CHƯƠNG III
TIẾN TRÌNH CÔNG TÁC XÃ HỘI NHÓM VỚI HỌC SINH SỐNG XA CHA MẸ TẠI TRƯỜNG THCS BÌNH TẤN, HUYỆN THANH BÌNH, TỈNH ĐỒNG THÁP
Những khó khăn trong học tập và đời sống của học sinh sống xa cha mẹ ở xã Bình Tấn đã đặt ra những thách thức trong quá trình lựa chọn những cách thức can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, cùng với việc tìm hiểu những hoạt động hỗ trợ mang tính CTXH đối với các em HS ở đây, tác giả đã bước đầu xác định được giải pháp khả thi với nhóm đối tượng này bằng cách tiến hành Công tác xã hội nhóm thông qua mô hình nhóm giáo dục. Để thực hiện được điều này, tác giả đặc biệt quan tâm đến sự cần thiết cũng như các bước của tiến trình can thiệp nhóm. Bên cạnh đó, từ những kết quả đạt được, tác giả cũng mong muốn huy động thêm nguồn lực đễ tiếp tục hỗ trợ các em trong năm học mới. Chính vì thế, trong khuôn khổ nội dung của chương này, tác giả sẽ trình bày lần lượt các vấn đề liên quan đến lý do ứng dụng và các bước của tiến trình công tác xã hội nhóm với HS sống xa cha mẹ cũng như những kết quả mà nhóm thân chủ đạt được sau quá trình can thiệp. Trên cơ sở đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng hiệu quả của hoạt động CTXH nhóm với học sinh sống xa cha mẹ tại trường THCS Bình Tấn.
3.1. Lý do áp dụng tiến trình CTXH nhóm với học sinh sống xa cha mẹ
Công tác xã hội nhóm nói riêng và CTXH nói chung là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, kế thừa hệ thống kiến thức CTXH ở các nước phát triển như Pháp, Mỹ… nhóm tác giả giáo trình Công tác xã hội đại cương (Lê Hải Thanh - chủ biên) đã đi đến kết luận với các nội dung cơ bản: “CTXH nhóm phải đươc coi là một phương pháp can thiệp của CTXH. Đây là một tiến trình trợ giúp, trong đó các hoạt động tương tác lẫn nhau, chia sẻ những mốì quan tâm hay những vấn đề chung, tham gia vào các hoạt động nhóm nhằm đạt tới mục tiêu chung của nhóm và hướng đến giải quyết những mục đích
của cá nhân thành viên giải tỏa những vấn đề khó khăn” [27]. Đồng thời nhấn mạnh phải có “một nhóm thân chủ được thành lập, sinh hoạt thường kỳ dưới sự điều phối của người trưởng nhóm” (có thể là NVXH hoặc thành viên của nhóm) và ảnh hưởng của nhóm được dùng để giải quyết vấn đề cá nhân. Bên cạnh đó, vai trò chủ yếu NVXH là tổ chức, định hướng, điều phối, hướng dẫn sinh hoạt của nhóm, tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy các tương tác nhóm hướng đến sự thay đổi và hỗ trợ trưởng nhóm điều hành nhóm. Vai trò này sẽ được giảm dần để các thành viên nhóm có ảnh hưởng tích cực lên nhau. Như vậy, việc tiến hành CTXH nhóm với HS sống xa cha mẹ ở đề tài này cần tuân thủ kiến thức về CTXH nhóm như trên. Cụ thể là, phải thành lập được nhóm HS sống xa cha mẹ có nhu cầu tham gia sinh hoạt, tác giả sẽ đảm nhận vai trò hướng dẫn, hỗ trợ nhóm xác định nhu cầu, lựa chọn loại hình nhóm để tiến hành sinh hoạt, trong đó chú trọng việc sử dụng sự tương tác giữa các thành viên nhóm để giải quyết một số vấn đề các em đang gặp trong học tập và đời sống.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển nghề CTXH trong ngành giáo dục giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ GD&ĐT ban hành với mục tiêu “phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% lãnh đạo của các cơ quan quản lý, cán bộ quản lý của các trường phổ thông được nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của CTXH trường học, có định hướng xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ CTXH trường học tại đơn vị” [8]. Với trường THCS Bình Tấn, mặc dù CTXH học đường chưa chính thức thành lập, nhưng các chương trình thực hiện của nhà trường trong những năm qua cũng đã cho thấy mô hình của hoạt động CTXH ở nơi đây cũng đang dần được phát triển. Hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch và thực hiện tuần lễ sinh hoạt học đường để nắm được các em có nguy cơ bỏ học từ đó kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác vận động. Cán bộ, giáo viên của trường cũng được phân công theo dõi để kịp thời phát hiện những em có khó khăn để từ đó tham vấn, hỗ trợ. Ngoài ra, nhà trường đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương để tìm kiếm, vận động và điều phối các nguồn hỗ trợ cho HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn của trường.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về khó khăn của HS sống xa cha mẹ, bằng việc khảo sát 22 em HS đã bỏ học và 35 em HS sống xa cha mẹ, tác giả nhận thấy vấn đề HS bỏ học ở đây có liên quan đến kinh tế và tình trạng di cư của cha mẹ và nguyên nhân bỏ học cũng tương đồng với khó khăn của HS sống xa cha mẹ đang gặp phải. Cụ thể là, tình trạng kinh tế của HS sống xa cha mẹ ở nghiên cứu này đa phần là khó khăn thiếu thốn (tổng tỷ lệ nghèo, cận nghèo, khó khăn là 34,3%). Mặc dù tỷ lệ này còn thấp so nhóm HS bỏ học (54,3%) nhưng cũng đang ở rất mức cao và đáng lo ngại về nguy cơ bỏ học của các em này. Tuy nhiên, tác giả cũng xác định, khó khăn về kinh tế là một vấn đề lớn mà các cấp các ngành đã và đang từng bước giải quyết, do vậy trong giới hạn đề tài này, tác giả chỉ tập trung về những khó khăn trong học tập và đời sống của các em. Trong năm học 2017- 2018, khó khăn trong học tập của các em còn chiếm tỷ lệ khá cao (39%) gồm: không theo kịp bài, thiếu người giúp tự học ở nhà và thiếu thời gian học bài, tỷ lệ này cao hơn nhóm HS bỏ học là 1,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, hầu hết các khó khăn đã được giải quyết chủ yếu là do các em và gia đình thực hiện, chỉ 10,8% được thầy cô, bạn bè, hàng xóm giúp đỡ (biểu đồ 2.4). Riêng năm học 2018-2019, có đến 71,4% các em đang gặp khó khăn, trong đó một số có nguy cơ bỏ học cao như: kiến thức khó, chán học; thiếu người động viên; không biết học để làm gì và cha mẹ muốn cho nghỉ (chi tiết ở biểu đồ 2.5).
Các dữ liệu định tính cũng cho biết gần một nữa cha mẹ di cư không biết kết quả học tập của con mình (46,6%) với lí do như “không biết, do con không nói” (PVS PH02) hay “bữa nó có điện nói rồi mà quên rồi” (PVS PH06) hoặc “không rành” (PVS PH15). Cùng với sự hạn chế về khả năng hỗ trợ học tập của phụ huynh (biểu đồ 2.1) đã cho thấy các em rất khó để có được sự hỗ trợ của gia đình trong vấn đề học tập, điều này đã phần nào cho thấy sự cần thiết phải có những hoạt động trợ giúp để các em giảm bớt khó khăn, an tâm học tập.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Đời Sống Hộ Gia Đình Học Sinh Sống Xa Cha Mẹ Tại Trường Trung Học Cơ Sở Bình Tấn, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp.
- Những Khó Khăn Ảnh Hưởng Đến Hoạt Động Học Tập
- Đặc Điểm Học Tập Và Đời Sống Của Học Sinh Bỏ Học Tại Xã Bình Tấn
- Quá Trình Triển Khai Hoạt Động Nhóm (Khảo Sát Nhóm)
- Cây Vấn Đề Liên Quan Đến Khó Khăn Trong Học Tập Của Nhóm Thân Chủ
- Công tác xã hội nhóm với học sinh sống xa cha mẹ tại trường Trung học cơ sở Bình Tấn, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp - 12
Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống, các em cũng gặp phải khó khăn từ vấn đề hôn nhân của cha mẹ, ít được gặp cha mẹ, thời lượng gặp mỗi lần ngắn, điều này đã góp phần dẫn đến 66,8% chưa cảm nhận được hạnh phúc gia đình. Trong khi đó, cha mẹ di cư còn hạn chế trong việc quan tâm đến đời sống tinh thần của các
em, như chia sẽ “mình cũng cách xa con nên đời sống tinh thần của nó mình cũng không hiểu” (PVS PH02), hay như “bỏ con bỏ cái ở lại quê nhà, nó thiếu tình thương, đủ thứ hết” (VPS PH12) hoặc “chị hông được ở gần … nó ở nhà thì ở với bà ngoại nên thiếu thốn tình thương” (PVS PH07).
Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho các em ở giai đoạn này, ngoài gia đình thì nhà trường và chính quyền địa phương là hai đơn vị không thể không nhắc đến. Bởi lẽ, ngoài việc cung cấp kiến thức, nhà trường cũng là nơi để giúp các em hình thành và phát triển kỹ năng, các mối quan hệ xã hội lành mạnh thông qua các hoạt động giáo dục, giải trí…. Trong khi đó, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và HS nói riêng, điều này đã được quy định cụ thể trong một số văn bản nhà nước.
Trên thực tế, những năm qua hai đơn vị này đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ về vật chất như: tặng quần áo, xe đạp, tập, sách, dụng cụ học tập, học bổng, BHYT cho HS cận nghèo; về tinh thần như: vận động đối với HS bỏ học, tổ chức chức các hoạt động vui chơi giải trí nhân dịp quốc tế thiếu nhi, tết trung thu và các ngày lễ, tết…Những hỗ trợ trên là rất có ý nghĩa với các em HS, tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần hoàn thiện như: tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa thì thầy P.H.C cho biết “từ nào giờ chưa làm (tổ chức) riêng cho nhóm HS có cha mẹ đi làm ăn xa” (PVS CB04) và các hỗ trợ vật chất thường dựa trên tiêu chí HS thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc khó khăn nhưng học giỏi. Trong khi đó, một số cán bộ địa phương nhận định “đa phần là thấy đi làm về là khá,..sửa chữa nhà, cất (nhà) ngon hơn mình ở đây nữa. …lên trển mà cố chí làm ăn hé, là về cất nhà tường nhiều lắm, …(nhà) mấy trăm triệu không” (PVS CB01). Điều này cho thấy, HS sống xa cha mẹ ở đây chưa thật sự được xem là đối tượng đang có nhiều khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ.
Nhìn chung, HS sống xa cha mẹ tại trường THCS Bình Tấn đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong hoạt động học tập, các hoạt động hỗ trợ mang tính CTXH của nhà trường đã phần nào cải thiện một số khó khăn của các em. Song, do vẫn còn thiếu sự tham gia của NVXH chuyên nghiệp nên quá trình trợ giúp đối với các em vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Từ những lý do trên, thiết nghĩ việc xây dựng mô hình hỗ trợ can thiệp đối với các em HS này là việc làm hết sức cần thiết, trong đó hướng đến giải quyết một phần khó khăn trong học tập và đời sống. Do vậy, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, tác giả chọn phương pháp CTXH nhóm với các em HS sống xa cha mẹ tại Trường THCS Bình Tấn và xây dựng mô hình nhóm giáo dục để tiến hành các bước can thiệp để giải quyết một số khó khăn của các em. Riêng khó khăn về kinh tế, tác giả sẽ ghi nhận, chia sẽ với nhà trường, chính quyền địa phương để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ.
3.2. Tiến trình CTXH nhóm
Xuất phát từ những vấn đề lý luận và thực tiễn cùng với đặc điểm của HS sống xa cha mẹ tại địa bàn nghiên cứu, tác giả xác định các hoạt động can thiệp với các em phải đảm bảo các bước tiến trình CTXH nhóm và cần có sự linh hoạt để phù hợp và đạt hiệu quả. Do vậy, trong phần này tác giả sẽ trình bày các nội dung chính của tiến trình nhóm từ giai đoạn chuẩn bị, thành lập nhóm đến hoạt động can thiệp, kết quả của quá trình can thiệp và cuối cùng là bước lượng giá, kết thúc, chuyển giao nhóm. Trong đó, các buổi sinh hoạt sẽ được trình bày những nội dung chính, các phần chi tiết sẽ được mô tả thêm trong phần phụ lục.
3.2.1. Quá trình chuẩn bị và thành lập nhóm
Để tiến trình can thiệp nhóm được diễn ra, trong giai đoạn này tác giả xác định phải thực hiện tốt các bước chuẩn bị liên quan để thành lập được nhóm thân chủ là những em HS sống xa cha mẹ tại trường THCS Bình Tấn. Mục đích hướng đến nhằm giúp các em chia sẽ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để giải quyết những khó khăn trong học tập và đời sống, từ đó giúp cho các em có khả năng đạt kết quả cao trong học tập và hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Trên cơ sở đó, tác giả nhận thấy cần phải cùng với các em nhận diện được những khó khăn và đồng thời xác định được những giải pháp phù hợp để vận dụng vào tiến trình nhóm nhằm cải thiện tình hình khó khăn hiện tại của các em.
3.2.1.1. Đánh giá các nguồn lực hỗ trợ
Trong khi thực hiện tiến trình can thiệp nhóm, tác giả đặc biệt quan tâm đến các nguồn lực khả thi tại cộng đồng, bởi lẽ như một số tác giả đã chia sẽ “cộng đồng đóng vai trò chủ thể của mọi hoạt động tại địa phương mình và sự tham gia của người dân địa phương trong tất cả các hoạt động là cách làm tốt nhất để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của người dân” [3]. Từ cách tiếp cận trên, tác giả đã đánh giá và huy động được các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động nhóm như sau:
- Nhân lực: để huy động nguồn lực hỗ trợ vào tiến trình nhóm, tác giả nhận thấy vấn đề của các em chủ yếu diễn ra trong ba môi trường chính là gia đình, nhà trường và cộng đồng nơi các em sinh sống, do đó chúng tôi đã phân tích, đánh giá và đã huy động được sự vào cuộc của các đơn vị này. Cụ thể là sự đồng tình, ủng hộ từ Ban giám hiệu trường THCS Bình Tấn, trong đó thầy Hiệu trưởng chỉ đạo một số giáo viên chủ nhiêm, giáo viên phụ trách Đoàn, Hội sẽ tham gia phối hợp khi cần thiết. Về phía chính quyền địa phương đã phân công cán bộ ấp hỗ trợ trong suốt quá trình khảo sát, cung cấp các thông tin cần thiết và đưa ra ý kiến tham vấn…. Trong khi đó, phụ huynh các em là những người biết khá rõ về điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn các em đang gặp và nếu không có sự đồng ý của họ thì rất khó để tiến hành hoạt động. Vì lẽ đó, quá trình tiếp cận với họ, chúng tôi phải tạo lập được niềm tin và mối quan hệ tích cực với họ cũng như giải thích rõ mục đích hoạt động để tránh kì vọng hỗ trợ vật chất. Điều đáng mừng là tác giả đã nhận được sự đồng thuận cao của 15 phụ huynh, như chị
T.T.P có con học lớp 6 chia sẽ “dạo này (tuổi này) là phải cho nó vừa học vừa chơi đó nó mới tiếp thu được, tụi này mà bữa nay ép học quá nó cũng không muốn học lắm” (PVS PH12). Ngoài ra, để các hoạt động diễn ra thuận lợi, tác giả cũng mời thêm một sinh viên năm cuối ngành CTXH của trường Đại học Đồng Tháp tham gia với vai trò tình nguyện viên để hỗ trợ quan sát, ghi chép lại diễn tiến từng buổi sinh hoạt để học viên và nhóm TC chủ xem xét, điều chỉnh hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
- Cơ sở vật chất: nhận thấy các buổi sinh hoạt nhóm cần phải được tổ chức tại địa điểm thuận lợi, có trang thiết bị, bàn ghế, điện, nước và đảm bảo an toàn cho các em. Chúng tôi đã trao đổi với BGH trường và chính quyền địa phương xã Bình Tấn và đã nhận được sự đồng tình hỗ trợ, trong đó nhà trường tạo điều kiện để sử dụng phòng học, sân trường, chính quyền địa phương sẳn sàng cho mượn văn phòng ấp và sân bóng chuyền cùng các vât dụng cần thiết. Sau khi phân tích và thảo luận với nhóm thân chủ, chúng tôi thống nhất chọn văn phòng ấp 3 để sinh hoạt vì thuận tiện cho việc đi lại, an toàn của nhóm.
- Tài chính: mặc dù địa điểm sinh hoạt, điện, nước… đã được địa phương hỗ trợ, tuy nhiên để các buổi sinh hoạt được chất lượng và tạo được sự hứng thú đối với nhóm, chúng tôi cũng đã tiến hành lập kế hoạch kinh phí cho các buổi sinh hoạt gồm các khoản: nước uống, văn phòng phẩm, quà tặng trong các trò chơi và các khoản phát sinh dự trù (chi tiết đính kèm trong phụ lục).
Có thể thấy, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế, tuy nhiên chúng tôi đã huy động được các nguồn lực cần thiết, từ nhân lực đến cơ sở vật chất và kinh phí, tương đối phù hợp và đầy đủ cho tiến trình can thiệp nhóm.
3.2.1.2. Đánh giá tính khả thi của việc thành lập nhóm
- Khó khăn trong quá trình thành lập nhóm: ngay trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, tác giả đã xác định đây là vấn đề còn khá mới, do đó việc tiếp cận các tài liệu liên quan cũng như quá trình thực hiện có thể sẽ gặp một số thách thức. Trên thực tế, một số khó khăn mà tác giả đã gặp phải và đã giải quyết như: việc vãng gia thu thập thông tin tốn nhiều thời gian do các em phân bố đều trên các ấp, một số hộ thường vắng nhà nên phải kiên trì, đi lại nhiều lần để tiếp cận. Ngoài ra, một số hộ nghĩ rằng sẽ có hỗ trợ vật chất nên cung cấp thông tin có thể chưa được chính xác do vậy cần phải tham khảo, đối chiếu với những nguồn thông tin khác. Bên cạnh đó, mặc dù có đến 71,34% các em cho biết có khó khăn (xem ở biểu đồ 2.5) nhưng một số em còn e ngại nên việc thành lập nhóm bị chậm trễ, tác giả phải tìm hiểu, động viên. Ngoài ra, một số cán bộ ấp bận nhiều công tác
chuyên môn nên cũng hạn chế về thời gian để hỗ trợ khảo sát, một số giáo viên chưa biết hết nhà của các em này nên việc hỗ trợ cũng còn hạn chế.
- Thuận lợi: mặc dù tồn tại một số khó khăn, tuy nhiên tác giả cũng đã có sự chuẩn bị từ trước nên quá trình thực hiện cũng gặp được một số thuận lợi như: được cán bộ ấp cung cấp danh sách các hộ gia đình đi làm ăn xa nhà để rà soát những hộ có con trong độ tuổi học cấp II, sau đó liên hệ để xác định những em còn đang học và tiến hành lên kế hoạch viếng thăm hộ để thu thập thông tin. Thông qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương (cán bộ ấp), tác giả đã tiếp cận và xây dựng được mối quan hệ tích cực với phụ huynh của các em từ đó thu thập được các thông tin cần thiết và chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo như phỏng vấn sâu phụ huynh và tham khảo ý kiến của họ về việc chấp nhận cho con em mình tham gia sinh hoạt nhóm. Mặc dù phải đi lại nhiều lần để khảo sát, tuy nhiên các anh chị cán bộ ấp cũng đã rất nhiệt tình hỗ trợ và đóng góp ý kiến để quá trình khảo sát, thành lập nhóm đạt được kế hoạch.
Ngoài ra, tác giả cũng tham khảo ý kiến của phụ huynh về việc các em tham gia sinh hoạt nhóm và được 15 phụ huynh đồng ý. Tuy nhiên, tác giả cũng rất quan tâm việc tự nguyện tham gia của thân chủ nên đã khảo sát ý kiến của các em này, kết quả có 10 em tự nguyện tham gia (chi tiết đính kèm trong phụ lục)
Được sự giúp đỡ của cán bộ ấp, chúng tôi cũng đã có được buổi gặp gỡ đầu tiên với các em để tiến hành thành lập nhóm, giới thiệu thành viên, xây dựng mục đích nhóm và thống nhất lịch trình sinh hoạt. Do các em còn xa lạ với nhau nên tác giả đã hướng dẫn và làm mẫu để các em tự giới thiệu với nhau về các thông tin: tên, tuổi, lớp học, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, ước mơ, lo lắng.. Mục đích nhằm giúp các em làm quen với nhau, rèn luyện sự tự tin trình bày trước đám đông và khám phá chính bản thân mình. Trong buổi gặp gỡ này chúng tôi cũng đã thảo luận và đi đến thống nhất mục đích nhóm là chia sẽ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để giải quyết khó khăn trong học tập và đời sống, toàn bộ tiến trình sẽ được diễn ra trong 6 buổi sinh hoạt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chia sẽ với nhau về những kỳ vọng khi tham gia vào nhóm, thỏa thuận một số quy tắc cần tuân thủ và xác định vai trò nhiệm vụ trong suốt tiến trình nhóm. Các