hút sẽ có những chấm vàng hoặc đen. Nếu bị nặng các bộ phận nầy có thể bị biến dạng, quăn queo.
Một số loại lại truyền bệnh virus cho cây trồng như bệnh khảm trên các cây họ Đậu, Mía, Bầu bí dưa được truyền bởi rầy mềm thuộc các giống Aphis, Macrosiphum và Myzus.
Một số loài phổ biến thường gặp ở Việt Nam như rầy mềm trên bắp (Aphis maydis), rầy mềm trên thuốc lá (Myzus perciceae), rầy mềm trên cải bắp (Brevicorine brassicae L.).
k) Tổng Họ rệp dính (COCCOIDEA)
Đây là một nhóm lớn gồm nhiều loại côn trùng có kích thước nhỏ. Con cái thường không có cánh, không chân và bất động. Con đực chỉ có một cặp cánh (đôi khi con đực cũng không có cánh), và không có miệng, phía cuối bụng thường chỉ có một đuôi dài. Râu đầu của con cái có thể không có hoặc nếu có thì có thể có đến 11 đốt; râu đầu của con đực có từ 10-25 đốt. Biến thái phức tạp: Ấu trùng tuổi 1 có chân, râu và hoạt động. Sau lần lột xác thứ một, chân và râu thường mất và côn trùng trở nên bất động, đồng thời tiết ra một chất sáp hoặc hình thành một lớp vảy cứng che phủ cơ thể. Ở họ Diaspidae, lớp vảy này thường tách rời khỏi cơ thể côn trùng. Con cái sẽ nằm dưới lớp vảy cho đến khi hóa trưởng thành và tiếp tục đẻ trứng hoặc đẻ con dưới lớp vảy. Con đực biến thái tưng tự con cái nhưng khác là vào giai đoạn ấu trùng tuổi cuối, con trùng bất động và được gọi là nhộng.
+ Họ Rệp lớn (Margarodidae)
Gồm nhiều loài có kích thước khá lớn, thường biến động từ 3.5-16 mm, tuy nhiên cũng có loài dài khoảng 25 mm. Hình bầu dục, một số ít hình tròn hoặc dài. Râu đầu thường có 6-11 đốt. Có loài râu đầu thoái hoá. Vòi phát triển có 2-3 đốt hoặc không có. Chân phát triển, bàn chân có một đốt, một số ít loài có 2 đốt.
Đa số con cái có che phủ một lớp chất sáp như bông xơ trắng. Thời kỳ đẻ trứng các sợi sáp hình thành bọc trứng. Con đực có một đôi cánh. Tiêu biểu cho họ này là rệp sáp xơ hại cam Iceria purchasi Maskell.
+ Họ Rệp sáp (Coccidae)
Trưởng thành cái có thân hình bầu dục dài, thường cong vồng lên nhưng đôi khi dẹp với một lớp xương ngoài cứng, láng hoặc được bao phủ bằng những chất sáp, chân thường hiện diện, râu đầu thoái hóa hoặc không có.
Có thể bạn quan tâm!
- Côn trùng đại cương Nghề Bảo vệ thực vật - Cao đẳng Phần 1 - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - 10
- Côn trùng đại cương Nghề Bảo vệ thực vật - Cao đẳng Phần 1 - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - 11
- Côn trùng đại cương Nghề Bảo vệ thực vật - Cao đẳng Phần 1 - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - 12
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Con đực có cánh hoặc không cánh. Vòi có một đốt. Bụng không có lổ thở, mảnh hậu môn chia thành hai phiến hình tam giác hoặc hình trăng khuyết.
Gây hại chủ yếu trên các cây lâu năm và các loại cây ăn quả. Các loài phổ
biến gồm có Coccus hesperidum L., Coccus viridis, Saissetia oleae (Walker) trên cam quít.
+ Họ Rệp sáp vảy (Diaspidae)
Đây là một họ rệp sáp lớn nhất, chỉ riêng tại Bắc Mỹ đã có trên 300 loài, gồm nhiều loài rất quan trọng. Con cái thường rất nhỏ, cơ thể mềm và thường được che phủ bằng một lớp vảy không dính vào cơ thể nằm ở phía dưới. Lớp vảy nầy được tạo thành do sự phối hợp của những chất sáp tiết ra bởi côn trùng và những lớp da được lột bỏ qua những lần lột xác trước đó. Hình dạng rất khác biệt giữa các loài, tròn, dài, láng hoặc sần sùi, màu sắc cũng có nhiều khác biệt nhau. Lớp vảy của con đực thường nhỏ và dài hơn lớp vảy của con cái.
Trưởng thành cái thường có cơ thể dẹp và có dạng phiến tròn, phân đốt không rõ ràng, không có mắt và chân, râu đầu không có hoặc chỉ còn dấu vết. Thành trùng đực có cánh, chân và râu đầu đều phát triển.
Sinh sản hữu tính hoặc đơn tính, có loài đẻ trứng, có loài đẻ con. Trứng được đẻ dưới lớp vảy. Ấu trùng tuổi 1 hoạt động, có thể di chuyển và có thể không ăn trong nhiều ngày. Nhóm này phân tán chủ yếu ở tuổi 1, gây hại bằng cách chích hút nhựa cây, khi mật số cao có thể làm chết cả cây, gây hại trên các loại cây lâu năm, phần lớn là trên các loại cây ăn trái.
Loài phổ biến: Rệp sáp vảy đỏ tròn (Aonidiella aurantii Maskell) trên cam quít và Rệp sáp vảy dài (Lepidosaphes spp.)
+ Họ Rệp sáp phấn (Pseudococcidae)
Gồm rất nhiều loài có hình dạng bầu dục dài, phân đốt rõ, chân rất phát triển. Cơ thể được phủ bằng những lớp sáp trắng, xung quanh cơ thể thường có những sợi sáp nhỏ, cuối bụng là những sợi sáp dài. Có râu đầu 5-9 đốt, hoặc không có râu đầu, vòi phát triển (1-3 đốt). Mảnh mông, vòng ở hậu môn và lông ở hậu môn đều phát triển (4-8 lông). Không có tuyến đĩa hình số 8.
Một số loài đẻ trứng , một số loài đẻ con. Trứng thường được đẻ lẫn trong những sợi sáp. Có thể gây hại trên nhiều bộ phận của cây, phổ biến trên các loại cây ăn trái như Planococcus lilacinus Risso gây hại trên cam quít, sa bô, mãng cầu, chôm chôm; Dysmicoccus brevipes Cockerell trên khóm, dứa, ổi, xoài, mía, cà phê, bông vải,...
5. Thực hành
Quan sát các đặc điểm cấu tạo hình thái bên ngoài, sử dụng khóa phân bộ, khóa phân họ để phân loại các bộ côn trùng đã học ở phần lý thuyết.
5.1 Sử dụng khóa phân bộ trong phân loại côn trùng
a) Mục đích - yêu cầu
Xác định được các đặc điểm hình thái cơ bản của côn trùng. Biết cách sử dụng Khoá phân loại côn trùng.
Nhận diện được các bộ phổ biến trong nông nghiệp.
b) Vật liệu
Mẫu côn trùng thuộc các bộ Orthoptera, Coleoptera, Hymenoptera, Lepidoptera, Homoptera, Diptera, Hemiptera, Thysanoptera.
Kính lúp cầm tay, kính lúp soi nổi Giấy A4, viết chì, kẹp nhọn.
c) Thực hành
Giáo viên hướng dẫn cách sử dụng Khoá phân loại côn trùng.
Mỗi sinh viên thực hành sử dụng Khoá phân loại côn trùng để nhận diện và phân biệt:
- Bộ cánh thẳng (Orthoptera)
- Bộ cánh cứng Coleoptera)
- Bộ cánh vảy (Lepidoptera)
- Bộ cánh nửa cứng (Hemiptera)
- Bộ cánh màng (Hymenoptera)
- Bộ cánh đều (Homoptera)
- Bộ hai cánh (Diptera)
- Bộ cánh tơ (Thysanoptera)
d) Phúc trình
Ghi nhận các đặc điểm đặc trưng để nhận diện và phân biệt các bộ côn trùng.
5.2 Khóa phân họ của bộ cánh thẳng Orthoptera, bộ hai cánh Diptera
a) Mục đích - yêu cầu
Giúp sinh viên xác định các họ trong bộ cánh thẳng Orthoptera và bộ hai cánh Diptera, biết cách sử dụng khóa phân họ phục vụ công tác định danh.
b)Vật liệu
Mẫu côn trùng thuộc bộ Orthoptera Kính lúp cầm tay, kính lúp soi nổi
Giấy A4, viết chì, kẹp nhọn.
c)Thực hành
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh thẳng Orthoptera.
Với sự hướng dẫn của giảng viên và sử dụng khóa phân loại, mỗi sinh viên thực hành quan sát và phân biệt các họ phổ biến của bộ cánh thẳng:
- Họ cào cào (Acrididae)
- Họ dế (Gryllidae)
- Họ vạt sành (Tettigoniidae)
- Họ dế nhũi (Gryllotalpidae)
- Họ bọ ngựa (Mantidae)
- Họ gián (Blattidae)
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh hai Diptera.
Với sự hướng dẫn của giảng viên và sử dụng khóa phân loại, mỗi sinh viên thực hành quan sát và phân biệt các họ phổ biến của bộ hai cánh
- Họ muỗi năng (Cecidomyiidae)
- Họ mòng ăn sâu (Asilidae)
- Họ ruồi đục trái (Trypetidae)
- Họ ruồi ăn rầy (Syrphidae)
- Họ ruồi đục lá (Agromyzidae)
d) Phúc trình
Vẽ hình, chú thích, và ghi nhận các đặc điểm đặc trưng để phân biệt giữa các họ của bộ cánh thẳng (Orthoptera) và bộ hai cánh (Diptera).
5.3 Khóa phân họ của bộ cánh cứng Coleoptera, bộ cánh đều Homoptera
a) Mục đích - yêu cầu
Giúp sinh viên xác định các họ trong bộ cánh cứng Coleoptera và cánh đều Homoptera, biết cách sử dụng khóa phân họ phục vụ công tác định danh.
b) Vật liệu
Mẫu côn trùng thuộc bộ Coleoptera Kính lúp cầm tay, kính lúp soi nổi Giấy A4, viết chì, kẹp nhọn.
c) Thực hành
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh cứng Coleoptera
Với sự hướng dẫn của giảng viên và sử dụng khóa phân loại, mỗi sinh viên thực hành quan sát và phân biệt các họ phổ biến của bộ cánh cứng:
- Họ chân chạy (Carabidae)
- Họ vằn hổ (Cicindellidae)
- Họ vòi voi (Curculionidae)
- Họ cánh cụt (Staphyliniidae)
- Họ mọt đậu (Bruchidae)
- Họ bọ hung (Scarabaeidae)
- Họ bọ rùa (Coccinellidae)
- Họ xén tóc (Cerambycidae)
- Họ ánh kim (Chrysomelidae)
- Họ bổ củi giả (Buprestidae)
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh đều Homoptera
- Họ ve sầu (Cicadidae)
- Họ ve sầu sừng (Membracidae)
- Họ rầy bướm (Flattidae)
- Họ rầy nâu (Delphacidae)
- Họ rầy mềm (Aphididae)
- Họ rầy nhảy (Psyllidae)
d) Phúc trình
Vẽ hình, chú thích, và ghi nhận các đặc điểm đặc trưng để phân biệt giữa các họ của bộ cánh cứng (Coleoptera), bộ cánh đều (Homoptera).
5.4 Khóa phân họ của bộ cánh vảy Lepidoptera, cánh tơ Thysanoptera
a) Mục đích - yêu cầu
Giúp sinh viên xác định các họ của bộ cánh vảy Lepidoptera và cánh tơ Thysanoptera, biết cách sử dụng khóa phân họ phục vụ công tác định danh.
b) Vật liệu
Mẫu côn trùng thuộc bộ Lepidoptera Kính lúp cầm tay, kính lúp soi nổi
Giấy A4, viết chì, kẹp nhọn. Cồn 700, nước Javen, giấy thấm
c) Thực hành
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh vảy Lepidoptera.
Với sự hướng dẫn của giảng viên và sử dụng khóa phân loại, mỗi sinh viên thực hành tẩy mẫu cánh bướm, sau đó quan sát sự sắp xếp gân cánh để phân biệt các họ phổ biến của bộ cánh vảy:
- Họ bướm phượng (Papilionidae)
- Họ bướm ban (Danaidae)
- Họ bướm phấn (Pieridae)
- Họ bướm hoa (Nymphalidae)
- Họ ngài nhộng vòi (Sphingidae)
- Họ ngài đêm (Noctuidae)
- Họ ngài sáng (Pyralidae)
- Học ngài bướm bà (Saturnidae)
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh tơ Thysanoptera.
- Họ bù lạch (Thripidae)
- Họ bù lạch vằn (Aeolothripidae)
- Họ bù lạch ống (Phlaeolothripidae)
Phúc trình
Vẽ hình, chú thích sự sắp xếp gân cánh và nhận diện các họ của bộ cánh vảy Lepidoptera và bộ cánh tơ Thysanoptera.
5.5 Khóa phân họ của bộ cánh nửa cứng Hemiptera và cánh màng Hymenoptera
a) Mục đích - yêu cầu
Giúp sinh viên xác định các họ của bộ cánh nửa cứng Hemiptera và bộ cánh màng Hymenoptera, biết cách sử dụng khóa phân họ phục vụ công tác định danh.
b) Vật liệu
Mẫu côn trùng thuộc bộ Hemiptera, Hymenoptera Kính lúp cầm tay, kính lúp soi nổi
Giấy A4, viết chì, kẹp nhọn.
c) Thực hành
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh nửa cứng Hemiptera.
Với sự hướng dẫn của giảng viên và sử dụng khóa phân loại, mỗi sinh viên thực hành quan sát và phân biệt các họ phổ biến của bộ cánh nửa cứng:
- Họ bọ xít năm cạnh (Pentatomidae)
- Họ bọ xít hôi (Alydidae)
- Họ bọ xít đỏ (Pyrrhocoridae)
- Họ bọ xít mai (Scutelleridae)
- Họ bọ xít (Coreidae)
- Họ bọ xít (Miridae)
- Họ bọ xít bắt mồi (Reduviidae)
+ Quan sát đặc điểm hình thái các họ thuộc bộ cánh màng Hymenoptera.
- Họ kiến Formicidae
- Họ ong mật (Apidae)
- Họ ong vàng (Vespidae)
- Họ tò vò (Sphecidae)
- Họ ong cự (Ichneumonidae)
- Họ ong nhảy nhỏ (Encyrtidae)
d) Phúc trình
Vẽ hình, chú thích, và ghi nhận các đặc điểm đặc trưng để phân biệt giữa các họ của bộ cánh nửa cứng (Hemiptera) và bộ cánh màng (Hymenoptera).
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Nêu các đặc điểm hình thái cơ bản giúp phân bộ côn trùng?
2. Trình bày đặc điểm nhận diện của các loài có ích trong bộ cánh cứng?
3. Đặc điểm đặc biệt để phân biệt các họ trong bộ cánh thẳng?