được sự công nhận của cả làng. Có thể thấy, mọi sự chuyển đổi vị thế xã hội của các thành viên trong làng chỉ có giá trị khi được sự chứng nhận của Thành hoàng làng.
Ngoài những chức năng đã nêu, đình làng còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí…được gọi là “hội hè đình đám” của người dân. Hội hè, với vô số trò chơi, cùng với các loại hình văn nghệ dân gian, nhằm tạo không khí vui vẻ, sảng khoái sau những tháng ngày làm việc vất vả. Với người nông dân xưa, hội hè là dịp duy nhất để họ có thể quên đi cuộc sống đầy lo toan, là dịp để họ vươn tới một đời sống văn hóa tinh thần cao hơn; đồng thời, đó cũng là dịp để mọi năng lực sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi con người có điều kiện thể hiện và thăng hoa.
Do đều được tiến hành bởi các nhóm xã hội của cả cộng đồng, nên ngoài giải trí, các hoạt động vui chơi, văn nghệ... còn củng cố, tăng cường và làm bền chặt hơn những mối liên hệ giữa các thành viên trong làng. Mọi người trong làng càng thêm gắn bó, thân thiện với nhau hơn. Vào những dịp hội hè bao giờ cũng đi kèm với những bữa cỗ “đình đám”. Ở đó, mọi đàn ông đã thành niên của làng đều được tham dự theo hệ thống phân định ngôi thứ đã được ấn định chặt chẽ và được chia phần. Với những bữa ăn ấy, mỗi người dân làng chẳng những ý thức sâu sắc về cội nguồn chung của mình (có chung một vị thần thành hoàng - một người cha tinh thần) mà còn ý thức được vị trí, cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của họ đối với cộng đồng làng.
Với những chức năng như đã nêu trên, đình làng thực sự đã trở thành một biểu tượng có ý nghĩa đặc biệt: nơi thể hiện đậm nét những đặc điểm mang tính truyền thống của cả cộng đồng làng: Nơi ngự trị của vị thần bảo trợ của mỗi làng xã, là trung tâm đời sống cộng đồng của làng, đây là nơi các kỳ hào hội họp, nơi bàn định những vấn đề hành chính và tư pháp thuộc nội bộ
làng xã; nơi tiến hành những nghi lễ tôn giáo, nói tóm lại là nơi thực hiện tất cả những sự kiện của đời sống xã hội làng [12, tr.7].
Sự xuất hiện của đình làng và mở rộng về chức năng cho ta thấy, đình làng ra đời từ nhu cầu phát triển của xã hội người Việt. Đình làng phát triển và biến đổi theo sự phát triển chung của lịch sử, xã hội. Điều này sẽ càng sáng tỏ hơn khi chúng ta tìm hiểu quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trang trí của ngôi đình làng.
Từ những vấn đề nêu trên, tựu chung lại đình làng có ba chức năng cơ bản, đó là:
- Chức năng tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của cộng đồng làng xã.
Có thể bạn quan tâm!
- Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm Hà Nội - Những giá trị lịch sử và văn hoá - 2
- Bảng Thống Kê Một Số Đình Làng Ở Gia Lâm Có Thông Tin Tư Liệu Xây Dựng Vào Thế Kỷ Xvii - Xviii
- Chức Năng Và Vai Trò Của Đình Làng Trong Đời Sống Văn Hoá Việt Nam
- Nghiên Cứu Về Đình Làng Dưới Góc Độ Dân Tộc Học, Văn Hóa, Tín Ngưỡng
- Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm Hà Nội - Những giá trị lịch sử và văn hoá - 7
- Vài Nét Về Vị Trí Địa Lý Và Lịch Sử Vùng Đất Gia Lâm
Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.
- Chức năng là trung tâm hành chính của chính quyền làng xã thời phong kiến.
- Chức năng là trung tâm văn hóa làng của làng xã.
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Trong khoảng một thế kỷ qua, nghiên cứu về đình làng và những giá trị tiêu biểu của loại hình kiến trúc này đã được nhiều nhà khoa học quan tâm, những kết quả nghiên cứu đã được xuất bản thành sách hoặc đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu trong và ngoài nước.
1.2.1. Nghiên cứu về đình làng trước năm 1954
Dưới thời Pháp thuộc, có một số học giả phương Tây, điển hình là
P.Giran, Clayes J.Y, P.Gourou... Về phía Việt Nam có Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Bá Lăng, Nguyễn Văn Khoan...
Trước năm 1954, đình làng ít được quan tâm nghiên cứu. Một số học giả nêu trên, nghiên cứu về đình làng chỉ tập trung vào hai lĩnh vực: tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Kết quả mới chỉ dừng lại nghiên cứu cơ bản.
1.2.2. Nghiên cứu về đình làng từ năm 1954 đến nay
Từ sau cách mạng tháng Tám (1945), nghiên cứu đình càng được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt sau năm 1954 nhiều cán bộ khoa học mới đã đi sâu hơn về đình làng, song chủ yếu chỉ dừng lại ở mô tả. Tới tận những năm 60
của thế kỷ XX, lực lượng nghiên cứu mới đã phát triển mạnh, bên cạnh ngành Khảo cổ học, ngành Bảo tồn Bảo tàng thì với sự vươn lên của các ngành có liên quan, nhất là một hệ thống chân rết ở địa phương được hình thành, đã cho chúng ta thấy rõ hơn về thực chất và thực trạng của kiến trúc đình làng.
1.2.2.1. Nghiên cứu về đình làng dưới góc độ kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc
Trong giáo trình của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh của trường Đại học Kiến trúc, ông cho rằng, các kiến trúc sư dựng đình là những bậc thầy của Khoa kiến trúc đô thị [64] .
Trước năm 1975, ở miền Nam giới nghiên cứu đình làng có Nguyễn Đăng Thục, người khởi xướng thuật ngữ “Văn hoá đình làng” để chỉ văn hoá Việt Nam thời quân chủ cho rằng cái đình và cái chùa là một trong những kiến trúc có ý nghĩa nhất ở Bắc Việt [72].
Năm 1972, có một cuộc trưng bày các tác phẩm “Điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam” hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung và các nhà nghiên cứu trẻ đã giới thiệu 91 bản tuyển chọn từ 32 di tích – trong đó có 12 đình làng, góp phần nhận định được phong cách “Nghệ thuật đình làng” qua các thời đại [20].
Cuốn Về tính dân tộc của nghệ thuật tạo hình (1973),do Trần Đình Thọ (chủ biên) và nhóm tác giả tập hợp nhiều bài viết về tính dân tộc trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Có nhiều bài đề cập tới chạm khắc đình làng nhìn từ góc độ văn hóa. Các tác giả cho rằng, các chủ đề thể hiện trong những công trình kiến trúc đình, đền, chùa đều mang hình tượng thực sự của hiện thực… Nó là hình tượng của một cảnh sinh hoạt cụ thể, nhưng lại mang tinh thần của thời đại [71] .
Bài viết “Điêu khắc đình làng” trong Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3 (1984), tác giả Trương Duy Bích đã nhận định, sự phát triển của phù điêu đình làng không chỉ đơn thuần nhằm giải quyết trang trí, làm giảm nhẹ cảm
giác nặng nề của các cấu kiện kiến trúc mà đã làm bật lên một tiếng nói mới. Tiếng nói của tâm tư, tình cảm người lao động; về những suy nghĩ, nguyện ước của cuộc đời thường, bằng âm điệu tươi mát, mộc mạc, như cỏ hoa nói lời của đất [5].
Cuốn sách Về tính dân tộc của nghệ thuật tạo hình (1989), gồm nhiều
bài viết về tính dân tộc trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Ngoài góc độ văn hóa, nhiều bài viết đã đề cập tới những giá trị nghệ thuật của chạm khắc đình làng thông qua cách thức thể hiện. Hình chạm không cầu kỳ, không tỉa gọt tỉ mỉ, nhưng đầy sức sống, có sức thu hút mọi người mạnh mẽ. “Tâm hồn Việt Nam” mà các nghệ sĩ xưa có được đã truyền đọng trong từng nhát đục và thớ gỗ khiến tác phẩm của họ mang màu sắc dân tộc rõ nét [71].
Trong cuốn sách Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt (1993), tác giả Trần Lâm Biền đã đi sâu phân tích về hình tượng con người trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật chạm khắc đình làng Việt. Tác giả khẳng định, chạm khắc đình làng phát triển rực rỡ nhất là vào TK.XVII, gắn liền với các đề tài về con người và những cảnh sinh hoạt thường nhật, chứ ít thấy các đề tài về vua quan phong kiến. Tìm hiểu những bức chạm khắc đó, chúng ta đều có cảm giác chúng như tái hiện diện mạo xã hội đương thời. Tác giả đã chỉ ra một số đề tài thường thấy trên các chạm khắc đình làng thời kỳ đó như: vũ nữ thiên thần, cảnh đấu võ (đấu vật, đấu khiên, cưỡi ngựa đấu giáo…), săn đấu với thú dữ, chèo thuyền, chọi gà, các trò vui ngày hội (chơi cờ, hát cửa đình, đá cầu, uống rượu), cảnh múa nhạc. Nhưng nổi bật hơn cả là cảnh trai gái tình tự, đàn bà khỏa thân. Qua việc miêu tả một số mảng chạm về đề tài này trên các đình, tác giả nhấn mạnh: Những hình ảnh như nêu trên thực ra không phải để nói về hiện tượng dâm bôn hay một hình thức đả phá trực tiếp vào đạo đức Nho giáo (…) Chúng ta nghĩ tới những điều cầu mong phồn thực cho hạnh phúc của cư
dân nông nghiệp nước ta. Người đàn bà với các bộ phận sinh nở và nuôi dưỡng được thể hiện sung mãn, như chứa đựng ở trong đó một nguồn của cải bất tận. Tuy nhiên, bởi ý nghĩa của các hình ảnh được bảo lưu một cách vô thức, và thời gian đã làm phai mờ dần tính chất linh thiêng của buổi khởi nguyên để nghệ nhân tạo nên nhiều nét dí dỏm [7].
Cũng cùng chung quan điểm này, tác giả Trần Lâm trong cuốn Mỹ thuật thời Mạc (1993), đã đưa ra và phân tích về các đặc điểm của trang trí thời Mạc trên một số ngôi đình. Đó chính là những hoạt cảnh người, thể hiện rất rõ tính chất dân dã: đồng thời đề tài này như nét khởi đầu cho sự phát triển rầm rộ của nghệ thuật tạo hình nhiều nét dân gian cuối TK.XVII [8].
Nguyễn Duy Hinh trong cuốn Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam (1996), bên cạnh việc nêu lên nguồn gốc, ý nghĩa, sự tích cũng như hình thức thờ cúng Thành hoàng làng tại các ngôi đình Việt, đã đưa ra một số nhận định về nghệ thuật chạm khắc đình làng. Theo tác giả, các mảng trang trí đình vốn là một hệ thống tranh liên hoàn có nội dung tổng thể rõ ràng và phân thành từng cảnh riêng biệt nhau. Tuy nhiên, thời gian đã làm hủy hoại, thay đổi khá nhiều diện mạo chạm khắc của đình làng, khiến giờ ngôi đình làng chỉ còn những mảng còn lọt lại rời rạc, từng cảnh nhỏ trở nên khó hiểu và lạc ý ban đầu. Mặc dù vậy, chạm khắc đình làng vẫn mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là về mỹ thuật [34].
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân trong cuốn Tiếp xúc với nghệ thuật (1997), qua bài nghiên cứu “Điêu khắc đình làng” đã viết một cách rất sâu sắc về nền nghệ thuật điêu khắc đình làng. Theo đó, ông nhận định về loại hình nghệ thuật này dưới góc độ văn hóa, là sự tiếp nối nền mỹ thuật truyền thống của dân tộc, có đủ mặt những đóng góp hàng dọc của nghệ thuật Lý, Trần, Mạc.... Điều đó chứng tỏ sự phát triển liên tục của một dòng nghệ thuật. Tác giả cũng khẳng định, nghệ thuật điêu khắc đình làng mang tính truyền thống,
có kế thừa và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử, đó chính là biểu hiện của sự tiếp diễn văn hóa, của mạch nguồn văn hóa dân tộc tuôn chảy qua nhiều thời kỳ. Căn cứ vào cấu trúc tạo hình, vào cách dựng đường viền cởi mở, cách dàn bố cục từ nhiều điểm mắt, dụng ý vứt bỏ đăng đối để diễn bằng những nhịp lệch, lối tạo đường hình chuyển động, phương pháp vạc những mặt khối thô dỡ, xếp các lớp ra vào đường đột, dùng tầm sâu để tả tầm rộng, làm cho không gian của những bức phù điêu được mở ra nhiều chiều [100].
Họa sĩ Ngô Quang Nam trong bài viết Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam thuộc cuốn Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam (1998), đã nêu một cách khái quát về nghệ thuật chạm khắc của các nghệ sĩ dân gian trên các kiến trúc truyền thống. Đặc biệt nhấn mạnh rằng, ngôi đình làng với những đề tài xã hội được thể hiện trên các thành phần kiến trúc như đầu bẩy, vì kèo, cửa võng. Đó là những con vật rất gần gũi với người nông dân như mèo, tôm, cá, chó, lợn, gà, v.v. hoặc tả cảnh ngày hội xuống đồng, cảnh bắn hổ, cảnh đá cầu. Tác giả còn nhận định về những hình chạm thể hiện tính phồn thực qua góc nhìn văn hóa truyền thống của người Việt. Người nghệ sĩ dân gian đã miêu tả cảnh trai gái tình tự, hoặc đùa giỡn được chạm lộng trên các đầu bẩy. Từ những biểu hiện đó, tác giả đặt vấn đề phải chăng tính phồn thực này bắt nguồn từ thời Hùng Vương, trải qua hàng nghìn năm vẫn sống mãi trong dân gian. Đặc biệt trong các mảng chạm khắc đã được các nghệ sĩ dân gian đua tài mô phỏng trên những hiện vật đặt ở chốn tôn nghiêm nhất [57].
Trong sách Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt (2001), tác giả Trần Lâm Biền và các tác giả khác đã kết luận về hoa văn trang trí hình tượng con người trong chạm khắc trang trí truyền thống như sau: Về đề tài con người, tổ tiên chúng ta đã đi từ những con người vũ trụ (thần linh hoặc linh nhân nơi thiên quốc) là những nhạc sĩ thiên thần, vũ nữ thiên thần, nhạc công đầu người mình chim… đang chuyển dần sang thiên
thần dưới dạng thế nhân. Để rồi từ TK.XVI, nhất là trong TK.XVII, sự náo nức làm ồn ào tâm tưởng được thể hiện qua các hoạt cảnh gắn với đời thường, là các cảnh vui chơi và ước vọng trong ngày hội. Đặc biệt là cảnh tình tự nam nữ quá mạnh bạo, khiến chúng ta ngờ vực về vai trò của đạo Nho trong xã hội bình dân, mà chuyển sự suy tư sang mối quan hệ âm dương. Phải chăng đó là một gợi ý, đầy chất linh thiêng, cho Trời cha Đất mẹ giao hoan để muôn loài hưởng phúc. Trong cuốn này dành hẳn một chương nói về những hình tượng con người trong chạm khắc kiến trúc làng Việt, trong đó có ngôi đình làng. Nhóm tác giả đã so sánh hình tượng này nhìn từ góc độ mỹ thuật ở các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nếu như TK.XVI, XVII là: Trong hoạt cảnh con người đã mang hình thức tượng trưng với tỷ lệ như không theo chuẩn mực nào cả, tuy nhiên vẫn thể hiện một bố cục sống động. Cách chạm tự nhiên, thoải mái, rõ ràng đã tạo được một phong cách, hầu như không biểu lộ về “bài bản” có sẵn nào, mà vẫn phản ánh được thực tế cuộc sống. Tới cuối TK.XVIII, đầu TK.XIX, những đề tài về hình tượng con người đã: mang nét nghiêm trang, mất đi sự dí dỏm, thiếu hẳn sự mạnh bạo… Điều đáng lưu ý là trong sự thể hiện đề tài lúc này đã xuất hiện một quan niệm mới về luật xa gần [11].
Tác giả Chu Quang Trứ, trong cuốn Văn hóa Việt Nam nhìn từ Mỹ thuật, tập1(2002), nói về tính dân tộc trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình TK.XVI. Những hình tượng nghệ thuật thời kỳ này đã bỏ qua các quy định nghiêm ngặt, khắt khe của chế độ đương thời. Điều này không chỉ được biểu hiện ở hình chạm hoa lá, chim muông mà còn ở hình tượng con người dân dã: Con người trở thành trung tâm của nghệ thuật, đặc biệt là người lao động luôn được thể hiện hồn nhiên nhất, yêu đời nhất. Những đôi trai gái ở lứa tuổi yêu đương đàng hoàng tự tin, những cặp vợ chồng đang âu yếm nhau, những bà mẹ trìu mến chăm sóc bầy con, những cảnh lao động của người dân, những trai làng bơi thuyền và đấu vật thật là hào hứng [96].
Trong cuốn sách Cảm luận nghệ thuật (2002), tác giả Trần Duy đã nói về văn hóa đình làng trong nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, qua việc phân tích những hình chạm khắc trên kết cấu đình làng, tác giả đã đưa ra nhiều nhận định sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của những mảng chạm khắc đó. Tiêu biểu, khi nói tới hình ảnh người phụ nữ xưa được hiện diện trong những mảng chạm khắc tại ngôi đình làng tôn kính (nơi vốn dĩ chỉ dành cho đàn ông, phụ nữ không được tới), ông thấy được biểu hiện văn hóa, quan niệm của người nghệ nhân dân gian được thể hiện rất rõ ràng. Ông khẳng định, đình là nơi người phụ nữ xuất hiện tự khẳng định giá trị cơ thể và trí tuệ của mình. Tính tiến bộ của văn hóa đình bắt đầu từ cách định hướng giá trị thật của con người, nhất là người phụ nữ [26].
Trong bài viết “Một số đồ án trang trí trong nghệ thuật cổ Việt Nam” Kỷ yếu hội thảo đồ họa ứng dụng (2002), tác giả Nguyễn Hải Phong đã phân tích một số đồ án trang trí ở các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ Việt Nam theo những nguyên tắc chi phối nghệ thuật trang trí, cụ thể là thành ba nhóm: lạ hóa bề mặt, bổ ô trang trí và phân tầng trang trí. Ở mỗi nhóm, ngoài phân tích những trang trí ở chùa, tác giả còn nhấn mạnh tính đặc thù rất độc đáo của các trang trí trên phù điêu đình làng. Về nguyên tắc phân chia theo tầng và khu vực rõ nét ở các đình với trung tâm trang trí hướng vào gian giữa, nơi đặt bàn thờ Thành hoàng, có nguyên một tổ hợp cửa võng gồm nhiều môtip hoa văn trang trí, kết hợp với những hoành phi và câu đối tạo nên sự hài hòa, đăng đối và không khí tôn nghiêm trong đình. Việc phân tầng, chia ô trang trí còn thể hiện ở những hình trang trí trên “liên ba” (là phần kiến trúc chạy dài tới hai đầu hồi, bề mặt phẳng, mỏng, ghép với nhau thành mảng lớn từ nhiều ô chữ nhật, to nhỏ khác nhau) [59].
Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (2004), do Trần Quốc Vượng (chủ biên) và nhóm tác giả đã nhận định về sự phát triển của các ngành văn hóa