1.1.3.3. Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất
Hiến pháp 2013 tại Điều 53 qui định:
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư,
quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Qua đây có thể hiểu đất đai là một tài sản đặc biệt, có qui chế pháp lý rất khác so với các loại tài sản khác. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do đó người ta chỉ có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nhà nước ta đã tạo ra cho người sử dụng đất những quyền năng nhất định, trong đó có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập công ty. Đất đai là bất động sản do bản chất. Thông thường
có thể xếp việc góp vốn bằng đất đai vào góp vốn bằng hiện vật. Nhưng Nhà nước chỉ trao cho các tổ chức, cá nhân quyền sử dụng đất với từng mảnh đất cụ thể. Quyền sử dụng đất lại được quy định bởi nhiều chế độ pháp lý khác nhau tùy theo từng loại đất. Do vậy phải xếp việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất thành một hình thức góp vốn riêng so với góp vốn bằng vật. Việc góp vốn thành lập công ty bằng quyền sử dụng đất phải thỏa mãn các điều kiện sau: (i) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; (ii) không có tranh chấp;
(iii) quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; (iv) trong thời hạn sử dụng đất.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được nhà nước Việt Nam cho thuê đất. Nếu thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Nếu cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác kinh doanh, sản xuất trong thời hạn thuê đất [26]
Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất đòi hỏi quyền sử dụng đất phải thuộc trường hợp pháp luật cho phép được dùng vốn góp như một tài sản.
Quyền sử dụng đất mà các bên đem góp vốn phải được định giá, các bên có thể thỏa thuận định giá và cùng chịu trách nhiệm về thỏa thuận định giá đó hoặc thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp.
Có thể bạn quan tâm!
- Góp vốn và hậu quả pháp lý của hành vi góp vốn theo pháp luật Việt Nam - 1
- Góp vốn và hậu quả pháp lý của hành vi góp vốn theo pháp luật Việt Nam - 2
- Góp vốn và hậu quả pháp lý của hành vi góp vốn theo pháp luật Việt Nam - 3
- Góp vốn và hậu quả pháp lý của hành vi góp vốn theo pháp luật Việt Nam - 5
- Hậu Quả Pháp Lý Của Hành Vi Góp Vốn Thành Lập Công Ty
- Thực Trạng Các Qui Định Của Pháp Luật Việt Nam Về Góp Vốn Và Hậu Quả Pháp Lý Của Hành Vi Góp Vốn Thành Lập Công Ty
Xem toàn bộ 80 trang tài liệu này.
Ở Việt Nam, quyền sử dụng đất là tài sản phải đăng ký do vậy sau khi thỏa thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì đến thời điểm góp vốn bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải chuyển quyền sử dụng đất cho công ty và công ty là chủ thể đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kể từ thời điểm công ty hoàn thành việc đăng ký quyền sử dụng đất thì việc chuyển quyền sử dụng đất cho công ty được hoàn thành. [26].
Từ những phân tích trên cho thấy ở nước ta, với việc chỉ có một hình thức sở hữu về đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý và không công nhận sở hữu tư nhân về đất đai, thì quyền sử dụng đất được đưa ra như một tài sản đặc thù và việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tư cách là một bất động sản vô hình cũng có những đặc thù riêng.
1.1.3.4. Góp vốn bằng quyền hưởng dụng
Góp vốn bằng quyền hưởng dụng là một hình thức góp vốn bằng quyền. Góp vốn bằng quyền có phần phức tạp hơn so với góp vốn bằng tiền và góp vốn bằng hiện vật, không chỉ vì sự tính toán giá trị của nó, mà còn vì
sự phân loại nó. Trước hết, việc phân loại tài sản thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình dẫn đến phân chia việc góp vốn bằng tài sản thành góp vốn bằng hiện vật và góp vốn bằng quyền, hay nói cách khác, góp vốn bằng tài sản hữu hình và góp vốn bằng tài sản vô hình, ngoài việc góp vốn bằng tiền. Việc
phân chia cách góp vốn như vậy làm nảy sinh ra vấn đề cần lưu ý. Như trên đã khẳng định, góp vốn bằng vật có thực là việc chuyển quyền sở hữu vật cho công ty mà trong khi quyền sở hữu được xem như một vật quyền. Do đó,
phân biệt thế nào giữa góp vốn bằng quyền sở hữu và góp vốn bằng các quyền khác mà trong đó có cả các vật quyền ngoài quyền sở hữu? [22, tr. 119].
Quyền sở hữu là quyền thống trị đối với vật nên để công ty có quyền thống trị hoàn toàn với vật đó thì việc chuyển nhượng quyển sở hữu đó là điều kiện bắt buộc. Do tính chất thống trị của quyển sở hữu đối với vật, nên
người ta tách góp vốn bằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu (một vật quyền) ra khỏi việc góp vốn bằng các quyền khác, kể cả quyển sở hữu trí tuệ để có thể thiết lập được các quy chế pháp lý thích hợp với từng loại.
Góp vốn bằng quyền lại có thể được phân chia thành góp vốn bằng quyền hưởng dụng, quyền sở hữu trí tuệ và góp vốn bằng sản nghiệp thương mại.
Nếu phân biệt quyền sở hữu đối với vật thành ba quyền gồm: quyền sử dụng (usus), quyền thu lợi (fructus) và quyền định đoạt (abusus), thì quyền hưởng dụng ở đây chỉ bao gồm hai thành tố là: quyền sử dụng và quyền thu lợi để được gọi là usufruct. Vì vậy người ta thường tách góp vốn bằng quyền hưởng dụng đối với vật ra khỏi việc góp vốn bằng vật, bởi người góp vốn vào công ty chỉ cho công ty được sử dụng vật và thu lợi từ đó. Công ty không có quyền quyết định số phận của vật.
Để đổi lại việc cho công ty hưởng dụng vật, người góp vốn nhận được các quyền lợi tương ứng trong công ty. Từ đó có thể thấy việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng có những đặc điểm giống với việc cho thuê tài sản. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự Pháp quy định:
“Nếu góp vốn bằng quyền hưởng dụng, người góp vốn phải đảm bảo với công ty như người cho thuê đối với người thuê. Tuy nhiên, nếu vật để hưởng dụng là vật cùng loại hoặc vật được thay thế trong thời gian hoạt động của công ty, thì người góp vốn chuyển cho công ty quyền sở hữu vật với điều kiện được trả lại đúng số lượng, chất lượng và giá trị tương đương. Trong trường hợp này, người góp vốn phải đảm bảo những điều kiện quy định tại đoạn trước” [Điều 1843 – 3, đoạn 4].
Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931, Bộ luật chịu ảnh hưởng từ Bộ luật dân sự Pháp quy định người góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải thực hiện những nghĩa vụ của người cho thuê tài sản (Điều thứ 1207, đoạn 2). Với tinh thần
này, Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật tại Điều thứ 1439, đoạn hai cũng có quy định tương tự. Điều 127, Bộ luật Dân sự 1972 của chính quyền Sài Gòn (cũ)
cũng quy định như vậy. Điều đó có nghĩa là người góp vốn bằng quyền hưởng
dụng phải bảo đảm cho công ty được hưởng dụng yên ổn. Trừ khi có thoả thuận khác, người góp vốn phải bảo dưỡng, sửa chữa tài sản để tài sản luôn luôn ở trong tình trạng có thể sử dụng được như mục đích đề ra khi cam kết góp vốn. Cần xác định rằng, người góp vốn vẫn giữ quyền sở hữu đối với vật và gánh chịu rủi ro. Khác với việc góp vốn bằng hiện vật, việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng có hệ quả là khi công ty giải thể, thì người góp vốn được nhận lại vật đó trước khi phân chia tài sản của công ty, bởi người này không chuyển giao quyền định đoạt đối với vật cho công ty.
Bản chất của quyền hưởng dụng là tài sản vô hình. Tuy nhiên việc xem nó là động sản vô hình hay bất động sản vô hình phụ thuộc vào tài sản là đối tượng của nó là động sản hay bất động sản.
Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam tại Điều 175 gọi hai loại hoa lợi trên là “hoa lợi” và “lợi tức”. Cách gọi như vậy gây khó khăn cho trường hợp gọi chung cho cả hai loại này và không cho thấy bản chất thật hay gốc gác pháp lý của hai loại này. Người góp vốn bằng quyền hưởng dụng chuyển giao quyền hưởng dụng đối với vật cho công ty và giữ lại quyền định đoạt đối với vật. Để đổi lại việc cho công ty hưởng dụng vật, người góp vốn nhận được
các quyền lợi tương ứng trong công ty [18, tr. 31].
Tài sản góp vốn là quyền hưởng dụng thì phần vốn góp chính là giá trị được tính bằng quyền hưởng dụng đối với tài sản. Thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải giao tài sản cho công ty đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng và đúng thời điểm, địa điểm thỏa thuận và cung cấp
những thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó. Thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải bảo đảm tài sản trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích sử dụng trong suốt thời gian góp vốn. Thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản mà công ty không được sử dụng tài sản ổn định thì công ty có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp thành viên góp vốn bằng quyền hưởng dụng chậm giao tài sản thì công ty có thể gia hạn giao tài sản và yêu cầu bối thường thiệt hại nếu có. Nếu tài sản thuê không đúng chất lượng như thỏa thuận thì công ty có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có.
Như vậy, góp vốn bằng quyền hưởng dụng là việc cá nhân hay tổ chức
chuyển quyền hưởng dụng tài sản của mình cho công ty để được hưởng các quyền lợi đối với công ty, trong đó thành viên đem góp vốn vẫn là người chủ sở hữu tài sản và công ty có quyền thu hoa lợi từ tài sản đó [18, tr. 32].
1.1.3.5. Góp vốn bằng sản nghiệp thương mại
Sản nghiệp có thể được xem xét dưới các giác độ khác nhau. Nếu xem xét dưới khía cạnh giá trị, sản nghiệp được hiểu là một tổng thể các quan hệ pháp luật về tài sản, là tập hợp các tài sản có và tài sản nợ của một chủ thể chứ không đơn thuần là một bộ sưu tập đồ vật. Bất kỳ yếu tố nào của tài sản nợ cũng được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản có và ngược lại bất kỳ yếu tố nào của tài sản có cũng có thể được dùng để thanh toán toàn bộ tài sản nợ [24, tr. 191].
Tài sản thuộc sản nghiệp là tập hợp tất cả những tài sản thuộc về chủ sở hữu, hay đúng hơn đó là tập hợp tất cả những quyền tài sản có cùng một chủ thể. Tuy nhiên, các quyền tài sản chỉ được xem là các yếu tố của một sản nghiệp khi các quyền đó có thể được định giá bằng tiền. Do đó, các quyền không định giá được bằng tiền được gọi là các quyền không có tính chất tài
sản hay là quyền nhân thân (ví dụ như quyền đối với tên họ; quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm; quyền bầu cử; quyền khiếu nại, tố cáo…).
Các quyền tài sản tạo thành một tập hợp sản nghiệp và tập hợp này tồn tại độc lập với các quyền tài sản đó. Tài sản có thể được mua bán, sử dụng, hao mòn, thậm chí biến mất nhưng sản nghiệp vẫn được duy trì. Do đó, một chủ nợ không có bảo đảm chỉ có quyền yêu cầu kê biên và bán đấu giá bất kỳ một tài sản nào của người mắc nợ ở thời điểm kê biên mà sẽ không có quyền này đối với những tài sản đã chuyển nhượng trước khi nợ đến hạn đòi. Mặt
khác, cần chú ý rằng sản nghiệp không chỉ là tài sản hiện có mà còn bao gồm cả những tài sản sẽ có của chủ sở hữu.
Tài sản nợ thuộc về sản nghiệp là tất cả những nghĩa vụ tài sản của một người, hay nói một cách đơn giản hơn đó là những gì còn lại của khối tài sản sau khi đã trừ đi các giá trị của các nghĩa vụ tài sản. Trong kinh tế học, có
khái niệm tài sản có ròng (actif net) của sản nghiệp. Khi các tài sản có ròng có giá trị dương, ta nói sản nghiệp có khả năng thanh toán; và ngược lại, nếu đó là một giá trị âm, đồng nghĩa với việc sản nghiệp không có khả năng thanh toán những nghĩa vụ có liên quan. Mặc dù vậy, dù có khả năng thanh toán hay không, sản nghiệp luôn luôn tồn tại.
Xét trên các hình thức biểu hiện, người ta sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ sản nghiệp thương mại như “cửa hàng thương mại”, “cơ sở kinh doanh”. Sản nghiệp thương mại không phải là bản thân doanh nghiệp mà chỉ là một trong các nhân tố của doanh nghiệp. Sản nghiệp thương mại bao gồm
cả những yếu tố hữu hình (như hàng hóa, máy móc, xe cộ, các vật dụng khác) và cả những yếu tố vô hình (như mạng lưới khách hàng, mạng lưới cung cấp ứng dụng dịch vụ, quyền thuê mượn tài sản, tên thương mại, thương danh, biển hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã …). Các yếu tố vô hình của sản nghiệp thương mại bao gồm:
Mạng lưới tiêu thụ hàng hóa và cung ứng dịch vụ là kết quả của những nỗ lực phát huy tài năng và sự khéo léo của thương nhân nhằm thu hút khách hàng để tiêu thụ hàng hóa mà mình sản xuất. Sự phát triển của mạng lưới tiêu thụ hàng hóa hay cung cấp dịch vụ lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan (tình hình kinh tế xã hội của quốc gia và khu vực; thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng, thời điểm kinh doanh, tốc độ đô thị hóa, điều kiện tự nhiên, môi trường ...) cũng như yếu tố chủ quan (sự nhạy bén và linh hoạt của chính sách tiếp thị, uy tín của thương hiệu, ý chí của bạn hàng …).
Tên thương mại – là danh hiệu dùng trong giao dịch của thương nhân. Tên thương mại là một yếu tổ của sản nghiệp thương mại và có thể chuyển
nhượng. Ở các nước có nền kinh tế thương mại phát triển, có một số tên thương mại được định giá cao. Ví dụ như Cocacola, Toyota, Google…
Biển hiệu là dấu hiệu gắn liền với cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm giúp phân biệt cơ sở này với cơ sở khác. Cũng như tên thương mại, biển hiệu chỉ
có thể là đối tượng của quyền sở hữu được pháp luật bảo vệ khi thương nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ mới dự liệu các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu biển hiệu trong tập quán và trong các quy phạm địa phương trong khi nhu cầu này trên thực tế của dân sự là rất lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cũng như chính
sách chống cạnh tranh không lành mạnh đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam thời gian gần đây [22, tr. 219].
Như vậy, sản nghiệp thương mại không đơn thuần chỉ bao gồm các tài sản là vật có thực mà nó còn là những tài sản vô hình của doanh nghiệp. Vì vậy, người ta không thể coi việc góp vốn bằng sản nghiệp thương mại như là góp vốn bằng vật. Đồng thời, sản nghiệp thương mại mặc dù các yếu tố của quyền sử hữu trí tuệ nhưng nó lại bao gồm cả các tài vật. Chình vì vậy, người ta thường tách việc góp vốn bằng sản nghiệp thương mại thành một mục riêng khác với việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ.
Việc góp vốn bằng sản nghiệp thương mại gần giống với việc bán sản nghiệp thương mại và phải được các bên thỏa thuận bằng văn bản liệt kê rõ từng mục. Điều đó có nghĩa là việc bán sản nghiệp thương mại là việc chuyển nhượng tổng thể các yếu tố của sản nghiệp thương mại cho người khác mà trong đó nhất thiết phải có yếu tố khách hàng, bởi khách hàng là thành tố
chính của một sản nghiệp thương mại. Tuy nhiên, bởi nhiều yếu tố khác nhau cả vô hình và hữu hình mà có thể tách ra một cách độc lập, nên việc không liệt kê yếu tố nào vào văn bản hợp đồng, thì yếu tố ấy coi như không bị bán. Ngoài ra việc góp vốn bằng sản nghiệp thương mại còn lệ thuộc vào các quy tắc bán sản nghiệp thương mại được quy định trong luật thương mại.
1.1.3.6. Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Luật Doanh nghiệp 2014 có qui định rành mạch về góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ rằng:
“Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn” (Điều 35, khoản 2).
Theo Luật sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Những hình thức sở hữu trí tuệ chủ yếu là bằng sáng chế, quyền tác giả (bản quyền), nhãn hiệu và bí mật thương mại.
Quyền tác giả hay bản quyền là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, trong đó bao gồm quyền tái bản, in ấn và trình diễn hay trưng bày tác phẩm của mình trước công chúng. Bản quyền chủ yếu nhằm bảo vệ âm nhạc, phim ảnh, kiến trúc, các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. Các chương trình máy tính và bản ghi âm, ghi hình cũng được bảo hộ bằng quyền tác giả. Chỉ tác giả hay những người được tác giả trao quyền – chẳng hạn như nhà xuất bản – mới có toàn quyền khiếu nại về bản quyền. Tuy nhiên cho dù là ai đang sở hữu bản quyền đi chăng nữa thì quyền đó cũng có giới hạn. Ví dụ như người ta có thể sao chép một tác phẩm với mục đích học tập, phê bình, đưa tin hay giảng dạy.
Sáng chế là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, người có sáng chế hay người đã tạo ra một phát minh được cấp bằng sáng chế. Bằng sáng chế có thể coi là một hợp đồng giữa một bên là toàn thể xã hội và một bên là cá nhân nhà phát minh. Theo các điều khoản của hợp đồng này, nhà phát minh được toàn quyền ngăn chặn người khác không được áp dụng, sử dụng và bán một phát minh đã được cấp bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định – hầu hết các nước quy định là 20 năm – để đổi lại việc nhà phát minh phải công bố chi tiết phát minh của mình cho công chúng.