Côn trùng đại cương Nghề Bảo vệ thực vật - Cao đẳng Phần 1 - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - 10

hại quan trọng cho cây ăn trái, cây rừng và nhiều loại cây gỗ. Thành trùng đẻ trứng trên những kẻ nứt của vỏ cây, sau khi nở, ấu trùng sẽ đục vào trong phần gỗ cây. Những đường đục trong gỗ cây thường có dạng hình tròn (thiết diện cắt ngang) khác với đường đục của ấu trùng họ Bổ củi giả, thường có dạng bầu dục, và các đường đục trong gỗ gây ra bởi ấu trùng bộ Xén tóc thường kéo dài một đoạn thẳng nhỏ trước khi quay hướng đục.

Thành trùng của một số loài có thể ăn phá trên bông.

Một số loài gây hại phổ biến là xén tóc đục thân, cành xoài Plocaderus ruficornis, bọ hại cà phê Xylotrechus quadripes, Chevr.

j) Họ Mọt đậu (Bruchidae)

Cơ thể ngắn, thường nhỏ hơn 5 mm, hình trứng hoặc bầu dục ngắn, thường hẹp về phía trước. Mặt lưng hơi vồng lên. Cánh cứng ngắn và không che phủ hết phần bụng. Mình phủ đầy lông nhỏ, màu nâu hoặc xám, pha lẫn các đốm màu trắng. Đầu hơi cuối thẳng xuống. Râu đầu có 11 đốt mọc phía trước mắt kép, thường dài bằng hoặc ngắn hơn nữa chiều dài thân. Râu đầu dạng sợi chỉ hoặc răng cưa hoặc dùi đục. Mắt kép rất lớn, mép trước của mắt kép thường lõm vào hình chữ U ôm lấy chân râu. Bàn chân có công thức 4-4-4.

Ấu trùng mình hơi cong, béo, không mắt, không chân, ăn phá bên trong hạt của nhiều loại cây trồng. Thành trùng đẻ trứng trên hạt, ấu trùng nở ra sẽ chui vào đục phá hạt. Một số loài tấn công cả những hạt giống đã khô, dự trữ trong kho.

Một vài loài, đặc biệt là các loài gây hại trên hạt các cây họ đậu là những loài gây hại quan trọng như loài Bruchus chinensis L.

i) Họ Bóng tối (Tenebrionidae)

Có nhiều hình dạng khác biệt nhau, màu sắc thường nâu hoặc đen, đầu nhỏ, một phần thụt vào phía dưới mép trước của mảnh lưng ngực trước. Râu đầu dài thường có 11 đốt, hình sợi chỉ hoặc dùi đục. Mép trong của mắt kép thường lõm vào và vây quanh lấy ổ chân râu. Bàn chân có công thức 5-5-4. Mép sau đốt bụng thứ nhất không bị đốt chậu chân sau chia cắt. Rất nhiều loài màu đen láng và có dạng tương tự họ chân chạy, một vài loài có cơ thể rất cứng.

Sâu non đa số có hình dài, mảnh, hơi dẹp; da cứng màu vàng nâu tựa sâu thép. Phần lớn gây hại thực vật, một số loài đục khoét các hạt ngũ cốc hoặc các sản phẩm nông nghiệp tồn trữ trong kho, vựa. Gây hại quan trọng, ví dụ như các loại mọt Tribolium Tenebrio molitor.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

k) Họ Mọt gỗ ngắn (Scolytidae)

Kích thước nhỏ, hình ống, ít khi dài quá 8 mm, thường có màu nâu hay đen.

Côn trùng đại cương Nghề Bảo vệ thực vật - Cao đẳng Phần 1 - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - 10

Râu đầu ngắn, hình dùi trống và gấp hình đầu gối. Đầu nhỏ, ở một số loài, mảnh lưng ngực trước rất phát triển che khuất hết phần đầu. Miệng có hàm trên phát triển. Cánh trước có nhiều chấm lõm nằm trong các đường rạch dọc. Có loài cuối cánh, vạt thành mặt nghiêng và trên đó có răng. Đốt chày chân trước có dạng thích nghi cho việc đào bới. Bàn chân 5-5-5. Côn trùng họ nầy thường sống dưới vỏ cây hoặc trong thân và cành cây lâu năm, đục khoét thành các đường hầm, các đường này thường có dạng đặc biệt. Một số ít loài đục phá hạt giống, trái dự trữ trong kho.

Loài thường gặp: mọt đục cà phê (Xyleborus morstatii H.)

l) Họ Vòi voi (Curculionidae)

Thành phần loài rất phong phú, gần như hiện diện khắp mọi nơi. Đầu thường kéo dài về phía trước như một cái vòi; miệng gậm nhai ở phía cuối vòi. Hình dạng, kích thước của vòi thay đổi rất nhiều, tùy loài. Râu đầu thường nằm ở phân nửa chiều dài của vòi, râu có dạng bầu dục (3 đốt cuối phình to), thường gấp cong hình đầu gối và có từ 3-12 đốt. Bàn chân cryptopentamère. Cánh sau phát triển bình thường, song có một số loài ít sử dụng cánh sau để bay mà thường bò trên mặt đất.

Ấu trùng màu trắng vàng, không có chân, thường có hình hơi cong kiểu chiếc liềm. Có một số loài sống trên cây có chân ngắn.

Thành trùng và ấu trùng đều ăn phá thực vật, có thể tấn công nhiều bộ phận khác nhau của thực vật (như rễ, thân, lá, trái, hạt, bông,...) hoặc sống trong đất. Ấu trùng đa số sống trong mô cây, một số loại có thể tạo thành bướu sâu.

Một số loài gây hại phổ biến như Sùng khoai lang Cylas formicarius Fabr., Mọt gạo Sitophilus oryzae L., đuông đục thân dừa Rhynchophorns ferrugineus., câu cấu xanh Hypomyces squamesus.

m) Họ Bọ hung (Scarabaeidae)

Có kích thước, màu sắc và tập quán sinh hoạt rất khác biệt tùy theo loài. Cơ thể thường cứng, nặng nề, đa số có hình bầu dục, lưng hơi vồng lên, râu đầu hình lá lợp hay hình quạt hơi cong hoặc phình to ở phía đầu, dạng gấp khúc, đầu gối có từ 8 - 11 đốt. Bàn chân có công thức 5-5-5. Mép ngoài đốt chày chân trước có 2 - 3 răng cưa hoặc gai cưa. Ấu trùng mập, trắng hoặc vàng uốn cong hình chữ C, đầu và miệng nhai rất phát triển, chân ngực phát triển, nhưng di chuyển rất chậm.

Các loài trong nhóm bọ hung có tập quán sinh hoạt rất khác biệt nhau, rất nhiều loài ăn phân và ăn những chất mục nát thực vật, xác chết, một số loài ăn nấm và nhiều loài ăn thực vật. Trưởng thành có thể cắn phá các phần của cây phía trên mặt đất như lá, hoa. Có tính ăn rộng, ấu trùng ăn các phần ở dưới đất như: rễ, gốc cây con,...

Một số loài phổ biến như: các loài kiến vương trên dừa Oryctes rhinoceros, Xylotrupes gideon, bọ hung đục gốc mía Alissonotum pauper Burm, bọ Cánh cam (Anomala sp.).

4.3. Bộ cánh màng Hymenoptera

Bao gồm các loại côn trùng có những đặc điểm như sau: hai cặp cánh đều thuộc loại cánh màng, cặp cánh sau thường nhỏ hơn cặp cánh trước và thường trên mép trước của cánh sau có một hàng móc câu nhỏ móc lên nếp cuống của mép sau cánh trước, hệ thống mạch cánh thay đổi, phức tạp. Các mạch dọc thường gấp khúc, có tên gọi là mạch quay. Có loài mạch cánh thoái hóa gần hết, có loài lại không có cánh. Miệng thuộc kiểu miệng nhai, nhưng ở nhóm cánh màng cấp cao, môi dưới và hàm dưới hợp thành một cấu tạo giống như lưỡi, dùng để lấy thức ăn. Râu đầu thường có từ 10 đốt trở lên và thường rất dài. Bàn chân thường có 5 đốt, có 1 - 2 đốt chuyển. Bộ phận đẻ trứng thường phát triển và ở một số loài, ống đẻ trứng thường có dạng ngòi châm và được sử dụng như một cơ quan tự vệ.

Thuộc nhóm biến thái hoàn toàn. Ấu trùng đa số có đầu phát triển, ngực gồm 3 đốt và bụng có 10 đốt. Ấu trùng của bộ phụ Symphyta có dạng sâu non của bộ cánh vảy, với 3 đôi chân ngực, tuy nhiên khác với bộ cánh vảy vì ấu trùng của Symphyta có trên 5 đôi chân bụng và chân bụng không có móc và thường chỉ có một đôi mắt đơn. Nhộng thuộc dạng nhộng trần, có nhiều loài có kén bao bọc nhộng. Phần lớn giới tính được quyết định qua việc thụ tinh của trứng, trứng được thụ tinh cho ra cá thể cái, trứng không được thụ tinh thường cho ra cá thể đực.

Theo đánh giá của con người, thì bộ cánh màng là một bộ có lợi nhất trong toàn lớp côn trùng, bộ này gồm hầu hết những loài có ích, đó là những loài ăn mồi, ký sinh và bộ này còn bao gồm rất nhiều loại ong cần thiết cho vấn đề thụ phấn cây trồng. Hầu hết các loại ong ký sinh đều có kích thước rất nhỏ. Trong bộ Cánh màng có nhiều loài có tập quán sống quần tụ thành xã hội như ong, kiến; có hành vi tập quán rất cao. Chỉ một số ít loài là gây hại trên cây trồng như những loài thuộc bộ Ong ăn lá (Tenthredinidae).

* MỘT SỐ HỌ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NÔNG NGHIỆP

a) Họ Ong cự (Ichneumonidae)

Đây là một trong những họ lớn nhất của lớp côn trùng, hiện diện hầu như khắp nơi, riêng ở Bắc Mỹ đã ghi nhận có trên 3100 loài.

Thành trùng có kích thước, hình dạng, màu sắc rất khác biệt nhau, nhưng phần lớn đều có cơ thể dài, mảnh khảnh. Nhóm này khác với những loại ong khác do chúng có râu đầu dài (thường có từ 6 đốt trở lên), có 2 đốt chuyển và thiếu một buồng Costal ở cánh trước. Cánh trước có hai mạch quay, tạo thành 3 buồng giữa

nhỏ (buồng M1 và buồng M2 cách nhau bởi một mạch quay). Bụng có 7-8 đốt dài và hẹp. Phía trước đốt bụng thứ nhất thon nhỏ như một cái cuống. Ống dẻ trứng khá dài, thường dài hơn chiều dài của cơ thể.

Ong cự có thể tấn công nhiều loại ký chủ, phần lớn các loài thuộc nhóm nội ký sinh trên ấu trùng hoặc sâu non của côn trùng thuộc bộ Cánh vẩy và cánh cứng.

b) Họ Ong kén nhỏ (Braconidae)

Đây cũng là một họ lớn của bộ Cánh màng. Thành trùng thường có kích thước rất nhỏ, ít khi vượt quá 15 mm chiều dài, phần lớn cơ thể trông mạnh và chắc hơn các loài ong cự và chiều dài của bụng thì gần bằng với chiều dài của ngực và bụng cộng lại. Nhóm này giống ong cự ở chỗ là cánh trước thiếu một buồng costal, nhưng khác là nhóm ong kén nhỏ chỉ có một mạch quay (recurrent vein). Tập quán ký sinh của ong kén nhỏ tương tự ong cự nhưng khác với ong cự là nhóm này thường kéo kén hoá nhộng bên ngoài cơ thể ký chủ.

Hiện tượng đa phôi được ghi nhận ở một số loài, chủ yếu trong giống Macrocentrus, mỗi trứng của M. grandii đẻ trên ấu trùng của sâu đục thân bắp sẽ cho ra từ 16-24 ấu trùng ký sinh mới.

c) Họ Ong nhỏ (Chalcidae)

Họ lớn của bộ Cánh màng. Đa số đều có kích thước rất nhỏ, một vài loài thuộc họ Mymaridae có kích thước nhỏ hơn 0.5 mm. Họ Ong nhỏ hiện diện khắp mọi nơi nhưng do kích thước quá nhỏ nên ít được nhận thấy. Phần lớn dài từ 2-3 mm, mặc dù một số ít loài cơ thể dài đến 10-15 mm (Leucospiridae). Phần lớn có màu nâu hay đen pha trộn với những đốm vân màu trắng hay vàng hoặc màu xanh kim loại. Phần lưng ngực hơi vồng lên, đốt đùi chân sau thường phình to và có những răng lồi nhỏ. Đốt chày chân sau hơi cong vào. Râu đầu có dưới 13 đốt.

Rất dễ nhận diện do cấu tạo đặc biệt của gân cánh. Phần lớn ký sinh trên những loại côn trùng khác, tấn công chủ yếu trứng hay ấu trùng của bộ Cánh vẩy, bộ Hai cánh, bộ Cánh cứng và bộ Cánh đều. Rất nhiều loài đã được du nhập vào Mỹ để sử dụng trong biện pháp phòng trị sinh học. Trên lúa thường gập các loài ong Brachymeria ký sinh trên sâu non và nhộng của sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá to và sâu bướm mắt rắn.

Một số ít loài gây hại cây trồng, ấu trùng ăn phá trong hạt giống, thân hoặc các bướu.

d) Họ Ong Mắt đỏ (Trichogrammatidae)

Có kích thước rất nhỏ (0.3-1 mm), bàn chân có 3 đốt nên còn được gọi là họ Ong ba đốt bàn. Cánh trước rộng, mặt cánh phủ nhiều lông rất nhỏ, mịn, xếp thành hàng. Hệ thống mạch cánh rất thoái hóa, chỉ còn 1-2 mạch. Cơ thể thường có màu

vàng hay đỏ gụ. Râu đầu gấp dạng đầu gối, có 12 đốt. Hầu hết ký sinh trứng côn trùng khác, nhất là trứng của côn trùng bộ Cánh vảy và Cánh đều.

Loại phổ biến: Trichogramma spp. ký sinh bộ Cánh vảy

e) Họ Ong nhảy nhỏ (Encyrtidae)

Gồm khá nhiều loài, phân bố rộng. Kích thước nhỏ từ 1-2 mm. Râu đầu có từ 8 - 12 đốt. Bàn chân 5 đốt. Chân giữa phát triển, nhảy giỏi. Phần cuối đốt chày chân giữa có một cựa lớn. Cánh trước thường có vân màu nâu hoặc đen. Đa số Ong nhảy nhỏ ký sinh rầy mềm (Aphididae), rệp dính các loại và rầy bột phấn (Aleyrodidae) thuộc bộ Homoptera. Có một số loài có chuyên tính ký sinh đối với ký chủ như giống Aphycus thích ký sinh trên giống rệp sáp Coccus. Giống ong Blastothrix chuyên ký sinh trên Coccus Pulvinaria. Một số loài đã được sử dụng để phòng trừ rệp sáp có hiệu quả như ong Pseudophycus utilus Timb, Blastothrix sericae Dalm.

Một số ít loài thuộc nhóm ký sinh cấp 2. Nhiều loài có kiểu sinh sản đa phôi, từ một trứng có thể sản sinh ra từ 10 - trên 1000 cá thể mới.

f) Họ Ong nhỏ râu ngắn (Eulophidae)

Khá phổ biến, chỉ riêng tại Bắc Mỹ đã phát hiện trên 600 loài. Kích thước nhỏ (1-3 mm), Râu đầu ngắn ít đốt. Bàn chân có 4 đốt. Lông mịn trên mặt cánh không xếp thành hàng. Bụng thắt nhỏ phía trước. Nhiều loài có màu sắc kim loại sáng. Râu đầu con đực (của nhiều loài) có dạng răng lược.

Một số loài thuộc nhóm ký sinh cấp 2.

Loài phổ biến: Giống Aphelinus ký sinh trên cơ thể rầy mềm, giống

Coccophagus ký sinh trên rệp sáp.

g) Họ Ong xanh nhỏ (Pleromalidae)

Gồm khá nhiều loại kích thước rất nhỏ, màu đen hoặc màu xanh kim loại. Râu đầu 13 đốt, bàn chân 5 đốt. Cuối hàm trên có 3-4 răng. Ký sinh và tấn công nhiều loại ký chủ khác nhau.

Đa số ký sinh trên sâu non và nhộng bộ Cánh vẩy và bộ Cánh cứng. Một số khác ký sinh trên sâu non bộ Cánh màng và nhộng bộ Hai cánh. Cũng có một số loài ký sinh trên bộ Cánh đều, bộ Cánh thẳng, bộ Cánh mạch. Có thể ăn hoặc ký sinh trứng.

Loài phổ biến: ong xanh nhỏ Dibrachys cavus Walker ký sinh trên sâu hồng hại cây bông vải (đã được sử dụng trừ sâu hồng tại nước ngoài).

h) Kiến (Formicidae)

Nhóm này rất phổ biến, gồm rất nhiều loài, phân bố hầu như khắp nơi với số lượng nói chung rất cao, nhóm này có tập quán và hành vi rất tiến tiến hoá, sống thành xã hội. Trong tổ kiến ghi nhận có kiến chúa, kiến đực và kiến thợ. Kiến chúa có kích thước lớn hơn các nhóm khác, thường có cánh và thường biến mất sau khi giao phối, kiến đực có cánh và thường nhỏ hơn kiến chúa, đời sống ngắn thường chết sau khi bắt cặp, kiến đực thuộc nhóm bất thụ không cánh chiếm số lượng cá thể cao nhất trong tổ .

Trong các tập đoàn tổ kiến nhỏ thường chỉ có ba dạng hình như vừa nêu trên nhưng ở các tập đoàn lớn thì từng nhóm có từ hai đến ba dạng hình này có thể khác nhau về kích thước, hình dạng hoặc một số đặc tính khác.

Mặc dù dạng kiến rất dễ nhận diện nhưng có nhiều loài côn trùng khác có hình dạng rất giống kiến, bên cạnh đó, nhiều dạng kiến có cánh lại có hình dạng rất giống các loài ong. Đặc điểm cơ bản để phân biệt kiến với các loài côn trùng khác là nhờ sự hiện diện của cuống bụng, cuống này thường gồm có từ một đến hai đốt và thường mang nhiều phần lồi ở phía bụng, râu đầu thường có dạng hình đầu gối và đốt thứ nhất của râu đầu rất dài. Tập quán sinh hoạt rất thay đổi. Nhiều loài ăn mồi chuyên tấn công những động vật nhỏ khác, một số loài khác sinh sống trên nấm, sáp phấn hoa, mật hoặc nhiều chất tương tự và một số loài khác tấn công trên thực vật.

Do thích chất mật ngọt nên trong tự nhiên nhiều loài kiến thường sống cộng sinh với các loại côn trùng thuộc nhóm chích hút như rầy mềm, rệp sáp, rầy bông..., ví dụ điển hình cho nhóm này là sự cộng sinh của rệp sáp Dysmicoccus brevipes gây hại trên cây khóm (dứa, thơm) với loại kiến Pheidole megacephala . Kiến xây những tổ bằng mùn chung quanh các quần thể rệp sáp nhằm bảo vệ loài này tránh khỏi sự tấn công của các loài thiên địch cũng như những điều kiện bất lợi của môi trường như khô hạn,... ... ngược lại kiến sẽ sử dụng mật ngọt do rệp sáp tiết ra. Do bảo vệ các nhóm chích hút (gây hại cho cây trồng), nên nhiều loại kiến thường được xếp vào nhóm gây hại.

Tuy nhiên, do khả năng tấn công nhiều loại côn trùng khác cũng như khả năng ăn mồi cao, nên nhiều loại kiến cũng được sử dụng như một tác nhân phòng trừ sinh học. Điển hình cho nhóm này là kiến vàng Oecophylla smaragdina, loại kiến này đã và đang được sử dụng rất nhiều trên các vườn cây có múi (citrus) tại đồng bằng sông Cửu Long, ngoài khả năng thiên địch rất cao, có thể khống chế nhiều loại địch hại quan trọng trên cam, quít, chanh , bưởi, kiến vàng còn có khả năng làm gia tăng chất lượng trái một cách rõ rệt.

4.4 Bộ cánh vảy Lepidoptera

Đây là một bộ rất lớn với khoảng 140 000 loài đã được ghi nhận, phân bố rất

rộng, hiện diện hầu như khắp mọi nơi, thường với những số lượng rất lớn. Phần lớn cơ thể, chân và cánh mang nhiều lông vảy nhỏ. Miệng thuộc dạng vòi hút, hàm trên thoái hóa chỉ còn một chút dấu vết hoặc không còn, môi dưới không có, râu môi dưới phát triển có ba đốt, râu hàm dưới nhỏ hoặc không còn; một số ít loài có miệng thoái hóa và không ăn vào giai đoạn thành trùng; chỉ có một họ duy nhất trong bộ này là con trưởng thành có kiểu miệng nhai gậm, đó là họ Micropterigidae.

Râu đầu của bộ Cánh vảy có nhiều dạng: sợi chỉ, hình lược, hình chùy. Mắt kép thường lớn, gồm nhiều mắt nhỏ. Phần lớn các loài ngài có hai mắt đơn. Hai cánh bằng chất màng phủ đầy lông vảy nhỏ. Những lông này có nhiều màu sắc và những đường vân khác nhau. Mạch cánh có mạch dọc và mạch ngang. Sự phân nhánh của hệ thống mạch cánh tùy từng họ mà khác nhau. Thuộc nhóm biến thái hoàn toàn, ấu trùng được gọi là sâu bướm (caterpillar), nhộng thuộc nhộng màng, nhiều loài trước khi hoá nhộng thường nhả tơ dệt kén.

Sâu non dạng nhiều chân, với bộ phận đầu rất phát triển, cơ thể hình ống dài, 13 đốt (3 đốt ngực và 10 đốt bụng); có 6 mắt đơn ở 2 bên đầu và một đôi râu rất ngắn. Miệng thuộc kiểu nhai gậm, hàm trên to và khoẻ. Mỗi đốt ngực mang một đôi chân ngực. Bụng có từ 2-5 đôi chân ở vị trí tương ứng với đốt bụng thứ 3,4,5,6 và 10. Đôi chân ở đốt bụng thứ 10 thường được gọi là đôi chân mông. Phía cuối chân bụng có một đến nhiều móng dạng móc câu, xếp thành từng kiểu khác nhau tuỳ loài và đây là đặc điểm quan trọng để phân loài. Một số loài có ít hơn 5 đôi chân bụng như các loài sâu đo, có loài lại hoàn toàn không có chân bụng như một số loài họ Xycanidae và những loài sâu ăn lá thuộc Microlepidoptera, hoàn toàn không có chân ngực lẫn chân bụng.

Trong bộ cánh vảy, người ta thường chia thành hai nhóm: nhóm bướm (butterfly) và nhóm ngài (moth). Nhóm bướm hoạt động ban ngày, thường có màu sắc sặc sỡ, nhóm ngài hoạt động ban đêm thường có màu tối. Đa số ngài hoặc sâu bướm đều thuộc nhóm gây hại thực vật, tính ăn khác nhau tùy loài, giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Đa số ăn phá lá, nhiều loài còn ăn bông, đục lá, đục trái, đục mầm, cành, thân, rễ và một số bộ phận khác của cây. Có một số ít loài thuộc nhóm ăn mồi. Thành trùng không gây hại cây trồng vì chỉ hút mật hoa, nước, sương hoặc không ăn.

Ấu trùng bộ Cánh vảy có tuyến tơ rất phát triển. Rất nhiều loài sử dụng tơ để làm kén, một số ít loài tiết tơ để làm chỗ trú ẩn như các loài sâu cuốn lá tiết tơ để nối chặt các mép lá thành tổ và ăn phá trong lá bị cuốn.

* MỘT SỐ HỌ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NÔNG NGHIỆP

a) Họ Ngài đêm (Noctuidae)

Đây là họ lớn nhất trong bộ cánh vảy, tại Canada và Mỹ đã ghi nhận có trên 2700 loài. Cơ thể phủ nhiều lông nhỏ, cặp cánh trước thường hẹp và cặp cánh sau rộng. Râu môi dưới thường dài, râu đầu thường có dạng hình sợi chỉ. Một số loài thường có một chùm lông vảy hiện diện trên phần lưng ngực. Ở cánh trước, gốc của mạch M2 gần mạch M3 hơn so với M1 và gân Cubitus có vẻ như có 4 mạch. Ở cánh sau, mạch subcosta và Radius tách xa nhau ở phần gốc nhưng gặp nhau ở phía gốc của buồng discal và mạch M2 có thể hiện diện hoặc không hiện diện. Sâu non phần lớn mềm và có màu tối, đa số có 5 đôi chân bụng, một số loài đôi chân bụng thứ nhất hoặc thứ nhất và thứ hai thoái hóa, nên khi bò rất giống sâu đo và được gọi là sâu đo giả. Nhiều loài trong họ này gây hại quan trọng trên thực vật. Phần lớn ăn phá trên các bộ phận của lá, một số loài đục trái, đục thân và các bộ phận khác của cây. Sâu non tuổi càng lớn lại càng thường hoạt động về đêm và sức ăn rất mạnh.

Một số ít loài có thể ăn nấm trên gỗ mục hoặc keo nhựa cánh kiến. Tập quán sinh sống phức tạp, nhiều loài ban đêm bị hấp dẫn bởi ánh sáng đèn, ưa thích các mùi vị chua ngọt, nhiều loài có khả năng di chuyển theo từng đàn rất mạnh như nhóm Spodoptera. Loài gây hại phổ biến như sâu ăn tạp (Spodoptera litura), sâu xanh da láng (Spodoptera exigua), Sâu xanh (Heliothis armigera).

b) Họ Ngài sáng (Pyralidae)

Đây là họ lớn thứ 2 trong bộ cánh vảy. Đa số có kích thước nhỏ, mỏng mảnh, có màng nhỉ nằm ở phía bụng, râu môi dưới phát triển, vòi hút có nhiều vảy, cánh trước dài hình tam giác. Cánh trước: mạch R3 và R4 cùng chung một đoạn ngắn, chỉ có một mạch A. Cánh sau: mạch Sc+R1 và Rs sát gần nhau và gần như song song hoặc có thể hợp nhau một đoạn ở phía ngoài của buồng giữa cánh.

Gồm nhiều loài rất khác nhau về hình dạng, gân cánh và tập quán sinh hoạt.

Đa số ban đêm bị hấp dẫn bởi ánh sáng đèn.

Sâu non mình dài nhỏ, ít lông và thường chỉ có lông cứng nguyên sinh, bụng có chân tương đối ngắn, móng chân 2 dạng hoặc 3 dạng xếp thành hình vòng tròn hoặc xếp thành một đôi ngang. Sâu non thường sống nơi kín đáo, đục khoét các bộ phận của cây, nhiều loài đục thân các cây thuộc họ Hoà thảo hoặc cuốn lá phá hại.

Các loài gây hại phổ biến bao gồm: sâu đục thân lúa hai chấm (Tryporyza incertulas), sâu đục thân bắp (Pyrausta nubilalis), Sâu đục thân mía (Proceras venosatus), sâu đục trái đậu (Etiella zinckenella), sâu đục hột xoài Deanolis albizonalis, sâu Alophia sp.đục trái sabô, sâu Glyphodes caesalis đục trái mít, sâu Conogethes punctiferalis đục trái nhãn, ổi và nhiều loại trái cây khác.

c) Họ Ngài cuốn lá (Tortricidae)

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/06/2023