Như vậy, vấn đề dân sự được xem xét giải quyết trong vụ án hình sự chỉ nên giới hạn trong phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo qui định tại Chương XX BLDS 2015.
Một vấn đề khác cũng cần quan tâm khi xác định vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đó là cần phân biệt vấn đề dân sự trong vụ án hình sự với vấn đề xử lí vật chứng (có liên quan đến tài sản bị thiệt hại) trong vụ án hình sự và các biện pháp tư pháp được áp dụng khi xử lí hành vi phạm tội. Tại khoản 2 Điều 47 BLHS 2015 qui định “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lí hợp pháp”. Bên cạnh đó, Điều 48 BLHS 2015 cũng qui định “1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lí hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. 2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về tinh thần bằng một số tiền tương ứng, công khai xin lỗi người bị hại”. Ngoài ra, Điều 89 BLTTHS 2015 còn qui định “Vật chứng là vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, trong một số trường hợp, việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp và xử lí vật chứng liên quan đến tài sản bị thiệt hại trùng lặp với nhau. Biện pháp tư pháp được hiểu là những biện pháp hỗ trợ cho việc áp dụng hình phạt hoặc thay thế hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong những trường hợp đáp ứng điều kiện khi cần thiết. Còn xử lí vật chứng được hiểu “là việc cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng các hình thức xử lí phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng loại vật chứng nhằm xóa bỏ hay khôi phục quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người quản lí hợp pháp đối với vật chứng của vụ án”. Tuy nhiên, theo thứ tự giải quyết trong vụ án hình sự thì việc xử lí vật chứng bắt buộc phải được áp dụng nếu tài sản đã thu thập được xác định là vật chứng của vụ án. Bởi vì, xử lí vật chứng và biện pháp tư pháp gắn với việc xử lí trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Trong trường hợp việc xử lí trách nhiệm dân sự trùng với việc xử lí vật chứng, biện pháp tư pháp thì trách nhiệm dân sự không được đề cập đến, hoặc chỉ được bổ sung các qui định của
pháp luật dân sự để làm rò trách nhiệm của người gây thiệt hại. Vì vậy, khi xây dựng khái niệm về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì cần loại trừ nội dung xử lí vật chứng và việc áp dụng biện pháp tư pháp trong khái niệm đó.
Từ những phân tích nêu trên, tác giả xin đưa ra khái niệm về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự như sau:
“Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là việc Tòa án và cơ quan, người tiến hành tố tụng xem xét giải quyết những yêu cầu bồi hoàn tài sản; bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm do hành vi phạm tội gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội nhưng không thuộc nội dung xử lí vật chứng và việc áp dụng biện pháp tư pháp trong các vụ án hình sự, bao gồm:
- Yêu cầu trả lại tài sản bị chiếm đoạt; bồi thường tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; chi phí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm do tội phạm gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội; bồi thường một khoản tiền để bù đắp những tổn thất về tinh thần của người thân của người bị hại; bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại từ việc sức khỏe bị xâm hại, chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại.”
1.2. Đặc điểm của việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
1.2.1. Đặc điểm về chủ thể
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bao gồm nhiều chủ thể. Trong đó, việc xác định các chủ thể tham gia vào quá trình này phải được xác định đầu tiên bằng cách trả lời các câu hỏi: Ai là người có quyền được bồi thường thiệt hại? Ai là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Và ai có thẩm quyền giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại?
Có thể bạn quan tâm!
- Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 1
- Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 2
- Đặc Điểm Về Điều Kiện, Nội Dung Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Vụ Án Hình Sự
- Pháp Luật Về Quyền Yêu Cầu Và Nghĩa Vụ Của Các Chủ Thể Trong Quan Hệ Dân Sự Của Vụ Án Hình Sự
- Pháp Luật Về Thẩm Quyền Của Chủ Thể Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Vụ Án Hình Sự
Xem toàn bộ 84 trang tài liệu này.
Tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, gây ra những hậu quả và thiệt hại nhất định. Những thiệt hại do tội phạm gây ra có thể hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa
hẹp. Theo nghĩa rộng, thì bất cứ tội phạm nào cũng gây thiệt hại đến trật tự pháp luật đã được Nhà nước qui định. Nhưng một số trường hợp tội phạm gây thiệt hại trực tiếp đến công dân, tổ chức và cơ quan Nhà nước. Ở đây muốn nói đến thiệt hại theo nghĩa hẹp. Thiệt hại ở đây là thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản và uy tín của cá nhân và cơ quan tổ chức, do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Nhưng không phải trong bất cứ trường hợp nào có tội phạm là có bị hại. Trong những tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, đến an toàn đối nội và đối ngoại của Nhà nước, không trực tiếp làm thiệt hại đến cá nhân, cơ quan, tổ chức cụ thể nào thì không có bị hại.
Như vậy, khi đã có thiệt hại xảy ra trong vụ án hình sự liên quan đến hành vi phạm tội của tội phạm, thông thường sẽ xuất hiện các chủ thể sau:
- Chủ thể có quyền được bồi thường thiệt hại (Bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan)
- Chủ thể phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Bị cáo, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan)
- Chủ thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại (Tòa án, cơ quan và người tiến hành tố tụng).
1.2.1.1. Về chủ thể có quyền được bồi thường thiệt hại
Chủ thể có quyền được bồi thường thiệt hại bao gồm bị hại, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi liên quan đến vụ án bởi vì quyền được bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có hành vi gây ra thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản, uy tín của những chủ thể này và những thiệt hại này phải do tội phạm gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội. Đây là điểm khác biệt so với việc giải quyết dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong vụ án dân sự, quyền được bồi thường thiệt hại phát sinh khi chủ thể khởi kiện, cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác nhưng những thiệt hại này không phải do hành vi phạm tội gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội.
Chủ thể đầu tiên có quyền được bồi thường thiệt hại khi có tội phạm xảy ra, đó là bị hại. Đây là chủ thể chỉ xuất hiện trong vụ án hình sự (trừ một số trường hợp đặc biệt không xuất hiện bị hại như: những tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, đến
an toàn đối nội và đối ngoại của Nhà nước…). Vấn đề bồi thường thiệt hại cho bị hại trong vụ án hình sự sẽ được xem xét giải quyết trong vụ án hình sự mà không cần có đơn yêu cầu của bị hại, đây là điểm khác nhau giữa bị hại và nguyên đơn trong vụ án dân sự. Bởi vì, trong vụ án dân sự, điều kiện tiên quyết đầu tiên để Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu của nguyên đơn là đơn khởi kiện và Tòa án cũng chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn yêu cầu khởi kiện đó trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Trong khi đó, bị hại trong vụ án hình sự không cần phải làm đơn yêu cầu. Lí do của sự khác nhau này là vì bị hại trong vụ án hình sự đã được BLHS 2015 khẳng định là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra và khi đã có thiệt hại do tội phạm gây ra thì bị hại cần được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân. BLTTHS 2015 sử dụng thuật ngữ bị hại chứ không phải là người bị hại như BLTTHS 2003 bởi vì theo BLTTHS 2015 thì bị hại không chỉ là con người cụ thể mà bao gồm cả cơ quan, tổ chức, như vậy phạm vi bị hại theo BLTTHS 2015 đã được mở rộng hơn so với BLTTHS 2003. Ví dụ: A lấy trộm của B xe Honda SH sau đó đem bán cho một người không rò họ tên, địa chỉ, tài sản bị mất không thu hồi được, B yêu cầu bồi thường thiệt hại là 70.000.000đ. Trong trường hợp này B là bị hại và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội mà A gây ra.
Chủ thể thứ hai có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự, đó là nguyên đơn dân sự. Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự không đồng nghĩa với nguyên đơn trong vụ án dân sự. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm còn nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và chỉ được giải quyết bồi thường thiệt hại khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định thiệt hại đó do tội phạm gây ra. Do đó, nếu không có tội phạm thì không có việc bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự và nguyên đơn trong vụ án dân sự có điểm tương đồng là đều phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Tòa án sẽ không xem xét giải quyết yêu cầu
bồi thường của họ. Ví dụ: Trong lúc đi ăn cùng nhau tại quán của A do bất đồng ý kiến nên B và C đã xảy ra xô xát, cãi nhau ầm ĩ làm mất an ninh trật tự tại khu phố đó nên đã bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng; ngoài ra trong lúc xô xát B và C đã đập bể bàn ghế tại quán của A. A có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nên trong trường hợp này A tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Chủ thể thứ ba có quyền yêu cầu trả lại tài sản là người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Đây là người có lợi ích vật chất hoặc tinh thần bị xâm phạm có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo và được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận. Chỉ những lợi ích vật chất hoặc tinh thần có liên quan đến hành vi phạm tội thì người có lợi ích đó mới được công nhận là người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Ví dụ: A mượn xe máy của B nói là đi công việc nhưng A đã sử dụng xe này làm phương tiện đi trộm vàng. A bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo qui định tại Điều 173 BLHS 2015, Tòa án xác định B là người có quyền lợi liên quan đến vụ án vì B là chủ sở hữu của xe máy mà A dùng làm phương tiện đi trộm. Trong trường hợp này B không biết mục đích của A dùng xe đi trộm vàng nên B không liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xem xét trả tài sản lại cho B trước khi xét xử. Nếu B có liên quan đến vụ án thì Tòa án tuyên tịch thu xe của B là đúng thì A không phải bồi thường tài sản cho B. Trường hợp B không liên quan đến vụ án trộm vàng của A mà Tòa tuyên tịch thu tài sản của B, lúc đó B có quyền kháng cáo với Tòa cấp trên xem xét trả lại tài sản cho B.
1.2.1.2. Về chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Khi đã phát sinh chủ thể có quyền được, yêu cầu bồi thường thiệt hại thì tương ứng sẽ xuất hiện chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm bị cáo, bị đơn dân sự và người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ở đây, trách nhiệm của các chủ thể này là trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra hoặc có liên quan đến hành vi phạm tội và do đó nếu không có tội phạm thì cũng không phát sinh loại trách nhiệm này.
Bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội và gây ra những thiệt hại cho các chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nên phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Ví dụ: A (18 tuổi) có đầy đủ năng lực
trách nhiệm hình sự cố ý gây thương tích cho B với tỉ lệ thương tật là 15%, B yêu cầu bồi thường chi phí điều trị thương tích, tiền mất thu nhập 10.000.000đ (có hóa đơn chứng từ kèm theo). Trong trường hợp này A phải có trách nhiệm bồi thường cho B theo qui định của BLDS 2015, trong trường hợp A và B không tự thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường thì việc chấp nhận mức bồi thường như thế nào sẽ do Tòa án quyết định dựa theo qui định của BLDS và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Bị đơn dân sự trong vụ án hình sự khác với bị đơn dân sự trong vụ án dân sự. Bị đơn dân sự trong vụ án dân sự là người bị kiện còn bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là người phải bồi thường thay cho người phạm tội. Bị đơn dân sự trong vụ án hình sự tuy không phải là người gây thiệt hại cho nguyên đơn dân sự hoặc bị hại mà thiệt hại đó do bị cáo gây ra, nhưng theo qui định của pháp luật thì họ phải bồi thường cho bị hại hoặc nguyên đơn dân sự. Ví dụ: cha mẹ bị cáo là người chưa thành niên phải bồi thường những thiệt hại do bị cáo gây ra; pháp nhân hoặc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội phải bồi thường thiệt hại do nhân viên hoặc cán bộ của mình gây ra trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao. Ngược lại, trong vụ án dân sự bị đơn là người bị khởi kiện nhưng không phải trong mọi trường hợp khi có yêu cầu khởi kiện là họ phải bồi thường thiệt hại mà việc họ phải có trách nhiệm bồi thường hay không còn tùy thuộc vào sự chứng minh của nguyên đơn cho tính hợp lí của yêu cầu khởi kiện; trên cơ sở đó, Tòa án sẽ ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ví dụ: A lái xe cho công ty TNHH B. A gây tai nạn làm C bị chết và đã bị truy tố về tội vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ. Trong trường hợp này công ty TNHH B phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hàng thừa kế thứ nhất của C và tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự.
Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người mà hành vi của họ có liên quan đến tội phạm do bị cáo thực hiện và theo pháp luật họ phải có trách nhiệm về hành vi của mình, trách nhiệm này chủ yếu là trách nhiệm về vật chất. Ví dụ: A, B, C cùng gây thương tích cho D nhưng chỉ có A và B bị truy tố còn C được miễn
trách nhiệm hình sự, khi xét xử Tòa án xác định C là người có nghĩa vụ liên quan và buộc A, B, C phải liên đới bồi thường cho D.
1.2.1.3. Về chủ thể có thẩm quyền giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại
Việc xuất hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đòi hỏi phải có cơ quan, người tiến hành tố tụng đứng ra giải quyết vấn đề này. Trong giai đoạn hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng giai đoạn xét xử, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên trong thực tiển, để xác định đúng chủ thể có thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cần quay về mục đích của việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là nhằm khắc phục kịp thời thiệt hại do tội phạm gây ra, giảm bớt gánh nặng cho người bị thiệt hại nên nếu ngay từ giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra, điều tra viên hoặc Viện Kiểm sát, kiểm sát viên khi điều tra độc lập, xem xét giải quyết luôn vấn đề dân sự thì sẽ có lợi hơn cho các bên tham gia tố tụng. Điều này có nghĩa là việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có thể diễn ra ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào (điều tra, truy tố, xét xử) nếu xét thấy thuận lợi. Tại Hội nghị triển khai công tác ngành Tòa án có đánh giá: “Những sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có một phần do cơ quan điều tra không quan tâm đúng mức đến việc điều tra về vấn đề dân sự mà chỉ tập trung điều tra chứng minh hành vi phạm tội”. Như vậy, thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cần được xác định là các cơ quan, người tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, điều tra viên; Viện kiểm sát, kiểm sát viên và Tòa án chứ không phải là thẩm quyền của riêng ngành Tòa án. Tuy nhiên, thì chỉ có Tòa án là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Điều này đã được khẳng định tại Hiến pháp 2013 “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Cho nên việc giải quyết vấn đề dân sự trong trong vụ án hình sự, dù các cơ quan, người tiến hành tố tụng khác (Cơ quan điều tra, điều tra viên- Viện Kiểm sát, kiểm sát viên) có tham gia nhưng trong phiên Tòa xét xử vụ án hình sự đó, kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa phải báo cáo
cụ thể các trường hợp đã giải quyết vấn đề dân sự cho Tòa (Hội đồng xét xử) biết để ghi vào bản án.
1.2.2. Đặc điểm về pháp luật áp dụng
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tuy là nguyên tắc của luật tố tụng hình sự nhưng khi áp dụng vào thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cần vận dụng các qui định của các ngành luật khác. Cụ thể:
Mỗi ngành luật sẽ có đối tượng điều chỉnh riêng, ở đây tuy là vụ án hình sự nhưng lại giải quyết về vấn đề dân sự nên khi giải quyết vấn đề dân sự Tòa án sẽ vận dụng những qui định của luật dân sự làm cơ sở pháp lí cho việc xác định mức bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, việc áp dụng này là phù hợp với bản chất quan hệ pháp luật cần xem xét giải quyết. Theo qui định của BLHS 2015 thì người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lí hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về tinh thần bằng một khoản tiền tương ứng do pháp luật qui định, công khai xin lỗi người bị hại. Qui định của BLHS 2015 mang tính cơ bản, định hướng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra nhưng chưa qui định cụ thể về các trường hợp nào sẽ được bồi thường, nếu phải bồi thường thì những khoản thiệt hại nào được chấp nhận? Những vấn đề này sẽ được trả lời tại Chương XX trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của BLDS 2015. Tòa án sẽ căn cứ vào đó để xem xét giải quyết yêu cầu của chủ thể bị thiệt hại. Ví dụ: Trong vụ án cố ý gây thương tích với tỉ lệ thương tật là 30%, khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị hại, Tòa án sẽ xác định mức bồi thường dựa trên: chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế của người bị thiệt hại, chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần nếu các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa bồi thường là không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước qui định.