Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm Hà Nội - Những giá trị lịch sử và văn hoá - 7


+ Cột hiên: có kích thước nhỏ hơn, hoặc bằng cột quân. Công năng chính là nâng đỡ mái hiên.

+ Cột trốn là hình thức trốn chân, chân cột không trốn thẳng xuống nền.

- Bộ vì: là yếu tố cơ bản của kết cấu khung gỗ, liên kết tất cả các cấu kiện (cột - xà- kẻ - bẩy). Các bộ vì chính là kết cấu chịu lực nâng đỡ mái.

Theo mặt cắt ngang, một bộ vì được chia thành ba phần:

+ Vì nóc: là liên kết các cấu kiện ở khoảng không gian giữa hai cột cái, đỡ nóc và nửa mái phía trên. Khoảng không gian ấy có hình một tam giác cân, giới hạn bởi câu đầu.

+ Vì nách: là liên kết các cấu kiện ở khoảng không gian hình một tam giác vuông, được tạo thành giữa cột cái cột quân. Tam giác vuông này cạnh dài là xà nách cấu kiện liên kết cột cái cột quân theo mặt cắt ngang, cạnh ngắn là độ dài hơn của cột cái so với cột quân và cạnh huyền là độ dài phần mái phía dưới.

- Hiên: là liên kết các cấu kiện để phần đua vươn ra ở hàng hiên, tính từ

cột quân ra hết chân mái giọt gianh.

- Xà dọc: cấu kiện gỗ liên kết các cột theo mặt cắt dọc, làm hình thành một hệ thống “giằng” cố định các bộ phận thành một khung chịu lực. Nhiều khi các cấu kiện này còn được gọi là xà đai vì chúng đánh đai các cột ở nhiều cao độ khác nhau. Các xà dọc ăn mộng ở phần đầu các cột cái có tên là xà thượng, các xà dọc ở đầu các cột quân có tên là xà trung, các xà dọc ở đầu các cột hiên có tên là xà hạ, các xà dọc ở phần chân các cột hiên có tên là xà ngưỡng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Hệ thống dầm sạp gỗ ở kiến trúc đình làng cũng là những cấu kiện có tác dụng liên kết, cố định làm bộ khung gỗ chịu lực thêm vững chãi.

- Vì giá chiêng: là một thuật ngữ kiến trúc cổ, chỉ kiểu liên kết các cấu kiện theo hình thức của các giá cheo chiêng trống cổ truyền (có nơi, dân gian lại nhìn nhận hình dáng kiểu này giống cái quang đèn). Đây là kiểu kiến trúc liên kết vì nóc có niên đại sớm nhất trong các kiến trúc cổ bằng gỗ hiện còn.

Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm Hà Nội - Những giá trị lịch sử và văn hoá - 7


- Câu đầu: một loại xà ngang, được dùng để liên kết hai đầu một cặp cột cái ở các kiến trúc có niên đại sớm, câu đầu chỉ kê trên đầu cột cái qua một đấu vuông thót đáy; muộn hơn về sau câu đầu mới ăn mộng xuống đầu cột cái.

- Đầu dư: phần kết cấu gắn với các cột cái trong ngôi đình thường được

chạm lộng để tạo tính mỹ thuật cho công trình kiến trúc.

- Cửa võng: nếu nói chữ thì đây được gọi là cái long môn, thuật ngữ chỉ toàn bộ khung trang trí phía trước của nơi thờ thành hoàng.

- Con rường: là những thân gỗ ngắn, nằm ngang trong các kết cấu vì nóc vì nách. Đầu các con rường tạo điểm đỡ hoành mái.

- Ván nong/dong: là những tấm ván gỗ dày, kê giữa các cấu kiện. Công năng kiến trúc của cấu kiện này chưa thật rõ, có lẽ (theo như tên gọi) đây cũng là một biện pháp cân chỉnh, kê kích các cấu kiện lớn, tương tự như các đấu hay guốc hoành. Nhiều khi hai mặt của ván nong được chạm khắc trang trí.

- Hoành mái: là những thân gỗ (hoặc có hình dạng tự nhiên của các thân gỗ nhỏ, hoặc có hình vuông do được xẻ từ những thân gỗ lớn) gác qua các bộ vì theo chiều dọc công trình. Chiều dài một hoành bằng chiều rộng của một gian. Cấu kiện này tạo thành mặt phẳng mái.

- Guốc/dép hoành: là những khúc gỗ nhỏ, có thể ngắn - dài, cao - thấp tùy trường hợp cụ thể, thường được tạo hình đẹp, kê dưới các hoành mái. Công năng của cấu kiện này là cân chỉnh mặt phẳng mái.

- Cốn chồng rường: là một kiểu thức liên kết các cấu kiện ở vì nách. Các con rường nằm chồng lên nhau qua các đấu vuông thót đáy trốn cột. Vì nách có nhiều kiểu liên kết khác nhau, riêng chồng rường được gọi là cốn.

- Bẩy hiên: là những thân gỗ đặt chéo, ăn mộng qua đầu các cột ở hiên (cột quân hoặc cột hiên). Phần đuôi bẩy (có tên gọi riêng là nghé bẩy) tỳ lực vào dạ xà nách, thân bẩy chạy chéo vuông, vươn dài ra đỡ những hoành mái


cuối cùng. Theo chúng tôi, chỉ cấu kiện có nghé đội vào dạ xà nách, gác một điểm tựa duy nhất ở mộng trên đầu cột quân (hay cột hiên) dùng sức nặng của mái trên đè xuống, bẩy lên đỡ chân mái theo đúng nghĩa đòn bẩy mới gọi là bẩy hiên. Trong các trường hợp thân gỗ chạy chéo này gác tới hai mộng (một ở đầu cột hiên, một ở đầu cột quân) thì lại là cấu kiện có tên là Kẻ.

- Tâm/tim cột: trong kiến trúc cổ truyền Việt, khoảng cách thường được xác định từ các tâm hình tròn của các cột, tim các tường gạch xây. Cách đo này giúp tránh được các sai số vì thông thường các hàng cột không dựng vuông góc với mặt nền mà “thượng thu - hạ thách”.

- Tàu mái: là những tấm ván gỗ dày, nối nhau, ăn mộng chốt vào bẩy hay kẻ hiên (hoặc ván nong trên đó). Thực chất, có thể coi đây là cây hoành cuối cùng của mái. Tàu mái thuộc không gian của các gian được gọi là tàu gian, thuộc phần hồi nhà được gọi là tàu hồi. Tàu gian chỉ là một tấm ván dày, thẳng; còn tàu hồi là nhiều tấm ván ghép chồng nối với nhau, déo cong lên góc mái (Déo cong là một thuật ngữ kiến trúc cổ chỉ sự vươn cao, uốn cong, vuốt nhỏ dần về một đầu). Nhiều nơi gọi tàu hồi tàu đao.

- Rui: là những thanh gỗ mỏng (kích thước theo mặt cắt thường là 0,02 x 0,10m; dài tùy ý) dải nằm vuông góc trên các thân hoành mái, chạy theo chiều dốc của mái.. Công năng của cấu kiện này tạo nên mặt phẳng để lợp ngói.

- Mè/gộp rui: là những thanh gỗ nhỏ (tiết diện 0,03m x 0,04m; dài tùy theo gỗ được sử dụng). Được gác vuông góc trên rui, song song với hoành

cũng chạy suốt chiều dọc mái như hoành. Công năng chính của cấu kiện này là chống sự xô, tụt ngói lót..

- Ván gió: được gọi là ván gió hoặc ngắn gọn là lá gió. Theo vị trí cấu

kiện này còn được gọi là diệp thượng, diệp hạ.

Thuật ngữ sử dụng trong nghệ thuật:

- Hình tượng: sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, nhận thức trực tiếp bằng cảm tính.


- Hình tượng nghệ thuật: phạm trù cơ bản của mỹ học, dùng để chỉ một hình thức phản ánh hiện thực đặc thù bằng các phương tiện nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật khác với các phạm trù của tư duy khoa học (khái niệm, phán đoán, diễn dịch), do tính chất trực tiếp của nó. Đồng thời, nó cũng khác với các phạm trù khác như: cảm giác, tri giác, biểu tượng, vì ngoài sự phản ánh trực tiếp hiện thực, nó còn nhằm tổng hợp các hiện tượng của đời sống theo một kiểu riêng. Nó thâm nhập vào bản chất của các hiện tượng đó và làm sáng rõ ý nghĩa sâu xa của chúng. Hình tượng nghệ thuật làm xuất hiện trong một sự thống nhất khăng khít các yếu tố của nhận thức trực quan tích cực và tư duy trừu tượng, nhưng đồng thời nó cũng khác về bản chất cả với cái này và cái kia.

- Nghệ thuật tạo hình: là nghệ thuật đưa tới thị giác những tác phẩm có không gian hai hoặc ba chiều như: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, đồ họa, nghệ thuật trang trí ứng dụng.

- Nghệ thuật dân gian truyền thống: các môn nghệ thuật truyền từ đời này sang đời khác theo phương pháp “cha truyền con nối” trong các làng xóm, phường xã… Kiểu mẫu cổ truyền thường được giữ mãi, ít khi bị thay đổi. Ở Việt Nam có nghệ thuật làm đồ chơi, nghệ thuật hát chèo, nghệ thuật in tranh Đông Hồ, Nghệ thuật chạm khắc.

- Nghệ nhân: người làm nghệ thuật theo lối truyền thống. Họ tạo ra sản phẩm dựa trên kinh nghiệm “cha truyền con nối” bằng sự khéo léo của đôi tay với những công cụ máy móc đơn giản như bàn xoay, dao khắc… Đặc biệt, mỗi sản phẩm của nghệ nhân làm ra đều mang nét độc đáo riêng, không có cái nào giống cái nào, dù rằng chúng cùng một mẫu. Hầu hết các nghệ nhân không qua các trường lớp đào tạo mà học theo kiểu truyền nghề.

- Họa tiết: hình vẽ đã được cách điệu hóa, dung để trang trí .

- Hoa văn: hình vẽ trang trí được thể hiện trên các đồ vật .


- Chạm: là tạo nên những đường nét hoặc hình khối nghệ thuật trên mặt vật rắn bằng cách đục, khắc. Chạm còn là kỹ thuật điêu khắc, đục xuống mặt vật liệu (đá, gỗ, ngà…) để làm nổi bật lên các hình tượng nghệ thuật muốn diễn tả, ở sau phù điêu bằng chạm nổi. Các kỹ thuật chạm chủ yếu là chạm nổi (cao, vừa và thấp), chạm bong hay chạm kênh, chạm lộng hay chạm thủng. Những kỹ thuật này phổ biến trong mỹ thuật Việt Nam và thế giới .

- Chạm thủng: mặt ván thường không dày, các hình thường phẳng và nền bị đục thủng, chỉ còn lại các hình trang trí. Kỹ thuật này cho phép diễn tả hoa lá, mây nước, chim thú, rồng, phượng… rất tinh tế, mềm mại, thanh nhã, với hiệu quả trang trí cao, lại có giá trị sử dụng khi làm cánh cửa, cửa thông gió, tường ngăn nhỏ hay bình phong…

- Chạm nông: bề mặt gỗ phẳng và các chi tiết được chạm nổi ở trên đó. Các bức chạm vuông vức trên các ván bưng, hoành phi, câu đối… thường dùng lối chạm này, rất thuận tiện cho việc sơn son thếp vàng. Kỹ thuật chạm nông cho phép các hình trang trí được bố cục trải đều phủ kín mà không làm giảm chịu lực của cấu kiện gỗ.

- Chạm kênh bong: kỹ thuật chạm khắc để tạo ra các hình trang trí nhiều lớp từ thân gỗ chịu lực. Các hình rồng, phượng, mây, hoa lá gắn với các khối lớn hoặc ở các xà kèo lớn thường được tách ra, có khi theo nhiều lớp chồng lên nhau. Kỹ thuật này tạo ra cảm giác các hình như mọc ra từ thân gỗ, kết hợp với hiệu quả ánh sáng gây cảm giác trang trí uốn lượn rất cầu kỳ, hơn hẳn cách chạm nông hay chạm thủng. Nhiều khi người ra kết hợp với kiểu chạm kênh bong bằng việc gắn thêm phía ngoài những chi tiết khắc rời, tạo hiệu quả tầng tầng lớp lớp cho mảng trang trí. Kiểu chạm kênh bong khá phổ biến ở phù điêu trang trí đình làng.

Chạm bong (chạm kênh, chạm kênh bong) thuật ngữ kỹ thuật dân gian chỉ hình thức chạm khắc trên gỗ mà một số thành phần của bức chạm được


chạm trồi cao nên gần như tách ra khỏi mặt nền. Lối chạm này tạo nên nhiều lớp cao thấp nhằm diễn tả chiều sâu không gian, khẳng định những hình tượng chủ yếu của các bức chạm. Kiểu chạm này được chạm nhiều trên các thành phần kiến trúc ở đình, chùa cổ Việt Nam .

- Chạm lộng: là cách chạm khắc đòi hỏi kỹ thuật cao, sự công phu, tỉ mỉ của người thợ. Đây cũng là kỹ thuật chạm khắc đầy tính biểu cảm, có hiệu quả không gian và khối cao nhất. Các hình khối chạm lộng thường là những nhân vật và các con vật linh… Chúng gần như những pho tượng tròn, lồi hẳn ra, chồng chéo nhiều lớp cực kỳ phức tạp, làm mất cảm giác về nền vốn có của bức chạm. Cả thân cây gỗ được đục rỗng, tạo ra những khoảng trống luồn lách trong khối tượng. Các bức chạm khắc được chạm lộng thường là những phần hấp dẫn nhất của điêu khắc trang trí đình làng.

Chạm lộng (chạm thủng): chỉ những bức chạm (phần nhiều bằng gỗ, ngà, sừng) mà các hình tượng nghệ thuật được thể hiện vẫn nằm trên mặt phẳng nhưng liên kết với nhau qua sự tiếp dính của các thành phần. Mặt nền được đục thủng để hằn rõ đường viền của các hình tượng, đồng thời làm cho bức chạm thông thoáng, nhẹ nhõm. Chạm lộng được thể hiện nhiều trên các bức chạm ở cánh cửa, đường diềm trang trí trên các đồ gỗ, đặc biệt áp dụng để đục các cửa võng ở phía trên bàn thờ gian giữa .

- Chạm nổi: một hình thức nghệ thuật mà hình tượng được diễn tả trên mặt phẳng bằng độ đục chạm (trên gỗ, sừng, ngà, đá, kim loại…) nông sâu khác nhau.

1.3. Tiểu kết chương 1

Đình làng từ trước đến nay đã có một lịch sử nghiên cứu khá dày và công phu của nhiều tác giả, tập trung nghiên cứu ở các lĩnh vực:

- Nghiên cứu đình làng tiếp cận về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Các tác giả nghiên cứu mang tính tổng quan, cơ bản đã đưa ra đặc điểm riêng


Việt của loại hình kiến trúc đình làng. Với những kết quả nghiên cứu về kỹ thuật chạm khắc, đề tài trang trí là cơ sở để xác định khung niên đại cho kiến trúc đình làng, đồng thời làm nền tảng cho việc nghiên cứu từng đình làng cụ thể.

- Nghiên cứu đình làng tiếp cận dưới góc độ dân tộc học, văn hóa, tín ngưỡng đã đạt được những thành tựu nổi bật về vai trò, chức năng của đình làng: chức năng hành chính, tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng làng. Điều này cho ta thấy sức hấp dẫn về giá trị về lịch sử, văn hoá của đình làng.

- Nghiên cứu về đình làng tiếp cận dưới góc độ khảo cổ học mới chỉ có một số tác giả đề cập. Những công trình này nghiên cứu một đình làng cụ thể như luận án Phó tiến sĩ của Trịnh Cao Tưởng về đình làng Phù Lão (Hà Bắc) hay luận án Tiến sĩ của Phan Xuân Thành về đình làng Võ Liệt (Nghệ An). Nghiên cứu về một cụm đình của một địa phương nhỏ như luận án Phó tiến sĩ của Nguyễn Anh Tuấn về cụm đình Tam Canh (Vĩnh Phú). Mặc dù luận án Tiến sĩ của Nguyễn Hồng Kiên nghiên cứu về nhiều đình làng nhưng chỉ dừng lại ở những ngôi đình thế kỷ XVI.

- Nghiên cứu đình làng ở Gia Lâm (Hà Nội) nói chung và những ngôi đình làng thế kỷ XVII – XVIII nói riêng còn rất ít người quan tâm mà đặc biệt dưới góc độ khảo cổ học. Những vấn đề nghiên cứu đình làng ở Gia Lâm mới chỉ dừng lại mang tính chất miêu tả và khái lược giá trị, chưa nêu được tính tổng quan có tính hệ thống và chuyên biệt.

- Luận án đã giới thiệu chung về nguồn gốc ngôi đình, cũng như vai trò của nó trong đời sống xã hội và tinh thần của người dân làng Việt, đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền. Nó là biểu tượng của tính cộng đồng và dân chủ làng xã, là trung tâm văn hóa và là nơi tập trung và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng làng.


Những khái niệm, thuật ngữ có liên quan đến kiến trúc, chạm khắc đình làng sử dụng trong quá trình nghiên cứu của luận án được làm rõ. Đây là những tiền đề, cơ sở lý luận đóng vai trò là nền tảng để tác giả luận án tiếp tục nghiên cứu vấn đề ở các khía cạnh khác nhau trong những phần sau của luận án.

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 20/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí