Giáo dục đạo đức trong gia đình thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay - 11

2.3.4. Xây dựng môi trường giáo dục đạo đức trong sạch lành mạnh

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội: Những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức có tính độc lập tương đối nhưng nó luôn có sự biến đổi cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho con cái trước hết cần xây dựng hoàn thiện hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức phù hợp với sự phát triển của mỗi con người để đáp ứng yêu cầu xã hội hiện nay.

Nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức là một thành tố cơ bản của ý thức đạo đức, trực tiếp hướng dẫn tư tưởng và hành vi đạo đức của mỗi con người. Nếu không xây dựng và hoàn thiện các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đó thì mỗi con người mới bắt đầu trưởng thành sẽ không có tiêu chí, mục tiêu cụ thể để phấn đấu rèn luyện.

Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội Việt Nam, đặc biệt là giá trị đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Đứng trước yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực trong cuộc sống đầy biến động đòi hỏi chúng ta cũng cần phải có sự thay đổi để đáp ứng, phù hợp với thời kỳ hội nhập.

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc: Năm 2013 được lấy là Năm Gia Đình Việt Nam là một hoạt động có ý nghĩa và sâu sắc trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, tầm quan trọng của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là một trong những nội dung chủ yếu của Năm Gia Đình. Việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, đồng thời thể hiện tình yêu thương đoàn kết của mỗi con người trong gia đình đó, tạo ra môi trường lành mạnh để giáo dục con cái. Để xây dựng môi

trường văn hóa, đạo đức, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực như tham nhũng cửa quyền trong xã hội, vì điều đó làm mất niềm tin của thanh, thiếu niên vào người lớn, vào Đảng và Nhà nước. Mất niềm tin là một trong những nguyên nhân đưa thanh thiếu niên tới những tệ nạn xã hội. Cần phải khắc phục lối sống vô cảm, chủ nghĩa “ Makeno” trong một bộ phận dân cư hiện nay. Nhà trường và xã hội cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống những thói hư tật xấu của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay như: nói tục, đánh nhau hội đồng.v.v...

2.3.5. Phát huy tính tích cực, tự giác của trẻ em trong việc tự rèn luyện và tu dưỡng đạo đức

Chú trọng thực hành và nêu gương đạo đức của các bậc cha mẹ và người lớn trong gia đình: Muốn con cái trong gia đình có đạo đức tốt, thì cần được sự giáo dục của ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình. Vậy những người đó cần giáo dục con cái như thế nào để mang lại hiệu quả cao. Các bậc cha mẹ giáo dục chỉ bằng lời nói mà không có hành động tốt để con cháu noi theo thì hiệu quả của việc giáo dục mang lại không cao. Trước tiên các bậc cha mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình hãy là những tấm gương sáng để con cháu nhìn vào học tập, lấy đó là mục tiêu phấn đấu.

Cha mẹ cần rèn luyện kĩ năng và thói quen tự giáo dục đạo đức cho con em mình.Tuy nhiên việc xây dựng đạo đức trong gia đình chỉ đạt được hiệu quả khi mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ phải tự rèn luyện, tự tu dưỡng đạo đức. Mỗi người hàng ngày phải tự xem xét những việc làm tốt, những việc làm chư tốt, phát huy những mặt tốt và khắc phục những mặt chưa làm tốt. Cha mẹ phải giáo dục cho con cái biết tự rèn luyện đạo đức của mình. Phải biết được những hạn chế thiếu sót để tự khắc phục, phải biết tôn trọng người khác, nhất là những người lớn tuổi, tôn trọng bạn bè. Khi có những bất hòa xảy ra với bạn bè phải biết kiềm chế. Khi mắc lỗi với người khác phải biết xin

lỗi. Đây là một việc làm khó, nhưng cha mẹ phải kiên trì và phải quyết tâm làm cho được.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

Cần phải tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên. Nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên. Một mặt cần phải nghiêm khắc, mặt khác lại cần sự bao dung của nhà trường và gia đình, mặt khác lại phải nghiêm khắc trong trong giáo dục thế hệ trẻ, tất cả vì một thế hệ trẻ đáp ứng được những yêu cầu của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Cần khắc phục những mâu thuẫn trong quan niệm giáo dục đạo đức giữa nhà trường và gia đình xảy ra trong một số trường hợp. Khi có những mâu thuẫn xảy ra trong giáo dục thế hệ trẻ, nhà trường và gia đình cần bình tĩnh giải quyết tìm ra tiếng nói chung. Cả gia đình, nhà trường và xã hội phải thường xuyên giáo dục ý thức tự rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ, chân thành và thường xuyên góp ý cho thế hệ trẻ khi họ có những lệc chuẩn trong đạo đức của chúng.

Tiểu kết chương 2

Giáo dục đạo đức trong gia đình thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay - 11

Gia đình là tế bào của xã hội, đồng thời cũng là một thiết chế xã hội. Gia đình vừa tạo dựng nên xã hội, lại vừa biến đổi cùng sự biến đổi của xã hội. Trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, cùng với sự biến đổi mạnh mẽ của cả xã hội, gia đình cũng đang biến đổi một cách toàn diện. Do sự thay đổi các quan hệ và các hệ thống giá trị xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa nên vấn đề thực hiện chức năng giáo dục của gia đình cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức.

Là một nhóm xã hội đặc biệt, gia đình được hình thành một cách tự nhiên bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống, mọi thành viên gia đình cùng chung sống và có chung ngân sách. Bài học đầu tiên mỗi chúng ta học trên cuộc đời này là trong gia đình. Giáo dục gia đình đó là sự tác động một cách kiên trì, thường xuyên, tổng thể và sâu sắc của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Quan niệm, thái độ, lối sống, cách ứng xử, hành vi đạo đức, tính cách, năng lực, công việc, sự nghiệp… của cha mẹ để lại dấu ấn sâu nặng đối với con cái mỗi gia đình. Nó tạo nên sản phẩm mà dân gian gọi là “giỏ nhà ai quai” nhà ấy.

Giáo dục gia đình chủ yếu được thực hiện bằng tình cảm và đó là nền giáo dục vừa toàn diện, vừa cụ thể và mang tính cá biệt cao. Toàn diện là bởi giáo dục gia đình hướng tới thúc đẩy sự phát triển đầy đủ mọi phẩm chất con người. Cụ thể là vì giáo dục gia đình không mang tính chung chung, trừu tượng mà nhằm vào mỗi cá nhân cụ thể và nhằm xây dựng, phát triển những phẩm chất, năng lực cụ thể của từng người. Giáo dục gia đình mang tính cá biệt là do đối tượng là những cá thể đặc thù, riêng biệt. Đối với mỗi cá nhân cụ thể đó thì phải có phương pháp, cách thức và nội dung giáo dục riêng, cụ thể, cá biệt mới phù hợp và chỉ có như thế mới mang lại hiệu quả của giáo dục gia đình. Như thế, có thể nói giáo dục gia đình là một dạng giáo dục đặc biệt của xã hội loài người.

Giáo dục gia đình thường sử dụng các phương pháp đơn giản như: khuyên bảo, thuyết phục, đó là vừa dạy vừa dỗ vừa phân tích, diễn giải, chỉ bảo, khuyên nhủ; tập luyện, xây dựng thói quen, tạo lập nếp sống nền nếp tốt đẹp; cổ vũ, khích lệ, khen thưởng kịp thời những cố gắng, những thành tích đạt được dù là rất nhỏ; và, kỷ luật, răn đe, trừng phạt nghiêm khi trẻ có sai trái, không nghe lời… Tuy nhiên, các phương pháp này thường được mỗi gia đình sử dụng một cách linh hoạt và mềm dẻo rất khác nhau tùy thuộc vào môi trường gia đình cũng như đối tượng, mục đích giáo dục.

Giáo dục gia đình tuân thủ các nguyên tắc: tôn trọng nhân cách, cá tính và phẩm chất riêng của trẻ; phải nghiêm khắc nhưng lại khoan dung, độ lượng, nhân từ; yêu thương, tình cảm, gần gũi, thân tình; sử dụng quyền uy của cha, mẹ một cách hợp lý và quyền uy chủ yếu được sử dụng trong ngăn chăn và răn đe và, thống nhất mục tiêu giữa các thành viên gia đình. Có thống nhất mục tiêu chung mới tạo ra được sản phẩm giáo dục hoàn hảo.

Về cơ bản, nội dung giáo dục gia đình bao gồm: hành vi đạo đức; tri thức căn bản; thái độ, kỹ năng sống và lao động, thể chất và thẩm mỹ. Kỹ năng sống là một nội dung mới và đặc biệt quan trọng của giáo dục gia đình trong xã hội hiện đại. Mục tiêu của giáo dục gia đình muôn đời vẫn là tạo ra những con người hiếu thảo, có đạo đức trong sáng, có suy nghĩ lành mạnh, có thể chất mạnh khỏe và có chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp cao đáp ứng được mọi yêu cầu của gia đình và xã hội. Nói cách khác, giáo dục gia đình là nhằm tạo ra những con người chân chính, có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có năng lực trí tuệ cao, có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, hết mình vì mọi người, vì quê hương, đất nước.

KẾT LUẬN

Giáo dục đạo đức trong gia đình được coi là nền tảng, là sự chuẩn bị trực tiếp cho mỗi cá nhân bước vào cuộc sống cộng đồng. Giáo dục đạo đức trong gia đình nhằm xây dựng đạo đức, bồi dưỡng tình cảm đạo đức, rèn luyện thói quen hành vi đạo đức và để mỗi thành viên trong gia đình được sống trong môi trường dân chủ, thương yêu, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ không chỉ có vai trò giáo dục về nhận thức mà còn phải gắn với thực hành đạo đức, là tấm gương về đạo đức cho con cái noi theo. Cùng với gia đình, nhà trường và xã hội cũng là môi trường giáo dục quan trọng đối với sự hình thành phẩn chất đạo đức và nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

Trong những năm qua, giáo dục đạo đức trong gia đình đã có vai trò to lớn đối với sự phát triển của trẻ em và đã đạt được những kết quả nhất định. Song đứng trước quá trình hội nhập quốc tế diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội và chính sự vận động, biến đổi của gia đình đã làm cho việc giáo dục đạo đức trong gia đình đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn và phương hướng, biện pháp giải quyết kịp thời. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, giáo dục đạo đức trong gia đình vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: trình độ văn hóa, điều kiện kinh tế của nhiều bậc cha mẹ chưa đáp ứng được sự phát triển của con cái. Nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức cho con cái còn lúng túng, ý thức của một số cha mẹ chưa đầy đủ, một số gia đình kinh tế khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của phong tục tập quán lạc hậu.

Do đó, để có thể thực hiện tốt giáo dục đạo đức trong gia đình, bên cạnh tình yêu thương, các bậc cha mẹ còn phải trang bị những kiến thức, phương pháp cần thiết để định hướng đúng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp và lối sống lành mạnh cho con mình. Hơn nữa, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và trường học cũng cần quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ các bậc làm cha mẹ trong quá trình giáo dục thế hệ trẻ. Thực hiện đúng theo quan

điểm của Hồ Chủ Tịch: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Muốn giáo dục một con người tốt, cần có môi trường giáo dục thật tốt làm cơ sở, làm điều kiện tiên quyết, đó là môi trường giáo dục của gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Sự kết hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục này sẽ tạo ra được một mẫu người mới cho một chế độ mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. A.M.Bắc - đi - an (1977), Giáo dục các con trong gia đình, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

2. A.Ma - ca - ren - cô ( 1978 ), Nói chuyện về giáo dục gia đình, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

3. Lê Ngọc Anh ( 2002 ) " Vấn đề giáo dục đạo đức và nếp sống văn hoá gia đình truyền thống trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay", Tạp chí Triết học, số 1(128), tr. 17-21.

4. Lê Thị Tuyết Ba (2005), " Tình cảm đạo đức và vấn đề bồi dưỡng tình cảm đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường nước ta hiện nay", Tạp chí Triết học (1) tr. 43 - 49.

5. Lê Thị Tuyết Ba (2010), Ý thức đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Nxb Thống kê, Hà Nội.

7. Đỗ Tuyết Bảo (2001), Giáo dục đạo đức cho học sinh trường trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện đổi mớ hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Hà Nội.

8. Dương Văn Bóng (2003), Đổi mới việc thực hiện chức năng giáo dục gia đình đối với thế hệ trẻ trong gia đình nông dân Việt Nam hiện nay, Luận án iến sĩ Triết học, Hà Nội.

9. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc ( UNICEF) (2008), Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006, Hà Nội.

10. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2012): Thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.

11. Mai Huy Bích (2003), Xã hội học gia đình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Xem tất cả 100 trang.

Ngày đăng: 14/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí