MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của Đề tài Luận án
Kiểm soát nội bộ (KSNB) từ lâu được biết tới như một phương sách của quản lý hiệu quả. KSNB được thiết kế và vận hành nhằm trợ giúp cho nhà quản lý đạt được các mục tiêu trong quá trình hoạt động của mỗi tổ chức hay một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đóng góp tích cực vào quản trị tổ chức một cách hiệu quả. Với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, những phương sách quản lý được nhà quản trị sử dụng đa dạng cùng với sự hỗ trợ của những chức năng và công cụ khác nhau nhưng vai trò của KSNB là không thay đổi. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện KSNB của một tổ chức, đơn vị cho thấy những xu hướng vận động thay đổi để thích hợp trong điều kiện hoạt động thay đổi, phù hợp với sự thay đổi của những công cụ được nhà quản trị sử dụng, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa, phát triển bền vững và sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Nghiên cứu của những học giả như Ramamoorti (2003); Hermanson and Rittenberg (2003), đã phát hiện sự thay đổi giữa quản trị với việc thiết lập và thực hiện KSNB có tác động tích cực vào những hoạt động được kiểm soát ([165], [112]). Nghiên cứu của OECD (2009a, b) và Senior Supervisors Group (2009) trên cơ sở thực tiễn hoạt động hiệu quả cũng như sự sụp đổ của những tập đoàn lớn hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã phát hiện mối liên hệ giữa hiệu lực quản trị và giám sát rủi ro – một phần của KSNB hiệu lực trong đơn vị, đã được cải thiện đáng kể theo thời gian ([150], [151], [173]). Điều này mang nhiều hàm ý cho những nghiên cứu tiếp về KSNB theo những hướng khác nhau, đặc biệt là nghiê cứu về vai trò quan trọng của KSNB để quản trị doanh nghiệp thành công.
Ngân hàng thương mại (NHTM) được xem là những DN đặc biệt, kinh doanh tiền tệ và những những dịch vụ có liên quan. Lĩnh vực ngân hàng luôn được xem là một lĩnh vực hoạt động kinh doanh phức tạp, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro với tính chất đa dạng, tác động tới khả năng huy động và sử dụng nguồn lực tối ưu - hiệu quả (effeciency) và đạt được mục đích hoạt động - hiệu lực (effectiveness). Trên Thế giới, những vụ việc phá sản của nhiều ngân hàng hoặc thất bại trong kinh
doanh của một số ngân hàng trong quá khứ tại Anh, Mỹ, Pháp, Hy Lạp,…cho thấy tác động tiêu cực về kinh tế, chính trị. Do đó, vai trò KSNB với tính chất phòng ngừa và làm giảm tác động tiêu cực từ những rủi ro khác nhau tới hoạt động của NHTM, có vai trò vô cùng quan trọng. KSNB hiệu lực là yếu tố thiết yếu của quản trị ngân hàng, là nền tảng cho hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả của mỗi ngân hàng và là cơ sở thúc đẩy sự ổn định tài chính.
Những lợi ích của KSNB mang lại trong quản trị các DN nói chung và trong các NHTM nói riêng cũng là nguyên nhân thúc đẩy những nghiên cứu thực tiễn về KSNB. Dựa trên những phát hiện và nguyên nhân tồn tại của KSNB, các NHTM có thể hoàn thiện KSNB theo hướng phát triển và sử dụng những công cụ thích hợp để phát huy vai trò của KSNB một cách tốt nhất trên cơ sở kết quả nghiên cứu những
hạn chế của KSNB. Những nghiên cứu gần đây của Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel (The Basel Committee on Banking Supervision*) về những vấn đề thua lỗ nghiêm trọng, thất thoát tài sản, gian lận công bố thông tin tài chính,…phát sinh chủ yếu tại các ngân hàng nhằm nhận diện bản chất của những yếu kém trong KSNB. Kết quả phân tích cho thấy KSNB không phù hợp và không mang lại hiệu quả là
nguyên nhân chính của những vấn đề trên. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vào việc các ngân hàng phải tập trung vào cải thiện hiệu lực và đánh giá hiệu lực của KSNB, đổi mới các các yếu tố cấu thành KSNB.
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn thiện hoạt động kiểm soát nội bộ trong các Ngân hàng thương mại Việt Nam - 1
- Những Nghiên Cứu Trong Nước Có Liên Quan
- Khái Quát Về Phương Pháp Nghiên Cứu Của Luận Án
- Tổng Hợp Thông Tin Về Năng Lực, Trình Độ Đào Tạo Của Đối Tượng
Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.
Ở nước ta, hệ thống các NHTM đóng vai trò quan trọng trong hệ thống ngân hàng, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, xã hội thông qua chức năng kinh doanh tiền tệ và thực hiện những dịch vụ khác liên quan. Thực tế, hoạt động của những NHTM của nước ta đã và đang tồn tại những vấn đề lớn trong quản trị DN nói chung. Những vấn đề liên quan đa dạng, phức tạp ở mức độ khác nhau nhưng tác động tiêu cực tới NHTM và cả nền kinh tế diễn ra trong thời gian gần đây như chiếm đoạt tài sản, làm thoát tài sản của Nhà nước, lấy cắp tài sản, lạm dụng tài sản, câu kết giữa ngân hàng với DN, giữa các ngân hàng với nhau để trục lợi,…tạo ra hệ lụy tới toàn bộ nền kinh tế không thể khắc phục. Một số vụ việc điển hình chứng minh cho thất bại trong quản trị nói chung và trong KSNB nói
* Thường gọi là Ủy ban Basel gắn với những báo cáo của Ủy ban này phát hành
riêng tại các NHTM như: Vụ việc thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây Dựng; Vụ việc lạm dụng chức quyền, vi phạm pháp luật và làm thất thoát tài sản tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank); Vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước với số tiền thất thoát lên tới trên 1.100 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) và một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 2.000 tỷ đồng cũng tại Ngân hàng này; vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB);… Những vụ việc trên đây được nhìn nhận là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và suy giảm niềm tin của công chúng cũng như nhà đầu tư. Thực tế cũng cho thấy sự yếu kém trong nhiều vấn đề của quản trị tại các NHTM. Một trong nhiều nguyên nhân được nhắc tới từ khía cạnh nội bộ là KSNB đã không có hiệu lực, mất tác dụng trong việc ngăn ngừa, phát hiện sớm để làm giảm ảnh hưởng của hành vi gian lận hoặc bất tuân thủ. Bởi vậy, việc nghiên cứu những tồn tại, đánh giá và tìm hiểu nguyên nhân của những yếu kém trong KSNB tại các NHTM có ý nghĩa quan trọng đối với thực tiễn hoạt động của các NHTM Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu và sự suy giảm niềm tin của công chúng cũng như nhà đầu tư và nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam.
Qua quá trình nghiên cứu và tổng hợp tài liệu, tác giả nhận thấy đã có những nghiên cứu trên thế giới cũng như nghiên cứu ở Việt Nam về những vấn đề khác nhau của KSNB nhưng chưa đề cập tới một cách tổng thể, đầy đủ các yếu tố trong KSNB, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và trong phạm vi hẹp hơn là các NHTM hoặc với bối cảnh nghiên cứu khác. Hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động của NHTM Việt Nam những năm qua đã xuất hiện và tồn tại những vấn đề lớn trong hoạt động, trong quản lý có liên hệ tới những yếu kém trong KSNB. Xuất phát từ những nguyên nhân trên, tác giả chọn Đề tài “Hoàn thiện hoạt động kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam” cho Luận án Tiến sĩ của mình.
2. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan
2.1. Những nghiên cứu ở nước ngoài có liên quan tới Đề tài nghiên cứu
Nghiên cứu về KSNB trong DN nói chung đã được nghiên cứu trên những khía cạnh khác nhau, trong những phạm vi khác nhau ở những thời điểm khác nhau.
Những kết quả nghiên cứu có liên quan tới Đề tài Luận án được tác giả tổng hợp theo những nội dung cơ bản dưới đây.
i). Nghiên cứu chung về kiểm soát nội bộ và xây dựng khung kiểm soát:
KSNB trong một tổ chức nói chung hay trong phạm vi một DN đã được nghiên cứu từ rất sớm. Những nghiên cứu khởi đầu cho các quan điểm khác nhau về KSNB hiện đại ngày nay xuất hiện từ những năm 60 của Thế kỷ XX. Những nghiên cứu này tiếp tục được phát triển và đúc kết thành những quan điểm về KSNB theo những trường phái khác nhau. Tiêu biểu trong những nghiên cứu về KSNB nói chung là nghiên cứu của Ủy ban của các tổ chức tài trợ (Committee of Sponsoring Organizations - COSO) thuộc Ủy ban Quốc gia về Chống gian lận trong báo cáo tài chính của Hoa Kỳ (Treadway Commission) được công bố lần đầu tiên vào năm
1992 về “Báo cáo về hệ thống KSNB”†. Theo COSO 1992 [81], KSNB là một quá
trình do nhà quản lý, ban giám đốc, HĐQT và các nhân viên của đơn vị chi phối, nó được thiết lập để cung cấp một sử đảm bảo hợp lý hướng tới đạt được ba mục tiêu gồm: đảm bảo sự hữu hiệu và hiệu quả của hoạt động; đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính; đảm bảo tuân thủ luật lệ và quy định. Báo cáo COSO đưa ra cách nhìn nhận một cách toàn diện về KSNB trong một tổ chức, một DN dưới những góc độ khác nhau như KSNB theo cách nhìn nhận của quản lý, những bộ phận hợp thành KSNB, báo cáo ra bên ngoài và đánh giá KSNB. Báo cáo của COSO 1992 được tiếp tục hoàn thiện và công bố với những thay đổi khác nhau về nội dung, hình thức cũng như xem xét những tác động tới KSNB trong bối cảnh mới vào các năm 2004, 2009, 2013 và 2015. Báo cáo KSNB 2004 thay đổi cách nhìn nhận theo phạm vi rộng hơn cũng như xem xét những tác động tích cực tới KSNB để có thể cải thiện hiệu lực kiểm soát. Theo Báo cáo 2004, KSNB cần đặt trong bối cảnh rộng hơn, đó là quản trị rủi ro DN. Năm 2013, sau hơn 20 năm, nội dung của Khung kiểm soát theo COSO có những mở rộng ra ngoài phạm vi phục vụ cho công tác tài chính. Theo Khung kiểm soát COSO 2013, những thánh phần của KSNB không thay đổi so với COSO 1992: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và Truyền thông; và Giám sát [118]. Sự thay đổi đáng kể nhất được thực
† Thường được gọi là Khung kiểm soát nội bộ COSO - COSO Framework
hiện trong khuôn khổ năm 2013 là việc hệ thống hóa của 17 nguyên tắc nhằm hỗ trợ năm thành phần. Báo cáo về Khung kiểm soát 2015 được COSO công bố [117] cũng cho thấy một số điểm mới trong cách nhìn nhận về KSNB, theo đó, KSNB vẫn được xác lập trên cơ sở những nguyên tắc và thành phần nêu trong Báo cáo COSO 2013 và 1992 nhưng nhấn mạnh hơn vào quản trị rủi ro và quản trị công ty trong điều kiện môi trường hoạt động có những thay đổi.
Những nghiên cứu về KSNB nói chung tiếp tục được thực hiện nhưng trong phạm vi một lĩnh vực hoạt động cụ thể. Nghiên cứu của Gauthier (2006) thực hiện khảo sát về KSNB ở những đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý tài chính công cho thấy, những đơn vị này đều kế thừa toàn bộ quan điểm KSNB theo Khung kiểm soát COSO về khái niệm và các yếu tố cấu thành KSNB. Nghiên cứu cũng khẳng định rõ bản chất, vai trò của KSNB trong quản trị đơn vị, đồng thời cũng nêu lên lên các hạn chế cố hữu của một hệ thống KSNB dựa trên kết quả khảo sát. Ngoài ra, Nghiên cứu của nhiều tác giả cũng đã đề cập đến vấn đề nâng cao KSNB bằng cách đặt nó trong bối cảnh rộng hơn của quản trị rủi ro doanh nghiệp [101]. Nghiên cứu của nhóm tác giả Lakis, Vaclovas, Giriunas, Lukas (2012) cũng đã khám phá các khái niệm của hệ thống KSNB, trong đó các giá trị cơ bản cần thiết cho hệ thống KSNB bao gồm tính trung thực, tin tưởng, tôn trọng, cởi mở, kỹ năng, lòng can đảm, kinh tế, chủ động,… Mục đích chính của Nghiên cứu này đã đạt được là để khám phá các khái niệm và quan niệm về kiểm soát, KSNB và hệ thống KSNB, cũng như để trình bày ý tưởng riêng của họ về các khái niệm về KSNB, đồng thời để thiết kế một chương trình cấu trúc cho một hệ thống KSNB trong DN. Nghiên cứu này cũng cho rằng, một cấu trúc khuôn mẫu cho một hệ thống KSNB có thể được sử dụng trong việc xây dựng hoặc hoàn thiện hay sửa đổi một mô hình cụ thể của một hệ thống KSNB các đơn vị hoạt động khác nhau trong phạm vi một ngành [131]. D'Aquila, Jill M (2013) kế thừa nội dung của Khung kiểm soát COSO 2013 và cụ thể hóa các nội dung thay đổi trong Khung kiểm soát. Theo Nghiên cứu của Tác giả này Khung KSNB được cập nhật đơn giản là xây dựng dựa trên những gì đã được chứng minh là hữu ích trong phiên bản gốc của Khung kiểm soát COSO 1992. Tác giả cũng chỉ ra một xu hướng thay đổi trong việc ban hành Khung kiểm soát, ảnh
hưởng tới thực hiện KSNB, đó là thay đổi trên diện rộng, thay đổi cách bố trí khung tổng thể và thay đổi thành phần KSNB [91].
Về thành phần của KSNB, hầu hết các nghiên cứu của các tác giả như CHENG, Qiang; GOH, Beng Wee; and KIM, Jae Bum (2015), Karen A. Maguire (2014); Popescu, M. Dascalu, A. Bulletin (2012); Millichamp, A.H, (2002) thực hiện ở những lĩnh vực hoạt động khác nhau, kể cả trong lĩnh vực giáo dục, đều thể hiện sự thống nhất với quan điểm của COSO về những thành phần thuộc KSNB cũng như những yếu tố cấu thành cụ thể mỗi thành phần của KSNB ([77], [127], [159], [144], [180]). Tổng hợp kết quả nghiên cứu và khẳng định của các tác giả về những yếu tố của KSNB cụ thể như sau:
(1). Môi trường kiểm soát: Triết lý quản lý và phong cách điều hành của nhà quản lý; Tính trung thực và các giá trị đạo đức của Ban lãnh đạo và nhân viên; HĐQT và ủy ban kiểm toán; Cam kết về năng lực của Ban lãnh đạo và nhân viên; Cơ cấu tổ chức; Phân định quyền hạn và trách nhiệm; Chính sách nhân sự.
(2). Đánh giá rủi ro: Các chính sách và thủ tục bằng văn bản; Soát xét của các nhà quản lý cấp cao; Soát xét của các nhà quản lý cấp trung gian; Kiểm soát quá trình xử lý thông tin; Kiểm soát vật chất.
(3). Hoạt động kiểm soát: Các chính sách và thủ tục bằng văn bản; Soát xét của các nhà quản lý cấp cao; Soát xét của các nhà quản lý cấp trung gian; Kiểm soát quá trình xử lý thông tin; Kiểm soát vật chất.
(4). Thông tin và Truyền thông: Thông tin được cung cấp chính xác; Thông tin được cung cấp thích hợp; Thông tin được cung cấp kịp thời; Thông tin được cập nhật liên tục; Công tác truyền thông bên trong nội bộ; Công tác truyền thông ra bên ngoài.
(5). Giám sát: Giám sát thường xuyên; Giám sát định kỳ; Đánh giá KSNB của kiểm toán viên độc lập.
Đồng quan điểm nghiên cứu về KSNB với phạm vi rộng còn có quan điểm của Viện Kế toán viên công chứng Canada (Canadian Institute of Chartered Accountants – CICA), ban hành Khung kiểm soát (CoCo) vào năm 1995. Tuy nhiên, sự phát triển khung kiểm soát theo phạm vi rộng cũng được đề cập tới theo một
chiều hướng khác với những yếu tố ảnh hưởng lớn từ phía công nghệ - Khung kiểm soát nội bộ theo CobIT. Khung CobIT không thay thế COSO mà gắn với phạm vi điều chỉnh cụ thể - công nghệ thông tin[73].
Tương tự những vấn đề thực hiện nghiên cứu như trên ở Canada, Viện Kế toán viên công chứng Anh và xứ Wales thực hiện với sự phối hợp với Ủy ban thực hành kiểm toán (Auditing Practices Broad – APB) thực hiện nghiên cứu những vấn đề không thích hợp được tạo ra bởi các giám đốc bao gồm cả những thất bại trong KSNB được thực hiện ở Anh. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Báo cáo Turnbull 1999. Theo đó, Báo cáo nhấn mạnh hoạt động kiểm soát nội bộ tập trung vào những công đoạn của quản trị rủi ro khi đánh giá như thiết lập mục tiêu, nhận diện rủi ro và đánh giá rủi ro. Như vậy, thay vì đưa ra một Khung kiểm soát tương tự như một số trường hợp nêu trên, Turnbull tập trung nhiều vào việc đánh giá thực hiện KSNB trong tổ chức.
Bên cạnh định nghĩa về KSNB của COSO được thừa nhận rộng rãi, một số định nghĩa khác cũng được sử dụng nhưng giới hạn trong một phạm vi nhất định. Theo Viện Kế toán Mỹ (American Institute of Accountants - AIA), KSNB được đề cập như một hệ thống để kiểm tra và kiểm soát trong nội bộ. Trong giải thích của AIA, KSNB có liên quan mật thiết tới những thủ tục kế toán và quá trình lập báo cáo tài chính.
Theo Eisenhardt (1988) quan niệm về KSNB còn được nghiên cứu dưới góc độ những lý thuyết, điển hình là Lý thuyết người đại diện (Agency theory) và Lý thuyết tổ chức (Institutional theory) [93]. Lý thuyết người đại diện giải thích việc vận dụng hoạt động kiểm soát dựa trên nền tảng cơ bản về quan hệ chi phí và lợi ích; hoạt động kiểm soát được thiết lập để giảm sự bất đối xứng thông tin giữa người đại diện (agents) và chủ sở hữu (owners). Những nhà lập pháp và nhân viên kiểm soát chuyên nghiệp có thể kỳ vọng dựa trên Lý thuyết người đại diện trong chuẩn đoán và thiết kế hoạt động kiểm soát của đơn vị. Lý thuyết tổ chức lại cung cấp một cách giải thích khác. Theo đó, hoạt động kiểm soát được thiết kế và thực hiện nhằm đạt được tính hợp pháp khi mô phỏng và trình bày mang tính biểu tượng (symbolic) hoặc thực hành từ môi trường bên ngoài. Sự thiết lập những hoạt động
quản trị nhất định và hoạt động kiểm soát như đánh giá rủi ro, ủy ban khen thưởng – xử phạt, những chính sách, hoạt động tự đánh giá có thể được thực hiện từng phần nhằm đạt được tính hợp pháp. Những hoạt động kiểm soát thể hiện những khía cạnh nghiêm trọng về những vấn đề nhất định và được thực hiện mở rộng theo những chuẩn mực của ngành, mô phỏng của những DN khác, truyền thống DN và phong cách quản trị mang tính cá nhân. Theo cách tiếp cận lý thuyết, Lý thuyết người đại diện và Lý thuyết tổ chức đều cung cấp những giải thích về cách thức các hoạt động kiểm soát được thực hiện trong một DN.
ii). Vai trò của kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp hoạt động ở một số lĩnh vực khác nhau:
Trên khía cạnh quản trị doanh nghiệp, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, KSNB có quan hệ chặt chẽ với quá trình quản trị doanh nghiệp, nó có tác động đến hoạt động phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp và đóng vai trò định hướng thị trường cho sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Quan điểm này được trình bày trong các nghiên cứu của Merchant, K. A (1985) về “Kiểm soát trong tổ chức kinh doanh”; Anthony, R. N và Dearden, J. Bedford (1989) về “Kiểm soát quản lý”. Trong các nghiên cứu của mình, các tác giả đã khai thác khía cạnh kiểm soát trong phạm vi nội bộ gắn với tác động vào hành vi. Trên cơ sở đó, cá nhân nhà quản trị sẽ tác động vào hoạt động theo hướng đạt được mục tiêu tốt nhất, ngăn chặn những nguy cơ,…([140], [52]). Trong một số nghiên cứu của các tác giả khác, vai trò của KSNB lại được đề cập gắn với những khía cạnh cụ thể, hẹp hơn trong quan hệ với những mục tiêu cụ thể. Laura F. Spira và Micheal Page (2002) chỉ ra quan hệ chặt chẽ giữa quản trị rủi ro với KSNB [132]; Faudizah, Hasnah và Muhamad (2005) phát hiện KSNB có mối quan hệ mang tính tích cực với chiến lược kinh doanh, phát hiện tác động KSNB đến việc phát triển sản phẩm mới trong quan hệ với định hướng thị trường của doanh nghiệp [96].
Một số nghiên cứu cho thấy KSNB được sử dụng như một phương sách quản lý cho quản trị hiệu quả các hoạt động cùng với những công cụ quản lý khác, đặc biệt là kiểm toán nội bộ. Nghiên cứu của các tác giả Robert R. Moller (2005) về Kiểm toán nội bộ cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa kiểm toán nội bộ và KSNB