được những kết quả đáng khích lệ. Mặc dù những thay đổi chưa thể hiện ra rõ nét trong thời gian ngắn, tuy nhiên bằng kết quả nhóm đã thực hiện, cùng với kế hoạch duy trì nhóm trong năm học mới, chúng tôi có sơ sở để tin tưởng các em sẽ đạt được kết quả học tập khả quan và thuận lợi hơn trong cuộc sống.
Từ những kết quả thực tiễn, chúng tôi cũng đưa ra một số khuyến nghị đến các bên liên quan và đề xuất một số biện pháp để góp phần nâng cao hoạt động CTXH hỗ trợ cho các em HS sống xa cha mẹ nói riêng và học sinh nói chung. Đây có thể được xem là tiền đề cho việc xây dựng và nhân rộng mô hình CTXH học đường trong thời gian tới tại trường THCS Bình Tấn để góp phần nâng cao hoạt động giáo dục của địa phương.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Từ mục tiêu nghiên cứu đề ra khi thực hiện luận văn, chúng tôi đã tiến hành thu thập, phân tích thông tin và áp dụng CTXH nhóm với nhóm thân chủ, chúng tôi đã đạt được các kết quả nghiên cứu như đã trình bày ở trên. Chính vì thế, tác giả xin đưa ra một số kết luận và một số khuyến nghị chính yếu như sau:
1. Công tác xã hội nhóm với học sinh sống xa cha mẹ là một phương pháp can thiệp của CTXH để làm việc với nhóm HS sống xa cha mẹ đang gặp những vấn đề khó khăn cần sự giúp đỡ để giải quyết. Đây là một tiến trình can thiệp để các thành viên trong nhóm có được môi trường để tương tác lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn chung và tham gia vào các hoạt động của nhóm để nhằm đạt được mục tiêu chung của nhóm, thông qua đó các thành viên đạt được mục đích của cá nhân để hòa nhập vào cuộc sống tốt hơn. Trong tiến trình can thiệp này, một nhóm HS sống xa cha mẹ được thành lập, sinh hoạt dưới sự điều phối của trưởng nhóm và sự trợ giúp của NVXH. Tùy thuộc vào đặc điểm, năng lực của nhóm thân chủ mà NVXH có thể đảm nhận vai trò trưởng nhóm hoặc là người định hướng, hỗ trợ nhóm hoạt động. Tuy nhiên, để tiến trình này được thực hiện hiệu quả, đòi hỏi NVXH phải nhận diện được đặc điểm và vấn đề của nhóm thân chủ, đồng thời phân tích, đánh giá các hệ thống nguồn lực có thể tham gia vào tiến trình trợ giúp cũng như khả năng thành lập nhóm thân chủ.
2. Phần lớn các em HS sống xa cha mẹ trong nghiên cứu này là nữ, đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì với nhiều biến đổi về tâm sinh lý có thể tạo ra một số khủng hoảng. Trong khi đó, gần như toàn bộ các em không được ở gần người mẹ trong cuộc sống hàng ngày do họ phải lao động xa nhà để đảm bảo nhu cầu vật chất và chuyện học hành của con cái. Thêm vào đó, một tỷ lệ không nhỏ các em phải sống trong gia đình khuyết thiếu do mất cha hoặc mẹ hoặc li hôn, li thân, do đó gánh nặng kinh tế được đặt lên người còn lại, kết quả là có hơn 1/3 gia đình đang còn khó khăn thiếu thốn và khoảng 3/4 chưa có nhà nên các em “HS bị bỏ lại” phần đông là ở nhờ nhà ông bà. Mặc dù 1/4 hộ còn lại là có nhà nhưng nhiều căn còn tạm bợ, xuống cấp hoặc đang còn nợ tiền mua nhà và đất ở.
Thời gian di cư trung bình của cha mẹ là gần bốn năm, tuy nhiên sự thiếu hụt tiền bạc cùng với quy định của công ty đã làm hạn chế việc gặp gỡ giữa cha mẹ vói các em.. Bên cạnh đó, các cha mẹ di cư cũng chưa đáp ứng nhu cầu tâm lý, tình cảm của con, bởi lẽ chỉ khoảng 20% cha mẹ gọi điện thăm hỏi con với tần suất vài ba ngày một lần, còn lại thường hơn một tuần. Những hạn chế trên phần nào đã nói lên sự thiếu hụt về tình cảm gia đình ở các em, vì thế gần như toàn bộ các em mong muốn được gặp cha mẹ nhiều hơn với những lý do rất đơn giản đến mức là “nhớ”. Song, điều đáng quan tâm nhất trong vấn đề này là có đến 2/3 các em chưa cảm thấy cuộc sống gia đình hạnh phúc, điều này có thể được xem như là minh chứng cho những khó khăn trong cuộc sống của các em.
3. Cùng với đó, mặc dù tuổi đời bình quân của cha mẹ di cư chưa quá 40, nhưng hơn một nữa trong số họ có học vấn từ cấp I trở lại, từ đó không có khả năng để hỗ trợ chuyện học hành của con cái, tỷ lệ này ở những người quan trọng nhất của các em “HS bị bỏ lại” là gần như tuyệt đối. Chính những điều này đã góp phần dẫn đến hơn 1/3 các em có khó khăn trong học tập và 40% các em có kết quả học tập xếp loại trung bình, trong đó nhiều nhất là các em lớp 6 và lớp 8.
4. Đối với nhóm thân chủ mà tác giả đã thành lập và tiến hành can thiệp, ngoài những đặc điểm chung như đã trình bày, các em còn có thêm một số khó khăn khác như: kinh tế chỉ tạm đủ sống và có 6/10 em có cha mẹ li hôn, li thân. Những người quan trọng nhất cũng hiếm khi nghe các em tâm sự buồn phiền lo lắng, đồng thời có đến 7/10 em chưa cảm nhận được cuộc sống gia đình mình hạnh phúc. Từ những vấn đề trên đã dẫn đến 7/10 em quyết định sẽ dừng việc học lại sau khi hoặc thậm thí chưa hoàn cấp II, và nguy cơ xảy ra là rất cao bởi điều này cũng trùng với mong muốn của phụ huynh các em.
Những dữ liệu mà tác giả vừa trình bày là cơ sở để khẳng định giả thuyết “Sự thiếu vắng cha mẹ đã góp phần làm gia tăng khó khăn đối với các em HS sống xa cha mẹ, đặc biệt là trong hoạt động học tập và trong đời sống hàng ngày” là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh nghiên cứu của đề tài này.
Có thể bạn quan tâm!
- Lý Do Áp Dụng Tiến Trình Ctxh Nhóm Với Học Sinh Sống Xa Cha Mẹ
- Quá Trình Triển Khai Hoạt Động Nhóm (Khảo Sát Nhóm)
- Cây Vấn Đề Liên Quan Đến Khó Khăn Trong Học Tập Của Nhóm Thân Chủ
- Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo (2014B), Luật Giáo Dục Sửa Đổi, Bổ Sung Năm 2014.
- Bảng Tiêu Chí Phỏng Vấn Sâu Cán Bộ Địa Phương
- Biên Bản Gỡ Băng Phỏng Vấn Sâu Số 2 Người Phỏng Vấn: Trần Chí Nhân
Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.
Những hoạt động hỗ trợ mang tính CTXH đối với HS nói chung tại trường THCS Bình Tấn được thực hiện thông qua hai chủ thể chính là nhà trường và chính quyền địa phương. Trong đó, nhà trường với thế mạnh về chuyên môn và gần gũi với các em nên dễ nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, nhất là những khó khăn trong học tập. Do vậy, những hỗ trợ của đơn vị này thường hướng về mặt thần như: quan tâm, động viên thăm hỏi, hỗ trợ học tập. Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra ưu thế trong những hỗ trợ về vật chất như vận động các MTQ, doanh nghiệp để hỗ trợ về tài chính, vật chất. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, hai đơn vị này đã phối hợp thực hiện như: vận động HS đến trường, phân phát các nguồn hỗ trợ, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí nhân dịp lễ, tết. Sự hỗ trợ này cũng đã diễn ra trong nhiều năm và nhiều em đã nhận được sự hỗ trợ, nhờ đó gia đình cũng giảm bớt được gánh nặng và các em được tiếp tục đến trường. Những điều này rất đáng trân trọng, bởi lẽ qua phân tích, cho thấy họ có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc hỗ trợ cho các em nói chung, trong đó có các em HS sống xa cha mẹ mà nghiên cứu này nhắm đến.
5. Bên cạnh những mặt đạt được, tác giả nhận thấy cũng còn tồn tại một số vấn đề mà thiết nghĩ các đơn vị trên cần nghiên cứu thêm, đặc biệt là việc nhìn nhận nhóm HS có khó khăn còn tập trung về mặt vật chất, do đó những hỗ trợ được thiết kế, thực hiện cũng thường theo hướng này mà thiếu hỗ trợ về mặt tinh thần. Cùng với đó, các em có cha mẹ đi làm ăn xa chưa được coi là nhóm khó khăn về kinh tế nên chưa được ưu tiên xem xét trong các hỗ trợ. Trên thực tế, gần như hoàn toàn ngược lại, bởi hầu hết phụ huynh cho rằng do hoàn cảnh nghèo khổ, túng thiếu họ mới đi làm ăn xa, chấp nhận để con cái lại nhà để đi học. Chính từ việc nhìn nhận chưa thật sự chính xác này nên trong quá trình tìm hiểu về cách giải quyết khó khăn của các em, tác giả nhận thấy, hầu hết là do gia đình và chính các em tự giải quyết, trong khi đó vai trò của nhà trường và chính quyền địa phương vẫn còn khá mờ nhạt. Ngoài ra, công tác nhận diện HS có nguy cơ bỏ học và vận động học sinh bỏ học trở lại lớp ở nơi đây nhiều lúc chưa kịp thời, bị động và chuyên môn của người vận động cũng còn là điều cần phải xem xét.
6. Nguy cơ bỏ học của các em HS sống xa cha mẹ trong nghiên cứu này là rất cao, bởi lẽ các đặc điểm khó khăn trong đời sống và học tập của những em này rất tương đồng với nhóm HS đã bỏ học. Đặc biệt, những hỗ trợ mà các em nhận được đều không có sự khác biệt đáng kể so với nhóm HS đã bỏ học ở nơi đây. Điều này cho thấy, gia đình, chính quyền địa phương và nhà trường cần có những biện pháp can thiệp hiệu quả hơn để giảm bớt nguy cơ bỏ học của những em này.
Từ các luận giải trên đã cho thấy, các hoạt động mang tính CTXH với vai trò tạo ra những thuận lợi để hỗ trợ học tập và đời sống của HS sống xa cha mẹ vẫn còn một số hạn chế, đồng thời những khó khăn trong học tập và đời sống đã làm gia tăng nguy cơ bỏ học đối với các em học sinh sống xa cha mẹ. Đây cũng là giả thuyết thứ hai mà chúng tôi đã đặt ra trong quá trình nghiên cứu.
Trên cơ sở nhận diện đặc điểm của các em học sinh sống xa cha mẹ, kết hợp phân tích, đánh giá các nguồn lực tại địa bàn nghiên cứu và nhu cầu thưc tiễn của các em, tác giả đã xác định được giải pháp can thiệp phù hợp là thực hiện CTXH với các em thông qua mô hình nhóm giáo dục. Trong đó hướng đến việc phát triển các kỹ năng cần thiết để các em có thể tự ứng phó và giải quyết được một số khó khăn gặp phải trong học tập và đời sống.
Mặc dù quá trình thực hiện có những khó khăn nhất định, nhưng bằng sự nỗ lực của nhóm TC, hỗ trợ của nhà trường và chính quyền địa phương, chúng tôi đã từng bước thực hiện được tiến trình can thiệp gồm 06 buổi sinh hoạt và đạt được mục tiêu ban đầu của nhóm. Những kiến thức, kỹ năng mà nhóm TC đạt được qua tiến trình nhóm sẽ giúp các em phát triển năng lực để giải quyết khó khăn cùng với sự hỗ trợ của gia đình và các nguồn lực khác. Đồng thời, thông qua sự tương tác nhóm, các em học được cách chia sẽ, lắng nghe ý kiến của người khác, phát triển mối quan hệ XH lành mạnh. Các hoạt động vui chơi, giải trí đã giúp giải tỏa được cảm xúc tiêu cực, buồn lo, từ đó hoạt bát, năng động hơn trong cuộc sống. Song, điều quan trọng là các em đã phát triển được năng lực và có thêm nguồn lực hỗ trợ từ địa phương để tiếp tục duy trì và phát triển nhóm.
Các kết quả mà nhóm thân chủ đạt được qua tiến trình nhóm đã cho thấy những đóng góp của hoạt động CTXH trong việc giải quyết vấn đề khó khăn của HS sống xa cha mẹ tại địa bàn can thiệp. Đồng thời cũng đã chỉ ra, việc tổ chức, sắp xếp lại các hoạt động mang tính CTXH tại trường THCS Bình Tấn trong bối cảnh hiện nay có thể hỗ trợ giải quyết các khó khăn trong học tập và đời sống của HS sống xa cha mẹ nói riêng và HS nói chung. Điều này đã góp phần ủng hộ cho giả thuyết thứ ba trong nghiên cứu này.
Khuyến nghị
Vấn đề việc làm trở nên vô cùng cần thiết đối với gia đình và sự phát triển của xã hội nhưng cũng làm gia tăng tình trạng HS sống xa cha mẹ. Với đặc điểm tâm lý của tuổi mới lớn và những hạn chế của gia đình đã khiến các em HS sống xa cha mẹ ở xã Bình Tấn hiện đang đối mặt với những khó khăn trong học tập và đời sống. Thiết nghĩ, nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ gia đình, nhà trường và xã hội thì các em sẽ khó hòa nhập tốt trong cuộc sống và có tương lai tươi sáng. Do vậy, từ kết quả nghiên cứu, thực nghiệm hoạt động CTXH nhóm với HS sống xa cha mẹ ở đây, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
a) Với xã hội
Hầu hết các em HS sống xã cha mẹ tại xã Bình Tấn đang gặp khó khăn trong học tập và đời sống, tuy nhiên các hoạt động hỗ trợ về mặt tinh thần (sinh hoạt, vui chơi giải trí …) cũng còn một số hạn chế. Do vậy, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần xem xét, phát triển các hoạt động thanh thiếu niên để thu hút các em và cộng đồng, qua đó tăng cường các kỹ năng cần thiết để các em phát triển tính tự lập và giảm bớt khó khăn. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận nhóm HS sống xa cha mẹ như nhóm có nhiều khó khăn cần sự trợ giúp về vật chất lẫn tinh thần để các em hòa nhập và phát triển tốt hơn. Điều này một mặt góp phần hạn chế tình trạng HS bỏ học, đồng thời phát triển công tác giáo dục ở địa phương
b) Với nhà trường
Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn để đào tạo kiến thức, nhà trường cũng là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành và
phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết cho các em. Trình độ chuyên môn của giáo viên, mối quan hệ thầy trò cùng với cơ sở vật chất của trường là những điểm mạnh mà nếu được sử dụng hiệu quả sẽ hỗ trợ các em rất nhiều trong việc giải quyết vấn đề khó khăn. Các hoạt động ngoại khóa như giáo dục tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng học tập…nếu được nhà trường thực hiện đúng mức sẽ tạo sự tham gia của các em và gia đình cũng như của cộng đồng, từ đó góp phần chăm sóc và bảo vệ các em tốt hơn. Vì lẽ đó, chúng tôi mong muốn nhà trường xem xét và có kế hoạch để sử dụng hiệu quả nguồn lực này trong thời gian sớm nhất để giúp các em HS sống xa cha mẹ nói riêng và HS của trường nói chung.
Để phát huy được điểm mạnh trên, nhà trường nên xem xét việc tăng cường phối hợp với gia đình để kịp thời phát hiện những khó khăn của các em trong cuộc sống cũng như giúp gia đình nắm bắt tình hình học tập của con em họ ở trường, từ đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau để hỗ trợ, định hướng kịp thời cho các em. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với chính quyền địa phương cũng cần được tăng cường hơn nữa để tham mưu, đề xuất, lồng ghép với hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm gia tăng nguồn lực hỗ trợ về vật chất và tinh thần như động viên, thăm hỏi, tư vấn, định hướng cho nhóm học sinh này.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần nghiên cứu, đề xuất thành lập phòng CTXH tại trường theo tinh thần quyết định số 327/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về kế hoạch phát triển nghề CTXH trong ngành giáo dục. Trong đó, xem xét thực hiện một số hoạt động trước mắt như: kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các em, cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về CTXH tại các trường đạo tạo Công tác xã hội.
c) Với gia đình
Từ thực tiễn phần đông cha mẹ và những người sống cùng ít có khả năng hỗ trợ việc học tập cho các em, điều này cho thấy đây là một thiếu hụt lớn nếu không muốn nói là thiệt thòi cho các em. Tuy nhiên, các cha mẹ di cư vẫn có thể hỗ trợ các em thông qua việc phối hợp với nhà trường như: thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, thầy cô phụ trách các môn con mình học yếu để nhờ họ hướng dẫn cách học tập, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhỡ. Ngoài ra, trong cuộc
sống hàng ngày nên thường xuyên hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân và định hướng các em chọn bạn để chơi, sử dụng thời gian hiệu quả. Thêm vào đó, cần hỗ trợ các em đặt mục tiêu trong học tập và cuộc sống và cùng đồng hành để giúp các em thực hiện.
Ở một khía cạnh khác, nên tránh việc bù đắp sự thiếu thốn tình thương bằng cách cho con nhiều tiền vì có thể sẽ khiến các em sa vào các trò chơi tiêu khiển dẫn đến thiếu thời gian học tập, học hành sa sút và có thể bỏ học. Thay vào đó, nên dành sự quan tâm, động viên thường xuyên, nhờ người thân hoặc thầy cô giúp đỡ để các em cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương từ đó an tâm học tập. Ngoài ra, cần trang bị thêm kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi để tiếp xúc, trò chuyện, hỗ trợ các em hiệu quả hơn, nhất là những em cuối cấp, HS nữ
Thêm vào đó, cần tạo điều kiện, khuyến khích các em tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường và địa phương tổ chức để giúp các em phát triển mối quan hệ xã hội lành mạnh và những kỹ năng xã hội cần thiết. Trong những tình huống vượt qua khả năng giải quyết của mình như mâu thuẩn với bạn bè, khó khăn về vật chất… gia đình cần chủ động phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương kịp thời để tư vấn, hỗ trợ.
d) Với học sinh
Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, các em cần ý thức được những khó khăn, trở ngại của chính mình để chủ động khắc phục. Song, việc trước nhất là các em cần tích cực học tập để có được nền tảng kiến thức tốt và tạo được niềm tin, ủng hộ của gia đình để có thể học xa hơn. Kế đến, các em cũng cần biết cách chia sẽ, bày tỏ khó khăn của mình với gia đình, thầy cô để có cách giải quyết hiệu quả, tránh việc tự chịu đựng hoặc tự giải quyết các vấn đề quan trọng như mâu thuẩn với bạn bè, hàng xóm hoặc vấn đề sức khỏe.
Cùng với việc học tập kiến thức phổ thông, các em cũng cần trang bị thêm các kỹ năng xã hội cần thiết qua thầy cô, người lớn để tăng tính tự lập, phát triển mối quan hệ xã hội lành mạnh. Thêm vào đó, thông qua các hoạt động của nhà trường, địa phương tổ chức, các em có thể chia sẽ những khó khăn, đề xuất nguyện vọng với nhà trường, cộng đồng cho chính mình và những em có cùng