vào nghị định hoặc luật về CPH để đảm bảo hiệu lực thi hành mà không cần có sự hướng dẫn bổ sung.
Thứ tư, quy định về bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.
Theo quy định tại Điều 26, 27, 28 Nghị định 187/2004/NĐ-CP, cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư trong nước như: Người sản xuất và thường xuyên cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp; người cam kết tiêu thụ lâu dài sản phẩm cho doanh nghiệp; người gắn bó lợi ích chiến lược lâu dài trong kinh doanh, có tiềm năng về tài chính và năng lực quản lý. Doanh nghiệp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trình cơ quan quyết định CPH phê duyệt. Nhà đầu tư chiến lược được mua tối đa 20% cổ phần bán ra theo giá ưu đãi, giá bán cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược được giảm 20% so với giá đấu bình quân.
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp Luật Đảm Bảo Dân Chủ Trong Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước
- Các Quy Định Về Tổ Chức, Hoạt Động Của Các Chủ Thể Nhà Nước Thực Hiện Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước
- Các Quy Định Về Xử Lý Tài Chính Khi Cổ Phần Hóa
- Các Quy Định Về Đào Tạo Lại Lao Động, Sắp Xếp Việc Làm Và Giải Quyết Chế Độ Chính Sách Đối Với Người Lao Động
- Quan Điểm Hoàn Thiện Pháp Luật Đảm Bảo Dân Chủ Trong Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước
- Tách Rời Việc Thực Hiện Quyền Sở Hữu Nhà Nước Và Quyền Quản Lý Nhà Nước Đối Với Doanh Nghiệp Cổ Phần Hóa
Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.
Theo tác giả, đây là một nội dung quy định chưa phù hợp, bởi vì:
Cổ đông chiến lược trước hết phải là các nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính và có năng lực quản lý, sự tham gia mua cổ phần doanh nghiệp của họ được coi là sáng suốt, đúng đắn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khác mạnh dạn tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp. Cổ đông chiến lược còn là người có thể đóng góp trí tuệ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc tham gia quản lý doanh nghiệp. Tính chiến lược của nhà đầu tư chiến lược còn cần phải thể hiện ở niềm tin vào khả năng phát triển doanh nghiệp và sự gắn bó thực sự về lợi ích đối với doanh nghiệp thông qua mức độ đầu tư vốn vào doanh nghiệp và chỉ như vậy là đủ.
Việc quy định các tiêu chí cụ thể trong khoản 2 Điều 26 Nghị định 187/2004/NĐ-CP có vẻ như tạo ra và củng cố những quan hệ ổn định, thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Song theo tác giả điều đó không đúng, bởi vì: Sự ổn định lâu dài và gắn bó trong các quan hệ kinh tế không thể xuất phát từ sự cam kết ràng buộc (không bị cưỡng chế) mà luôn xuất phát từ hiệu quả và lợi ích của các bên trong quan hệ kinh tế. Các tiêu chí cụ thể nêu trên không tạo ra các nhân tố "mới" tham gia vào công ty cổ phần. Sự cho phép doanh nghiệp lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược là những đối tác đang tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng nguyên vật liệu có thể dẫn đến sự phức tạp trong quan hệ giữa các chủ thể này với công ty cổ phần khi các nhà đầu tư chiến lược trở thành các nhà quản lý trong công ty cổ phần, đồng thời hạn chế phạm vi lựa chọn các nhà đầu tư có tính "chiến lược" toàn diện đối với doanh nghiệp CPH.
Sự cho phép doanh nghiệp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo các tiêu chí rất chung chung nêu trên có thể dẫn tới lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn theo tiêu chí "tình
cảm cá nhân", làm xấu đi quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ thể "đáng mặt hơn" không được lựa chọn, tạo nên sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Một bất cập không nhỏ trong quy định này theo tác giả đó là "giảm cầu" trong các cuộc đấu giá bán cổ phần (làm mất tính cạnh tranh mua cổ phần của các nhà đầu tư có tiềm năng có uy tín). Trong điều kiện khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta chưa thực sự lớn mạnh, (trong 1557 doanh nghiệp đã CPH chỉ có 8% cổ phần do cổ đông bên ngoài nắm giữ" [88, tr. 199]) thì mức 4% đến 20% cổ phần bán ra không thông qua đấu giá sẽ trở thành yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán vốn nhà nước.
Vì vậy, theo tác giả, cần sửa đổi quy định về nhà đầu tư chiến lược theo hướng lấy các tiêu chí có năng lực về quản lý điều hành doanh nghiệp và tiêu chí mức đầu tư vốn vào doanh nghiệp là chủ yếu và để đảm bảo tính định lượng của sự lựa chọn, đồng thời cần gắn việc giảm giá có tính chất ưu đãi với hoạt động bán đấu giá cổ phần góp phần đảm bảo nguyên tắc thị trường trong việc bán cổ phần của các doanh nghiệp CPH.
2.2.4. Quy định về thu nộp và sử dụng tiền bán cổ phần
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 187/2004/NĐ-CP số tiền thu được từ CPH DNNN được sử dụng vào các mục đích:
1. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách đối với người lao động tại thời điểm cổ phần hóa.
a) Hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán trợ cấp cho số lao động thôi việc khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
b) Hỗ trợ đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa để bố trí việc làm mới trong công ty cổ phần.
2. Số tiền còn lại được quản lý và sử dụng như sau:
a) Trường hợp cổ phần hóa thành viên tổng công ty nhà nước hoặc cổ phần hóa bộ phận công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước hoặc công ty nhà nước độc lập được sử dụng vào hoạt động kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục giải quyết lao động dôi dư theo quy định tại khoản 8 Điều 36 của Nghị định này.
b) Trường hợp cổ phần hóa toàn bộ công ty nhà nước độc lập, toàn bộ Tổng công ty nhà nước thì số tiền còn lại chuyển về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Bộ Tài chính để đầu tư cho công ty nhà nước cần nắm giữ 100% vốn nhưng thiếu vốn, công ty cổ phần nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nhưng vốn Nhà nước có tại doanh nghiệp cổ phần hóa không đủ đảm bảo số cổ phần của Nhà nước và hỗ trợ các doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục giải quyết lao động dôi dư theo quy định tại khoản 8 Điều 36 Nghị định này. Số còn lại đầu tư vào các doanh nghiệp thông qua Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước [21].
Theo hướng dẫn tại mục VI Thông tư 126/2004/TT-BTC, số tiền này doanh nghiệp được sử dụng để chi phí cho việc thực hiện CPH; chi trợ cấp mất việc và chi đào tạo đối với người lao động trước và sau CPH DNNN (các khoản chi trợ cấp mất việc và chi đào tạo lại lao động được lập phương án trong CPH DNNN). Quyết toán các khoản chi này do cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp kiểm tra phê duyệt, số còn lại nộp cho các địa chỉ công ty; tổng công ty và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Bộ Tài chính.
Theo quy định tại Điều 4 Quyết định 174/2002/QĐ-TTg ngày 02/12/2002 về tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ sắp xếp và CPH DNNN, quỹ này được tổ chức ở các cấp: ở Trung ương được tập trung tại một tài khoản mở tại kho bạc do Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý; ở các tỉnh: được tập trung tại một tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý; ở tổng công ty nhà nước: được tập trung tại một tài khoản riêng của tổng công ty do Hội đồng quản trị quản lý; các tài khoản này được sử dụng để hỗ trợ sắp xếp chuyển đổi các doanh nghiệp trực thuộc ở các cấp tương ứng.
Theo tác giả, các quy định nêu trên có nhiều điểm bất hợp lý:
Thứ nhất, số tiền nhà nước thu được từ CPH ở bất cứ DNNN nào cũng không còn địa vị pháp lý là vốn của doanh nghiệp hay vốn đầu tư dự án. Theo quy định tại Điều 2, điểm e khoản 1 Điều 30, điểm l khoản 1 Điều 32 Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002, đó là một khoản thu của ngân sách, phải được thu nộp, sử dụng phù hợp với các quy định của pháp luật ngân sách.
Thứ hai, theo quy định như nêu trên, chi phí CPH, chi phí trợ cấp mất việc và chi phí đào tạo lao động đều do doanh nghiệp CPH lập phương án chi, thực hiện chi trong đó cơ quan quyết định CPH vừa trực tiếp nhận kinh phí chi cho các cá nhân trong ban chỉ đạo CPH, vừa kiểm tra phê duyệt quyết toán, liệu có thể có được sự minh bạch trong thu chi tài chính hay không?
2.3. Các quy định về đảm bảo quyền dân chủ của các chủ thể tham gia đầu
tư
Chủ thể tham gia đầu tư trong CPH DNNN là các cá nhân, tổ chức tham gia mua
cổ phần của doanh nghiệp CPH, để đảm bảo quyền dân chủ của các chủ thể này trong CPH DNNN phải bảo đảm quyền tự do và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia đầu tư: đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của chủ thể này trong quan hệ mua bán cổ phần. Thực trạng các quy định về vấn đề này trong pháp luật CPH DNNN có thể được xem xét ở các nội dung sau.
2.3.1. Các quy định đảm bảo quyền tự do và bình đẳng của các chủ thể đầu
tư
Với mục tiêu đa dạng hóa hình thức sở hữu đối với DNNN, huy động vốn của cá
nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong và ngoài nước để năng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng được mua cổ phần trong các doanh nghiệp CPH là hết sức rộng rãi, bao gồm: các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động theo pháp luật Việt Nam và cá nhân người Việt Nam định cư ở trong nước (gọi tắt là các nhà đầu tư trong nước) được quyền mua cổ phần của các doanh nghiệp CPH với số lượng không hạn chế. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là nhà đầu tư nước ngoài) được mua cổ phần của các doanh nghiệp CPH tối đa bằng 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung, các quy định của pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư vào quá trình CPH DNNN. Tuy nhiên, trong các quy định của pháp luật còn chứa đựng những nội dung chưa đảm bảo quyền bình đẳng cho các nhà đầu tư, cụ thể như sau:
Thứ nhất, còn có sự phân biệt đối xử với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam trong việc mua cổ phần như: không cho phép trở thành cổ đông chiến lược trong công ty cổ phần mới hình thành.
Thứ hai, quy định về tiêu chí cổ đông chiến lược tại Điều 26 Nghị định 187/2004/NĐ-CP là hết sức chung chung, có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược (như tác giả đã phân tích ở mục 2.2 chương 2).
2.3.2. Các quy định đảm bảo quyền về thông tin của các nhà đầu tư
Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về doanh nghiệp và bán cổ phần là trách nhiệm của doanh nghiệp CPH, của cơ quan thực hiện bán đấu giá cổ phần với tư cách là bên bán, đối với các nhà đầu tư là bên mua. Việc cung cấp đầy đủ nội dung các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư có đủ cơ sở xem xét định hình được quy mô, năng lực về vốn, năng lực về quản trị kinh doanh và các yếu tố khác để có sự lựa chọn, quyết định đầu tư phù hợp, tránh gây thiệt hại cho các nhà đầu tư là một yêu cầu đặt ra để đảm bảo quyền dân chủ của các nhà đầu tư.
Trong quy định hiện hành của pháp luật về CPH DNNN, nội dung thông tin về doanh nghiệp CPH và bán đấu giá cổ phần mà các nhà đầu tư được tiếp nhận, được quy định chi tiết tại phụ lục số 7 và 9 ban hành kèm theo Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24-12-2004. Theo chúng tôi, nội dung quy định về việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư là chưa đầy đủ, có thể nêu một số dẫn chứng cụ thể, như:
- Danh sách các nhà đầu tư chiến lược, danh sách dự kiến đại diện cổ đông nhà nước trong công ty cổ phần chưa được công khai. Như vậy, mục tiêu lực chọn các nhà đầu tư chiến lược nhằm củng cố niềm tin và thu hút đông đảo các cá nhân, tổ chức đầu tư vốn mua cổ phần là chưa đạt được; các nhà đầu tư chưa có cơ sở đánh giá năng lực quản lý điều hành của công ty cổ phần trong tương lai.
- Chưa có các quy định về công bố thông tin bất thường trong trường hợp xảy ra các sự kiện làm ảnh hưởng đến tính chính xác của nội dung các thông tin về doanh nghiệp CPH và bán cổ phần đã được công bố (ví dụ, trường hợp doanh nghiệp CPH bị tổn thất về tài sản lớn hơn 10% vốn điều lệ; có biến động lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...).
Trong pháp luật về chứng khoán, các quy định về công khai thông tin liên quan đến việc phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp là hết sức chặt chẽ như là một yêu cầu để đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Với tính tương đồng về bản chất kinh tế, theo tác giả các quy định về công khai thông tin về doanh nghiệp CPH và bán cổ phần trong CPH DNNN cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với các quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán để đảm bảo có đủ cơ sở xác định trách nhiệm của doanh nghiệp CPH, cơ quan thực hiện bán cổ phần trong quá trình CPH DNNN, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Ngoài ra, để thực hiện sự tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đầu tư vốn, mua cổ phần tác giả hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả Nguyễn Hoàng Hải (Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam) về đề xuất: "Bản công bố thông tin về doanh nghiệp, bán đấu giá cổ phần cần được kèm thêm tiếng Anh dành cho nhà đầu tư nước ngoài...", "nếu như có bản dịch tiếng Anh trên Internet các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp cận thông tin đầy đủ và dễ dàng, điều đó sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài..." [34, tr. 45].
2.4. Các quy định đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động
Đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động là một nội dung quan trọng của pháp luật đảm bảo dân chủ trong CPH DNNN. Trong CPH DNNN người lao động là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp nhất và bị ảnh hưởng về nhiều mặt. Với yêu cầu đổi mới công nghệ, tổ chức lại sản xuất trong quá trình CPH, với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, hậu quả dôi dư lao động, người lao động mất việc làm, cần phải đào tạo lại là có tính tất yếu mà chúng ta phải đối mặt, phải giải quyết. Đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, yêu cầu đặt ra đối với pháp luật là phải quy định cụ thể các vấn đề về đào tạo lại lao động, sắp xếp việc làm và giải quyết chế độ cho người lao động thôi việc, mất việc làm. Ngoài ra, với ý nghĩa là một hoạt động ở cấp cơ sở, đảm bảo thực hiện phương châm "dân biết dân bàn dân làm, dân kiểm tra" cũng là một yêu cầu đặt ra để phát huy và mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích của