- Hệ thống các suối: suối Yến, suối Long Vân, suối Tuyết Sơn đều có nguồn nước ngầm Caxtơ cung cấp, tạo ra dòng chảy quanh năm. Dòng suối Yến dài 3 km cùng với các suối khác tạo nên cánh đồng bán ngập ở khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn, mặt suối Yến cao hơn sông Đáy gần 2 m, hàng năm vẫn phải tháo nước ra sông Đáy.
- Hệ thống các hồ như: Quan Sơn, Tuy Lai, Vĩnh An có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đặc biệt cho việc phát triển du lịch nghỉ ngơi cuối tuần với các hoạt động vui chơi như chèo thuyền, câu cá và thưởng thức các món đặc sản (tôm, cá, cua, ốc...).
Các sông suối của huyện Mỹ Đức có nhiều giá trị trong việc bồi đắp một lượng phù sa đáng kể, tạo nên vùng phù sa bồi tích màu mỡ, tạo điều kiện cho việc trồng cây hoa màu, phát triển cây công nghiệp (đặc biệt là cây dâu tằm).
- Ngoài ra, do cấu tạo địa chất của núi đá vôi nên ở địa bàn còn có nguồn nước ngầm ở các kẽ nứt Caxtơ đã tạo ra sự mát mẻ và những cảnh đẹp kỳ thú trong các hang động ở chùa Hương, đồng thời cũng tạo nên sự huyền bí hấp dẫn du khách, phát triển kinh tế du lịch.
Tài nguyên nước dồi dào, nhưng phân hoá theo mùa quá rõ rệt và bị bồi lấp mạnh (đặc biệt là sông Đáy), dẫn đến tình trạng ngập úng trong mùa lũ và thiếu nước trong mùa khô. Mỹ Đức cần đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi để vừa đảm bảo duy trì vai trò là vùng phân lũ cho Hà Tây và thủ đô Hà Nội, vừa tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn huyện.
* Tài nguyên sinh vật
Do có dãy núi đá vôi ở phía Tây nên diện tích rừng tự nhiên của huyện còn nhiều, chủ yếu là kiểu rừng kín xanh mưa ẩm nhiệt đới. Vì thế, thế giới động thực vật ở đây khá phong phú và đa dạng. Với 350 loài thực vật thuộc 92 họ, có nhiều loại cây quý hiếm, cây làm thuốc, cây đặc sản và cây phong cảnh như lành vanh, cây sưa, cây nho vàng, cây lát hoa, cây cỏ roi ngựa, cây thảo nam, kim ngân, mơ, rau sắng, củ mài.... là những loại cây đặc trưng ở đây. Chính những loại cây này góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế cho huyện, nhất là trong dịch vụ du lịch chùa Hương.
Bên cạnh đó, giới động vật của huyện Mỹ Đức khá phong phú: có 88 loài chim, 35 loài bò sát, trong đó có những loài lại rất độc đáo, quý hiếm được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: gà lôi trắng, trăn đất, rái cá, kì đà mốc, báo hoa mai, beo, báo gấm, vượn đen, voọc má trắng, o rô vẩy...
Có thể bạn quan tâm!
- Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức Hà Tây từ năm 1991 đến năm 2008 - 2
- Nhóm Các Công Trình Nghiên Cứu Về Kinh Tế - Xã Hội Việt Nam Thời Kỳ Đổi Mới
- Những Vấn Đề Đặt Ra Luận Án Cần Tiếp Tục Nghiên Cứu
- Tình Hình Sản Xuất Lương Thực Huyện Ứng Hòa Và Huyện Mỹ Đức Năm 1985 Và 1990
- Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức Hà Tây từ năm 1991 đến năm 2008 - 7
- Đường Lối, Chính Sách Của Đảng, Nhà Nước Và Sự Vận Dụng Của Huyện Mỹ Đức Về Phát Triển Kinh Tế, Xã Hội
Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.
Rừng ở Mỹ Đức được coi là tiềm năng kinh tế của huyện, không chỉ có giá trị về môi trường du lịch mà còn có giá trị về nghiên cứu khoa học.
* Tài nguyên khoáng sản
Huyện Mỹ Đức không phải là huyện có quá nhiều loại khoáng sản, tuy nhiên tập trung 2 khoáng sản chính là than bùn và đá vôi:
Than bùn phân bố rải rác ở 10 xã miền núi, tập trung lớn nhất ở xã Đồng Tâm, Thượng Lâm và vùng Hương Sơn. Tổng trữ lượng khoảng 100 triệu tấn nhưng chưa được khai thác nhiều.
Đá vôi phân bố thành dải kéo dài từ xã Đồng Tâm đến xã Hương Sơn với chiều dài trên 40km, rộng 1 – 2km, cao trung bình 50 – 100m, trữ lượng ước tính khoảng 600 triệu m3 [29, tr 4]. Nhiều dãy núi có xen đá đỏ, đá xanh đen, đá đen granit. Đây là nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng (đặc biệt là xi măng), sản xuất phân vi sinh cung cấp cho ngành công nghiệp của huyện và cung ứng cho những vùng lân cận.
Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức còn có nguồn đất sét để sản xuất xi măng, gạch ngói với trữ lượng lớn, tập trung ở các xã ven núi từ Đồng Tâm tới An Phú. Đây là những loại khoáng sản có giá trị kinh tế, khai thác phục vụ trực tiếp cho công nghiệp của Mỹ Đức.
Như vậy, với vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên của huyện Mỹ Đức tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đa dạng các ngành: nông - lâm - công nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ.
2.1.2. Đặc điểm dân cư, truyền thống lịch sử
Dân cư
Vùng đất phía Đông, dòng sông Đáy là ranh giới của huyện Mỹ Đức, với phù sa mầu mỡ do sông Hồng - sông Đáy bồi tụ đã tạo nên một dải đất bãi cao, rộng trải dài từ địa bàn xã Phúc Lâm xuống tới xã Đốc Tín. Điều kiện tự
nhiên thuận lợi như vậy, nên dân cư chủ yếu sống tập trung tại đây, chiếm 70
% dân số của huyện Mỹ Đức [5, tr 16].
Cư dân huyện Mỹ Đức chủ yếu là dân tộc Kinh, chỉ có một số ít đồng bào Mường cư trú ở An Phú, Cao Dương và My Sơn (hai huyện Cao Dương và My Sơn đã cắt về Hòa Bình năm 1948). Những cư dân Mường có gốc từ Kim Bôi (Hòa Bình) do bị chế độ lang đạo hà khắc áp bức, bóc lột đã rời bỏ bản làng đi xuống vùng đất Mỹ Đức để khai phá, lập nghiệp khá sớm và họ sinh sống, sản xuất hòa quyện với người Kinh.
Mật độ cư dân tập trung ở những xã ven Đáy, nơi có diện tích canh tác khá rộng, đất đai phì nhiêu và thuận tiện giao thông thuỷ bộ. Các xã vùng núi đồi ở phía Tây có mật độ thấp, cư trú phân tán.
Người dân Mỹ Đức cần cù, giản dị, trung thực, chịu khó và có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là một tiềm lực to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và làm cho Mỹ Đức không có sự phức tạp về chính sách dân tộc.
Truyền thống lịch sử
Huyện Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống lao động sản xuất và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
* Truyền thống về văn hóa:
Trên vùng đất cổ, nhân dân Mỹ Đức đã xây dựng nên những ngôi đình, chùa, miếu, quán có tiếng ở trong vùng, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. Hầu hết các ngôi đình trên địa bàn huyện đều lấy những người có công với dân với nước thờ làm Thành hoàng. Đó là: Đình làng Bột Xuyên thờ Nguyễn Uy đại vương là bộ tướng của vua Hùng Vương thứ 18. Đình Phúc Khê thờ Lê Phụng Hữu là Đô Thống Thượng tướng đời nhà Lý. Đền Kim Bôi, xã Vạn Kim thờ ba vị Nhất Lang, Nhị Lang, và Tam Lang là những tướng lĩnh phù giúp Lý Nam Đế chống quân xâm lược phương Bắc, góp phần xây dựng nước Vạn Xuân, Đình Thượng Tiết thờ thần hoàng là Ngô Vương Quyền.
