(Lê Quang Định, Minh Giang ký kiến) (Mây nhàn bay giữa phố núi, trên đường một cánh chim trở về,
Mưa lâm thâm ở ngôi làng bên sông tắm ướt ông chài. Cô gái mặc áo vải gai khua mái chèo,
Đứa bé buộc tã đang đùa giỡn trước mui thuyền…)
Trong cái nhàn nhã của đất trời ánh lên sự bận rộn của con người lao động nơi làng quê, nhưng trong sự bộn bề mưu sinh của người lớn vẫn hiển hiện cái nhàn của chính họ và hình ảnh đứa trẻ. Cảnh sắc và con người ở Minh Giang vì thế hiện lên vừa sinh động vừa nên thơ.
Trên đường đi sứ, Lê Quang Định lại có dịp nhìn nhận lại những giá trị của cuộc đời. Có khi chỉ là một hình ảnh chim cốc ở đầm Cốc cũng khiến cho tác giả liên tưởng đến cách làm người:
能言鸚鵡古來珍
誰愛鸕鷀事主人日爲漁家生計足時驚水族業寃頻
Năng ngôn anh vũ cổ lai trân, Thuỳ ái lô tư sự chủ nhân.
Nhật vị ngư gia sinh kế túc,
Có thể bạn quan tâm!
- Trịnh Hoài Đức, Người Nặng Tình Với Quê Hương Và Con Người Nam Bộ
- Ngô Nhân Tĩnh, Tính Cách Đạm Bạc, Cao Thượng Và Tâm Sự Một Nho Thần
- Lê Quang Định, Con Người Tài Hoa Và Những Suy Tư
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 18
- Lối Chơi Thơ Theo Kiểu “Hạn Vận”, “Bộ Vận”, “Thứ Vận”, “Nguyên Vận” Và “Đề Vịnh Liên Hoàn”
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 20
Xem toàn bộ 409 trang tài liệu này.
Thời kinh thuỷ tộc nghiệp oan tần.
(Lê Quang Định, Lô tư)
(Chim vẹt có thể nói chuyện, xưa nay quý,
Có ai thích loài chim cốc biết phụng sự chủ nhân?
Mỗi ngày làm việc giúp nhà chài, nên sinh kế cũng đủ ăn, Thường thường làm loài cá nước hoảng sợ, oan nghiệp kết thêm.)
Tác giả nói chuyện chim cốc nhưng ta vẫn tìm thấy ý nghĩa ẩn dụ về những con người có cảnh ngộ tương tự trong đời sống. Từ hình ảnh chim cốc biết phụng sự chủ nhân tác giả tạo cho độc giả sự liên tưởng đến những con người chỉ biết làm theo bổn phận, hết lòng trong công việc, nhưng cũng chính vì thế mà kết oan nghiệp với những kẻ khác.
Trên đường đi sứ Trung Quốc, Lê Quang Định có thời gian viếng chùa dạo cảnh, tham quan những nơi danh thắng và ngẫm lại chuyện xưa. Bằng tư tưởng của một nhà nho, Phật giáo cũng được ông nhìn dưới phạm trù hiếu và trung:
佛教原來何異諦
亦將忠孝渡迷津
Phật giáo nguyên lai hà dị đế? Diệc tương trung hiếu độ mê tân.
(Lê Quang Định, Đề Tương Sơn tự)
(Chân lý của đạo Phật vốn có khác gì,
Cũng đem hiếu trung độ người khỏi bến mê.)
Những chuyến dạo chơi bất đắc dĩ này lại khiến thi nhân để lại cho đời những vần thơ vừa đẹp đẽ vừa đượm chất suy tư. Ít nhất có một lần Lê Quang Định muốn cởi bỏ tất cả danh lợi để bước lên con thuyền từ bi, đến với bến bờ thanh lương:
今朝若了平生事
應假慈航換玉鞭
Kim triêu nhược liễu bình sinh sự,
Ưng giả Từ Hàng hoán ngọc tiên.
(Lê Quang Định, Du Từ Hàng tự)
(Sáng nay chợt hiểu được chuyện trong cuộc đời, Cũng nên đổi roi ngọc để được bước lên thuyền từ bi.)
Nhưng dường như Lê Quang Định vẫn chưa đến với đạo một cách thật sự. Giữa thi nhân và đạo vẫn còn một khoảng cách lớn: những trăn trở của một nhà nho. Thế nên ông suy tư nhiều đến những nhân vật trung trinh với vua với nước, suy ngẫm nhiều đến lẽ tồn vong trong cuộc đời. Với thi nhân những gì còn lại với thời gian không phải là cái hữu hình mà chính là giá trị vô hình thông qua vật hữu hình:
碑誌仍題賢姓字
草花猶帶古芬芳
Bi chí nhưng đề hiền tính tự, Thảo hoa do đới cổ phân phương.
(Lê Quang Định, Đề Thạch Cổ Sơn thư viện)
(Bia đá vẫn còn ghi tên họ của người hiền đức, Hoa cỏ còn mang hương thơm của ngày xưa.)
Qua núi Nam Bình, nhớ đến Khổng Minh, ông viết:
煙波乍散吞吳恨臺榭猶留輔漢功
Yên ba sạ tán thôn Ngô hận,
Đài tạ do lưu phụ Hán công.
(Lê Quang Định, Quá Nam Bình sơn hoài cổ)
(Khói sóng chợt tan như cơn hận thôn tính nước Ngô,
Đền đài vẫn còn như công phò nhà Hán.)
Đền đài còn đó, nhưng sở dĩ còn là do công phò Hán của Khổng Minh, chứ không phải bởi sự kiên cố, sa hoa của đền đài. Trịnh Hoài Đức cũng cùng cảm thức ấy khi viết về đài cầu gió của Khổng Minh:
江山愛護忠純跡
銅雀當年已綠苔
Giang sơn ái hộ trung thuần tích,
Đồng Tước đương niên dĩ lục đài.
(Trịnh Hoài Đức, Tế phong đài)
(Sông núi thích bảo vệ vết tích người trung trinh,
Còn lầu Đồng Tước, ngay năm ấy, đã phủ ngập rêu xanh.)
Lên lầu Củng Cực, Lê Quang Định và các bạn ông vẫn thấy còn đó nỗi buồn của Khuất Nguyên trôi theo dòng sông xanh vô tận, vẫn còn đó văn chương của Giả Nghị trong màu xanh của cây đời:
漢傅文章遺古樹
楚臣忠憤逐蒼浪
Hán phó văn chương di cổ thụ,
Sở thần trung phẫn trục thương lang.
(Lê Quang Định, Đăng Củng Cực lâu)
(Văn chương Thái phó nhà Hán, còn lưu với cây xưa,
Nỗi trung phẫn của bầy tôi nước Sở, vẫn trôi với sóng xanh.)
Qua cầu Dự Nhượng, tác giả nhớ đến người trung nghĩa năm xưa từng nằm phục trên cầu để báo thù cho chủ. Chiếc cầu ván nay đặt tên là Dự Nhượng vẫn còn bởi tiết nghĩa của Dự Nhượng, mà cơ đồ của Triệu Mạnh mất sạch theo dòng nước chảy (Quá Dự Nhượng kiều); hoặc khi qua đất Dữu Lý, nơi Chu Văn Vương Cơ Xương bị giam ngày trước, Lê Quang Định cũng từng suy nghĩ “Chu dịch trứ quy thiên cổ tại, Ân đài kim ngọc phiến thời không” (Kinh dịch nhà Chu, bói rùa, ngàn năm vẫn còn truyền, mà vàng ngọc lâu đài của nhà Ân thoắt chốc đã hoá thành không) (Quá Dữu Lý bi)…
Xen lẫn những nỗi niềm suy tư về kiếp người về tình đời là những suy tư chân
thành về ơn dưỡng dục của cha mẹ và phận làm trai, làm con:
夢入杯棬芳澤在望迴枌梓白雲馳關山有路牽離恨湖海無階達孝思難假桑蓬供爼豆也應悔作好男兒
Mộng nhập bôi quyền phương trạch tại, Vọng hồi phần tử bạch vân trì.
Quan san hữu lộ khiên li hận, Hồ hải vô giai đạt hiếu tư.
Nan giả tang bồng cung trở đậu, Dã ưng hối tác hảo nam nhi.
(Lê Quang Định, Đồ trung từ thân huý nhật hoài cảm)
(Mơ về chén bát gỗ (nhớ mẹ), hương thơm vẫn còn, Ngoảnh đầu nhìn quê hương, mây trắng bay nhanh. Núi non có đường dắt nỗi hận xa cách,
Biển hồ không thềm để thấu đạt lòng hiếu.
Nếu thoả chí tang bồng, lại khó bày đồ để tế mẹ,
Cũng nên hối hận dù là một đấng nam nhi giỏi giang.)
Lê Quang Định có lần nói về chí làm trai nào ngại xông pha “tang bồng tối thị bình sinh ý” (xông pha bốn phương là ý của cả cuộc đời), nhưng càng nói càng cho thấy suy tư của ông về phận làm trai, về bổn phận làm con. Chí trai ngang dọc giữa cõi trời, với Lê Quang Định, điều ấy còn dễ, nhưng một nén hương để tế mẹ cha trên đường đi sứ quả là khó:
桑蓬易足平生志
香火難供一寸誠揮淚自羞豺獺念低頭空聽鷓鴣聲
Tang bồng dị túc bình sinh chí, Hương hoả nan cung nhất thốn thành. Huy lệ tự tu sài lãn niệm,
Đê đầu không thính giá cô thanh.
(Lê Quang Định, Khách trung ngộ huý nhật cảm tác)
(Bình sinh chí tang bồng dễ thành,
Một tấc lòng thành, nhưng khó việc khói hương. Gạt lệ tự thẹn cho lòng hiếu của mình thua loài sói, Cúi đầu buồn nghe vẳng tiếng đa đa.)
Lê Quang Định là người viết về cha mẹ nhiều hơn hai người bạn của ông. Ba bài thơ viết về cha mẹ thì có hai bài làm khi ông đi sứ, còn một bài làm khi ông về nước đến thăm mộ của song thân ở phủ Quảng Ngãi năm 1804. Cùng một cách nghĩ như hai bài trên, ông luôn nghĩ làm con khó báo ơn sinh thành của cha mẹ. Mạnh Giao từng nói một cách hình tượng rằng: “Thuỳ ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy” (Du tử ngâm) (Ai nói rằng lòng của tấc cỏ, mà báo đền được ơn nắng mùa xuân), Lê Quang Định thì phát biểu thẳng thắn nhưng chân tình:
有天乘福履
無日答生成草洒歸來淚花含去別情幸逢今祭掃命筆記心誠
Hữu thiên thừa phúc lý, Vô nhật đáp sinh thành. Thảo sái quy lai lệ, Hoa hàm khứ biệt tình. Hạnh phùng kim tế tảo, Mệnh bút ký tâm thành.
(Lê Quang Định, Khốc tiên phần)
(Có ngày nối được gót cha,
Mà không ngày đền đáp ơn sinh thành.
Cỏ rưới lệ ngày trở về,
Hoa còn ngậm tình biệt li. May gặp ngày tảo mộ cúng tế,
Lấy bút ghi lại tấm lòng thành.)
Hai câu cuối bộc lộ cái ý khó báo đáp ơn sinh thành của cha mẹ khi trên đường làm việc nước bằng một chữ “hạnh” (may mà) thật xót xa. Lê Quang Định hiếu kính thật đúng theo tinh thần “dĩ lễ tế chi” của Nho gia.
Nét tài hoa ở Lê Quang Định dường như vẫn không thoát ra khỏi bản chất nhà nho quân tử. Nếu so với người bạn của ông, Lê Quang Định không đạt đến phong thái tài tử phóng khoáng như Trịnh Hoài Đức, lại không đến mức thâm trầm nhiều u uất như Ngô Nhân Tĩnh. Ông là sự hoà điệu của hai người bạn ông: tài hoa nhã nhặn và ôn hoà. Trong thơ của Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh ta thấy những bài thơ mang ý trào lộng, có khi tặng thơ cho một cô gái bán lê bên đường (Trịnh Hoài Đức, Thời thiên khí cốc thử kinh Tín Dương Châu sơn lộ trị mại lê nữ, dư thụ dĩ chỉ khát, nữ tiếu nhi tặng chi, nhân khẩu chiếm kỷ ngộ và trên đường về Trịnh Hoài Đức lại muốn tìm gặp cô gái ngày trước Tín Dương Châu quy trình sở phỏng bất ngộ), có khi làm thơ tự vịnh (Trịnh Hoài Đức, Tự trào), có khi làm thơ đùa cảnh ngộ cô đơn trên đường đi sứ (Ngô Nhân Tĩnh, Hý thuật, Đáp hý thuật…), nhưng ngược lại, Lê Quang Định không hề có những bài thơ như thế. Có thể nói ông là một nhà thơ tài hoa trong một nhà nho nghiêm túc, điềm đạm.
TIỂU KẾT
NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NỘI DUNG CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA
Cho đến nay, tình hình tư liệu văn học Hán Nôm Nam Bộ của những tác giả đồng thời với Gia Định tam gia hầu như bị thất lạc, điều đó khiến cho ta khó nói chính xác về văn học Hán Nôm giai đoạn đầu ở Nam Bộ. Những sáng tác của các nhà thơ trong Gia Định Sơn Hội không còn, thậm chí, chúng ta sẽ không thể tiếp cận những tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh nếu Trịnh Hoài Đức không biên soạn chép nhặt lại từ bạn bè và cho lưu hành.
Trước Gia Định tam gia, ở Nam Bộ có Hà Tiên thập cảnh vịnh của Tao đàn
Chiêu Anh các, Hoài cổ phú của Võ Trường Toản, Quy sơn thập vịnh của Đặng
Đức Thuật... Với tình hình tác phẩm ít ỏi như thế, thơ của Gia Định tam gia góp một phần làm dày thêm lượng tác phẩm Hán Nôm trong nền văn học Hán Nôm ở giai đoạn đầu.
Những đóng góp của Gia Định tam gia về mặt nội dung, nổi bật ở cảm hứng tự hào, yêu mến quê hương, đất nước, về con người cần lao, những người đã kiến tạo nên đời sống mới trên mảnh đất hoang sơ tràn ngập lau lách này. Với nội dung này, thơ Gia Định tam gia nối tiếp mạch nguồn từ Tao đàn Chiêu Anh Các ở Nam Bộ, đồng thời nối tiếp dòng chung của dân tộc từ thơ ca thời Lý Trần.
Từ Tao đàn Chiêu Anh các vịnh mười cảnh đẹp ở Hà Tiên, mà theo Đông Hồ, mục đích chính của Mạc Thiên Tích là để truyền bá, giới thiệu văn hoá của một vùng đất nước tươi đẹp Hà Tiên, đến Gia Định tam gia đặc biệt là Trịnh Hoài Đức với chùm thơ viết về phong cảnh và con người Gia Định thì con người và cảnh sắc của vùng đất mới của đất nước hiện lên một cách sinh động và phong phú hơn.
Trịnh Hoài Đức tuy người Minh Hương, nhưng những tình cảm, tâm sự, suy nghĩ của ông thể hiện qua thơ đều khởi từ tâm hồn Việt Nam. Chùm thơ ông làm trước năm 1802 tại quê nhà ca ngợi cảnh sắc và con người Nam Bộ đều mang cảm hứng vui buồn trước hiện thực cuộc sống. Ông buồn khi quê hương bị chiến tranh tàn phá (Thương loạn, Loạn hậu quy…), vui khi thấy người nông dân cần cù làm ăn được mùa, cần cù khai hoang khai khẩn biến vùng đất vốn hoang vu cằn cỗi thành những vườn ruộng xanh màu và mừng cả khi thấy cơn mưa đắp bồi phù sa… (Điền gia thu vũ, Trấn Định xuân canh, Chu thổ sừ vân, Mỹ Tho dạ vũ…). Trên mảnh đất Nam Bộ vừa khai hoang ấy, một cuộc sống đang lên, tiềm ẩn những nguồn lực dồi dào, những cảnh sinh hoạt văn hoá, lao động của người dân sông nước…, nếu không có thơ của Tam gia e sẽ thiếu cái nhìn về toàn cảnh cuộc sống ở Nam Bộ.
Ý thức về bổn phận nhà Nho, về đạo đức, tinh thần trách nhiệm đối với vua, Tổ quốc được thể hiện trong sáng tác của Gia Định tam gia sẽ tiếp tục được thấy trong sáng tác của những nhà Nho yêu nước giai đoạn sau như Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Trần Thiện Chánh, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu… Trong thơ Gia Định tam gia, con người trách nhiệm, phận vị, hay có thể nói con người cộng đồng thể hiện khá nổi bật, vì thế có những nét tương đồng với Nguyễn Trãi. Bởi trong hoàn cảnh lịch sử, tuy khác nhau về tính chất cuộc chiến tranh, nhưng có cùng ý thức khuông phò chủ công từ những ngày đầu tiên xây dựng chính quyền quân
chủ phong kiến, nên trong thơ Gia Định tam gia rất nhiều nỗi băn khoăn về lòng trung quân, về ơn tri ngộ, về lý tưởng cứu đời… mà các ông đành gác lại chuyện nhàn ẩn rong chơi nơi sông hồ.
Như đã nói, tinh thần vì vua vì nước của các ông rất gần với Nguyễn Trãi, rất gần với bất kỳ nhà nho chính thống nào. Đó là những quan điểm tích cực của những bầy tôi mong chủ mình xây dựng một đất nước thăng bình như thời vua Nghiêu, Thuấn.
Những đóng góp từ thơ Gia Định tam gia về mặt nội dung tuy không nhiều nhưng cũng đã làm nên diện mạo nền văn học Hán Nôm Nam Bộ ở giai đoạn đầu. Lòng yêu mến quê hương đất nước và tự hào dân tộc của Tam gia nối dài thêm truyền thống dân tộc, mặc dù Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh gốc người Minh Hương, nhưng trong dòng máu của các ông, sớm đã thấm đượm tinh thần Việt Nam.
Thơ Gia Định tam gia góp thêm tiếng nói ca ngợi cảnh đẹp quê hương, bên cạnh nội dung chủ đạo bày tỏ lòng trung quân gắn với những nỗi niềm tâm sự riêng chung để cùng hoà vào nguồn thơ của Nam Bộ và cả nước. Nhưng trong nguồn chảy chung ấy, sẽ thấy một Trịnh Hoài Đức hào sảng mà tha thiết nặng tình với quê hương Nam Bộ qua các sáng tác ngợi ca cảnh đẹp và đời sống mới đang lên; một Ngô Nhân Tĩnh chất chứa nhiều tâm sự, ưu tư trong tính cách thâm trầm đạm bạc và một Lê Quang Định đau đáu về trách nhiệm bầy tôi, về phận làm trai, làm con qua những dòng thơ tài hoa.
CHƯƠNG 3
ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA
3.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGÔN NGỮ VÀ THỂ LOẠI
3.1.1. Thể loại
Từ việc xác định đề tài, nhà thơ bao giờ cũng lựa chọn thể loại để biểu đạt tư tưởng tình cảm của mình một cách hiệu quả. Với mảng thơ thiên về vịnh vật, vịnh sử, vịnh thiên nhiên… Gia Định tam gia đã chọn lối thơ sở trường để biểu đạt mảng đề tài này đó là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Với những ưu điểm vốn có của nó thể thơ thất ngôn bát cú rất thích hợp trong việc miêu tả, trữ tình, tự sự hơn là các thể thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt (dĩ nhiên là không thể sánh với thể ngũ ngôn cổ phong trường thiên vốn nhiều ưu điểm trong việc miêu tả, tự sự).
So với Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định, thì Trịnh Hoài Đức dùng nhiều thể thơ để sáng tác hơn. Nếu xét 327 bài thơ chữ Hán trong Cấn Trai thi tập được Trịnh Hoài Đức sáng tác theo thể ngũ ngôn tuyệt cú (20 bài, chiếm 6.1%), ngũ ngôn luật (27 bài, chiếm 8.2%), thất ngôn tuyệt cú (13 bài, chiếm 4%), lục ngôn tuyệt cú (8 bài, chiếm 2.4%), ngũ ngôn cổ phong (1 bài, chiếm 0.3%) và chiếm đa số là thể thất ngôn luật (258 bài, chiếm 79%), với Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định (có 7 bài thơ sáng tác theo thể ngũ ngôn luật trong tổng số 77 bài, chiếm 9.1%; 9 bài thất ngôn tuyệt cú, chiếm 11.7%; và 61 bài thất ngôn luật, chiếm 79,2%) và Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh (có 44 bài ngũ ngôn luật, chiếm 23.5%; 27 bài thất ngôn tuyệt cú, chiếm 14.5% và 116 bài thất ngôn luật, chiếm 62%), ta thấy cả ba tác giả đều dùng thể thất ngôn luật nhiều hơn các thể khác, hơn nữa lại chọn thể thơ thất ngôn bát cú luật bằng để sáng tác. Điều này cho thấy, sự khuôn mẫu quy phạm của thơ thất ngôn bát cú Đường luật hợp với phong cách của Tam gia.