Hệ thống thể loại truyền thống trong Thơ Mới 1932 - 1945 - 16

và một vài từ đệm trong những lời thơ cổ dùng để hát theo một giai điệu nhạc xưa: hề, chừ,...(Tiệc hoa hề, chén ngọc hề; Ngươi ơi! Ngươi ơi hề ngươi ơi, Một sớm tranh hùng hề phá giặc tan,...). Sự xuất hiện của lớp từ ngữ cổ vừa là hệ quả tất yếu của áp lực “ký ức thể loại” khiến cho thể thơ khó vượt thoát khỏi mô hình cũ, vừa cho thấy cơ hội may mắn của thể thơ khi nó tìm được mô hình nhân vật người tráng sĩ, người ra đi trong thời đại mới nên đã có cơ sống lại, cộng hưởng và lan tỏa.

Ngoài thể hành, một số bài thơ (hoặc có khi là câu thơ) ngũ ngôn, thất ngôn trong Thơ mớicũng có dáng dấp CP. Ví dụ: bài Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ dùng lối thơ thất ngôn trường thiên liên vận và liên châu, bài Ngũ hành sơn (tiền) và Ngũ hành sơn (hậu) của Bích Khê viết theo lối ngũ ngôn trường thiên... Tuy nhiên, cùng với thể hành, các câu thơ ngũ ngôn, thất ngôn truyền thống giờ đã được các tân thi sĩ làm mới, biến đổi rất nhiều nhằm phù hợp hơn với lòng người hiện đại. Hoài Thanh đã có lúc ngỡ ngàng “Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong” [175, 280]. Dựa vào nhận định này mà một số ý kiến, như Nguyễn Quốc Túy, cho rằng: từ “hành” ở nhan đề một số bài thơ mới “không phải là kí hiệu để chỉ một thể thơ cổ... nó là kí hiệu để chỉ một trường phái thơ: trường phái thơ hành” [175, 168]. Thiết nghĩ, căn cứ vào chức năng, nội dung và các đặc điểm thi pháp thể thơ mà chúng tôi vừa khảo chứng và luận giải, có thể khẳng định chắc chắn sự tồn tại, góp mặt của thể hành trong Thơ mới.

4.3.2.2. Đường luật

Thứ nhất, cấu trúc bài thơ và nghệ thuật tổ chức câu thơ, dòng thơ

Thể ĐL Thơ mới có khá nhiều dạng, từ thất ngôn (bát cú và tứ tuyệt), ngũ ngôn tứ tuyệt đến bài luật và phú. Nhìn chung, các bài ĐL đều kế thừa mô hình thi pháp chuẩn mực từ thời trung đại, đồng thời mạnh dạn đổi mới một số cách thức biểu hiện và ngôn ngữ. Phần lớn các thể thức ĐL trong Thơ mới đều đảm bảo khuôn hình cấu trúc cố định của thể thơ. Các bài thơ đều triển khai theo trật tự đề - thực - luận - kết. Số chữ, số câu được quy định theo đúng các thể thức: thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú (duy nhất 1 bài của Á Nam - Trần Tuấn Khải), bài luật (ở đây chủ yếu sử dụng câu thơ thất ngôn, dạng trường thiên). Một số biệt thể ĐL như liên hoàn (Xuân mong đợi, Mười bài tâm sự, Hướng dương của Ngân Giang, Họa mười bài Khuê phụ thán của Vân Đài), thuận - nghịch

độc (Cửa sổ đêm khuya, Đi thuyền của Hàn Mặc Tử), nhất thất lệnh (Tối của Trần Huấn Chương) cũng được các nhà thơ mới tiếp thu dù đã được biến đổi ít nhiều.

Trong quá trình tiếp thu, các nhà thơ mới cũng tìm cách thay đổi cấu trúc thể thơ bằng nhiều cách: chia khổ tạo khoảng lặng giữa bài: Một mảnh tình, Ngậm ngùi cổ sự (Thâm Tâm), thêm dòng thơ để nới rộng khuôn khổ của bài: Không đề (Đồ Phồn) có đến 12 dòng thất ngôn, Tự thuật (Tú Mỡ) có đến 18 dòng thất ngôn (Tú Mỡ gọi là thể thất ngôn thập bát cú); hoặc dẫn cả tiếng Pháp làm lời đề từ cho các bài ĐL như Nguyễn Giang với các bài Xuân, Con đường, Mẹ, v.v... Tuy nhiên, những trường hợp này quả thực rất hiếm xảy ra. Cấu trúc đã được quy định của thể ĐL là yếu tố cơ bản đầu tiên đảm bảo khuôn hình và sự tồn tại cho chính nó. Việc phá vỡ cấu trúc sẽ làm biến dạng thể thơ nên hầu như chúng được giữ nguyên.

Trên cấp độ câu thơ, dòng thơ, những biến đổi mang tính thi pháp diễn ra có phần phong phú hơn. Nghệ thuật đăng đối của thơ Đường được phần đông các nhà thơ mới tuân thủ nghiêm ngặt, nhất là ở thể thất ngôn bát cú. Các bài thất ngôn bát cú thường đối cả phần thực và luận (Mỵ Ê của Nguyễn Nhược Pháp, Gõ bồn, Trên núi Ấn nhìn sông Trà, Đăng lâm của Bích Khê, Khóc bạn Lê Thanh, Bè say sông vàng của Vân Đài,...), có khi chỉ đối một phần (đối phần thực: Nửa đêm ca quán của Vũ Hoàng Chương,...; đối phần luận: Trước chùa Thiên mụ của Nam Trân, Gửi Liên Tâm của Bích Khê,...), nhưng cũng có bài đối ở cả ba liên (Đêm đông xem truyện quỷ của Vũ Hoàng Chương đối hai liên đầu và liên cuối). Dạng thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn tứ tuyệt cũng đối ở liên đầu (Bên sông của Quách Tấn, Dưới trăng ngồi gảy đàn, Hoàng hạc lâu, Lời tuyệt mệnh của Bích Khê,...), liên cuối (Tình xưa của Quách Tấn,...), hoặc đối cả hai liên (Cảm hứng, Tiếng ca, Đề ảnh của Bích Khê,...). Song, hầu hết các bài thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn tứ tuyệt đều thuộc vào “dạng hiếm” của thể này trong thơ xưa, đó là bốn câu không đối nhau (Mây trắng, Chiều cổ, Điệu huyền của Lưu Trọng Lư, Ngày ấy của Nguyễn Xuân Huy, Giữa cây đào, Tình xuân của Bích Khê, Ngượng ngùng của Lưu Kỳ Linh,...). Lối thơ tuyệt cú không cần đăng đối này phần nào đó thoải mái hơn, gần với lối thơ tự do và cũng hợp với lòng người hiện đại nên được ưu ái hơn thơ xưa. Về cách đối, nhiều bài thơ ĐL tỏ rõ khả năng đối chuẩn của các tài thơ mới. Xin được dẫn bài Đề ảnh của Bích Khê làm ví dụ: Mái tóc hề bóng rừng / Lông mi hề nhung láy / Tình hoài hề gió xuân / Thi tài hề mạch chảy. Ở đây có cả đối biền ngẫu: 4 câu có cách kiến trúc cú

thể song song, lời ý tương xứng nhau; có cả đối cách cú: các câu cùng một kiểu loại bố trí theo trật tự hình tuyến thống nhất là chủ ngữ - danh từ bổ sung (một kết cấu câu đặc biệt); có cả đối từ: các từ cùng một vị trí trong 4 câu đều thuộc từ loại danh từ (từ nhung láy có thể hiểu ngầm là màu nhung láy) kèm theo hư từ “hề” đều đứng ở giữa câu; có cả đối ý: các ý trong 4 câu đều tăng cường và bổ sung cho nhau nhằm diễn tả vẻ đẹp và cái thần, cái hồn sinh động của bức ảnh (đối tương đồng). Các bài thơ dạng bài luật của Nguyễn Bính cũng có những câu thơ đối nhau tề chỉnh: Em đi dang dở đời mưa gió / Chị ở vuông tròn phận lãnh cung (Xuân tha hương). Hai câu thơ có cùng cấu trúc cú pháp là đề ngữ (em đi / chị ở) và kế tiếp là cụm vị ngữ - chủ ngữ (dang dở / đời mưa gió, vuông tròn / phận lãnh cung), cùng từ loại lần lượt là: danh từ nhân xưng (em / chị) - động từ (đi / ở) - tính từ (dang dở / vuông tròn) - ngữ danh từ (đời mưa gió / phận lãnh cung). Bên cạnh đó, cũng có nhiều câu đối không thật chuẩn theo nguyên tắc “đối ý, đối thanh, đối từ” của thơ cổ điển (như bài Trăng cũ của Vũ Hoàng Chương, Hình ảnh của Ngân Giang). Thực ra, hiện tượng này đã có nhiều trong thơ cổ điển. Mặc dù đặt ra nguyên lý đối thanh, ý, lời cụ thể và chi li như vậy nhưng phép làm thơ của người xưa cũng không quá câu nệ máy móc, “vì lời mà hại ý, vì đối mà gò lời, thì lại sa vào bệnh hình thức, khó có thơ hay”, vì vậy “đối được cho cân thì tốt, hoặc ý phải tương xứng, còn lời thì vừa phải” [124, 190]. Mặt khác, có lẽ đây còn là một dụng ý của các nhà thơ mới nhằm giảm tải những chi tiết gò bó, công thức của thể thơ, mang lại một không khí thoải mái, phóng túng hơn cho những câu thơ luật.

Trong Thơ mới, nổi lên ở cấp độ câu thơ như một vấn đề thi pháp là tính chất điệu nói, vắt dòng, nhiều câu trên một dòng được tổ chức theo nguyên tắc hướng ngoại tạo hình. Nó làm xuất hiện giữa các dòng thơ những từ nối và để diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn câu thơ buộc phải kéo dài, câu này vắt tràn sang câu khác: Ngày xuân ai chẳng lại / Chơi xuân một nhành mai (Tình xuân - Bích Khê), À! ra mình mới ngoại hai mươi / Mà cũng chua cay đủ với người (Làm trai - Quách Tấn), Ai cho chàng gió mân mê trộm / Tà áo ai phơi khuất cạnh rào? (Phàm tục - Phan Văn Dật),...; hoặc có khi co ngắn lại, một dòng thơ có thể bao chứa nhiều câu thơ mang nhiều sắc thái cảm xúc cùng ngưng tụ, dồn nén trong một khoảnh khắc: Chí to. Phận mỏng. Trời! ai oán / Bút tủi. Hồn mê. Ngán! cảm hoài (Khóc bạn Lê Thanh

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 183 trang tài liệu này.

- Vân Đài), Cảnh vắng. Trời hanh. Giáng mái chiều (Chiều - Thế Lữ),... Trong các

thể cách luật truyền thống, ở thể ĐL, các dòng thơ thể hiện những cấu trúc ngữ pháp độc lập khá hoàn chỉnh cho dù có lỏng lẻo giữa các thành phần. Vì vậy, hiện tượng vắt dòng hay nhiều câu trên một dòng ở thể ĐL Thơ mới xảy ra không rộng rãi và táo bạo như các thể truyền thống khác (như LB) là điều dễ hiểu, nhưng mặt khác cũng cho thấy những nỗ lực lớn của nó trên con đường cập nhật các yếu tố mới của thơ phương Tây hiện đại nhằm đổi mới mình.

Hệ thống thể loại truyền thống trong Thơ Mới 1932 - 1945 - 16

Các kiểu loại câu thơ cũng có những đổi thay nhất định. Theo khảo sát của Trần Thị Lệ Thanh, “ở thơ Đường luật Hán thời trung đại, các kiểu câu chiếm tỷ lệ cao nhất là câu trần thuật, câu phán đoán và câu chủ đề”, thì đến Thơ mới, “câu phán đoán và câu chủ đề giảm hẳn”, “câu trần thuật là loại câu cơ bản nhất trong giao tiếp nên vẫn chiếm tỷ lệ cao”, “câu cảm thán và câu nghi vấn tăng rõ rệt” [168, 20]. Tư tưởng, tình cảm con người thời đại mới đã chi phối cả nội dung, ngữ nghĩa và hình thức ngữ pháp câu thơ. Thậm chí, các câu thơ ĐL còn chêm xen nhiều dấu câu như một cách biểu lộ tình cảm, như dấu chấm lửng: Ngập ngừng... rẽ lá đến Thiên Thai, Lối mở... hoa ngàn nhẹ nhẹ rơi... (Gối mộng - Ngân Giang), Một bước xa vời... hai cách biệt (Chia tay - Giản Chi); hoặc dấu ngang nối: Buồm nhô rẽ sóng

- Mỵ mơ màng, Hoa trôi - Thành cũ vờn mây lửa (Mỵ Ê - Nguyễn Nhược Pháp). Những kiểu cấu tạo hình thức này, thơ cổ thật hiếm. Các nhà thơ mới quả đã có công không nhỏ trong việc đổi dáng cho câu thơ ĐL Việt Nam.

Thứ hai, vần và nhịp

Vần thơ ĐL Thơ mới không khác nhiều với truyền thống, chủ yếu sử dụng vần bằng và là vần chân, độc vận. Bài 8 câu có 5 vần và 4 câu thì 3 vần hoặc 2 vần. Có khoảng 10 bài thất ngôn bát cú trốn vần câu đầu. Duy nhất 3 bài (Đêm xuân đến thôn Vỹ Dạ nghe đàn sáo - Bích Khê, Gối mộng - Ngân Giang, Trước chùa Thiên Mụ - Nam Trân) kết hợp cả vần bằng và trắc theo lối gián cách. Vân Đài còn học tập cụ Nguyễn Khuyến cách gieo vần “eo” (bài Thu điếu) tạo âm hưởng độc đáo cho bài thơ Qua Giục Thúy Sơn... Những kiểu hiệp vần như của thơ phương Tây xảy ra phổ biến ở các thể thơ khác lại rất ít tham gia vào thơ ĐL.

Về nhịp thơ ĐL, chúng tôi xét trên các phương diện: luật phối thanh và ngắt nhịp. Về hệ thống thanh điệu, các nhà thơ mới thường thiên về ĐL thể trắc hơn. Nếu tính từ chữ thứ 2 câu thứ nhất bài thơ thì trong tổng số 104 bài ĐL (ngoại trừ bài luật) có đến 41 bài luật bằng và 63 bài luật trắc. Các bài thơ luôn tuân thủ niêm,

luật. Có nhiều bài đạt đến chuẩn mực thơ luật: Mỵ Ê (Nguyễn Nhược Pháp), Lời tuyệt mệnh (Bích Khê), Đêm đông xem truyện quỷ (Vũ Hoàng Chương), Đêm thu nghe quạ kêu (Quách Tấn),... Một số câu thơ mới nếu đặt cạnh thơ cũ rất khó phân biệt: Lơ thơ dưới núi hàng thông cỗi / Trắng xóa bên trời tảng đá vôi / Một bước ngạt ngào trăm thức cỏ / Trước sau thăm thẳm một màu trời / Dừng chân ngắm cảnh bên bờ đá / Kìa cánh hoa vàng tưởng nhớ ai (Con đường nắng - Nguyễn Giang), Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ mấy nhà / Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia / Dừng chân đứng lại trời non nước / Một mảnh tình riêng ta với ta (Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan). Bên cạnh đó, cũng có những câu thơ thất niêm, thất luật như một dụng ý (như bài Hiu quạnh của Ngân Giang). Tuy nhiên, hệ thống niêm luật là yêu cầu thi luật khắt khe nhất của thơ luật Đường, đồng thời là yếu tố quan trọng tạo nên bộ khung cơ bản cho thể thơ, vì thế việc phá vỡ niêm luật thực không dễ. Số bài thất niêm, thất luật trong Thơ mới tương đối ít.

Nhịp ngắt phổ biến của ĐL Thơ mới vẫn là chẵn/lẻ (4/3, 2/2/3, 2/2/2/1 câu thất và 2/3 câu ngũ). Nhưng so với các đặc điểm thi luật khác, nhịp là yếu tố thi pháp dễ khai phá hơn cả. Từ Nguyễn Trãi, đến Hồ Xuân Hương, để thay đổi nhịp điệu, các tác giả thường sử dụng biện pháp giảm âm tiết của câu thơ từ 7 chữ sang 6 chữ để nhịp thơ thay đổi từ 4/3 sang 3/3. Từ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, việc thay đổi nhịp điệu (nếu có) lại không chủ yếu nhờ vào sự thay đổi âm tiết mà là sử dụng thanh điệu hoặc dấu nghỉ (trên mặt chữ hiểu như là dấu phẩy) trong câu thơ. Còn ở ĐL Thơ mới khuôn nhịp linh hoạt hơn. Có những cách ngắt nhịp khiến bài thơ không giữ lại chút giai điệu nào của thơ ĐL: nhịp 2/2/1/2: Chí to. Phận mỏng. Trời! ai oán / Bút tủi. Hồn mê. Ngán! cảm hoài (Khóc bạn Lê Thanh - Vân Đài), 2/3/2: Ngừng chân, rẽ lá tìm. / Im phắc (Trưa - Thế Lữ), 2/2/1/2: Sự nghiệp, nào đâu? Trưa, nắng xế (Ngoài ba mươi tuổi - Vũ Hoàng Chương), 1/3/3: Đấy, nơi cung điện trầm hương tỏa (Gối mộng - Ngân Giang), 1/1/1/1/3: Ra, vào,đi, đứng, tưởng đâu đây! (Ngày giỗ nhớ - Tương Phố), 3/2: Một tấm lòng băng muốt (Bước tinh sương - Mộng Tuyết), v.v...

Thứ ba, giọng điệu và ngôn ngữ

Người xưa đặt ra cách luật cho các thể thơ nhằm hướng tới sự hài hòa, cân đối. Trong các thể cách luật, ĐL là biểu trưng mẫu mực, hoàn thiện nhất cho vẻ đẹp hài hòa, cân đối ấy. Một bài thơ thất ngôn bát cú ĐL, 56 chữ phải là 56 viên ngọc có

thể tỏa sáng ban đêm; không thừa lời, thiếu ý; bố cục tình - cảnh tương xứng; âm thanh hài hòa; đăng đối tề chỉnh. Vẻ đẹp đặc trưng này đã tạo ưu thế cho ĐL so với các thể thơ khác, đó là “tính ổn định, hòa điệu” [174,17]. Cùng với đặc trưng ngôn chí, tỏ lòng, tính ổn định, hòa ọng điệu cơ bản của thể thơ, đấy là giọng ngâm nga (phù hợp với những phong cảnh êm đềm, thanh tĩnh) hoặc cảm hoài, buồn bã (phù hợp với những tâm sự đời tư). Giọng điệu đặc thù này của thể thơ có lúc phù hợp với cái tôi buồn, sầu man mác của Thơ mới nên được các tân thi sĩ hết sức hưởng ứng. Âm điệu này có thể tìm thấy nhiều trong thơ ĐL của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Quách Tấn, Vân Đài, Đông Hồ, Ngân Giang, Nguyễn Giang, Đỗ Huy Nhiệm, Lưu Kỳ Linh,... Trên nền âm hưởng chung, ở những hướng khai thác giọng điệu khác nhau, các nhà thơ mới đã đem lại nhiều màu sắc cá nhân rõ nét cho thể thơ. Có giọng điệu đài các trong thơ Quách Tấn, giọng cảm hoài trong thơ Vân Đài, giọng mơ màng trong thơ Lưu Trọng Lư, giọng trong trẻo trong thơ Thế Lữ, Mộng Tuyết, giọng dân dã trong thơ Đoàn Văn Cừ, giọng trào phúng trong thơ Tú Mỡ, Đồ Phồn và cả giọng “siêu thực” trong thơ Bích Khê, giọng say trong thơ Vũ Hoàng Chương, v.v... Tính cá nhân trong giọng điệu phần nào mang lại hơi thở mới cho thơ ĐL, khu biệt nó với hệ hình một màu của thơ truyền thống... Tuy nhiên, đặt vào thời điểm mà tình cảm, cảm xúc đang trên đỉnh bùng nổ và tự do phát triển tận độ mọi cung bậc như ở thời Thơ mới thì tính ổn định, hòa điệu của thể thơ lại trở thành nhược điểm. Nó không phù hợp để thể hiện tất cả những trạng huống khác nhau của âm điệu, tình cảm. Vì thế, giọng điệu của các bài ĐL Thơ mới nhìn chung đơn điệu, thuần nhất; không giàu sắc thái bằng các thể thơ khác.

So với các đặc điểm thi luật đã nêu, ngôn ngữ ể ĐL thực hiện cách tân mình rõ nét nhất. Thơ ĐL truyền thống chủ yếu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Đến Thơ mới, trong hình thức chữ Quốc ngữ, thơ ĐL trở thành một bộ phận thơ ca có đặc điểm ngôn ngữ phức tạp và nhiều thành phần. Trước hết, các nhà thơ mới đã làm giàu thêm vốn từ vựng cho thơ ĐL bằng cách mạnh dạn đưa vào những từ mượn, từ nhại (sở Phi năng,...), từ lóng, từ địa phương (chưn giời, giựt mình, lợt phai, hấng, mấy ả, ngảnh lại, dòm,...), thậm chí cả những ngôn từ Pháp ngữ (Nguyễn Giang dẫn tiếng Pháp làm lời đề từ cho các bài ĐL Xuân, Con đường, Mẹ). Các tác giả còn mang đến những khả năng kết hợp mới cho ngôn từ khiến câu thơ trở nên giàu hình tượng, giàu cảm xúc. Quách Tấn đã tạo từ mới trên cơ sở ghép

nghĩa từ: Khói mây quanh quấn hồi chuông vọng. Từ “quanh quấn” được ghép nghĩa từ “quanh quẩn” “quấn quít” theo phương thức láy phụ âm đầu. Hiệu quả thẩm mỹ là sự kết hợp khéo léo, hòa hợp giữa hình ảnh “khói mây” với “hồi chuông vọng” qua động từ “quanh quấn” đứng giữa tạo hợp, nhân duyên. “Khói mây” chính là mây ráng của nắng vàng chiều xuân hòa quyện với khói lam chiều từ nhà ai đó đang bay lên tụ lại, trôi bồng bềnh “quanh quấn” đâu đây và “quấn quít” làn sóng âm vang của từng hồi chuông chùa vọng lại, không chịu rời xa nhau. Câu thơ gợi nhiều suy tưởng. Suy tưởng về sự nuối tiếc buổi nắng vàng chiều xuân trước khi màn đêm buông xuống. Suy tưởng về sự lưu luyến của cuộc nhân duyên hòa hợp diệu kỳ giữa buổi chiều vàng phương Đông với sự tĩnh lặng tâm hồn trong tiếng chuông chùa vọng lại. Suy tưởng về vòng xoáy âm thanh của từng hồi chuông chùa lan xa trong không gian mênh mông và tâm điểm của nó phải chăng là cuộc sống nhân sinh, chân chất, bình dị, hiền hòa?... Đặc biệt, các nhà thơ mới còn khám phá những lớp ý nghĩa mới cho lớp ngôn từ cũ: sương rơi lệ, cuốc giục sầu, nguyệt mơ màng, lệ ngập ngừng, ngàn liễu khóc, bóng trăng run,... Các từ sương, cuốc, nguyệt, lệ, liễu thường dùng trong thơ cổ nay được kết hợp với những động từ, tính từ miêu tả trực tiếp cảm xúc khiến cho hình ảnh thiên nhiên trở nên sinh động, có hồn, nỗi buồn con người cá nhân ở đây đã thấm đẫm cả cỏ cây, vũ trụ. Thứ hai, ĐL Thơ mới giảm thiểu tối đa lớp từ ngữ mang tính khái quát thường dùng ở thời trung đại, tăng dần lớp từ ngữ cụ thể, chi tiết, sinh động và dễ hiểu: Mấy phen chìm nổi thây cha kiếp / Những tiếng khen chê mặc mẹ đời (Quách Tấn), Tuyềnh toàng son phấn, bừa chai cốc (Vũ Hoàng Chương), Học sinh qua lại áo phong phanh (Nguyễn Giang),... Với lớp ngôn từ này, thơ ĐL có thể miêu tả được những diễn biến phong phú, đa dạng của đời sống thường nhật một cách thoải mái, tự nhiên nhất. Thứ ba, về mặt từ loại, nếu “thơ Nôm Đường luật thời trung đại, tỷ lệ danh từ và số từ bao giờ cũng trội hơn các từ loại khác” [168, 19] thì ở ĐL Thơ mới, tỷ lệ hư từ, từ láy, động từ và tính từ lại có chiều hướng tăng vọt: Một nhành mai trắng rung rinh ngọc / Đôi cụm mai vàng lớt đớt bông, Cheo leo lắt lẻo đèo treo quán / Róc rách đìu hiu nước xuống ghềnh, Tóc xõa đàn tơ rơi lướt mướt... Cả mảnh hồn thơ rợn ý say (Bích Khê), Vàng lửng lơ non biếc đọng cồn, Muôn điệu tơ lòng run se sẽ (Quách Tấn),... Về hiện tượng này, Trần Thị Lệ Thanh đã luận giải thấu đáo: “Thơ Đường luật thời trung đại là thơ thiên về cái tĩnh, hướng đến cái tĩnh, nên tỷ lệ

động từ đương nhiên thấp hơn. Còn thơ Đường luật ở nửa đầu thế kỷ XX là thơ hướng tới phản ánh hết thảy những biểu hiện của cuộc sống trong trạng thái luôn luôn biến động không ngừng, nên tỷ lệ động từ, tính từ cao hơn cũng là tất yếu. Mặt khác, việc gia tăng tính từ trong câu thơ cũng khiến cho câu thơ trở nên gợi cảm hơn, phù hợp với những cảm xúc đang tuôn trào của con người đang bị cuốn đi trong vòng quay sôi động của cuộc sống” [174, 19]... Dù chưa thể sánh với cuộc “nổi loạn” ngôn từ trong thơ tự do, nhưng với thể thơ vừa luôn “bảo thủ” về thể cách, vừa luôn đòi hỏi chọn lựa những ngôn từ có độ hàm súc cao như thơ ĐL thì những thay đổi này phải xem như sự lột xác.

Với những kế thừa và đổi mới một cách toàn điện về hệ thống thi pháp thể thơ, các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã đạt được một số bài hay, chạm đến trái tim độc giả thời hiện đại. Song, xét về đại thể, những đổi thay ít ỏi đó không còn cứu vãn được một hình thức thơ không hợp thời nữa. Thể ĐL với câu chữ sắc gọn, cái giá của nó nằm ở cấu tứ, ở liên kết nội tại là một thể thơ đã đạt đến trình độ chuẩn mực, hoàn bị, không một kẽ hở, một chữ thừa. Song, hệ thống niêm luật khắt khe, cái sắc gọn, giá trị của cấu tứ câu chữ ấy đã đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện đến độ bị già cỗi và gần như đã “cốt hóa”. Hệ thống niêm luật chặt chẽ, khô cứng, khép kín ràng buộc cảm xúc của con người vào một thể thức nhất định không thể dung chứa nổi con người “tự hào ngạo nghễ” của giai đoạn văn hóa 1932 - 1945. Trước tình hình đó, những câu thơ ngũ ngôn, thất ngôn luật đã tìm cách đi vào những thể thức mới để tồn tại. Nói cách khác, trong thể 5 chữ, 7 chữ của Thơ mới hôm nay có thể bắt gặp vô vàn những câu thơ mang bóng dáng, hình hài của thơ ĐL truyền thống. Và, trong khi thơ ĐL không gây được nhiều hứng thú cho người đọc thì ngược lại độc giả lại đón nhận nồng nhiệt những bài thất ngôn, ngũ ngôn mới của các nhà thơ mới. Quả thật, không kể những bài thất ngôn, ngũ ngôn tứ tuyệt và bát cú theo đúng tên gọi của nó, trong Thơ mới, đọc nhiều bài 5 chữ, 7 chữ hiện đại vẫn thấy hiện tượng mỗi khổ thơ, câu thơ đi theo niêm, luật, vần, đối khá chỉnh của luật thi, tựa như một bài tứ tuyệt (tất nhiên ở đây chỉ xét về mặt hình thức). Ở bài Tràng giang của Huy Cận, hầu như tất cả các khổ đều đi theo một quy luật phối thanh như nhau ở các tiếng thứ 2, 4, 6 mỗi câu theo mô hình T-B-T/B-T-B/B-T- B/T-B-T (trừ khổ 2 là B-T-B/T-B-T/T-B-T/B-T-B). Vì thế hầu hết các khổ thơ câu đầu niêm với câu cuối, câu hai niêm với câu ba tạo thành những bài tứ tuyệt gọn

Xem tất cả 183 trang.

Ngày đăng: 04/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí