Đô thị đương đại trong tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy - 2

4. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là tiểu thuyếtCửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy do NXB Phụ nữ xuất bản năm 2014.

5. Phạm vi nghiên cứu

Khóa luận khảo sát đề tài đô thị đương đại cùng các biểu hiện của nó trong tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy. Ngoài ra, người viết có tham khảo một số tác phẩm khác của Đỗ Bích Thúy như: Chiếc hộp khảm trai, Sương khói mịt mờ

6. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp lịch sử - xã hội: Xem xét sự phát triển của đô thị Việt Nam qua các giai đoạn, từ đó nhận ra đề tài đô thị ở từng thời kỳ. Đồng thời thấy được dòng chảy của đề tài này và phát hiện ra những nét riêng của Đỗ Bích Thúy.

- Phương pháp tiếp cận thi pháp học: Qua việc phân tích hình thức nghệ thuật tác phẩm để làm rò đề tài đô thị đương đại trong tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy.

- Phương pháp hệ thống: Đặt tác phẩm Cửa hiệu giặt là trong mối quan hệ biện chứng với một số truyện ngắn khác cùng tác giả và trong một số tác phẩm của các nhà văn khác cùng đề tài.

- Phương pháp liên ngành: tiếp cận đối tượng bằng nhiều cách thức, dựa trên những dữ liệu của nhiều chuyên ngành như: văn hóa, lịch sử…

- Kết hợp các thao tác thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp: Đây là những thao tác cơ bản trong nghiên cứu các vấn đề văn học, giúp người viết đi sâu vào khám phá những khía cạnh cụ thể của tác phẩm, từ đó làm rò hơn chủ đề đô thị trong văn xuôi của Đỗ Bích Thúy.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 69 trang tài liệu này.

7. Cấu trúc của khóa luận

Ngoài phẩn Mở đầu và Kết luận, Nội dung chính của khóa luận gồm ba chương:

Đô thị đương đại trong tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy - 2

Chương 1: Khái quát về đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam đương đại.

Chương 2: Đô thị đương đại trong tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là nhìn từ nội dung phản ánh.

Chương 3: Đô thị đương đại trong tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là nhìn từ hình thức nghệ thuật.

NỘI DUNG CHƯƠNG 1‌

KHÁI QUÁT VỀ ĐỀ TÀI ĐÔ THỊ TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI‌

1.1. Giới thuyết khái niệm

1.1.1. Đề tài

Theo Từ điển Thuật ngữ văn học, đề tài “là khái niệm chỉ các loại hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm” [9, tr110]. Bất kì tác phẩm văn học nào cũng có một đề tài nhất định. Phạm vi cuộc sống trong tác phẩm vô cùng phong phú, vì thế đề tài cũng hết sức phong phú, đa dạng.

Đề tài là một phương diện khách quan trong nội dung tác phẩm. Nó là sự nhận thức, cảm nhận của nhà văn về phạm vi hiện thực cụ thể mà nhà văn lựa chọn và phản ánh. Giới hạn phạm vi đề tài có thể được xác định rộng hẹp khác nhau. Đề tài là cơ sở để nhà văn khái quát chủ đề, xây dựng hình tượng nghệ thuật. Mỗi nhà văn thường có “vùng đất” quen thuộc với kinh nghiệm, vốn sống, hứng thú, cá tính của mình. Việc các định đề tài cho phép liên hệ nội dung tác phẩm với một mảnh đất nhất định của hiện thực. Đề tài không chỉ được khơi gợi, quy định bởi cuộc sống hiện thực mà còn được xác lập bởi lập trường tư tưởng, thẩm mĩ, cách nhìn, quan niệm nghệ thuật, tài năng sáng tạo; phụ thuộc vào những yêu cầu của thời đại và hoàn cảnh sáng tác riêng của mỗi nhà văn.

1.1.2. Đô thị

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, “đô thị là không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp” [11, tr836].

Đô thị được hình thành từ lịch sử phát triển kinh tế xã hội, do sự phân công lao động xã hội mà chủ yếu là thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Trong quá trình vận động, do kinh tế phát triển, con người có nhu cầu ngày càng cao hơn, một bộ phận dân cư lao động tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp để hoạt động thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, quản lí xã hội,… những người này và gia đình của họ tập trung lại, sinh sống tại các địa điểm phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có đặc điểm chủ yếu là lao động phi nông nghiệp. Đó là điểm dân cư đô thị đầu tiên. Những đô thị đầu tiên trên thế giới đã được hình thành cách đây hàng nghìn năm, bắt đầu từ những thành phố cổ Isarel hay Hy Lạp.

Ở Việt Nam, lịch sử phát triển đô thị có từ rất lâu. Các đô thị được hình thành sớm cùng với sự hình thành của các quốc gia cổ đại như Văn Lang, Âu Lạc. Đến thời kỳ phong kiến, các đô thị ở Việt Nam đã được hình thành và phát triển từ các thành cổ hay từ những điểm buôn bán lớn. Thời kỳ này đô thị còn ít ỏi, quy mô nhỏ bé, chủ yếu là các đô thị mang chức năng chính trị, quân sự, bên cạnh đó tập trung dân cư tiểu thủ công nghiệp, các thương gia. Có thể kể đến một số đô thị thời kỳ bấy giờ như: Thăng Long, Vân Đồn – Quảng Ninh, Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam), Gia Định…

Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách chia để trị nên tổ chức mạng lưới đô thị hành chính cùng với các đồn trú rải đều trên khắp lãnh thổ nước ta. Ngoài ra, để thực hiện chính sách vơ vét tài nguyên, bóc lột thuộc địa, chúng đã xây dựng các nhà máy và khu công nghiệp. Điều này đã dẫn đến sự hình thành của các đô thị với các thị dân hoạt động công nghiệp như: Hòn Gai, Cẩm Phả, Nam Định, Hải Phòng, Đã Nẵng, Biên Hòa, Đồng Nai, Sài Gòn… Đồng thời các đô thị quân sự chính trị cũng được phát triển. Nhằm phục vụ tầng lớp thống trị, các đô thị nghỉ dưỡng ra đời: Sa Pa, Tam

Đảo, Đà Lạt, Đồ Sơn, Nha Trang… Như vậy, mạng lưới đô thị thời kì này đã tăng lên nhanh chóng cùng với đó là lối sống phương Tây du nhập vào Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất, văn hóa của thị dân.

Khi đất nước thống nhất, đặc biệt là sau năm 1986, nhờ chính sách mở cửa, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần của Nhà nước, hệ thống đô thị phát triển mạnh mẽ cả về số lượng đô thị và dân số đô thị với đủ các loại hình: đô thị công nghiệp, đô thị cảng, đô thị hành chính, đô thị du lịch, đô thị tổng hợp. Nhiều trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn đã mọc lên ở cả ba miền: Hà Nội, Đã Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Đặc biệt do chủ trương phát triển kinh tế làm trọng tâm, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh và có chiều hướng phức tạp.

1.1.3. Đô thị đương đại

Nếu không tính đến các đô thị phong kiến, ở Việt Nam đô thị hiện đại (mô hình phương Tây) hình thành cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đầu tiên là Sài Gòn sau đó lan rộng ra Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…

Từ khi Đổi mới, tốc độ phát triển đô thị ở nước ta diễn ra nhanh hơn. Một phần tư thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống đô thị ở Việt Nam không ngừng phát triển “từ 629 đô thị (năm 1999) đã tăng lên tới 755 đô thị (năm 2010) [15, tr 55], và tính đến tháng 01/2018, toàn quốc có 813 đô thị (tăng 11 đô thị loại V so với năm 2016), bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016)” [14]. Như vậy, có thể thấy, trong những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra ngày càng nhanh. Đô thị hóa đang là xu thế của toàn cầu nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì quá trình đô thị hóa kéo theo rất nhiều những hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng về mật độ phân bố dân cư dẫn đến

tình trạng đất chật người đông, lối sống, văn hóa đô thị theo nhà máy, xí nghiệp, khu vui chơi giải trí tràn vào các miền quê. Những vấn đề xã hội của con người nảy sinh ngày một nhiều. Sự biến đổi tâm lý của cư dân đô thị cũng ngày một lớn. Văn học đương đại đã dành khá nhiều trang viết để phản ánh thực trạng của cuộc sống đô thị đương đại. Không ít nhà văn đã đặt ra những vấn đề về sự tha hóa của con người trong vòng xoáy xã hội đồng tiền, của nền kinh tế thị trường, hay làm sao để giữ gìn, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Đề tài đô thị đã và đang là một đề tài được khai thác nhiều hơn nữa.

1.2. Đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam

1.2.1. Đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam trước 1986

Những năm đầu của thế kỷ XX, khi không gian thôn dã quen thuộc dần nhường chỗ cho các không gian đô thị mới nổi, đô thị nghiễm nhiên có vị trí quan trọng trong văn chương Việt Nam lúc bấy giờ. Khi nhóm Tự lực văn đoàn được thành lập, họ là những nhà văn được tiếp cận mạnh mẽ từ nền văn minh phương Tây. Rất nhiều tác phẩm của các thành viên Tự lực văn đoàn viết về cuộc sống chốn đô thị. Nhân vật trong các tác phẩm của họ mang màu sắc cá tính mạnh mẽ. Họ mạnh dạn thể hiện cái “tôi” cá nhân cùng các quan điểm của mình. Các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đều đề cao những cô gái tân thời, những chàng trai tiến bộ dám vượt qua mọi rào cản để xây dựng tình yêu (Đoạn tuyệt, Bướm trắng). Thạch Lam cũng viết về đô thị nhưng thường là những phố huyện nghèo, nhỏ bé, tối tăm, cuộc sống của con người quẩn quanh bế tắc. Tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã đề cập đến cuộc sống nơi đô thị với những tư tưởng mới về tình yêu, quyền tự do và hạnh phúc của con người trong một giai đoạn mà khuôn khổ lễ giáo phong kiến đã ăn sâu vào gốc rễ văn hóa người Việt nhưng đồng thời cũng là minh chứng cho sự du nhập của những tư tưởng, lối sống phương Tây. Hồ Biểu Chánh cũng có nhiều

tác phẩm: Cay đắng mùi đời, Tiền bạc – bạc tiền, Thầy thông ngôn… tái hiện lại bức tranh đô thị với nhiều tầng lớp khác nhau.

Cũng viết về đề tài đô thị nhưng các nhà văn hiện thực lại nhìn bằng những cảm quan riêng. Với Vũ Trọng Phụng, đô thị hiện lên hỗn tạp, xô bồ thậm chí cuộc sống nơi đô thị còn là sự học đòi lố lăng, giả tạo, dối trá cùng rất nhiều các tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, mại dâm… Có thể kể đến một số tác phẩm viết về đô thị của Vũ Trọng Phụng như: Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ…

Với Nguyễn Công Hoan, đô thị hiện lên nhố nhăng, bỉ ổi như những tấn hài kịch, con người sống cuộc sống đó phải tính toán, lừa lọc, làm trò…Một số tác phẩm thể hiện rò nét những điều này như: Mất chiếc ví, Người ngựa ngựa người, Báo hiếu trả nghĩa cha…

Đến với Nam Cao, bên cạnh mảng đề tài viết về người nông dân nhà văn cũng dành khá nhiều trang để viết về người trí thức với cuộc sống nơi thành thị. Họ quanh năm phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền. Có thể kể đến một số tác phẩm như: Sống mòn, Đời thừa, Giăng sáng…

Văn học giai đoạn 1945 – 1975, trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, mang tính chiến đấu cao. Con người xuất hiện trong giai đoạn này là con người của cộng đồng, màu sắc cá nhân mờ nhạt. Do đó không gian đô thị, nhân vật mang màu sắc đô thị ít xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn có một số ít tác phẩm của các nhà văn có màu sắc đô thị như Đôi mắt của Nam Cao. Tác phẩm đã tập trung khắc họa nhân vật trí thức, tiểu tư sản – nhà văn Hoàng dù về quê tản cư nhưng vẫn mang lối sống, nếp nghĩ của người thành thị. Nhà văn Tô Hoài với Những ngò phố cũng ghi lại được cuộc sống của người dân nghèo nơi đô thị với những thay đổi tích cực. Một số tác phẩm dù mang tính chiến đấu cao nhưng phần nào cũng phản ánh được bối cảnh của đô thị như hình ảnh người dân thủ đô trong

Hai trận tuyến và trong lòng Hà Nội của Hà Minh Tuân, hay Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân, Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng…

1.2.2. Đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam sau 1986

Sau Đại hội Đảng toàn quốc năm 1986, đất nước tiến hành đổi mới toàn diện. Văn học nghệ thuật cũng bước vào một cuộc cách tân thực sự. Tư duy của người nghệ sỹ cũng bắt đầu thay đổi. Cảm hứng sử thi dần mất đi nhường chỗ cho cảm hứng nhân văn đời thường. Mảng đề tài đô thị trở nên hấp dẫn và được nhìn nhận sâu sắc, đa chiều hơn. Ngay từ những năm đầu đổi mới, qua một số tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Trung Chính, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải… “đô thị hiện lên với nhiều băn khoăn, trong sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn, sự đa dạng phức tạp thời bình và tính một chiều thời chiến, cảm hứng thế sự đời tư và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; rồi các phân vân, trăn trở trong những khác biệt về giới và tính dục, về không gian sống, vấn đề cá nhân cá tính, tình yêu, hạnh phúc…” [5].

Nguyễn Minh Châu với những tác phẩm Sống mãi với cây xanh, Khách ở quê ra đã đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị. Ma Văn Kháng thì làm sống dậy đời sống thế tục đô thị với Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú… Nguyễn Khải với Một người Hà Nội. Đến sau, nhưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại có cái nhìn sâu sắc nhiều chiều hơn về đề tài đô thị. Ông nhìn cuộc sống và con người đô thị bằng thái độ lạnh lùng, sắc lẹm. Ở đó con người biến dạng với những giành giật, toan tính, vụ lợi, ích kỷ (Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường, Không có vua...). Sau Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp… không thể không nhắc tới sự xuất hiện của hàng loạt cây bút trẻ, họ đa số đều là những người sống trong các đô thị, trở về đô thị mưu sinh nên họ tiếp cận đô thị một

Xem tất cả 69 trang.

Ngày đăng: 07/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí