Du lịch sinh thái - 25

CHƯƠNG 10

DU LỊCH SINH THÁI ĐÔ THỊ



10.1. Du lịch sinh thái đô thị

10.1.1. Khái niệm du lịch sinh thái đô thị

Thời gian gần đây, khái niệm “đô thị sinh thái” được nhắc đến nhiều ở Việt Nam. Khái niệm này xuất hiện trên thế giới vào những năm 80, đầu 90 của thập kỷ XX ở các nước phát triển, đề cập đến vấn đề chất lượng môi sinh của đô thị với các tiêu chí rất cụ thể hướng tới việc nâng cao điều kiện vật chất và chất lượng cuộc sống của cư dân một đô thị. Khơi nguồn cho trào lưu này là Hội thảo Quốc tế của Liên hiệp quốc về “Thành phố và sự phát triển bền vững” diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil năm 1992. Sau đó tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới chính thức ban hành một chương trình có tên là “Thành phố sinh thái” (Ville écologique) được đánh dấu bằng Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc năm 1996. Ý tưởng về một đô thị sinh thái ban đầu đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX dưới tên gọi Thành phố vườn (Garden-City), là một phương án quy hoạch đô thị của Ebenezer Howard nhằm giải quyết các vấn đề môi sinh của đô thị ở thời điểm khởi đầu quá trình hiện đại hóa. Ý tưởng này ngay lập tức trở thành một phong trào lan rộng trong cộng đồng Châu Âu và các nước công nghiệp trên thế giới, và lúc bấy giờ được xem như công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề môi trường đô thị đang là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa. Đối với các nước công nghiệp, đây là bước tất yếu trong quá trình phát triển nhằm đạt đến một đô thị phát triển bền vững. Vì thế khái niệm "sinh thái đô thị", nghĩa là môi trường sinh thái của đô thị trở nên quen thuộc, phổ biến hơn và là đối tượng nghiên cứu từ một thập kỷ nay. Theo định nghĩa của Tổ chức Sinh thái đô thị của Úc thì "Thành phố sinh thái là thành phố phát triển đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên", hay cụ thể hơn là sự định cư cho phép các cư dân sinh sống trong điều kiện chất lượng cuộc sống nhưng sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo quan điểm của Richard Register về các thành phố sinh thái bền vững, thì đó là các đô thị mật độ thấp, dàn trải, được chuyển đổi thành mạng lưới các khu dân cư đô thị mật độ cao hoặc trung bình có quy mô giới hạn được phân cách bởi các không gian xanh. Hầu hết mọi người sinh sống và làm việc trong phạm vi khoảng cách đi bộ và đi xe đạp.

Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, và hiện đại hóa thường diễn ra đồng thời do sự phát triển quá độ thẳng từ những hình thái kinh tế - xã hội lạc hậu thành những hình thái có thể hội nhập được vào nền kinh tế toàn cầu dưới áp lực của toàn cầu hóa. Để giải quyết các vấn đề về sinh thái đô thị trong bối cảnh phức tạp như vậy, việc quy hoạch đô thị sinh thái một cách có định hướng kết hợp vận dụng kiến thức mới và bài học kinh nghiệm của các nước phát triển là một trong những giải pháp phù hợp.

Tóm lại, khái niệm "sinh thái đô thị" được sử dụng khi muốn nói đến các điều kiện sinh sống của đô thị mà đối tượng quan tâm là môi trường sinh thái, "đô thị sinh thái" là đô thị đạt được những tiêu chí về điều kiện và chất lượng môi trường sống sinh thái, và "quy hoạch đô thị sinh thái" là phương pháp quy hoạch đô thị nhằm đạt được các tiêu chí của chất lượng cuộc sống cao, hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị đó. Và theo đó, khái niệm du lịch sinh thái đô thị có thể được hiểu như sau: “Du lịch sinh thái đô thị là một loại hình du lịch lấy các hệ sinh thái đặc thù, tự nhiên của đô thị làm đối tượng để phục vụ cho những khách du lịch yêu thiên nhiên, du ngoạn, thưởng thức hay nghiên cứu về các hệ sinh thái đô thị”. Vì vậy, để phát triển du lịch sinh thái đô thị cần nghiên cứu về hệ sinh thái đô thị.

10.1.2. Đặc điểm du lịch sinh thái đô thị

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 415 trang tài liệu này.

Mang tính đặc thù của hệ sinh thái đô thị: Du lịch sinh thái đô thị mang tính từng vùng miền, dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, văn hóa bản địa hình thành nên hoạt động du lịch sinh thái đô thị tương ứng, phù hợp.

Có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với hệ sinh thái đô thị: Du lịch sinh thái đô thị Hệ sinh thái đô thị

Du lịch sinh thái - 25

10.1.3. Phân loại du lịch sinh thái đô thị

Việc phân loại sinh thái đô thị dựa vào các tiêu chí quy hoạch đô thị sinh thái, có thể được khái quát trên các phương diện sau: kiến trúc công trình, sự đa dạng sinh học, giao thông, công nghiệp và kinh tế đô thị.

- Về kiến trúc, các công trình trong đô thị sinh thái phải đảm bảo khai thác tối đa các nguồn mặt trời, gió và nước mưa để cung cấp năng lượng và đáp ứng nhu cầu nước của người sử dụng. Thông thường là nhà cao tầng để dành mặt đất cho không gian xanh.

- Sự đa dạng sinh học của đô thị phải được đảm bảo với các hành lang cư trú tự nhiên, nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học và đem lại sự tiếp cận với thiên nhiên để nghỉ ngơi giải trí.

- Giao thông và vận tải cần hạn chế bằng cách cung cấp lương thực và hàng hóa chủ yếu nằm trong phạm vi đô thị hoặc các vùng lân cận. Phần lớn dân cư đô thị sẽ sống và làm việc trong phạm vi bán kính đi bộ hoặc xe đạp để giảm thiểu nhu cầu di chuyển cơ giới. Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nối liền các trung tâm để phục vụ nhu cầu di chuyển xa hơn của người dân. Chia sẻ ô tô con địa phương cho phép mọi người chỉ sử dụng khi cần thiết.

- Công nghiệp của đô thị sinh thái sẽ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh. Các quy trình công nghiệp bao gồm cả việc tái sử dụng các sản phẩm phụ và giảm thiểu sự vận chuyển hàng hóa.

- Kinh tế đô thị sinh thái là một nền kinh tế tập trung sức lao động thay vì tập trung sử dụng nguyên liệu, năng lượng và nước, nhằm duy trì việc làm thường xuyên và giảm thiểu nguyên liệu sử dụng.

10.1.4. Một số khu sinh thái đô thị hiện nay và tương lai

a. Sau đây là một ví dụ thực tế về quy hoạch đô thị sinh thái một khu dân cư của thành phố Adelaide ở Úc. Dự án quy hoạch phát triển tiểu khu Christie Walk nằm trong trung tâm buôn bán của thành phố Adelaide, đã phối hợp nhiều yếu tố sinh thái bền vững và nâng cao tính cộng đồng. Các kết quả mong muốn thu được gồm: bảo tồn nước và năng lượng; tái sử dụng và tái sinh vật liệu; tạo ra các không gian công cộng thân thiện, có lợi cho sức khỏe. Các đặc điểm chính của dự án là: các không gian thân thiện cho người đi bộ; vườn chung, bao gồm cả vườn mái; sản xuất lương thực địa phương trong các khu vườn lương thực công cộng tại chỗ; trữ nước mặt để sử dụng cho các vườn và nước xả vệ sinh; thiết kế thuận lợi với khí hậu/mặt trời để sưởi, làm mát và điều hòa độ ẩm bằng gió, ánh sáng mặt trời và hệ thực vật; nước nóng sử dụng mặt trời; năng lượng quang điện thu bằng các tấm panô lắp đặt vào các hệ khung giàn trên vườn mái; sử dụng các vật liệu tái sinh, không độc hại và tiêu thụ ít năng lượng; giảm thiểu sự phụ thuộc vào ôtô con do bối cảnh nội thành. Dự án được thiết kế dựa trên quan điểm hầu hết dân cư của Úc sống trong các thành phố, do đó cách lựa chọn thiết kế và lối sống sẽ tác động rất lớn đến môi sinh và đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên quí báu có hạn. Được thiết kế theo các tiêu chí sinh thái, hai giai đoạn đầu của Christie Walk gồm có bốn nhà mặt phố, sáu căn hộ, bốn nhà ở truyền thống mái rơm, một vườn công có thể cho hoa lợi, một vườn mái (với các điểm nhìn đẹp vào thành phố và các quả đồi), tất cả được đặt trong một không gian đi bộ, được thiết kế cảnh quan đầy sáng tạo. Các phương tiện công cộng phục vụ người dân và thêm một số căn hộ được triển khai vào giai đoạn thứ ba. Nhu cầu năng lượng của các nhà ở được giảm thiểu bằng các cách sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng các vật liệu cách ly rất cao nhưng tiêu thụ năng lượng thấp để chế tạo, và cung cấp nước nóng mặt trời và nhiệt quang điện. Việc tái sinh nước mặt đã giảm nhu cầu sử dụng mạng nước cấp của thành phố. Việc tránh các sản phẩm chứa độc cho người và môi trường cùng với việc loại bỏ các thiết bị điều hòa nhận tạo đem lại các không gian nội thất có lợi cho sức khỏe.

b.

Hình 10.1: Mô hình bố trí mặt bằng cảnh quan tiểu khu Christie Walk



Hình 10.2: Mô hình sử dụng nguồn nước tiểu khu Christie Walk



b. Theo nhật báo Le Monde của Pháp ngày 10 tháng 4 năm 2006 thì Trung Quốc có tham vọng xây dựng thành phố Dongtan thành đô thị sinh thái đầu tiên trên thế giới trong kế hoạch xây dựng 400 đô thị mới đến năm 2020. Đây sẽ là một thành phố "xanh" thử nghiệm, tái sinh nước và năng lượng, qui mô đến năm 2040 sẽ là

500.000 dân. Thành phố này nằm giữa biển, ở cực Đông của Chongming, không có một toà nhà nào cao quá 8 tầng. Mái của các tòa nhà được che phủ bằng các bãi cỏ và cây xanh để điều hoà nhiệt độ và tái sinh nước. Thành phố giành cho mỗi người đi bộ một không gian rộng gấp sáu lần Côpenhaghen, một trong những thủ đô thoáng đãng nhất của Châu Âu.

Hình 10.3: Mặt bằng dự kiến tổng thể của thành phố Dongtan đến năm 2020




c. Mô hình đô thị sinh thái tại Việt Nam

Tại Việt Nam, với truyền thống xây dựng các đô thị dọc sông, ta có thể xây dựng mô hình đô thị sinh thái theo lưu vực sông. Như chúng ta từng biết, các nền văn minh của nhân loại đều bắt nguồn từ hai bên dòng sông. Từ xưa, quan điểm xây dựng các điểm dân cư tập trung của người Việt Nam là : “nhất cận thủy, nhì cận sơn”. Đặc điểm truyền thống của các đô thị là được xây dựng dọc ven sông, nguồn nước được coi là yếu tố cơ bản của sự tồn tại.. Khi giao thông đường bộ chưa phát triển, việc hình thành các đô thị ven sông – ven biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, buôn bán, trao đổi hàng hóa và giao lưu giữa các vùng. Đặc biệt, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đã sản sinh ra trên lãnh thổ nước ta một mạng lưới sông ngòi khá dày đặc. Bên cạnh đó, tại vùng nhiệt đới, lượng mưa lớn hơn lượng bốc hơi cùng với tác dụng xâm thực, xói mòn và phong hóa sẽ cung cấp cho sông ngòi lượng nước và lượng bùn cát to lớn. Do đó, Việt Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng rất lớn để hình thành

các đô thị ven sông. Trên thế giới có rất nhiều đô thị nằm ven các triền sông lớn như: New Dehli, Kyoto, Leningrat, Amsterdam, London, Budapet, Bangkok, Vienchien… Hầu hết các đô thị của nước ta cũng là đô thị ven sông – ven biển như: Hà Nội, Vinh, Việt Trì, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai …Hệ thống lưu vực sông Sài gòn - Đồng Nai (bao gồm cả Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), có địa thế và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc xây dựng các đô thị sinh thái ven sông.

Hầu hết các đô thị của nước ta chưa phải là đô thị sinh thái ven sông. Nói chung, các đô thị thường phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, theo kiểu “trên bến dưới thuyền”. Các đô thị thường phát triển ở ngã ba sông, lạch sông, sông - biển (cửa sông) và thường kết hợp ven sông với vùng đất cao để thành lập hệ thống cảng, khu dân cư, tiểu công nghiệp như Sài gòn thì có kinh Bến Nghé, Chợ Lớn thì có kinh Tàu Hũ, Ruột Ngựa. Khi kinh tế - xã hội phát triển, hệ thống giao thông đường bộ phát triển đã dẫn đến sự xuất hiện một loạt các đô thị mới. Khả năng phát triển dọc sông của các đô thị không lớn. Khi cơ sở hạ tầng đường bộ phát triển hơn, các đô thị ven sông có xu hướng mở rộng về phía nội địa, phần dọc bờ sông bị thu hẹp lại. Vì vậy, hình thái kinh tế phức tạp hơn, chợ búa đa dạng hơn. Trước đây, cư dân chủ yếu buôn bán, trao đổi nông sản ở các đô thị ven sông – ven biển. Ngày nay, cùng với sự hình thành nhiều khu dân cư, khu công nghiệp, các hoạt động sinh sống của con người cũng thay đổi theo sự phát triển của lịch sử. Các ưu điểm đô thị được xây dựng dọc theo lưu vực sông sẽ có ưu điểm là khả năng tự làm sạch (self puryfication) lớn nhờ các hệ thống dòng chảy có thể pha loãng trầm lắng, thủy hệ, chuyển hóa sinh học. Bên cạnh đó, các đô thị ven sông còn có khả năng thoát nước nhanh nên ít bị ngập và vấn đề đi lại cũng thuận tiện. Hơn nữa, giao thông thủy có chi phí thấp, an toàn và ít gây ô nhiễm không khí so với giao thông đường bộ. Ngoài ra, vấn đề cung cấp nước cho các đô thị ven sông cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, các đô thị xây dựng dọc theo sông sẽ tạo được sinh thái cảnh quan môi trường tốt và có khí hậu mát mẻ. Tuy nhiên, lợi dụng các dòng sông, nhiều cơ sở, xí nghiệp, nhà máy sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dân cư sinh sống ven sông đã xả thải trực tiếp chất thải xuống sông mà không hề qua một công đoạn xử lý nào. Thói quen xấu này đã làm cho nhiều dòng sông chảy qua khu vực đô thị bị xuống cấp về chất lượng. Hiện nay, nguồn nước của các hệ thống sông, kênh rạch đang bị ô nhiễm hữu cơ, vô cơ, vi sinh và các chất có độc tính cao. Các đô thị xây dựng dọc theo lưu vực sông thường quá phụ thuộc vào chế độ dòng chảy và chất lượng nước của dòng sông. Ví dụ như sông rạch triều sẽ có các đặc trưng về hình thái, chức năng cấp thoát nước… khác với các sông ngòi khác. Sông rạch triều có dòng chảy hai chiều và dưới tác dụng của thủy triều, của sóng, bờ sông bị bào mòn, xói lở. Các sông ngòi khác có dòng chảy một chiều, có độ mặn nhỏ hơn và độ đục lớn hơn sông rạch triều. Các khu đô thị ven sông đã và đang gây ra hiện tượng sụt lở dọc sông. Có nhiều nơi lở sâu 50 – 100 m và vài trăm mét…Khả năng dùng nước sông để cung cấp cho các hoạt động đô thị phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nước. Cụ thể, nước

sông Đồng Nai, tốt hơn sông Sài Gòn, hơn sông Vàm Cỏ (Long An) khác với sông Nhà Bè ở Tp. Hồ Chí Minh…Chất lượng nước, đặc điểm thủy văn và chế độ dòng chảy cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm và chế độ ngập của các đô thị ven sông. Các chất ô nhiễm có thể thấm vào nguồn nước ngầm làm suy giảm chất lượng nước ngầm. Ngoài ra, do cặn lắng và xả rác bừa bãi nên khả năng thoát nước tự chảy kém, dẫn tới tình trạng ngập lụt thường xuyên về mùa mưa. Bên cạnh đó, các đô thị xây dựng trên vùng trũng thấp ở cửa sông sẽ bị ảnh hưởng mạnh đến độ bền của nền đất, vật liệu xây dựng cũng như khả năng cấp thoát nước. Muốn phát triển bền vững đô thị dọc theo lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai, thì Đô thị sinh thái là mục tiêu cho tất cả các đô thị, thị tứ. Hội nghị Tổ chức Y tế Thế giới họp ở Liverpool (Anh) năm 1988 đã đề ra 4 nguyên tắc chính để tạo dựng những thành phố sinh thái: 1/ Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên. 2/ Đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người. 3/ Trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng.Và 4/ Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu. Cụ thể hơn, Xây dựng một đô thị sinh thái ven sông tức là xây dựng một đô thị đạt những chỉ tiêu sau đây:

Có mật độ cây xanh cao, diện tích cây xanh trên đầu người từ 12 – 15 m2. Phát triển cây xanh, bãi cỏ trên các bờ sông. Giữa khu dân cư và công nghiệp, các trục lộ giao thông cũng cần cây xanh ngăn chặn tiếng ồn, bụi và tăng cường trao đổi oxy.

Bảo đảm nguồn nước từ các sông đủ cấp cho sinh hoạt ở mức 150 – 200 lít/ngày/người và cấp cho sản xuất. Có hệ thống xử lý nước cấp để đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất.

Xử lý triệt để nước thải. Nước chỉ được thải vào hệ thống cống rãnh chung hoặc sông rạch sau khi đã được xử lý đảm bảo mức an toàn. Không gây ô nhiễm cho vùng hạ lưu. Có hệ thống thoát nước thải riêng và nước mưa riêng để tránh ngập vào mùa mưa.

Hệ thống giao thông và những phương tiện giao thông đảm bảo tiêu chuẩn đường và mật độ đường trên số dân. Các phương tiện không gây tiếng ồn và xả khí thải quá mức cho phép. Tăng cường hệ thống giao thông thủy nhưng cần lưu ý các phương tiện giao thông không gây ô nhiễm cho sông rạch. Bố trí quy hoạch khu nhà ở, khu làm việc, khu dịch vụ, chợ, cửa hàng, nơi vui chơi giải trí hợp lý để con ngưởi giảm bớt đi lại bằng phương tiện cơ giới.

Bảo vệ môi trường đất không cho chất thải lẫn vào làm ô nhiễm môi trường đất. Sử dụng quỹ đất thành phố thích hợp để vừa có đất xây dựng cơ sở hạ tầng vừa có đất dành cho khu dân cư, công viên, đất cho rừng phòng hộ môi trường. Không để đất thoái hóa trở thành laterit hoặc gley hóa.

Bảo đảm tiểu khí hậu và khí hậu vùng hài hòa, ít biến động, ít có hiện tượng đảo nhiệt trong bầu không khí, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm không quá lớn.

Bảo đảm sự cân bằng nước tự nhiên trên lưu vực sông xây dựng các đô thị.

Quy mô dân số và phát triển kinh tế - xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp với khả năng “chịu tải” của môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Môi trường không khí không vượt quá ô nhiễm cho phép. Hạn chế năng lượng được sản sinh từ nhiên liệu hóa thạch, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió tự nhiên.

Diện tích mặt nước (ao, hồ, sông) cân đối và đủ với diện tích dân số đô thị để tạo cảnh quan môi trường và khí hậu mát mẻ.

Nhà cửa đô thị được thiết kế và xây dựng với mô hình gắn bó, hài hòa với môi trường tự nhiên, tiết kiệm vật liệu, triệt để tận dụng giải pháp xây dựng kiến trúc và giải pháp tự nhiên (gần sông) để bảo đảm điều kiện vi khí hậu ở bên trong và bên ngoài công trình. Tuyệt đối cấm xây nhà lấn chiếm sông rạch. Dọc 2 bên bờ sông nên xây dựng 2 con đường chạy cặp bờ, kết hợp hàng cây bóng mát, tạo cảnh quan, ngăn chặn xâm hại, ô nhiễm sông

Có bãi rác hợp lý, vệ sinh, xử lý khoa học.

Có hệ thống nhà vệ sinh công cộng bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan, tiện lợi.

Có hệ thống vệ sinh môi trường và y tế dự phòng.

Hệ sinh thái đô thị luôn luôn giữ được thế cân bằng, ổn định. Phải cân đối giữa đầu vào (tài nguyên, năng lượng, thực phẩm) và đầu ra (chất thải, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ).

Thay đổi cách sống đô thị và cách sản xuất để làm sao cho các dòng vật chất, nguyên liệu, năng lượng diễn ra trong chu trình khép kín.

Hoạt động của đô thị và con người trong đô thị thải ra ít chất thải nhất, các chất thải được quay vòng sử dụng, tái sử dụng.

Cần phải có hệ thống giám sát môi trường thường xuyên để điều chỉnh kịp thời.

Phải có thông tin môi trường sinh thái đầy đủ.

Có hệ thống giáo dục môi trường đại chúng để nâng cao dân trí môi trường.

Hệ thống đê sông, khi cần thiết phải được xây dựng. Nhưng từng vùng sinh thái khác nhau thì hệ thống đê, cấu trình đê cũng khác nhau.

Hệ thống cống đập ngăn mặn, thoát lũ cũng phải phù hợp điều kiện môi trường sinh thái vùng (ví dụ cống Vàm Cỏ gây nhiều tranh cãi như hiện nay).

Gắn sinh thái đô thị với văn hóa bản địa, tập quán sông nước, với du lịch sinh thái.

Lưu vực sông Sài Gòn Đồng Nai đã và đang bị con người lạm dụng để thải bỏ trực tiếp chất thải gây ra ô nhiễm trầm trọng, mất an toàn cho nguồn nước cấp, việc xây dựng đô thị sinh thái ven sông là vấn đề rất quan trọng, cần thiết và cấp bách, nhất là trong giai đoạn tốc độ đô thị hóa - hiện đại hóa ngày một tăng cao như hiện nay.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/05/2023