Diện Và Hàng Thừa Kế Theo Pháp Luật Pháp

1.2.2.1. Diện và hàng thừa kế theo pháp luật Pháp

BLDS Pháp được ban hành 1804, phần thừa kế được quy định trong quyển 3, từ Điều 718 đến Điều 892 và chia thành 6 chương. Bộ luật quy định người thừa kế chủ yếu dựa trên quan hệ huyết thống giữa người thừa kế và người để lại di sản thuộc trực hệ hay bàng hệ và theo đó người thừa kế được xác định theo trật tự ưu tiên trong việc hưởng di sản. Trước hết di sản được truyền cho những người bề dưới không phân biệt độ tuổi, giới tính và không phụ thuộc vào hình thức hôn nhân của cha mẹ đều được hưởng di sản [14, Điều 745]. Nếu không có những người thừa kế trực hệ dưới mình thì những người thừa kế trực hệ phía trên sẽ thừa kế di sản theo nguyên tắc người ở bậc gần nhất sẽ loại trừ người ở bậc xa hơn và mỗi người được hưởng một phần bằng nhau.

Điều 737 BLDS Cộng hòa Pháp quy định trong dòng trực hệ có bao nhiêu đời giữa mọi người là có bấy nhiêu bậc “Con cháu trực hệ là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, những con thuộc bậc thứ nhất, cháu thuộc bậc thứ hai và cứ như thế cho đến vô tận” [14, Điều 737, 747].

Điều 738 BLDS Cộng hòa Pháp quy định trong dòng bàng hệ các bậc cũng được tính theo đời. Ví dụ từ một người trong các thân thuộc đến ông tổ chung và không tính ông tổ chung rồi từ ông tổ chung tới người kia: anh em là bậc hai, chú cháu là bậc ba.

Ngoài ra, pháp luật về thừa kế của cộng hòa Pháp còn quy định trường hợp bố, mẹ, các con của người chết không còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc người chết không có con, thì người là anh chị em hoặc các con của người đó được hưởng thừa kế.

Ở Pháp quy định di sản được chia thành hai phần cho bên nội và ngoại của người chết rồi mới chia cho những người thừa kế tùy theo của bên nội. Tức là bên nếu bên nội còn một người thừa kế, bên ngoại còn ba người

thừa kế thì người thừa kế bên nội sẽ nhận được phần di sản bằng ba người của bên ngoại. Con cái được hưởng phần thừa kế của cả hai bên nội ngoại. Đối với con cái cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ thì được hưởng phần tùy theo họ của mình [14, Điều 733]. Quy định này khá khác biệt so với Việt Nam. Ở Việt Nam những người thừa kế cùng hàng được chia phần thừa kế như nhau.

Đối với quyền thừa kế của vợ (chồng), vợ hoặc chồng chỉ được thừa kế di sản của nhau trong trường hợp không có thân thuộc của bên vợ hoặc bên chồng chết trước. Điều 765 BLDS cộng hòa Pháp quy định:

Khi người chết không còn thân thuộc đế bậc có thể thừa kế hoặc chỉ để lại thân thuộc bàng hệ, không phải là anh, chị, em hoặc không thuộc của anh, chị, em tài sản thừa kế đương nhiên hoàn toàn thuộc về vợ (chồng) không ly hôn còn sống và không có bản án xử ly thân đã có hiệu lực pháp luật. Người vợ góa hoặc người chồng góa của người để lại di sản không thuộc bất kỳ một hàng thừa kế theo pháp luật nào của người đó [14, Điều 765].

Một vấn đề rất quan trọng cũng được đề cập rất cụ thể trong BLDS của Pháp 1804, theo đó quy định thừa kế thế vị là một giả định của luật, những người thừa kế thế vụ được hưởng các quyền của người được thế vị. Thừa kế thế vị có thể được áp dụng đối với tất cả các bậc của dòng trực hệ bề dưới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Trong dòng trực hệ bề dưới, thế vị đến vô hạn. Thế vị được chấp nhận trong mọi trường hợp hoặc các con của người chết cùng hưởng di sản với các con cháu của người chết trước, hoặc tất cả các con của người chết đều chết trước người đó thì các con cháu của người con ấy sẽ ở những bậc ngang nhau hoặc không ngang nhau [14, Điều 740].

Bên cạnh đó thì BLDS nước cộng hòa Pháp còn quy định thêm trường hợp thừa kế thế vị ngay trong trường hợp bố, mẹ, cháu, chắt không còn sống bị tước quyền thừa kế.

Diện và hàng thừa kế theo pháp luật Việt Nam - 4

Như vậy ở Pháp quan hệ huyết thống thân thuộc giữa người thừa kế và người để lại di sản là quan điểm chủ đạo để xây dựng diện và hàng thừa kế, quan hệ hôn nhân không được xem xét trong việc xác định chủ thể có quyền thừa kế một cách độc lập mà luôn chị chi phối bởi quan hệ huyết thống, việc thừa kế giữa những người có quan hệ bàng hệ cũng bị giới hạn bởi thứ bậc.

Quy định về thừa kế trong BLDS nước cộng hòa Pháp tác động và ảnh hưởng rất lớn tới các quy định về thừa kế trong pháp luật thừa kế của Việt Nam. Các quy định rất rõ ràng, được sắp xếp khoa học. Có thể nói BLDS Pháp là một bước tiến vượt bậc có ảnh hưởng sâu sắc tới thời điểm hiện nay.

1.2.2.2. Diện và hàng thừa kế theo pháp luật Nhật Bản

Bộ luật dân sự Nhật Bản (được soạn thảo từ những năm đầu tiên của triều đại Meyji (1868 – 1912) có hiệu lực năm 1889), phần thừa kế là một trong những nội dung quan trọng của bộ luật.

Quy định về hàng thừa kế: Bộ luật quy định về hàng và bậc ưu tiên hưởng di sản theo quan hệ huyết thống trực hệ bề dưới, trực hệ bề trên rồi mới tới bàng hệ. Tại Điều 887 BLDS Nhật Bản đã nêu rõ con của người để lại di sản là người thừa kế, nếu con của người để lại di sản chết trước, bị truất quyền thừa kế trước thời điểm mở thừa kế do bị rơi vào các trường hợp không được hưởng thừa kế ở Điều 891 của BLDS này hoặc do quyết định của Tòa án thì con cái của người đó được hưởng thừa kế thay. Có thể thấy quy định này có điểm khác biệt với quy định của nước ta đó là đối với những người không được quyền hưởng thừa kế thì con cháu của họ vẫn được hưởng, tuy vậy khá giống nhau tại điểm thừa kế thế vị đó là con được hưởng thừa kế thế vị khi cha mẹ của con chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông bà.

Như vậy hàng thừa kế theo BLDS Nhật Bản thông qua Điều 887, và Điều 888 được xác định gồm ba hàng như sau:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm con (cháu) trực hệ. Hàng thừa kế này mang tính chất theo bậc và được thể hiện trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản hoặc người con đó bị mất quyền hưởng di sản trong thời điểm mở thừa kế thì con cháu của người đó sẽ được thừa kế trong hàng.

Hàng thừa kế thứ hai bao gôm những người có quan hệ huyết thống trực hệ bề trên với điều kiện giữa những người đứng ở mức độ khác nhau trong mối quan hệ huyết thống thì người nào gần hơn sẽ được ưu tiên hưởng di sản.

Hàng thừa kế thứ ba gồm anh, chị, em ruột của người để lại di sản. Quy định về chia thừa kế giữa những người cùng hàng. Tại Điều 900

BLDS Nhật Bản thì việc chưa thừa kế cùng hàng nếu có từ hai người thừa kế cùng hàng trở lên thì khi vợ chồng, con cái là những người thừa kế cùng hàng thì vợ chồng được 1/3, con cái được 2/3. Khi vợ chồng và người thân trực hệ phía dưới là người thừa kế thì mỗi người được chia một nửa. Khi vợ chồng và anh chị em ruột là người thừa kế thì vợ chồng được hưởng 2/3 còn anh chị em ruột được 1/3. Nếu có nhiều con cái hoặc người than trực hệ bề trên hoặc nhiều anh chị em ruột thì các phần chia thừa kế sẽ bằng nhau. Ngoài ra, pháp luật của Nhật Bản còn quy định phân biệt con không hợp pháp chỉ bằng 1/2 phần được hưởng của anh chị em cùng cha mẹ đối với người để lại di sản. Anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha sẽ được bằng 1/2 anh chị em cùng cha cùng mẹ với người thừa kế. Đây cũng là điểm đáng chú ý bởi theo luật Việt Nam thì chỉ có anh chị em ruột được hưởng thừa kế của nhau, anh chị em ngoài giá thú dù không hợp pháp theo quy định của pháp luật thì vẫn được hưởng thừa kế bằng nhau của cha mẹ.

Trong BLDS Nhật Bản thì vợ chồng không được liệt vào hàng thừa kế nào. Tại Điều 890 BLDS Nhật Bản quy định “Vợ chồng của người để lại thừa kế trở thành người thừa kế trong mọi trường hợp” [15]. Trong trường hợp có bất cứ người nào trở thành người thừa kế phù hợp với quy định của pháp luật Nhật Bản nêu trên thì trật tự thừa kế của vợ (chồng) sẽ sang hàng với người đó. Như vậy nếu người thừa kế là các con của người chết thì người vợ (chồng) sẽ được tính là người thừa kế cùng hàng với các con. Nếu người chết không có con thì vợ (chồng) sẽ được tính cùng hàng với người thân trực hệ hoặc cùng hàng với anh chị em ruột.

1.2.2.2. Diện và hàng thừa kế theo pháp luật Thái Lan

BLDS và thương mại Thái Lan chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong pháp luật của nước này. BLDS và thương mại Thái Lan có hiệu lực từ ngày 01/01/B.E 2468 theo lịch của vương quốc Thái Lan, tương đương với năm 1925. Bộ luật điều chỉnh toàn bộ các quan hệ phát sinh từ hoạt động thương mại và dân sự.

Quyền thừa kế được quy định tại phần cuối cùng trong BLDS và thương mại Thái Lan từ Điều 1599 đến Điều 1755 được chia thành 6 phần.

Về hàng thừa kế, theo quy định tại điều 1629 BLDS và thương mại Thái Lan:

Người thừa kế theo pháp luật được chia thành 6 loại, tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, mỗi loại có quyền thừa kế theo thứ tự sau đây: 1. Con cái; 2. Bố, mẹ; 3. Anh, chị, em đồng huyết thống; 4. Anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; 5. Ông, bà; 6. Chú, bác, cô, dì. Người vợ (hay chồng) còn sống cũng là người thừa kế theo pháp luật và chịu sự điều chỉnh của những quy định của Điều 1635 [40].

Theo tinh thần điều luật trên, thì con (các cháu) của người để lại di sản được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất. Quyền thừa kế của các cháu (các chắt)

được thực hiện trong trường hợp người cha, người mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với người để lại di sản là ông bà nội, ngoại. Vợ hoặc chồng của người để lại di sản không được quy định cụ thể trong một hàng thừa kế nhất định nào mà phụ thuộc vào các hàng và bậc thừa kế theo quan hệ huyết thống nội tộc của người để lại di sản. Theo đó mà phần di sản người vợ hoặc người chồng được hưởng của nhau khi một bên chết trước, tuỳ thuộc vào người chồng hoặc người vợ đó được xếp cùng hàng thừa kế với những người có quan hệ huyết thống ở bậc khác nhau của người để lại di sản.

Luật thừa kế của Thái Lan quy định hàng thừa kế xen kẽ với bậc thừa kế, thừa kế theo bậc được thực hiện khi người thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản đã chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì các con (các cháu) của người đó được hưởng di sản, họ được gọi là người thừa kế đại diện.

Như vậy, xuất phát từ điểm tương đồng về hoàn cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam và Thái Lan nên có rất nhiều quy định về thừa kế trong BLDS và thương mại Thái Lan tương đồng với quy định của pháp luật nước ta.

Tóm lại, trên cơ sở xem xét pháp luật thừa kế của một số quốc gia trên thế giới, có thể khẳng định rằng thừa kế là một chế định đóng vai trò quan trọng trong pháp luật dân sự của mỗi nước. Chính vì vậy, các quy định về thừa kế từ Bộ luật Napolion kinh điển cho đến BLDS của mỗi quốc gia đều tập trung vào các vấn đề: Ai là người thừa kế? Các phương thức để lại thừa kế? Phân định tài sản thừa kế như thế nào? Và tất cả đều có đặc điểm chung như sau:

Thứ nhất, Pháp luật thừa kế các nước nói trên luôn chú trọng bảo vệ quyền thừa kế của những người có quan hệ huyết thống với người để lại di sản. Quan hệ hôn nhân không được xem xét trong việc xác định chủ thể có quyền thừa kế một cách độc lập, mà luôn bị chi phối bởi quan hệ huyết thống,

sự chi phối đó được thể hiện ở vị trí hưởng di sản của người vợ goá, chồng goá được hưởng phần di sản nhiều hay ít đều phụ thuộc vào vị trí của người vợ goá, người chồng goá đó được thừa kế ở hàng nào cùng những người có quan hệ huyết thống của người chết.

Thứ hai, pháp luật thừa kế của các nước đều quy định các hàng thừa kế theo pháp luật và đều có đặc điểm chung là hàng thừa kế xen kẽ với bậc thừa kế. Thừa kế theo bậc được thực hiện khi người thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản đã chết trước hoặc chết trong cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì các con (các cháu) của người đó được hưởng di sản, họ được gọi là người thừa kế đại diện.

So với pháp luật các nước, ở Việt Nam bên cạnh những đặc điểm chung đó thì vẫn giữ được những sắc thái riêng như: diện và hàng thừa kế, thừa kế thế vị, thừa kế con sinh ra bằng phương pháp khoa học, con nuôi, con trong giá thú, con ngoài giá thú, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế... Sự khác nhau đó xuất phát từ phong tục, truyền thống văn hoá, cơ sở vật chất và hoàn cảnh xã hội của mỗi nước.

1.2.3. Tập quán của Việt Nam về thừa kế

Tập quán pháp là các quy phạm xã hội được thể hiện dưới dạng các phong tục hay tập quán, đã được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trước đó, còn tiếp tục có tác dụng điều chỉnh trong xã hội, là cơ sở để hình thành nên các quy tắc xử sự chung và được nhà nước bảo đảm thực hiện.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam năm 2005, tập quán pháp được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự dựa trên cơ sở các tập quán được Nhà nước thừa nhận để điều chỉnh các quan hệ xã hội…

Theo Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật của Đại học Luật Hà Nội năm 2011 thì tập quán pháp là hình thức của pháp luật tồn tại dưới dạng những phong tục, tập quán đã được lưu truyền trong đời sống.

Từ khái niệm nêu trên có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của tập quán pháp như sau:

- Là những quy tắc xử sự chung tồn tại trong đời sống xã hội được Nhà nước thừa nhận để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

- Tập quán pháp được Nhà nước thừa nhận. Để được coi là tập quán pháp thì bản thân quy phạm tập quán đó bắt buộc phải được Nhà nước thừa nhận bằng một trong hai cách: hoặc thông qua một quy định mang tính nguyên tắc cho mọi trường hợp, hoặc thông qua một quy định chi tiết cho từng trường hợp cụ thể.

- Tập quán pháp điều chỉnh các quan hệ xã hội. Với mục đích là điều chỉnh các hành vi sai lệch, trái với chuẩn mực xã hội nhằm tạo lập xã hội phát triển ổn định và lành mạnh.

- Tập quán pháp có phạm vi điều chỉnh rộng, chứa đựng cả luật nội dung và luật hình thức. Do tập quán được hình thành từ cộng đồng dân cư, từ đời sống xã hội, nên bản thân tập quán pháp có phạm vi điều chỉnh rộng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Ngay từ xã hội phong kiến đây là khoảng thời gian mà văn hóa làng xã tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ. Mỗi làng, xã đều có hương ước, phong tục, tập quán riêng tồn tại song song với các quy định của Nhà nước phong kiến. Sự phát triển lớn mạnh của hệ thống phong tục, tập quán ở mỗi địa phương đã làm cho nó có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và trong việc duy trì trật tự ứng xử, lối sống, cũng như các quy tắc trong xã hội. Trong giai đoạn này, hệ thống các phong tục, tập quán ở mỗi địa phương thường được thừa nhận và áp dụng triệt để hơn là các quy định của Nhà nước phong kiến. Dường như trong tâm trí mỗi người Việt Nam ở thời kì này đều tồn tại tư tưởng “phép vua thua lệ làng”. Hai Bộ luật đồ sộ nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước phong kiến Việt Nam là Bộ luật Hồng Đức

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 25/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí