- Thông qua thị trường chứng khoán: Những đồng tiền bẩn được dùng để mua cổ phiếu tại thị trường chứng khoán. Sau một thời gian, số cổ phiếu này được bán lại với giá thấp hơn. Số tiền mà bọn tội phạm nhận được thông qua hệ thống tài chính nên được xem là hợp pháp.
- Thông qua hệ thống tài chính ngân hàng:
Bọn tội phạm gửi tiền dưới mức kiểm soát vào những thời điểm khác nhau, ở nhiều nơi trên thế giới. Sau một thời gian chuyển khoản qua nhiều ngân hàng, chúng có thể rút tiền ở ngân hàng của nước thứ ba, thứ tư một cách hợp pháp.
Bọn tội phạm nhân danh hoặc trà trộn vào các khoản kiều hối thông thường để chuyển tiền từ nước ngoài về trong nước. Lúc này các ngân hàng thường được chọn lựa không những vì khả năng có thể giao dịch những khoản tiền rất lớn, mà còn vì một đồng tiền lọt được vào tài khoản ngân hàng lập tức trở thành đồng tiền sạch và từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán.
Lợi dụng tổ chức tín dụng: Bọn tội phạm gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm hoặc mua trái phiếu, tín phiếu…làm cho đồng tiền nằm im trong một thời gian phù hợp với quy định của mỗi nước. Sau đó, người gởi tiền rút dần hoặc mang các giấy tờ có giá đi cầm cố, thế chấp để vay một khoản tiền nhất định.
- Thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm”: Tại một số nước, hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, đắt đỏ mà lại quan liêu. Do đó, trong cộng đồng những người nước ngoài tại các quốc gia này tồn tại hệ thống ngân hàng không chính thức gọi là ngân hàng “ngầm”. Hệ thống ngân hàng ngầm này hoạt động và luân chuyển tài chính như các ngân hàng chính thức nhưng với chi phí dịch vụ rẻ hơn, bí mật hơn các ngân hàng hợp pháp. Các ngân hàng ngầm có đại diện ở nhiều nước khác nhau để thực hiện dịch vụ chuyển tiền từ nước này sang nước khác hoặc từ thành phố này sang thành phố khác trong cùng một quốc gia. Sự hoạt động của ngân hàng này chủ yếu dựa trên niềm tin giữa ngân hàng và bạn hàng nên thủ tục giấy tờ gọn nhẹ. Bọn tội phạm lợi dụng nguyên tắc giữ bí mật của những ngân hàng này đã đem tiền đến gửi và yêu cầu nhận lại ở một thành phố khác. Những địa chỉ cần nhận tiền tẩy rửa thông thường là những quốc gia khao khát đầu tư tài chính nhưng ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền, việc
thanh toán qua ngân hàng chưa phải là yêu cầu bắt buộc và phổ biến, hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền chưa nghiêm.
1.1.3 Chu trình rửa tiền
Có thể bạn quan tâm!
- Giải pháp phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam - Nguyễn Ngọc Loan - 1
- Giải pháp phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam - Nguyễn Ngọc Loan - 2
- Nội Dung Phòng Chống Rửa Tiền Qua Hệ Thống Ngân Hàng
- Số Trường Hợp Bị Kết Án Về Tội Rửa Tiền Từ Năm 2006 – 2011 Ở Mỹ Bảng 1.1: Những Ngân Hàng Bị Chính Phủ Mỹ Cáo Buộc Liên Quan Đến
- Thực Trạng Hoạt Động Rửa Tiền Qua Hệ Thống Ngân Hàng Việt Nam
Xem toàn bộ 90 trang tài liệu này.
Nguyên tắc của rửa tiền là tạo ra một chuỗi các giao dịch nhằm mục đích che đậy nguồn gốc của các nguồn tiền có được từ các hoạt động phi pháp và làm cho chúng ngày càng xa nguồn gốc ban đầu. “Tiền bẩn” được chuyển từ tổ chức tài chính này sang tổ chức tài chính khác, vượt ra khỏi biên giới của quốc gia, vùng lãnh thổ để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của nó. Việc rửa tiền thường được tiến hành theo một chu trình cơ bản bao gồm 3 giai đoạn: phân phối, dàn trải, hội nhập.
Hình 1.1: Chu trình rửa tiền
- Giai đoạn phân phối: Phân phối nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp vào các định chế tài chính mà không bị phát hiện bởi các cơ quan luật pháp. Các tội phạm rửa tiền thực hiện đầu tư phân tán bằng cách chia các khoản “tiền bẩn” thành nhiều khoản tiền nhỏ dưới mức quy định phải khai báo nguồn gốc.
- Giai đoạn dàn trải: Tiền được chuyển từ tổ chức tài chính này sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của tiền. Thực chất đây là quy trình tạo ra một chuỗi các giao dịch nhằm mục đích che đậy các nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp và làm cho chúng ngày càng xa nguồn gốc ban đầu. Giai đoạn này có thể gồm rất nhiều giao dịch giữa các ngân hàng, giao dịch từ tài khoản này sang tài khoản khác với tên giao dịch khác nhau tại các ngân hàng khác nhau; hay gửi và rút tiền liên tiếp
với giá trị khác nhau; thay đổi loại tiền tệ, hay mua những món đồ đắt tiền (du thuyền, nhà, ô tô, kim cương) để chuyển tiền thành những mặt hàng khác. Đây là giai đoạn phức tạp nhất trong quá trình rửa tiền, mục đích khiến cho “tiền bẩn” càng khó theo dõi, càng khó lần ra nguồn gốc càng tốt.
- Giai đoạn hội nhập: Tiền được đầu tư vào những hoạt động kinh doanh hợp pháp. Tiền sẽ được phân phối trở lại vào nền kinh tế với nguồn gốc không thể tìm ra được dấu vết của chúng. Giai đoạn này được tiến hành bằng các hành vi tiêu dùng, đầu tư vào các doanh nghiệp và đầu tư tài chính. Thủ đoạn của những kẻ rửa tiền lúc đầu thường chuyển đổi sang chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo vỏ bọc uy tín, làm ăn có lãi, tài trợ từ thiện, đóng góp xây dựng hoặc mua bất động sản, mua ô tô đắt tiền, xây dựng các công trình…sau đó bán lại để thu tiền; hay đóng góp cổ phần vào các công ty lớn, sau đó chuyển nhượng cổ phần. Lúc này, chúng có thể sử dụng số tiền thu được một cách hợp pháp mà không bị truy tố. Rất khó để bắt kẻ rửa tiền trong giai đoạn này nếu không có đầy đủ giấy tờ và hồ sơ liên quan tới các giai đoạn trước của quá trình rửa tiền.
1.2 Ảnh hưởng của rửa tiền đối với nền kinh tế
Rửa tiền không trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng của con người, không trực tiếp làm mất đi tài sản của bất cứ cá nhân, gia đình nào. Do vậy, thoạt nhìn, rửa tiền có vẻ là vô hại, không có nạn nhân, không có tổn thất. Xét dưới một góc độ nào đó, nhiều ý kiến cho rằng rửa tiền cũng mang lại lợi ích, đặc biệt là đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển, chẳng hạn như rửa tiền sẽ làm tăng nguồn vốn đầu tư (có thể là nguồn vốn phi pháp) vào các nước đang phát triển, tạo cơ hội cho việc phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế (có thể mang tính chất nhất thời) ở các quốc gia này; rửa tiền sẽ làm cho tính thanh khoản được cải thiện đáng kể, giải quyết được bài toán cung – cầu ngoại tệ của quốc gia. Tuy nhiên, xét về bản chất, hành vi rửa tiền tác động rất lớn, rất nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực của xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế của các quốc gia đang phát triển, cụ thể:
- Làm mất sự kiểm soát các chính sách kinh tế: các sai sót của chính sách tài chính từ các thành phần kinh tế “ảo”. Dòng tiền bẩn được đổ vào thị trường theo ý của những kẻ rửa tiền, tạo nên những nhu cầu giả, và chính quyền phải đưa ra các chính
sách để cân bằng lại. Và khi những kẻ rửa tiền đã đạt được lợi nhuận theo ý muốn, hay khi bắt đầu bị chính quyền để mắt tới, chúng sẽ rút toàn bộ số tiền này về làm khuynh đảo nền kinh tế, gây mất ổn định trong toàn bộ nền kinh tế như hiện tượng tháo chạy vốn nước ngoài đã từng xảy ra ở Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á năm 1997.
- Làm suy yếu khu vực kinh tế tư nhân:
Các tổ chức tội phạm lợi dụng những khoản tiền bất hợp pháp đã được tẩy rửa để thâu tóm một cách hợp pháp các công ty kinh doanh trong nước, kể cả các ngân hàng và biến những tổ chức này thành công cụ rửa tiền. Quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức làm ăn chính đáng bị xói mòn và không được bảo vệ bình đẳng.
Những doanh nghiệp nhỏ làm ăn hợp pháp không thể cạnh tranh lại được với các doanh nghiệp rửa tiền, do các doanh nghiệp này bán hàng với giá rẻ hơn nhiều vì mục đích chính của chúng là rửa tiền chứ không phải là thu lợi nhuận từ việc bán hàng. Họ vẫn thu được món lời lớn ngay cả khi bán hàng với giá thấp hơn giá cả thực của mặt hàng đó.
- Làm suy yếu nền kinh tế thực: Rửa tiền có tác dụng tiêu cực trực tiếp và lớn hơn lên tăng trưởng của nền kinh tế thực thông qua việc chuyển hướng các nguồn lực khan hiếm đến các khu vực/hoạt động ít hiệu quả hơn. Tiền sau khi "rửa" thường được đầu tư vào những nơi không tạo ra thêm nhiều giá trị thặng dư như bất động sản, đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức và ô tô sang. Nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ này hay đầu tư vào những ngành không tạo giá trị thặng dư có tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Rửa tiền sẽ làm tăng tội phạm, đặc biệt là tăng tình hình tham nhũng - một vấn đề khá phức tạp tại Việt Nam hiện nay. Mục đích của bọn tội phạm, đặc biệt là tội tham nhũng là tạo ra nhiều tiền, tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, việc sử dụng số tiền, số lợi nhuận có được từ việc phạm tội, từ việc tham nhũng là một bài toán hóc búa, dễ bị phanh phui, vạch trần hành vi vi phạm. Rửa tiền thành công giúp cho bọn tội phạm vừa sử dụng được nguồn tiền đã chiếm được, vừa né trách sự vạch trần, phanh phui hành vi vi phạm. Tội phạm rửa tiền có thể biến các doanh nghiệp lành mạnh thành nơi phục vụ
chủ yếu mục đích rửa tiền chứ không phải là theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận
hợp pháp, dẫn đến giảm tăng trưởng.
- Rửa tiền sẽ làm suy yếu các TCTC, gây nguy hại cho sự lành mạnh của hệ thống tài chính của một đất nước cũng như sự ổn định cho từng TCTC. Những hậu quả đó được coi là rủi ro đối với uy tín, nghiệp vụ, pháp lý và rủi ro tập trung đều có mối quan hệ qua lại với nhau. Mỗi rủi ro đều gây ra những chi phí cụ thể:
Mất đi hoạt động kinh doanh sinh lợi
Những vấn đề về tính thanh khoản do việc rút tiền gây ra
Cắt đứt các cơ sở ngân hàng đại lý
Các chi phí điều tra và tiền phạt
Thu giữ tài sản
Tổn thất cho vay
Giảm giá trị cổ phiếu của các TCTC
Rủi ro về uy tín là một loại rủi ro tiềm ẩn, ở đó công chúng biết về các khía cạnh bất lợi trong các phương pháp kinh doanh và những mối liên kết của ngân hàng. Dù điều đó có chính xác hay không thì cũng sẽ làm mất niềm tin vào tính liêm chính của tổ chức đó. Khách hàng, cả người vay tiền lẫn người gởi tiền cũng như các nhà đầu tư sẽ ngừng kinh doanh với một tổ chức mà uy tín đã bị hủy hoại bởi sự nghi ngờ hoặc những lập luận thiếu căn cứ về rửa tiền. Việc mất những khách hàng vay tiền có phẩm chất cao sẽ làm giảm các khoản cho vay sinh lợi và làm tăng rủi ro của toàn bộ danh mục vốn cho vay. Việc những người gởi tiền rút tiền gởi ra khỏi các TCTC sẽ làm giảm nguồn tài trợ với chi phí thấp. TCTC lại càng không thể dựa vào những khoản tiền gởi của những kẻ rửa tiền để làm nguồn cấp vốn ổn định. Những khoản tiền lớn sau khi được rửa thường bị bất ngờ rút ra khỏi TCTC thông qua lệnh chuyển tiền điện tử hoặc những phương tiện chuyển tiền khác, từ đó gây ra những vấn đề tiềm ẩn về tính thanh khoản.
Rủi ro nghiệp vụ cũng tiềm tàng do những thất thoát bắt nguồn từ các quy trình nội bộ không đầy đủ, từ con người và hệ thống hoặc từ những sự kiện ngoại sinh. Những thất thoát xảy ra khi các TCTC phải gánh chịu tình trạng giảm, ngừng hoặc tăng chi phí
đối với các dịch vụ liên ngân hàng hoặc các dịch vụ giao dịch ngân hàng; chi phí vay vốn và chi phí cấp vốn tăng lên.
Rủi ro pháp lý cũng tiềm ẩn do những vụ kiện, phán quyết bất lợi của tòa án, hợp đồng không thể thực hiện được, tiền phạt và các hình phạt khác sẽ gây ra thua lỗ, làm tăng chi phí thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản của TCTC.
Rủi ro tập trung bắt nguồn từ rủi ro do có quá nhiều khoản tín dụng hoặc vốn cho vay tập trung vào một khách hàng vay. Những quy định pháp luật thường hạn chế rủi ro về tập trung vốn vay vào một khách hàng hay một nhóm khách hàng có liên quan. Việc thiếu hiểu biết về khách hàng, hoạt động kinh doanh của khách hàng đó hoặc mối quan hệ của khách hàng này với những khách hàng vay vốn khác là rủi ro thực sự nếu những đối tác có liên quan với nhau, những người vay vốn có quan hệ với nhau và cùng thu nhập chung hoặc tài sản chung. Tổn thất vốn vay cũng bắt nguồn từ những hợp đồng không khả thi hoặc những hợp đồng được ký với những nhân vật hư cấu.
Các ngân hàng và các chủ tài khoản ngân hàng sẽ được bảo vệ khi ngân hàng có sẵn các hệ thống hữu hiệu về sự chú ý xác đáng khách hàng và nhận dạng chủ sở hữu hưởng lợi.
- Tác động tiêu cực đến hoạt động ngoại thương và lưu chuyển vốn: Rửa tiền có thể dẫn đến sự méo mó về ngoại thương, với nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ tăng mạnh nhờ tiền đã được rửa. Rửa tiền còn dẫn đến “chảy máu” vốn ra nước ngoài dưới bàn tay điều khiển của các tổ chức tài chính nội địa và/hoặc nước ngoài trong các đường dây rửa tiền xuyên quốc gia, dẫn đến khan hiếm vốn ngoại tệ thiết yếu cho các hoạt động kinh tế nội địa.
- Làm giảm uy tín quốc gia và giảm đầu tư nước ngoài: Khi một quốc gia không kiểm soát được vấn nạn rửa tiền thì đồng nghĩa với việc quốc gia đó không có hệ thống tài chính minh bạch; không có hệ thống pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh; các con số thống kê tài chính của quốc gia bị bóp méo, không phản ánh đúng bản chất thực tế. Do vậy, các tuyên bố của quốc gia về tình hình tài chính gần như bị nghi ngờ về độ chính xác. Đồng nghĩa với việc giảm uy tín quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài luôn phải đặt dấu chấm hỏi trước khi quyết định bỏ vốn đầu tư vào một nước có tình hình tài chính không ổn định. Họ luôn e dè bởi họ luôn phải đối mặt với nguy cơ không có khả năng
thu hồi vốn, đặc biệt là việc tiếp cận với những nguồn vốn viện trợ, những khoản vay nợ nước ngoài với điều kiện ưu đãi hầu như là không thể đối với các quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm kém, các quốc gia không tuân thủ phòng, chống rửa tiền.
- Ngăn cản hội nhập quốc tế: trong bối cảnh hội nhập nhiều vấn đề đã trở thành thách thức toàn cầu như bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phòng chống dịch bệnh, chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức, bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó có đấu tranh phòng, chống rửa tiền luôn được quan tâm hàng đầu. Tiêu chí để đánh giá một quốc gia tích cực đấu tranh phòng chống rửa tiền là quốc gia đó phải đạt được các tiêu chí sau:
Công nhận và tham gia ký kết các công ước quốc tế về phòng, chống rửa tiền
Có hệ thống phòng, chống rửa tiền được xây dựng trên cơ sở 40 + 9 khuyến nghị của FATF
Có tổ chức chuyên trách về đấu tranh phòng chống rửa tiền và tổ chức tốt cuộc
đấu tranh này.
1.3 Hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng
1.3.1 Khái niệm rửa tiền qua hệ thống ngân hàng
Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng là việc lợi dụng những kẻ hở trong các quy định giao dịch, cho vay của ngân hàng để thực hiện tẩy rửa tiền. Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng là một trong những phương thức mà bọn tội phạm thường sử dụng vì ưu điểm nổi bật của phương thức ngày là nếu thực hiện trót lọt, dấu vết của đồng “tiền bẩn” gần như được xóa bỏ hoàn toàn. Đồng tiền đội lốt hợp pháp được bổ sung vào dòng chảy vốn của nền kinh tế một cách tự nhiên. Hơn nữa trên thế giới hầu như nước nào cũng có hệ thống ngân hàng. Càng ở những nước có quy định về phòng, chống rửa tiền còn sơ khai, việc lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền càng thuận lợi hơn.
1.3.2 Các dấu hiệu nhận biết rửa tiền qua hệ thống ngân hàng
Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng là một trong những phương thức mà bọn tội phạm thường sử dụng vì khả năng giao dịch lớn và đồng tiền qua ngân hàng sẽ trở thành “tiền sạch”, từ đó có thể giao dịch đến bất kỳ đâu mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ nào về tính hợp pháp của chúng. Tuy nhiên, để có thể rửa tiền qua kênh này, bọn
tội phạm thường sử dụng các thủ thuật hết sức tinh vi. Do vậy, việc đưa các dấu hiệu nhận biết rửa tiền qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết.
Một số dấu hiệu nhận biết các giao dịch đáng ngờ mà bọn tội phạm sử dụng để rửa tiền
như sau:
- Khách hàng yêu cầu thực hiện các giao dịch có liên quan tới các tổ chức, cá nhân thuộc danh sách đen, danh sách cảnh báo bao gồm các giao dịch mà khách hàng hoặc các bên có liên quan thuộc các danh sách sau:
Danh sách đen: là danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố do Bộ Công An chủ trì lập theo quy định của pháp luật
Danh sách cảnh báo: là danh sách tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước lập nhằm cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền
- Thông qua thông tin về khách hàng: khách hàng có thái độ miễn cưỡng khi cung cấp các thông tin, chứng từ theo quy định của ngân hàng; hạn chế cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật.
- Thông qua tính chất, đặc điểm của giao dịch:
Các giao dịch không mang lợi ích về mặt kinh tế: các giao dịch này thường có đặc điểm là không phù hợp với các hoạt động thông thường của khách hàng. Ví dụ như việc sử dụng thư tín dụng và một số biện pháp tài chính thương mại để chuyển tiền từ quốc gia này sang sang quốc gia khác. Tuy nhiên, việc chuyển tiền này không phù hợp với hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng. Một trường hợp điển hình khác là các giao dịch qua các tài khoản mà trước đó hầu như không có giao dịch nào, nhưng hiện tại lại có rất nhiều giao dịch một cách bất thường mà chủ tài khoản không đưa ra được sự giải thích hợp lý cho việc liên tục sử dụng tài khoản ở mức độ cao
Các giao dịch gồm nhiều khoản tiền mặt giá trị lớn:
Mua hoặc bán ngoại tệ bằng tiền mặt với số lượng lớn cho dù khách hàng có tài khoản trong ngân hàng
Thường rút tiền mặt từ tài khoản với số lượng lớn mà số tiền này dường như không phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của khách hàng