Hiệu quả theo quy mô của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 2


DANH MỤC BẢNG

Bảng 1.1: Một số nghiên cứu phân nhóm NHTM Việt Nam theo tổng tài sản 53

Bảng 2.1: Mô tả các Biến và các giả thuyết tác động 59

Bảng 2.2: Các giả thuyết về sự khác biệt trong tác động đối với Mô hình 2 64

Bảng 3.1: Thống kê mô tả các biến trong mẫu 90

Bảng 3.2: Thống kê mô tả hai nhóm NHTM 91

Bảng 3.3: Ma trận tương quan các biến trong mô hình 93

Bảng 3.4: Hệ số VIF của các biến độc lập 95

Bảng 3.5: Kết quả ước lượng GMM hệ thống hai bước đối với Mô hình 1 96

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.

Bảng 3.6: Kiểm định khác biệt trung bình và phương sai hai nhóm NHTM 104

Bảng 3.7: Kết quả so sánh các tác động đến ROA của hai nhóm NHTM 110

Hiệu quả theo quy mô của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 2

Bảng 3.8: Kết quả so sánh các tác động đến ROE của hai nhóm NHTM 118

Bảng 3.9: Kết quả kiểm định tính dừng LLC theo Levin- Lin-Chu (2002) 126

Bảng 3.10: Kết quả kiểm định sự phù hợp của tác động cố định 126

Bảng 3.11: Kết quả kiểm định sự tồn tại các ngưỡng quy mô S (Bootstrap 300 lần) 128

Bảng 3.12: Kết quả các ngưỡng của các mô hình với ROA là biến phụ thuộc 130

Bảng 3.13: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản trung bình các nhóm NHTM trong mẫu..134 Bảng 3.14: Kết quả ước lượng các mô hình ngưỡng ROA là biến phụ thuộc với sai số chuẩn cải thiện (robust S.E) 135

Bảng 3.15: Kiểm định tính vững ước lượng của mô hình ngưỡng với các phương pháp khác .138 Bảng 4.1: Tổng hợp kết quả nghiên cứu chính 142

Bảng 4.2: Tỷ lệ dư nợ trên tiền gửi trung bình các nhóm NHTM trong mẫu 149


DANH MỤC BIỂU ĐỒ


Biểu đồ 1.1: Tỷ trọng thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi của các NHTM thuộc các nhóm phân vị 10%, 90% và NHTM tại trung vị (median) về tổng tài sản 47

Biểu đồ 3.1: Diễn biến kinh tế vĩ mô và cấu trúc ngành trong giai đoạn nghiên cứu 87

Biểu đồ 3.2: Hiệu quả tài chính các NHTM theo ROA 88

Biểu đồ 3.3: Hiệu quả tài chính các NHTM theo ROE 89

Biểu đồ 3.4: ROA hai nhóm NHTM theo năm và theo quy mô 102

Biểu đồ 3.5: ROE hai nhóm NHTM theo năm và theo quy mô 103

Biểu đồ 3.6: ROA theo dạng hàm đa thức bậc hai của quy mô S 122

Biểu đồ 3.7: ROA theo dạng hàm đa thức bậc ba của quy mô S 123

Biểu đồ 3.8: ROE theo dạng hàm đa thức bậc hai của quy mô S 124

Biểu đồ 3.9: ROE theo dạng hàm đa thức bậc ba của quy mô S 124

Biểu đồ 3.10: Thống kê LR và các giá trị ngưỡng 131

Biểu đồ 3.11: Chỉ số Lerner đo lường mức độ cạnh tranh trong ngành 141

NHTM Việt Nam 141


DANH MỤC HÌNH


Hình 1.1: Hiệu quả kỹ thuật trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo 10

Hình 1.2: Hiệu quả kỹ thuật thuần túy và hiệu quả theo quy mô 11


DANH MỤC HỘP


Hộp 1.1: Phân loại và tính toán Liquidity Creation theo phương pháp “Cat Fat” 20

Hộp 1.2: Tỷ lệ dự phòng thanh khoản (LCR) theo Basel III 23

Hộp 1.3: Tỷ lệ quỹ ổn định ròng (NSFR) theo Basel III 24


PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài


Nhiều nghiên cứu trên thế giới về hoạt động của NHTM thương mại (sau đây gọi là NHTM) cho thấy quy mô NHTM là một nhân tố quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt trong hoạt động của các nhóm NHTM quy mô lớn so với những nhóm có quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên chủ đề này chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm và khai thác từ các nghiên cứu đối với hệ thống NHTM tại Việt Nam.

Sự khác biệt thứ nhất có thể đến từ khác biệt về chính sách sản phẩm, theo đó, nhóm NHTM quy mô lớn thường được cho là có phạm vi các dòng sản phẩm/dịch vụ nhiều hơn, qua đó có thể đạt được tính kinh tế nhờ phạm vi (economies of scope). Điều này có được do lợi thế đa dạng hóa từ nhiều dòng thu nhập không tương quan hoàn hảo với nhau có thể giúp chúng đạt được hiệu quả cao hơn theo cách tiếp cận về danh mục đầu tư. Nguyên nhân của điều này là với quy mô lớn hơn về thông tin định lượng trong tập khách hàng của mình, nhóm NHTM quy mô lớn có phát triển nhiều hơn các dòng sản phẩm sử dụng loại thông tin này với chi phí ngày càng rẻ nhờ hỗ trợ từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các sáng tạo tài chính ngày nay. Việc cắt giảm được chi phí cận biên từ chiến lược kinh doanh trên giúp các NHTM lớn duy trì tính kinh tế nhờ quy mô (economies of scale) nếu lợi ích này vượt qua được sự phi hiệu quả về quản trị doanh nghiệp gây nên bởi tính thiếu linh hoạt hay sự phức tạp trong bộ máy tổ chức ngày càng lớn dần theo quy mô. Tuy nhiên, dưới các cách tiếp cận tổng hợp (mixed approach) khác nhau, có thể sử dụng mô hình nghiên cứu, thuật toán, mẫu nghiên cứu, giai đoạn nghiên cứu hoặc tại các quốc gia khác nhau, các nghiên cứu thường cho các kết quả không nhất quán với nhau.

Sự khác biệt thứ hai có thể nhìn nhận từ góc độ cạnh tranh, nhóm NHTM quy mô lớn thường cho thấy chúng chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần về quy mô tổng tài sản, về quy mô các hoạt động truyền thống (tín dụng và huy động vốn), tổng quát hơn là sản lượng thanh khoản tạo ra cho nền kinh tế (liquidty creation) khi tính tới các hoạt động ngoại bảng. Điều này tất yếu làm cho việc kiểm định các lợi thế về giá hoặc biên lợi nhuận của chúng so với các nhóm NHTM quy mô nhỏ hơn là việc cần thiết.

Sự khác biệt thứ ba nằm ở khía cạnh quản trị rủi ro và vai trò quan trọng của các NHTM đối với việc ổn định hệ thống NHTM nói riêng và ổn định hệ thống tài chính nói chung. Các NHTM quy mô lớn thường được gán mác “Quá lớn để đổ vỡ” hay “Too big to fail” status, theo đó hàm ý chúng nhận được sự bảo trợ tốt hơn từ chính phủ. Lợi thế về mức độ tín nhiệm so với các nhóm NHTM nhỏ hơn dựa trên


Status này, khiến chúng thường tham gia vào các hoạt động rủi ro cao hơn để đạt lợi nhuận kỳ vọng cao hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là minh chứng cho hậu quả của điều này, mặt khác nó cũng cho thấy sự cần thiết phải đánh giá chính xác hơn mức độ rủi ro của các hoạt động phi truyền thống hoặc các hoạt động ngoài lãi mà các NHTM ngày càng có xu hướng tham gia nhiều hơn, đặc biệt là rủi ro thanh khoản. Điều này đã thúc đẩy Ủy ban Basel có những quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thanh khoản theo bộ tiêu chuẩn Basel III so với Basel I và Basel II vốn chỉ tập trung vào rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.

Hệ thống NHTM Việt Nam, mặc dù đã trải qua giai đoạn tái cơ cấu giai đoạn thứ nhất (giai đoạn 2011-2015), tuy nhiên nhìn chung quy mô tổng tài sản của các NHTM vẫn còn nhỏ so với các tổ chức NHTM trên thế giới. Bên cạnh đó, các NHTM vẫn dựa trên nguồn thu nhập chính từ thị trường nội địa, các dòng sản phẩm vẫn còn hạn chế (chưa tham gia nhiều vào các hoạt động ngoại bảng), thu nhập từ hoạt động tín dụng vẫn là nguồn thu chính trong cơ cấu thu nhập theo sản phẩm của các NHTM. Nói cách khác, hoạt động tạo thanh khoản cho nền kinh tế vẫn dựa trên các hoạt động truyền thống như tín dụng và huy động vốn. Vì vậy, luận án này khi phân tích sự khác biệt trong hoạt động của các NHTM theo quy mô, ngoài việc chú trọng vào các điểm khác biệt như trình bày ở trên, sẽ sử dụng các nhân tố trong mô hình nghiên cứu một cách phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

2. Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá sự khác biệt về tác động của các nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của các nhóm NHTM được phân định bởi các ngưỡng quy mô.

Câu hỏi nghiên cứu: Nhằm cụ thể hóa mục tiêu nghiên cứu, luận án đề xuất các câu hỏi nghiên cứu cần giải quyết gồm:

Câu hỏi I: Quy mô và mức độ tập trung tổng tài sản ngành có tác động như thế nào

đến hiệu quả tài chính của các NHTM ?

Câu hỏi II: So sánh hiệu quả tài chính giữa hai nhóm NHTM được phân loại theo mức tổng tài sản 100.000 tỷ VNĐ.

Câu hỏi III: So sánh tác động của các nhân tố đặc điểm của NHTM, nhân tố ngành, các nhân tố kinh tế vĩ mô đến hiệu quả tài chính giữa hai nhóm NHTM được phân loại theo mức tổng tài sản 100.000 tỷ VNĐ.


Câu hỏi IV: Tác động của quy mô đến hiệu quả tài chính thay đổi như thế nào giữa các ngưỡng quy mô ?

Câu hỏi V: Tác động của vốn chủ sở hữu đến hiệu quả tài chính thay đổi như thế nào giữa các ngưỡng quy mô ?

Câu hỏi VI: Tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả tài chính thay đổi như thế nào giữa các ngưỡng quy mô ?

Câu hỏi VII: Tác động của thu nhập lãi cận biên đến hiệu quả tài chính thay đổi như thế nào giữa các ngưỡng quy mô ?

Câu hỏi VIII: Tác động của thu nhập ngoài lãi cận biên đến hiệu quả tài chính thay

đổi như thế nào giữa các ngưỡng quy mô ?

Câu hỏi IX: Vai trò của thu nhập từ lãi cận biên và thu nhập ngoài lãi cận biên đến hiệu quả tài chính thay đổi như thế nào giữa các ngưỡng quy mô ?

3. Đối tượng nghiên cứu

- Tác động của quy mô tới hiệu quả tài chính của các NHTM Việt Nam.

- Tác động của các nhân tố khác tới hiệu quả tài chính của các NHTM Việt Nam bị điều tiết bởi nhân tố quy mô NHTM (theo các ngưỡng).

4. Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: phạm vi nghiên cứu bao gồm 30 NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 đến 2017. Các NHTM bao gồm: 04 NHTM có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank), 25 NHTMCP tư nhân trong nước và 01 NHTM nước ngoài (Shinhan Bank Việt Nam). Luận án này tập trung vào phân tích hiệu quả về mặt tài chính của NHTM (bank performance hay bank profitability).

Về thời gian: từ năm 2009 đến năm 2017. Nguyên nhân chính khiến luận án không thể sử dụng dữ liệu cập nhật hơn đến thời điểm thực hiện nghiên cứu là vì phương pháp hồi quy ngưỡng dữ liệu bảng (Panel threshold regression) được sử dụng trong luận án đòi hỏi dữ liệu bảng cân bằng (Balanced panel data), tức yêu cầu tất cả các ngân hàng trong mẫu nghiên cứu phải có đầy đủ dữ liệu của các biến số được sử dụng trong phạm vi các năm nghiên cứu.

Thuật ngữ “Quy mô” trong luận án, nếu không được diễn giải theo nghĩa cụ thể, được hiểu là quy mô về tổng tài sản của NHTM.


5. Cơ sở lý luận chính

Luận án dựa trên các lý thuyết nền tảng hàm ý mối quan hệ giữa quy mô và hiệu quả tài chính của NHTM như: (i) Lý thuyết trung gian tài chính; (ii) Lý thuyết tạo thanh khoản và học thuyết quá lớn để đổ vỡ; (iii) Lý thuyết cấu trúc cạnh tranh. Các lý thuyết này giúp giải thích sự khác biệt trong hoạt động của NHTM giữa các nhóm khác quy mô.

Bên cạnh đó, luận án cũng căn cứ các nghiên cứu thực nghiệm về hiệu quả tài chính đối với các NHTM trên thế giới và tại Việt Nam để xác định các nhân tố tác động đến hiệu quả tài chính của các NHTM. Các nhân tố trên được chia làm ba nhóm: Nhóm nhân tố đặc điểm NHTM (bank-level specific); Nhân tố cấu trúc ngành (industry-level specific); Nhóm nhân tố kinh tế vĩ mô (macroeconomic-level specific).

6. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng cách tiếp cận phi cấu trúc về hiệu quả của NHTM, theo đó, mục tiêu không phải hướng đến xây dựng đường sản xuất biên hiệu quả của NHTM, mà là xác định các tác động và sự khác biệt tác động của các nhân tố đối tới hiệu quả tài chính (ROA và ROE) giữa các nhóm NHTM khác biệt theo quy mô. Theo đó, các mức quy mô có thể được xác định trước theo luật định tại Việt Nam, hoặc chưa được xác định trước, do đó sẽ được xác định dựa trên ngưỡng đánh dấu sự thay đổi tác động của các nhân tố tới hiệu quả tài chính trong mô hình nghiên cứu.

Về phương pháp ước lượng: luận án sử dụng các phương pháp ước lượng và kiểm định cho dữ liệu bảng đối với các mô hình nghiên cứu, gồm:

- Phương pháp Moment tổng quát hệ thống hai bước (Two-step system GMM) áp dụng với mô hình dữ liệu bảng động.

- Các kiểm định Independent-samples T-test thông thường và sử dụng phương pháp Bootstrap (1000 lần) để kiểm vững kết quả so sánh trung bình của các nhân tố (đặc điểm hoạt động) của hai nhóm NHTM được phân theo quy mô. Bên cạnh đó, việc so sánh mức độ biến động thông qua so sánh phương sai/độ lệch chuẩn đối với các đặc điểm này cũng được thực hiện và kiểm vững bằng kiểm định Levene và kiểm định Brown-Forsythe. Việc so sánh độ lớn trung bình cũng như so sánh sự biến động trong các đặc điểm này giúp làm rõ sự khác biệt trong hoạt động giữa hai nhóm NHTM, và hỗ trợ việc giải thích sự khác biệt trong tác động của các nhân tố này đến hiệu quả tài chính của hai nhóm NHTM được rõ ràng hơn.


- Phương pháp tác động cố định (FEM), tác động ngẫu nhiên (REM), phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS) trong mô hình phân nhóm để so sánh tác động của các nhân tố tới hai nhóm NHTM phân theo quy mô khi mà quy mô mẫu đối với từng nhóm NHTM không đủ lớn để sử dụng phương pháp GMM hay các phương pháp tương tự.

- Phương pháp hồi quy ngưỡng dữ liệu bảng (Panel threshold regression): để ước lượng các ngưỡng và các tác động thay đổi theo ngưỡng trong các mô hình ngưỡng quy mô NHTM.

- Các ước lượng, kiểm định và trực quan hóa dữ liệu trong luận án được thực hiện trên các phần mềm Stata 15.1; SPSS Statistic 22, và R với giao diện Rstudio (sau đây gọi là Rstudio).

7. Những đóng góp của luận án

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Vận dụng tinh thần các lý thuyết trung gian tài chính, lý thuyết tạo thanh khoản và lý thuyết cấu trúc cạnh tranh, luận án là công trình đầu tiên tại Việt Nam phân tích sự thay đổi về tác động của các nhân tố tới khả năng sinh lời của các ngân hàng theo quy mô tổng tài sản mà không cần chỉ định ngưỡng phân nhóm trước khi ước lượng như hầu hết các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam đã thực hiện. Cụ thể, luận án xây dựng các mô hình ngưỡng thực nghiệm để khai phá các ngưỡng quy mô chưa được biết trước, tại đó tác động của quy mô, rủi ro thanh khoản, vốn chủ sở hữu, thu nhập lãi cận biên và thu nhập ngoài lãi cận biên đến khả năng sinh lời của ngân hàng thay đổi. Mỗi quan sát trong mẫu nghiên cứu được luận án sử dụng ở cấp độ ngân hàng, tuy nhiên mỗi ngân hàng có thể vận dụng tương tự để phân tích với cấp độ chi nhánh hoặc đơn vị kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, luận án cũng phân tích sự thay đổi tác động này căn cứ việc phân nhóm theo luật định tại Việt Nam, cụ thể theo thông tư 52/2018/TT-NHNN về việc quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Kết quả nghiên cứu với cách tiếp cận này có thể hữu ích với cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc đánh giá hiệu quả về mặt tài chính của các nhóm ngân hàng theo luật định.

Những đóng góp mới về mặt thực tiễn

Thứ nhất, ảnh hưởng của quy mô đến khả năng sinh lời của các ngân hàng tại Việt Nam tùy thuộc vào nhóm ngân hàng có thể âm hoặc dương, tuy nhiên độ lớn tác động đều nhỏ.


Thứ hai, luận án tìm thấy hai giá trị ngưỡng dao động quanh mức tổng tài sản khoảng 600 nghìn tỷ đồng, theo đó đánh dấu sự thay đổi trong ảnh hưởng của quy mô, rủi ro thanh khoản, vốn chủ sở hữu, thu nhập lãi cận biên và thu nhập ngoài lãi cận biên tới ROA của các ngân hàng thay đổi. Với mục đích tăng trưởng ROA, việc nâng cao tỷ lệ vốn chủ sở hữu hoặc nguồn thu ngoài lãi mang lại hiệu quả cao hơn đáng kể tại nhóm ngân hàng có tổng tài sản vượt mức trên.

Thứ ba, luận án cho thấy rằng mức độ rủi ro thanh khoản mà các ngân hàng đang có là đặc trưng quan trọng quyết định tới chiều tác động của rủi ro thanh khoản đến ROA của chúng hơn là việc chúng có thuộc “sở hữu nhà nước” hoặc luôn được coi là “quá lớn để đổ vỡ” hay không.

Thứ tư, theo cách tiếp cận cạnh tranh, xu hướng chuyển đổi sang dựa vào nguồn thu nhập ngoài lãi mang tính chất “bắt buộc” hơn đối với các ngân hàng quy mô nhỏ (tổng tài sản dưới 100 nghìn tỷ) so với các ngân hàng nhóm ngân hàng quy mô lớn hơn 100 nghìn tỷ.

Thứ năm, nhóm ngân hàng quy mô lớn (tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ) ít bị ảnh hưởng hơn bởi sự thay đổi của các điều kiện kinh tế vĩ mô tới khả năng sinh lời của chúng.

8. Cấu trúc của luận án

Ngoài các phần Phụ lục, Phần mở đầu, luận án được trình bày thành bốn chương gồm:

Chương 1: Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết về quy mô và hiệu quả của ngân hàng thương mại.

Chương 2: Phương pháp nghiên cứu Chương 3: Kết quả nghiên cứu

Chương 4: Kết luận và hàm ý chính sách

Xem tất cả 248 trang.

Ngày đăng: 11/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí