đó”. Nguyễn Đình Thi cũng đánh giá cao thơ Tố Hữu“ Thơ Tố Hữu đi vào thực tế quần chúng”. Xuân Diệu rất nhạy cảm để chỉ ra nét riêng của thơ Tố Hữu là“ Tiếng thơ của tình thương mến” làm nên“ hương vị của thơ Tố Hữu” và là nét chủ đạo trong phong cách nghệ thuật của ông.
Cuộc thảo luận kết thúc với bài tổng kết của Hoàng Trung Thông về tập thơ Việt Bắc( Báo Nhân dân, 11-1955).
Năm 2005, Lại Nguyên Ân tập hợp những bài viết trong cuộc thảo luận, thành một ấn phẩm sưu tầm và biên soạn có tên: Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ" Việt Bắc".
Nhìn chung, trong quan niệm văn học và cách phê bình lúc này, tính chất xã hội học là nét khá đậm, ở cả những ý kiến đề cao lẫn những ý kiến hạ thấp giá trị tập thơ. Qua hai luồng cảm hứng phủ định và khẳng định giá trị cơ bản của tập thơ, ta thấy những bài viết mang quan điểm phủ định quy chiếu tác phẩm văn học vào các nội dung xã hội, chính trị, đồng nhất văn học với chính trị, vận dụng quan điểm giai cấp một cách máy móc để phân tích văn học. Thậm chí đôi khi còn cường điệu, không nói đúng những gì tác phẩm vốn có, dẫn đến nhận định mang tính chủ quan cho rằng thơ Tố Hữu là“ bản chất tiểu tư sản cách mạng, chủ nghĩa ái quốc trong tập thơ Việt Bắc là chủ nghĩa ái quốc lãng mạn tiểu tư sản”.
Trong cuộc thảo luận này ngoài hai luồng ý kiến ngược nhau như trên, cũng đã có nhiều bài phê bình thực sự có giá trị, khám phá và phân tích những giá trị nổi bật của tập thơ Việt Bắc. Để nhìn nhận đúng giá trị, vị trí của tập thơ, ta phải đặt tập thơ trong hoàn cảnh lịch sử xã hội lúc đó. Cụ thể là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954), thơ Tố Hữu giữ một vị trí quan trọng trong thơ kháng chiến, và được phổ biến rộng rãi, bởi thơ ông đáp ứng được sớm nhất và tốt nhất cho hai yêu cầu cơ bản của văn học cách mạng và kháng chiến- đó là dân tộc hoá và đại chúng hoá như đã được đặt ra trong Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943; và hai phương châm: Cách mạng hoá tư tưởng và quần
chúng hoá sinh hoạt, trong những năm sau đó khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Trong nền thơ kháng chiến chống Pháp không có một tên tuổi nhà thơ nào có được vị trí xứng đáng như nhà thơ Tố Hữu. Các tác giả khác tên tuổi họ thường chỉ gắn với một hoặc vài bài thơ như Hoàng Lộc với Viếng bạn, Hồng Nguyên với Nhớ, Tân Sắc với Lên Cấm Sơn, Trần Hữu Thung với Thăm lúa, Hồ Vi với Lời quê, Quang Dũng với Tây tiến…Riêng Tố Hữu là sự xuất hiện liên tục, đều đặn những bài thơ được quần chúng yêu mến, cho đến bài thơ dài Việt Bắc được chọn làm tên chung cho tập thơ gồm 37 bài được ấn hành ngay sau hoà bình lặp lại 1954.
2.4. Khảo sát văn bản tập thơ Việt Bắc
Tìm hiểu giá trị tập thơ Việt Bắc, trên từng bài riêng lẻ, hoặc chung cho cả tập thơ, chúng ta không thể không kháo sát quá trình nhà thơ sửa chữa trên từng bài, và thêm bớt qua mỗi lần tái bản; qua đó thấy nhà thơ đã dụng công như thế nào để cho Việt Bắc luôn luôn đạt được sự hoàn thiện tối ưu trong tiếp nhận và cảm xúc thẩm mỹ của người đọc. Chưa có điều kiện khảo sát kỹ tất cả các bài; ở đây chúng tôi mới chỉ nêu hai trường hợp ghi nhận sự sửa chữa cẩn trọng của tác giả, từ khi in báo, và được đưa vào sách- đó là bài Lên Tây Bắc và bài Lượm.
Có thể bạn quan tâm!
- Giá trị và vị trí tập thơ Việt Bắc trong hành trình thơ Tố Hữu - 1
- Con Đường Thơ Tố Hữu Từ Tập Thơ Từ Ấy Sang Tập Thơ Việt Bắc
- Khát Vọng Và Niềm Vui Giải Phóng Đất Nước Qua Các Chặng Đường
- Cái "tôi" Tác Giả Gắn Với Cái "ta"quần Chúng Trong Bức Tranh Nhân Dân Kháng Chiến
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
● Bài Lên Tây Bắc, đăng lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ (số 8, 9 ), tháng 1, 2 năm 1949; với mở đầu:
Các anh đi trước, tôi đi sau Cũng lá che lưng lá lợp đầu Bỡ ngỡ anh trông người lính lạ Theo anh không biết để đi đâu
Sáng nay ra trận lên Tây Bắc Hai đứa ta cùng đi đánh giặc Tay anh cắp súng vai đeo dao
Tôi có gì đâu, chỉ cái xắc Tôi đi như đứa trẻ thơ ngây
Được mẹ cho theo dự cỗ đầy...
Khi đưa vào tập thơ Việt Bắc, theo văn bản in xong ngày 15.4.1955 bốn câu thơ đầu đã bị lược bỏ và sáu câu thơ sau rút lại còn bốn câu thơ:
Sáng nay ra trận lên Tây Bắc Hai đứa ta cùng đi đánh giặc Tay dao tay súng, gạo đầy bao Chân cứng đạp rừng gai đá sắc.
● Bài Lượm, đăng lần đầu trên báo Cứu quốc ngày 15.4.1948, với đoạn mở đầu như sau:
Cháu Nha Trang ra Gặp chú ở Huế Chú hỏi : Còn ba?
Cháu rằng: Mặc kệ ! Cháu không thương ba? Có. Nhưng ba sợ
Ba chẳng chịu ra Ba làm cho nó.
Cháu theo ông nội Cháu lên Xuân Trường Ông theo bộ đội
Ông nội, cháu thương! Rồi Huế đổ máu...
Khi đưa vào tập Việt Bắc theo văn bản in xong ngày 15.4.1955, thì 12 câu thơ đầu được cắt bỏ và bài thơ được bắt đầu từ câu thơ:
Ngày Huế đổ máu Chú Hà Nội về Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè...
Phần cuối bài Lượm in xong ngày 15.4.1948 như sau:
Thư đề "thượng khẩn" Chú ngã : Ruột phèo Chú đã chết
Chết.
Chết thật rồi... Lượm ơi!
A chú cười Híp mí
Chú đồng chí Chắc bây giờ Chú nửa ngờ Chú chưa biết Chú chết...
Chú bé loắt choắt
Phần cuối bài Lượm in xong ngày 15.4.1955 được thay bằng một đoạn thơ khác:
Vụt qua mặt trận Đạn bay vèo vèo
Thư đề" Thượng khẩn" Sợ chi hiểm nghèo!
Đường quê vắng vẻ Lúa trổ đòng đòng
Ca- lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng...
Bỗng loè chớp đỏ Thôi rồ, Lượm ơi! Chú đồng chí nhỏ Một dòng máu tươi!
Cháu nằm trên lúa Tay nắm chặt bông Lúa thơm mùi sữa Hồn bay giữa đồng.
Lượm ơi còn không?
● Số lượng bài của Việt Bắc từ lần in đầu đến các lần in sau cũng có thay đổi.
* Văn bản in xong ngày 15.4.1955, gồm 24 bài thơ.
* Văn bản in xong tháng 12 năm 1998, gồm 27 bài thơ.
- Thêm: 7 bài thơ ( Đêm xanh, Tình khoai sắn, Trường tôi, Lạnh lạt, Sợ, Bà bủ, Mưa rơi)
- Bỏ : 4 bài thơ ( Em bé Triều Tiên, Bao giờ hết giặc, Bài ca tháng Mười, Đời đời nhớ Ông)
Nhìn vào sự thay đổi này, chúng ta cũng có thể thấy những biến động lớn của thời cuộc đã quy định chặt chẽ giá trị của tác phẩm như thế nào.
Trên đây là khảo sát bước đầu của chúng tôi (chưa thật đầy đủ) về văn bản tập thơ Việt Bắc đã được in và sửa chữa ở những thời gian khác nhau. Khi nghiên cứu chúng tôi dựa theo văn bản in xong tháng 12 năm 1998.
3. Mục đích nghiên cứu
Luận văn nhằm chỉ rõ những giá trị về nội dung và nghệ thuật của tập thơ Việt Bắc, đồng thời khẳng định vai trò của tập thơ Việt Bắc trong nền thơ ca kháng chiến chống Pháp và rộng ra là nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện luận văn, chúng tôi đã được tham khảo và nghiên cứu các tài liệu sau.
- Toàn bộ thơ ca kháng chiến chống Pháp (1945- 1954)
- Tập thơ Việt Bắc từ văn bản 1 đến văn bản cuối cùng.
- Trong khi tập trung khảo sát tập thơ Việt Bắc, chúng tôi chú ý hai tập thơ có mối liên hệ kề cận là tập thơ Từ ấy và tập thơ Gió lộng.
- Các công trình, bài viết xung quanh giá trị tập thơ Việt Bắc và về thơ Tố Hữu nói chung.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Luận văn chỉ ra những giá trị nội dung và nghệ thuật của tập thơ Việt Bắc.
- Khẳng định vị trí của tập thơ trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
6. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp so sánh- đối chiếu.
- Phương pháp phân tích- tổng hợp.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn có cấu trúc gồm 3 chương: Chương 1: Việt Bắc trong nền thơ Việt Nam từ 1945->1954.
Chương 2: Giá trị nội dung của tập thơ Việt Bắc.
Chương 3: Giá trị nghệ thuật của tập thơ Việt Bắc.
CHƯƠNG I
"VIỆT BẮC" TRONG NỀN THƠ VIỆT NAM TỪ 1945 ĐẾN 1954
1.1. Tổng quan về thơ Việt Nam 1945 đến 1954
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chấm dứt ngót tám mươi năm nô lệ dưới ách chủ nghĩa thực dân Pháp, mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên Độc lập Tự do cho dân tộc. Đồng thời giải phóng cho văn học thoát khỏi những quẩn quanh, bế tắc, chán chường, tuyệt vọng, đem lại một nguồn cảm hứng sáng tạo lớn lao cho thơ ca. Trước hết đó là nguồn cảm hứng giải phóng, hồi sinh. Trong bầu không khí những ngày đầu cách mạng, hầu hết các nhà thơ từ các xu hướng nghệ thuật khác nhau đã tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng. Chưa nhiều ý thức nhưng lại rất nhiều cảm xúc, bằng sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, các nhà thơ đã nhanh chóng nhận ra ý nghĩa lớn lao của thời điểm lịch sử đánh dấu sự hồi sinh dân tộc trong độc lập tự do.
Cảm hứng nổi bật và bao trùm thơ ca thời kỳ này là niềm vui sướng, tự hào đến mức say mê, nồng nhiệt trước cuộc“ tái sinh mầu nhiệm”( chữ dùng của Hoài Thanh) của đất nước và con người Việt Nam. Nguồn sống của thời đại mới khơi dậy sức sáng tạo cho các nhà thơ. Với hai khúc tráng ca Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông, Xuân Diệu đã mở ra chặng đường thơ cách mạng trong sự nghiệp sáng tác của mình. Với Tố Hữu, nhà thơ hàng đầu của nền thơ cách mạng, thì thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một luồng gió lớn cuốn mạnh hồn thơ lên đỉnh cao của cảm hứng lãng mạn sôi trào. Hơn bất cứ nhà thơ nào khác, ở tác giả Từ ấy, đó là niềm vui lớn như được dồn tụ vào một điểm hẹn không gian và thời gian: Huế Tháng Tám (1945). Một năm sau, hòa trong dòng người cuồn cuộn của đêm hội hoa đăng giữa lòng Hà Nội chào đón một năm ngày độc lập, Tố Hữu lại tràn ngập một niềm Vui bất tuyệt (1946). Trần Mai Ninh cũng là một cây bút tài năng, giàu nhiệt huyết từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Nhà thơ da diết những cảm xúc về Tổ
quốc trong Tình sông núi, dữ dội trong Nhớ máu."Trần Mai Ninh người đón trước và làm kết đọng hai tình cảm lớn của dân tộc, cũng là người đi đầu và sớm nhất trong việc tự do hóa và làm mới câu thơ..."( Lưu Khánh Thơ )
Đứng trước sự đe dọa của thù trong giặc ngoài, nền thơ ca mới đã thể hiện rõ nhiệt tình yêu nước chiến đấu, cổ động toàn dân tham gia vào công cuộc dựng nước và giữ nước, đả kích các thế lực tay sai phản động đang điên cuồng tấn công chính quyền cách mạng. Nền thơ kháng chiến đã thực sự bắt đầu cùng với khí thế giết giặc cứu nước và phong trào Nam tiến sôi nổi ngay sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Miền Nam. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Trên chặng đường chín năm ấy, thơ ca đã góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến của dân tộc và xây dựng nên nền móng vững chắc và hết sức cơ bản cho sự phát triển của nền thơ ca hiện đại.
Trong nền thơ ca kháng chiến, thơ Hồ Chủ tịch có vị trí và ý nghĩa tiêu biểu. Thơ Bác hướng tới mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, khơi dậy sức mạnh của toàn thể dân tộc. Trong lời kêu gọi của vị lãnh tụ như đã vang vọng lời đáp của nhân dân. Những bài thơ trữ tình của Bác trong kháng chiến, kết thành chùm thơ đặc sắc, mở ra một thế giới phong phú, những xúc động tâm tình của vị lãnh tụ cách mạng, của nhà thơ trong một bối cảnh không gian và lịch sử rộng lớn: đất nước kháng chiến, thiên thiên đất nước hiện lên đẹp đẽ với những rung cảm trữ tình, nhưng trung tâm của khung cảnh vẫn là con người, là hình ảnh cuộc kháng chiến: một tiếng chuông báo tin thắng trận, đội quân du kích đánh giặc trở về, tin báo tiệp dập dồn chân ngựa...Thơ Bác là sự kết tinh cao nhất hiện thực kháng chiến, tinh thần kháng chiến.
Cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện suốt chín năm để giành lại và bảo vệ chủ quyền, độc lập của dân tộc. Cũng như mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa tinh thần khác, thơ ca đã được huy động vào cuộc chiến đấu