yếu kém cần phải tái cơ cấu lại về tài chính cũng như hoạt động nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị ngân hàng. Việc tái cơ cấu lại tài chính cho ngân hàng là thực sự cần thiết để có thể thu hút được những nhà đầu tư mạnh và danh tiếng. Rõ ràng, đề án tái cơ cấu NHTMNN ở Việt Nam năm 2001 là một quyết định rất sáng suốt của Chính phủ, nó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hoá sau này của VCB nói riêng và NHTMNN nói chung.
Sau một thời gian tranh cãi về việc xác định giá trị doanh nghiệp của VCB, Chính phủ đã chấp thuận các kiến nghị của tư vấn và kiểm toán quốc tế liên quan tới việc định giá doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó có nghĩa là, quá trình định giá VCB nhanh gọn hơn so với các DNNN khác, được phép bỏ qua một số khâu như kiểm kê, đánh giá lại tài sản, hạch toán lại giá trị sổ sách sau định giá.
Chính phủ cũng cho phép NHNT Việt Nam được áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp theo những tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất có thể được miễn là không trái với các quy định hiện hành của Việt Nam. Đây là sự tháo gỡ một nút rất quan trọng bởi thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất, năng lực tài chính VCB hiện đã đạt chuẩn yêu cầu khu vực và quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng như các cam kết của họ về việc hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác đầu tư, Chính phủ đã tuyên bố : Nếu các nhà đầu tư đưa ra những cam kết tốt, Chính phủ sẽ có những đãi ngộ, thậm chí có thể cho phép vượt mức tối đa cho phép là 20% đối với các đối tác ngoại.
Chính phủ cũng đã cho phép VCB để lại một phần thặng dư do bán cổ phiếu ngoài tỷ lệ thặng dư được để lại cho doanh nghiệp như Nghị định 109 để triển khai một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Việc cổ phần hoá là một bước chuẩn bị cho viễn cảnh cạnh tranh với nước ngoài, khi Việt Nam gia nhập WTO, với việc các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế sẽ có thể được kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ luôn luôn khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để VCB nói riêng và NHTMNN nói chung phát triển nhanh, cạnh tranh tốt, trở thành nòng cốt trong cung cấp dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam.
b. Sự hợp tác hỗ trợ từ bên ngoài
VCB đã rất thuận lợi khi ký hợp đồng tư vấn cổ phần hoá với Credit Suisse. Credit Suisse giúp VCB giải quyết nợ xấu, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý tài sản, quản lý rủi ro, tư vấn cho VCB các giải pháp phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một tổ chức có uy tín và có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn về cổ phần hoá cho các doanh nghiệp trên thế giới. Có thể nói trong thành công của quá trình cổ phần hoá có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức tư vấn cổ phần hoá - Credit Suisse.
c. Thuận lợi từ phía thị trường, các nhà đầu tư
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt Động Kinh Doanh Của Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam Trước Cổ Phần Hoá
- Các Căn Cứ Pháp Lý Cho Việc Cổ Phần Hoá Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam
- Hoàn Tất Việc Chuyển Ngân Hàng Thành Ngân Hàng Cổ Phần
- Cổ phần hoá ngân hàng ngoại thương Việt Nam (vcb): kinh nghiệm cho các ngân hàng thương mại nhà nước - 8
- Cổ phần hoá ngân hàng ngoại thương Việt Nam (vcb): kinh nghiệm cho các ngân hàng thương mại nhà nước - 9
Xem toàn bộ 78 trang tài liệu này.
- VCB là ngân hàng thương mại quốc doanh đầu tiên tiến hành cổ phần hoá. Vì thế, trước khi VCB IPO, tất cả các quỹ đầu tư và rất nhiều nhà đầu tư đều dành một lượng tiền tương đối để tham gia IPO của ngân hàng. Kết quả là VCB là doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay có số lượng cổ đông lớn nhất
- 15 000 tổ chức và cá nhân.
- VCB tiến hành IPO vào thời điểm cuối năm, là thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. Đây cũng là một điểm thuận lợi góp phần làm IPO VCB thành công.
5.2.2. Khó khăn
- VCB và MHB là hai NHTMNN đầu tiên tiến hành cổ phần hoá. Vì vậy, sự thiếu kinh nghiệm là lý do chính khiến cho quá trình cổ phần hoá VCB liên tục bị chậm lại.
- Cho đến nay, vẫn chưa có chính thức một luật nào về cổ phần hoá NHTMNN. Văn bản pháp quy cao nhất về cổ phần hoá hiện nay là Nghị định của Chính phủ. Nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá thường thay đổi, khi Nghị định mới ra đời thì phải chờ ban hành các thông tư hướng dẫn của các Bộ làm ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hoá.
- Thời điểm hiện nay, do biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam mà giá trị thị trường của cổ phiếu VCB chỉ còn 1/2 so với giá đấu giá. Điều này gây khó khăn cho VCB trong việc xác định mức giá bán cho các nhà đầu tư chiến lược và giá chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Kết luận chương II
Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới quản lý DNNN theo hướng cổ phần hoá doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh; đồng thời phát huy quyền làm chủ của người lao động tham gia quản lý doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) của Đảng.
Trên cơ sở nghiên cứu khái quát về NHNT Việt Nam, về hoạt động kinh doanh của NHNT Việt Nam trước cổ phần hoá cho thấy: NHNT Việt Nam tuy là một ngân hàng hoạt động rất hiệu quả trong hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua nhưng trước sức ép cạnh tranh không những từ các ngân hàng nước ngoài đang chuẩn bị vào Việt Nam mà còn các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước thì NHNT tất yếu phải tiến hành cổ phần hoá để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Trước khi chính thức tiến hành cổ phần hoá, NHNT đã phát hành trái phiếu tăng vốn, xử lý nợ và tài sản tồn đọng. Tuy rằng đây không phải là nội dung của cổ phần hoá nhưng là bước chuẩn bị cho cổ phần hoá và liên quan chặt chẽ với việc cổ phần hoá do khả năng chuyển đổi của trái phiếu tăng vốn và lành mạnh hoá tài chính trước khi cổ phần hoá.
Quy trình cổ phần hoá NHNT Việt Nam cũng được thực hiện theo 3 bước: xây dựng phương án cổ phần hoá, tổ chức bán cổ phần, hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần. Việc đánh giá về kết quả kinh doanh của NHNT Việt Nam sau cổ phần hoá, đánh giá về khó khăn và thuận lợi của quá trình cổ phần hoá là một điều quan trọng.
NHNT là NHTMNN đầu tiên tiến hành cổ phần hoá, vì vậy các NHTMNN khác nên rút kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá của ngân hàng mình. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và phân tích thực trạng cổ phần hoá NHNT, chương III đưa ra một số kinh nghiệm và một số giải pháp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá NHTMNN.
CHƯƠNG III: KINH NGHIỆM CỔ PHẦN HOÁ NGÂN HÀNG NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP TIẾN HÀNH CỔ PHẦN HOÁ CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC
1. KINH NGHIỆM CỔ PHẦN HOÁ NGÂN HÀNG NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM
1.1. Về phát hành trái phiếu tăng vốn
Mặc dù VCB là một ngân hàng được đánh giá là hoạt động có hiệu quả nhất trong số các NHTMNN, nhưng vẫn chưa đủ vốn tự có để đảm bảo an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện hành. Việc dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho NHTMNN để đảm bảo theo thông lệ quốc tế đạt được tỷ lệ an toàn vốn là rất cần thiết. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn (xấp xỉ 1000 tỷ USD), dự trữ ngoại tệ Việt Nam quá nhỏ bé, chắc không thể dùng nguồn này để bổ sung vốn cho các NHTMNN. Chỉ còn một cách qua con đường trái phiếu tăng vốn và sẽ được thu hồi về qua bán trên thị trường.
Vì vậy, việc VCB phát hành trái phiếu tăng vốn là một quyết định sáng suốt của VCB trước khi tiến hành cổ phần hoá. Nguồn trái phiếu này sẽ bổ sung đáng kể một lượng vốn tự có của VCB, góp phần quan trọng nhằm tăng cường năng lực tài chính cho Ngân hàng, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn trước khi xác định giá trị doanh nghiệp của VCB để tiến hành cổ phần hoá. Việc phát hành trái phiếu này cũng có ý nghĩa thăm dò phản ứng của thị trường, là bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho tiến trình cổ phần hoá VCB được thuận lợi và hiệu quả. Ngoài ra, về phía Nhà nước, cổ phần hoá theo cách này sẽ giảm bớt được gánh nặng cho Chính phủ trong trách nhiệm tăng vốn, tăng thêm được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho lãnh đạo ngân hàng trong các quyết định kinh doanh, đặt ngân hàng vào vị trí cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Các
NHTMNN khác nên xem xét và tuỳ vào hoàn cảnh thực tế của đơn vị mình để tiến hành áp dụng.
1.2. Về xử lý nợ và tài sản tồn đọng
VCB đã ký thoả thuận hợp tác xử lý nợ tồn đọng với Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC). DATC là một đơn vị có kinh nghiệm xử lý những khoản nợ mang tính lịch sử của khối ngân hàng trong thời kỳ bao cấp. Đây thực sự là một bước hợp tác quan trọng nhằm đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá ngân hàng. Các ngân hàng khác nên học tập để xử lý nợ và tài sản tồn đọng - một vấn đề khó khăn và gây nhức nhối cho các ngân hàng trước khi cổ phần hoá.
1.3. Về lựa chọn tổ chức tư vấn
Việc xác định giá trị doanh nghiệp là một vấn đề khó đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nói chung và đặc biệt rất phức tạp đối với các tổ chức trung gian tài chính. Vì vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp cần được dựa trên một tổ chức tư vấn có uy tín.
VCB là một ngân hàng được cổ phần hoá theo đúng các chuẩn mực quốc tế và là một kinh nghiệm rất quý báu cho các định chế tài chính khác khi thực hiện cổ phần hoá sau này. Đây là trường hợp cổ phần hoá đầu tiên áp dụng hệ thống tư vấn pháp lý hoàn toàn theo chuẩn mực quốc tế.
VCB được cổ phần hoá theo một tiêu chí tương đối đặc biệt. Cơ chế định giá thông qua Hội đồng đã bị xoá bỏ. Với đặc thù của một ngân hàng thương mại loại lớn, VCB đã mời một đối tác tư vấn tầm cỡ quốc tế, đã từng tham gia nhiều chương trình cổ phần hoá ở toàn cầu và đặc biệt đã từng tham gia vào quá trình cổ phần hoá của Trung Quốc. Điều này giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, khách quan, hạn chế tổn thất cho Nhà nước. Việc thực hiện tư vấn pháp lý, kiểm toán quốc tế cho VCB đều được thực hiện rất bài bản.
Vì vậy, việc hợp tác với tổ chức tư vấn cổ phần hoá là việc hết sức quan trọng. Ngày 05/07/2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã duyệt Morgan Stanley Dean Witter Asia (Singapore) Pte là nhà tư vấn cổ phần hoá BIDV và JP Morgan Securities Asia Pacific Limited là nhà tư vấn cổ phần hoá Vietinbank.
1.4. Về phát hành cổ phiếu
1.4.1. Về quá trình bán cổ phần lần đầu ra công chúng
- Thời điểm tiến hành IPO:
Mặc dù có sự thay đổi với kế hoạch, IPO VCB xảy ra trước khi có nhà đầu tư chiến lược. Nhưng theo người viết, sự thay đổi này không hẳn là không tốt. Điều này đã giúp tranh thủ được sự hứng khởi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Điều này cũng chính là một cách quan tâm đến lợi ích của cổ đông nhỏ - những khách hàng có thể mang lại sự phát triển bền vững, lâu dài cho VCB.
Hơn nữa, VCB chính thức IPO vào tháng 12. Mà theo chu kỳ hằng năm, tháng 12 là thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. Cuối năm cũng là thời điểm mà các quỹ đầu tư phải gửi báo cáo về kết quả hoạt động, nên họ chịu áp lực giải ngân rất lớn sau một thời gian giữ vốn. Có lẽ đây cũng là một kinh nghiệm cho các NHTMNN khi thực hiện IPO.
Tuy nhiên, trước khi chính thức IPO, VCB đã liên tục lùi thời hạn IPO. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của ngân hàng này. Vì vậy, trước khi thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về thời điểm IPO, các NHTMNN nên nghiên cứu thật kỹ, tính đến các yếu tố chủ quan và khách quan.
- Địa điểm tiến hành IPO: VCB tiến hành IPO tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Đây là nơi giao dịch chứng khoán có quy mô nhất
tại Việt Nam, vì vậy nó góp phần cho sự thành công của IPO VCB trong thời gian vừa qua. Việc đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch rõ ràng đã tạo một sự chuyển biến về chất trong tiến trình cổ phần hoá nhằm nâng cao hiệu quả của ngân hàng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá.
Không chỉ với ngành ngân hàng, mà với các DNNN nói chung, việc đấu giá cổ phần là một bước chuyển từ chia phần sang tìm mua, tìm bán theo nguyên tắc thị trường, vừa đảm bảo công khai minh bạch, thu hút được các nhà đầu tư lớn, vừa công chúng hoá được doanh nghiệp cổ phần, vừa chống tiêu cực, thất thoát. Tuy vậy, việc đấu giá cổ phần đã mang lại lợi cũng như thiệt với một số nhóm người.
Người được lợi:
Về phía Nhà nước:
Thứ nhất, việc bắt buộc đấu giá khi cổ phần hoá trên thị trường chứng khoán mang lại lợi nhuận cao cho Nhà nước.
Thứ hai, đấu giá cổ phần là một cách làm mới thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá ở nước ta.
Về phía doanh nghiệp cổ phần hoá:
Thứ nhất, việc đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán là một lần “tập dượt” hay nói cách khác là thăm dò sức hút của cổ phần của doanh nghiệp đối với thị trường và các nhà đầu tư. Ngân hàng thông qua việc bán đấu giá cổ phần, sẽ biết được thế mạnh của doanh nghiệp mình, biết được thực chất các đánh giá của nhà đầu tư về doanh nghiệp mình như thế nào. Qua đó, xác định chính xác hơn các lợi thế thương mại, thương hiệu của mình... Những điều đó sẽ củng cố và tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc đấu giá qua Sở Giao dịch cũng là một cách để doanh nghiệp huy động vốn với chi phí thấp.
Thứ ba, doanh nghiệp cổ phần hoá theo hình thức đấu giá cổ phần còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Cho dù đây không hẳn là một giải pháp tốt nhất về cơ chế chính sách nhưng các quy định vẫn mang lại những khoản ưu đãi này cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, qua đấu giá cổ phần, hình ảnh doanh nghiệp được quảng bá trên thị trường chứng khoán, đây chính là một cơ hội mà doanh nghiệp cần tận dụng khi muốn tên tuổi của doanh nghiệp được nhiều người biết đến. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều ưu thế cạnh tranh trong liên doanh, đấu thầu; việc quản trị công ty cũng tốt hơn, có hiệu quả thiết thực hơn.
Về phía người lao động:
Thứ nhất, người lao động có cơ hội được tham gia quản trị doanh nghiệp mình đang làm việc.
Thứ hai, người lao động trong doanh nghiệp khi tham gia đấu giá được mua theo giá ưu đãi.
Thứ ba, họ còn được miễn thuế thu nhập từ cổ tức và chênh lệch mua bán cổ phiếu.
Thứ tư, thông tin về đợt đấu giá được cung cấp đầy đủ và kịp thời, đảm bảo tính công khai, công bằng và minh bạch theo nguyên tắc thị trường cho người lao động khi tham gia mua cổ phần.
Người chịu thiệt:
Về phía doanh nghiệp:
Thứ nhất, khi đấu giá trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ công bố thông tin công khai. Cho dù để phát triển lâu bền thì công khai minh bạch về thông tin là việc làm đương nhiên, nhưng trước mắt đây chính là điều mà nhiều doanh nghiệp không muốn. Ở đây cũng có liên
quan đến câu chuyện về sự bất bình đẳng trong cạnh tranh lại xuất hiện khi không có chế tài nào ràng buộc phải công khai thông tin đối với các doanh nghiệp chưa lên sàn.
Thứ hai, bắt buộc phải kiểm toán độc lập. Nhiều DNNN trước khi cổ phần hoá có tình hình tài chính không minh bạch. Do đó, nếu phải kiểm toán độc lập thì sẽ có rất nhiều khoản nằm trong diện bị loại trừ. Nếu cơ quan kiểm toán loại trừ càng nhiều thì càng chứng tỏ được tình hình tài chính cũng như hoạt động của doanh nghiệp kém hiệu quả làm chuyện kiểm toán độc lập cũng đang là mối lo ngại của nhiều doanh nghiệp.
Thứ ba, có thể các doanh nghiệp sẽ bị lộ mục tiêu, kế hoạch kinh doanh. Nếu xảy ra, đây sẽ là điều bất lợi cho doanh nghiêp. Đối thủ của doanh nghiệp có thể biết được kế hoạch kinh doanh và sẽ có chiến lược cạnh tranh thích hợp. Thậm chí, doanh nghiệp phải đối đầu với các nguy cơ về thâu tóm, sáp nhập công ty khi tham gia một sân chơi cởi mở như thị trường chứng khoán. Nhưng đây cũng chỉ là những lo toan thiển cận. Về lâu dài, chính việc công khai minh bạch về thông tin sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh hơn nữa.
Thứ tư, việc niêm yết trên thị trường sẽ tạo áp lực về tăng trưởng và chi trả cổ tức cao cho doanh nghiệp. Nếu như trước kia, việc cổ phần hoá khép kín trong nội bộ doanh nghiệp, các lãnh đạo của doanh nghiệp vẫn điều hành theo kiểu cũ thì nay khi đã công khai, đa dạng hoá sở hữu, doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn, làm sao để doanh nghiệp tăng trưởng tốt và phải lo cả việc chi trả cổ tức cao cho các cổ đông nếu không muốn bị phá sản doanh nghiệp.
Thứ năm, doanh nghiệp sẽ phải tốn kém thêm một số chi phí về niêm yết, kiểm toán.
Về phía người lao động
Đối với người lao động, giá trúng thầu có thể bị đẩy lên quá cao nếu thông tin về doanh nghiệp không đầy đủ và có quá đông nhà đầu tư tham gia. Điều này sẽ gây mất lợi thế về ưu đãi giá cho các nhà đầu tư là cán bộ công nhân viên. Trước đây, không cần đấu giá, người lao động trong doanh nghiệp cũng cầm chắc được mua cổ phiếu bằng 70% mệnh giá sàn. Nhưng theo quy định mới, tuy được mua theo giá ưu đãi giảm 40% so với giá đấu nhưng họ lại không chắc việc được giảm 40% so với giá đấu như vậy là có lợi hay thiệt. Mặt khác, số lượng cổ đông là người lao động trong doanh nghiệp có thể bị hạn chế, nếu kết quả đấu giá nghiêng về một số nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Những đối tượng đầu cơ, tham nhũng, tham ô
Khi đưa doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn giao dịch chứng khoán đấu giá cổ phần, những quy định chặt chẽ sẽ làm cho nhiều cá nhân không trục lợi được. Nếu như trước đây, cổ phần hoá “khép kín” trong nội bộ doanh nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích cho các lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp, cũng như các đối tượng thân quen của những cá nhân này thì đến nay, các doanh nghiệp cổ phần hoá nhất định phải đấu giá cổ phần trên thị trường chứng khoán, điều đó đã mang lại sự công bằng, bình đẳng hơn cho các đối tượng khác, các lãnh đạo trong doanh nghiệp cũng sẽ cảm thấy bị “mất mát”, bị hạn chế rất nhiều quyền mua cổ phần, điều này làm mất đi những nguồn lợi khá lớn của họ.
1.4.2. Về phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên
Việc phát hành cổ phiếu của Ngân hàng VCB theo đúng như thông lệ quốc tế, tức là bao gồm cả hai loại cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi. Cổ phiếu ưu đãi dành cho những người lao động, cán bộ, nhân viên trong ngân hàng. Mức độ sở hữu tuỳ thuộc vào thâm niên công tác, vị trí công tác và tài
năng của cán bộ, nhân viên ngân hàng. Đây là một cách để thu hút và giữ nhân tài ở lại gắn bó làm việc cho ngân hàng có hiệu suất cao và năng suất lao động cao, có nhiều sáng kiến, cải tiến đóng góp cho ngân hàng.
1.5. Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược
Khi cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các định chế trung gian tài chính có uy tín được chọn lựa, thì các đối tác chiến lược này sẽ có đại diện trong hội đồng quản trị và ngân hàng sẽ có điều kiện trao đổi học tập kinh nghiệm trong quản trị điều hành theo các chuẩn mực quốc tế. Việc giám sát các hoạt động ngân hàng sẽ sâu sát hơn, công tác quản trị tài sản có, tài sản nợ và quản trị rủi ro chắc chắn sẽ được tăng cường, mọi hoạt động ngân hàng sẽ được minh bạch hoá và tình hình tài chính sẽ lành mạnh hơn. Đặc biệt, chúng ta sẽ có điều kiện để áp dụng các công nghệ ngân hàng tiên tiến nhất, hệ thống thanh toán nội bộ sẽ được thông suốt, các quan hệ với khách hàng sẽ được đối xử bình đẳng trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng. Những dịch vụ và sản phẩm mới về ngân hàng sẽ có điều kiện áp dụng tại Việt Nam. Tất cả những vấn đề đó sẽ bảo đảm tăng cường tính an toàn của hệ thống. Và hiệu quả tất yếu là hiệu quả kinh doanh ngân hàng sẽ được nâng cao nhiều hơn.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trở nên hết sức có ý nghĩa và có tầm quan trọng quyết định trong việc định hướng, xây dựng và dẫn dắt ngân hàng phát triển trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, VCB không vội vàng lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, khi việc đàm phán với đối tác chiến lược không đạt kỳ vọng của VCB và Chính phủ. VCB đã xin ý kiến của Chính phủ về việc tiến hành IPO trước và đã được Chính phủ cho phép. Chính phủ và VCB luôn thận trọng và cân đối lợi ích của Nhà nước, của đối tác chiến lược và nhà đầu tư nhỏ lẻ.