Khái Niệm Diện Thừa Kế Và Hàng Thừa Kế Theo Pháp Luật

Trong công cuộc đổi mới của đất nước ta, với chính sách xây dựng nhiều thành phần kinh tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân, do đó quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước bảo hộ. Công dân có quyền để lại tài sản gắn với quyền sở hữu và trong một số trường hợp gắn liền với quyền sử dụng tài sản cho cá nhân hoặc tổ chức theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 58 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp của cải để dành…Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân" [18].

Như vậy, trong các chế độ xã hội khác nhau, con người đều có quyền thừa kế tài sản, tuy nhiên phạm vi quyền thừa kế được bảo hộ thế nào do bản chất chế độ xã hội quyết định. Pháp luật của các nhà nước đều quy định cá nhân có quyền để lại di sản và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Với tư cách là một chế định pháp luật về thừa kế, quyền thừa kế là tổng hợp các quy định của Nhà nước, quy định những tài sản nào được chuyển dịch, phạm vi chủ thể để lại di sản và nhận di sản, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể. Đồng thời quy định trình tự, phương thức phân chia di sản theo di chúc và theo pháp luật.

1.1.2. Thừa kế theo pháp luật

Từ khi xuất hiện Nhà nước và pháp luật, đặc biệt là khi có Bộ luật cổ La Mã đến nay, pháp luật về thừa kế quy định có hai hình thức thừa kế, đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Thừa kế theo di chúc là sự dịch chuyển tài sản của một người đã chết cho những người khác còn sống theo sự định đoạt của người lập di chúc. Việc định đoạt của người có tài sản được thể hiện trong di chúc là căn cứ để những người được chỉ định trong di chúc hưởng di sản khi người lập di chúc chết. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp di chúc làm phát sinh các quan hệ

pháp luật về thừa kế. Thực tiễn cuộc sống cho thấy có những trường hợp tuy có di chúc nhưng ý chí định đoạt di sản của người có di sản không được bảo đảm như bị cưỡng ép hay tạm thời bị mất năng lực hành vi dân sự khi lập di chúc; hoặc sự định đoạt của họ không phù hợp với các quy định của pháp luật; hoặc ý chí định đoạt đó thể hiện không đầy đủ đối với khối di sản mà họ có, vì vậy không thể phân chia di sản theo di chúc của người có di sản để lại. Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, di sản thừa kế sẽ được để lại cho những người còn sống có quan hệ thân thích theo điều kiện, trình tự hàng thừa kế, nói cách khác, việc chia di sản sẽ thực hiện theo ý chí của Nhà nước, không phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản. Đó chính là thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, thừa kế di sản theo pháp luật được thực hiện trong trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc tuy có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp, di chúc không thể thực hiện được. Pháp luật về thừa kế của các nước trên thế giới đều quy định chung về căn cứ để xác định thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, ở mỗi nước quy định những căn cứ để xác định thừa kế theo pháp luật có sự khác nhau.

Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định tại Điều 1620: "Khi một người qua đời không để lại di chúc hoặc đã làm di chúc nhưng di chúc của người đó không có hiệu lực, thì toàn bộ tài sản của người đó sẽ được phân chia cho những người thừa kế theo pháp luật" [10]; "Khi một người qua đời có để lại di chúc mà di chúc đó định đoạt, hoặc chỉ có hiệu lực đối với một phần tài sản của người đó, thì phần tài sản không được định đoạt hoặc không bị tác động bởi di chúc đó phải được chia chho những người thừa kế theo pháp luật của người đó" [10].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Theo Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan, những căn cứ để chia thừa kế theo pháp luật gồm:

- Người chết không để lại di chúc;

Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 - 3

- Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần;

- Phần tài sản không được định đoạt trong di chúc.

Ở Việt Nam, những trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể:

- Không có di chúc;

- Di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản;

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, giữa hai hình thức thừa kế có mối quan hệ nhất định, đó là các mối quan hệ mang tính loại trừ. Thừa kế theo pháp luật được thực hiện khi:

- Không có hình thức thừa kế theo di chúc;

- Có hình thức thừa kế theo di chúc nhưng người có tài sản lập di chúc chỉ định đoạt một phần tài sản;

- Có di chúc nhưng di chúc không thực hiện được (trong các trường hợp người được thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế).

Nếu thừa kế theo di chúc là sự dịch chuyển tài sản của một người theo ý chí của người đó khi còn sống cho người được chỉ định bằng di chúc là bất kỳ ai (kể cả tổ chức và Nhà nước) thì thừa kế theo pháp luật chỉ là cá nhân và được pháp luật quy định trong số những người thuộc diện thừa kế của người để lại di sản. Những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật được pháp luật chỉ định hưởng di sản theo trật tự ưu tiên là hàng thừa kế. Hưởng di sản theo trật tự hàng thừa kế tuân theo nguyên tắc pháp luật, hàng trước loại trừ hàng sau trong việc hưởng di sản. Tuy nhiên, người thuộc hàng thừa kế phải là người có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, thừa kế theo pháp luật là một trong hai hình thức thừa kế do pháp luật quy định vừa bảo đảm quyền đương nhiên của người có tài sản được để lại tài sản sau khi chết, vừa bảo vệ quyền của những người thuộc diện thừa kế của người có tài sản để lại. Đây là hình thức thừa kế truyền thống được bảo tồn trong quá trình phát triển của xã hội loài người nhằm củng cố cơ sở vật chất của mối quan hệ huyết thống, gia đình.

1.1.3. Khái niệm diện thừa kế và hàng thừa kế theo pháp luật

1.1.3.1. Khái niệm diện thừa kế theo pháp luật

Một trong những vấn đề chính yếu của thừa kế theo pháp luật là việc xác định phạm vi những người có quyền thừa kế theo pháp luật. Tính đến thời điểm hiện nay, pháp luật thừa kế của nước ta chưa từng có quy định như thế nào là diện thừa kế. Tuy nhiên, căn cứ vào những người thừa kế trong các hàng thừa kế, việc xác định diện thừa kế theo pháp luật được làm rõ vì diện thừa kế theo pháp luật chỉ được đặt ra trong trình tự thừa kế theo pháp luật.

Về diện thừa kế, qua các chế độ xã hội khác nhau nhưng cùng có điểm chung là do quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và quan hệ hôn nhân chi phối. Mặt khác, phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật còn phụ thuộc vào quan điểm lập pháp qua các thời kỳ lịch sử

của một quốc gia nhất định. Căn cứ vào quan điểm lập pháp mà phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật được quy định ở diện rộng, hẹp khác nhau.

Ở nước ta, trước năm 1945, dưới chế độ thực dân, phong kiến với ý thức bảo vệ chế độ tư hữu tài sản nhằm duy trì sự bóc lột của mình, giai cấp thống trị đề cao quyền tư hữu và xem đó là quyền thiêng liêng nhằm duy trì quan hệ nội tộc, do đó quan hệ huyết thống luôn được đề cao và là cơ sở quan trọng nhất trong việc xác định những người có quyền thừa kế theo pháp luật

Dưới chế độ dân chủ nhân dân kể từ năm 1945 đến nay, diện thừa kế ngày càng được mở rộng xét theo quan hệ huyết thống. Pháp luật thừa kế của nhà nước ta đã xóa bỏ những tàn tích của chế độ phong kiến trong việc xác định diện thừa kế theo pháp luật. Quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa các con trong gia đình đã được pháp luật quy định nhằm loại bỏ tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ, bảo vệ quyền thừa kế của người vợ góa và người con gái đã kết hôn. Người vợ góa dù đã kết hôn với người khác vẫn thuộc diện thừa kế theo pháp luật của chồng đã chết. Đây là một quy định có tính cách mạng, nó không những làm thay đổi quan hệ trong xã hội mà còn thay đổi tận gốc tư tưởng "xuất giá tòng phu", đồng thời bảo vệ trực tiếp quyền thừa kế của người vợ góa, mà trước đó người vợ góa đã kết hôn không thể có được quyền này.

Các nguyên tắc cơ bản trong việc xác định diện thừa kế theo pháp luật được dựa trên cơ sở hiến định. Điều 9 Hiến pháp năm 1946 quy định: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Theo những nguyên tắc chung được quy định trong Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950, theo những hướng dẫn trong các Thông tư số 1742-BNC ngày 18/9/1956 của Bộ Tư pháp, Thông tư số 594-NCPL ngày 27/8/1968 của Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận quyền bình đẳng của vợ, chồng trong gia đình, quyền bình đẳng giữa nam, nữ trong việc hưởng di sản; các con của người để lại di sản không phân biệt giới

tính, độ tuổi, có năng lực hành vi hay không có năng lực hành vi dân sự đều thuộc diện thừa kế theo pháp luật và họ được thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng phần di sản ngang nhau. Nếu pháp luật của chế độ phong kiến luôn coi trọng quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và lấy đó làm căn cứ để quy định phạm vi những người thừa kế theo pháp luật, thì pháp luật thừa kế của chế độ dân chủ, nhân dân ở nước ta còn coi trọng quan hệ hôn nhân và theo đó, diện thừa kế theo pháp luật còn bao gồm vợ, chồng của người để lại di sản. Đặc biệt, kể từ khi Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990 và Bộ luật Dân sự năm 1995 được ban hành, diện thừa kế theo pháp luật đã được mở rộng theo quan hệ huyết thống trực hệ và bàng hệ. Diện thừa kế theo pháp luật còn được mở rộng hơn nữa khi Bộ luật Dân sự năm 2005 được ban hành. Căn cứ vào quy định các hàng thừa kế tại Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, diện những người thừa kế theo pháp luật đã được mở rộng hơn so với quy định về diện thừa kế theo pháp luật được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 1995. Bề trên có các cụ nội, ngoại; ông bà nội, ngoại; bố, mẹ, chú, bác, cô, dì, cậu ruột của người để lại di sản; ngang bậc có vợ, chồng; anh, chị, em ruột của người để lại di sản; bề dưới có các cháu, các chắt và các cháu ruột mà người để lại di sản là chú, bác, cô, dì, cậu ruột.

Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người thừa kế theo pháp luật chỉ là cá nhân và phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Về nguyên tắc, di sản phải được di chuyển cho người còn sống, do vậy, người sinh ra mà không còn sống thì không thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề xác định khái niệm sinh ra và còn sống trên thực tiễn phải được quy định rõ, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến kỷ phần thừa kế của những người khác. Hiện tại, Bộ luật Dân sự hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề trên nên hầu hết trên thực tế, khi giải quyết vấn đề này thì áp dụng Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch. Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 14

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Năng lực pháp luật của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết". Tuy nhiên, người đã thành thai trước khi người để lại di sản chết và sinh ra còn sống thì thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Để xác định phạm vi những người có quyền hưởng di sản thì phải căn cứ trên ba mối quan hệ: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Những người này có mối quan hệ gần gũi, thân thuộc nhất đối với người để lại di sản. Tuy nhiên, không phải tất cả những người này đều được quyền hưởng di sản của người chết để lại. Nếu những người trong phạm vi những người thừa kế di sản có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì họ sẽ không có quyền hưởng di sản.

Việc xác định diện thừa kế theo pháp luật là việc rất quan trọng, bởi đó là cơ sở để xác định những người có quyền hưởng di sản thừa kế, người không có quyền hưởng di sản và đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể khác trong mối quan hệ thừa kế. Mặt khác, việc xác định đúng những trường hợp thuộc diện thừa kế theo pháp luật sẽ ngăn chặn được những hành vi lừa dối, trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Pháp luật bao giờ cũng là sự phản ánh của một chế độ xã hội nên chế định thừa kế cũng mang tính chất lịch sử qua từng thời kỳ nhất định. Xuất phát từ đặc điểm này cũng như đã nhận định ở trên: Cách xác định diện thừa kế của nước ta qua từng thời kỳ khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là do quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng và quan hệ gia đình chi phối. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội thì quan điểm lập pháp cũng không giống nhau nên những quy định về việc xác định diện thừa kế theo pháp luật cũng ở mức độ rộng, hẹp khác nhau.

Qua những phân tích về diện thừa kế theo pháp luật có thể nhận định:

Diện thừa kế theo pháp luật là phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế được chia theo pháp luật mà khi còn sống người để lại di sản có

mối quan hệ huyết thống. quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng với những người trong phạm vi thuộc một hoặc các mối quan hệ đó.

1.1.3.2. Khái niệm hàng thừa kế theo pháp luật

Diện thừa kế theo pháp luật là là phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Như vậy, không phải mọi cá nhân thuộc diện thừa kế theo pháp luật đều được hưởng di sản thừa kế mà việc hưởng di sản thừa kế luôn được xác định theo trình tự hàng.

Luật thực định của các nước đều có quy định các hàng thừa kế song chưa có quy định thế nào là hàng thừa kế. Tuy nhiên, khái niệm này cũng ít nhiều được đề cập tới trong một số tài liệu chuyên khảo.

Theo Từ điển Giải thích thuật ngữ luật học: "Hàng thừa kế là nhóm người có quan hệ cùng tính chất gần gũi với người để lại di sản" [40, tr. 64]. Khái niệm này đã nêu bật vấn đề cơ bản là hàng thừa kế theo pháp luật luôn luôn bao gồm những người có quan hệ gần gũi với người để lại di sản.

Theo Từ điển Luật học: "Trong trường hợp không có di chúc thì hàng thừa kế là thứ tự ưu tiên hưởng di sản theo quy định của pháp luật" [43, tr. 182-183]. Định nghĩa đã hàm chứa trong nó yêu cầu phân chia những người thuộc diện thừa kế thành các hàng thừa kế khác nhau với mức ưu tiên hưởng di sản khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm này chưa hợp lý ở chỗ: không chỉ có trường hợp không có di chúc thì vấn đề thừa kế theo pháp luật mới được đặt ra. Nhiều trường hợp, mặc dù người để lại thừa kế có để lại di chúc nhưng di chúc đó không được thực hiện hoặc không thực hiện được thì việc phân chia di sản thừa kế cũng phải được tiến hành theo hình thức thừa kế theo pháp luật. Như vậy, khái niệm này đã không bao quát hết các trường hợp thừa kế theo pháp luật.

Có thể nói, hàng thừa kế là một khái niệm động và mang tính lịch sử, Các nước khác nhau có những quy định khác nhau về hàng thừa kế, thậm chí trong cùng một quốc gia nhưng vào những thời điểm cụ thể lại quy định số lượng

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 06/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí