người kể chuyện và nhân vật, tác giả và bạn đọc. Với lối nói kiểu đời thường này, chị đã góp phần tái hiện chân thực bức tranh của đời sống với một gam màu lạ, thể hiện được sự đa dạng và sống động của cuộc sống.
Giọng điệu độc thoại giãi bày tâm sự thường gặp ở đây mượn hình thức tự bạch. Hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ được viết dưới dạng người kể chuyện xưng tôi. Với hình thức này người kể chuyện tham gia vào câu chuyện như một nhân chứng, cũng là cách làm tăng độ tin cậy của bạn đọc đối với tác phẩm. Nhân vật xưng tôi tự kể chuyện mình, bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, suy tư, cảm xúc của mình. Đứng ở điểm nhìn trần thuật này nhiều trường hợp giọng điệu tác giả và giọng điệu nhân vật hoà làm một.
Với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, các truyện ngắn này bộc lộ xu hướng viết “như một nhu cầu trình bày những trải nghiệm của bản thân”. Người kể chuyện lúc này xoá đi khoảng cách trần thuật của mình để đối thoại với độc giả. Nhân vật tự kể về cuộc đời mình, tự bộc bạch nỗi lòng của mình. Cũng có đôi khi người đọc thấy dường như “Nhà văn tự đưa mình vào tác phẩm” bộc lộ nhu cầu giãi bày tâm sự qua nhân vật. Một số truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ dù người kể ở ngôi thứ ba nhưng vẫn mượn giọng tự bạch.
Bằng độc thoại nội tâm, tác giả đã diễn đạt những giằng xé, dằn vặt của nhân vật trước biến cố cuộc đời, tạo nên giọng điệu thâm trầm sâu lắng. Trong các tác phẩm độc thoại nội tâm như là sự giải toả tâm trạng, nhân vật thường đặt câu hỏi cho chính bản thân mình: “Sao tôi thấy cô đơn và sợ cuộc sống thế này” (Mi nu xinh đẹp), thừa nhận với mình: “Tôi thấy trống trải và hụt hẫng” (Biển ấm), khẳng định cho chính mình: “Tôi tin rằng mình lại có tình yêu bởi vì tôi mất nó quá lâu rồi” (Cát đợi).
Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng của nhà văn. Với sự chi phối của cảm hứng về cái bi, truyện của cây bút này mang giọng xót xa khinh bạc, đặc biệt là khi nhìn vào mặt trái của cuộc sống, vào những éo le khôn cùng của những “lỉnh kỉnh, dở dang của cuộc sống”, những ảo tưởng tình yêu tan vỡ, trống trải và hụt hẫng sau những nỗ lực để bằng mọi giá có được người đàn ông của đời mình...Giọng điệu này có trong nhiều truyện như: Người đàn bà ám khói, Hoàng hôn màu cỏ úa, Thiếu phụ chưa chồng, Một chiều mưa…
Ngôn ngữ độc thoại biểu thị sự xót xa khinh bạc của Nguyễn Thị Thu Huệ tỏ rõ một sự đồng cảm sâu sắc. Ngôn ngữ độc thoại đó còn mỉa mai châm biếm thể hiện qua cách miêu tả hiện thực trong tâm tưởng mang sắc thái bi hài: Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng nên hình tượng người trí thức trong hoàn cảnh túng quẫn về kinh tế, thay vì nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học, hằng ngày anh ta phải nuôi chó Nhật để mưu sinh. Cũng dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Thị Thu Huệ, người đàn ông trong Hậu thiên đường thảm hại ở cả hai tư cách “làm chồng và làm người tình”…; những đấng nam nhi đại trượng phu trong con mắt những nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ được phác họa là: “những anh chàng thương gia thì lạnh lùng, thô lỗ. Chàng Việt kiều thì ki bo, bủn xỉn. Nhà thơ thì yếu đuối, bệ rạc” với cái mặt: “méo mó, vẹo vọ như oản bẹp” (Tình yêu ơi ở đâu).
Có thể nói giọng điệu độc thoại châm biếm, mia mai đem đến cho cây bút nữ này một âm hưởng riêng trong các truyện ngắn phê phán. Những dòng độc thoại nội tâm của các nhân vật trong các tác phẩm thể hiện cái nhìn hiện thực mang tính dân chủ của người viết. Với thái độ không khoan nhượng những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời, các trang viết của Nguyễn Thị Thu Huệ góp phần tái hiện bức tranh hiện thực nhiều chiều.
Quyết liệt khi miêu tả những dòng độc thoại nội tâm thể hiện những khát khao rất đàn bà nhưng cũng có khi giọng trữ tình độc thoại đằm thắm trở thành âm điệu chính trong tác phẩm của chị. Trong văn của Nguyễn Thị Thu Huệ thường có cái gì đó không thuần nhất, thậm chí đối chọi nhau chan chát, lúc bạo liệt táo tợn, lúc lại dịu dàng đến bất ngờ. Chao chát, dịu dàng ngây thơ và từng trải, đau đớn và tin tưởng cứ trộn lẫn trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ. Giọng điệu trữ tình đằm thắm một mặt khơi sâu vào cảm xúc chủ quan của nhân vật, một mặt lại khơi gợi ở người đọc những khoảnh khắc rung động tâm hồn giữa dòng chảy hỗn độn của cuộc sống. Dù với tình cảm đậm nhạt khác nhau, sự tồn tại cả hai mặt đối lập này trong cùng một cây bút không phải là điều khó lý giải. Bản tính nữ và khát khao đấu tranh cho sự bình quyền, được lên tiếng trước những bất công trong đời sống, trước những thực trạng tinh thần của con người, đã tạo nên tính đa cực của ngòi bút. Đó là bằng chứng về sự đổi mới tư duy văn học và sự giải phóng ý thức cá nhân - một nhu cầu vừa mang tính nội tại vừa chịu ảnh hưởng của xu thế thời đại.
Như vậy, tìm hiểu những điểm nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy đã có một lối tư duy mới, một cách cảm, cách nghĩ mới trong việc sáng tạo truyện ngắn của chị. Với một gia tài truyện ngắn đáng kể, Thu Huệ đã có những cách tân trong lối viết, trong tư duy nghệ thuật, tạo nên dấu ấn riêng trong các tác phẩm của mình, đặt chị vào vị trí những nữ sĩ viết truyện ngắn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại.
Chương 2
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 2
- Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ Trong Dòng Chảy Của Truyện Ngắn Nữ Đương Đại
- Một Số Phương Diện Nổi Bật Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Cái Nhìn Đa Diện Về Con Người Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 7
- Con Người Với Đời Sống Tâm Linh, Vô Thức
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ
2.1.Cái nhìn đa chiều về cuộc sống trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
2.1.1. Phát hiện những thói tật xấu xa
Đọc truyện ngắn của Thu Huệ với những trang viết tưởng chừng như bình lặng mà không bình lặng chút nào. Ở đó, tiềm ẩn những bất ổn, những day dứt trăn trở, những bi kịch nhân sinh của con người. Bên cạnh những mặt tốt đẹp, không ít các tác phẩm của chị còn đề cập đến cả những mặt trái, những thói tật xấu xa của cuộc đời. Cuộc sống và con người trong các tác phẩm của Thu Huệ có những khoảng lồi lõm, trồi sụt không tránh khỏi trong đời sống xã hội hiện thời.
Ngược dòng thời gian trở lại với những năm tháng 90 của thế kỉ XX, hình ảnh cuộc sống trong con mắt của nữ nhà văn tài hoa này dù vẫn mang những mảng tối, những góc khuất nhưng cuộc sống vẫn còn dịu nhẹ, không gai góc, lạnh lùng, thiếu vắng sợi dây kết nối tình người như trong xã hội hiện đại hôm nay.
Với tác phẩm Hậu thiên đường tác giả đã đi sâu báo động về một lối sống buông thả, vô trách nhiệm với chính mình, với con cái, dẫn tới một kết cục buồn thảm, đau đớn. Khi người người thiếu phụ trong truyện, đồng thời cũng là người mẹ nhận ra lỗi lầm của mình thì cũng quá muộn. Con gái thì sa ngã, còn bản thân người mẹ cũng đã chết vì tai nạn giao thông.
Trong cuộc sống phức tạp nhiều vẻ hiện nay, khi mà cái ác đang lấn lướt cái thiện, Thu Huệ đã chiêm nghiệm đi sâu khai thác cái ác, cái xấu một cách cụ thể, khốc liệt. Thu Huệ đã xây dựng những nhân vật bị xé toạc vỏ bọc bên ngoài để lộ trần trụi những phần bản năng nhất. Đó là My, Dương (Thiếu phụ chưa chồng); là người vợ (Nước mắt đàn ông; Minu xinh đẹp); là ông bố (Ám ảnh)…
Đọc truyện của Thu Huệ, ta thường bắt gặp những gam màu xám trong hôn nhân và gia đình. Đó là những cuộc hôn nhân buồn, những gia đình bề ngoài có vẻ bình an nhưng bên trong lại đầy giông bão. Thu Huệ viết về tình yêu đã quyết liệt, viết về hôn nhân gia đình lại còn quyết liệt, đa diện hơn. Những cuộc hôn nhân vội vã
với tình yêu thì ít mà với tính thực dụng thì nhiều. Gia đình luôn có nguy cơ đổ vỡ. Người đàn ông thường là biểu tượng của sức mạnh và chinh phục. Vậy mà đến thời hiện đại thì họ cũng phải khóc lóc vì sự bất lực của chính mình trước cuộc sống, gia đình (Nước mắt đàn ông, Minu xinh đẹp). Đây là một phát hiện có liên quan đến cuộc sống gia đình thời hiện đại, mà hệ quả của nó là nạn ngoại tình. Những cuộc tình tay đôi, tay ba của phụ nữ có chồng và chưa chồng, những cuộc tình lén lút, vụng trộm che dấu, tất cả đã phá vỡ quan niệm hạnh phúc gia đình của một thời kì lịch sử. Ngoại tình trở thành một căn bệnh trầm kha của đời sống gia đình. Ngoại trừ một số trường hợp ngoại tình được Thu Huệ thể hiện với cái nhìn thông cảm, chia sẻ còn đại đa số chị đều lên án vấn nạn này. Nguyễn Thị Thu Huệ đã lên án thói phi luân của những kẻ bất chấp đạo đức và dư luận. Nhân vật Dương trong Thiếu phụ chưa chồng, người mà bề ngoài có vẻ hào hoa phong nhã, có học lại là kẻ tàn nhẫn đến độc ác. Bất chấp mọi dư luận, Dương đã lao vào cuộc tình với em vợ, sẵn sàng đẩy người vợ hiền và đứa con trai về quê. Còn My (em vợ Dương) là người con gái thực dụng và đầy những ham muốn. Cái xấu xa của nhân vật này là không ngần ngại chà đạp lên nhân phẩm và luân lý. Cô còn chủ động loạn luân với anh rể với mục đích để thỏa ước vọng và mục tiêu cá nhân của mình. Cô không hề động lòng trước những lời khuyên căn, răn dạy, van nài của người chị ruột mình. Cái chết của vợ Dương là một cái chết lặng lẽ để thoát ra khỏi cuộc tình tay ba trớ trêu. Cái chết như một dấu chấm nặng, bất lực trước tình thế éo le – một bi kịch của thời kì hiện đại. Đây là truyện ngắn có cảm hứng phê phán rất quyết liệt.
Nguyễn Thị Thu Huệ đã đi sâu phản ánh những rạn vỡ trong các quan hệ đạo đức của các thành viên trong gia đình. Có lẽ xã hội càng hiện đại, quan hệ này càng phức tạp. Thu Huệ đã nhận ra rằng cái phức tạp nhất là ở những con người có vẻ là có học nhưng họ vẫn thoái hóa. Rõ ràng ngầm ẩn trong đó, Thu Huệ muốn nói tới sự tác động xấu của cơ chế thị trường đã khiến cho con người bị lệ thuộc, bị đồng tiền chi phối. Nói như nhà văn Banzac: khi túi tiền “phình to” ra thì trái tim “teo lại”. Không có tiền người ta kiếm tiền bằng mọi cách. Chuyện người thì ăn hối lộ (Còn lại một vầng trăng), lừa đảo (Nước mắt đàn ông), hay chuyện bán rượu lậu (Ông Mậu),cướp chồng của chị gái (Thiếu phụ chưa chồng), chửi chồng như hát hay (Minu xinh
đẹp)….Thu Huệ còn là cây bút tài tình khi phản ánh những thực trạng xã hội nổi cộm, để qua đó chị cắt nghĩa sự tha hóa đạo đức của con người. Minu xinh đẹp kể về một thực trạng kinh doanh chó Nhật, “chiến dịch” cướp chó Nhật, bởi chú chó bây giờ không còn là chú chó nữa mà là “hai cây vàng bốn con chín” rồi. Vì tiền, người ta nâng niu chăm sóc, nựng chó, âu yếm chó còn hơn người thân yêu nhất của mình. Và cũng vì tiền mà cô giáo dạy Văn ngày náo bỗng trở thành người cay nghiệt, xoe xóe chửi chồng, mắng con, trở thành nỗi khiếp đảm, ám ảnh của người chồng tốt bụng, có khát vọng nhưng “lực bất tòng tâm”. Như vậy đằng sau “cơn sốt chó” là chuyện kiếp người, là bảng giá trị xã hội bị đảo lộn, là những tấn trò đời ngang ngửa được Thu Huệ thể hiện rất tinh tế và sâu sắc.
Là người trải qua thời bao cấp, thời đổi mới và cho đến thời bây giờ. Thu Huệ cảm nhận rõ những đổi thay của cuộc sống hôm nay. Cuộc sống đô thị hiện đại, trẻ trung, năng động nhưng chất chứa trong lòng nó những xáo trộn, mất mát, và sự bất an. Xuyên suốt các truyện ngắn của chị trong Thành phố đi vắng là cảm thức về sự mất mát trong đời sống con người. Đó là sự lạnh lùng, thờ ơ, thói vô cảm và tội ác với nhiều bộ mặt khác nhau. Con người sống với nhau ngày càng mất đi những sợi dây kết nối, họ đã thực sự đi vắng trong chính sự tồn tại của mình. Nhân vật nữ chính trong Thành phố đi vắng, đã tìm thấy chỗ cho mình ở nghĩa trang, cô chết vì cô quá “nóng”, quá nồng nhiệt với cuộc sống, trong khi thành phố nơi cô từng sống, từng yêu, từng ấm áp tươi mát với cô, bỗng trở nên tàn nhẫn lạnh lẽo, máy móc dập khuôn sau vài năm không gặp lại. Ở đây có thể thấy cái chết của nhân vật chính là sự phản kháng của nữ nhà văn trước những thay đổi tiêu cực trong xã hội.
Những truyện ngắn của Thu Huệ hôm nay, không còn là những lát cắt, những câu chuyện rất cụ thể về những con người cụ thể như “Hậu thiên đường”, “Phù thủy”, cùng với cuộc sống đang đổi thay, con người cũng dần biến đổi. Nhân vật trong truyện ngắn của chị ở góc này, góc khác là đại diện cho một số đông, mang những dấu ấn đậm nét của xã hội hiện đại. Vẫn là những số phận, những mối quan hệ gia đình cha con, ông cháu, nhưng đằng sau đó là một tâm lý đám đông khá phổ biến với sự bế tắc trước một đời sống lộn xộn, cái ác hoành hành, buộc người tốt đôi khi thành vô cảm.
Trong truyện Của Cha, của Con những cành vạn niên thanh, Thu Huệ vẫn đề cập đến vấn đề ngoại tình, sự phản bội dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, hậu quả không chỉ để lại nỗi đau về tinh thần cho những người được gọi là vợ, là chồng. Mà người chịu thiệt thòi và đau khổ chính là những đứa con khi lớn lên thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ. Người Cha trong truyện đã phản bội, đã không chung thủy với vợ, làm tan vỡ một gia đình đáng lẽ ra rất hạnh phúc. Rồi Cha trong cuộc mưu sinh đã bỏ quên cô con gái mỗi ngày lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của người mẹ, sự quan tâm của người Cha. Để con Gái mỗi ngày phải chứng kiến cảnh vợ chồng nhà hàng xóm “yêu” nhau để rồi nó cũng bước vào cuộc “khám phá” thế giới của người lớn. Chính vào lúc con trượt ngã, Cha vì cứu người mà nhận lấy những vết chém từ bọn giang hồ. Nỗi đau nào là lớn nhất trong cuộc đời của Cha, của Con hay tất cả cũng chỉ là những mảnh ghép rời rã như cách Cha đã gắn lá giả cho những cành vạn niên thanh?
Hiện lên trên những truyện ngắn của Thu Huệ là những câu chuyện ẩn dụ về hai thứ: Giả và thật. Cái giả đang giết cái thật, và người ta không muốn giữ những giá trị, vì có giữ cũng không giữ được bởi luôn có sự đánh tráo. Những gía trị tốt đẹp luôn bị triệt tiêu từ từ. Truyện (Không thể kết thúc) nói về một gia đình nhiều đời sưu tập đồ cổ, như sự hiện diện của dòng tộc qua mấy trăm năm. Đến một ngày bà dâu trưởng về, bán đồ cổ mua đồ mới thay vào. Sự tráo đổi này chỉ có mẹ chồng biết, nhưng bà già rồi, không thể làm gì được, đành tỏ thái độ bằng cách đi vệ sinh lên gường êm nệm ấm của cô con dâu cho bõ tức. Đây là một sự phản kháng đầy bế tắc và bất lực. Chỉ khi những con bọ mọc ra, vây kín lên tất cả, họ phải đập lũ bọ nhung nhúc đó, bình vỡ mới biết tất cả đã bị đánh tráo. Ở đây Thu Huệ nói về những giá trị lớn lao đời xưa để lại cho chúng ta, nay đã mất dần, hoặc được làm mới bởi sự tráo đổi. Chị lên án gay gắt sự đánh tráo những giá trị tinh thần vô giá của những con người vì đồng tiền, vì cái lợi mà nhẫn tâm hủy hoại những giá trị văn hóa của cha ông.
Có thể nhận thấy, hình ảnh về cái chết, những thông tin về cái chết trực tiếp hay gián tiếp xuất hiện dày đặc trong tập truyện. Thống kê trên tập truyện Thành phố đi vắng thì có 14/16 truyện là có hình ảnh về cái chết. Cái chết như một vệt đen bình thản, ngang nhiên phủ bóng lên đô thị hiện đại. Những cái chết trong
Thành phố đi vắng “Hôm qua xe bus của thằng cháu tôi, đỗ một chỗ đợi, có bà tự lao vào đuôi xe, nằm trong đấy. Đúng lúc thằng bé nổ máy chạy đi thế là cán nát bươm. Chết gì như tự tự ấy…” “Tối qua…có con bé giận mẹ, cầm dao trong túi quần đi tự tử…Nó điên lên, rút ngay dao đâm bị thương mấy người rồi nhảy xuống lao đầu vào ô tô tải”. Hay trong X – Men có mùi trường đua “có nghĩa không phải anh giết người một lần mà là nhiều lần?” “Không nhớ nhiều thế nào. Mà này, anh phải làm gì hay nói thế nào, em mới chịu tin là anh giết cô gái trôi ngoài biển ấy nhỉ?”….Cái chết hiện lên đầy ám ảnh, nó cho thấy sinh mạng của con người trong cái thời được coi là hiện đại vừa mỏng, vừa rẻ, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, bất kì ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Qua những trang truyện của mình Thu Huệ đã phơi bày một thực trạng cuộc sống đầy bất an, phận người vô cùng mỏng. Mọi giá trị về đạo đức đã thay đổi từ trong máu, trong tinh thần của mỗi cá nhân, dẫn đến những cách ứng xử khác nhau. Tình người không còn nữa. Đây cũng là một lời cảnh báo của nữ nhà văn đối với tất cả chúng ta, những con người của thời đại hôm nay hãy luôn trân trọng giá trị con người, biết yêu thương con người.
Dưới con mắt của nữ nhà văn, xã hội thời chúng ta đang sống dẫn người ta đi rất xa bản chất cần có của con người, đấy là sự bình yên. Nhìn bề nổi, cuộc sống tiện nghi hơn, nhu cầu sử dụng vật chất tăng bội phần, cảnh vật con người có vẻ “nguyên vẹn”. Nhưng nhìn kĩ thì không phải như vậy. Người ngày càng đông, nụ cười ngày càng hiếm. Phận người vô cùng mỏng. Tâm lý đám đông là bộ mặt của xã hội hôm nay, phủ trùm lên nó là sự vô cảm, với mầm mống của những điều ác đang lên ngôi và dần loang như một vệt dầu tràn mang tính hủy diệt. Những câu truyện trong Thành phố đi vắng, là những lời cảnh báo cần thiết của Thu Huệ về cuộc sống đô thị hiện đại ngày nay. Những nhân vật (phận người) run rẩy đi trong chiều dài, và cả chiều sâu của cuộc sống không ai định hình được con đường sẽ dẫn về đâu. Không một ai. Những định hướng hoang mang, mục tiêu sống cũng chìm khuất trong cái nhộn nhịp nhưng bức bối. Khái niệm hiểu thấu và chia sẻ trở thành điều xa xỉ trong cuộc sống hiện đại náo nhiệt nhưng đầy biến động. Ẩn đằng sau những câu chữ là nỗi lòng hoang mang, buồn bã, lo sợ của nhà văn về một xã hội đang biến đổi, nhưng sâu thẳm trái tim người phụ nữ nhạy cảm, yêu cuộc sống