Hệ thống chùa chiền ở huyện Mỹ Đức còn được dựng trong các hang động ở vùng núi Hương Sơn tạo nên thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Đó
là quần thể về đạo phật, có 11 chùa, đền, trong đó chùa Thiên Trù tọa lạc ở địa thế đẹp, phong cảnh không giống các chùa khác trong quần thể chùa, đền ở Hương Sơn. Ngoài ra, Hương Tích là chùa nằm ở trong, là trọng điểm của thắng cảnh Hương Sơn. Động Hương như một miệng rồng. Thiên nhiên đã ban tặng cho Mỹ Đức một thắng cảnh Hương Sơn đầy ắp di tích văn hóa, lịch sử, một trung tâm phật giáo nằm lọt trong cảnh nước non hùng vĩ. Với vẻ đẹp huyền bí một vùng văn hóa phật giáo ở nơi sơn thủy hữu tình, du khách đến Hương Sơn đã thỏa trí giữa bầu trời và cảnh vật. Chúa Trịnh Sâm khi đến vãn cảnh ở Hương Tích đã đề 5 chữ lên động Hương: “Nam thiên đệ nhất động”. Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ ngày 6 tháng 1 âm lịch hàng năm và đến hết tháng 3 âm lịch kết thúc.
Mặc dù là một huyện xa trung tâm Kinh thành Thăng Long, việc học hành của con em trong các gia đình ở Mỹ Đức ngày trước gặp khó khăn, song ở đây cũng có nhiều người đỗ đạt cao ở các triều đại phong kiến. Tại làng Lê Xá huyện Chương Đức trấn Sơn Nam, nay là thôn Lê Xá (xã Lê Thanh) có hai cha con Nguyễn Công Khuê và Nguyễn Kỳ Nhậm. Ông Nguyễn Công Khuê sinh năm 1686, thi đỗ Hoàng Giáp năm Canh Dần (1710) niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 đời vua Lê Dụ Tông. Tên tuổi của ông được khắc tại Văn Miếu - Hà Nội. Con trai ông là Nguyễn Kỳ Nhậm, sinh năm 1709, thi đỗ tiến sĩ khóa Quý Sửu (1733), niên hiệu Long Đức thứ hai Lê Duy Phường.
Với truyền thống tôn sư, trọng đạo, hiếu học và lễ hội đó đã tạo nên đặc trưng riêng của con người nơi đây cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất cũng như tạo nên văn hóa riêng cho ngành du lịch làm giàu kinh tế địa phương.
* Truyền thống lao động sản xuất:
Với điều kiện địa hình đa dạng, nhưng phức tạp, nên cư dân huyện Mỹ Đức ngay từ lâu đời đã phải chống chọi với thiên nhiên để phát triển nghề nông nghiệp cổ truyền. Từ đó, rèn luyện bản lĩnh, ý chí của nhân dân huyện hăng say vượt khó, vượt khổ lao động sản xuất.
Bên cạnh nghề nông, huyện Mỹ Đức còn có nhiều nghề thủ công truyền thống, điển hình là dệt, nhuộm, thêu, mây tre đan, mộc…Trên địa bàn huyện đã
hình thành một số làng nghề điển hình như Phùng Xá, Thượng Lâm, Phúc Lâm, An Phú, Đại Nghĩa, Phù Lưu Tế. Đó là những tiền đề kinh tế quan trọng, nếu được khai thác hiệu quả, đây cũng sẽ là một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo cho ngành du lịch của huyện.
* Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm:
Với địa bàn huyện là cửa ngõ ra vào giữa miền rừng núi Hòa Bình với vùng đồng bằng phía nam tỉnh và đồng bằng Bắc Bộ, nên thời kỳ lịch sử nào của đất nước, huyện Mỹ Đức cũng sát cánh cùng cả dân tộc kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân Mỹ Đức đã tụ nghĩa dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng do các nữ tướng Chu tước, Vĩnh Hoa, Vận Mông chỉ huy chống lại sự thống trị của nhà Hán. Thế kỷ X, nhân dân Mỹ Đức xung vào đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân, hoặc trong đạo quân của Lê Hoàn chống lại sự xâm lược của nhà Tống để bảo vệ độc lập dân tộc. Thế kỷ XV, nhân dân ở các trang trại, làng xóm vùng Mỹ Đức tham gia đạo quân, giúp đỡ lương thực, thực phẩm để nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bí, Trịnh Khả chống giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Thế kỷ XVIII, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 khi Nguyễn Huệ với các cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh. Khi một cánh quân tiến qua địa phận Mỹ Đức, trai tráng các xóm làng từ Đục Khê, Yên Vĩ tới Đồng Văn, Đức Dương, Đồng Tâm, Phúc Lâm hăng hái xung vào các đội dân binh, chặt gỗ, tre, bương mang ra Ba Thá kết thành bè mảng phục vụ đại quân Tây Sơn vượt qua sông tiến về kinh thành Thăng Long. Nhân dân huyện Mỹ Đức còn có tinh thần bất khuất chống lại triều đình phong kiến áp bức bóc lột. Làng Đốc Hậu (Đốc Tín) tham gia cuộc khởi nghĩa do Cao bá Quát lãnh đạo chống nhà Nguyễn.
Đến thế kỷ XX, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tiếp nối truyền thống lịch sử, nhân dân huyện Mỹ Đức đoàn kết, kiên cường tham gia đấu tranh cách mạng, nhất là cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954): khi
thực dân Pháp tấn công tỉnh Hòa Bình (1951), dưới sự lãnh đạo của Huyện Ủy, quân dân huyện đã phát động du kích chiến tranh, phát động địa lôi chiến ở ven Đáy, Tế Tiêu, Chợ Bến, Ba Thá, Miếu Môn...
Hòa bình lập lại, nhân dân huyện Mỹ Đức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của Đảng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực đóng góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Mỹ Đức đã đóng góp vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Đức tiếp không ngừng nỗ lực phát huy truyền thống của quê hương và đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước.
Như vậy, các yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như những yếu tố về dân cư, truyền thống lịch sử là những điều kiện thuận lợi, có vai trò tạo nên sự chuyển biến kinh tế, xã hội của Mỹ Đức cũng như tạo nên những đặc trưng riêng của địa phương. Nhưng bên cạnh đó, cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Mỹ Đức.
2.2. Tình hình kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức trước năm 1991
Sau hơn 20 năm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kết thúc thắng lợi. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân huyện Mỹ Đức bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.
Ngày 20 - 9 - 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 245 về việc bỏ cấp khu và hợp nhất một số tỉnh. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ 2 (ngày 25 đến ngày 27 - 12 - 1976) đã quyết định hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình. Đầu năm 1976, tỉnh Hà Sơn Bình ra đời. Huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Từ năm 1976 đến năm 1991, tình hình kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức có sự chuyển biến đáng kể, song vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Từ ngày 14 đến ngày 20 - 10 - 1986, Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình đã tiến hành Đại hội lần thứ X. Đại hội chỉ rõ: Ra sức xây dựng Đảng vững mạnh, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, bố trí lại cơ cấu sản xuất và đầu tư tập trung vào sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Ra sức củng cố quan hệ sản xuất mới, đổi mới quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Tăng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Coi trọng củng cố cơ sở gắn với tăng cường cấp huyện nhằm khai thác tốt hơn mọi khả năng sẵn có về đất đai, lao động, ngành nghề của một tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có miền núi để ổn định phát triển sản xuất, ổn định và phát triển một bước đời sống nhân dân. Làm tốt các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, tạo điều kiện tiến lên xây dựng kinh tế địa phương có cơ cấu nông - công - lâm nghiệp hợp lý” [9, tr 185].
Nghi quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X của tỉnh Hà Sơn Bình đã thể hiện những nét căn bản trong công tác nhận thức về xu thế tất yếu của việc đổi mới tại địa phương ngay khi nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI chưa ra đời. Trên cơ sở đó, năm 1987, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình đã họp hội nghị lần thứ 5 bàn về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế, xã hội như sau: [9]
- Tập trung thực hiện 3 chương trình kinh tế, số một là lương thực và thực phẩm.
- Chuyển đổi các đơn vị sản xuất kinh doanh sang hạch toán kinh tế, bảo đảm có hiệu quả, xóa bỏ bù lỗ. Tiếp tục đổi mới phân phối lưu thông, thúc đẩy sản xuất kinh tế, tăng cường quản lý thị trường, phấn đấu giảm bớt bội chi ngân sách và tiền mặt.
- Củng cố hợp tác xã về các mặt sở hữu, quản lý và phân phối, phát triển kinh doanh tổng hợp, cải tiến khoán sản phẩm, tăng tỷ lệ phân phối cho người nhận khoán, xóa bỏ các khoản chi phí không hợp lệ và có tính bao cấp trong các hợp tác xã. Khuyến khích tư nhân, gia đình hợp tác xã nông nghiệp,
thủ công nghiệp, công nhân viên chức... phát triển chăn nuôi, làm vườn, chế biến nông sản, làm hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
- Tích cực mở rộng sản xuất để tạo thêm việc làm tại chỗ cho người lao động, thực hiện tốt hơn chính sách xã hội. Tích cực thực hiện sinh đẻ có kế hoạch....
- Gắn việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội với củng cố an ninh, quốc phòng.
Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình là sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào hoàn cảnh của địa phương, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của huyện Mỹ Đức.
2.2.1. Tình hình kinh tế
a) Cơ cấu ngành kinh tế
* Ngành nông - lâm - ngư nghiệp
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Mỹ Đức tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp và xem nó là đặc trưng kinh tế của địa phương.
Về tổ chức sản xuất nông nghiệp, cũng giống như các địa phương khác trong cả nước, kinh tế huyện Mỹ Đức phát triển dưới sự quản lý của Nhà nước với hai thành phần kinh tế: Quốc doanh và hợp tác xã. Kinh tế nông nghiệp của huyện thực hiện theo chủ trương của Đảng, chủ yếu là sản xuất trong các hợp tác xã. Vì vậy, năm 1981, thực hiện Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp” - đánh dấu một bước phát triển mới trong quản lý kinh tế, xác lập trách nhiệm, quyền lợi giữa các lợi ích kinh tế: Nhà nước - tập thể và người lao động. Huyện ủy Mỹ Đức đã ra Nghị quyết 22 về thực hiện khoán sản phẩm cây lúa đến nhóm và người lao động ở 22 hợp tác xã của huyện. Huyện ủy xác định vai trò quan trọng và có ý nghĩa then chốt là sự lãnh đạo của các Đảng bộ xã và các chi bộ đội sản xuất, phải chuẩn bị kỹ các bước, các khâu như nắm tình hình đất đai, thổ nhưỡng, phân loại ruộng đất, phân vùng sản xuất, định chế khoán, định sản lượng, định chế độ thu nộp sản phẩm.... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 100, vẫn còn bộc lộ nhiều hiện tượng: chia ruộng manh mún, điều hành lúng túng; có hợp tác xã giao khoán trắng cho xã viên...