Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 - 14


nhân dân. Nhà nước đã tổ chức nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy lùi nạn đói, chăm lo cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất như đắp đê, phòng lụt… chế độ thuế khóa bất công bị xóa bỏ, thay vào đó là chế độ thuế hợp lý, công bằng với mọi người dân. Trước hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, những kết quả về kinh tế, chính trị, văn hóa mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đem lại cho nhân dân đã chứng tỏ đó thực sự là Nhà nước do dân và vì dân.

Trong hoàn cảnh lịch sử mới, dễ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất, sách nhiễu nhân dân, xa dân của cán bộ. Nhận thức rõ điều đó, trong quá trình củng cố, xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc làm trong sạch và ngăn chặn nguy cơ quan liêu hóa bộ máy nhà nước được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng. Đó là: Tăng cường công tác giáo dục đạo đức của cán bộ đảng viên theo quan điểm cán bộ là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân. Đây là quan điểm cầm quyền tiến bộ nhất, lần đầu tiêu xuất hiện ở nước ta.

Một tháng sau ngày độc lập, tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ những căn bệnh:

“1. Trái phép - … vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm dân oán than.

2. Cậy thế - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy… không nghĩ đến dân…

3. Hủ hóa - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ… lấy của công dùng vào việc tư, quyên cả thanh liêm, đạo đức…

4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài…

5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác…

6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi… lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ” [62, tr. 65, 66].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 150 trang tài liệu này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ “phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung” [62, tr. IX].


Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 - 14

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tổ chức ra các cơ quan nhà nước như ban thanh tra, tòa án… để giám sát và xét xử những cán bộ thoái hóa, tiêu cực, sách nhiễu nhân dân. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64/SL về việc thiết lập một Ban Thanh tra đặc biệt thực hiện việc giám sát tất cả công việc, các nhân viên của các Ủy ban nhân dân và các cơ quan Chính phủ. Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền “nhận các đơn khiếu nại của dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét… đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ phạm lỗi”. Sắc lệnh này cũng nêu rõ việc lập tại Hà Nội “một tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của Ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố” [74]. Đây chính là biện pháp cứng rắn, cương quyết làm trong sạch bộ máy, ngăn ngừa nguy cơ quan liêu hóa nhằm nâng cao hiệu lực, giữ vững bản chất tốt đẹp của Nhà nước cách mạng.

Kinh nghiệm dựa vào dân, xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân trong thời kỳ 1945 - 1946 là bài học sâu sắc, đã được quán triệt trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng. Thực tế lịch sử cách mạng thời kỳ này là cơ sở để Đảng ta tổng kết thành bài học quan trọng bậc nhất là “lấy dân làm gốc”.

Bài học dựa vào dân có ý nghĩa to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay. Tuy vậy, có lúc, có nơi đã có những biểu hiện xa rời, buông lỏng dẫn đến tình trạng xa dân, mất lòng dân. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, để có thể làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc, thực hiện thắng lợi đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng thì bài học dựa vào dân, tin ở dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân có ý nghĩa sống còn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương cải cách bộ máy hành chính, xóa bỏ những quy định gây phiền hà cho dân, cản trở mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất, bảo đảm cho nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.

Xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân - một đất nước phát triển bền vững, giàu mạnh, cần phải:


Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc - cơ sở xã hội vững chắc của nhà nước.

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Kế thừa và phát triển truyền thống này trong điều kiện mới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược trong việc tập hợp lực lượng của toàn dân. Thời kỳ 1945 - 1946 là biểu hiện sinh động của tinh thần đại đoàn kết với những nội dung hết sức phong phú. Nhà nước cách mạng trong thời kỳ này có cơ sở vững chắc là dựa trên khối đại đoàn kết của toàn dân, mà hạt nhân của nó là Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trước hết Đảng phải có đường lối chính trị đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu của các tầng lớp, các giai cấp, các dân tộc. Đây là yếu tố hàng đầu bảo đảm cho sự thành công của việc hình thành nên sự thống nhất mục tiêu - cơ sở của đại đoàn kết.

Trước tổng khởi nghĩa, mục tiêu của cách mạng được Đảng nêu ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 05/1941), đặt nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đã trở thành mẫu số chung tạo nên sự thống nhất về mục tiêu đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở đó tập hợp nhân dân vào Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận Việt Minh đã đứng ra đảm nhiệm giải quyết một phần chức năng của Nhà nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhằm mục đích củng cố và mở rộng đến mức cao nhất Mặt trận thống nhất dân tộc. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ mục tiêu: “Độc lập trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Nhiệm vụ củng cố và giữ vững nền độc lập dân tộc, cụ thể là xây dựng, bảo vệ Nhà nước cách mạng là nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số nhân dân, tạo ra cơ sở vững chắc để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Trong lời tuyên bố sau khi thành lập chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới” [62, tr. 481].


Đặt chiến lược đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ ưu tiên để củng cố và xây dựng nhà nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhân nhượng về chính trị, kinh tế để có sự hợp tác với các đảng phái chính trị theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy việc bảo vệ nhà nước cách mạng là nguyên tắc cao nhất; trong đó giữ vững đường lối của Đảng là vấn đề then chốt, không thể có sự “chia sẻ” nào trên vấn đề có ý nghĩa sống còn này. Để bảo đảm được yêu cầu ấy, sự thỏa hiệp, cộng tác ở bên trên không chi phối sức mạnh của Đảng ở địa phương, không phá vỡ mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng là bí quyết thắng lợi của Chính quyền cách mạng. Mặt khác, phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh loại bỏ những phần tử phản nước, hại dân ra khỏi bộ máy chính quyền.

Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ 1945 - 1946 thực hiện thành công không chỉ vì có mục tiêu đúng, mà còn vì có biện pháp đúng. Đó là:

Có giải pháp đáp ứng lợi ích của từng thành viên trong Mặt trận dân tộc thống nhất trên nguyên tắc bảo vệ nền độc lập dân tộc; các giai cấp, các tầng lớp trong nhân dân có lợi ích kinh tế, chính trị riêng. Nhà nước đã đề ra những chính sách giải quyết thỏa đáng: địa chủ phải giảm tô cho nông dân, nông dân phải nộp tô đầy đủ cho địa chủ; chủ xưởng phải thực hiện đúng luật lao động, công nhân phải hăng hái sản xuất; mọi người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng đều bình đẳng, được tự do tín ngưỡng, tự do hoạt động chính trị không phương hại đến đại đoàn kết, đến nền độc lập dân tộc.

Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất gồm nhiều tầng nấc dựa trên nòng cốt là liên minh công nông, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt trận Việt Minh là tổ chức của những người yêu nước và cách mạng, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết của Đảng. Trước yêu cầu mới của công cuộc củng cố và xây dựng Nhà nước trong thời kỳ 1945 - 1946, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức một hình thức mặt trận mới là Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt), tập hợp những nhân sỹ, trí thức có lòng yêu nước còn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Trong Mặt trận lại xây dựng các tổ chức chính trị của mỗi tầng lớp, mỗi giai cấp bảo đảm cho mọi người Việt Nam đều có thể tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất, đều có thể


góp phần củng cố nền độc lập dân tộc. Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ này rất rộng rãi nhưng vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, bởi vì trong mặt trận Liên Việt là Mặt trận Việt Minh, trong mặt trận Việt Minh là liên minh công nông và các tổ chức quần chúng của Đảng. Mặt trận Việt Minh là nòng cốt bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận dân tộc thống nhất.

Nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu, phẩm chất cách mạng của cán bộ đảng viên; chân thành cộng tác với đại biểu các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Qua nhiều lần cải tổ Chính phủ, không ít các đại biểu trong Đảng đã rút khỏi các trọng trách. Sự xuất hiện của các nhân sĩ trí thức như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng (có thời gian giữ chức Quyền Chủ tịch nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp) đã biểu hiện sinh động bản lĩnh chính trị sắc bén, sự trung thành vô hạn của Đảng ta trước vận mệnh của toàn dân tộc.

Bài học này hiện nay vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mọi người chăm lo lợi ích của mình, song không làm tổn hại, xâm phạm lợi ích chung của nhà nước, của nhân dân, không xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đoàn kết dân tộc được kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo sức mạnh chung trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại khôn khéo.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong hoàn cảnh bị bao vây cô lập với thế giới bên ngoài, chưa có được sự công nhận về mặt ngoại giao của một nhà nước hay tổ chức quốc tế nào, trong khi đó phải đương đầu với cả một tập đoàn thực dân, đế quốc: Pháp, Tưởng, Anh, đằng sau là Mỹ. Chúng có mục tiêu chung là xóa bỏ chính quyền cách mạng, nhưng mỗi tên đế quốc lại có mưu đồ riêng và giữa chúng có mâu thuẫn nhau.

Thắng lợi trong việc củng cố và xây dựng Nhà nước Việt Nam thời kỳ này còn là thắng lợi của chính sách đối ngoại khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo đưa đến thành công trong việc lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù nhằm mở rộng


đến mức cao nhất trận tuyến của cách mạng, thu hẹp đến mức thấp nhất trận tuyến kẻ thù. Một số kinh nghiệm rút ra từ thời kỳ lịch sử này là:

Thứ nhất, giữ vững mục tiêu chiến lược là độc lập dân tộc, thực hiện sách lược nhân nhượng có nguyên tắc.

Mục tiêu cao nhất và cũng là thành quả cao nhất của cách mạng là củng cố, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc. Trong nghệ thuật lãnh đạo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự nhạy cảm chính trị sâu sắc, dự đoán, nắm vững âm mưu thủ đoạn của mỗi kẻ thù, nắm bắt kịp thời và có biện pháp sắc bén, hiệu quả, lợi dụng những “khe hở” trong nội bộ kẻ thù, trong các lực lượng khác nhau của đối tượng cách mạng.

Với sách lược khôn khéo, linh hoạt, Đảng ta đã có đối sách thích hợp với từng kẻ thù trong từng thời gian. Từ sau ngày 02/09/1945 đến 06/03/1946, ta nhân nhượng một số điều kiện về kinh tế, chính trị với Tưởng để tập trung chống Pháp. Từ 06/03/1946 đến 19/12/1946, ta lại nhân nhượng với Pháp để đuổi Tưởng và tay sai, tạo điều kiện kéo dài thời gian hòa hoãn giúp ta chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài sau này.

Thứ hai, xác định rõ kẻ thù chủ yếu, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chính, thực hiện thêm bạn, bớt thù.

Trước Cách mạng Tháng Tám, khi xác định rõ thái độ đối với quân Đồng minh. Đảng đã chỉ rõ kẻ thù lâu dài, chủ yếu của cách mạng là thực dân Pháp, mặc dù bản chất lực lượng mang danh Đồng minh vào nước ta đều là bọn đế quốc xâm lược. Để cô lập đến mức cao nhất thực dân Pháp, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để tránh đối đầu với các lực lượng khác, dùng các biện pháp hòa bình, ngoại giao để hạn chế sự chống phá cách mạng và tranh thủ sự đồng tình của các lực lượng tiến bộ. Trong hoàn cảnh bị bao vây, Nhà nước non trẻ đã tranh thủ sự giúp đỡ của các dân tộc độc lập, mở một trận tuyến làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Mặc dù hiểu rõ bản chất của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh vẫn nhiều lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ, tỏ rõ thiện chí của nước ta muốn làm bạn với các nước dân chủ trên nguyên tắc tôn trọng


nền độc lập của Việt Nam. Ngay đối với Pháp, mũi nhọn đấu tranh của cách mạng chỉ hướng vào những thế lực phản động Pháp; Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần gửi thư cho các sĩ quan Pháp có tư tưởng tiến bộ để tranh thủ sự ủng hộ của họ, hoặc chí ít thì cũng hạn chế sự chống phá của họ.

Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25/11/1946 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Thuật ngoại giao đã làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết” [24, tr. 27]. Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh chính sách ngoại giao sáng ngời chính nghĩa. Trong quan hệ với nước Pháp, Người cho rằng: “… sự thành thực và sự tin cậy lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại… tôi tin rằng sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng, với một sự tin cẩn lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất” [62, tr. 304, 305].

Thứ ba, điểm cốt yếu, quyết định sự thắng lợi là phải tăng cường thực lực của chính quyền Nhà nước “muốn ngoại giao thắng lợi, phải biểu dương thực lực”. Thực tế lịch sử cho thấy muốn lợi dụng được mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, phong trào cách mạng phải có lực lượng mạnh. Ngay sau khi quân Tưởng đặt chân lên đất Hà Nội, 30 vạn quần chúng Thủ đô đã được tổ chức thành một cuộc biểu tình khổng lồ “… làm cho Mỹ - Tưởng tận mắt thấy được nhân dân ta đoàn kết một lòng quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, thấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh, Chính phủ lâm thời có uy tín lớn, được đại đa số nhân dân ủng hộ” [51, tr. 203].

Sức sống của chính quyền nhân dân được biểu hiện ở các phong trào cách mạng cuốn hút hàng chục triệu quần chúng một lòng theo Đảng, theo cách mạng, hăng hái đi đầu trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ nhân đất nước, đưa lại những thay đổi sâu sắc trên mọi mặt của đời sống xã hội… là chỗ dựa vững chắc của chính quyền nhân dân. Chính lực lượng chính trị và quân sự ngày càng lớn mạnh đó đã tạo cơ sở vững chắc cho dân tộc ta đấu tranh với kẻ thù, lợi dụng được mâu thuẫn trong nội bộ chúng. Đảng ta nhấn mạnh: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta” [23, tr. 244].


Trong điều kiện thế giới ngày nay khi chúng ta hội nhập vào cộng đồng quốc tế, bài học đấu tranh ngoại giao này vẫn còn nguyên giá trị trên tinh thần làm bạn với các nước mà vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, bản sắc dân tộc.

Quan điểm, đường lối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đã trở thành hiện thực ở nước ta vào thời kỳ gay go, phức tạp của lịch sử dân tộc. Việc xây dựng hệ thống chính quyền từ trung ương đến cơ sở, việc ban bố và thực hiện các nguyên tắc tự do dân chủ cho nhân dân, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao để giữ vững độc lập chủ quyền đã thể hiện sự vận dụng có hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng, đặt cơ sở cho những thắng lợi tiếp theo. Những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn về xây dựng chính quyền Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ 1945 - 1946 đã để lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau một di sản vô giá trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân chủ, văn minh, giàu mạnh.

Xem tất cả 150 trang.

Ngày đăng: 02/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí