Con Đường Thơ Tố Hữu Từ Tập Thơ Từ Ấy Sang Tập Thơ Việt Bắc


của nhân dân, trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam kháng chiến. Hoài Thanh nhận xét:" Con người kháng chiến lo lắng, hồi hộp, chờ đợi, hy vọng, phấn khởi, sống dồn trong một hai năm nhiều hơn những cuộc sống nhạt kéo dài trong hàng thế kỉ. Do đó thấy cần phải có thơ. Các nhà thơ làm thơ, anh cán bộ chính trị, anh thông tin, anh đội viên binh nhì, các chị phụ nữ, các em thiếu nhi, hết thẩy đều làm thơ. Hầu hết những con người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến, trong một cuốn sổ tay nào đó cũng có ít bài thơ, trong các buổi họp mặt, các buổi liên hoan... trên báo tay, báo tường, thơ có khi lại còn nhiều hơn văn xuôi và thơ cũng là phần được công chúng những tờ báo ấy đọc nhiều hơn cả. Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ, cùng hòa điệu".

Phong trào sáng tác thơ, ca dao, hò, vè của quần chúng phát triển sôi nổi và rộng khắp: Có thơ của từng giới, từng ngành; có thơ bộ đội, thơ dân công, thơ quân giới, thơ nông binh…; thơ kết thành từng mảng đề tài: thơ phát động, thơ trong chiến dịch sông Thao, thơ chiến dịch Điện Biên Phủ… Phong trào thơ quần chúng là cái nền vững chắc của thơ kháng chiến, là điểm tựa vạm vỡ nâng đỡ cho mọi tìm tòi của nhà thơ. Hướng đi của thơ kháng chiến là nhằm theo cái hướng sống chắc nịch được thể hiện giản dị và lành mạnh trong thơ ca quần chúng.

Trong phong trào thơ ca quần chúng nổi bật lên vai trò thơ bộ đội, thơ “đội viên”, thơ của những người lính thực sự. Thơ trở thành một công cụ tự nhận thức, tự giáo dục, trở thành một hình thức tuyên truyền đầy sức mạnh, khi người đội viên, chiến sĩ, chủ yếu là những người lính nông dân ý thức được bản thân mình, cũng ý thức được quyền làm chủ của mình. Và trong sinh hoạt, thơ bộ đội đã diễn ra sự giao thoa và đan kết kỳ lạ giữa cuộc sống và văn thơ, giữa ý thức tự giác và bản năng sáng tạo hồn nhiên, giữa chức năng giáo dục và chức năng giải trí, giữa yêu cầu kháng chiến hóa văn hóa và yêu cầu văn hóa hóa kháng chiến mà Hồ Chủ tịch đã đúc kết thành phương châm. Trong những năm đầu của nền thơ


ca dân chủ cộng hòa trẻ tuổi, thơ bộ đội, thơ của người lính là một phong trào thơ sôi nổi mạnh mẽ, đóng vai trò khai phá, xung kích của nền thơ kháng chiến.

Phương châm dân tộc hoá, đại chúng hóa là xu hướng mà nhiều nhà thơ đã tìm đến ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến và nó sớm trở thành khuynh hướng chủ đạo trong thơ ca giai đoạn này, đã thu hút nhiều cây bút thuộc nhiều thế hệ khác nhau.

Thế hệ nhà thơ trước Cách mạng Tháng Tám cũng chuyển hẳn sang viết những bài thơ theo lối thơ đại chúng. Xuân Diệu có Bà cụ mù lòa, Tặng làng Còng và tập thơ Mẹ con được viết trong thời gian đi tham gia phát động quần chúng ở Thanh Hóa. Chế Lan Viên viết Bữa cơm thường trong bản nhỏ, Nhớ lấy để trả thù. Lưu Trọng Lư dựa trên các điệu dân ca hát giặm, để viết những bài O tiếp tế, Tiếng hát tăng gia, Ngò cải đơm hoa... Nguyễn Bính ở Nam Bộ có hai bài thơ dài Đồng Tháp Mười Ông lão mài gươm. Tế Hanh kể chuyện Người đàn bà Ninh Thuận…Ở thế hệ nhà thơ này diễn ra bước ngoặt chuyển biến với rất nhiều dằn vặt đớn đau của một qúa trình “lột xác”. Mỗi nhà thơ đều gánh vác những công tác kháng chiến với tinh thần công dân tích cực. Những chuyến đi cùng dân công, cùng bộ đội, những đợt tham gia đấu tranh giảm tô và cải cách ruộng đất, phương châm “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt” được hưởng ứng một cách tự giác, đã từng bước làm chuyển biến tư tưởng và tình cảm nhà thơ, tuy nhanh chậm khác nhau. Nhìn chung, ở lớp nhà thơ này, quá trình nghiền ngẫm tìm tòi để đổi mới hồn thơ còn kéo dài trên suốt chặng hành trình kháng chiến, có người viết nhiều, viết khỏe nhưng chưa thật nhuần nhuyễn; có người viết còn cầu kỳ, rắc rối; có người viết rất ít, hoặc gần như im lặng. Điều nhận ra ở đây là thơ của họ đã đến với cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng một cách chân thành. Tuy thành quả chưa nhiều, nhưng mỗi nhà thơ đều có những bài thơ có ý nghĩa đánh dấu sự chuyển biến của nhận thức, xúc cảm và bút pháp, góp phần vào thành tựu chung của thơ ca cách mạng.


Bộ phận các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến sớm từng bước khẳng định sức sáng tạo của mình. Họ đã đến được với tiếng nói trữ tình của quần chúng và đóng góp cho thơ kháng chiến nhiều tác phẩm tiêu biểu. Hoàng Trung Thông với tập Quê hương chiến đấu, Trần Hữu Thung với Đồng tháng năm Dặn con, Minh Huệ với bài Đêm nay Bác không ngủ, Hồng Nguyên với Nhớ, Hồ Vi với Lời quê... Các nhà thơ dân tộc thiểu số như Nông Quốc Chấn, Bàn tài Đoàn, và nhiều nhà thơ khác đã đem đến cho thơ kháng chiến tiếng thơ độc đáo, hồn nhiên, mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc... Phần lớn trong số họ được rèn luyện và trưởng thành từ công tác kháng chiến, từ phong trào văn nghệ quần chúng. Thực tế lớn lao của kháng chiến, vẻ đẹp lớn lao của những con người đánh giặc là cảm hứng chủ đạo, thôi thúc họ cầm bút với những trang viết tràn đầy cảm xúc về tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu quê hương, tinh thần chiến đấu, trách nhiệm công dân và lòng trung thành với Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Thơ kháng chiến tập trung biểu hiện những tình cảm cộng đồng và tinh thần công dân mà bao trùm là tình yêu nước, với những biểu hiện phong phú, thấm sâu vào mọi mặt trong đời sống của con người kháng chiến. Thế giới của cái"tôi" trở nên chật hẹp, thậm chí bị coi là lạc lõng, vô nghĩa khi nó không hòa nhập vào cái "ta" cộng đồng. Con người kháng chiến sống với những biến cố dữ dội, những sự kiện lịch sử, những rung động mạnh mẽ và mới lạ, họ chỉ thực sự tìm thấy sức mạnh, niềm vui và niềm tin tưởng ở trong đội ngũ đông đảo của tập thể, của giai cấp và dân tộc.

Cách mạng không chỉ giải phóng cho đông đảo quần chúng nhân dân mà còn phải dựa hẳn vào lực lượng quần chúng, phát huy sức mạnh vĩ đại và tiềm năng cách mạng của quần chúng để thực hiện những sự nghiệp lớn. Quần chúng nhân dân, mà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp chủ yếu là công nông binh, đã trở thành nhân vật chính yếu của lịch sử, do đó trở thành những nhân vật chủ chốt và tiêu biểu của nền văn học mới. Trong thơ kháng chiến, hình ảnh con

Giá trị và vị trí tập thơ Việt Bắc trong hành trình thơ Tố Hữu - 3


người quần chúng đã xuất hiện ngay từ buổi đầu và ngày càng đông đảo, đa dạng, chân thực. Làm biến đổi hẳn các dạng thức của cái "tôi" trữ tình và nhân vật trữ tình trong thơ lãng mạn trước đây.

Cách mạng và kháng chiến đưa thơ trở về với hiện thực cuộc sống của đất nước và nhân dân. Giúp các nhà thơ tìm thấy chất thơ trong cuộc sống hàng ngày, trong sinh hoạt, lao động và đấu tranh của quần chúng. Con đường đi của phong trào thơ mới trước Cách mạng là con đường thoát ly thực tại, tìm đến cảnh tiên hay tìm về quá khứ vàng son và còn bao nhiêu những lối thoát ly khác nữa, trong tình và mộng, trong vũ trụ siêu hình, hoặc trong cái "tôi" cô đơn, cô độc. Nhà thơ của thời đại mới trước hết là một công dân, một cán bộ, hay chiến sĩ, sống với cuộc đời thực, với mọi gian khổ, buồn vui, lo lắng, hy vọng của con người kháng chiến, cùng với đông đảo mọi người. Đời sống như vậy đã tác động và làm biến đổi cách nhìn, cách nghĩ, điệu cảm xúc của người làm thơ.

Các nhà thơ Việt Nam thời kỳ này tề tựu đông đủ trở thành một lực lượng mạnh, tràn đầy khí thế sôi nổi, đem hết tâm hồn và nghị lực của mình hòa chung vào dòng thác lớn thời đại, cố gắng nắm bắt hiện thực mới. Họ đã xây dựng nhiều hình ảnh đẹp về anh bộ đội, những người lính giản dị mà vô cùng anh dũng; về những người mẹ, người phụ nữ cần cù chịu khó và giàu lòng yêu thương; về những em bé gan dạ, quên mình vì kháng chiến; về lòng biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh; về những tên đất, tên làng, những trận đánh được phản ánh khá chi tiết; về những sự việc, chính sách, đường lối kháng chiến được thể hiện khá nhuần nhị, làm nên diện mạo mới cho nền thơ ca kháng chiến.

Trong nền thơ kháng chiến, tập thơ Việt Bắclà thành công lớn nhất, tiêu biểu nhất." Chỉ có nhà thơ lớn mới có thể hiểu thấu chất thơ của thời đại mình vì chất thơ của mọi thời đại trước đó bao giờ cũng dễ hiểu hơn"( H. Hainơ). Tố Hữu là nhà thơ lớn trước hết theo ý nghĩa ấy. Vậy điều gì đã khiến nhà thơ có được sự thành công. Đó là: Ông tiếp thu truyền thống thơ ca dân gian, cổ điển của dân tộc,


một sự tiếp nhận sâu và đa diện, tiếp nhận một cách sáng tạo đầy bản lĩnh những tinh hoa của thơ ca truyền thống, để góp phần diễn tả một cách sinh động những tư tưởng, tình cảm mới của thời đại. Những sự kiện lịch sử, cảm xúc rất mới đã được ghi lại trong tập thơ Việt Bắc với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, tự nhiên, chứa đựng lối nói, lối nghĩ của quần chúng.

Ngòi bút của Tố Hữu tiến lên nối tiếp truyền thống của các nhà thi hào cổ điển ở bút pháp hết sức tinh tế, chất trữ tình tha thiết, khêu gợi nhiều hơn diễn tả, chữ đúc lại với nhau. Là nhà thơ tiếp thu những tinh hoa của các thế hệ nhà thơ nổi tiếng từ trước 1945 như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư...và thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến như Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung...Ông là người có tư cách cùng lúc đại diện cho cả hai thế hệ nhà thơ trong sự gắn bó những gì ưu tú nhất.

Sự kế tục dòng thơ cách mạng của các chiến sĩ cộng sản, nhưng đã được đổi mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hoá thơ ca đương thời, đem đến cho văn học cách mạng một tiếng thơ mới mẻ. Âm hưởng hùng tráng, trong không khí lạc quan hừng hực đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu câu thơ đều thể hiện tình cảm thiết tha gắn bó với non sông đất nước và lòng căm thù giặc. Thơ giàu chất liệu hiện thực, cuộc sống đời thường tràn vào thơ, và làm cho lời thơ gần gũi với tiếng nói hàng ngày, ở giọng thơ tâm tình, ngôn ngữ giản dị của bản thân hiện thực. Những con người thật đi vào thơ ông như những nguyên mẫu nhưng vẫn lung linh những nét sáng tạo của riêng Tố Hữu. Nhà thơ học cách viết lấy người thực, việc thực làm hạt nhân tìm tứ thơ trong đời sống của nhân dân.

Tố Hữu sử dụng những vần thơ 5 tiếng, 7 tiếng, các loại thơ tự do, cùng với việc sử dụng vần liên tục... Tố Hữu đã nói: "Ở họ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, tôi đã học những sinh lực mới, những hình thức mới để biểu hiện, những hình thức diễn đạt mới, một ngôn ngữ trực tiếp hơn, thơ hơn, nhân tình hơn, uyển chuyển hơn". Nhưng cái khác là ở Tố Hữu còn có những nét mạnh dạn, những điều đặc sắc mà người khác không thấy. Tác giả nhìn thẳng vào thực


tế, để tâm hồn mình rung cảm sâu sắc với thực tế, rồi nói lên cảm xúc ấy bằng những lời tự nhiên, không kiểu cách, đầy sức mạnh của sự thật để diễn tả đúng nguyện vọng, tâm tình của nhân dân.

Tố Hữu đã thực sự nắm bắt được chất thơ của thời đại và điều quan trọng đã thể hiện được nó bằng nghệ thuật, thông qua sự sáng tạo riêng mình. Chất thơ của hiện thực kháng chiến, Tố Hữu đã lĩnh hội được sớm nhất, nói lên được một cách giản dị và thấm thía nhất. Xuân Diệu đã nói cảm tưởng của mình khi đọc bài thơ Cá nước của Tố Hữu:" Tôi còn nhớ cái cảm tưởng đầu tiên của tôi khi đọc bài thơ Cá nước trong số 1 này, một chất gì đó đã sinh ra, cái chất đó chỉ có thể sinh ra được do tâm hồn người:" Tôi ở Vĩnh Yên lên- Anh trên Sơn Cốt xuống- Gặp nhau lưng đèo Nhe- Bóng tre trùm mát rượi". Đó là chân thành, chân thành. Đó là Tố Hữu, Tố Hữu. Chúng tôi, một số thi sĩ đã viết thơ từ trước Cách mạng Tháng Tám, không phải là chúng tôi không biết sào nấu cho thơm điếc mũi lên, nhưng chúng tôi đứng lặng trước cái chất tình người này: "Một thoáng lặng nhìn nhau- Mắt đã tìm hỏi chuyện- Đôi bộ quần áo nâu- Đã âm thầm thương mến...". Tố Hữu còn tìm đến một tâm thế trữ tình mới hướng vào khẳng định, ngợi ca nhân vật quần chúng bằng cách sáng tạo kiểu trữ tình nhập vai hoặc để cái“ tôi” nhà thơ lùi lại phía sau làm nổi bật hình ảnh quần chúng".

Vì vậy, Tố Hữu là nhà thơ thời sự thành công nhất trong nền thơ Cách mạng, có sự khởi đầu tuyệt đẹp từ sau 1945. Chuyện đời vào thơ với tất cả vẻ tươi tắn, vừa đậm tính dân tộc vừa hiện đại đã truyền cảm trực tiếp vào hàng triệu trái tim. Điều đó được ghi nhận trong tập thơ Việt Bắc như một bước phát triển mới sau Từ ấy.

1.2. Con đường thơ Tố Hữu từ tập thơ Từ ấy sang tập thơ Việt Bắc

1.2.1. Từ tập thơ "Từ ấy"...

Từ ấy (1937- 1946) là chặng đầu mười năm thơ Tố Hữu cũng là mười năm hoạt động sôi nổi, say mê từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của một người thanh niên cách mạng trong một giai đoạn lịch sử sôi động của xã hội Việt Nam. Toàn bộ tập thơ thể hiện cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi lao vào


cuộc đấu tranh cách mạng với tất cả tâm hồn và bầu nhiệt huyết của mình. Là sự biểu hiện một cách chân thực cái " tôi” hết sức trong sáng, hồn nhiên của một thế hệ thanh niên khát khao lý tưởng, tự ca hát niềm vui lớn của mình khi bắt gặp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Nhà thơ hình dung đó là" mặt trời chân lý" và nguyện được chiến đấu hy sinh cho lý tưởng ấy:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

( Từ ấy, 1938)

Ánh sáng lý tưởng chiếu rọi vào tâm hồn trẻ làm bừng nở một thế giới đầy hương sắc, tràn trề sức sống và niềm vui. Sự giác ngộ lý tưởng ấy tạo nên một cái“ tôi” trữ tình kiểu mới trong thơ: cái“ tôi” gắn bó với muôn người, ở giữa mọi người" Tôi buộc lòng tôi với mọi người. Để tình trang trải với trăm nơi. Để hồn tôi với bao hồn khổ. Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời". Niềm vui tràn trề của một tâm hồn trong trạng thái bừng ngộ, hòa vào niềm hân hoan của cả một thế hệ thanh niên cách mạng tạo nên một cảm xúc ngây ngất say mê:

Ồ vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo

Bốn phương trời vào theo dấu muôn chân Cũng như tôi, tất cả tuổi đương xuân Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng

( Hy vọng, 1938 )

Những bài thơ đầu của Tố Hữu đã bộc lộ một tâm hồn giàu cảm thông, sẵn sàng chia sẻ với cảnh ngộ và số phận những con người nhỏ bé. Nhà thơ xúc động trước cảnh khổ của nhân dân, từ em bé đến cụ già đều phải sống trong cực nhục, trong đêm tăm tối. Nhờ giác ngộ lý tưởng, nên Tố Hữu nhìn rõ thực trạng bất công, ngang trái của xã hội. Nhà thơ không dừng lại ở sự cảm thông chia sẻ mà còn muốn thức tỉnh ở những con người lao khổ ấy lòng căm hận, ý chí đấu tranh và niềm tin ở ngày mai.


Trong những năm tháng bị giam cầm, người thanh niên ấy luôn thấm thía nỗi cô đơn vì phải xa phong trào, xa những người đồng chí. Với Từ ấy, ta được thấy tâm hồn nhạy cảm của ông khi đang nằm lắng nghe sau tầng tầng cửa sắt những tiếng dội thưa thớt của đời sống hằng ngày bên ngoài:" Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về”; khi nhà thơ gửi gắm những lời tâm huyết với người bạn tù“ đồng chí”; khi bâng khuâng“ nhớ người” và “ nhớ đồng”; hoặc khi thét lên cái ý chí đấu tranh trong những ngày tuyệt thực… Tất cả đều cháy bỏng nỗi khát khao tự do để được hoạt động.

Suốt ba năm bị giam cầm đày ải trong các nhà tù thực dân, nếm trải nhiều gian nguy, có lúc đã cận kề bên cái chết, tinh thần và ý chí của người thanh niên cách mạng được tôi rèn để càng trở nên vững vàng, kiên định. Con cá chột nưa thể hiện chân thực cuộc đấu tranh nội tâm của người tù để giữ vững khí tiết cách mạng, được trình bày như một màn kịch với sự xung đột giữa một bên là“ cái bụng” với một bên là lương tâm của người chiến sĩ, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì người chiến sĩ vẫn phải giữ cho được ý chí, phẩm chất của người cách mạng.

Trải qua cảnh tù đầy khắc nghiệt, tâm hồn người cách mạng trẻ tuổi vẫn nguyên vẹn sự nhạy cảm, tinh tế, giàu tình thương và luôn tha thiết với cuộc sống. Nằm trong xà lim Quy Nhơn, tâm hồn nhạy cảm của ông luôn hướng vào cuộc sống bên ngoài nhà tù, lắng nghe và đón nhận những âm thanh của cuộc sống, thiên nhiên và con người, từ một tiếng dơi chiều đập cánh, tiếng guốc đi về, một tiếng rao đêm ...lọt vào qua cánh cửa nhà tù. Niềm căm hận kiếp tù đày, khát vọng tự do và ham muốn được hoạt động, tất cả đã dồn tụ để thổi bùng lên một quyết tâm hành động vượt ngục:

Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó

Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?

( Tiếng hát đi đày, 1942)

Sau khi thoát tù, nhà thơ kêu gọi lứa tuổi trẻ hãy mạnh dạn dấn thân vào cuộc đấu tranh trong thời điểm mà khí thế cách mạng đang sục sôi.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023