Đánh Giá Thực Trạng Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Nông Nghiệp Ở Huyện Thạch Thất, Thành Phố Hà Nội Giai Đoạn 2010 – 2015


chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo vùng lãnh thổ, hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung: vùng sản xuất lúa; vùng trọng điểm trồng rau, màu; vùng trọng điểm chăn nuôi; vùng trọng điểm khai thác và nuôi trồng thủy sản; vùng phát triển lâm nghiệp. Huyện đã tập trung quy hoạch lại đất đai, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu đồng bộ, trên cơ sở dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi 1.492.203 mét vuông đất nông nghiệp với 306 mô hình (Phụ lục 2) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Trước hết, đối với vùng trồng lúa.

Huyện đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất các loại lúa có chất lượng cao tại các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Lại Thượng, Cẩm Yên, Phú Kim, Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn, Thạch Xá, Hạ Bằng, hình thành vùng thâm canh lúa cao sản tại các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Canh Nậu với diện tích khoảng

5.300 ha.

Thứ hai, đối với vùng trọng điểm trồng rau, màu.

Huyện đã đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau, thực phẩm chuyên canh; chú trọng phát triển các loại rau an toàn, đậu thực phẩm, cây ăn quả... tập trung tại các xã Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Hạ Bằng, Đồng Trúc, Tiến Xuân với diện tích trên, dưới 2.000 ha. Bên cạnh đó, cũng đã quy hoạch và phát triển các vùng trồng cây ăn quả như: thanh long, chuối tiêu hồng, bưởi Diễn, đu đủ, nhãn lồng, hồng Yên Thôn ở các xã Bình Yên, Kim Quan, Thạch Xá, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung.

Trong các vùng này, những giống cây phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng, nhất là các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao từng bước được đưa vào canh tác; đồng thời, đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng canh tác đạt 130 triệu đồng trở lên.


Thứ ba, đối với vùng trọng điểm chăn nuôi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan. Tại những vùng này, Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chương trình cải tạo con giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, tạo thuận lợi về vay vốn, mặt bằng để nông dân xây dựng trang trại. Nhờ đó, số trang trại, gia trại và số lượng gia súc, gia cầm đều tăng lên hàng năm.

Thứ tư, đối với vùng trọng điểm khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội - 10

Huyện đã quy hoạch và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Cẩm Yên, Lại Thượng, Phú Kim, Cần Kiệm, Đại Đồng, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, hình thành những trang trại tập trung nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao.

Thứ năm, đối với vùng phát triển lâm nghiệp.

Được quy hoạch tập trung ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Tại nơi đây, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hướng vào cải tạo một số diện tích trồng keo, bạch đàn, những loại cây có giá trị kinh tế thấp, để chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu và cây sinh thái; đồng thời, phát triển kinh tế vườn rừng để tăng thu nhập cho người dân.

3.3. Đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 – 2015

3.3.1. Những kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2010 - 2015, với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của chính quyền các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân trong Huyện, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Huyện đã diễn ra theo hướng tích cực. Cụ thể là:


Thứ nhất, đã giảm diện tích, vốn đầu tư và lao động trong ngành trồng trọt, nhất là trồng lúa chất lượng thấp, để chuyển một bộ phận lao động, vốn đầu tư, diện tích canh tác sang phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Thứ hai, cơ cấu nội bộ ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ, rò rệt, theo hướng phát triển sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường trong nước và quốc tế; giảm sản xuất các loại giống có năng suất và giá trị và kinh tế thấp.

Thứ ba, cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo vùng lãnh thổ cũng được điều chỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về thổ nhưỡng của từng địa phương trong Huyện và áp dụng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hình thành các vùng chuyên canh tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn Huyện đã có 115 mô hình chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản đạt giá trị 200 – 220 triệu đồng/ha, 82 trang trại chăn nuôi lợn, 45 trang trại gia cầm. Trên địa bàn Huyện đã hình thành các vùng sản xuất cho giá trị kinh tế cao như: vùng trồng thanh long ruột đỏ 30ha tại các xã Yên Trung, Yên Bình, Lại Thượng, Kim Quan và Bình Yên; vùng trồng rau an toàn, vùng lúa hàng hóa chất lượng cao khoảng 100 ha ở xã Dị Nậu và các mô hình trồng hoa ly ở xã Đại Đồng, Bình Yên, Yên Trung; trồng hoa hướng dương, nuôi lợn rừng, nuôi bò BBB, nuôi gà sinh sản,… Các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn như: su hào, cải ngọt trái vụ, khoai tây vụ đông – xuân ở xã Hương Ngải; hơn 100 ha bưởi Diễn, bưởi da xanh tại xã Yên Bình;… cho giá trị kinh tế từ 300 - 350 triệu đồng/năm, riêng hoa ly thu nhập 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Nhìn tổng thể cả giai đoạn 2010 – 2015, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Thạch Thất tương đối phù hợp với xu hướng chung của cả nước. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của Huyện có bước tăng trưởng ổn


định từ 4 – 5%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 5 năm đạt 85 triệu đồng/ha; đóng góp 11,6% trong cơ cấu GDP của Huyện năm 2015 (Nguyễn Doãn Hoàn, 2015). Công tác quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và công tác dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tích cực ở các xã; góp phần làm cho đời sống của người dân Thạch Thất được cải thiện rò rệt: thu nhập bình quân đầu người năm 2010 mới đạt 17,5 triệu đồng/năm, thì năm 2015 ước đạt 35 triệu đồng/ năm; góp phần giảm hộ nghèo từ 20% năm 2010 xuống còn 3,1% năm 2015 (Nguyễn Doãn Hoàn, 2015).

Nhờ kết quả công tác dồn điền đổi thửa và quy hoạch hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung mà việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường; trong đó đã thực hiện thành công mô hình cơ giới hóa toàn bộ 15 ha trồng lúa từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch.

Việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp được coi trọng, đã rút ngắn được thời gian gieo trồng và thời gian chăn nuôi trong các loại cây trồng và vật nuôi. Đến nay, lúa, rau màu và cây ăn quả được gieo trồng chủ yếu bằng giống mới, có năng suất, giá trị kinh tế cao. Đàn vật nuôi được giữ vững và phát triển, công tác phòng bệnh, vệ sinh thú y luôn được đảm bảo.

3.3.2. Những tồn tại, yếu kém

Bên cạnh những kết quả đạt được trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thời gian qua, ở huyện Thạch Thất còn tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp diễn ra còn chậm.


Thứ hai, mức độ đầu tư thâm canh còn thấp; tập quán canh tác và nhận thức của một bộ phận nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững còn hạn chế; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu thu hoạch, chế biến còn thấp.

Thứ ba, bên cạnh những mô hình chuyển đổi lúa, cá, chăn nuôi ở các xã, thị trấn cho hiệu quả kinh tế cao, còn một số mô hình thực hiện chưa đúng với đề án được phê duyệt, quá trình sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường, ách tắc dòng chảy và vi phạm về quản lý đất đai (xem Phụ lục 2).

Thứ tư, chưa hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chăn nuôi còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu ở hộ gia đình, và vẫn còn theo tập quán nuôi tận dụng phụ phẩm, chưa coi chăn nuôi là ngành sản xuất chính. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm chưa cao, nhất là chưa đạt tiêu chuẩn nguyên liệu chế biến xuất khẩu nên giá trị kinh tế thấp.

3.3.3. Nguyên nhân

3.3.3.1. Nguyên nhân dẫn đến những kết quả đạt được

Trước hết là do Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp- xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015” và được cụ thể hóa ở huyện Thạch Thất bằng Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững huyện Thạch Thất giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020” đã tạo ra động lực để nhân dân trong Huyện tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm giàu cho bản thân gia đình và cho xã hội. Triển khai Chương trình 02 của Thành ủy và Đề án của UBND huyện Thạch Thất, các cơ quan chức năng của Thành phố và của Huyện đã có những chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ để giúp nông dân dồn điền đổi thửa, xây dựng giao thông – thủy lợi nội đồng, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho mua sắm máy móc cơ giới hóa nông nghiệp và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ


nông dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi ; khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp trong những năm qua trên địa bàn Huyện từng bước được Thành phố và Huyện đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nội đồng. Công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật về cây, con, giống mới, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao được Huyện chỉ đạo áp dụng ở tất cả các xã, thị trấn đã góp phần làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của người nông dân; nâng cao lòng tin của nông dân vào việc áp dụng công nghệ sản xuất mới, giống cây trồng, vật nuôi mới.

Thứ ba, công tác chỉ đạo phòng chống những bất thuận của thời tiết, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và chống úng, chống hạn của cấp ủy chính quyền được triển khai thực hiện quyết liệt. Nguồn nước tưới ở các hồ chứa trên địa bàn Huyện đều đạt mức thiết kế có thể cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, kinh nghiệm được tích lũy của nhân dân trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã góp phần triển khai sử dụng có hiệu quả bộ giống lúa, rau màu các loại và giống cây trồng, vật nuôi mới, đa dạng, phong phú, có năng suất, chất lượng cao, v.v.

3.3.3.2. Nguyên nhân của những hạn chế

Một là, nguyên nhân khách quan:

Thứ nhất, huyện Thạch Thất nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh và các dự án lớn của Chính phủ và thủ đô Hà Nội nên việc quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các vùng sản xuất nông nghiệp ở các xã, thị trấn gặp rất nhiều khó khăn và khó thực hiện, dễ bị phá vỡ bởi các dự án của Trung ương.


Thứ hai, do ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Huyện phát triển và có thu nhập cao đã thu hút nhiều lao động trong nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên việc quan tâm đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp của người dân chưa cao.

Thứ ba, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân bộc lộ nhiều hạn chế. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ chậm được đưa vào sản xuất, mới nặng về thí điểm và xây dựng mô hình ứng dụng ở diện hẹp; việc nhân rộng mô hình chưa được coi trọng nên chưa tạo được sự tăng nhanh, mạnh về năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng. Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ thất thoát về số lượng và chất lượng nông sản sau thu hoạch lớn, khả năng mở rộng thị trường, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá bị hạn chế.

Thứ tư, nông dân thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn gặp nhiều khó khăn, lãi xuất tín dụng những năm qua khá cao, dẫn đến vốn vay đầu tư cho sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng hiệu quả thấp.

Thứ năm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, thường cực đoan: nắng nóng gay gắt trong mùa hè, rét đậm rét hại trong mùa đông, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi luôn có nguy cơ bùng phát, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Hai là, nguyên nhân chủ quan:

Trước hết là sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và các ban ngành trong Huyện có lúc, có nơi còn thiếu chủ động.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát, thiếu tập trung quyết liệt. Sự phối hợp giữa các ngành, các lĩnh vực và các địa phương trong quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp


còn hạn chế. Nhận thức của cấp uỷ, chính quyền một số xã về vấn đề này còn chưa cao, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp; do đó chưa có những biện pháp đột phá trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương mình. Sự phối hợp giữa các địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ nông sản chưa tốt. Công tác kiểm tra, đôn đốc của các cấp, các ngành chưa làm thường xuyên; trình độ năng lực, tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo của một bộ phận cán bộ công chức còn thiếu trách nhiệm.

Thứ hai, đầu tư hỗ trợ kinh phí cho phát triển sản xuất nông nghiệp còn thấp; một số xã chưa bố trí kinh phí đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng ở một số nơi xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba, hệ thống phân phối vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra còn chưa tốt; chưa gắn được sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Thứ tư, trình độ dân trí, trình độ canh tác của nông dân nhìn chung còn thấp; tập quán sản xuất tự cung, tự cấp, sản xuất thủ công, theo kinh nghiệm vẫn còn ở nhiều hộ gia đình nông dân. Nhận thức của nông dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn hạn chế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022