Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức Hà Tây từ năm 1991 đến năm 2008 - 2


DANH MỤC BIỂU ĐỒ


Biểu đồ 2.1. Giá trị và cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp huyện Mỹ Đức năm 1995 59

Biểu đồ 2.2. Cơ cấu ngành kinh tế huyện Mỹ Đức năm 1991 và năm 1995 64

Biểu đồ 2.3. Dân số trong độ tuổi lao động huyện Mỹ Đức 1991 – 1994 [119] .. 68

Biểu đồ 3.1. Chuyển biến cơ cấu ngành kinh tế huyện Mỹ Đức từ 1996 đến 2008 82

Biểu đồ 3.2: Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn từ năm 1996 đến năm 2008 97

Biểu đồ 3.3. Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế huyện Mỹ Đức năm 2003127


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

MỞ ĐẦU


Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức Hà Tây từ năm 1991 đến năm 2008 - 2

1. Lý do chọn đề tài

Kinh tế là hoạt động sản xuất của cải vật chất, là toàn bộ phương thức sản xuất và trao đổi của một chế độ xã hội. C. Mác và Ph. Ăng-ghen cho rằng, sản xuất vật chất là cơ sở cho sự phát triển của xã hội loài người. Vì vậy, kinh tế, xã hội là hai lĩnh vực quan trọng nhất trong tiến trình lịch sử phát triển nhân loại nói chung và mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng. Phát triển kinh tế, xã hội trở thành mục tiêu hàng đầu của các nước trên thế giới và là thước đo quan trọng bậc nhất cho thấy sự cường thịnh của mỗi dân tộc trong các giai đoạn phát triển. Việt Nam luôn coi trọng sự phát triển của kinh tế, xã hội. Hơn ba thập niên qua, công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam đã chứng minh sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, xã hội.

Tiếp thu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhân dân các địa phương ra sức phát triển mọi mặt của đời sống, đặc biệt là kinh tế, xã hội. Xây dựng kinh tế, xã hội ở cấp huyện nhằm giải quyết những vấn đề căn bản của địa phương, đồng thời góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực kinh tế trong tỉnh cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự chuyển biến kinh tế, xã hội đó không giống nhau về mô hình, tốc độ, lộ trình, sự thành công hay chưa thành công. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào đặc điểm của mỗi địa phương; sự nhận thức và cách thức lãnh đạo chuyển biến kinh tế, xã hội của từng huyện trong lợi thế so sánh với địa phương khác.

Mỹ Đức là vùng bán sơn địa, nằm ở phía Nam của đồng bằng Bắc Bộ, ở tận cùng phía Tây Nam của tỉnh Hà Tây trước đây và của Thủ đô Hà Nội hiện nay. Tháng 10 - 1991, Chính phủ tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh: Hà Tây và Hòa Bình. Cùng với 13 huyện thị khác, Mỹ Đức trở thành 1 huyện của tỉnh Hà Tây. Thực hiện chủ trương của Đảng, dựa vào lợi thế và tiềm năng sẵn có, huyện Mỹ Đức đã phát triển theo hướng đổi mới, ra sức phát triển kinh tế. Bên cạnh đó,


tình hình xã hội Mỹ Đức không ngừng có sự chuyển biến sâu sắc. Vì vậy, việc nghiên cứu về kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức chẳng những giúp chúng ta đánh giá khách quan, trung thực về những mặt mạnh, mặt hạn chế kinh tế, xã hội của địa phương; mà còn chỉ ra những nét đặc thù, cũng như vai trò của huyện Mỹ Đức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Tây và cả nước.

Quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức, mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần phải giải quyết. Nghiên cứu về chuyển biến kinh tế, xã hội ở huyện Mỹ Đức thực sự cần thiết, giúp cho các cơ quan ban, ngành của huyện có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, từ đó hoạch định các chiến lược phát triển huyện. Bên cạnh đó, giúp chúng ta đánh giá vai trò của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể nhân dân huyện Mỹ Đức trong sự chuyển biến kinh tế, xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và rút ra những bài học kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở huyện Mỹ Đức trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo.

