chiếm đoạt dưới hai triệu đồng thì phải thỏa mãn một trong những điều kiện là gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị sử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tội trộm cắp tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người thực hiện hành vi trộm cắp đã chiếm đoạt được tài sản, còn khi họ chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi của họ chưa cấu thành tội phạm.
Phạm tội trộm cắp tài sản do chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên là trường hợp người phạm tội một lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên.
Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi trộm cắp tài sản, nhưng mỗi lần giá trị tài sản dưới hai triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự. (gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án nhưng chưa xóa án tích..), đồng thời trong các hành vi trộm cắp đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, thì người thực hiện nhiều lần hành vi trộm cắp tài sản phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo tổng số giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu thuộc một trong các trường hợp: các hành vi trộm cắp tài sản được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, việc thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản có tính chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu làm nguồn sống chính, với mục đích trộm cắp tài sản, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc trộm cắp tài sản phải thực hiện trong nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới hai triệu đồng. Trong các trường hợp nêu trên, nếu chỉ căn cứ vào các hành vi vi phạm nhiều lần, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) (phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội nhiều lần) quy định tại các điểm b và g khoản 1 Điều 48 BLHS hiện hành [21, tr.217].
Ngoài dấu hiệu hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản còn dấu hiệu thứ ba, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm [4, tr.11-14].
Trong mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản cần chứng minh hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu phải là kết quả của hành vi lét lút chiếm đoạt tài sản của người khác, và trong trường hợp đồng phạm phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của mỗi người đồng phạm và hậu quả chung do hành vi đó gây nên. Nhưng trong thực tiễn người chủ sở hữu có thể bị mất tài sản do nhiều nguyên nhân khác nhau và chỉ khi hiện tượng mất tài sản bằng hành vi trộm cắp tài sản thì mới có cơ sở khẳng định sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu và hành vi phạm tội. Nếu nguyên nhân đưa đến hậu quả này xuất phát từ một tội xâm phạm sở hữu khác thì người phạm tội sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Quan hệ nhân quả có 2 dạng chính là quan hệ nhân quả đơn trực tiếp và quan hệ nhân quả kép trực tiếp. Trường hợp trộm cắp tài sản chỉ do một người phạm tội gây ra thì đó là quan hệ nhân quả đơn trực tiếp, trường hợp nhiều người tham gia vào việc phạm tội thì quan hệ là quan hệ nhân quả kép trực tiếp [15, tr. 77].
Khi xác định quan hệ nhân quả trong mặt khách quan của tội phạm cần thiết phải phân biệt nguyên nhân và điều kiện gây ra hậu quả của tội trộm cắp tài sản để xác định chính xác trách nhiệm hình sự của người phạm tội trộm cắp tài sản [18, tr. 44].
1.2.3. Chủ thể của tội trộm cắp tài sản có đồng phạm
Theo luật hình sự Việt Nam, chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sư và đạt đến độ tuổi luật định khi thực hiện hành vi phạm tội. Đây là dấu hiệu về chủ thể của tội phạm nói chung và của tội trộm cắp tài sản nói riêng.
Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng của một người vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội có thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và điều khiển được hành vi đó. Người phạm tội trộm cắp tài sản khi thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác họ nhận thức được rằng hành vi của họ nằm ngoài chuẩn mực xã hội, trái pháp luật và sẽ bị xã hội lên án. Họ cũng nhận thức được tài sản bị chiếm đoạt là tài sản của người khác và thông qua hành vi phạm tội của họ thì họ tuy có được tài sản nhưng cũng làm mất đi tài sản của người khác.
Khi thực hiện tội trộm cắp tài sản bằng hình thức đồng phạm thì người phạm tội không những thấy hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội họ còn thấy hành vi của những đồng phạm khác cũng gây nguy hiểm cho xã hội và có quan hệ chặt chẽ với hành vi của họ, cùng góp phần gây thiệt hại cho chủ tài sản.
Có thể bạn quan tâm!
- Đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang - 1
- Đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang - 2
- Khái Niệm Đồng Phạm Trong Tội Trộm Cắp Tài Sản
- Một Vài Nét Về Tình Hình Kinh Tế Chính Trị Ảnh Hưởng Tới Diễn Biến Tội Trộm Cắp Tài Sản Có Đồng Phạm Trên Địa Bàn Tỉnh Hà Giang
- Bảng So Sánh Các Vụ Án Xét Xử Sơ Thẩm Đối Với Tội Trộm Cắp Tài Sản Có Đồng Phạm Từ Năm 2010 -2015 Trên Địa Bàn Tỉnh Hà Giang
- Bảng Kết Quả Xét Xử Phúc Thẩm Đối Với Các Bị Cáo Trong Các Vụ Án Trộm Cắp Tài Sản Có Đồng Phạm
Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.
Năng lực TNHS của một người không có ngay khi người đó sinh ra mà cùng với sự phát triển về thể chất, trí tuệ sự giáo dục và tích lũy kinh nghiệm sống của mỗi người và đạt đến độ tuổi nhất định người ta mới có thể nhận thức được đòi hỏi của chuẩn mực xã hội khi đó họ mới có khả năng điều khiển được hành vi của mình theo chuẩn mực xã hội đó. Điều 12 BLHS năm 1999 qui định: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".
Khi một người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ở đủ 16 tuổi thì được coi là có năng lực TNHS và sẽ bị truy cứu TNHS về tội phạm này. Ở trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi được coi là người có năng lực TNHS hạn chế, họ phải chịu TNHS khi họ thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trộm cắp tài sản là loại tội thực hiện với lỗi cố ý, căn cứ vào cách phân loại tội phạm quy định tại Điều 8 BLHS thì trường hợp phạm tội trộm cắp tài sản thuộc khoản 3, 4 Điều 138 BLHS năm 1999 là trương hợp phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Do đó những người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản theo khoản 3, 4 Điều 138 BLHS.
1.2.4. Mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản có đồng phạm
Mặt chủ quan của tội phạm là một trong các yếu tố của tội phạm, thể hiện diễn biến tâm lý của người phạm tội, được đặc trưng bởi dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trước hết lỗi của những người đồng phạm trộm cắp tài sản là lỗi cố ý, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi của mình mà còn biết và mong muốn sự cố ý tham gia của những người đồng phạm khác. Về lý trí, mỗi người đồng phạm biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết những
người khác cũng có hành vi nguy hiểm cùng với mình, mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi mình gây ra và hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện. Về ý chí, những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hậu quả xảy ra.
Về mục đích và động cơ phạm tội trong mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản. Mục đích và động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội trộm cắp tài sản nhưng có mối quan hệ với yếu tố lỗi.
Mục đích phạm tội được hiểu là cái đích đạt được trong ý thức chủ quan của người phạm tội để hành vi phạm tội hướng tới. Mục đích có trước cả hành vi khách quan, có nghĩa là trước khi thực hiện hành vi khách quan, người phạm tội đã có sẵn trong ý thức một mục đích cụ thể, hình dung về hành vi mà mình sẽ thực hiện và hậu quả mong muốn đạt được. Mục đích của những người đồng phạm khi thực hiện tội trộm cắp tài sản là mục đích chiếm đoạt tài sản.
Động cơ phạm tội được hiểu là động lực thúc đẩy người phạm tội hình thành ý định phạm tội cụ thể và thực hiện hành vi phạm tội. Trong trộm cắp tài sản, tuy động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng có ý nghĩa quan trọng trong xác định tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và phân hóa TNHS những người đồng phạm. Động cơ trong tội trộm cắp tài sản là tư lợi, người phạm tội bị thúc đẩy bởi mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác để thỏa mãn ý định của mình.
1.3. Trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản
Đồng phạm là trường hợp nhiều người cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Hành động của những người tham gia thực hiện tội phạm là hành động liên hiệp. Hành vi của người này là tiền đề, điều kiện cho hành vi của những người đồng phạm khác và là khâu cần thiết cho hoạt động tội phạm chung. Hậu quả phạm tội là kết quả chung do hoạt động của tất cả những người tham gia đưa lại. Do vậy, những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm đã thực hiện. Đồng thời, những người đồng phạm cũng phải cùng chịu về các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, nếu họ đều biết, tức là đối với những tình
tiết này họ cùng bàn bạc với nhau hoặc mọi người đều nhận thức và biết rõ về những tình tiết đó hoặc tuy không từng bàn bạc nhưng họ buộc phải thấy trước và có thể thấy trước tình tiết đó.
Việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản có đồng phạm vừa phải tuân thủ quy định chung của chế định TNHS và quyết định hình phạt, vừa phải tuân thủ quy định đặc thù của trường hợp đồng phạm. Các nguyên tắc đó bao gồm: nguyên tắc tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm đã thực hiện; nguyên tắc mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm; nguyên tắc cá thể hòa hình phạt của những người đồng phạm.
Khi định tội danh đối với tội trộm cắp tài sản có đồng phạm, chủ thể định tội danh phải căn cứ chủ yếu vào quy định của Điều 138 và Điều 20 Bộ luật hình sự. Hai điều luật này là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các chủ thể khác xác định hành vi chiếm đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác được thực hiện bởi sự tham gia của từ hai người trở lên xảy ra trên thực tế có cấu thành tội trộm cắp tài sản trong trường hợp đồng phạm hay không; nếu phạm tội thì thuộc khoản cụ thể nào của điều luật đó. Cùng với quy định của Bộ luật hình sự, quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự cũng có ý nghĩa quan trọng trong định tội danh.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thì về nguyên tắc phải tuân thủ nghiêm chỉnh vào những quy định chung về quyết định hình phạt. Tuy nhiên đồng phạm là một chế định bổ sung cho chế định tội phạm, nó có những đặc điểm đặc thù riêng nên khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm Tòa án còn cần phải căn cứ vào những quy định bổ sung tại Điều 53 BLHS:
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Trong vụ án trộm cắp tài sản có đồng phạm, tuy mỗi người cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm, nhưng tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người lại khác nhau, nên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mỗi người đồng phạm cũng không giống nhau.
Vì lẽ đó, khi xác định TNHS và hình phạt đối với mỗi người đồng phạm, Tòa án phải xét đến:
- Tính chất của đồng phạm: Đây là căn cứ mà Tòa án cần cân nhắc vì nó ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chung mà cả bọn cùng thực hiện.
- Tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm:
Trong một vụ đồng phạm, những người tham gia tuy phạm cùng một tội, nhưng tính chất và mức độ tham gia của mỗi người có khác nhau, do vậy tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mỗi người cũng khác nhau. Nếu chỉ dựa vào tính chất của đồng phạm để quyết định hình phạt thì tòa án mới chỉ xác định được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội chung trong hành vi phạm tội của tất cả những người tham gia đồng phạm. Nhưng trong luật hình sự Việt Nam quy định trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân cho nên khi xác định trách nhiệm hình sự cụ thể để quyết định hình phạt cho từng người đồng phạm vẫn phải dựa trên cơ sở hành vi cá nhân mỗi người đồng phạm. Do vậy, căn cứ tiếp theo để tòa án quyết định hình phạt là phải cân nhắc tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Tính chất tham gia vào việc phạm tội được quyết định bởi vai trò mà người đồng phạm thực hiện, bởi tính đặc thù của chức năng, nhiệm vụ cũng như tác dụng của người đó trong hoạt động phạm tội chung. Làm sáng tỏ tính chất tham gia vào việc cùng chung phạm tội có nghĩa là phải xác định được người phạm tội đó là ai, họ là người thực hành, người tổ chức, người xúi giục hay là người giúp sức. Thông thường người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực là những người có vai trò nguy hiểm cao hơn những người đồng phạm khác. Chính vì lẽ đó nên Điều 3 BLHS quy định: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống
đối…”. Việc đánh giá tính chất tham gia của từng người đồng phạm phải tùy thuộc vào tính chất đồng phạm, vào các tình tiết khách quan, chủ quan cụ thể có trong vụ án, và đặc điểm nhân thân của từng người đồng phạm.
Mức độ tham gia của người đồng phạm được xác định bởi mức độ đóng góp thực tế của mỗi người đồng phạm vào việc thực hiện tội phạm và hậu quả chung của tội phạm. Trong thực tế, để xác định mức độ tham gia của mỗi người đồng phạm tòa án phải dựa vào các dấu hiệu như: phương pháp, thủ đoạn thực hiện tội phạm, mức độ quyết tâm phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, hiệu quả của hành vi phạm tội của người đó trong hoạt động phạm tội chung…
Khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, tòa án phải đánh giá tổng hợp cả tính chất và mức độ tham gia phạm tội của mỗi người đồng phạm. Trong đó, tính chất tham gia phạm tội nói lên đặc tính về chất còn mức độ tham gia phạm tội nói lên đặc tính về lượng của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm.
- Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ TNHS thuộc người đồng phạm, thì chỉ áp dụng đối với người đó. Đây có thể là những tình tiết thuộc về phương diện khách quan hoặc chủ quan của tội phạm, hoặc đó là những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội.
Đối với tội trộm cắp tài sản, dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, điều 138 BLHS 1999 đã chia thành bốn khung hình phạt, trong đó mức độ thiệt hại về tài sản là một căn cứ để phân chia thành các khung hình phạt:
Thứ nhất, người phạm tội trộm cắp tài sản bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 138 BLHS sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Tài sản trộm cắp có giá trị từ hai triệu đồng trở lên đến dưới năm mươi triệu đồng.
Những trường hợp trộm cắp tài sản dưới hai triệu đồng và không có tình tiết nào khác làm cho tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi tăng lên, thì không bị coi là phạm tội trộm cắp tài sản, chúng chỉ được coi là vi phạm hành chính hoặc vi phạm kỷ luật.
Trường hợp 2: Tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản dưới hai triệu đồng và bên cạnh đó lại gây ra hậu quả nghiêm trọng khác. Có thể là thiệt hại về sức khỏe, tài sản hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của chủ tài sản.
Trường hợp 3: Tài sản trộm cắp có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng người phạm tội trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt.
Đối với những trường hợp chiếm đoạt tài sản chưa cấu thành một trong những tội chiếm đoạt tài sản được quy định trong BLHS năm 1999, theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính người đó sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo Điều 8 BLHS 1999 qui định:” Những trường hợp tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác”.
Trường hợp thứ 4: tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng người phạm tội trước đó đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và chưa được xóa án tích.
Trong chương “các tội xâm phạm sở hữu” BLHS 1999 có đề cập về các tội chiếm đoạt tài sản được quy định từ Điều 133 đến 145. Trường hợp người phạm tội đã bị kết án về một trong các tội chiếm đoạt tài sản và chưa được xóa án theo qui định từ Điều 63 đến Điều 67 của BLHS năm 1999, lại có hành vi trộm cắp tài sản, thì dù giá trị tài sản chiếm đoạt trong trường hợp này chưa đến hai triệu đồng, hành vi của họ vẫn CTTP. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của trường hợp chiếm đoạt tài sản này không chỉ dựa vào giá trị tài sản đã chiếm đoạt, còn dựa vào nhân thân người phạm tội. Người phạm tội đã bị kết án, chịu sự giáo dục của Nhà nước đối với họ thông qua việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự, nhưng họ vẫn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trong thời hạn chưa được xóa án tích thì dù giá trị tài sản dưới hai triệu đồng vẩn cần thiết phải truy cứu TNHS.
Thứ hai, hình phạt trong cấu thành tội phạm tăng nặng theo khoản 2 Điều 138 BLHS. Khoản 2 Điều 138 BLHS quy định, người thỏa mãn các dấu hiệu phạm tội trộm cắp mà phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm;