Cơ Sở Lý Luận Về Năng Lực Cạnh Tranh Trong Kinh Doanh Du Lịch


Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG KINH DOANH DU LỊCH VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU


2.1. Cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch


2.1.1. Quan điểm về cạnh tranh


Thuật ngữ “cạnh tranh” hoặc “năng lực cạnh tranh” (tiếng Anh thường sử dụng là competitiveness) được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về cạnh tranh. Trong nghiên cứu này, khái niệm cạnh tranh được nghiên cứu dưới hai quan niệm cổ điển và hiện đại.

2.1.1.1. Quan điểm cạnh tranh cổ điển

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.


Các quan điểm cạnh tranh cổ điển xuất phát từ thế kỷ 17, đến cuối thế kỷ 18 mới phát triển mạnh mẽ, gắn liền tên tuổi của một số nhà kinh tế học như Adam Smith, David Ricardo, Jhon Stuart Mill, Karl Marx.… Dưới đây là một số cách tiếp cận khác nhau theo quan điểm cạnh tranh cổ điển:

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại Tiền Giang - 5

- Tự do cạnh tranh: Theo Smith A., cạnh tranh có thể phối hợp các hoạt động kinh tế một cách nhịp nhàng và có lợi cho xã hội. Tự do cạnh tranh thôi thúc cá nhân thực hiện các công việc một cách tốt hơn và năng suất hơn, khơi dậy nỗ lực của con người và làm cho của cải của quốc gia tăng lên. Bên cạnh đó, theo Smith A., cạnh tranh còn có tác dụng nâng cao năng lực lao động, điều tiết, phân phối các yếu tố tư bản một cách hợp lý [34, tr.16,18].

- Tương tự, theo Mill J.S., cá nhân có chủ quyền đối với mình, đối với thân thể, tư tưởng của mình với điều kiện không làm phương hại đến bất kỳ ai [34, tr.18- 19]. Quan điểm của Mill J.S. về cạnh tranh là, các công ty có quyền tự do cạnh tranh nhưng không được đưa lợi ích cá nhân, quyền lợi của công ty lên trên giá trị đạo đức kinh doanh, đạo đức xã hội. Giống như Smith A., Mill J.S. cũng đề cao tự


do cá nhân, tuy nhiên Mill cho rằng, xã hội có quyền sử dụng vũ lực để ngăn ngừa cá nhân gây ra hậu quả xấu.

- Mục đích cạnh tranh: Theo Mác – Lê nin, “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh về kinh tế giữa các chủ thể tham gia sản xuất – kinh doanh với nhau nhằm giành những điều kiện thuận lợi trong sản xuất – kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ để thu được nhiều lợi ích cho mình. Mục tiêu của cạnh tranh là giành lợi ích, lợi nhuận lớn nhất, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của chủ thể tham gia cạnh tranh” [11, tr.65].

- Phương thức cạnh tranh: Theo Từ điển Kinh tế Kinh doanh Anh – Việt (2002), “Cạnh tranh là sự đối địch giữa các hãng kinh doanh trên cùng một thị trường để giành được nhiều khách hàng, do đó thu được nhiều lợi nhuận hơn cho bản thân,…” [7, tr.115].

Mặc dù các khái niệm về cạnh tranh chưa được thống nhất, nhưng nội hàm cạnh tranh theo quan niệm cổ điển đều phản ánh:

- Cạnh tranh là phối hợp các hoạt động kinh tế nhằm có lợi cho xã hội. Tự do cạnh tranh giúp cá nhân thực hiện công việc tốt hơn và tăng năng suất hơn, từ đó làm cho của cải của quốc gia tăng lên. Tuy nhiên, cạnh tranh diễn ra trong một môi trường cụ thể, có sự ràng buộc chung mà các bên tham gia phải tuân thủ: đạo đức kinh doanh, khuôn khổ pháp lý.

- Cạnh tranh phản ánh mối quan hệ đối kháng diễn ra trên thị trường giữa những chủ thể có cùng mục đích, nhằm giành cho mình lợi ích nhiều hơn so với các chủ thể khác. Cạnh tranh cũng nhằm mục đích nâng cao vị thế của người này và làm giảm vị thế của những người khác.

- Các chủ thể tham gia cạnh tranh có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau: cạnh tranh bằng giá bán các sản phẩm/ dịch vụ, cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng tốt… (ví dụ: giá bán các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp rẻ hơn so với


giá bán các sản phẩm/ dịch vụ cùng loại của đối thủ, chất lượng sản phẩm tốt hơn so với đối thủ)

Như vậy, cạnh tranh là hiện tượng phổ biến trong tự nhiên, xã hội, kinh tế. Bản chất của cạnh tranh là tối đa hóa lợi nhuận [3, tr.29]. Nó là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Theo quan điểm cạnh tranh cổ điển, cạnh tranh xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa, nhằm gia tăng của cải cho xã hội. Cạnh tranh cũng là sự tranh giành lợi ích, lợi nhuận lớn nhất, đảm bảo sự tồn tại của các đối thủ tham gia cạnh tranh. Mục đích của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là giành cho mình lợi ích nhiều hơn so với các đối thủ, đồng thời, nâng cao vị thế của mình, và làm giảm vị thế của đối thủ.

2.1.1.2. Quan điểm cạnh tranh hiện đại


Quan điểm cạnh tranh hiện đại xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX, các nhà kinh tế học cho rằng, cạnh tranh không còn là quá trình tĩnh, mà chuyển sang giai đoạn biến động. Theo đó, giá cả hàng hóa và các yếu tố sản xuất do cung cầu thị trường quyết định, kế đến, toàn cầu hóa đã buộc các quốc gia phải thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dịch dần từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Vì thế, lợi thế cạnh tranh bằng nguồn tài nguyên, thiên nhiên sẽ dần mất đi; Lợi thế cạnh tranh bằng nguồn nhân lực, công nghệ chất lượng cao… sẽ dần chiếm ưu thế. Trong quan điểm cạnh tranh hiện đại, đề tài này nghiên cứu hai trường phái: Học thuyết cạnh tranh của Porter M., và học thuyết cạnh tranh theo quan điểm “hài hòa” của một số tác giả.

1) Quan điểm cạnh tranh của Porter M.


Trong “Lợi thế cạnh tranh”, Porter M. (1998) cho rằng, cạnh tranh là vấn đề cơ bản quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Cạnh tranh cũng xác định tính phù hợp của các hoạt động của doanh nghiệp như: việc cải tiến sản


phẩm, liên kết hoặc thực hiện đúng đắn chiến lược đề ra, qua đó xác định được sự thành bại của doanh nghiệp [20, tr.31].

Theo Porter M. (1996), cạnh tranh trong một ngành diễn ra liên tục là để kéo tỷ lệ lợi nhuận thu được từ vốn đầu tư về phía lợi nhuận sâu hoặc tỷ lệ lợi nhuận kiếm được ở một ngành “cạnh tranh hoàn hảo” [23, tr.28]. Do đó, bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp đang có. Kết quả quá trình cạnh tranh là số bình quân hóa lợi nhuận trong ngành theo chiều hướng cải thiện sâu dẫn đến hệ quả giá cả có thể giảm đi. Yếu tố giá cả là hình thức cạnh tranh thường được các bên tham gia áp dụng, khi một doanh nghiệp hạ giá, các đối thủ sẽ nhanh chóng và dễ dàng bắt chước các hành động giảm giá. Bên cạnh đó, tính dị biệt của sản phẩm cũng là yếu tố tạo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp: doanh nghiệp tạo ra những tiện ích độc đáo bằng sự khác biệt hóa của sản phẩm, dịch vụ làm tăng giá trị, nên khách hàng chấp nhận một mức giá cao hơn và vượt trội so với chi phí tăng thêm [23, tr.34-35; 47; 48].

Tiếp đó, trong cuốn sách “Lợi thế cạnh tranh quốc gia”, Porter M. (1998) luận giải, cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ trong nước trong nhiều ngành là cần thiết để kích thích quá trình đổi mới và nâng cấp lợi thế cạnh tranh. Cạnh tranh nội địa sẽ giúp vượt qua sự trì trệ thông qua việc tạo áp lực thất bại. Cạnh tranh tích cực giữa các doanh nghiệp trong nước cũng có hiệu ứng lan tỏa quan trọng đến các nhân tố quyết định khác [21, tr.796].

Porter M. (1998), trong “Lợi thế cạnh tranh”, đã đề xuất mô hình lực lượng cạnh tranh: sự gia nhập, sự đe dọa của các sản phẩm thay thế, quyền lực của người mua, sức mạnh mặc cả của khách hàng, sức mạnh của nhà cung cấp, và cuộc cạnh tranh của các đối thủ hiện có. Toàn bộ năm lực lượng cạnh tranh này kết hợp với nhau xác định cường độ cạnh tranh và mức lợi nhuận của ngành. Tất cả năm yếu tố này cùng quyết định cường độ cạnh tranh và mức lợi nhuận trong ngành và yếu tố mạnh nhất sẽ đóng vai trò thống trị và trở nên quan trọng đối với việc hoạch định chiến lược [20, tr. 37, 38].


Quan điểm cạnh tranh trong “Chiến lược cạnh tranh” của Porter M. (1998), là cạnh tranh giữa những đối thủ hiện tại, cạnh tranh để ganh đua vị trí, vị thế của mình trong thị trường. Trong quá trình cạnh tranh với nhau, để giành lợi thế về phía mình, các chủ thể phải sử dụng những chiến thuật như cạnh tranh về giá, chiến tranh quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, tăng cường các dịch vụ khách hàng hoặc bảo hành, sự khác biệt. Cạnh tranh xảy ra bởi vì các đối thủ hoặc là cảm thấy áp lực, hoặc là nhìn thấy cơ hội cải thiện vị trí. Trong một số ngành, cụm từ cạnh tranh được sử dụng như “chiến tranh”, “cay đắng”, “cắt cổ”, trong khi trong những ngành khác, cạnh tranh lại diễn ra “lịch sự” hay “ôn hòa” [22, tr.52].

Tuy nhiên, quan điểm của Porter M. không phải lúc nào cũng được một số tác giả đồng tình, chẳng hạn về chiến lược giá cả, giáo sư Scott Hoenig của đại học Fordham (New York) cho rằng, giá cả không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Tập quán mua sắm, uy tín của thương hiệu, ảnh hưởng của quảng cáo và nhiều yếu tố khác, đã góp phần thúc đẩy người mua quyết định việc mua sắm một sản phẩm hay dịch vụ đặc thù nào đó chứ không phả là yếu tố giá cả [5, tr.10]. Ngoài ra, để giảm giá thành sản phẩm so với thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm chi phí, cắt giảm các dịch vụ hậu mãi… điều này dễ làm cho khách hàng hiểu “hàng giá rẻ, kém chất lượng”. Hơn nữa, một khi doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, các đối thủ cũng sẽ tung ra những sản phẩm cùng loại nhưng rẻ hơn sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng quan điểm trên, Cerovic S. và Batic S. (2008), cho rằng, “năng lực cạnh tranh thể hiện khả năng cung cấp giá trị nhận thức cao trong thị trường, do đó làm vô hiệu thường xuyên áp lực tiêu cực của năm lực lượng cạnh tranh” [50, tr.134]. Và như vậy, nếu thị trường thiếu cạnh tranh hoặc có biểu hiện độc quyền thì sẽ bị trì trệ và kém phát triển, do đó không thể dùng mô hình “5 yếu tố” của Michael Porter để phân tích.

2) Quan điểm cạnh tranh “kinh tế hài hòa”


Quan điểm cạnh tranh này được xây dựng trên cơ sở của vật lý học của thế kỷ 19 với chủ trương “kinh tế hài hòa”. Theo PGS.TS Trần Văn Tùng (2004), giá cả


hàng hóa và các yếu tố sản xuất do cung cầu thị trường quyết định. Hành vi có tính toán trên thị trường về phía cầu là người tiêu dùng tìm cách được thỏa mãn tối đa. Về phía cung, là người sản xuất chạy theo lợi nhuận tối đa. Giá cả biến động làm cho cung cầu cân bằng [34, tr.35].

Mechida P. và các tác giả (2010) cho rằng, cạnh tranh là một khái niệm rộng, được nhận xét, đánh giá từ những quan điểm khác nhau. Từ góc độ vĩ mô, năng lực cạnh tranh được xem là sự quan tâm của quốc gia và mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập thực tế cho cộng đồng. Từ góc độ vi mô, năng lực cạnh tranh được đánh giá dưới mức độ doanh nghiệp, để cạnh tranh, doanh nghiệp phải cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng, khách hàng sẵn lòng trả tiền cho một sản phẩm/dịch vụ mà họ cho là hợp lý [83, tr.222].

Theo Tôn Thất Nguyễn Thiêm (2005), “Cạnh tranh trong thương trường không phải là diệt trừ đối thủ của mình mà chính là phải mang lại cho khách hàng những giá trị gia tăng cao hơn hoặc/ và mới lạ hơn để khách hàng lựa chọn mình chứ không phải các đối thủ cạnh tranh của mình”. Ông luận giải, không ít doanh nghiệp nhằm tưởng rằng cạnh tranh chỉ có nghĩa đơn thuần là loại trừ đối thủ cạnh tranh, do đó họ mới sa vào việc cạnh tranh không lành mạnh, nghĩa là dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, từ dựa dẫm thế quyền đến ám hại cá nhân, nhằm tạo cho mình một thế độc tôn trên thị trường để khách hàng không thể có lựa chọn nào khác [28, tr.117, 118]. Tôn Thất Nguyễn Thiêm quan niệm, trên thị trường, nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì không phải cứ nghĩ đến cạnh tranh mà còn phải nghĩ đến việc liên kết với các doanh nghiệp khác, tức là: “cạnh tranh là để mang đến cho thị trường và khách hàng giá trị gia tăng cao hơn các doanh nghiệp khác và liên kết với các doanh nghiệp khác để cùng nhau có được giá trị gia tăng cao hơn so với giá trị gia tăng doanh nghiệp đạt được nếu doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ”, và “cạnh tranh trước hết là phải cạnh tranh với chính mình nhằm vượt lên trên chính mình để năng lực lõi và tay nghề của mình luôn luôn được nâng cao, tạo điều kiện để sự liên kết là một lựa chọn chứ không phải là điều bắt buộc”. Theo ông, quán triệt ba


nguyên tắc trên của cạnh tranh và liên kết thì mới hiểu được ý nghĩa của khái niệm “Win – Win” (hai bên đều thắng), tức là Co-Marketing – Cùng nhau tiếp cận thị trường [28, tr. 296, 297-298].

Quan điểm của Kim W.C. và Mauborgne R. (2007), Học viện Insead (Pháp), trong một không gian thị trường tồn tại hai loại đại dương: đại dương đỏ đại dương xanh. Đại dương đỏ tượng trưng cho các ngành hiện đang tồn tại. Đây là khoảng thị trường đã được xác lập. Đại dương xanh bao gồm tất cả những ngành hiện chưa tồn tại. Đó là khoảng trống thị trường chưa được biết đến. Trong đại dương đỏ, các công ty tìm cách vượt trội hơn so với đối thủ của mình để nắm được thị phần lớn hơn. Khi ngày càng có đông người tham gia vào khoảng thị trường này, khả năng thu lợi nhuận cũng như triển vọng tăng trưởng càng giảm xuống. Trái lại, đại dương xanh được xác lập bởi những khoảng thị trường chưa được khai thác, bởi những nhu cầu mới được tạo ra và cơ hội cho sự tăng trưởng mang lại lợi nhuận cao. Trong “đại dương xanh”, sự cạnh tranh là không cần thiết bởi vì luật chơi còn chưa được thiết lập. Theo quan điểm này, cạnh tranh không phải là đối đầu, tiêu diệt lẫn nhau để dẫn đến một“đại dương đỏ”, mà cạnh tranh là tìm đến những khoảng trống thị trường chưa được khám phá, đầy giá trị tiềm năng, còn vô số cơ hội phát triển hứa hẹn lợi nhuận cao [16, tr.13,14].

Fried J. và Hasson D.H. (2010), trong “Khác biệt để bức phá” nhấn mạnh, thay vì cạnh tranh, các doanh nghiệp nên tập trung vào bản thân và tự hoàn thiện mình. Việc chú tâm quá nhiều vào đối thủ cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp bị nhòe tầm nhìn của chính mình, từ đó sẽ mất đi cơ hội tìm ra những sản phẩm/ dịch vụ mới lạ [9, tr.175-176].

Từ các quan điểm của các lý thuyết cạnh tranh “kinh tế hài hòa” nêu trên, cho thấy, cạnh tranh không phải là “đối đầu và hủy diệt” lẫn nhau của các chủ thể (đối thủ tham gia cạnh tranh), và giá cả không còn là yếu tố quyết định tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Cạnh tranh theo quan điểm này có thể được hiểu là: sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, đồng thời tạo ra sự khác biệt


về sản phẩm do mình cung cấp so với đối thủ, nhằm thích ứng với môi trường kinh doanh, là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp, và cho sự phát triển chung của xã hội. Thông qua cạnh tranh, các chủ thể tham gia xác định cho mình những điểm mạnh, điểm yếu cùng với những cơ hội và thách thức trước mắt và trong tương lai, để từ đó có những hướng đi có lợi nhất cho mình khi tham gia vào quá trình cạnh tranh, đồng thời tìm kiếm và khai thác những khoảng trống thị trường chưa được khám phá (đại dương xanh), để cùng nhau tồn tại và phát triển.

2.1.2. Năng lực cạnh tranh


Tsai H. và các tác giả (2009), cho rằng, nghiên cứu năng lực cạnh tranh được cho là bắt đầu từ hội thảo về năng lực cạnh tranh của các quốc gia bởi Porter (1990), người đã định nghĩa năng lực cạnh tranh quốc gia như là kết quả của khả năng của một quốc gia để đạt được các sáng tạo hoặc duy trì vị trí lợi thế qua các quốc gia khác trong các ngành công nghiệp trọng điểm [92, tr.523].

Tiếp theo, Vodeb K. (2012), nhận định:“Theo Wei-Chang Hong (2008), có hơn 4,000 ấn phẩm liên quan đến năng lực cạnh tranh được xuất bản trong các tạp chí giai đoạn 1985 – 2006” [96, tr.51].

Ferreira J. và Estevão C. (2009), phân tích, thế giới ngày càng toàn cầu hóa, cạnh tranh là điều tất yếu, do đó các công ty phải phát triển một chiến lược quản lý nhằm tuân theo sự phức tạp của môi trường, xu hướng và năng lực cạnh tranh của thị trường để đạt được lợi thế cạnh tranh [67, tr.8].

Thuật ngữ “năng lực cạnh tranh”, “khả năng cạnh tranh”, được sử dụng rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị… Trong những năm gần đây, thuật ngữ năng lực cạnh tranh cũng đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, càng ngày càng có nhiều nghiên cứu về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch như nghiên cứu về năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, nghiên cứu các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch của: Buhalis (2000), Crouch và Ritchie (1995; 1999),

Xem tất cả 219 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí