Khóa luận sử dụng kết hợp các phương pháp như: phương pháp phân tích, tổng hợp, thu thập thông tin, thống kê, phương pháp mô tả, diễn giải, quy nạp... Thông tin, dữ liệu trong khóa luận được thu thập từ nhiều nguồn như: tập hợp từ mạng internet, báo chí, tạp chí và sách chuyên ngành, báo cáo của các cơ quan Chính phủ...
Kết cấu khóa luận:
Khóa luận có kết cấu gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về Doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa tại Việt Nam
Chương 2: Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa
Chương 3: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của phương pháp cổ phần hóa trong cải tổ doanh nghiệp nhà nước
Em xin chân thành cảm ơn Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải Yến cùng các thầy cô trong khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã giúp đỡ em hoàn thành Khóa luận tốt nghiệp này.
Có thể bạn quan tâm!
- Hiệu quả của phương pháp cổ phần hóa trong cải tổ doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam - 1
- Tính Bao Trùm Quá Rộng Của Hệ Thống Các Dnnn Do Lịch Sử Để Lại
- Đặc Thù Của Quá Trình Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước Tại Việt Nam
- Ưu Thế Của Phương Pháp Cổ Phần Hóa Trong Cải Tổ Doanh Nghiệp Nhà Nước So Với Các Phương Pháp Khác
Xem toàn bộ 93 trang tài liệu này.
CHƯƠNG I
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ CỔ PHẦN HÓA TẠI VIỆT NAM
I. DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
1. Định nghĩa
1.1. Quan niệm về doanh nghiệp nhà nước trên thế giới
Trong các tài liệu về kinh tế, có nhiều quan niệm khác nhau về DNNN. Các quan niệm đó đều dựa trên các tiêu chí như sở hữu, mục đích hoạt động, cơ cấu tổ chức và hình thức hoạt động của doanh nghiệp, tuy vậy khái niệm về DNNN trên thế giới cũng được hiểu không thống nhất. Cùng tiêu chí xác định doanh nghiệp như nhau nhưng có nước gọi là DNNN, song nước khác lại cho đó là doanh nghiệp tư nhân. Mỗi khái niệm nhấn mạnh một số tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, cũng có thể tìm thấy những tiêu chí chung trong các định nghĩa của một số học giả như Johansen, Malcolm Gillis, Hanson, Ramanadham, Lintner, Short, Aharoni và một số tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới. Trong các quan niệm về DNNN nêu trên thì quan niệm của Malcolm Gillis và Ramanadham được coi là phù hợp hơn với bản chất của DNNN và nó mang tính phổ biến. Điều đó được giải thích bởi các lý do sau:
Theo quan niệm của Malcolm Gillis thì DNNN được xác định theo 3 tiêu chuẩn sau:
i) Chính phủ là cổ đông chính trong doanh nghiệp, hoặc nếu không thì Chính phủ có thể thực hiện việc kiểm soát những chính sách chung mà doanh nghiệp theo đuổi và bổ nhiệm hoặc cách chức ban quản lý doanh nghiệp.
ii) Doanh nghiệp có nhiệm vụ sản xuất hàng hoá hoặc dịch vụ bán cho công chúng, hoặc cho các doanh nghiệp tư nhân hoặc DNNN khác.
iii) Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về thu chi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu một doanh nghiệp thiếu điều kiện thứ nhất thì doanh nghiệp đó là doanh nghiệp tư nhân. Thiếu hoặc điều kiện thứ 2 hoặc điều kiện thứ 3 thì không được coi là DNNN, mà được coi là cơ quan công cộng.
Theo V.V Ramanadham, DNNN là một tổ chức trong đó kết hợp những yếu tố "công ích" và những yếu tố "doanh nghiệp".
i) Những yếu tố công ích là:
- Những quyết định về kinh doanh và hoạt động chính do các tổ chức Nhà nước đảm nhận. Tiêu chí quan trọng trong các quyết định không chỉ là kết quả tài chính.
- Lợi nhuận là của công chức không thuộc một nhóm tư nhân nào.
- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước xã hội. Điều đó không có nghĩa đơn giản chỉ là các nhà quản lý doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước quyết định của họ, mà doanh nghiệp nói chung phải chịu trách nhiệm trước xã hội.
ii)Những yếu tố "doanh nghiệp" là:
- Doanh nghiệp có thể tồn tại về mặt tài chính một cách dài hạn và hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
- Giá cả phải được thiết lập trên cơ sở chi phí, yêu cầu này xuất phát từ đòi hỏi giá của các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phải bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh.
Khả năng tồn tại về mặt tài chính và mối quan hệ giá cả - chi phí là những yếu tố phân biệt DNNN với các hoạt động công ích, ví dụ hoạt động an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế.
Theo các định nghĩa trên, DNNN được xác định dựa trên những tiêu chí chung như quyền sở hữu, quyền kiểm soát của nhà nước, khả năng tồn tại trên thị trường, mục tiêu, mức độ tự chủ tài chính, quan hệ giá cả - chi phí.
Tuy nhiên, ranh giới xác định doanh nghiệp nào là DNNN chưa thống nhất. Ví dụ, tiêu chí về quyền sở hữu của nhà nước trong DNNN rất khác nhau giữa các quốc gia. Đối với úc và Tây Ban Nha, DNNN là doanh nghiệp mà nhà nước nắm quyền sở hữu trên 50% tài sản, ở Italia là 25%, Malaysia là 20%, Hàn Quốc là 10%. Liên hiệp quốc đưa ra khái niệm về DNNN như sau: " Những xí nghiệp do nhà nước nắm toàn bộ hoặc một phần sở hữu và nhà nước kiểm soát tới một mức độ nhất định quá trình ra quyết định của xí nghiệp".
Trong khi đó theo luật Công ty (1994) của Trung Quốc, DNNN là doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần khống chế từ 35% trở lên. Như vậy, nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ vốn sở hữu lớn trong DNNN mà điều quan trọng là khả năng khống chế của nhà nước đối với doanh nghiệp. Điều này cũng thống nhất với quan điểm của Đại hội lần thứ XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi vai trò chủ đạo của "kinh tế quốc hữu chủ yếu thể hiện ở sức mạnh khống chế của nó".
Như vậy, DNNN tồn tại ở nhiều nước trên thế giới và các doanh nghiệp này được sử dụng như một công cụ để phát triển và điều tiết nền kinh tế. Quan niệm về DNNN ở các nước không giống nhau, nhưng vẫn có điểm thống nhất chung, đó là căn cứ sở hữu và quyền chi phối đối với doanh nghiệp để phân biệt DNNN với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
1.2. Quan niệm về doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam
Tại Việt Nam, quan niệm về DNNN có sự thay đổi trong từng thời kỳ. Theo Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành kèm theo Nghị định
50/HĐBT ngày 22/3/1988 và Quy chế về thành lập, giải thể DNNN ban hành kèm Nghị định 388/HĐBT ngày 20/11/1991 thì DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước trực tiếp thành lập, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước. Việc thành lập các DNNN do cơ quan nhà nước đề nghị và trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập. Quan niệm về DNNN như vậy vẫn dựa trên tiêu chí sở hữu 100% vốn nhà nước và thể hiện sự can thiệp trực tiếp và toàn diện của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp.
Theo luật Doanh nghiệp Nhà nước do Quốc hội khoá IX thông qua ngày 20/1/1995, DNNN là tổ chức kinh tế do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do nhà nước giao, DNNN có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi vốn do doanh nghiệp quản lý. Nhìn chung, quan niệm về DNNN trong Luật cơ bản vẫn như đã quy định trong các văn bản pháp lý nêu trên. Điểm khác biệt và tiến bộ là ở chỗ Luật này đã xác định rõ tư cách pháp nhân và trách nhiệm pháp lý hữu hạn của DNNN.
Theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ ba (khoá IX) thì quan niệm về DNNN có đổi mới và được phát triển thêm một bước quan trọng. Theo đó, DNNN không chỉ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn mà còn bao gồm cả doanh nghiệp do Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Ngoài ra, DNNN không nhất thiết do Nhà nước trực tiếp thành lập và quản lý toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ quản lý và tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với DNNN trong phần vốn góp của mình. Quán triệt tư tưởng đó, luật DNNN 2003 ra ngày 26/11/2003 đã quy định “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối,
được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.” (điều 1 luật DNNN 2003). Trong đó, Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác là công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khác, giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó. Quyền chi phối đối với doanh nghiệp là quyền định đoạt đối với điều lệ hoạt động, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý chủ chốt, việc tổ chức quản lý và các quyết định quản lý quan trọng khác của doanh nghiệp đó. (Điều 3, khoản 7, 8 luật DNNN năm 2003).
Trên quan điểm kế thừa và đổi mới luật DNNN 2003, luật Doanh nghiệp chung ban hành ngày 29/11/2005 vẫn quy định “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.” (Điều 4, khoản 22, luật Doanh nghiệp 2005). Như vậy, đối tượng doanh nghiệp thuộc diện doanh nghiệp nhà nước đã được mở rộng ra, trong mọi trường hợp, dù doanh nghiệp được hình thành dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ cần có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước sẽ được coi là doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, điểm mới trong quan điểm về DNNN của luật Doanh nghiệp 2005 chính là sự giải phóng về mặt quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp khi loại bỏ điều kiện về “cổ phần vốn góp chi phối” và “giữ quyền chi phối” đối với doanh nghiệp.
Như vậy quan điểm về doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam ngày càng tiếp cận gần hơn với quan điểm của thế giới, tức là chỉ dựa trên cơ sở phần vốn điều lệ nhà nước nắm giữ. Tuy nhiên, do đặc thù nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, tỷ lệ này vẫn còn khá cao (50%) so với các nước khác trên thế giới.
2. Bản chất của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam
2.1. Sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước là tất yếu và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân
DNNN là loại hình doanh nghiệp dựa trên sở hữu Nhà nước về tư liệu sản xuất, do đó khác các loại hình doanh nghiệp khác trên ba điểm sau đây:
Một là, vì vốn của doanh nghiệp hầu hết đều thuộc sở hữu của nhà nước nên DNNN, dù là doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, hay doanh nghiệp công ích, thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn chú trọng hiệu quả kinh tế - xã hội. Do đó, sự có mặt của DNNN là lực lượng vật chất quan trọng đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế, chống lại mọi hành vi cơ hội, chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào của các loại doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân.
Hai là, do DNNN là của nhà nước nên lợi nhuận sẽ do nhà nước sử dụng. Do đó, nhiều nước còn giao cho DNNN những lĩnh vực có lợi nhuận cao với ý đồ giữ cho nhà nước những khoản lợi nhuận lớn này để giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh trong nền kinh tế thị trường.
Ba là, trong thực tế, còn có nhiều lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao nhưng lại cần thiết cho sự ổn định kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp tư nhân không muốn và không thể đầu tư, chỉ có DNNN, vì lợi ích chung, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối hậu, mới đảm nhiệm.
Từ những lý do trên dẫn đến kết luận: Trong những lĩnh vực quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế, DNNN phải có mặt và đóng vai trò then chốt như Nghị quyết TW3 (Khóa IX) đã khẳng định. Đây cũng là lý do mà ở hầu hết các nước trên thế giới, ít hay nhiều, đều tồn tại DNNN.
2.2. Tính khó minh bạch của DNNN
DNNN là loại hình dựa trên sở hữu nhà nước. Vì vậy, cùng một lúc phải giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp: quan hệ giữa chủ thể sở hữu (ở
đây là nhà nước, mà đại diện là cơ quan chủ quản và hội đồng quản trị) với chủ thể sử dụng (ở đây là doanh nghiệp mà đại diện cũng rất phức tạp: hội đồng quản trị, giám đốc, đại hội công nhân viên chức, BCH đảng bộ, công đoàn, đoàn thanh niên...) và người lao động (cùng một lúc đóng hai vai trò: chủ thể sở hữu lao động và là chủ tập thể xí nghiệp) trên các mặt trách nhiệm và lợi ích kinh tế, trong đó quan trọng nhất là lợi ích kinh tế.
Xử lý mối quan hệ này rất khó khăn và phức tạp. Tình trạng bộ phận quản lý doanh nghiệp (mà trực tiếp là giám đốc) bỏ qua quyền lợi của bản thân doanh nghiệp và nhà nước vì lợi ích của cá nhân trong các DNNN thường xuyên diễn ra. Trong trường hợp giám đốc có tâm, có tài, muốn làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì lại bị những ràng buộc của cơ chế chung cản trở. Kết quả là DNNN thường không có hiệu quả kinh tế cao. Hạn chế này xuất phát từ tính chất của sở hữu mà ngay các doanh nghiệp quốc doanh của các nước tư bản cũng thường gặp phải. Rõ ràng là, việc minh bạch hóa hoạt động của DNNN chính là vấn đề lâu nay luôn làm đau đầu các nhà hoạch định chiến lược.
2.3. Tính kém hiệu quả trong các DNNN
Nhìn chung, hoạt động của DNNN thường không có hiệu quả cao (ví dụ – theo báo tổng kết năm 2002 của Viện nghiên cứu kinh tế trung ương - CIEM năm 2002, nước ta có 20% DNNN thu lỗ; 40% hòa vốn, hoạt động cầm chừng; 40% có lãi nhờ chính sách ưu đãi về thuế, xóa thuế nợ đọng, trợ cấp xuất khẩu).
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó:
Một là DNNN thường phải đảm nhận kinh doanh trên những khu vực ít lãi, phải đáp ứng những nhu cầu xã hội mà các doanh nghiệp tư nhân không chịu đảm nhận;
.....