1.2.2. Đề tài và chủ đề
Có thể thấy đời sống xã hội thời kỳ đổi mới là môi trường thuận lợi để Nguyễn Thị Thu Huệ phát huy khả năng sáng tạo của mình. Ở góc độ của người phụ nữ sáng tác văn chương, từ quan niệm về nghề, quan niệm về thiên chức của người cầm bút, nhà văn đã đem đến những cảm hứng và giọng điệu mới. Truyện ngắn của Thu Huệ thường áp sát hiện thực đời sống khi nhìn nhận mặt trái của hiện thực, nó luôn được nhìn từ hai phía, cả niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, hy vọng và thất vọng, kiến tạo và đổ vỡ.
Nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ và làm nên nét riêng của chị là mảng sáng tác về đề tài tình yêu và hôn nhân gia đình. Song, cùng với sự vận động và đổi thay của cuộc sống cũng như những trải nghiệm và sự trưởng thành của bản thân, ngòi bút của chị đã hướng vào những vấn đề nhức nhối, sự băng hoại, rạn nứt trong văn hóa đô thị của cuộc sống đương đại. Đó là sự “đi vắng” của tình người và tình đời trong lòng đô thị hiện đại đầy sôi động. Viết về đô thị, văn hóa đô thị là thể hiện sự thay đổi trong đề tài và lối viết của Thu Huệ.
1.2.2.1. Đề tài tình yêu
Tình yêu là mảng đề tài xuất hiện khá đậm đặc trong sáng tác của Thu Huệ. Dù còn mang nhiều đắng chát nhưng tình yêu vẫn luôn được diễn tả như một niềm khao khát vĩnh hằng của con người.
Nguyễn Thị Thu Huệ viết về người phụ nữ trong tình yêu bằng sự nhạy cảm của ngòi bút nữ, chị đã nhìn thấy những biến thái tinh vi của tình yêu thời hiện đại, mà ở đó người phụ nữ là những người phải hứng chịu nhiều đau khổ nhất. Cô gái (Một chiều mưa) đã chờ đợi người yêu dưới mưa với những day dứt, ân hận, hối lỗi và lo lắng, trong khi đó người yêu của cô lại đang vui vẻ với một cô gái khác trong ngôi nhà ấm áp tràn ngập tiếng cười. Người con gái xem tình yêu, người yêu là tất cả cuộc sống bỗng chốc sụp đổ mọi niềm tin, hi vọng. Trong Đêm dịu dàng lại là bi kịch tình yêu của người con gái bị người yêu phụ bạc. Anh ta muốn bỏ cô, nên đã dựng một màn kịch và mượn tay lão thủ trưởng già đẩy cô vào tình huống xấu hổ, nhục nhã vì bị xâm hại, mặc cảm đau đớn vì thấy mình có lỗi với người yêu. Nhưng cuối cùng chính cô cũng đã nhận ra bản chất thật của người yêu khi chứng kiến cảnh
anh ta đang cùng lão thủ trưởng sung sướng chúc tụng nhau. Lúc này cô mới nhận ra rằng: “Tôi cứ tưởng cái gì tôi cũng biết, nhưng có một cái tôi không hề biết là người ta có nhiều cách thay lòng đổi dạ, nhiều kiểu bỏ người tình ngon lành lắm”. Có lẽ đọc truyện của Thu Huệ hẳn nhiều người cũng phải giật mình vì tác giả đã chọn được một hiện tượng mà lột rõ bản chất thật thẳng thắn và sắc sảo. Viết về những bi kịch tình yêu ấy, chị vừa cảm thông với người phụ nữ, vừa căm phận với thế giới đàn ông
– nguyên nhân gây ra đau khổ cho đàn bà. Ở điểm này, chúng ta có thể thấy, nhà văn Võ Thị Hảo gần với Thu Huệ. Trong truyện Võ Thị Hảo rất hay định nghĩa về đàn ông: “đàn ông là một cái gì đó bậm bịch, khen khét và thô bỉ” (Lan môi đồng trinh). Lại có khi là tiếng thét: “Tao nguyền rủa mày. Tất thảy. Tất thảy lũ đàn ông các người đều độc ác! Độc ác!” (Biển cứu rỗi). Tuy nhiên, Võ Thị Hảo chưa nhìn đàn ông trong tính đa dạng, nhiều chiều như Nguyễn Thị Thu Huệ. Thu Huệ tỏ ra sắc sảo, nhiều khi cũng thật “ranh ma” khi miêu tả, phác họa chân dung những đấng, bậc mày râu. Từ những anh chàng thương gia lạnh lùng, thô lỗ, anh chàng Việt Kiều ki bo, bùn xỉn, đến một nhà thơ yếu đuối, bệ rạc, chán ngán với cái mặt “méo mó, vẹo vọ như cái oản bẹp” (Tình yêu ơi, ở đâu?). Thu Huệ đã để cho nhân vật của mình độp thẳng vào mặt đàn ông rằng: “tao ghê tởm mày. Mày là thằng đàn ông bẩn thỉu nhất trên đời mà tao gặp. Số tao ăn mày nên vớ phải thằng cha căng chú kiết như mày” (Phù thủy). Rồi có lúc chị lại nhìn thấy “mặt mũi những thằng đàn ông giống như suốt đời bị mất trộm, người thì toàn bùn với đất, phát tởm”. Thông qua những nhân vật chị đã thể hiện thái độ của mình khi kết luận: “đàn ông rặt một bọn đểu cả” (Hậu thiên đường)…Chỉ có trái tim người phụ nữ nhạy cảm và cái nhìn của một nhà văn có sự quan sát tinh tế mới có thể nhìn thấy và bật nảy ra được những cái tưởng như vặt vãnh đời thường, những tình huống trớ trêu để đưa vào tác phẩm của mình.
Khác với Võ Thị Hảo, khi lý giải nỗi đau của người phụ nữ là thường hướng vào các lý do khách quan như: những triết lý, tôn giáo, đạo vợ chồng, công, dung, ngôn, hạnh. Số phận những người phụ nữ chịu sự chi phối của quá nhiều yếu tố mà dường như yếu tố nào cũng là gánh nặng với họ. Ngược lại Nguyễn Thị Thu Huệ lại dám chỉ ra những lý do chủ quan làm nên bi kịch. Đó chính là sự nhu nhược, nhẹ dạ, ham muốn, cuồng si, hay có lúc quá cầu toàn của người phụ nữ. Người con (Ám ảnh)
nhận xét mẹ: “tại mẹ một phần. Tại sao mẹ sống đơn giản và nhu nhược thế, đấy không phải là lòng tốt đâu. Bố có xấu, có bỏ mẹ, một phần vì mẹ”. Còn với Vang (Người đàn bà ám khói) thì thừa nhận: “ đàn bà mà. Nó có lắm những cái nhu cầu ham muốn lặt vặt”, người phụ nữ (Hậu thiên đường) kết luận: “hóa ra đàn bà, ai cũng có khả năng đặc biệt giống nhau: yêu đương, ghen tuông và cuồng si”. Rồi lại có những nhân vật quá cầu toàn trong tình yêu hoặc đùa giỡn với tình yêu như Sao (Giai nhân), Vang (Người đàn bà ám khói),…
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 1
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 2
- Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ Trong Dòng Chảy Của Truyện Ngắn Nữ Đương Đại
- Cái Nhìn Đa Chiều Về Cuộc Sống Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Cái Nhìn Đa Diện Về Con Người Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 7
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Khi viết về những con người trải nghiệm nỗi đau trong tình yêu, Thu Huệ đã mạnh dạn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan để cảnh báo họ trong hành trình đi kiếm tìm tình yêu, bến bờ hạnh phúc. Cùng với lối viết dịu dàng, đằm thắm mà bén ngọt, truyện ngắn của chị bộc lộ sự đồng cảm, sẻ chia với những con người, những thân phận người, những cuộc đời sống quanh mình.
1.2.2.2. Đề tài hôn nhân, gia đình
Cùng với đề tài tình yêu thì hôn nhân, gia đình cũng là mảng đề tài được Nguyễn Thị Thu Huệ quan tâm, khám phá. Chị khám phá con người ở góc độ đời tư trong những không gian hẹp với sự trăn trở về những bi kịch gia đình và xã hội trước sự xuống cấp của các thang bậc giá trị đời sống. Thu Huệ luôn đi sâu vào những cảnh đời bức bối ngột ngạt và đau đáu cùng nhân vật trong hành trình đi kiếm tìm bình yên và hạnh phúc của đời người.
Thu Huệ hướng ngòi bút của mình viết về những người phụ nữ trong gia đình với bao nỗi niềm, dằn vặt, suy tư. Trong xã hội hiện đại quan hệ vợ chồng, con cái trong gia đình đã bắt đầu lỏng lẻo, rạn vỡ. Người phụ nữ trong gia đình chịu những ảnh hưởng, tác động của ngoại lực, cảm thấy bất ổn trong gia đình, bắt đầu xuất hiện ý thức cá nhân. Trước những biến động cuộc sống đó, họ cố gắng thoát ra khỏi sự ràng buộc gia đình, để kiếm tìm một điểm tựa mới, nhưng cuối cùng họ luôn gặp phải bất trắc, khổ đau (Hình bóng cuộc đời, Một nửa cuộc đời, Chỉ còn một ngày,…) Chỉ còn một ngày là những khoảnh khắc ít ỏi của hai vợ chồng khi cuộc hôn nhân của họ không còn cứu vãn được nữa. Chị nhớ về tất cả những kỉ niệm vui buồn của cuộc sống vợ chồng, đặc biệt là những khi chị lẻ loi, cô đơn một mình. Chồng chị không bao giờ hiểu chị, hiểu được những nhu cầu cá nhân ngày càng phong phú, những
niềm sâu thẳm của người vợ cần sự yêu thương, chăm sóc của chồng, không bao giờ hiểu được những sự tế nhị trong tình cảm vợ chồng cũng không kém phần quan trọng trong hạnh phúc gia đình.
Gia đình là tế bào của xã hội và mọi sự biến đổi của đời sống xã hội đều có tác động, chi phối ít nhiều đến đời sống gia đình. Xã hội thời kì mở cửa, hội nhập, trong nền kinh tế thị trường, mối “quan hệ tiền hàng” đã len lỏi vào từng thành viên trong các gia đình và chi phối cuộc sống của họ, tạo nên những khoảng cách làm mất đi những tình cảm thiêng liêng vốn có trong mỗi người. Khi xã hội mà đồng tiền lên ngôi, thì trái tim bé nhỏ lại. Ông Cậu trong Nước mắt đàn ông là một người đàn ông có tài, giỏi kiếm tiền nhưng lại cô độc trong chính ngôi nhà dư thừa về vật chất mà lại vơi cạn tình cảm, tình thân gia đình. Con cái chỉ nói với ông chuyện tiền bạc chứ không có nổi những phút giây ngắn ngủi tâm sự với cha mình.
Qua những trang viết của Thu Huệ chúng ta nhận thấy sự trăn trở và day dứt khôn nguôi về tình trạng tha hóa ngày càng phổ biến trong xã hội, đặc biệt là sự suy thoái đạo đức ngay trong mỗi gia đình. Của để dành, Tân cảng, Hậu thiên đường, Những đêm thắp sáng….là những truyện ngắn thể hiện rất rõ cái nhìn có tính phát hiện ấy của Thu Huệ.
Tiếp cận cuộc sống từ góc nhìn đời tư, Nguyễn Thị Thu Huệ đã hướng ngòi bút của mình vào chiều sâu của con người để lột tả những bi kịch nhân sinh vừa nhức nhối, ngột ngạt, mặt khác lại dịu dàng đồng cảm, sẻ chia với những thân phận, những người sống quanh mình. Đọc truyện ngắn của chị, chúng tôi nhận thấy những trang viết không hề bình lặng. Ở đó tiềm ẩn những bất ổn, rạn vỡ, những bi kịch trong đời sống của con người. Nhà văn đã cảnh tỉnh con người trước nguy cơ của sự đổ vỡ để mỗi người tự phải biết điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống của mình nhằm tránh những bi kịch không đáng có sẽ xảy ra. Hiện thực cuộc sống nhiều chiều đã được soi chiếu dưới nhiều góc độ trong sự nhìn nhận, lý giải, cắt nghĩa, thể hiện của Nguyễn Thị Thu Huệ.
1.2.2.3. Đề tài đô thị, văn hóa đô thị
Năm 2012, Thu Huệ trở lại văn đàn với tập truyện ngắn Thành phố đi vắng. Tác phẩm ghi dấu ấn những đổi thay rõ nét trong đề tài và lối viết của chị. Ở tập
truyện mới này, Thu Huệ quan tâm nhiều đến vấn đề đô thị hiện đại. Thay vì kiếm tìm tình yêu, tập truyện là những ưu tư về tình người ngày một cạn kiệt thậm chí biến mất trong đô thành hiện đại. Tình người băng giá, sự vô cảm, nỗi bất an và cái chết trở thành những ám ảnh trong đời sống đương đại. Mỗi truyện ngắn của chị hiện diện như một bản tường thuật về đời sống đa dạng, phong phú, nhiều chiều. Như trong các truyện ngắn (Thành phố đi vắng, X – Men có mùi trường đua, Sống gửi thác về, Trong lúc ăn một bát phở gia truyền, Cú mèo và rượu hoa…) Thành phố đi vắng, là một sự thụ cảm tinh tế của nhà văn về đô thị Việt Nam đương đại, cô gái sau ba năm ra nước ngoài trở về thành phố quen thuộc của mình, ngỡ ngàng nhận ra tất cả đã đổi thay. Cô gái cuống cuồng tìm lại dấu tích của thành phố cũ, cuống cuồng trong cuộc truy vấn tại sao thành phố của cô không còn. Cảnh vật không đổi thay, vẫn phố phường, những con đường, hàng cây, nhà hàng, khách sạn…Tất cả vẫn vẹn nguyên nhắc lại những kỉ niệm còn tươi rói. Cô gặp lại những con người năm cũ: bác tài xế xe buýt, cô quản lý nhà hàng, ông bác sĩ,…Họ vẫn nhớ cô là ai nhưng sự thân thiện khi xưa thì hầu như đã không còn nữa. Điều đó đã đẩy cô gái vào nỗi hoang mang cực độ khi nhận ra bản thân lại lạ lẫm ngay trong chính không gian thân thuộc của mình. Cái thành phố cô từng yêu say đắm vì mùi người, vì sự náo nhiệt, xô bồ, hỗn tạp nhưng tràn trề sức sống không còn nữa, thay vào đó là một đô thành hoang lạnh, trơ vơ. Trên mọi nẻo đường kiếm tìm tình người, cô gái càng tìm càng vô vọng. Cô nhận ra “người vẫn đông, nhưng hết âm thanh, như những diễn viên phim câm”. Cả thành phố “như người đông máu, vô cảm dửng dưng”. Mọi âm thanh cuộc sống như biến mất. Đến âm thanh quen thuộc nhất là tiếng người “lào xào” cũng trở thành nỗi khát khao nhức buốt. Cô gái bơ vơ trên chính thành phố quen thuộc, từng gắn bó máu thịt với mình...
Đô thị Việt Nam hiện đại vẫn đang trong quá trình kiến tạo. Sự ngổn ngang của nó tạo nên mảnh đất màu mỡ cho nhiều cây bút khai phá. Nếu những trang viết của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn,…mang tới một hình dung xô bồ, bát nháo, nhiều hấp dẫn mà cũng nhiều xót xa tiếc nuối, thì Nguyễn Thị Thu Huệ mang đến một hình dung khác. Một cấu trúc văn hóa đô thị mới đã được sinh thành hay đó là trực cảm phụ nữ tinh nhạy đã khiến nhà văn cảm nhận được sự hiện diện của một gương mặt
đô thị mới trong lòng đô thị cũ đang không ngừng thoái triển. Một đô thành trống trải, không màu sắc và âm sắc chộn rộn người và xe. Lối viết khách quan, trung tính, tiết chế cảm xúc tối đa, mỗi truyện là một mảng màu đan dệt nên bức chân dung tinh thần thị dân hôm nay. Ở đó nhà văn chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là tường thuật trung thành, không tham dự, không mách bảo, tự bản thân mỗi truyện ngắn đưa độc giả tiếp cận gần nhất với đời sống đương đại cùng những vấn đề của nó.
Lạnh lùng ở câu chữ, nhưng xót xa trong tâm can đó là những điểm nhấn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ khi chị viết về cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay. Sự bất an, tình người “đi vắng”, đời sống khó khăn, đơn điệu, những thói quen sinh hoạt cộng đồng ít dần làm người ta mất cảm xúc, những giá trị tốt đẹp bị triệt tiêu từ từ, thay vào đó là sự hào nhoáng phô trương, đồ dùng tỷ lệ nghịch với văn hóa sống. Dù chao đảo, buồn bã và đau đớn nhưng Thu Huệ vẫn chưa mất hẳn niềm tin vào con người, chị vẫn luôn hi vọng và cố níu giữ lại vẻ đẹp của cuộc sống, sự lương thiện và niềm tin ở con người.
1.2.3. Một số phương diện nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
Nguyễn Thị Thu Huệ là một nhà văn độc đáo và tài hoa. Một cây bút giàu tâm huyết với thể loại truyện ngắn. Từ năm 1992 đến nay, chị đã có trong tay bảy tập truyện ngắn: Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thủy (1995), 21 tập truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2001), Nào, ta cùng lãng quên (2003), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2006) và gần đây nhất là tập truyện ngắn Thành phố đi vắng (2012). Các sáng tác của chị được đánh giá cao tại các hội đồng chấm giải và cũng được giới lý luận, phê bình chú ý, nhắc đến nhiều trong những bài nghiên cứu, phê bình trên các báo và tạp chí. Vì sao truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ lại được quan tâm nghiên cứu nhiều như vậy ? Có thể nói rằng, đó là nhờ Thu Huệ đã sớm tìm cho mình thi pháp độc đáo về truyện ngắn.
Nếu thi pháp là hệ thống các phương thức miêu tả, những thủ pháp biểu hiện đời sống xã hội bằng hình tượng nghệ thuật, trước hết là hình tượng nhân vật trung tâm. Thì thi pháp truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ có thể tìm thấy dấu ấn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu, ở những hình tượng thực và hư, ở thế
giới của người và phù thủy, ở những suy ngẫm về cuộc đời, về số phận của con người, nhưng điểm quy tâm là ở nhân vật “tôi’ (truyện kể từ ngôi thứ nhất).
Một điều dễ nhận thấy là Nguyễn Thị Thu Huệ đã xây dựng nên một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng. Nhân vật trong truyện ngắn của chị hiện lên sinh động, như đang hiển hiện trong cuộc sống thật. Những chi tiết, hành động, sự việc của nhân vật rất đời thường, là những câu chuyện xảy ra hàng ngày xung quanh ta. Chúng ta có thể bắt gặp một bà mẹ bốn mươi cùng con gái mười sáu mở quán rượu quê đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái yên tĩnh của khách giữa cái xô bồ của phố phường; là cái trăn trở, day dứt của con người về tình bạn, tình yêu hay những chuyện ngoại tình, ghen tuông không hiếm gặp giữa thời buổi kinh tế thị trường ngày nay, là những cái chết đến bất cứ lúc nào trong một xã hội hiện đại đầy bất an…Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng những kiểu nhân vật: nhân vật bi kịch, nhân vật khát khao kiếm tìm hạnh phúc, nhân vật tự vấn và nhân vật kì ảo. Thông qua hệ thống nhân vật này, chị muốn mang đến những thông điệp, những triết lý sống tới độc giả. Xây dựng nhân vật, Thu Huệ đã chú ý đến nghệ thuật miêu tả ngoại hình và khắc họa tâm lý nhân vật. Trong miêu tả ngoại hình, chị đã không sao chụp máy móc chân dung các nhân vật mà chỉ phác họa bằng một vài nét thoáng qua nhưng những nét thoáng qua ấy lại có giá trị tạo hình, có ý nghĩa lớn trong việc bộc lộ con người nhân vật. Bình trong Tình yêu ơi, ở đâu?, một anh bộ đội phục viên: “có khuôn mặt đẹp một cách cứng cỏi, rất đàn ông” và “giọng nói anh trầm ấm, chắc nịch. Mái tóc anh lấm tấm bạc. Khuôn mặt trầm tĩnh, đôi môi rộng, khi cười trông sang trọng và quyến rũ. Nhìn anh người ta có thể gửi cả lòng tin của mình. Anh bình thản nói chuyện chứ không vồ vập hay bẻm mép”. Bình hiện lên là một người đàn ông có trách nhiệm, có thể tin tưởng được, và có khả năng mang lại cho Quyên một gia đình hạnh phúc.
Cốt truyện tâm lý và cốt truyện kì ảo là hai cốt truyện được Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng phổ biến trong các truyện ngắn của mình. Cốt truyện kì ảo không phải là chủ đạo, thống lĩnh nhưng nó đã phát huy được vai trò của mình trong việc phản ánh đời sống và thể hiện quan niệm của Thu Huệ về con người tâm linh vô thức. Chỉ cần nhìn qua tiêu đề của một số truyện ngắn như: Người đi tìm giấc mơ, Phù thủy, Hậu thiên đường, Cõi mê, Ám ảnh, Hình bóng cuộc đời, Một đời sống khác, Phòng
chiếu phim số 9, Cú mèo và rượu hoa,…ta đã thấy nhà văn này vượt ra ngoài phương thức miêu tả vừa thực vừa hư, vừa trần thế vừa ảo mộng, chuyện hiện tại, chuyện dĩ vãng…nhằm tạo dựng một cuộc sống có dung tích, khai thác chiều sâu những góc uẩn khúc “thế giới bên trong” của con người.
Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thường biểu thị cá tính mạnh mẽ, dám nhìn thẳng và nói thẳng, thông qua lời kể của nhân vật xưng “tôi”. Các sáng tác của chị sử dụng ngôn ngữ độc thoại đời thường một cách phổ biến. Việc lựa chọn ngôn ngữ này xuất phát từ tư duy hướng vào đời tư, bám sát hiện thực đời sống. Thu Huệ đã đưa vào tác phẩm của mình tiếng nói của đời sống thường nhật, dung nạp nhiều khẩu ngữ tự nhiên, làm độc giả không mấy khó khăn khi tiếp cận tác phẩm. Ngôn ngữ này dường như thô nhám, đôi khi suồng sã, bỗ bã, như: “Mặt mũi những thằng đàn ông suốt đời bị mất trộm” (Tình yêu ơi ở đâu); hoặc những câu nói từ thành ngữ: “nó ăn ốc, mình đổ vỏ. Ở đời chuyện ấy thường lắm” (Nước mắt đàn ông). Cũng có khi thứ ngôn ngữ này được diễn tả theo một chiều hướng khác bằng lối nói dân gian “lọt sàng thì xuống đất rồi chôn luôn, không có nia nào cả” (Thời gian của mỗi người). Lối nói suồng sã trong truyện ngắn của chị thể hiện rõ trong những dòng độc thoại nội tâm suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời và con người, thể hiện cách nghĩ của nhân vật về thời cuộc, về chính mình. Những dòng độc thoại nội tâm bằng lối nói dân gian khi suồng sã, có lúc bỗ bã đến không ngờ làm cho các nhân vật của chị như gai góc hơn, thực tế hơn, đôi khi là thực dụng về đời với một tâm trạng buồn xa xôi và chua xót.
Dòng nội tâm của các nhân vật còn được thể hiện bằng những ngôn từ hiện đại, phóng túng, giàu hình tượng của đời sống kinh tế thị trường. Điều này làm cho ngôn ngữ của họ cập nhật hơn, mới mẻ hơn với cuộc sống hiện đại. “Bên B là chùm khế ngọt, bên A trèo hái mỗi ngày” (Nước mắt đàn ông). Đồng thời Nguyễn Thị Thu Huệ còn có những dòng độc thoại nội tâm diễn đạt bằng phương ngữ rất đỗi nhẹ nhàng và duyên dáng. Lối diễn đạt này làm cho dòng nội tâm của nhân vật diễn ra tự nhiên hơn, không câu nệ vào ngôn từ hay cách diễn đạt của tác giả. Đưa vào tác phẩm lối nói dung dị, sử dụng ngôn ngữ đời thường, Thu Huệ đã cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm và độc giả. Tiếp xúc tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ chúng tôi nhận thấy rõ ràng tác giả này đã có những sự rút gần khoảng cách