Đặc điểm tiểu thuyết Vi Hồng - 6


những con người hiểu biết, có học thức. Thế nên cái ác ở những con người này ấy ghê gớm hơn, khó nhận biết hơn rất nhiều. Đó là ông Hoàng - hiệu trưởng trường đại học Y, một kẻ với trình độ chuyên môn còn hạn chế nhưng lại ích kỉ, giấu dốt, ưa nịnh, háo danh đã vô tình tiếp tay cho Ba, một người nham hiểm, độc ác, dâm bôn nhưng rất khôn khéo, biến hắn từ một chàng sinh viên với học lực trung bình thành một giảng viên đại học, một viện trưởng bệnh viện Lục Khê rồi thành hiệu phó một trường đại học danh tiếng của thành phố T. Chống lại Ba và ông Hoàng không ai khác cũng là những con người trí thức, họ là những con người tài giỏi, có trình độ chuyên môn, thẳng thắn, hết lòng vì người khác như Tú, như ông Hồi, ông Phiêu, như cô y tá Ly. Cuộc đấu tranh chống lại cái ác của họ là một cuộc đấu tranh dai dẳng và không phải lúc nào họ cũng có thể giành được chiến thắng.

Với việc triển khai, tổ chức các xung đột trong các cuốn tiểu thuyết của mình chủ yếu theo kiểu xung đột đạo đức, Vi Hồng đã chỉ ra xung đột chủ yếu, vấn đề chủ yếu còn tồn tại trong xã hội miền núi chính là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa. Đặc biệt với những tác phẩm như Người trong ống, Gã ngược đời…nhà văn cũng chỉ ra rằng cái ác không chỉ tồn tại ở những nguời dân miền núi ít học, với trình độ dân trí thấp mà cái ác còn ngự trị cả ở những người mang danh “trí thức”, cái ác ấy mới là cái ác ghê gớm, mang lại hậu quả khôn lường. Cho nên diệt trừ cái ác đã được nhà văn đặt ra như một nhiệm vụ hàng đầu để giúp cho xã hội miền núi có thể ngày càng phát triển hơn, tốt đẹp hơn. Kiểu xung đột đạo đức là kiểu xung đột chủ yếu, chiếm vị trí quan trọng trong tiểu thuyết của Vi Hồng còn là một kết quả tất yếu xuất phát từ quan niệm sáng tác, quan niệm cầm bút của nhà văn. Khi mà ngay từ những ngày đầu cầm bút Vi Hồng đã cho rằng : “Các trang viết của tôi là những lời tâm tình cùng các dân tộc miền núi, trước hết với người Tày rằng: hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, nhất là những con người cao đẹp, cao cả, đồng thời đem hết sức mình ra diệt trừ cái ác, kẻ ác. Trừ khử kẻ phản bội trắng trợn, nguyền rủa những kẻ” béc kha cải”( đại nịnh hót) khinh bỉ lũ yếu hèn. Tôi cũng cho rằng đây la sứ mệnh cao cả và muônn đời của mọi nhà văn trên thế giới”. [45. Tr 23]


Ngoài kiểu xung đột đạo đức xuất hiện với tần số cao trong hầu hết các tác phẩm tiểu thuyết của Vi Hồng còn xuất hiện kiểu xung đột giữa cái cũ với cái mới, giữa cá nhân với đại gia đình phong kiến, giữa những tập tục lạc hậu với sự văn minh tiến bộ. Đây là kiểu xung đột xuất hiện với tần số cao thứ hai sau kiểu xung đột đạo đức. Kiểu xung đột này được phản ánh khá đa dạng, phong phú và sinh động trong tiểu thuyết của nhà văn.

Ngay trong cuốn tiểu thuyết đầu tay Đất bằng, Vi Hồng đã chú ý khai thác kiểu xung đột này. Đó là sự xung đột giữa một bên là lớp thanh niên trẻ tuổi nhiệt tình, giàu tâm huyết, giàu tri thức, quyết tâm vận động mọi người của vùng đất Đin Phiêng trái và Đin Phiêng phải xuống đồng bằng sống tập thể theo lối sống định canh định cư đúng như chính sách của nhà nước… với một bên là những người tham lam như tảo Mu - đại diện cho thế lực cũ - luôn tìm cách mê hoặc, lừa bịp những người dân đã quen với lối sống lạc hậu từ ngàn đời và lại rất mê tín, một mực tin vào “lời nguyền mang” độc địa. Sự xung đột giữa cái mới - sự văn minh tiến bộ, với cái cũ - những tập tục lạc hậu, còn được Vi Hồng phản ánh trong Núi cỏ yêu thương. Đó là sự xung đột trong tư tưởng, trong cách nghĩ, cách làm giữa một bên là lớp thanh niên mới như Cốc, Đán, Tàm, Na, Slao… với một bên là những người già theo tư tưởng cũ như lão chánh Kiệm. Sự xung đột ấy mới đầu chỉ được biểu hiện bằng việc những người thanh niên mới quyết tâm xây cây cầu qua dòng sông Nặm Đáo để nối liền hai dòng họ Đàm, Hoàng vốn sống cách biệt hai bên bờ sông. Dần dần mâu thuẫn ấy được đẩy lên đến đỉnh điểm khi các bản bên núi Ruồng Oa và bên núi Mây chịu hạn hán nặng nề. Trước tình hình đó, lớp thanh niên và người già đã đưa ra hai phương pháp khác nhau để chống hạn. Các cụ già, nhất là lão chánh Kiệm muốn làm lễ tế thần bảy ngày để cầu đảo mưa xuống. Còn lớp thanh niên mới lại muốn làm ống dẫn nước từ núi Mây sang Ruồng Oa, dựa vào phương pháp bình thông nhau dùng ống đưa nước từ suối chảy vào vách đá cao bên núi Mây để rồi đưa lên đỉnh đồi Khau Sắn. Không thể thuyết phục được nhau, mỗi bên đều ra sức thực hiện ý định của mình. Trong khi chánh Kiệm cùng những cụ già khác trong bản sắm lễ tế thần, dựng đài tế thì lớp thanh niên cũng ra sức thực hiện kế


hoạch của mình. Sự thắng lợi của tư tưởng mới, của sự văn minh, của kiến thức khoa học đã được Vi Hồng xây dựng rất độc đáo. Khi nước được dẫn từ đường ống xuống đồi thì cũng là lúc tượng đài tế thần cầu mưa bị đổ: “Lệnh mở cống bắt đầu.

- Nước sang đến nơi rồi! Một tiếng reo vang lên. Lập tức tiếng reo hò từ các vách núi vang dội. Hai vòi nước trắng phau to hơn hai cái cột nhà phun lên cao quá hai đầu người rồi ào ào đổ xuống rãnh, tràn lênh láng cả ra đồi. Nỗi vui mừng của mường Nặm Đáo bật lên thành tiếng. Tràn ngập cả không gian… Đài tế thần đổ

…đổ…ổ… Tiếng la của một thanh niên nào đó vang rất xa. Nước ngấm vào đất chân cột đài tế thần. Đất khô lâu ngày gặp nước bở tơi như bánh khảo. Cái đài cao từ từ nghiêng dần với tốc độ vừa đủ cho người đứng bên chóng mặt…” [15. Tr 99 - 100] Có thể nói chi tiết đài tế thần bị đổ là một chi tiết đắt giá. Đó không phải chỉ là sự sụp đổ của một chiếc đài tế bằng đất bình thưòng mà là sự sụp đổ của những tư tưởng lạc hậu, là sự thất bại của cái cũ trước cái mới văn minh, tiến bộ. Với kiểu mâu thuẫn, xung đột này Vi Hồng đã thẳng thắn đặt ra vấn đề cần đấu tranh loại bỏ những tư tưởng cũ, lạc hậu vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong đời sống của người dân miền núi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Trong Núi cỏ yêu thương, sự xung đột giữa cái cũ và cái mới còn là sự xung đột giữa những người dân với chính quyền địa phương - những người đại diện cho mô hình hợp tác xã. Những người dân miền núi trong nhận thức của mình đã sớm nhận ra sai lầm của mô hình hợp tác xã dẫu nhận thức ấy còn khá mơ hồ, chưa thực sự rò ràng. Điều này được Vi Hồng phản ánh qua suy nghĩ của người dân mường Nặm Đáo trong ngày bừa cấy ruộng nhà Tàm theo hình thức “lấy sức của nhau” trong phong tục của người Tày, cũng là vụ cấy khoán sản đầu tiên của mường: “Đổi công hay lấy sức của nhau thì mọi nhà làm cho một nhà họ đều làm hết mười hai con sức có sẵn ở bốn chân tay, làm đến trưa đến chiều khi mà mười hai con sức ở khắp chân tay chạy đã sắp hết thì chủ nhà cũng cho mọi người nghỉ…Còn những năm đi làm hợp tác cũng vẫn là làm tập thể, vẫn đông nhưng bà con ở Nặm Đáo vẫn băn khoăn: làm cho ai? Hình như làm cho mình. Nhưng nghĩ kĩ lại không phải. Vì anh có làm hết mười hai con sức cũng chẳng ai khen, vì số thóc thu về cũng


Đặc điểm tiểu thuyết Vi Hồng - 6

chẳng hơn ai, có khi còn kém những anh lười. Hay làm cho ông chủ nhiệm? Hay làm cho nhà nọ nhà kia?...Người làm giữ bớt những con sức với người làm thả hết mười hai con sức cũng thế, cũng như nhau. Vậy là càng về sau càng nhiều người giữ lại mười hai con sức trong những buổi làm.” [15. Tr 41] Sai lầm, hạn chế của mô hình hợp tác xã còn được Vi Hồng chỉ ra khi ông để cho các nhân vật của mình nhận thấy những “lợi ích” mà hợp tác xã mang lại: cây lúa thì càng ngày càng cằn đi, con nhái có thể nhai cả cụm lúa một lúc, con chó chạy giữa ruộng lúa mà không vướng đuôi, trâu bò thì bảo nhau ăn cỏ của trời còn ngon hơn ăn lúa của nguời và đàn trâu bò “gần hai trăm con béo tốt” của hợp tác nuôi như trong báo cáo với cấp trên thực chất chỉ là gần một trăm con, cũng là một trăm bộ xương di động và “mùa đông này chắc sẽ chết gần hết”. Xung đột giữa cái cũ và cái mới còn được đề cập đến một cách khá cụ thể, sinh động trong hai cuốn tiểu thuyết sau là Vào hang Người trong ống.

Trong Vào hang, xung đột giữa tư tưởng cũ - mới về mô hình hợp tác xã diễn ra khá gay gắt, quyết liệt giữa một bên là những người dân của xã Pác Nặm với một bên là những kẻ nhân danh hợp tác xã, nhân danh chính quyền để vơ vét, áp bức nhân dân. Dưới sự điều hành của Đoác, hợp tác xã Pác Nặm dẫu luôn được cấp trên khen ngợi như một điển hình xuất sắc của mô hình hợp tác xã trên huyện, lại còn nhận được cả bằng khen của tỉnh nhưng thực chất chỉ là những “rừng cọ xác xơ, trơ thân cây ra như những cái cọc khổng lồ cắm đầy sườn núi…là những nương chè hợp tác cằn cỗi”, những người dân của Pác Nặm gần như không nhà nào thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Đoác không cho bất cứ gia đình nào được sản xuất cá thể, mọi đám ruộng riêng, mọi mảnh vườn không phải của hợp tác đều bị Đoác cùng tay chân chặt, phá không thương tiếc. Gần như không người dân nào không nhận ra rằng mô hình hợp tác ấy chẳng đem lại cho họ một cuộc sống ấm no và họ - nhất là những thanh niên giàu tri thức như On, Lạ, Lạng và những người giàu tâm huyết với quê hương như lão Tạp Tạng, ông Nghiệp, ông Nhân – không ngừng đấu tranh để có thể mang lại những điều tốt đẹp nhất cho quê hương, làng bản. Đến tác phẩm Người trong ống, mâu thuẫn này được đặt ra giữa bố Tú với hợp tác xã Lục Khê.


Ông bố của Tú dẫu biết rằng thằng con trai duy nhất rất thông minh của mình không thể đi học đại học, cũng không thể đi học ở nước ngoài chỉ vì mình không vào hợp tác xã. Nhưng ông vẫn cương quyết không thay đổi. Bởi ông quá căm uất, không thể chịu được cảnh: “đám ruộng to nhất nhà ông ba năm hợp tác xã làm thì cả ba năm năng xuất đều giảm xuống một nửa, và những kẻ lười biếng lâu nay lại no đủ. Những người chăm chỉ làm lụng, làm cẩn thận như ông lại chết đói...”. Có thể thấy rằng kiểu xung đột này trong các cuốn tiểu thuyết của Vi Hồng mang tính thời sự rất cao. Bởi hạn chế của mô hình hợp tác xã đâu chỉ tồn tại, xuất hiện ở xã hội miền núi, mà còn là vấn đề đang tồn tại và cần được nhận thức đúng đắn của xã hội ta lúc bấy giờ. Một điều đáng lưu ý là Vi Hồng viết những tác phẩm đó hầu hết đều trước đổi mới, chỉ có tác phẩm Người trong ống được nhà văn viết năm 1989 mà thôi. Rò ràng, những gì được Vi Hồng phản ánh trong tác phẩm gần như mang tính chất dự báo, được viết ra bởi một trái tim, tâm hồn nhạy cảm nhưng cũng đầy bản lĩnh trước những vấn đề thời cuộc.

Một dạng biểu hiện khác của kiểu xung đột giữa cái cũ với cái mới trong tiểu thuyết của Vi Hồng chính là xung đột giữa tình yêu đôi lứa tự do với lễ giáo phong kiến xưa, với những tập tục cổ hủ lạc hậu. Dạng biểu hiện của kiểu xung đột này được đề cập đến trong khá nhiều cuốn tiểu thuyết của Vi Hồng: Núi cỏ yêu thương, Vào hang, Lòng dạ đàn bà, Đoạ đày, Dòng sông nước mắt, Mùa hoa bióoc loỏng

Xung đột dạng này thường được thể hiện qua mâu thuẫn nhiều khi là gay gắt, căng thẳng giữa một bên là những chàng trai cô gái tuổi hoa tuổi nụ có khát vọng được tự tìm cho mình một hạnh phúc lứa đôi với một bên là những bậc làm cha làm mẹ - đại diện cho lễ giáo phong kiến xưa, cho những tập tục lạc hậu, cổ hủ từ nghìn năm trước để lại. Núi cỏ yêu thương là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Vi Hồng đề cập đến kiểu xung đột này. Cốc và Slao là những thanh niên mới, nhiệt tình, tốt bụng và có học thức (nhất là Slao, cô đã tốt nghiệp đại học Nông Nghiệp ở Hà Nội). Họ yêu nhau và muốn cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi, thế nhưng mối tình của họ đã vấp phải sự phản đối gay gắt của không ít người, nhất là từ những người già trong gia đình, hai dòng họ. Tất cả đều bắt nguồn từ câu chuyện “thuồng luồng


bắt vợ tôi” gắn với lời nguyền của tổ tiên từ bao đời nay. Lời nguyền ấy không cho trai gái hai họ Đàm, Hoàng hai bên bờ sông được lấy nhau nếu không muốn bị thuồng luồng nuốt chửng. Thế nhưng với tình yêu của mình, với những kiến thức có được và nhất là với sự ủng hộ của thanh niên hai bản, hai dòng họ, Slao và Cốc đã cùng những thanh niên tiến bộ khác mở cuộc phân tích truyện “thuồng luồng bắt vợ tôi” và cương quyết bảo vệ tình yêu của mình. Kết quả của cuộc đấu tranh ấy chính là một đám cưới tưng bừng trong sự chúc tụng của rất nhiều bà con hai bản mường. Rò ràng trong Thung lũng đá rơi cuộc đấu tranh giữa Cốc, Slao và tầng lớp thanh niên là cuộc đấu tranh giữa khát vọng tình yêu tự do và hạnh phúc cá nhân với tập tục lạc hậu, lỗi thời mà câu chuyện “thuồng luồng bắt vợ tôi” chỉ là một chi tiết có ý nghĩa biểu tượng. Không chỉ có Slao, Cốc mà nàng Lạ trong Vào hang, Thu Lả trong Lòng dạ đàn bà, nàng Nhình Hỉ trong Đi tìm giàu sang, Thu Khoan, Lệ Hà trong Dòng sông nước mắt cũng cương quyết đấu tranh trước sự sắp đặt hôn nhân của cha mẹ để tự tìm cho mình hạnh phúc trong tình yêu. Trong những tác phẩm này, những bậc làm cha làm mẹ không còn là đại diện cho những tập tục cổ hủ, lạc hậu nữa mà họ đại diện cho lễ giáo phong kiến và họ dùng nó như một thứ luật để bắt những đứa con phải nghe theo sự sắp đặt của mình. Vì lòng tham, những bậc làm cha làm mẹ ép những đứa con gái xinh đẹp như nàng tiên của mình lấy người mà chúng không yêu, ngay cả khi họ biết rằng người sẽ trở thành chồng của con gái mình là một kẻ vô đạo đức. Đó là trường hợp của nàng Nhình Hỉ trong Đi tìm giàu sang và Thu Khoan trong Dòng sông nước mắt. Bố mẹ Nhình Hỉ, dẫu biết cái thằng Ma Chàn là một kẻ bất tài, ngu dốt lại chỉ tài nói khoác, thậm chí Ma Chàn còn có những hành vi vô đạo đức với chính bà mẹ vợ tương lai của mình (nó đòi ôm thử bà mẹ vợ khi thấy bà “phây phây, hơn hớn” vì uống những chai mật ong pha thuốc phiện của nó), thế nhưng bà mẹ vẫn muốn gả Nhình Hỉ cho Ma Chàn bởi hắn là con quan và hắn được hưởng một cơ nghiệp đồ sộ. Thậm chí, sau khi Nhình Hỉ chết, bà vẫn đồng ý gả tiếp đứa con gái cả của mình cho hắn. Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ tình yêu tự do và hạnh phúc cá nhân ấy không phải bao giờ cái mới cũng chiến thắng cái cũ, không phải bao giờ cũng kết thúc có hậu. Dẫu có đấu tranh


quyết liệt đến đâu, khóc nhiều nước mắt đến thế nào thì nàng Nhình Hỉ và Thu Khoan vẫn phải nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ, và không ít những người con gái khác đã phải dùng tính mạng của mình, gửi thân xác cho hà bá thuồng luồng để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Đó chính là bà Xiêm, nàng Lệ Hà trong Dòng sông nước mắt. Có thể thấy một điều khá thú vị là: trong cuộc đấu tranh để bảo vệ tình yêu, Vi Hồng thường để cho các cô gái là người đứng lên đấu tranh một cách quyết liệt. Những cô gái trong tiểu thuyết của Vi Hồng dường như mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn, cương quyết hơn rất nhiều so với các chàng trai trong hành trình đi tìm và bảo vệ tình yêu của mình. Các cô gái của Vi Hồng không chỉ là người chủ động ngỏ lời yêu thương với các chàng trai trước, mà khi gặp khó khăn, trắc trở trong tình cảm họ luôn đấu tranh một cách quyết liệt để bảo vệ tình cảm của mình, và khi cần họ sẵn sàng rời bỏ gia đình, cùng người con trai đi tìm phương trời mới, sẵn sàng dùng cái chết của mình để minh chứng cho tình yêu. Thậm chí không ít các cô gái của Vi Hồng còn chủ động đề nghị các chàng trai “xâu hoa bẻ nụ” khi họ biết mình sẽ phải lấy một người con trai khác theo sự sắp đặt của gia đình. Trong khi đó các chàng trai trong tiểu thuyết của Vi Hồng lại thường thụ động hơn rất nhiều. Phải chăng, điều thú vị này xuất hiện trong các sáng tác của Vi Hồng bởi sự ưu ái đặc biệt của nhà văn vẫn dành cho phái nữ, và hơn thế nữa dường như sự chủ động, hồn nhiên cũng là một phần trong bản chất của người phụ nữ miền núi.

Trong Thung lũng đá rơi, kiểu xung đột giữa cái mới và cái cũ lại được biểu hiện bằng xung đột giữa những người cán bộ mới, có trình độ năng lực chuyên môn cao, tài giỏi như Bèn với người lãnh đạo bảo thủ, cố chấp như ông Lót giám đốc khu mỏ Đá rơi. Lót vốn là một ông trung tá trút bỏ áo lính làm giám đốc khu mỏ, ông hoàn toàn không phải người xấu. Lót gắn bó sâu nặng và hết lòng vì sự phát triển của khu mỏ. Thế nhưng với sự bảo thủ, cố chấp, Lót dần dần gây nên mâu thuẫn, làm mất lòng của những công nhân mỏ, không ít lần công nhân mỏ đã cùng nhau đình công phản đối Lót. Dẫu đất nước đã chuyển từ thời chiến sang thời bình, dẫu hoàn cảnh không còn như trước nhưng Lót vẫn luôn mang tâm lí của thời chiến, vẫn luôn chỉ biết động viên hô hào mọi người vượt qua khó khăn với khẩu hiệu: “Hoà bình rồi, ta


rủ nhau làm ăn, làm giàu cho đất nước…hoà bình rồi, mọi dân tộc đã cùng sống trong một thung lũng mỏ vàng mỏ bạc. Hãy đoàn kết yêu thương, cùng nhau làm giàu cho nước cho nhà”. Khẩu hiệu đó có thể động viên tinh thần họ một lần nhưng nó đâu có thể giúp họ giải quyết tất cả những khó khăn. Cũng bởi tư tưởng bảo thủ, cố chấp của mình mà Lót ngay từ đầu đã có thành kiến với Bèn - một kĩ sư có tài, rất sáng tạo và luôn có nhiều sáng kiến để cải tiến năng suất lao động - chỉ bởi Bèn có thành phần gia đình địa chủ, là quan chánh tổng. Những sáng kiến của Bèn luôn bị Lót phản đối với lí do không có kinh phí. Mâu thuẫn giữa Bèn với Lót bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi Lót quyết định đuổi Bèn vì anh dám tự động áp dụng sáng kiến nâng cao năng suất khi chưa có sự đồng ý của Lót. Với việc chỉ ra mâu thuẫn này trong đời sống của xã hội miền núi, Vi Hồng đã cho thấy rất rò quan điểm của ông về tầm quan trọng của đội ngũ trí thúc trẻ tuổi tài năng với sự phát triển của quê hương. Có lẽ Vi Hồng vẫn luôn mong ước rằng quê hương ông sẽ có một đội ngũ lãnh đạo trẻ tuổi, có tri thức và tài năng như trong cái kết có hậu của khu mỏ Đá Rơi.

Có thể thấy rằng, trong sáng tác của Vi Hồng, cái mới thường là cái văn minh, tiến bộ cần được phát huy; cái cũ thường là cái lạc hậu, cổ hủ, cần phải xoá bỏ. Tuy nhiên với tài năng và sự nhạy cảm của mình, Vi Hồng cũng nhận ra rằng, không phải bao giờ cái cũ cũng là xấu xa, lạc hậu và cái mới không phải lúc nào cũng đúng. Sự mâu thuẫn xung đột trong tư tưởng và cách sống giữa Thu Khoan và cô con gái Hoa Nước trong Dòng sông nước mắt chính là một minh chứng cho điều đó. Thu Khoan vốn là một phụ nữ nhạy cảm, sống nội tâm và rất nhân hậu, cô đề cao những giá trị đạo đức truyền thống, đề cao tình cảm và coi thường vật chất, thế nhưng đứa con gái Hoa Nước bưởng bỉnh, xinh đẹp của cô lại có một lối sống vô cùng thực dụng. Hoa Nước cho rằng tiền bạc mới là những thứ quạn trọng nhất trong cuộc sống của con người, còn những giá trị đạo đức thì cô “xin trả lại cho cụ Khổng, cụ Trình”, Hoa Nước cũng xem nhẹ việc học hành, bởi cô nghĩ một người con gái xinh đẹp như cô chẳng khó khăn gì để tìm cho mình một người chồng giàu có để cô có thể sống sung sướng. Mâu thuẫn của Thu Khoan với Hoa Nước là mâu thuẫn tư tưởng giữa một bên là những con người sống theo đạo lí làm người với một bên là tư tưởng thực dụng, ích kỉ của một lớp trẻ ít được giáo dục.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022