Thiên Nhiên Miền Núi Trong Tiểu Thuyết Vi Hồng.


lên bàn thờ rồi tắt đèn đi ngủ. Người con gái sẽ về buồng mình, người con trai theo sau, cùng lên giường nằm cạnh cô gái. Người con trai sẽ dùng lời lẽ và tìm mọi cách đụng chạm đến người con gái để thuyết phục họ. Đụng trăm lần, nghìn lần người con gái vẫn hất, gạt, tát đánh đến đau. Nếu tình yêu chỉ riêng người con gái thì người con trai nằm sấp, người con gái đụng chạm, vuốt ve người con trai không được đánh lại. Lễ xăm ràng sẽ được tiến hành qua ba đêm. Sau ba đêm thử thách không có kết quả thì tình yêu một phía sẽ được giải. Kết quả của lễ xăm ràng sẽ được cô gái thể hiện qua cái mu rùa núi treo ở trước cửa buồng. Nếu mu rùa ngửa thì bố mẹ họ hàng cô gái sẽ biết rằng hai đứa đã “khai hoa xâu nụ”, và người con gái sẽ theo chàng trai về nhà làm lễ nhận tổ tiên. Trong ba đêm đó bố mẹ người con gái sẽ nửa thức nửa ngủ, nhất là trường hợp tình yêu chỉ riêng người con trai lạ. Nếu người con trai dám cưỡng hiếp người con gái thì người con gái chỉ cần kêu lên một tiếng, chàng trai kia sẽ bị mắng cho một trận rồi đuổi ra khỏi nhà. Một điều đặc biệt khác trong phong tục hôn nhân của người Miao chính là người con gái chỉ được một lần tự chọn người yêu, nếu sau khi tiến hành lễ xăm ràng thất bại, cha mẹ cô gái sẽ có quyền gả bán cô. Khi đó có những người con gái sẽ tìm đến cái chết. Cô ta sẽ lên đỉnh núi cao nhất, và thường có vài người bạn thân đi theo, hát những bài hát than thân trách phận, những bài hát ấy người Dao gọi là “tự tận ca”. Người con gái sẽ không ăn không uống rồi chết trên đỉnh núi. Nếu người con trai là người có tình nghĩa sẽ đến an ủi và khi người con gái đã chết, họ sẽ là người duy nhất có thể chôn cô gái. Trước khi chết, nếu người con trai làm mất đời con gái của cô thì cô gái chỉ xin chàng trai vài giọt máu ở đầu ngón tay, còn nếu chàng trai không làm việc đó thì cô gái sẽ xin người con trai một đốt tay đeo nhẫn!

Qua tìm hiểu, chúng ta thấy rằng những phong tục của người Tày và người Dao trong hôn nhân tuy còn tồn tại một số khía cạnh bất cập, nhưng rò ràng chúng ta không thể phủ nhận rằng chúng đã phản ánh sinh động bản sắc riêng của các dân tộc và làm phong phú thêm bức tranh văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt khi phản ánh các phong tục hôn nhân của người miền núi Việt Bắc, Vi Hồng vẫn luôn thể hiện rất rò quan điểm của mình trong việc cổ vũ cho tình yêu tự do, cho những cuộc hôn nhân có thể thoát khỏi sự ràng buộc của những tập tục lạc hậu.


Nét đặc sắc trong văn hoá của người miền núi trong tiểu thuyết của Vi Hồng còn được phản ánh qua những món ăn truyền thống của người Tày. Những ai yêu thích nghệ thuật ẩm thực chắc chắn đọc tiểu thuyết của Vi Hồng sẽ thấy vô cùng thích thú, tò mò với những món ăn truyền thống cũng là những đặc sản của người dân nơi đây. Nào là món thịt vịt nấu măng chua, thịt vịt quay, món phở chua năm vị bảy mùi, món khâu nhục ăn vừa thơm vừa bùi, nào là món nặm ngạo nung núc nửa là thịt nửa là nước có hương vị khinh phia (một loại gừng núi đặc biệt), nào là món bánh trứng kiến đặc sản của mường Nặm Khao. Món bánh trứng kiến ấy ngon đến nỗi, nếu ai đã có dịp ăn một miếng bánh hay vài miếng trứng kiến xào “thì mới thấy rằng ở còi đời còn có một món ăn ngon lành và ngọt bùi đến như thế mà mình chưa biết. Cái vị trứng kiến vừa thơm một mùi thơm đặc biệt, ngọt một mùi vị lạ lùng và đê mê, lại có cả vị bùi cũng rất lạ…Trứng kiến có năm mùi bảy vị, thơm bùi ngọt lành rất lạ, rất hiếm ấy thấm vào đầu lưỡi, thấm vào máu làm người ăn thấy sảng khoái đến đê mê chẳng khác gì cái vị ngọt ngào lạ lẫm của tình yêu đối với tuổi trẻ lần đầu được nếm trải.” [27. Tr 36] Không chỉ giới thiệu mùi vị của món bánh trứng kiến, Vi Hồng còn say sưa giới thiệu cho độc giả biết cả về loài kiến có được thứ trứng năm mùi bảy vị đặc biệt ấy: “Thứ kiến có năm mùi bảy vị ấy là của một loài kiến lạ đặc biệt, không có ở đồng bằng. Và người miền núi cũng không gọi con kiến để ăn trứng là kiến mà có một tên gọi khác, đó là xáy rày.” Quá trình chế biến món bánh trứng kiến cũng thật công phu, cầu kì: “Người ta đem trứng xáy rày về nhà, sàng sảy cho thật sạch, đem xào với những gia vị cũng rất đặc trưng của miền núi như củ kiệu, củ khinh phia (gừng núi đá). Người ta trải những lá vả non to dày phết lên một lớp bột nếp, dày mỏng tuỳ ý rồi mới rải một lớp “xáy rày” lên trên. Sau đó lại tãi một lớp bột nếp nữa lên trên, rồi lại áp một lần lá vả non. Đem tất cả vào trong chò mà đồ. Hơi chò phì ra thơm lựng, ngọt bùi lèn chặt cả nhà. Thế là người ta biết bánh xáy rày – bánh trứng kiến đã chín – mùa tháng ba thơm ngon” [27. Tr39]. Không chỉ có món bánh trứng kiến đặc biệt, người Tày còn có món “nàng tó” rất kì lạ mà cũng rất thơm ngon. Nàng tó là những con ong non sắp mọc cánh mọc chân của loài ong tó hồng - một loài con ong khát máu, chuyên ăn thịt, to


gần bằng những con chim ri. Những con nàng tó trông cứ trong veo, mượt mà và mỡ màng. Đem rang lên mỡ chảy xèo xèo, mùi thơm ngon rất quyến rũ. Không chỉ đem rang, nàng tó còn có thể dùng để chế biến món canh măng chua cũng có vị đặc biệt, “khác với tất cả mọi loại canh ngon. Người ta chỉ ăn một lần canh nàng tó thì sẽ nhớ mãi suốt đời.” Và đặc biệt nhất, ngon nhất trong các món ăn của nàng tó thì phải kể đến món xôi nàng tó. Món xôi nàng tó ngon đến nỗi “nếu ai đã một lần thì chắc sẽ nằm mơ thấy mùi vị thơm bùi, ngon ngọt dâng lên mãi đầu lưỡi đến vài tháng sau…Ăn một bữa xôi nàng tó người Tày có câu tục ngữ: quên mình hết tuổi già trẻ lại – tìm bạn đời ân ái chuỗi hoa niên.”. [27.Tr 270]

Người Tày còn có món bánh bột báng trong suốt có năm mùi, càng nhai càng ngọt, bùi, thơm béo như mỡ gà. Nòn cây bột báng dùng để xào làm thức ăn thì ngon hơn tất cả mọi thứ rau xanh: dòn, ngọt, thơm, rất dịu, thơm mùi thịt. Trong những ngày lễ, người Tày còn có những món ăn riêng như ngày nhổ mạ cấy bao giờ chủ ruộng cũng làm bữa “xíu dẹ” (bữa ăn giữa buổi) gồm có xôi chè, thạch đen bằng quả mắc cúm. Món thạch mắc cúm trong suốt đến nỗi người ta có thể nhìn thấy đường vân ở dưới đáy chậu thạch. Mùa hè mà ăn thạch mắc cúm thì tỉnh người mát đến cả vành tai. Trong buổi nhổ mạ cấy, khi nhà Tàm làm cả ba món ăn truyền thống đó của mường vào thời điểm mà mấy chục năm nay người ta dường như đã quên mất phong tục tốt đẹp đó thì “những người già bùi ngùi xúc động khi nhìn những món ăn truyền lại từ đời cha ông…Món thạch mắc cúm thơm dịu quyện với mùi xôi chè làm thành hương vị đặc biệt của ngày hội cấy.” [15. Tr 44]

Những món ăn của người Tày hiện lên trong những trang tiểu thuyết của Vi Hồng rò ràng không chỉ là những món ăn thuần tuý, đơn thuần mà nó còn là món ăn gắn liền với những giá trị văn hoá của người Tày, của ông cha từ ngàn đời nay mà những người con, người cháu như Vi Hồng luôn thấy tự hào và gìn giữ.

Bên cạnh những phong tục độc đáo, như là một nét đẹp trong đời sống của người miền núi, trong Lòng dạ đàn bà, Vi Hồng còn cho chúng ta biết một tập tục kì lạ, mang đậm dấu ấn của một xã hội mê tín, mông muội, lạc hậu và rất phi đạo đức. Đó là tục đánh thuốc độc giết người lấy may của người dân mường Nặm Đút -

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.


mường còn có tên gọi khác là mường Giết Người. Mọi nhà ở mường Nặm Đút đều phải trồng hai cây thuốc độc: một cây trắng, một cây đỏ. Nếu mỗi năm đánh thuốc độc chết được một người thì được phúc dày, công lớn! Nhưng nếu không đánh được mỗi năm chết được một người thì cái giới hạn tối đa là ba năm. Ba năm mà người chủ cây thuốc độc không giết được một ai bằng cây thuốc độc trong vườn mình thì sẽ bị ma sui quỷ khiến: thuốc độc tự đánh chết người trong nhà mình. Nếu những nhà giàu không muốn tự tay giết người thì có thể bỏ tiền ra thuê người khác đánh thuốc độc hộ mình. Những người mường khác đến mường Nặm Đút không dám uống nước, ăn đồ ăn nếu không quen thân với người chủ. Trong mường, trong bản, trong nhà, vợ chồng, con cái, anh em họ hàng, có khi còn nghi ngờ, gườm gườm lẫn nhau. Cái không khí căng thẳng âu lo trùm lên cả mường hết đời này qua đời khác…

Đặc điểm tiểu thuyết Vi Hồng - 8

Không ai có thể biết cái phong tục dã man ấy của người mường Nặm Đút có từ bao giờ, thế nhưng mỗi năm số những người chết vì cây thuốc độc mường Nặm Đút, số những người bị mù mắt, đứt ruột, nổ xương xảy ra không phải là ít. Đây thực sự là một hủ tục dã man cần được lọai bỏ trong đời sống của người dân miền núi. Khi đề cập đến hủ tục này, Vi Hồng đã qua đó để nói lên nhu cầu về việc phát triển đội ngũ trí thức như là một yêu cầu bức thiết trong xã hội miền núi đương thời: “Cái mường Nặm Đút với cây thuốc độc trở thành cái mường dã man. Một số ít người có học của mường đã ra sức tuyên truyền, giải thích, nhưng mường Nặm Đút vẫn không thoát ra khỏi cái phong tục cổ hủ lạc hậu được. Mảnh đất dữ dằn này cần có nhiều con ngườicó trình độ văn hoá nữa may ra mới thoát khỏi được cái tiếng xấu xa là mường giết người”.[20. Tr 184]

Hay như trong Núi cỏ yêu thương, Vi Hồng đưa người đọc đến với không khí của buổi lễ tế thần bảy ngày để cầu đảo mưa của mường Nặm Khao: “Ngày tế thần trở thành những ngày hội tưng bừng. Đàn bà con gái thì cắt giấy áo, vàng, mã…nấu nướng, đồ xôi và làm các thứ bánh trái. Đàn ông thì dựng lán, dựng lều và nhất là dựng các đài tế thần cao ngất. Những người thạo tay dao thớt thì mỗi ngày mổ một con trâu cùng mấy con lợn. Còn gà, ngỗng thì không kể…Những người trong cuộc tế vẻ mặt thật nghiêm trang.Bao nhiêu thứ quỷ quái loè loẹt, đủ


màu đem ra giăng khắp nơi. Những ông tảo lên cân đai hệt những vị thánh hiện hình, một tay bắt nước phép, một tay thanh đoản kiếm phùng má trợn mắt hô phong hoán vũ. Chánh Kiệm cùng một ông già khác đã trai giới từ mấy hôm nay, mặc áo thụng xanh đứng hai phía đài chắp tay ngửa mặt lên trời cầu xin nước…”.[15. Tr 97] Ngay trong cách miêu tả, Vi Hồng cũng không hề che giấu thái độ phê phán của mình đối với một phong tục lạc hậu, mang đậm màu sắc mê tín mà theo ông cần phải được xoá bỏ.

Qua tìm hiểu, chúng ta có thể thấy rằng, yếu tố phong tục tập quán trong tiểu thuyết của Vi Hồng đã được nhà văn thể hiện một cách sinh động, phong phú. Bên cạnh những phong tục độc đáo mang đậm nét đẹp văn hoá của người miền núi còn có cả những hủ tục lạc hậu cần được loại bỏ. Khi tái hiện lại những phong tục ấy, Vi Hồng đã không ngần ngại thể hiện rất rò thái độ, quan điểm của mình: ngợi ca, tự hào đối với những phong tục mang vẻ đẹp văn hoá của quê hương; lên án, phê phán đối với những hủ tục mê tín, vô nhân đạo. Một điều đặc biệt chúng tôi nhận thấy: khi đưa yếu tố phong tục tập quán vào trong tác phẩm, Vi Hồng thường chọn cách viết rất khéo, ông ẩn mình đi để yếu tố phong tục ấy xuất hiện một cách tự nhiên, như thể chúng là một phần của tác phẩm. Trong khi đó, Ma Trường Nguyên - một nhà văn dân tộc thiểu số cũng rất hay đưa yếu tố phong tục vào trong tác phẩm của mình lại không có sự khéo léo ấy như Vi Hồng. Đôi chỗ Ma Trường Nguyên để lộ mình một cách không cần thiết, trực tiếp đứng ra giới thiệu phong tục, tập quán với những lời giới thiệu khá khiên cưỡng, vụng về kiểu như: “Lúc ấy bà nội đã đến tuổi 40, ông nội cũng vào tuổi gần 50 rồi mà vẫn cứ bị bản mường lấy tên tục ra mà gọi.

Tập tục miền núi là đàn ông, đàn bà có con thì gọi theo tên con…” ( Trăng yêu) Hay như: “Theo phong tục miền núi, buổi lễ kết nghĩa anh enm được tiến hành...” (Rễ người dài). Rò ràng, về mặt phương diện nghệ thuật, cách viết của Vi Hồng tỏ ra có hiệu quả hơn rất nhiều.

Như vậy, phong tục, tập quán không chỉ là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm, mà còn là một minh chứng cho vốn văn hoá, cho sự am hiểu sâu rộng của nhà văn về đời sống văn hoá miền núi. Nó cũng là


minh chứng cho tình yêu của Vi Hồng đối với quê hương. Có thể nói, với hơn chục cuốn tiểu thuyết của mình, Vi Hồng đã thực sự đem một phần của quê hương, con người Việt Bắc giới thiệu với độc giả cả nước. Và chừng nào những tác phẩm của ông còn tồn tại thì chừng ấy những truyền thống văn hoá, những phong tục tập quán quê hương ông cũng sẽ cùng sống mãi với thời gian.

2.1.3 Thiên nhiên miền núi trong tiểu thuyết Vi Hồng.

Khi tìm hiểu hiện thực đời sống văn hoá miền núi trong tiểu thuyết của Vi Hồng, chúng ta không thể không tìm hiểu về thiên nhiên miền núi và mối quan hệ của chúng với con người, bởi thiên nhiên chính là môi trường sống và có sự gắn bó mật thiết với người dân miền núi. Thông qua cách ứng xử, thông qua mối quan hệ với thiên nhiên, con người thể hiện chính bản chất văn hoá và nhân cách của mình. Tìm hiểu về thiên nhiên chính là một cách tiếp cận làm phong phú, toàn diện hơn cái nhìn về đời sống của con người miền núi, nhất là trong tiểu thuyết của Vi Hồng. Bởi thiên nhiên là một phương diện quan trọng, là một trong những yếu tố góp phần làm nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết của ông. Khi tìm hiểu phương diện này chúng tôi nhận thấy: thiên nhiên trong sáng tác của Vi Hồng hiện lên khá đa dạng, phong phú. Có khi thiên nhiên là một đối tượng nghệ thuật khách quan mang một vẻ đẹp riêng dữ dội, hùng vĩ hoặc thơ mộng trữ tình. Có khi thiên nhiên là người bạn tri kỉ, tâm giao của con người, có mối quan hệ mật thiết với nhân vật trong tác phẩm, trở thành giá đỡ tâm trạng, trở thành một yếu tố dự báo trước số phận nhân vật, bộc lộ vẻ đẹp nhân cách của nhân vật.

Thiên nhiên miền núi trong sáng tác của Vi Hồng có khi mang một vẻ đẹp dữ dội, hùng vĩ, hoang sơ. Trong tiểu thuyết của Vi Hồng không ít lần chúng ta bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên như thế này: “Một vạt rừng sừng sững hai bên bờ nước. Lòng suối đá lởm chởm, nhiều hình thù kì lạ. Cửa hang thuồng luồng đổ xuống vực thác thuồng luồng…Đứng xa đã nghe thác thuồng luồng réo thành những âm thanh lạ lẫm: ùm…xoà…ù ào…ì ù. tiếng nước xoà vào nhau gào thét quanh năm. Có lúc nghe như tiếng hàng vạn người cười vui; như tiếng hàng ngàn người khóc nức nở. Lại như tiếng chiêng cái, chiêng đực, tiếng lệnh, tiếng pí lè một đám ma.” [13.Tr 174]


Trong Tháng năm biết nói chúng ta bắt gặp hình ảnh con thác Chín Thoong được miêu tả như một đối tượng khách quan mang một vẻ đẹp rất riêng của nó: dữ dội, hoang sơ: “Sông đục ngầu, nước to, thác Chín Thoong gào hú như đoàn thiên binh vạn mã của sông nước đang trẩy quân đánh nhau với long vương…đi qua thác đã sợ vì cái lạnh của thác bốc lên, vì tiếng gầm rú của thác đang mùa nướcNhất là vào ban đêm, cái tiếng gào của con thác Chín Thoong càng dữ dội hơn. Có lúc như tiếng quân hò reo, có lúc lại như tiếng khóc than của nghìn vạn người, cả trời đêm phập phồng đầy bí hiểm” [23. Tr132]

Cũng có khi thiên nhiên trong tiểu thuyết của Vi Hồng lại mang một vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng. Và dường Vi Hồng cũng dành mhiều tâm huyết hơn cả cho những đoạn văn miêu tả thiên nhiên trữ tình, thơ mộng. Cho nên, không chỉ chiếm một số lượng lớn hơn mà những đoạn văn miêu tả kiểu thiên nhiên này cũng dạt dào cảm xúc hơn. Gần như trong bất cứ cuốn tiểu thuyết nào của Vi Hồng, chúng ta cũng bắt gặp một vài trang văn miêu tả thiên nhiên miền núi đầy thơ mộng, mang một vẻ đẹp trữ tình đến nao lòng. Đây là vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ của dòng thác Chín Thoong: “Dòng Chín Thoong nước đang kéo màu chàm, con nước còn mạnh nhưng nước đã trong văn vắt, màu nước xanh biếc như tàu lá dong độ con gái. Những đàn cá ngửa bụng ăn “ghét cá”, ăn bùn ử thác cuối vực Chín Thoong trắng như ai vãi trăm nghìn bông hoa lấp chìm xuống đáy thác. Nhìn những đàn cá đủ các kích cữ to nhỏ vừa giống như một bãi hoa lại vừa giông như trăm nghìn vì sao lấp lánh, nhấp nháy giữa bầu trời xanh mênh mang. Lúa tháng tám hai bên bờ con sông đã gặt, lúa mùa bắt đầu nhuốm màu trứng cá. Bầu trời Chín Thoong thơm ngọt ngào hương lúa – hương của hạnh phúc ấm no. Nắng rờ rỡ. Trăm con sóng bắt lấy ánh nắng làm thành nghìn chiếc gương nhoang nhoáng chạy xuống thác ào ạt. Nắng nằm sòng soài trên các sườn núi đá quanh co. Nắng nằm ưỡn trên mặt vực Chín Thoong như chiếc chiếu vàng khổng lồ trời thả xuống cho cặp tân hôn thuồng luồng.”[23. Tr18] Trong Lòng dạ đàn bà, chúng ta lại một lần nữa được khám phá vẻ đẹp huyền ảo của những thác nước vùng cao. Đó chính là hình ảnh thác nước Hang Rơi gắn liền với biết bao huyền thoại từ thủa xa xưa: “ Nước rơi xuống vực thành một dải lụa trắng ở hai bên chân thác lại có hai cột nước phun lên uốn cầu


vồng thành hai nước. Nước toé lên thành bông thành nụ rồi rơi rào rào xuống vực tạo thành cơn mưa rào muôn thủa. Cứ sáng sáng mặt trời lên khỏi núi thác nước, Nước Hang Rơi lại xuất hiện cầu vồng bảy sắc huyền ảo lung linh.”[20. Tr67]

Trong bức tranh thiên nhiên thơ mộng của miền núi, Vi Hồng đã dành không ít tâm huyết để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên bốn mùa. Nếu như Cao Duy Sơn chú ý phát hiện ra vẻ đẹp đặc trưng của từng mùa như mùa thu là vẻ đẹp hoa cúc và những cánh đồng lúa mạch, mùa đông ông lại tập trung miêu tả cái lạnh, cái rét đặc trưng của vùng cao... thì Vi Hồng lại dùng ánh nắng như là một “thước đo” cho bước chuyển của thời gian khi dựng nên bức tranh thiên nhiên miền núi. Đây là mùa xuân với cái nắng trong trẻo, nhẹ nhàng. Buổi sáng thì “nắng ấp vàng như tơ sưởi ấm cho ngàn cây vạn nụ…Những cây đào nắng bừng nở rực rỡ. Một mùa xuân đẹp đã đến” [23. Tr 202, 203] ; Buổi trưa nắng vẫn rất dịu dàng, tinh khôi: “Cái nắng gò lên đôi cánh của những con cào cào, châu chấu kêu kên két trong những buổi trưa nắng vàng như tơ lụa.” [23. Tr132]; Buổi chiều mùa xuân lại được nhà văn cảm nhận với “ánh nắng chiều xuân vàng tươi trong vắt, rửa sạch lưng ông trời. Nắng chiều dịu ngọt trở mình trên các sườn cỏ” [13. 97]. Nắng mùa xuân thì lấp loáng, óng ả, tinh khôi đến dịu dàng, và ánh nắng mùa hè ở vùng cao cũng không hề gay gắt, chói loà như ở vùng xuôi nhưng không phải vì thế mà mất đi vẻ đẹp rực rỡ: “Một ngày hè trời đất Ba Mái thật đẹp. Nắng vàng rờ rỡ trải xuống mênh mông những nương chè, xuống đồng ruộng đang hoe hoe vàng lúa màu trứng cá.” [17.Tr 115] Và đây là mùa thu với cái nắng kết đọng đầy tinh tuý, dịu ngọt như một chất men: “Chiều cuối thu nắng ngọt như mật làm bừng sáng lên nhũng mái rừng, từng vách đá.” [23. Tr22]. Thu đến, cái nắng hoà cùng với dòng thác lấp lánh tạo nên một không gian thật đẹp: “Thác Chín Thoong cất dàn đồng ca muôn thủa chào một ngày nắng đẹp…lúa tháng tám đang độ trổ bông uốn cong, vẫy nẵng thu vàng sánh.” [23.Tr 173]. Ngay cả trong mùa đông, khi cái lạnh của màn sương bao phủ nhưng cũng có lúc thiên nhiên đột ngột bừng lên rạng rỡ trong cái nắng tràn trề sinh khí: “Cái nắng hiện ra rạng rỡ, mát rượi, vắt ngang qua đèo. Nắng mềm mại như một tấm lụa vàng khổng lồ trải bập bềnh xuống tận đáy các thung lũng và ngược các sườn non” [20. Tr88].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022