Những Hạn Chế Của Việt Nam So Với Các Nước Asean Trong Việc Thu Hút Fdi Của Trung Quốc

Việt Nam nên không gặp khó khăn trong khâu quảng bá và đáp ứng nhu cầu nội địa.

Các lợi thế trên cần được phát huy tối đa để gia tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ Trung Quốc với các nước trong khu vực.

1.2. Những hạn chế của Việt Nam so với các nước ASEAN trong việc thu hút FDI của Trung Quốc

So với nhiều nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đặc biệt là Singapore thì Việt Nam còn nhiều yếu điểm trong việc cạnh tranh thu hút FDI của Trung Quốc. Một số hạn chế lớn của môi trường đầu tư ở Việt Nam đó là thủ tục hành chính rườm rà, pháp luật liên quan đến đầu tư còn chồng chéo, cơ sở hạ tầng yếu kém và nguồn nhân lực trình độ cao còn hạn chế, dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cao hơn so với các nước ASEAN.

* Về thủ tục hành chính: Thủ tục hành chính rườm rà gây phiền nhiễu cho nhà đầu tư thậm chí lỡ mất cơ hội kinh doanh là yếu điểm mà Việt Nam từ lâu vẫn chưa khắc phục được. Trong cuộc khảo sát môi trường kinh doanh của các nước trên thế giới năm 2008, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá Việt Nam rất yếu ở khâu thủ tục hành chính. Việc giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập. Theo báo cáo, các vụ phá sản tại Việt Nam thường tốn đến 5 năm và doanh nghiệp chỉ thu hồi lại được 18% nợ. Về nghĩa vụ thuế, trung bình, doanh nghiệp mất 1.050 giờ, tương đương với 130 ngày làm việc để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Trong khi đó, con số này ở Philippin là 195 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Indonesia là 266 giờ,... Thị trường lao động và vấn đề sa thải lao động đang đứng trong nhóm có thứ hạng thấp, khiến doanh nghiệp và cả thị trường lao động mất đi độ linh hoạt.

* Về vấn đề pháp lý: Pháp luật liên quan đến đầu tư của Việt Nam còn bất cập, chưa hoàn chỉnh. Theo Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2005, các luật liên quan đến đầu tư (Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật môi trường, Luật xây dựng...) còn tồn tại các quy

định chồng chéo, không rõ ràng thậm chí còn trái ngược, mâu thuẫn nhau... (Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2005, 2008). Trong khi đó, các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia do tiến hành hoạt động thu hút FDI sớm hơn Việt Nam nên đã xây dựng được một hệ thống pháp luật điều chỉnh FDI khá hoàn thiện, đồng bộ và minh bạch.

* Về cơ sở hạ tầng: Chất lượng của các hàng hóa và dịch vụ công cộng của Việt Nam còn thấp. Hệ thống đường bộ chưa theo kịp với tiến độ phát triển của nền kinh tế, thường xuyên có hiện tượng tắc nghẽn đặc biệt là ở các thành phố lớn; tuyến đường sắt đã cũ, tốc độ vận chuyển chậm; hàng không còn ít máy bay với mạng lưới bay hẹp và cảng hàng không nhỏ; các cảng biển còn quá bé không đủ năng lực đón và xếp dỡ các tàu container cỡ lớn. Việc cung cấp điện thiếu ổn định gây ra những chi phí phụ thêm cho nhà đầu tư cũng là một yếu điểm của Việt Nam. Trong khi đó, Singapore và Malaysia có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế với mạng lưới bưu chính viễn thông được tư nhân hóa, nhiều sân bay quốc tế lớn đã cung cấp dịch vụ đa dạng và hiệu quả cho nhà đầu tư. Singapore còn sở hữu cảng biển lớn thứ hai thế giới với năng lực bốc xếp cao gấp nhiều lần so với Việt Nam (Viện kinh tế và chính trị thế giới, 2004).

* Về nguồn nhân lực: Việt Nam có lực lượng lao động phổ thông đông đảo, giá rẻ nhưng lao động lành nghề, có trình độ cao còn ít, chưa đáp ứng được đòi hỏi của của các nhà đầu tư, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Theo điều tra hàng năm của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là nước đứng đầu về tình trạng thiếu đội ngũ quản lý, lao động cao cấp, kỹ sư và công nhân lành nghề và thạo ngoại ngữ (Vneconmy, 2006). Điều này khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm nhiều thời gian và tiền của để phát triển nhân lực tại chỗ nếu muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

* Về chi phí kinh doanh: Điều tra hàng năm của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy Việt Nam chỉ có lợi thế về lương công nhân, còn các chi phí kinh doanh khác như lương của cán bộ quản lý, giá

điện, giá thuê văn phòng, cước viễn thông quốc tế, cước vận chuyển vẫn ở mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực (Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Do nguồn nhân lực có trình độ còn ít nên nhà đầu tư nước ngoài phải thuê cán bộ quản lý với mức lương cao. Hà Nội là thành phố có giá thuê văn phòng và mức cước vận chuyển cao nhất trong số các thành phố lớn của ASEAN. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đắt đỏ nhất khu vực tính theo tổng chi phí. Cước điện thoại quốc tế đã giảm nhưng vẫn kém cạnh tranh so với hầu hết các nước khác.

Giải quyết các tồn tại trên là nhu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay để Việt Nam có thể hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư nhằm tăng cường thu hút FDI nói chung cũng như FDI của Trung Quốc nói riêng.

2. Chính sách của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

2.1. Chính sách tự do hóa FDI

Trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc tế như hiện nay, Việt Nam rất cần có một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, không phân biệt giữa các nhà đầu tư và có những chính sách tạo điều kiện cho việc thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Với yêu cầu ngày càng bức thiết đó, cộng thêm mục tiêu cần phải đáp ứng được điều kiện gia nhập WTO, nước ta đã nhanh chóng tiến hành sửa đổi và cho ra đời Luật Đầu tư 2005 thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước trước đây. Luật mới đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam do đã mang lại môi trường pháp lý thống nhất hơn, hoàn thiện hơn, theo kịp tình hình phát triển kinh tế trong và ngoài nước. Luật Đầu tư 2005 có nhiều thay đổi tích cực so với Luật Đầu tư nước ngoài 1997 theo chiều hướng nới lỏng các hạn chế về FDI và đơn giản hóa các quy định, thủ tục liên quan đến FDI giống như các nước ASEAN. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực thì Luật đầu tư vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.

Luật đầu tư 2005 đã mở rộng hình thức, lĩnh vực, tỷ lệ đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam. Nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư - kinh doanh, có quyền tự quyết lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, đối tác đầu tư,... Hình thức đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng: ngoài công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài), nhà đầu tư còn được thành lập công ty cổ phần, công ty hợp danh theo luật doanh nghiệp, được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam trong một số ngành nghề lĩnh vực Chính phủ quy định, và được mua lại, sáp nhập công ty chi nhánh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên tỷ lệ cổ phần được góp hoặc được phép mua lại đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, theo Nghị định 101/2006/NĐ-CP, tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều thuộc diện phải đăng ký lại và chuyển đổi hình thức. Việc này gây nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp FDI. Luật đầu tư 2005 xóa bỏ quy định vốn tối thiểu trước đây (30%) cho các chủ đầu tư nước ngoài. Nhiều lĩnh vực nhạy cảm như lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, vận tải biển, xuất nhập khẩu, phân phối,đã và đang được mở cửa dần cho nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình thực hiện cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các quy định liên quan đến FDI (về ngoại hối, lao động, đất đai và quản lý đầu tư) đã được đơn giản hóa đi nhiều. Việt Nam đã xóa bỏ các quy định hạn chế về tái đầu tư, chuyển thu nhập về nước, quản lý ngoại hối đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trước đây, doanh nghiệp FDI chỉ được thuê tối đa 3% lao động nước ngoài nhưng hiện nay quy định này đã được bãi bỏ, tuy nhiên vẫn duy trì quy định mức lương cơ bản cho người lao động. Nhà đầu tư nước ngoài được quyền sử dụng đất không quá 50 năm; tối đa là 70 năm trong

những trường hợp đặc biệt (Luật đầu tư nước ngoài là 30 năm và tối đa là 50 năm).

Việc đăng ký đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư được phân cấp mạnh mẽ cho UBND cấp tỉnh và Ban quản lý các KCN, KCX, KCNC, KKT. Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận về nguyên tắc với một số dự án quan trọng chưa có trong quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch, còn lại sẽ do UBND cấp tỉnh và các Ban quản lý tự quyết định và cấp giấy Chứng nhận đầu tư. Bộ ngành quản lý cấp Nhà nước sẽ chỉ tập trung thực hiện chức năng hoạch định chính sách, dự báo, kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2005 vẫn quy định khá chặt chẽ về tiền kiểm, kiểm tra ngay từ khi đăng ký đầu tư: dự án đầu tư nước ngoài dưới 300 tỷ phải đăng ký, trên 300 tỷ phải thẩm tra để cấp phép đầu tư (Điều 46,47, Luật Đầu tư 2005). Bên cạnh đó, chủ trương phân cấp quản lý cho địa phương tuy hợp lý nhưng vẫn việc thực thi chưa thực sự có hiệu quả do năng lực cán bộ tại địa phương vẫn còn hạn chế.

2.2. Ưu đãi và hỗ trợ FDI

Theo điều 27, Luật đầu tư 2005, Chính phủ Việt Nam dành nhiều ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư khi đưa vốn vào các lĩnh vực sau:

- Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo.

- Nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản; làm muối; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới.

- Sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao.

- Sử dụng nhiều lao động.

- Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, các dự án quan trọng, có quy mô lớn.

- Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục và thể thao và văn hóa dân tộc.

- Phát triển ngành, nghề truyền thống.

- Những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác cần khuyến khích.

Theo điều 28, Luật đầu tư 2005, địa bàn ưu đãi đầu tư là những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các KCN, KCX, KCNC, KKT.

Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi trên hoặc có dự án đầu tư mới, mở rộng quy mô sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu,... cũng như được Nhà nước hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KCX, KCNC, KKT.

* Về thuế: Luật Đầu tư 2005 và Nghị định số 24/2007/NĐ-CP quy định nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (28%) từ 2-4 năm và giảm thuế từ 2-9 năm tùy thuộc vào lĩnh vực và địa bàn đầu tư. Các dự án đầu tư được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10-20% trong vòng 10- 15 năm tùy vào lĩnh vực, địa bàn đó được ưu đãi hay đặc biệt ưu đãi.

* Về biện pháp hỗ trợ: Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ các hỗ trợ đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng khi đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư như hỗ trợ về đào tạo, về dịch vụ đầu tư. Về đào tạo: Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư lập quỹ hỗ trợ đào tạo từ nguồn vốn góp và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài bằng cách thành lập các quỹ hỗ trợ đào tạo phi lợi nhuận được miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế; và chi phí đào tạo của tổ chức kinh tế được tính vào chi phí hợp lý làm căn cứ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính phủ cũng hỗ trợ nguồn nhân sách cho việc đào tạo lao động trong các tổ chức kinh tế thông qua chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về dịch vụ đầu tư: Việc hỗ trợ tín dụng đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ các

tổ chức, cá nhân, không phân biệt thành phần kinh tế, được thực hiện các dịch vụ hỗ trợ đầu tư,... Có thể thấy Việt Nam đã có chú trọng đến các biện pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên các hỗ trợ này vẫn còn khá chung chung, chưa cụ thể mức độ hỗ trợ của Nhà nước đối với nhà đầu tư.

Luật đầu tư 2005 ra đời góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của Việt Nam. Các ưu đãi chúng ta đưa ra rất cạnh tranh với các nước ASEAN, đồng thời môi trường đầu tư ngày càng mở với các nhà đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số quy định còn khá chặt chẽ, chưa thực sự thông thoáng với nhà đầu tư, việc thi hành các luật liên quan đến đầu tư vẫn còn nhiều bất cập. Song song với việc hoàn thiện môi trường pháp lý, Việt Nam cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các yếu tố khác có tác động không nhỏ đến mức độ hấp dẫn đầu tư như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính để có thể cạnh tranh với các nước ASEAN trong việc thu hút FDI của Trung Quốc.

Tóm lại, dưới tác động của các nhân tố “đẩy” từ trong nội bộ doanh nghiệp và từ chính sách khuyến khích của Nhà nước thì hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Việt Nam và các nước ASEAN đều có nhiều chính sách “mở” hơn cùng nhiều ưu đãi khuyến khích đối với FDI sẽ cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI nói chung cũng như của Trung Quốc nói riêng. Trong cuộc cạnh tranh này Việt Nam có những lợi thế và yếu điểm nhất định. Tận dụng các lợi thế, hạn chế các yếu điểm đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước ASEAN sẽ giúp Việt Nam gia tăng thu hút FDI của Trung Quốc.

CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP CỦA TRUNG QUỐC VÀO CÁC NƯỚC ASEAN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1999 ĐẾN NĂM 2006‌‌

I. ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP CỦA TRUNG QUỐC VÀO CÁC NƯỚC ASEAN GIAI ĐOẠN 1999-2006

FDI được đề cập đến trong chương II là FDI của Trung Quốc vào các nước ASEAN và là lượng vốn FDI ròng (tính tổng luồng FDI vào và ra trên cán cân thanh toán của các nước ASEAN).

1. Quy mô và tốc độ tăng vốn đầu tư

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN giai đoạn 1999-2006 đã có những bước chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực. Tổng lượng vốn FDI toàn giai đoạn lên tới 2.374,74 triệu USD, trong đó giai đoạn đầu từ năm 1999 đến năm 2002 tổng lượng vốn FDI chỉ đạt 1,95 triệu USD, giai đoạn sau từ năm 2003 đến năm 2006, lượng vốn đầu tư tăng mạnh, tổng lượng vốn FDI trong bốn năm này lên tới 2.372,79 triệu USD, đưa Trung Quốc trở thành một trong mười nước đầu tư nhiều nhất vào ASEAN trên toàn thế giới (ASEAN Secretariat, 2007). Mức đầu tư cụ thể từng năm như sau:

Bảng 1: FDI của Trung Quốc vào ASEAN giai đoạn 1999-2006

Đơn vị: triệu USD


Năm

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

99-06

A1

62,61

-133,39

147,47

-74,74

195,80

670,27

569,82

936,90

2374,74

A

27.375

23.541

20.372

18.023

24.235

35.117

41.068

52.380

242.111

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam - 5


Nguồn: ASEAN Secretariat (2006, 2007).

Ghi chú: A1: Vốn FDI của Trung Quốc vào ASEAN

A : Tổng vốn FDI vào ASEAN

Xem tất cả 119 trang.

Ngày đăng: 01/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí