Như vậy, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự về mặt nội dung chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, phải tuân theo những qui định của BLDS. Tuy nhiên, vì những thiệt hại này do hành vi phạm tội gây ra và đây là vụ án hình sự nên về hình thức khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải tuân theo những qui định của luật tố tụng hình sự chứ không phải là trình tự, thủ tục của luật tố tụng dân sự như khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án dân sự. Sự khác nhau trong việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục tố tụng dân sự khi giải quyết vấn đề dân sự sẽ được làm rò trong các ví dụ sau:
Ví dụ về việc hoãn phiên tòa sơ thẩm: Theo qui định của BLTTHS 2015 nếu bị hại, đương sự (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự) hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy từng trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo qui định của pháp luật. Ngược lại, theo qui định của BLTTDS 2015 thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Sở dĩ có sự khác biệt này là do bản chất của việc xét xử vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là xét xử vụ án hình sự, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì Hội đồng xét xử giải quyết luôn cả vấn đề dân sự phát sinh do tội phạm gây ra. Nếu vấn đề dân sự trong vụ án có liên quan đến việc định tội hay định khung hình phạt đối với bị cáo thì nó là một phần không thể tách rời khỏi vụ án hình sự và phải được giải quyết đồng thời với vụ án hình sự. Trong trường hợp này lời khai của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa rất quan trọng đối với việc giải quyết phần trách nhiệm hình sự của vụ án. Vì vậy, Tòa án phải hoãn phiên tòa nếu những người trên vắng mặt. Tuy nhiên, đối với những vụ án mà phần dân sự không liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự, các tình tiết tăng nặng, giảm
nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thì có thể tách phần dân sự ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác theo thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, trong trường hợp này nếu bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử phần hình sự và tách phần dân sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Ví dụ về thủ tục hòa giải: Một đặc trưng nổi bật của pháp luật tố tụng hình sự là trong suốt quá trình tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng không bắt buộc phải mở các phiên hòa giải giữa các đương sự như trong tố tụng dân sự. nếu các đương sự tự nguyện thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường thì Tòa án ghi nhận việc thỏa thuận này vào phần quyết định của bản án. Tòa án không ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này bởi đây là vụ án hình sự, được điều chỉnh bởi pháp luật tố tụng hình sự chứ không phải pháp luật tố tụng dân sự. Trái lại, pháp luật tố tụng dân sự qui định hòa giải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện, theo đó trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được qui định tại Điều 206 và Điều 207 của BLTTDS 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Có sự khác nhau này bởi vì pháp luật tố tụng dân sự xem quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là nguyên tắc cơ bản cần được tôn trọng nhưng pháp luật tố tụng hình sự thì không vì bản chất của thủ tục tố tụng hình sự là giải quyết trách nhiệm của người phạm tội đối với xã hội, phương pháp được sử dụng trong tố tụng hình sự chủ yếu là mệnh lệnh quyền uy chứ không phải là tự định đoạt.
1.2.3. Đặc điểm về điều kiện, nội dung giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
1.2.3.1 Đặc điểm về điều kiện giải quyết
Sở dĩ tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội vì nó đe dọa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ.
Không có sự xâm hại đến đối tượng bảo vệ của luật hình sự thì hành vi đó không thể coi là nguy hiểm cho xã hội và vì thế cũng không thể là tội phạm. Tội phạm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức qua đó đe dọa lợi ích chung của xã hội. Sự việc phạm tội đã làm phát sinh mối quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và người phạm tội. Biện pháp trách nhiệm hình sự sẽ được Nhà nước áp dụng đối với người phạm tội. Đồng thời hành vi trái pháp luật này của một cá nhân gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, vì thế cũng đã làm phát sinh mối quan hệ pháp luật giữa cá nhân (có hành vi phạm tội) với cá nhân (bị thiệt hại), giữa cá nhân (có hành vi phạm tội) với tổ chức (bị thiệt hại). Từ đó làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hay nói cách khác đây chính là căn cứ làm phát sinh việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự của người phạm tội. Để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cần có đủ các điều kiện sau: Phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật (hành vi phạm tội), giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật phải có mối quan hệ nhân quả với nhau.
-Phải có thiệt hại xảy ra:
Như đã phân tích tại mục 1.1, không nên lạm dụng việc mở rộng các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nếu thấy việc kết hợp giải quyết làm phức tạp thêm quá trình giải quyết vụ án hình sự. Do đó, trên cơ sở khái niệm giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mà tác giả đã đề xuất thì việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo ý kiến tác giả chỉ nên giới hạn trong phạm vi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được qui định tại Chương XX BLDS 2015. Trong trách nhiệm hình sự dù hành vi trái pháp luật nặng hay nhẹ thì Tòa án đều có quyền ra bản án, quyết định nhằm trừng phạt người có hành vi trái pháp luật ngay cả khi không có thiệt hại xảy ra. Ngược lại, trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cho dù hành vi trái pháp luật có được coi là nghiêm trọng thì người có hành vi trái pháp luật vẫn không bồi thường nếu thiệt hại không tồn tại: nếu không có thiệt hại thì không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo qui định của BLDS 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, hoặc luật khác có liên quan qui định khác. BLDS đề cập đến thiệt hại nhưng không định nghĩa thiệt hại là gì. Có quan điểm
Có thể bạn quan tâm!
- Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 1
- Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 2
- Đặc Điểm Của Việc Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Vụ Án Hình Sự
- Pháp Luật Về Quyền Yêu Cầu Và Nghĩa Vụ Của Các Chủ Thể Trong Quan Hệ Dân Sự Của Vụ Án Hình Sự
- Pháp Luật Về Thẩm Quyền Của Chủ Thể Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Vụ Án Hình Sự
- Pháp Luật Về Thủ Tục Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Vụ Án Hình Sự
Xem toàn bộ 84 trang tài liệu này.
cho rằng “Thiệt hại là sự biến thiên theo chiều xấu đi của tài sản, của các giá trị nhân thân được pháp luật bảo vệ” hay “thiệt hại là sự giảm sút về lợi ích vật chất của người bị thiệt hại mà họ đã có hoặc sự mất mát lợi ích vật chất mà chắc chắn họ sẽ có”. Còn có ý kiến khác cho rằng “thiệt hại được hiểu là sự giảm bớt những lợi ích vật chất của một người xác định được trên thực tế và những thiệt hại gián tiếp chắc chắn xảy ra”. Thực tế khó có thể đưa ra một định nghĩa thuyết phục về “thiệt hại”, do đó việc BLDS không đưa ra định nghĩa về thiệt hại cũng là điều dễ hiểu. Nếu BLDS không định nghĩa thiệt hại là gì thì lại thừa nhận hai loại thiệt hại. Đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Cụ thể:
Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm qui định tại Điều 589 BLDS 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm qui định tại Điều 590 BLDS 2015, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm qui định tại Điều 591 BLDS 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm qui định tại Điều 592BLDS 2015.
Ví dụ: A gây thương tích cho B tại nhà C với tỉ lệ thương tật là 32%, trong lúc đánh nhau A đã làm hư hỏng bàn ghế nhà C với tổng giá trị thiệt hại là 500.000đ, đồng thời B phải điều trị thương tích hết 10.000.000đ. Trong trường hợp này đã có thiệt hại xảy ra là số bàn ghế bị hư hỏng của C và chi phí điều trị vết thương của B theo qui định tại Điều 589 BLDS 2015.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín… và phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Thiệt hại do tổn thất tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc bị mất đi tín nhiệm, lòng tin… và bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.
Ví dụ: A lái xe gây tai nạn giao thông làm B bị chết. B có một con nhỏ 05 tuổi. Trong trường hợp này do B đã chết nên A phải có trách nhiệm bồi thường chi
phí hợp lí cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho con B cho đến khi cháu đủ 18 tuổi, bồi thường tổn thất tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của B theo qui định tại Điều 591 BLDS 2015.
-Phải có hành vi trái pháp luật:
Hành vi trái pháp luật là một trong những điều kiện để trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh, nếu không có hành vi trái pháp luật thì không có bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các qui định của pháp luật. Với qui định này hành vi trái pháp luật có hai bộ phận cấu thành. Thứ nhất là “những xử sự cụ thể của con người” được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động của con người, thứ hai là những xử sự của con người phải “trái với các qui định của pháp luật” mới có thể hình thành trách nhiệm bồi thường. BLDS 2005 (nay là BLDS 2015) không nêu rò trong Điều 604 (nay là Điều 584 BLDS 2015) “yếu tố trái pháp luật” mà chỉ liệt kê một số hành vi như “xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại”. BLDS 2005 (nay là BLDS 2015) chỉ đưa ra danh sách một số hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng Tòa án tối cao đã khái quát hóa các hành vi này là để có bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì phải có “hành vi trái pháp luật".
Ví dụ: A dùng dao chém vào tay B gây thương tích 20%, ở đây A đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của B - là hành vi trái pháp luật nên bên cạnh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì A còn phải có trách nhiệm bồi thường chi phí điều trị, tiền mất thu nhập (nếu có), tiền công chăm sóc người nuôi bệnh.
-Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp
luật:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong vụ án hình sự chỉ phát sinh khi xác định thiệt hại đó do tội phạm gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội hay nói cách khác thiệt hại xảy ra là kết quả từ hành vi trái pháp luật mà ở đây là trái pháp luật hình sự. BLDS 2015 chưa qui định cụ thể về mối quan hệ nhân quả này mà chỉ nêu một cách chung nhất là người nào có hành vi xâm phạm tính
mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp BLDS 2015, hoặc luật khác có liên quan qui định khác. Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Quan hệ nhân quả là mối liên hệ khách quan của bản thân các sự vật. Quan hệ nhân quả của bản thân sự vật tồn tại ngoài ý muốn của con người, không phụ thuộc vào việc con người có nhận thức hay không. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không có mối quan hệ nhân quả thì không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ: A điều khiển xe máy lưu thông trên đường nhưng không mang theo giấy tờ xe, A chạy đúng tốc độ qui định và đi đúng làn đường của mình. B từ phía sau bất ngờ tông vào xe của A kết quả là B bị thương và xe của B bị hư hỏng nặng, A và xe của A không bị thiệt hại gì đáng kể. Ở đây A đã có hành vi trái pháp luật là vi phạm Luật giao thông đường bộ, không mang theo giấy tờ xe và giấy phép lái xe khi tham gia lưu thông trên đường, có thiệt hại xảy ra là việc B bị thương và xe của B bị hư, tuy nhiên trong trường hợp này A không có trách nhiệm bồi thường cho B bởi vì hành vi trái pháp luật của A là vi phạm về mặt hành chính, không phải là nguyên nhân gây nên thiệt hại cho B, giữa thiệt hại của B và hành vi trái pháp luật của A không có mối quan hệ nhân quả.
-Về yếu tố lỗi của người gây thiệt hại:
Lỗi là trạng thái tâm lí của người phạm tội đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình nhưng trong vụ án hình sự có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì yếu tố lỗi lại được xem xét dưới hai khía cạnh. Đó là lỗi trong trách nhiệm hình sự và lỗi trong trách nhiệm dân sự hay còn gọi là lỗi hình sự và lỗi dân sự. Lỗi trong trách nhiệm hình sự được phân thành: cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp, vô ý vì quá tự tin, vô ý vì cẩu thả. Đây là điều kiện quan trọng để Tòa án xem xét việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với bị cáo. Chính vì vậy mà khi một người đã chịu trách nhiệm hình sự tức là họ đã thực hiện hành vi có lỗi theo qui định của pháp luật hình sự. Yếu tố lỗi ở đây là lỗi của chính chủ thể đã thực hiện hành vi phạm tội. Trong trách nhiệm hình sự,
không thể buộc một người phải chịu trách nhiệm do hành vi phạm tội của người khác. Trong khi đó, vấn đề lỗi xác định trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại không mang ý nghĩa quyết định như vậy bởi pháp luật dân sự vẫn đặt ra trách nhiệm bồi thường ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi hoặc lỗi thuộc về chủ thể không trực tiếp thực hiện hành vi gây thiệt hại. Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 qui định “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan qui định khác". Ở đây, chỉ cần tồn tại yếu tố có thiệt hại xảy ra trên thực tế, có hành vi trái pháp luật (xâm phạm tới lợi ích hợp pháp của người khác mà không thuộc trường hợp không chịu trách nhiệm bồi thường) và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra thì đã làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không cần xem xét người gây thiệt hại có lỗi hay không có lỗi. Tuy nhiên, cũng cần làm rò rằng mặc dù yếu tố lỗi không còn tồn tại trong danh sách các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhưng lỗi vẫn còn nguyên giá trị trong việc xem xét mức độ thiệt hại được bồi thường.
Ví dụ: A là lái xe cho công ty TNHH Z, trên đường vận chuyển hàng cho công ty A đã gây tai nạn làm chết B. Về trách nhiệm hình sự A đã bị truy tố về tội Vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ. Trong trường hợp này mặc dù công ty TNHH Z không có lỗi trong việc gây ra cái chết của B nhưng theo qui định của BLDS 2015 thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao nên về trách nhiệm dân sự công ty TNHH Z phải có trách nhiệm bồi thường cho hàng thừa kế thứ nhất của B gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của B.
1.2.3.2. Đặc điểm về nội dung giải quyết
Để giải quyết được vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Tòa án cần làm rò các vấn đề sau:
Xác định chính xác quan hệ tranh chấp căn cứ vào yêu cầu của người bị thiệt hại và thực tế thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Để có thể xem xét giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì cần xác định được đó là yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản hay là yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hay là yêu cầu
bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm… Việc xác định đúng quan hệ tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bởi vì có xác định đúng quan hệ tranh chấp thì mới có hướng điều tra, áp dụng pháp luật đúng, đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng đắn.
Xác định ai là người gây thiệt hại, ai là người bị thiệt hại và ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Từ đó, đưa họ vào tham gia tố tụng đúng với tư cách tố tụng mà pháp luật qui định, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của họ.
Xác định thực tế thiệt hại đã xảy ra, mức độ lỗi của người gây thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi phạm tội. Trên cơ sở đó kết hợp với qui định của pháp luật, Tòa án sẽ xem xét giải quyết chấp nhận toàn bộ hay chấp nhận một phần yêu cầu của người bị thiệt hại.
Ví dụ: A (18 tuổi) có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự cố ý gây thương tích cho B với tỉ lệ thương tật là 15%, B yêu cầu bồi thường chi phí điều trị thương tích, tiền mất thu nhập 10.000.000đ (có hóa đơn chứng từ kèm theo). Trong trường hợp này dựa trên yêu cầu của B, Tòa án cần xác định đây là yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm, A là người gây gây thương tích cho B nên phải có trách nhiệm bồi thường cho B. A tham gia tố tụng với tư cách là bị cáo, B tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Trên cơ sở qui định của Điều 590 BLDS 2015 và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của B.
1.3. Ý nghĩa của việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Thứ nhất, trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, vấn đề bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân được coi là yêu cầu trung tâm của nội dung về Nhà nước pháp quyền, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Để đáp ứng được những yêu cầu đó thì vai trò của pháp luật được đề cao, cơ quan áp dụng pháp luật là Tòa án trong hoạt động của mình phải đảm bảo việc xét xử đúng đắn, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp đó. Chính vì vậy, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Khi có hành vi phạm tội xâm hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì họ có quyền yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường đền bù những thiệt hại do