Các Thể Truyền Thống Trước Những Thử Thách Của Thời Đại Thơ Mới

chữ ít hơn hoặc nhiều hơn, tức tràn ra ngoài khung 6/8 thì thể thơ này vẫn giữ được hồn cốt của nó, cốt lõi thể thơ vẫn không bị phá vỡ.

4.2.2.2. Song thất lục bát

Trước Thơ mới, STLB đã đạt đến trình độ cổ điển. Nó là thể chủ yếu của hàng loạt tác phẩm ngâm khúc nổi tiếng như: Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều); Chinh phụ ngâm (bản dịch của Đoàn Thị Điểm), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân)... Có thể khái quát hóa mô hình chuẩn của STLB trong thơ ca truyền thống như sau: Về cấu trúc, đơn vị cơ bản của STLB là một tổ hợp/khổ (4 câu) gồm 2 câu LB và 2 câu thất ngôn. Trong đó, nếu hai câu thất ngôn đi trước rồi tiếp hai câu LB được gọi là song thất lục bát - như tên gọi thể thơ này, loại này chiếm tỷ lệ áp đảo. Nếu hai câu LB đi trước rồi mới đến hai câu thất ngôn được gọi là lục bát gián thất (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến). Điều đáng chú ý là STLB tuy có sự tham gia của hai thể (LB và thất ngôn) nhưng sự tham gia này không phải theo kiểu phép cộng đơn thuần mà là sự tham gia - tác hợp tạo nên một cấu trúc mới - một thể thơ mới mang tính thống nhất chỉnh thể. Không thể xem STLB là biến thể của một trong hai thể LB hoặc thất ngôn. LB trong STLB cũng như thất ngôn trong STLB hoàn toàn phụ thuộc vào nhau, tồn tại trong sự vận hành của thể mới - STLB. Một tác phẩm STLB không bị hạn định về số lượng tổ hợp, ít nhất là một tổ hợp. Vần ở thể STLB phức tạp hơn LB về thanh điệu và nhiều hơn về số lượng. Nó phải thực hiện 3 mối liên kết: liên kết giữa hai dòng thất, liên kết giữa hai dòng LB, liên kết giữa hai khúc đoạn song thất và LB. Cụ thể: câu thất 1 gieo vần chân trắc ở chữ thứ 7. Câu thất 2 bắt vần lưng trắc ở chữ thứ 5 đồng thời thả vần chân bằng ở chữ thứ 7. Câu lục tiếp theo bắt vần và gieo vần ở chữ thứ 6. Câu bát hiệp vần lưng ở chữ thứ 6 và lại thả vần chân bằng ở chữ thứ 8. Sang tổ hợp 2 (tiếp theo): câu thất 1 bắt vần lưng ở chữ thứ 5 và lại gieo vần trắc ở chữ thứ 7. Câu thất 2 lại bắt vần lưng trắc ở chữ thứ 5... Cứ như vậy, hệ thống vần tiếp tục cho đến hết bài. Về phối thanh: vừa có vần trắc, vừa có vần bằng. Trắc hiệp với trắc, bằng hiệp với bằng. Trong đó, các chữ 3, 5, 7 của câu thất trên phải lần lượt là trắc - bằng - trắc (thất trắc); các chữ ở vị trí tương ứng trong câu thất dưới theo thứ tự ngược lại: bằng - trắc - bằng. Câu 6 và câu 8 phối thanh đúng như trong thể LB. Các chữ còn lại hoàn toàn tự do. Nguyên tắc phối điệu chặt chẽ này khiến cho các chữ được quy định ở hai dòng thất tạo nên sự đối lập từng đôi một, còn các chữ được quy định ở hai dòng LB tạo nên sự dính

kết từng đôi một, làm cho toàn khổ thơ có một mô hình phối điệu cân đối và đẹp đẽ. Về ngắt nhịp: hai câu thất (7 chữ) có nhịp lẻ trước chẵn sau: 3/4 hoặc 3/2/2. Đây là đặc trưng của thi luật Việt Nam (khác với thi luật Trung Hoa: chẵn trước lẻ sau); câu lục (6 chữ) có nhịp 2/2/2 hoặc 3/3; câu bát (8 chữ) có nhịp 2/2/2/2 hoặc 4/4.

Thể STLB có biến thể không? Theo Phan Diễm Phương STLB có 6 biến thể [139, 72]: biến thể về vần, vần lưng được đặt ở chữ thứ 3 dòng thất trên: Dạ thường quanh quất, mắt thường ngó trông / Trông mái đông, lá buồm xuôi ngược (Ai tư vãn - Lê Ngọc Hân); biến thể về phối điệu, chữ thứ 3 dòng thất trên từ thanh trắc chuyển sang thanh bằng: Trên lầu cao dưới cầu nước chảy (Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du) và chữ thứ 3 dòng thất dưới từ thanh bằng chuyển sang thanh trắc: Tiền như nước hễ tích thời khô (Tỉnh quốc hồn ca - Phan Châu Trinh); biến thể về nhịp, đó là nhịp lẻ/chẵn (3/2/2) chuyển thành nhịp chẵn/lẻ (2/2/3): Một năm / một nhạt / mùi son phấn (Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm dịch) và nhịp 2 dòng lục chuyển thành nhịp 3; biến thể về tổ hợp các dòng, đó là tổ hợp LB gián thất. Riêng hiện tượng các dòng thất giãn nở số tiếng một cách lâm thời hoặc hiện tượng dòng LB tạm thời bị triệt tiêu có thể xem là những “biến dạng” của STLB.

4.2.2.3. Hát nói (thơ ca trù)

HN là một thể rất thông dụng trong ca trù, thường được các văn nhân dùng làm thơ (không nhất thiết dùng để hát). Một bài HN phải có một bố cục nhất định và dù chính thể hay biến thể cũng phải theo một nhạc điệu nhất định toát ra từ bố cục nói trên. Một bài HN thường có hai phần: Mưỡu Bài hát nói. Mưỡu là mấy câu LB đi kèm theo với bài HN để nêu lên ý nghĩa bao trùm của bài. Nếu chỉ 1 cặp LB gọi là mưỡu đơn, nếu 2 cặp LB gọi là mưỡu kép. Mưỡu được đặt ở đầu bài HN gọi là mưỡu đầu, đặt ở sau bài HN gọi là mưỡu hậu (thường ở trước câu kết thúc - gọi là câu keo - cho dễ hát, nên câu LB của mưỡu hậu phải hiệp vần với câu xếp ở trên và câu keo ở dưới). Có những bài HN vừa có mưỡu đầu vừa có mưỡu hậu như bài Vịnh Tiền Xích bích của Nguyễn Công Trứ.

Bài HN chính thể (đủ khổ) gồm 11 câu với cấu trúc chia làm 3 khổ/trổ như: Khổ đầu: 4 câu gồm câu 1 (từ 4, 5 đến 7 chữ) và câu 2, 3, 4 (từ 7, 8 đến 9, 10 chữ); Khổ giữa: 4 câu gồm câu 5, 6 (thường là các câu thơ Trung Quốc ngũ ngôn hay thất ngôn nằm ở đây) và câu 7, 8 (từ 6, 7 đến 8, 9 chữ); Khổ xếp: 3 câu gồm câu 9 (từ 7,

8 đến 9, 10 hay 13, 14 chữ…), câu 10 (câu này thường láy lại hay tiếp nghĩa câu

trên) và câu 11 (câu “tóm” - “nhất cú hoàn chi” - bằng câu lục trong thể LB). Ngoài loại bài chính thể (đủ khổ) còn có các loại bài biến thể, tức thiếu khổ hoặc dôi khổ. Bài thiếu khổ thường là thiếu khổ giữa chứ không thiếu khổ xếp được (Tiễn biệt - Cung Thúc Thiềm). Bài dôi khổ cũng thường dôi khổ giữa (dôi một khổ hoặc hai, ba khổ) như bài Hồ Tây của Nguyễn Công Trứ. Về vần, bài thơ thể HN thường dùng cả vần chân (cước vận) lẫn vần lưng (yêu vận), cả vần bằng lẫn vần trắc. Bài thơ HN nhất thiết phải bắt đầu là một vần chân trắc, sau hai vần chân trắc đầu tiên là hai vần chân bằng, rồi đến hai vần chân trắc rồi lại đến hai vần chân bằng, rồi lại đến hai vần chân trắc. Cứ tiếp tục như vậy. Tận cùng bài thơ phải là vần chân bằng. Khi câu trên có vần chân trắc chuyển sang câu dưới có vần chân bằng, thì câu dưới phải có thêm vần lưng trắc (vần với chữ cuối của câu trên) và ngược lại. Vần lưng này gieo ở cách chữ cuối của câu khoảng 2 hoặc 3 chữ. Về nhạc, có lối gọi riêng từng câu như sau: Khổ đầu: câu 1, 2: lá đầu và câu 3, 4: xuyên thưa; Khổ giữa: câu 5, 6: thơ và câu 7, 8: xuyên mau; Khổ xếp: câu 9: dồn, câu 10: xếp và câu 11: keo. Về ngắt nhịp, câu 8 chữ HN mang khuôn nhịp chủ yếu là 3/3/2 hoặc 3/2/3 (3/5). Ví dụ: 3/2/3: Mười lăm năm / thấm thoát / có xa gì. 3/2/3: Ngoảnh mặt lại / đã tới / kỳ tơ liễu (Đào Hồng đào Tuyết - Dương Khuê); 3/3/2: Nợ đèn sách / đem nghiên bút / trả xong. 3/3/2: Cầu xe ngựa / lúc đi về / mới tỏ (Nợ tang bồng - Nguyễn Công Trứ). Ngoài ra, HN còn ngắt nhịp 4/4 nhưng không nhiều: Này suối giải oan / này chùa Cửa Võng. Này hang Phật Tích / này động Tuyết Quynh (Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh). Thể HN, với sự không hạn định chặt về số chữ trong các câu thơ, lối kết cấu xen giữa yêu cầu “ngâm” và yêu cầu “nói”, đã mở ra khả năng chuyển biến các thể thơ cổ điển (vốn thiên về “thơ điệu ngâm”) sang “thơ điệu nói”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 183 trang tài liệu này.

Qua khảo sát đặc điểm thi luật đã được khẳng định của các thể thơ du nhập và thuần Việt trong văn học truyền thống, có thể thấy các thể: STLB và ĐL có luật lệ chặt chẽ, mang tính quy phạm cao, trong khi các thể: hành, LB và nhất là thể HN dường như có phần tự do thoải mái hơn nhiều trong việc phô diễn tâm tư, tình cảm. Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sáng tạo và phát triển của các thể thơ trong tương lai. Mặt khác, bản thân mỗi thể thơ cách luật chuẩn mực, quy cách luôn tồn tại yếu tố “phi chuẩn mực”, “phi quy cách”, những yếu tố này sẽ là nền móng khơi gợi những ý tưởng sáng tạo không ngừng cho các nhà thơ, từ đó cho ra đời những hình thức diễn đạt mới mẻ...

4.3. Thi pháp các thể truyền thống trong Thơ mới

Hệ thống thể loại truyền thống trong Thơ Mới 1932 - 1945 - 15

4.3.1. Các thể truyền thống trước những thử thách của thời đại Thơ mới

Các thể thơ truyền thống du nhập và thuần Việt đã đạt đến trình độ mẫu mực, điển phạm ở các chặng đường cuối thời trung đại (nửa sau thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX). Bước sang thế kỷ XX, đặc biệt từ khi xuất hiện phong trào Thơ mới, các thể thơ này đều phải đứng trước nhiều thử thách khắc nghiệt. Trước hết là môi sinh - đất sống dành cho chúng. Thời hiện đại với nhịp sống gấp gáp và sự hấp dẫn của tiếng gọi tự do khó có chỗ tồn tại cho những thể thơ khuôn mẫu, nhất là thể thơ có chức năng và nội dung “hồi cố”, “tự tình” hay “ngôn chí”, “tỏ lòng” với thi pháp quá chặt chẽ như STLB và ĐL. Thứ hai, các thể truyền thống này thực sự đã rất ổn định, khó có thể thay đổi, làm mới hình thức thi pháp. Khảo sát 148 bài LB, 18 bài STLB và 104 bài ĐL (ngoại trừ bài luật) nguyên thể, chúng tôi nhận thấy mô hình thi pháp các thể thơ này nhìn chung khó có thể phá vỡ. Các nhà thơ mới chỉ có thể cố gắng làm mới ở một số phương diện chứ không thể tháo tung hoàn toàn khuôn hình truyền thống của chúng. Thứ ba, các tác giả Thơ mới tìm đến các thể thơ này khi thành tựu của chúng đã đạt đến đỉnh cao với nhiều phong cách tài năng: Sở kiến hành (Nguyễn Du), Thăng Long thành hoài cổ (Bà Huyện Thanh Quan), Truyện Kiều (Nguyễn Du); Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm dịch), Gặp đào Hồng, đào Tuyết (Dương Khuê),... Thứ tư, các thể truyền thống, một khi được các nhà thơ mới sử dụng sáng tác nghĩa là đều phải tồn tại dưới áp lực của thời đại Thơ mới - thơ “tự do” - một loại hình thơ đòi hỏi giải phóng mọi ràng buộc của hệ thống thi pháp truyền thống. Trước những thử thách này, vận mệnh và sức sống của các thể truyền thống sẽ ra sao? Thi pháp các thể thơ sẽ được xử lí như thế nào để, một mặt văn học ta không bị mất đi những thể thơ riêng mang đậm bản sắc dân tộc, mặt khác để chúng còn có thể đóng góp cho thơ Việt Nam hiện đại? Trách nhiệm đó thuộc về ý thức và tài năng sáng tạo của các nhà thơ mới.

4.3.2. Thi pháp các thể truyền thống du nhập trong Thơ mới

4.3.2.1. Cổ phong

Thứ nhất, cấu trúc bài thơ và nghệ thuật tổ chức câu thơ, dòng thơ

Tiểu loại của thơ CP mà Thơ mới có sử dụng dưới dạng thức một bài nguyên thể chỉ có thể hành. Vì vậy, chúng tôi chủ yếu chỉ xét đặc điểm thi pháp thể này.

Ngoài ra, một số câu thơ thất ngôn, ngũ ngôn CP chêm xen trong hình thức thể 5 chữ, 7 chữ của Thơ mới hiện đại cũng được điểm mặt.

Phần lớn các bài hành trong Thơ mới, về cấu trúc, đều mang hình thức câu thơ thất ngôn. Trong số 6 bài hành nguyên thể của các nhà thơ mới và 1 bài hành của Á Nam - Trần Tuấn Khải thì có tới 5 bài thất ngôn hoàn toàn. Câu thơ thất ngôn CP, như đã lí giải (xin xem Chương 3, tr.76-77), có nhiều ưu thế nên chiếm được cảm tình của đông đảo các nhà thơ mới, trong đó không ngoại trừ phái các nhà thơ hành. Một số tác phẩm mang dáng dấp thể hành như Tráng ca (Thâm Tâm), Độc hành ca (Trần Huyền Trân),... nhưng sử dụng câu 6/8 của LB, hoặc sử dụng thể 7 chữ hiện đại như Lòng chiến sĩ (Trần Huyền Trân). Điều khác lạ so với các bài hành thất ngôn truyền thống là các bài hành thất ngôn của Thơ mới rất ưa thích chia khổ. Các bài Tráng sĩ hành (Á Nam - Trần Tuấn Khải), Can trường hành, Vọng nhân hành (Thâm Tâm) chia khổ không đều, cũng có bài như Tống biệt hành (Thâm Tâm), Tráng sĩ hành (Phan Văn Dật) được chia đều thành từng khổ 4 câu tạo được vẻ nhịp nhàng, cân đối và khá lạ mắt đối với người đọc.

Trong 7 bài hành này, 3 bài có cấu tạo khác biệt. Trên nền câu thất ngôn, Thâm Tâm và Á Nam - Trần Tuấn Khải thỉnh thoảng lại chêm xen câu 3 chữ lặp vần hoặc giống nhau ở đầu các khổ thơ như một khúc điệp luyến láy, nhấn mạnh, khẳng định: Ngươi chẳng thấy / Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy, Ngươi chẳng thấy / Lồng lộng Tây Hồ xanh như thu, Ngươi chẳng thấy / Vì đời ta buồn như thế đấy (Can trường hành), Niềm phân ly... Người tương tri... Đàn nam nhi... (Tráng sĩ hành). Kiểu kiến trúc này rất gần với thơ cổ: Quân bất kiến / Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai (Tương tiến tửu - Lý Bạch). Ở bài Nam hành, Bích Khê vận dụng kết hợp ba loại câu ngũ ngôn, lục ngôn và thất ngôn CP nhằm tạo nhạc tính cho thơ. Các câu thơ dài ngắn đan xen tự do, không theo quy luật đã tạo được hiệu ứng không nhỏ về mặt giai điệu. Bài thơ tựa như một khúc Nam hành đầy ngẫu hứng với những nhịp bước ngắn dài ngả nghiêng, chếnh choáng men say: Mâm vàng đây, đũa ngọc đây / Tiệc hoa sáng, rượu chung đầy /... Tiếp ly cạn, cạn ly đầy / Năm con một vợ ngồi vòng xây / Nhạc chim thanh tước rót về đây / Đổi cành vàng lá lục / Nâng chén tinh ròng ca một khúc / Tiệc hoa hề, chén ngọc hề / Giang hồ vút cánh sau chung rượu / Năm vẻ rồng bay ánh sắc mây...

Câu thơ, dòng thơ của các bài hành Thơ mới đổi mới đáng kể so với truyền thống. Nhiều câu thơ hành thất ngôn học tập kiểu vắt dòng trong thơ Pháp: Chí nhớn chưa về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại, Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc / Mà vẫn cười qua chén rượu đầy... Có khi một dòng thơ lại bao chứa nhiều cú pháp khiến cho đơn vị dòng và câu không còn trùng khít như thơ xưa: Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ... Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra không nhiều như ở các thể khác. Đặc sắc nhất của các bài hành Thơ mới là loại câu cảm thán và câu hỏi tu từ khá nhiều. Chúng tôi thống kê được 27 câu cảm thán và 11 câu hỏi trên 7 bài. Câu hỏi, câu cảm thán trong các bài hành CP truyền thống dĩ nhiên không hiếm (Sở kiến hành - Nguyễn Du), nhưng sử dụng với mật độ dày như Thơ mới thì hầu như không có. Hình thức câu cảm thán, câu hỏi tu từ trong một khuôn khổ tự do và ưa trữ tình như thể hành khá dễ vận dụng, nó giúp nhà thơ bộc lộ được nguồn cảm xúc dồn nén và những khát vọng mãnh liệt thường thấy ở thể thơ: Sao có tiếng sóng ở trong lòng?, Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? (Tống biệt hành - Thâm Tâm), Há mềm nước mắt khóe thu ba?, Phi thường ai biết ai tri kỷ? (Tráng sĩ hành

- Phan Văn Dật), v.v... Ngoài ra, một số bài hành còn sử dụng đối ngẫu như thơ luật ở các liên thơ: Mày gươm nét mác, chữ nhân già / Hàm bạnh hình đồi, lưng cỗi đa (Vọng nhân hành - Thâm Tâm),...

Thứ hai, về vần và nhịp

Các bài thơ thể hành đều ưa sử dụng vần bằng theo kiểu vần gián cách và thường là độc vận. Tất nhiên, khi cần, nhà thơ cũng có thể chêm xen một vài cặp vần trắc liên tiếp hoặc gián cách làm cho mạch thơ thêm sinh động, biến hóa. Thâm Tâm là người thích sự thay đổi vần kiểu này: Ta biết người buồn chiều hôm trước / Bây giờ mùa hạ sen nở nốt / Một chị, hai chị dòng lệ sót (Tống biệt hành), Hôm nay lại nở hoa lý đỏ / Trong rượu vân vân... bao vết / Ngươi chẳng thấy rằng hoa như tim / Hoa nát lòng ta đau vạn thuở (Can trường hành), Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận / Tan tiệc quần anh, người nuốt giận / Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay / Vuốt cọp, chân voi còn lận đận (Vọng nhân hành). Nếu vần bằng mang lại cảm giác phóng túng, khoáng đạt thì vần trắc có tác dụng thể hiện nỗi u uất, trắc trở của anh hùng thời loạn lạc trong tâm trạng nhân vật trữ tình.

Các bài hành Thơ mới đều giống với các bài hành CP có sự chi phối của thơ luật Đường, nhất là về phối thanh và ngắt nhịp. Hầu hết các câu thơ đều luân phiên bằng trắc theo đúng niêm, luật và ngắt nhịp theo trình tự chẵn/lẻ (4/3, 2/2/3) thường thấy ở câu thơ thất ngôn luật (thoảng hoặc cũng có một vài nhịp ngắt lẻ/chẵn nhưng không mấy phổ biến và ấn tượng): Đạo nghĩa / hoài đem / chơi bạn quỷ. Thân hình / hậu gửi / kết duyên ma. Ngậm lời tráng khí, / chim bằng ốm. Chuyện lúc thương tâm,

/ gái điếm già. Gió thốc hàng hiên, / lười viễn mộng. Mưa rào mặt cát, / gợi ly ca (Can trường hành - Thâm Tâm). Những câu thơ có tiết tấu, hình thức khuôn định như trên đan xen vào những câu thơ được làm tự do, phóng túng tựa như một điệu trầm bình giữa dòng thác ngôn từ hối hả của những bài hành dài hơi. Trong số

của Thơ mới, bài Nam hành duy nhất ến. Với một bài thôi, Bích Khê vẫn đưa lại cho thể thơ một hơi thở mới lạ, hấp dẫn. Cũng vẫn là chủ đề tráng sĩ hành, nhưng tác phẩm gây chú ý người đọc, người nghe chủ yếu ở giai điệ ông khí bài thơ. Ngoài việc vận dụng các câu thơ dài ngắn đan xen, Bích Khê rất độc đáo khi kết hợp nhịp lẻ (3/3) của loại câu lục với nhịp chẵn/lẻ (4/3, 2/2/3) của câu thất và sự biến hóa trong nhịp của câu ngũ ngôn (3/2, 2/3). Thi nhân lại còn điểm vào một vài từ láy và tính từ gợi tạo âm thanh (rổn rảng, lung lay, lác đác, xa xa, trong veo,...). Tất cả tạo nên một bản nhạc nhịp nhàng, rung rinh thực thú vị.

Thứ ba, giọng điệu và ngôn ngữ

Điểm nhấn của các bài hành Thơ mới nằm ở giọng điệu và ngôn ngữ. Bắt nguồn từ những cảm hứng về tráng sĩ hành, về truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc, về sự bất bình, phản kháng đối với thực tại xã hội đương thời, trong dàn hợp xướng đa giọng điệu của Thơ mới, phái thơ hành góp vào một giọng điệu đặc biệt: giọng điệu hào hùng, tràn đầy chính khí, tráng khí, bi phẫn, bi hùng: Dằn chén hất cao đầu cỏ dại / Hát rằng phương Nam ta với ngươi (Hành phương Nam - Nguyễn Bính), Gươm báu reo vang ngời máu giận / Đất trời say ngất khí can qua (Tráng sĩ hành - Phan Văn Dật),... Nhiều bài thơ không cùng thể nhưng vẫn có chung giọng điệu đặc trưng ấy: Đói nghèo đầy chiếu, đầy chăn / Bút khôn làm kiếm chém phăng bất bình (Say ca - Trần Huyền Trân),... Tuy cùng một hơi hướng, chung một giọng điệu, nhưng sắc điệu của mỗi nhà thơ hành có khác nhau. Nhà văn Tô Hoài nhận xét rất tinh rằng: “Thâm Tâm, Trần Huyền Trân thì sừng sững và cô

đơn như cây đa con đò một mình”. Nhưng Nguyễn Bính thì có khác, “thơ hành của ông vẫn có cái mềm mại, dung dị của văn chương dân gian” [167,165].

Phù hợp với giọng điệu hào hùng, bi tráng, các bài thơ hành thường lựa chọn những câu từ gân guốc, gai góc, đặc biệt là sử dụng các động từ, cụm động từ mạnh với tần số cao nhằm diễn đạt những hành động phi thường, những ý chí mạnh mẽ: Chí hùng trung bốc đầy sơn khê; Phá núi Thái Sơn, lấp Đông Hải; Chuyển đất, xoay trời thường có khi; Chếnh choáng hơi men bốc chính khí; Ra đi ngựa thét nhớ hơi ngàn; Trần ai mấy mặt dám xông pha; Dập tắt sầu thương chỗ xó nhà; Gươm thiêng vút mạnh đầu tuôn rụng/ Trống giục rền mây sát khí lòa; Khóc nhau ném chén tan tành; Hỡi ơi! Nhiếp Chính mà băm mặt; Múa lưỡi đánh tan ba kẻ sĩ/ Mềm môi nốc cạn một vò men; Thăng Long đất lớn chí tung hoành;... Các tính từ, danh từ, động từ hoặc cụm tính từ, cụm danh, cụm động từ bộc lộ trực tiếp tâm trạng hừng hực, uất khí của người anh hùng: Ngâm câu khẳng khái mình ta nghe; Túi áo nghênh ngang ba thước kiếm; Ngoảnh lại thành Yên đầy uất khí; Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ; Ta trói thân vào lụy nước mây; Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn; Yêu rất ban ngày, ghét rất đêm; Hoa nát lòng ta đau vạn thuở; Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay; Vượn kêu ruột buốt trên ngàn;... Các từ, cụm từ phủ định và khẳng định luôn được đặt trong thế song hành biểu thị quyết tâm ra đi không về của người tráng sĩ: Đưa người ta không đưa qua sông / Sao tiếng sóng ở trong lòng / Bóng chiều không thắm, không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong; Thì không bao giờ nói trở lại / Ba năm mẹ già cũng đừng mong; Mẹ thà coi như chiếc lá bay / Chị thà coi như là hạt bụi / Em thà coi như hơi rượu say; Mặc cho kể hết niềm phân ly, Đã bước chân ra không hẹn kỳ; Sống chết nên chăng ai sá chi?, Ra đi hôm nay hề không ngoái lại; Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc; Xách gói sang Nam không hẹn lại;...Đúng như Hoài Thanh nhận xét, khác với phần lớn Thơ mới hồi bấy giờ “mềm mại, uyển chuyển”, ngôn ngữ thơ của phái thơ hành “điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc” [175, 280]. Ngôn ngữ các bài thơ hành còn gần với lời nói thường ngày của nhân dân và đó là một dấu hiệu của ngôn ngữ thơ hiện đại: Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực /... Em thà coi như hơi rượu say (Tống biệt hành - Thâm Tâm); đồng thời cũng rất cổ kính do sự xuất hiện của một số từ ngữ cổ: Ly khách, kẻ sĩ, nam nhi, hào kiệt, giai nhân, tri kỷ, tương tri, bụi hồng, hào quang, nguyệt, trùng san, sa trường, thủ cấp, quân sĩ,...

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/10/2023