Diện Thừa Kế Theo Quan Hệ Huyết Thống

Chương 2

DIỆN VÀ HÀNG THỪA KẾ TRONG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM


2.1. Diện thừa kế

Một trong những vấn đề chính yếu của chế định thừa kế theo pháp luật là việc xác định diện thừa kế. Pháp luật Việt Nam ở những chế độ xã hội khác nhau có những quy định khác nhau về diện thừa kế. Tuy nhiên, dù ở chế độ xã hội nào, dù ở giai đoạn phát triển nào diện thừa kế được quy định trong luật cùng có một đặc điểm chung là do quan hệ hôn nhân và gia đình chi phối.

2.1.1. Diện thừa kế theo quan hệ huyết thống

Ở Việt Nam từ xưa đến nay đều có tục lệ thờ cúng tổ tiên, việc hưởng thừa kế không chỉ đơn thuần là việc sử dụng tài sản để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, mà còn hàm chứa cả ý nghĩa tình cảm và tín ngưỡng. Các tài sản của người chết để lại sẽ trở thành di sản, các di sản ấy nhiều trường hợp, được đánh giá không chỉ bằng giá trị kinh tế hiện thời ở thời điểm họ chết hoặc thời điểm phân chia thừa kế trên thực tế mà bằng con số các thế hệ của những gia đình đã nối tiếp nhau sinh tồn trong đó tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của dòng họ. Mỗi cá nhân trở thành một mắt xích trong dòng chảy của huyết thống, của lịch sử mỗi dòng họ cho nên những tài sản đó không chỉ biểu hiện của vật chất đơn thuần, mà đối với nhiều người nó còn gắn liền với những kỷ niệm, những tình cảm thiêng liêng giữa người còn sống với người đã khuất. Sự chuyển dịch di sản theo chế định thừa kế chính là sự nối tiếp về quyền sở hữu. Vì vậy, một người coi là đã chết nhưng phần nào đó của họ còn hiện hữu, tồn tại trong con cháu thông qua những di sản mà họ để lại. Chính vì thế, pháp luật thừa kế của Việt Nam từ xưa đến nay đều lấy huyết thống là một trong những căn cứ để xác định diện thừa kế theo pháp luật.

Dưới Chế độ Phong kiến, với ý thức bảo vệ chế độ tư hữu tài sản nhằm duy trì sự bóc lột của mình, giai cấp thống trị xem quyền tư hữu là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Thừa kế di sản trong thời kỳ này được xem như một phương tiện để duy trì và bảo vệ khối tài sản cho những người có cùng quan hệ huyết thống. Trước hết, nếu xét về mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ với con đẻ, từ cổ xưa cho đến ngày nay đều quy định con cái được thừa kế tài sản do cha mẹ để lại. Pháp luật thời kỳ phong kiến mặc dù có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa con trai và con gái nhưng lại rất coi trọng yếu tố huyết thống, dòng tộc và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo nguyên tắc, lễ giáo phong kiến. Luật Hồng Đức quy định con gái được xếp vào hàng thừa kế, con trai và con gái đều được chia phần thừa kế như nhau, nhưng phần đất hương hỏa bao giờ cũng giao cho con trai trưởng giữ, không có con trai trưởng được giao cho con gái trưởng, người con gái trưởng chỉ được hưởng đất hương hỏa một đời mình, sau đó phải trả lại cho nội tộc để đảm bảo dòng chảy liên tục về huyết thống, đất hương hỏa bao giờ cũng thuộc về dòng họ nội. Điều 388, Luật Hồng Đức quy định: "Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh chị em tự chia nhau thì lấy một phần hai mươi số ruộng đất làm hương hỏa giao cho con trai trưởng giữ, không có con trai trưởng thì giao cho con gái trưởng" [42].

Đến thời kỳ thực dân đô hộ, quan hệ huyết thống vẫn được coi là căn cứ đầu tiên và quan trọng nhất để xác định diện thừa kế theo luật. Các con đẻ, con nuôi, các cháu, cha mẹ, ông bà nội, các cụ nội, anh chị em ruột của người để lại di sản là những người thuộc diện thừa kế đầu tiên. Chỉ khi nào không còn thân thuộc bên họ nội khi đó di sản thuộc về bên họ ngoại. Quy định này phản ánh quan hệ huyết thống được các nhà làm luật thời kỳ này đặt lên hàng đầu khi xác định diện thừa kế.

Thời kỳ này quyền thừa kế của con cái đối với tài sản của bố mẹ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

để lại được pháp thừa nhận. Điều 332, Dân luật Trung kỳ quy định người nào khi còn sống mà không chia tài sản của mình và cũng không lập chúc thư, đến khi mệnh một thời di sản của người ấy, nếu có con thời để lại cho con. Khi người mệnh một trước kia không chia tài sản của mình và cũng không lập chúc thư mà nói rõ ràng cho đứa con nào, thời con trai, con gái đều được chia tài sản ấy mỗi người một phần bằng nhau. Nội dung của quy định này phản ánh con cái được hưởng tài sản của bố mẹ không phân biệt con trai, con gái. Trường hợp bố mẹ không để lại di chúc phân chia thì con trai hay gái đều được hưởng bằng nhau.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 cùng với việc ban hành Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 xác định “đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”. Tại Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 (sau đây gọi tắt là Sắc lệnh số 97) xác định diện thừa kế xét theo quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân gồm có con cháu, vợ chồng, diện thừa kế xét theo quan hệ huyết thống chỉ gồm con, cháu. Đến Thông tư 1742 ngày 18/9/1956 của Bộ Tư pháp ban hành (sau đây gọi tắt là Thông tư số 1742) để hướng dẫn Tòa án các cấp trong việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế xác định diện thừa kế theo quan hệ huyết thống được mở rộng hơn bao gồm các con đẻ, cháu chắt, cha mẹ của người để lại di sản và những người thừa kế khác. Tuy vậy tại thông tư này không xác định rõ những người thừa kế khác là ai nên những tranh chấp thừa kế liên tục phát sinh. Tới Thông tư 594 ngày 27/8/1968 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) (sau đây gọi tắt là Thông tư số 594) trên cơ sở củng cố, và phát triển tình đoàn kết, thương yêu trong nội bộ gia đình diện thừa kế xét theo quan hệ huyết thống tiếp tục được mở rộng gồm con đẻ, bố mẹ đẻ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột. Trong thông tư này, những người khác như chú, bác, cô, dì, cậu, cháu họ, anh chị em họ, các cụ nội, ngoại đều không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.

Diện và hàng thừa kế theo pháp luật Việt Nam - 6

Trước ngày thống nhất đất nước năm 1975 pháp luật thừa kế ở miền Nam Việt Nam của chế độ ngụy quyền Sài Gòn được quy định trong Bộ dân luật ban hành ngày 20/12/1972. Luật của chế độ Sài Gòn quy định nếu người để lại di sản không còn con, cháu, cha, mẹ, ông bà nội, anh, chị, em hoặc con cháu của anh, chị, em thì di sản do cụ nội hưởng. Nếu các cụ cũng không còn thì chú, bác, cô, dì, cậu ruột được hưởng di sản đều nhau, con của người là chú, bác, cô, dì, cậu ruột của người để lại di sản được hưởng khi cha hoặc mẹ của họ đã chết. Những người bên họ ngoại của người để lại di sản chỉ được hưởng di sản khi bên họ nội của người để lại di sản không có người thừa kế. Họ ngoại của người để lại di sản được hưởng theo nguyên tắc ông ngoại, bà ngoại, hoặc các cụ ngoại được hưởng di sản. Nếu không có ông ngoại, bà ngoại, các cụ ngoại của người để lại di sản thì chú, bác, cô, dì, cậu ruột của người để lại di sản được hưởng. Anh, chị, em con chú, bác, cô, dì, cậu ruột được thừa kế di sản nếu cha hoặc mẹ của họ đã chết. Di sản của người chết sẽ thuộc về công quỹ khi không còn người thừa kế được hưởng theo pháp luật. Đến Thông tư số 81 của TANDTC ngày 24/07/1981 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 81) hướng dẫn các tòa giải quyết các tranh chấp về quyền thừa kế quy định rõ nét hơn những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật trong đó bao gồm cả những người có quan hệ huyết thống trực hệ và bàng hệ với người để lại di sản. Những người có quan hệ huyết thống trực hệ gồm cha mẹ đẻ, ông bà nội ngoại, các con đẻ, các cháu nội ngoại. Những người có quan hệ huyết thống bàng hệ gồm có anh chị em ruột. Việc mở rộng phạm vi diện thừa kế trên cơ sở huyết thống như vậy nhằm củng cố hơn nữa sự ổn định và bền vững trong quan hệ của các thành viên trong gia đình, dòng tộc, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, chưa bao quát hết diện những người thừa kế.

Đến Pháp lệnh thừa kế (PLTK) ngày 30/8/1990 diện thừa kế trên cơ sở quan hệ huyết thống được quy định không chỉ bao gồm những người mà

Thông tư số 81 xác định mà còn bao gồm những người thuộc quan hệ huyết thống trực hệ và bàng hệ khác đó là cụ nội, ngoại, chú, bác, cô, dì, cậu ruột của người để lại di sản và những người mà người để lại di sản là cô, dì, chú, bác, cậu ruột.

Khi BLDS năm 1995 được ban hành và có hiệu lực ngày 01/07/1996 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của chế định thừa kế, diện những người thừa kế theo pháp luật lần đầu tiên được quy định trong văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao. Diện thừa kế theo pháp luật trên cơ sở quan hệ huyết thống được quy định trong Bộ luật này về phạm vi đã kế thừa từ PLTK năm 1990. Theo đó quy định cháu của người chết mà người chết là ông bà nội ngoại không thuộc diện thừa kế của ông bà, chắt của người chết mà người chết là cụ nội cụ ngoại không thuộc diện thừa kế của các cụ.

Tới BLDS 2005 ra đời đã kế thừa tinh hoa của các văn bản luật trước đây, theo đó có rất nhiều người thuộc diện thừa kế xét theo quan hệ huyết thống, đó là cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, chắt ruột. So với quy định của BLDS 1995, diện thừa kế theo quan hệ huyết thống tiếp tục được mở rộng phạm vi. Các cháu ruột cũng thuộc diện thừa kế của ông bà nội, ngoại, các chắt ruột cũng thuộc diện thừa kế của các cụ nội, cụ ngoại. Việc mở rộng phạm vi những người thuộc diện thừa kế theo quan hệ huyết thống của BLDS 2005 là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Không có lý do gì mà quy định ông bà nội ngoại, cụ nội, cụ ngoại thuộc diện thừa kế của cháu chắt mà cháu chắt lại không thuộc diện thừa kế của ông, bà nội ngoại, cụ nội, cụ ngoại. Vì vậy, việc bổ sung cháu chắt vào diện thừa kế theo pháp luật là kịp thời và cần thiết.

Trên cơ sở quan hệ huyết thống, diện thừa kế đến nay đã được mở rộng rất nhiều so với trước đây. Từ chỗ diện thừa kế chỉ được xác định dựa

trên cơ sở huyết thống xuôi, con thuộc diện thừa kế của bố mẹ sau đó mở rộng đến bố mẹ thuộc diện thừa kế theo pháp luật của con; ông bà nội ngoại thuộc diện thừa kế của các cháu và ngược lại; cụ nội, cụ ngoại thuộc diện thừa kế của các chắt và ngược lại; anh chị em ruột thuộc diện thừa kế của nhau; cô, dì, chú bác, cậu ruột thuộc diện thừa kế của cháu ruột và ngược lại. Việc quy định mở rộng diện thừa kế theo quan hệ huyết thống phản ánh tính chất của quan hệ thừa kế là loại quan hệ tài sản đặc biệt có mối liên hệ chặt chẽ với nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc nuôi dưỡng nhau giữa những người thân thuộc trong gia đình Việt Nam. Mặt khác, nó phù hợp với nguyện vọng của người dân muốn tài sản của mình để lại sau khi chết sẽ dành cho những người thương yêu, gần gũi với mình nhất được hưởng.

Quy định về việc con được hưởng di sản của cha mẹ tiếp tục được kế thừa và phát triển trong các văn bản pháp luật sau này của chế độ mới. Pháp luật về hôn nhân và gia đình của chế độ mới luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của những người con xét về quan hệ huyết thống với cha, mẹ và nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ đối với con. Sắc lệnh số 97 chính thức quy định diện thừa kế theo pháp luật bao gồm con cháu, vợ hay chồng của người để lại di sản. Và các văn bản được ban hành tiếp theo để điều chỉnh quan hệ thừa kế như Thông tư số 81, PLTK ngày 30/08/1990, BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 đều quy định con thuộc diện thừa kế theo pháp luật của bố mẹ, quyền thừa kế theo pháp luật của con không phụ thuộc vào hình thức hôn nhân của cha đẻ, mẹ đẻ. Các con đẻ của người để lại di sản, không phân biệt con trai hay con gái, con trong giá thú hay con ngoài giá thú, có năng lực hành vi dân sự hay không đều thuộc diện diện thừa kế của cha mẹ. Tuy nhiên, việc xác định cha mẹ cho con hiện nay vẫn là một vấn đề phức tạp và khó khăn. Nhưng điều này lại hết sức cần thiết vì đó là việc xác định huyết thống giữa cha mẹ và con, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ các quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân, trong đó có quyền thừa kế tài sản nếu có tranh chấp xảy ra.

Theo quy định của Luật HN&GĐ 2000, Luật HN&GĐ 2014 con trai, con gái đều có quyền thừa kế như nhau trong việc nhận di sản của bố mẹ để lại. Con đẻ gồm có con chung và con riêng. Con riêng lại gồm có con trong giá thú và con ngoài giá thú.

"Con chung" trước đây pháp luật nước ta gọi bằng thuật ngữ "con chính thức" là người con được sinh ra từ hôn nhân hợp pháp. Về mặt nguyên tắc, các trường hợp sau đây được coi là con chung của vợ chồng:

- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Về nguyên tắc con chung đương nhiên là người thừa kế theo pháp luật của bố mẹ khi bố mẹ qua đời.

"Con ngoài giá thú" là thuật ngữ để chỉ những người con được sinh ra không phải từ hôn nhân hợp pháp. Nói cách khác, con ngoài giá thú là con mà cha mẹ không phải là vợ chồng hoặc cha mẹ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Trong Chế độ Phong kiến con sinh ra không phải từ hôn nhân chính thức được hưởng phần di sản ít hơn con chính thức. Hiện nay pháp luật quy định cho con ngoài giá thú có quyền và nghĩa vụ như con trong giá thú. Vì vậy, con trong giá thú và con ngoài giá thú đều được thừa kế của cha mẹ đẻ, và cha mẹ đẻ đều được thừa kế của con. Quy định này phù hợp với quan niệm hiện đại về quyền con người và quyền trẻ em và cũng mang lại sự bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các con.

Trường hợp cụ thuộc diện thừa kế theo pháp luật của chắt và ngược lại. BLDS năm 2005 quy định cụ nội, cụ ngoại thuộc diện thừa kế của chắt và

ngược lại. Cụ nội là người đã sinh ra ông nội hoặc bà nội. Cụ ngoại là người sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại. Như vậy, các cụ của một người gồm có cha đẻ, mẹ đẻ của ông bà nội, ông bà ngoại; người đó là chắt của các cụ. Việc quy định các cụ thuộc diện thừa kế theo pháp luật của chắt và ngược lại nhằm củng cố truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn kết các thế hệ với nhau bằng tình yêu thương nhân ái và nghĩa vụ, trách nhiệm của con cháu.

Điều 47 Luật HN&GĐ 2000 quy định Nghĩa vụ và quyền của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu. Hiện nay được quy định tại Điều 104 Luật HN&GĐ 2014 Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu:

Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng [28].

Theo quy định của Điều 676 BLDS 2005 ông bà nội ngoại thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cháu và ngược lại. Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là những người có mối quan hệ huyết thống thuộc bề trên. Việc quy định ông bà nội ngoại thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cháu và ngược lại là phù hợp với đạo lý của người Việt Nam, phát huy truyền thống văn hóa gia đình.

Trước đây, thời kỳ phong kiến còn có sự phân biệt giữa ông bà nội với ông bà ngoại. Ông bà nội thuộc nội tộc nên đứng trong thứ tự ưu tiên, còn ông bà ngoại chỉ thuộc diện thừa kế của các cháu trong trường hợp bên nội tộc không còn ai. Pháp luật hiện nay không còn có sự phân biệt này nữa mà đã quy định cụ thể, rõ ràng ông bà nội hay ông bà ngoại đều thuộc diện theo pháp luật của cháu và ngược lại.

Ngoài ra, tại Điều 677 BLDS 2005 còn quy định trường hợp thừa kế thế vị của cháu, chắt đối với di sản của ông bà hoặc các cụ. Thừa kế thế vị là

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 25/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí