Thành Tựu Của Giữ Gìn Và Phát Huy Bản Sắc Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Vùng Đông Bắc‌


Chương 3‌

THỰC TRẠNG GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM‌‌‌

Giữ gìn và phát huy BSVHDT có vai trò to lớn đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường; sự đoàn kết, tương thân tương ái; đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó và sự sáng tạo cao trong lao động, sản xuất… tạo nên sức mạnh nội sinh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, BSVH của đồng bào các DTTS nói chung và BSVH của đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc nói riêng, ngoài vai trò tạo nên sự đa dạng trong nền VH Việt Nam, nó cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của chính bản thân đồng bào.

3.1. Thành tựu của giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc‌

Xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc DT là mục tiêu và chính sách xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó xuất phát từ vai trò, vị trí của VH “VH là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”, là nội lực - sức mạnh nội sinh của đất nước trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, giữ gìn và phát huy BSVHDT nói chung và BSVH các DTTS nói riêng có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà BSDT mà nó còn có vai trò to lớn đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của quốc gia, của mỗi DT trong cộng đồng quốc gia đa DT. Các giá trị VH truyền thống tốt đẹp được khơi dậy sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từ nhận thức đúng đắn vai trò đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách VH nhằm giữ gìn, phát huy BSVH nói chung và BSVH của đồng bào các DTTS nói riêng.

Chính quyền địa phương vùng Đông Bắc cũng đã có những Chỉ thị,


Nghị quyết, kế hoạch thực hiện việc giữ gìn và phát huy BSVH các DTTS tại địa phương thông qua việc giữ gìn và phát huy các giá trị VH vật thể và các giá trị VH phi vật thể.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 190 trang tài liệu này.

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan chuyên môn về ý thức giữ gìn, phát huy BSVHDT đã có tác động rất lớn đến ý thức giữ gìn và phát huy BSVH của đồng bào các DTTS. Đồng bào cũng nêu cao tinh thần tự giác, tham gia tích cực và cũng đã đạt được những thành tựu nhất định vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị VH vật thể và các giá trị VH phi vật thể của DT mình.

3.1.1. Thành tựu của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể‌

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc Việt Nam hiện nay - 12

Thành tựu trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị VH vật thể được thể hiện thông qua việc giữ gìn nhà ở truyền thống, trang phục truyền thống và ẩm thực truyền thống của đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc.

* Về nhà ở truyền thống:

Trước xu thế giao lưu VH giữa các DT, các vùng trong phạm vi trong và ngoài nước diễn ra mạnh mẽ, xu thế đồng hóa tự nhiên về mặt VH là điều dễ nhận thấy. Tuy nhiên, với ý thức giữ gìn và phát huy BSVH, ở nhiều vùng, đồng bào vẫn bảo lưu và duy trì được những ngôi nhà truyền thống của DT mình. Chiếm phần lớn trong các ngôi nhà truyền thống là những ngôi nhà sàn được xây dựng từ những vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, nứa, lợp bằng cỏ gianh. Ở một số vùng, nhiều ngôi nhà trình tường với hàng rào đá xếp xung quanh tạo nên những quần thể ấm cúng. Ở những nơi này, bà con người Mông, người Dao, người Nùng vẫn làm ăn, sinh sống với những tập quán lâu đời và độc đáo.

Kiến trúc nhà ở của nhân dân nhiều thôn, bản vẫn còn lưu giữ được nét truyền thống DT. Đồng bào cũng có những biện pháp cải tạo để chống xuống cấp. Đối với việc xây dựng mới ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống, đồng bào thường mời các già làng, trưởng bản, những nghệ nhân còn lưu giữ được kiến trúc truyền thống để tư vấn nhằm bảo lưu nguyên vẹn ngôi nhà của cha ông để lại. Hiện tại, với sự phát triển của dân số, sự dần khan hiếm của những vật liệu tự nhiên, để xây dựng những ngôi nhà mới, đồng bào phải tìm những vật liệu mới thay thế, song dù nguyên liệu được thay thế bằng nguyên liệu mới (như xi măng, sắt, thép, mái


lợp prôximăng, lợp tôn…) nhưng về mặt kiến trúc, một số nơi, đồng bào vẫn đảm bảo nguyên vẹn kiến trúc truyền thống. Đây chính là sự biểu hiện của ý thức bảo lưu BSVH của DT mình. Cùng với lưu giữ, đồng bào các DTTS cũng có sự chủ động thay đổi những yếu tố không còn phù hợp, chẳng hạn, trong kiến trúc nhà ở truyền thống của người Tày, Nùng, gầm sàn chính là nơi nhốt gia súc, trên sàn là mặt bằng sinh hoạt của cả gia đình. Nhưng hiện nay, số gia đình vẫn giữ tập quán đó còn rất ít, để giữ gìn vệ sinh, bà con đã nhốt gia súc, gia cầm ra một vị trí riêng, tách bạch với nơi ở của cả gia đình.

Về bố trí mặt bằng sinh hoạt, cho dù sống trong nhà truyền thống hay nhà theo kiến trúc mới, đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc vẫn bố trí một số vị trí (bàn thờ, bếp, giường ngủ, nơi cất hạt giống và lương thực) theo cách truyền thống của DT mình. Tuy nhiên, ở những DT khác nhau, tỷ lệ lưu giữ cách thức bố trí ấy cũng không giống nhau: “DT Nùng 84,1%; Dao 100%; Tày 62,9%”[140;200].

Các yếu tố mới tiếp nhận từ xã hội hiện đại không chỉ là các nguyên vật liệu mà còn cả các tiện nghi hiện đại như ti vi, tủ lạnh, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Chính sự hiện đại hóa trên cái nền truyền thống vẫn đảm bảo cho các DTTS duy trì, tiếp nối truyền thống nhưng phù hợp hơn với xã hội hiện đại, làm đẹp hơn và tôn thêm niềm tự hào của đồng bào các DTTS về vẻ đẹp trong VH vật thể của DT mình. Điều này cho thấy khả năng sáng tạo, thích nghi của đồng bào các DTTS không những được duy trì mà còn được phát huy trong điều kiện mới.

Ngôi nhà truyền thống với kết cấu cũng như mặt bằng sinh hoạt được duy trì không chỉ để duy trì không gian sinh hoạt thông thường mà là cơ sở, môi trường để đồng bào duy trì phong tục tập quán, các hình thức tín ngưỡng trong gia đình.

* Về trang phục truyền thống:

Ngoài việc lưu giữ được kiến trúc nhà ở truyền thống của DT mình, đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc còn lưu giữ, duy trì được trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày, nhất là vào các dịp lễ, tết trong năm. Đây chính là nét VH nổi bật, đặc trưng nhất để nhận diện tộc người. Do điều kiện tự nhiên, xã hội và VH mà mỗi tộc người đều có trang phục riêng. Trang


phục DT không chỉ có tác dụng che chở và bảo vệ cơ thể mà nó còn thể hiện giá trị thẩm mỹ và trình độ khéo léo, cẩn thận, cầu kỳ từng chi tiết của các chị em phụ nữ DTTS. Mặc dù dưới tác động của giao lưu VH, nhất là của toàn cầu hóa trong bối cảnh hiện nay, trang phục thường là yếu tố dễ biến đổi nhất nhưng trong đời sống hàng ngày, nhất là ngày lễ, tết đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc vẫn duy trì mặc trang phục truyền thống của DT mình.

Về cơ bản, đa số bà con DTTS vẫn rất tự hào về trang phục riêng của DT mình. Những khi nông nhàn, những người phụ nữ trong các thôn bản lại cần cù, tỉ mỉ trút mọi tình cảm, sự tinh tế của mình để tạo ra những bộ trang phục đẹp nhất dùng cho các dịp hội hè, cưới xin, lễ tết. Trong cuộc sống hiện đại, có thể ngày thường bà con cũng sử dụng những trang phục hiện đại như người Kinh, tuy nhiên những bộ trang phục mang đậm BSDT vẫn được coi như trang phục trang trọng nhất mà ai cũng tự hào sử dụng trong những dịp quan trọng của cuộc sống cộng đồng. Ở vùng Đông Bắc, đi đến bất cứ nơi nào có bà con DTTS sinh sống, cũng đều thấy tình cảm bà con dành cho trang phục DT mình cũng như ý thức giữ gìn BSVHDT mình.

Ở Cao Bằng, đồng bào DT Nùng vẫn giữ được nét VH truyền thống từ ngàn đời của cha ông để lại thông qua trang phục của mình. Hầu hết đồng bào DT Nùng, nhất là phụ nữ hàng ngày vẫn mặc những bộ quần áo chàm do mình tự dệt nhuộm. Xã Phúc Sen, huyện Quảng uyên có 423 hộ với 1.932 nhân khẩu, 100% đều là DT Nùng…. , điều đáng trân trọng là bà con luôn có ý thức gìn giữ những nét VH truyền thống của DT mình, thể hiện thông qua việc bà con vẫn luôn giữ và mặc trang phục DT. Ngay cả một số người mặc dù thoát ly đi làm cán bộ nhà nước nhưng khi về đến nhà vẫn thay và mặc trang phục của DT mình.… Chị Nhan Thị Yêm, xóm Pắc Rằng, xã Phúc Sen tươi tắn trong trang phục vải chàm của DT Nùng An khoe: “Tất cả bộ trang phục tôi mặc đều do tôi tự dệt, nhuộm và cắt may. Đồng bào chúng tôi rất ít mua những bộ quần áo thời trang về mặc. Vào lúc nông nhàn, chúng tôi lại lên rừng tìm nguyên liệu mang về dệt, nhuộm vải để may mặc. Đây là nghề từ cha ông để lại rồi nên chúng tôi muốn gìn giữ và luôn tự hào về trang phục của đồng bào mình”[3].

Đối với đồng bào DT H’Mông Tuyên Quang, với ý thức giữ gìn


BSVHDT mình, các thế hệ trước luôn duy trì, truyền dạy cho các thế hệ sau cách may trang phục truyền thống để mặc trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các ngày lễ, tết. Phụ nữ H’Mông thường có trang phục thêu hoa văn sặc sỡ, họa tiết tinh xảo, đẹp mắt thể hiện sự khéo léo trên từng đường thêu, mũi chỉ. Những bé gái khi mới lớn lên đã được mẹ truyền dạy cách dệt vải, thêu thùa, tập may trang phục truyền thống của mình, sau những giờ làm việc đồng áng, chị em, bà cháu lại cùng quây quần bên nhau để thêu những bộ trang phục truyền thống cho bản thân và gia đình.

Không chỉ người H’Mông, mà người Dao đỏ ở vùng Đông Bắc cũng tự tay thêu những bộ trang phục truyền thống. Vào thời gian rảnh rỗi, các bà, các mẹ vẫn thường xuyên dạy cho nhau cách thêu thùa, may quần áo truyền thống. Người già dạy cho người trẻ, người thêu đẹp dạy cho người thêu chưa thạo, không ai muốn thua kém, ai cũng muốn tự tay may, thêu trang phục cho mình và gia đình. Nét đẹp của bộ trang phục DT Dao đỏ luôn được gìn giữ, bảo tồn như “báu vật”, là biểu tượng đại diện cho BSVHDT. Các bản làng người Dao ở các tỉnh vùng Đông Bắc đã thực hiện khá tốt việc truyền dạy cho con cháu cách giữ gìn, phát huy trang phục DT mình.

Để làm ra bộ trang phục truyền thống, bà con chủ yếu là thêu tay, các em nhỏ đã được bà, mẹ, chị dạy cách chọn vải, cắt, dạy thêu từng đường kim, mũi chỉ, cách thêu các hoa văn, họa tiết trên từng bộ phận, những công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế nhất là sự tỉ mỉ của người thêu mới có thể làm hoàn chỉnh bộ trang phục. Thế hệ trẻ người DTTS, trong đó chủ yếu là các em nữ thường xuyên được mẹ, bà hay các chị em trong gia đình dạy cách làm bộ trang phục truyền thống của cả nam và nữ.… Ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn trang phục DT, các em rất thích thú khi được học, còn những phụ nữ lớn và trung tuổi hầu như ai cũng biết thêu, khâu trang phục DT.

Không chỉ học cách để làm mà hiện nay trong cuộc sống sinh hoạt, một số đồng bào DTTS vẫn duy trì việc mặc trang phục trong lao động sản xuất. Trang phục không chỉ để mặc mà còn thể hiện tính thẩm mỹ, tín ngưỡng và tâm linh, cách nhận biết DT này với DT khác. Do đó, trong những dịp lễ hội, cưới xin, đồng bào DTTS luôn mặc trang phục truyền thống của họ. “Việc thực hành các


nghi lễ đặc biệt của DT (đám cưới, đám tang, lễ cấp sắc…) khiến cho người Dao vẫn duy trì và sử dụng trang phục truyền thống. Theo người Dao, trong một số nghi lễ đặc biệt, như tang ma, hoặc cấp sắc, mặc trang phục truyền thống là cách tốt nhất để tổ tiên hoặc thần linh nhận diện được mình. Tương tự người Dao, người Nùng ở Lạng Sơn và Thái Nguyên cũng vẫn giữ được trang phục cưới và trang phục truyền thống của họ”[140;186].

Cứ như vậy, qua nhiều thế hệ trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc được bảo tồn trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để VH của đồng bào không bị mai một hay hòa tan trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

* Về ẩm thực truyền thống:

Trong đời sống hàng ngày, đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc vẫn duy trì được các món ăn truyền thống có tác dụng bồi bổ và trị bệnh. Sự sáng tạo trong chế biến món ăn và bảo quản thực phẩm vẫn được đồng bào duy trì và trao truyền qua các thế hệ. Các món ăn mang đặc trưng và bản sắc của tộc người không những được duy trì trong đời sống hàng ngày mà nó còn được lan tỏa đến các tộc người khác tiếp nhận như món khau nhục (Tày, Nùng); Thắng cố (H’Mông), lợn quay lá mác mật (Tày, Nùng); thịt lợn muối chua (Dao), rượu men lá (Tày, Nùng, Dao); rượu ngô (H’Mông); các loại bánh như bánh trứng kiến, bánh Oóc pò, xôi ngũ sắc…

Các món ăn truyền thống này vẫn được duy trì đầy đủ và không thể không có trong các lễ hội của đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc. Đó chính là lễ vật để dâng cúng thần linh, biểu thị sự tôn kính với thần linh (tổ tiên, thổ công, thần rừng, thần núi, thần sông, thần nông nghiệp…).

Trong thực tế, khá nhiều gia đình DTTS Đông Bắc có điều kiện để trang bị tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng, bà con cũng tận dụng được chức năng vốn có của các tiện nghi hiện đại đó, giúp cho việc bếp núc thuận tiện hơn. Đồng thời, thay vì những quy trình cẩn trọng, nghiêm ngặt khi chế biến thực phẩm, bà con cũng tận dụng những chất phụ gia đang rất nhiều và rất dễ mua trên thị trường. Dù vậy, với những mâm cỗ cúng tổ tiên, thần linh, bà con vẫn


cẩn thận chuẩn bị theo “quy trình” truyền thống, cho dù nhiều khi việc chuẩn bị diễn ra cả tháng trước sự kiện. Điều đó cho thấy sự trân trọng đối với những giá trị VH đã được ông cha trao truyền lại.

Như vậy, các giá trị VH vật thể của đồng bào các DTTS vẫn tiếp tục được lưu giữ, duy trì và phát huy trong chính đời sống của đồng bào. Đó là sự thể hiện ý thức giữ gìn BSVH - ý thức tự hào DT của đồng bào các DTTS. Giữ gìn bản sắc đó cũng là điều kiện để phát huy sự sáng tạo, cần cù, khéo léo, lý tưởng thẩm mỹ trong thiết kế kiến trúc nhà ở, trong may trang phục với hình dáng và họa tiết độc đáo, trong những món ăn giản dị có nguồn gốc từ tự nhiên nhưng rất giàu dinh dưỡng.

Việc giữ gìn và phát huy được thực hiện ở nội dung là các giá trị VH vật thể, nhưng ẩn sau đó là giữ gìn và duy trì một lối sống giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, làm cho con người luôn bình dị, tư tưởng cởi mở, lạc quan tin yêu vào cuộc sống. Điều này rất cần trong xã hội ngày nay, khi nền kinh tế thị trường với những mặt trái tác động làm cho con người xa dần bản tính thật thà, hiền lành, lương thiện vốn có.

Tóm lại, cùng với sự quan tâm, nỗ lực chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền Nhà nước cùng sự tự ý thức giữ gìn BSVH của đồng bào các DTTS, các giá trị VH vật thể của đồng bào các DTTS vùng Đông Bắc không những được giữ gìn mà còn được cải biến, bổ sung, phát triển cho phù hợp hơn với xã hội hiện đại, điều đó góp phần tạo nên sợi dây bền chặt gắn quá khứ với hiện tại và tương lai trong đời sống VH của đồng bào DTTS vùng Đông Bắc.

3.1.2. Thành tựu của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể‌

Các giá trị VH phi vật thể của đồng bào các DTTS được giữ gìn và phát huy thông qua việc giữ gìn ngôn ngữ DT; phong tục, tập quán; tôn giáo, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian.

Về ngôn ngữ DT: Các DTTS vùng Đông Bắc, đặc biệt là lớp người trung niên và người già luôn ý thức được việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ, họ thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp trong gia đình, dòng họ, đặc biệt trong những dịp chung của cộng đồng như đám cưới, đám tang, lễ hội ....

89


Trong giao tiếp gia đình, đồng bào DTTS thường sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp giữa vợ với chồng, các anh chị em trong gia đình, bố mẹ và con cái. Theo kết quả điều tra của nhóm tác giả Vương Xuân Tình, Trần Hồng Hạnh trong công trình “Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng Đông Bắc” thì 100% vợ chồng người Dao ở hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên sử dụng ngôn ngữ DT mình để nói chuyện với nhau, tỷ lệ này ở người Tày là 59,2%, người Nùng là 28%. Sử dụng ngôn ngữ DT mình để nói chuyện với bố mẹ ở người Dao vẫn triệt để hơn cả (100%), người Tày là 58,7%, người Nùng là 25,5% (người Nùng sử dụng song ngữ, tiếng DT mình và ngôn ngữ phổ thông là 70,2%). Sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với ông bà, người Dao vẫn đạt tỷ lệ 100% sử dụng ngôn ngữ DT mình, còn người Tày và người Nùng tỷ lệ này là 40%, 10,5%. Do đó, người Tày và người Nùng thường sử dụng song ngữ để giao tiếp (cả tiếng DT mình và ngôn ngữ phổ thông với tỷ lệ lần lượt là 53,3% và 81,6%). Sử dụng ngôn ngữ để nói chuyện với anh chị em thì 100% người Dao sử dụng ngôn ngữ DT mình, còn tỷ lệ này ở người Tày là 48%, người Nùng là 28%. Người Tày, người Nùng thường sử dụng song ngữ để giao tiếp với anh chị em. Sử dụng ngôn ngữ nói chuyện đồng tộc cũng được DT Dao sử dụng ở mức độ cao là 90%, người Tày là 58% và người Nùng là 32,7%. Người Tày, người Nùng cũng thường xuyên sử dụng song ngữ trong nói chuyện với đồng tộc với tỷ lệ 32% và 57,1%. Đặc biệt cả người Dao, người Tày, người Nùng ở hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên đều 100% sử dụng ngôn ngữ DT mình trong thờ cúng tổ tiên và trong cúng đám ma[140;168-173].

DT H’Mông - DT có ý thức gìn giữ bản sắc rất cao nên gần như 100% đồng bào H’Mông duy trì và sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thường xuyên trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong các dịp lễ, tết quan trọng.

Như vậy, việc sử dụng ngôn ngữ DT mình vẫn được đồng bào DTTS thường xuyên sử dụng để giao tiếp trong gia đình cũng như với đồng tộc. Trong đám cưới, đám ma, thờ cúng tổ tiên càng thể hiện rõ ý thức duy trì và sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của đồng bào DTTS vùng Đông Bắc. Điều đó cho thấy ý thức gìn giữ cũng như lòng tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ của đồng bào.

Xem tất cả 190 trang.

Ngày đăng: 20/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí