Di tích bãi cọc Cao Quỳ xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - 13

số cửa sông hiểm yếu để phòng nạn ngoại xâm (năm 1405, Hồ Quy Ly đóng cọc để chống quân Minh). Cắm cọc trên dòng sông chặn địch là đặc điểm có tính chất truyền thống trong nghệ thuật quân sự Việt Nam từ trước đến nay. Vậy bãi cọc Cao Quỳ chúng ta mới phát hiện và đang nghiên cứu thuộc trận đánh nào?

Theo thư tịch, chúng ta có thể nhận thấy sự khác nhau về vị trí các chiến trận xảy ra trên sông Bạch Đằng. Về trận Ngô Quyền phá quân Nam Hán năm 938, Cựu ngũ đại sử, quyển 65 (biên soạn vào thời Tống) chép “Ngô Quyền lúc đó đã giết Kiều Công Tiễn bèn đem quân ứng chiến ở cửa biển; cho đóng cọc sắt ở giữa biển. Quân của Ngô Quyền thừa theo nước triều mà tiến, Hoằng Thao bèn đuổi theo; đến khi nước triều rút, các thuyền quy trở lại, đều bị bãi cọc nhô lên làm cho thảm bại, Hoằng Thao chết trận” [50, tr.62]. Ngoài ra, cũng vào thời Tống, học giả Tư Mã Quang trong tác phẩm Tư trị thông giám cũng chép “đầu tiên, Ngô Quyền cho đóng cọc bằng gỗ ở khu vực cửa biển, đều vót nhọn đầu, trên đầu có mũ bằng sắt. Ngô Quyền cho sai thuyền dựa theo nước triều khiêu chiến đồng thời giả thua tháo chạy; đến khi nước triều xuống, hạm đội của quân Hán gặp phải những cọc sắc không thể quay đầu trở lại được. Quân Hán đại bại, thương vong quá nửa, Hoằng Thao chết trận” [50, tr.62].

Ngoài cổ sử Trung Hoa, cổ sử nước ta cũng có nhiều ghi chép về sự kiện này như Việt sử lược, các nhà sử học Việt Nam chép rằng “Quyền nghe tin Hoằng Thao đến, bèn đóng ngầm những cọc lớn đầu bịt sắt ở cửa biển. Khi nước triều dâng cao, Quyền sai người đen thuyền nhỏ ra khiêu chiến, giả vờ thua chạy. Hoằng Thao đuổi theo. Nước triều xuống, cọc nhô ra; Hoằng Thao phải chống cự luôn tay, mà nước triều xuống rất nhanh, thuyền bè đều bị vướng vào trong cọc. Quyền đánh hăng, đại phá được Hoằng Thao, quân Nam Hán bị chết đuối đến quá nửa, giết được Hoằng Thao” [73, tr.47]. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết sau khi Ngô Quyền nghe tin Hoằng Thao sắp đến đã bảo với các tướng tá “Nếu đem cọc lớn, vót nhọn đầu, bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta

dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát. Định kế rồi cho đóng cọc ở hai bên cửa biển” [15, tr.203].

Phan Huy Lê trong bài viết Chiến thắng Bạch Đằng vị trí, ý nghĩa và những vấn đề khoa học đang đặt ra (1982) cũng cho rằng Ngô Quyền “huy động quân dân đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt đóng thành một bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Quân thuỷ bộ với sự tham gia của các lực lượng dân binh, bố trí mai phục sẵn ở trong bãi cọc, vùng hạ lưu sông Bạch Đằng” hay “vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán diễn ra ác liệt và kết thúc rất nhanh gọn. Cả một đoàn binh thuyền của địch vừa vượt biển tiến vào cửa ngò Bạch Đằng, đã bị quân ta dẫn dắt vào trận địa bố trí sẵn và bị tiêu diệt gọn trong một thời gian rất ngắn” [30, tr.13].

Trong công trình Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1985) các tác giả qua tư liệu cổ sử và kết quả khảo sát thực địa cũng cho rằng Ngô Quyền đã cho đóng cọc ở 2 bên cửa biển, tức ở quãng sông Cấm đổ ra sông Bạch Đằng ngày nay, do đó bãi cọc có thể được tìm thấy tại khu vực đảo Vũ Yên và ở hai bên sông Cấm và sông Bạch Đằng ngày nay.

Như vậy, về cơ bản các tài liệu cổ của cả Trung Quốc và Việt Nam đều thống nhất địa điểm chiến trường khi diễn ra trận Bạch Đằng năm 938 là khu vực cửa biển, khi đoàn thuỷ quân Nam Hán bắt đầu tiến vào nước ta. Bên cạnh đó, vùng gần biển và cửa Nam Triệu, huyện An Hải (Hải Phòng) có nhiều truyền thuyết về Ngô Quyền. Trong thần tích đền thờ Ngô Quyền ở các xã Nam Hải, Đằng Hải, Đông Hải huyện An Hải (Hải Phòng) lại còn ghi rò địa điểm đóng cọc của Ngô Quyền là cửa Nam Triệu.

Thông qua khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã chỉ ra hai địa điểm có tính chất chiến lược trong trận đánh của Ngô Quyền năm 938 là khu vực đình Lương Xâm và đình làng Gia Viên. Bản thần tích và thần phả còn lưu giữ tại

đình Lương Xâm đều cho rằng Ngô Quyền cho đóng đại bản doanh tại Lương Xâm; còn tại Gia Viên, theo thần tích và tư liệu dân gian thì Ngô Quyền đã cho xây đồn Gia Viên trên một gò đất cao, phía trước mặt là sông Cấm, phía sau là ngòi Liêm Khê. Một địa điểm quan trọng khác là khu vực Hạ Đoạn, tại miếu Hạ Đoạn hiện nay vẫn còn lưu giữa được 39 đạo sắc phong cho Ngô Quyền và Ngô Xương Ngập, trong đó có những đạo sắc phong từ rất sớm (1522).

Hiện nay, đi ngược sông Cấm từ Lương Xâm, Xâm Bồ qua Hạ Đoạn, Bình Kiều… nơi đâu cũng có miếu thờ Ngô Quyền. Cụ thể, Ngô Quyền được thờ ở 37 đơn vị hành chính trải dài trên một khu vực rộng lớn thuộc các quận Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng thuộc thành phố Hải Phòng [50, tr.72] (Bản đồ 14). Ở đây không hề có câu chuyện về Trần Quốc Tuấn đánh Ô Mã Nhi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Trong khi đó, truyền thuyết dân gian vùng thượng lưu sông Bạch Đằng không nhắc đến sự tích Ngô Quyền. Ở vùng phía Đông huyện Thủy Nguyên có nhiều di tích và truyền thuyết về Trần Quốc Tuấn. Nhân dân địa phương vẫn còn lưu truyền chuyện Đức thánh Trần đã chỉ huy chiến trận vùng thượng lưu sông Bạch Đằng. Những câu chuyện về nơi Vương cắm gươm trên đỉnh núi Từ Thụ để xem trận địa mà ngày nay ở vùng này còn lưu lại địa đanh Lưu Kiếm. Những điều đó đều có một ý nghĩa nhất định, nơi đây xưa chính là chiến trường quân và dân Đại Việt đánh quân Nguyên xâm lược.

Việc bố trí đền thờ ven sông Bạch Đằng cũng cho ta một ý niệm về chiến trường của các trận đánh. Các làng ở thượng lưu sông Bạch Đằng thuộc hai thị xã Quảng Yên và Thủy Nguyên đều thờ Hưng Đạo Vương và các tướng Trần tham gia trận đánh Bạch Đằng. Có làng như Do Lễ xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên thờ thành hoàng, theo thần tích là bộ tướng của Trần Quốc Tuấn. Ở xã Minh Đức, thôn Tràng Kênh, giáp liền với thượng lưu của sông Bạch Đằng còn có ngôi mộ của Trần Quốc Bảo, một tướng thời Trần đã tham gia trận đánh trên sông Bạch Đằng và hy sinh tại đây. Ngọn núi có đền thờ Trần Quốc Bảo gọi là

Di tích bãi cọc Cao Quỳ xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - 13

núi Hoàng Tôn. Ở vùng này không có đền thờ Ngô Quyền. Truyền thuyết dân gian, việc lập đền thờ, thần tích… trên cơ bản thường phản ánh các sự kiện lịch sử cụ thể. Những nhân vật lịch sử nào đó thường được thờ cúng ở những nơi nhân vật đó đã sống, làm việc hoặc có công trạng hay có những mối liên hệ gì với địa phương đã xảy ra những sự kiện đó. Phải chăng Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn đã đánh giặc ngoại xâm ở những nơi khác nhau nên đã đưa đến việc thờ cúng trong dân gian ở những nơi khác nhau với những truyền thuyết khác nhau.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, theo thư tịch cổ thì những cọc gỗ phát hiện được trên sông Bạch Đằng/ vùng sông Bạch Đằng ngày nay, có thể là cọc gỗ của Ngô Quyền, Lê Hoàn hay Trần Quốc Tuấn. Nhưng nếu là cọc gỗ của Ngô Quyền hay Lê Hoàn thì đó là cọc gỗ đóng ở cửa biển để giữ không cho giặc vào nước ta từ sông Bạch Đằng. Những cọc gỗ phát hiện ở Cao Quỳ thì cạnh sông Đá Bạc, phía trên thượng lưu sông Bạch Đằng chứ không phải là ở cửa sông ven biển. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết rằng Hưng Đạo vương đóng cọc ở sông Bạch Đằng, do đó mà đánh vỡ được đoàn thuyền quân Nguyên. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục bổ sung và đính chính sách Toàn thư chép rò rằng Hưng Đạo Vương đóng cọc lim ở sông Bạch Đằng đón đánh tan được thủy quân Nguyên trên đường rút. Cọc để đón thủy quân giặc khi chúng rút lui thì tất đóng ở khoảng giữa, ở khúc sông hiểm yếu, chứ không phải là đóng ở cửa sông. Bên cạnh đó, ngoài việc thiếu vắng các truyền thuyết và đền thờ liên quan đến Ngô Quyền, khu vực này cũng chưa phát hiện được đền thờ hay truyền thuyết nào liên quan đến Lê Hoàn. Do đó, chúng tôi bước đầu cho rằng những cọc gỗ phát hiện được ở Cao Qùy là của Trần Hưng Đạo, chứ không có thể là cọc gỗ của các đời khác.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ 3, sau một thời gian chiếm giữ Thăng Long, nhưng lương thực cho người và ngựa đã bị mất, lo sợ bị tấn công, đến đầu tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan không còn con đường nào khác

phải rời bỏ Thăng Long chuyển quân về căn cứ phòng thủ Vạn Kiếp. Rồi từ Vạn Kiếp, lấy danh nghĩa “bảo toàn lực lượng”, Thoát Hoan quyết định chia làm hai đạo quân theo hai đường thủy, bộ rút về Trung Quốc. Đạo quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy theo đường Lạng Sơn. Quân thủy do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy rút về theo đường sông Bạch Đằng. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí một lực lượng quân đội phối hợp với dân binh địa phương đánh địch trên suốt đường rút lui từ Vạn Kiếp đến Bạch Đằng.

Từ Vạn Kiếp ra biển theo đường thủy có nhiều con đường khác nhau. Đường gần nhất là theo sông Kinh Thầy ra cửa Chanh hoặc vòng một chút ra cửa Bạch Đằng/ cửa Nam Triệu. Tuy nhiên từ ngã ba Đụn tới ngã ba Rừng là nơi có thể từ đây ra biển theo cửa Chanh hoặc Bạch Đằng thì cũng lại có hai đường không xa hơn là bao. Đó là từ Vạn Kiếp theo sông Lục Đầu, sông Kinh Thầy, sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng, qua phía trước dãy núi Tràng Kênh, ra cửa biển Nam Triệu/ cửa Bạch Đằng hoặc khi đến sông Đá Bạc tới Trúc Động rẽ vào sông Giá, qua phía sau dãy núi Tràng Kênh cũng ra sông Bạch Đằng rồi đi thông sang sông Chanh ra cửa biển Nghiêu Phong, có lẽ thời Trần gọi là cửa An Bang, vì cửa biển này thuộc địa phận vùng An Bang [4, tr.24] hoặc theo sông Bạch Đằng ra biển.

Theo Nguyễn Lương Bích thời xưa đi theo cửa An Bang vào sông Chanh, sông Giá đi lên là con đường thủy ngắn nhất, tốt nhất từ Khâm Châu vào lộ Hải Đông và lên Vạn Kiếp [4, tr.26]. Theo Đại Nam nhất thống chí, cửa Nghiêu Phong tức là cửa An Bang xưa “là nơi thuyền bè công tư thường qua lại, hai bên bờ Nam Bắc đều là bãi cát, phía Nam là xã Phù Long, phía Bắc là xã Yên Khoái” và các tổng Yên Khoái, Vạn Ninh, huyện Nghiêu Phong, dùng thuyền buôn đi lại thông với miền Mỹ Giang tỉnh Hải Dương và miền Khâm Châu tỉnh Quảng Đông”. Mỹ Giang là sông Giá. Vì đường thông thương từ cửa An Bang vào sông Chanh, sông Giá thuận tiện nên tại miền Mỹ Giang tức miền sông Giá có chợ Giá, cũng gọi là chợ Mỹ Giang, là một chợ lớn, đông người buôn bán.

Để bắt buộc toàn bộ đạo thủy binh của Ô Mã Nhi phải đi theo đường sông Bạch Đằng là nơi ta bố trí trận đánh thì việc trước tiên là phải ngăn chặn không cho chúng đi vào sông Giá, đi sang sông Chanh ra biển. Vì sông Giá là nơi thủy quân ta mai phục, chờ tiến đánh vào sườn bên hữu của binh thuyền địch trên trận địa Bạch Đằng. Nếu thuyền giặc tiến xuống được đoạn cuối sông Giá thì chẳng những chỗ ẩn của thủy quân ta bị lộ mà những đội quân bộ của ta mai phục trong vùng núi đá Tràng Kênh phải phân tán chiến đấu cả hai mặt.

Vẫn theo Nguyễn Lương Bích, “để chắc thắng, Trần Quốc Tuấn quyết định đánh tiêu hao giặc suốt chặng đường chúng đi từ sông Kinh Thầy trở xuống, chặn giữ không cho chúng vào sông Giá, buộc chúng phải theo sông Đá Bạc xuống sông Bạch Đằng lấy khúc sông Rừng rộng lớn - tức thượng lưu sông Bạch Đằng - làm nơi bố trí trận đánh tiêu diệt toàn bộ thuỷ binh giặc” [4,tr.25].

Như vậy, để bắt đoàn thuỷ binh Nguyên phải đi theo đường sông Đá Bạc xuống sông Bạch Đằng thì việc trước tiên là phải ngăn chặn không cho chúng đi vào sông Giá để sang sông Chanh ra biển. Trên thượng lưu sông Giá, nơi gần ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc, quân ta từ trước đã đóng căn cứ tại Trúc Động, việc không cho đoàn thuyền giặc đi vào sông Giá còn mục đích bảo vệ căn cứ, bảo vệ đoàn quân mai phục của nhà Trần. Và cách tốt nhất để làm được việc này đó chính là đóng những cọc lớn 2 bên bờ sông, thu hẹp lòng sông để những chiến thuyền lớn của nhà Nguyên không thể vượt qua nổi.

Theo người dân địa phương, lạch nước chảy phía Bắc cánh đồng Cao Qùy

- sông Lỗ Hải, trước đây rộng và lớn hơn. Khoảng 20 năm trước, người dân địa phương mới đắp bờ thu hẹp dòng chảy như hiện nay để mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Quan sát trên bản đồ vệ tinh có thể nhận thấy dòng chảy này phía Bắc mở cửa thông với sông Đá Bạc, chảy về phía Nam đến khu vực núi Điệu Tú tách thành hai nhánh. Một nhánh chảy vào khu vực làng Mai Động, một nhánh chảy qua phía Nam núi Điệu Tú, qua địa phận các xã Lưu Kỳ, Lưu

Kiếm... rồi đổ vào sông Giá (Bản đồ 4). Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, đối chiếu với hệ thống bản đồ cổ, dòng chảy từ kênh Lỗ Hải xuống sông Hà Thần, sông Móc ra sông Giá có thể là dòng chảy được thể hiện trong bản đồ Đồng Khánh, mà phía Bắc thông với sông Đá Bạc, phía Nam nối với sông Giá (Bản đồ 6).

Ngoài ra, ở Cao Quỳ còn phát hiện tại khu vực cao, nơi có thể đào những hố trước khi ấn cọc xuống để chôn còn có một công năng khác là ngăn quân thuỷ đổ bộ lên bờ chiếm điểm cao. Nếu điều này xảy ra, đây là một điểm hoàn toàn mới trong việc nghiên cứu các bãi cọc chiến trường và chiến thắng Bạch Đằng xưa.

Việc phát hiện các bãi cọc ở Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa.... nay thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã góp phần phục dựng lại diện mạo chiến trường Bạch Đằng năm 1288. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở các di tích này cho thấy có hai loại cọc chính. Loại lớn có đường kính 20 - 30cm và dài trên dưới 2m (có cọc dài 3,15m) thường được đẽo nhọn khoảng 50 - 100cm để cắm thẳng đứng vào lớp bùn cát đáy các dòng chảy. Loại nhỏ có đường kính 8 - 15cm, thường được đóng thành cụm ven bờ trong bãi triều theo nhiều hướng khác nhau, nhưng thường là hướng ngược với dòng chảy. Các cụm cọc được phân bố theo hình zigzag như ở Đồng Vạn Muối hoặc được tạo thành dãy dày đặc như ở Đồng Má Ngựa. Cọc lớn chủ yếu được cắm xuống đáy sông theo phương pháp dộng lắc. Loại cọc lớn thường được làm bằng gỗ thuộc nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Cũng có loại cọc nhỏ thuộc các loại gỗ khác, trong đó có cả đồ dùng gia đình được sử dụng như ở Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa. Cả ba bãi cọc đã phát hiện và nghiên cứu nói trên đều cho thấy quy mô rộng lớn nhưng mang tính phòng thủ chiến lược ở những vị trí hiểm yếu, vừa có khả năng thu hẹp dòng chảy khi triều lên vừa phối hợp với các ghềnh đá tự nhiên tạo thành rào cản thuyền địch, đồng thời gây khó khăn cho việc đổ bộ tác chiến của quân giặc. So sánh với các cọc phát hiện được ở Yên Giang, Đồng

Vạn Muối, Đồng Má Ngựa... thì các cọc phát hiện được ở cánh đồng Cao Qùy có đường kính lớn, chân cọc không được đẽo nhọn, cách thức phân bố khác với các cọc được phát hiện tại di tích Yên Giang, Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối. Địa hình khu vực Cao Quỳ cũng khác với vùngQuảng Yên, với núi Hang Son bên kia sông, kết hợp với núi Điệu Tú bên này sông, khiến khu vực Cao Quỳ trở thành một điểm chắn quan trọng trước khi dòng sông Đá Bạc mở rộng về phía Bắc dãy núi Điệu Tú.

Ngoài ra, kết quả phân tích C14 từ 2 mẫu gỗ được lấy tại di tích Cao Quỳ được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học cũng cho ra kết quả hoàn toàn phù hợp với những suy đoán và nhận định của những người khai quật. Theo đó: Phiếu trả kết quả phân tích tuổi C14 số 1428 của mẫu thứ nhất có ký hiệu 19.CQ.ST.01, số hiệu mẫu đo HNK - 1366 cho kết quả tuổi C14 là 705 ± 60 yr.BP (Phiếu 1). Phiếu trả kết quả phân tích tuổi C14 số 1429 của mẫu thứ 2 có ký hiệu 19.CQ.ST.01, số hiệu mẫu đo HNK - 1367 cho kết quả tuổi C14 là 620 ± 65 yr.BP (Phiếu 2). Như vậy, kết quả này càng củng cố quan điểm của chúng tôi đưa ra ở những phần trước, rằng đây là một trong những bãi cọc chiến trường góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược nhà Nguyên của quân và dân nhà Trần năm 1288.

Tiểu kết chương

Bên cạnh bãi cọc Cao Quỳ, trước và sau đó, chúng ta đã phát hiện và nghiên cứu một số bãi cọc khác trong vùng sông Bạch Đằng; gần nhất là bãi cọc Đầm Thượng thuộc xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và trước đó nữa là các bãi cọc tại khu vựcQuảng Yên (Quảng Ninh) như bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa. Từ những đặc trưng cơ bản của bãi cọc Cao Quỳ có thể nhận thấy, tuy có những điểm khác nhau nhưng các bãi cọc này có những nét tương đồng cơ bản trên nhiều phương diện như đều được cắm xuống bãi bồi ven sông, tại những khu vực trọng yếu có vị trí chiến

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022