Nghiên cứu về sự chuyển biến kinh tế, xã hội của nhiều địa phương và sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, cho đến nay, có khá nhiều công trình khoa học. Song chưa có công trình chuyên sâu, hệ thống về sự chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức (Hà Tây) từ năm 1991 đến năm 2008. Vì vậy, nghiên cứu về chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức còn góp phần bổ sung, cung cấp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy lịch sử địa phương và giáo dục truyền thống lịch sử cho nhân dân huyện Mỹ Đức.

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề nghiên cứu “Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức (Hà Tây) từ năm 1991 đến năm 2008” làm đề tài luận án Tiến sĩ Lịch sử của mình.


2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận án tập trung nghiên cứu về sự chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức (Hà Tây) từ năm 1991 đến năm 2008.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian: Luận án nghiên cứu trên phạm vi địa giới hành chính huyện Mỹ Đức theo sự phân chia địa giới từ năm 1991 đến năm 2008 của tỉnh Hà Tây, bao gồm thị trấn Đại Nghĩa (Tế Tiêu) và 21 xã: Phúc Lâm, Mỹ Thành, Đốc Tín, Vạn Kim, Đồng Tâm, Thượng Lâm, Tuy Lai, Bột Xuyên, An Mỹ, Hồng Sơn, Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá, Hợp Tiến, Phù Lưu Tế, Hợp Thanh, Đại Hưng, An Tiến, An Phú, Hùng Tiến, Hương Sơn.

Phạm vi thời gian: Từ năm 1991 đến năm 2008. Tháng 9 - 1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 ra nghị quyết tách một số tỉnh. Tháng 10 - 1991, Chính phủ tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh: Hà Tây và Hòa Bình, huyện Mỹ Đức thuộc quyền quản lý của tỉnh Hà Tây. Năm 2008, huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thành phố Hà Nội.

Năm 1996, Đảng ta khẳng định: nước ta đã cơ bản ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội; những kết quả đạt được cho phép chuyển nước ta vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng bộ, chính quyền huyện Mỹ Đức lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở đó, luận án trình bày sự chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức qua hai giai đoạn: từ năm 1991 đến năm 1996 và từ năm 1996 đến năm 2008.

Tuy nhiên, để làm sáng tỏ hơn sự chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức, luận án còn mở rộng phạm vi thời gian nghiên cứu trước năm 1991 và không gian một số địa phương lân cận của tỉnh Hà Tây để xem xét và có cái nhìn so sánh mang tính toàn diện.


Phạm vi nội dung: Luận án nghiên cứu về sự chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức từ những năm 1991 đến 2008. Về sự chuyển biến kinh tế, luận án tập trung đi sâu nghiên cứu theo chuyển biến cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần và cơ cấu vùng kinh tế). Về chuyển biến xã hội, luận án tập trung nghiên cứu về vấn đề: dân số; lao động - việc làm; công tác xóa đói giảm nghèo; đời sống văn hoá xã hội (giáo dục - đào tạo, văn nghệ thể thao, thông tin truyền thông, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân), trợ giúp xã hội cho các đối tượng chính sách.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

- Luận án làm rõ bối cảnh lịch sử, những yếu tố tác động đến quá trình

phát triển kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức từ năm 1991 đến năm 2008.

- Trình bày những chuyển biến về kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức từ năm 1991 đến năm 2008, trên những nội dung cơ bản.

- Rút ra một số nhận xét, đánh giá về đặc điểm chuyển biến kinh tế, xã hội, phân tích những tiềm năng, xu hướng và những vấn đề tiếp tục đặt ra góp phần làm cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoạch định những chủ trương, biện pháp đối với các cấp lãnh đạo địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Trên cơ sở phân tích về điều kiện tự nhiên, cơ sở kinh tế, dân cư và truyền thống lịch sử, luận án sẽ làm rõ những yếu tố tác động đến sự chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức (1991 - 2008).

- Luận án tái hiện lại một cách trung thực và tương đối hệ thống về chuyển biến kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức từ năm 1991 đến năm 2008. Trên cơ sở những thành tựu, hạn chế, luận án lý giải những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế thời kỳ này.


- Từ kết quả nghiên cứu, bước đầu nêu lên một số đặc điểm sự chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức có ý nghĩa tham khảo trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức hiện nay và giai đoạn tiếp theo.

4. Nguồn tài liệu

Để hoàn thành công trình nghiên cứu này, luận án đã khai thác và sử dụng kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác nhau:

- Những quan điểm, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Hồ Chí Minh; các Văn kiện, Nghị quyết, Chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nguồn tư liệu quan trọng giúp nghiên cứu sinh có quan điểm, phương hướng nghiên cứu đúng các vấn đề do đề tài luận án đặt ra.

- Báo cáo chính trị, tổng kết của Đảng ủy, HĐND, UBND và các Sở, Ban ngành tỉnh Hà Tây; của huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức; tài liệu do Chi cục Thống kê tỉnh Hà Tây và huyện Mỹ Đức công bố qua các năm từ 1991 đến 2008. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng làm cơ sở để nghiên cứu sinh khai thác và xây dựng luận án.

- Các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo, sách tham khảo, bài nghiên cứu khoa học, các luận án về kinh tế, xã hội đã công bố có liên quan tới đề tài. Đây là tài liệu tham khảo để giúp chúng tôi so sánh đối chiếu với kết quả nghiên cứu của luận án.

- Là đề tài luận án thuộc lịch sử địa phương, vì vậy, tác giả rất coi trọng công tác điền dã, tiến hành điều tra khảo sát thực tế để thu thập tài liệu, thực hiện công tác xác minh, giám định tư liệu, ở các địa phương của huyện Mỹ Đức. Đặc biệt là nguồn tư liệu báo chí Hà Tây từ năm 1991 đến năm 2007 tại phòng Ngoại văn – Thư viện Hà Nội. Tư liệu điền dã góp phần bổ sung thiếu sót của tư liệu thành văn luận án.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án

* Phương pháp luận

Luận án sử dụng phương pháp luận sử học Mác xít, quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế, xã hội.


* Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng kết hợp phương pháp lịch sử với phương pháp lôgic, nhằm phục dựng bối cảnh lịch sử và sự chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức; trên cơ sở đó rút ra những đặc điểm làm cơ sở để tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo.

Luận án sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu chuyên ngành lịch sử với các phương pháp nghiên cứu khoa học khác như phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, thống kê toán học để làm rõ sự chuyển biến kinh tế, xã hội giữa hai thời kỳ, giữa huyện Mỹ Đức với địa phương khác có nét tương đồng hay khác biệt.

Trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh coi trọng việc sưu tầm, tập hợp, chỉnh lý, đối chiếu thẩm định tư liệu lịch sử để phục vụ nghiên cứu đề tài.

Là đề tài lịch sử địa phương nên nghiên cứu sinh rất chú trọng làm tốt công tác điền dã khảo sát thực tế lịch sử địa phương để làm phong phú thêm nguồn tư liệu của luận án.

6. Đóng góp của luận án

- Trên cơ sở những tư liệu đã chỉnh lý, luận án tái hiện một cách hệ thống, chân thực về sự chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức từ năm 1991 đến năm 2008.

- Từ kết quả nghiên cứu, luận án làm rõ những thành tựu, hạn chế, lý giải nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế của sự phát triển kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức (1991 - 2008).

- Luận án rút ra một số nhận xét về sự chuyển biến kinh tế, xã hội đặc thù của địa phương; về vai trò của Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội địa phương đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Mỹ Đức.

- Những kết quả của luận án là cơ sở để các cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội; là nguồn tài liệu


phục vụ cho nghiên cứu, biên soạn, dạy học các ngành khoa học liên quan đến địa phương.

7. Bố cục của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận án được trình bày trong 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài.

Chương 2: Khái quát về huyện Mỹ Đức và những chuyển biến kinh tế, xã hội tại địa phương từ năm 1991 đến năm 1996.

Chương 3: Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức từ năm 1996 đến năm 2008.

Chương 4: Một số nhận xét về chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức từ năm 1991 đến năm 2008.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/04/2023