kế hoạch. Sản xuất hàng tiêu dùng chủ yếu vẫn là sản xuất thủ công, manh mún, thiếu kế hoạch. Mô hình chủ yếu là hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp kiêm sản xuất nông nghiệp và tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp... Quá trình tập thể hóa không thu hút hết lực lượng lao động trong các ngành nghề, một số thợ thủ công không vào hợp tác xã, vẫn duy trì sản xuất cá thể. Sản xuất cá thể bị cản trở, một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với sản xuất cá thể khó có điều kiện tồn tại. Các nghề thủ công không tập trung, nằm rải rác trong các làng, xã, thôn, xóm không bị xóa bỏ hoàn toàn nhưng chỉ được sản xuất với tính chất là một nghề phụ, sản xuất vào thời gian nông nhàn. Hơn nữa, việc tổ chức sản xuất trong ngành tiểu thủ công nghiệp ở Mỹ Đức còn chậm, nhiều xã còn tách rời, chưa kết hợp giữa việc tổ chức hợp tác xã thủ công nghiệp, thương nghiệp với cải tạo nông nghiệp. Trước tình hình đó, huyện Mỹ Đức chưa có chính sách thích hợp kích thích sản xuất, thu hút nguồn hàng xuất khẩu. Đây cũng là tình trạng khó khăn chung của cả nước thời kỳ này.
* Các ngành kinh tế khác: thương nghiệp, dịch vụ - du lịch, tài chính - ngân hàng...
Năm 1980, cùng với lãnh đạo sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, ở Mỹ Đức, Đảng bộ huyện đã tích cực lãnh đạo công tác thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông liên xã trong huyện. Thực hiện theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 278-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cải tiến công tác phân phối lưu thông, ngày 20-10- 1980, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức đã ra Nghị quyết số 18-NQ/HU về tăng cường công tác phân phối, lưu thông tài chính, tiền tệ, giá cả, tiền lương, thương nghiệp và quản lý thị trường.
Tận dụng hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ tương đối thuận tiện và với một bộ phận cư dân sống bằng nghề buôn bán, trên địa bàn huyện Mỹ Đức, đã hình thành các chợ ở từng vùng để giao lưu, buôn bán hàng hoá. Huyện Mỹ Đức có 7 chợ. Hệ thống chợ ở Mỹ Đức tạo thành mạng lưới phân bố khá hợp lý cả về không gian và thời gian. Chợ họp theo phiên, thường 5
ngày một phiên và được tính theo lịch âm (ví dụ: chợ Phủ họp ngày phiên chợ vào ngày 4,9, 14,19, 24 và 29; chợ Thá trên họp vào ngày 6,16,26). Các phiên chợ họp so le nhau nên không có ngày nào ở Mỹ Đức không có chợ phiên.
Chợ ở Mỹ Đức họp rất sớm và tan cũng rất sớm. Có chợ chỉ đến tầm 8, 9 giờ sáng đã vãn người, và nếu vào những ngày mùa bận, chợ còn tan sớm hơn. Chợ cũng "phân cấp" tự nhiên, thành chợ làng, chợ xã, chợ huyện. Vào những tháng nông nhàn, khi đã xong mùa vụ cũng là lúc những phiên chợ ở Mỹ Đức đông người nhất. Chợ ở Mỹ Đức buôn bán những mặt hàng mang tính đặc thù của địa phương và về cơ bản đáp ứng được yêu cầu trao đổi hàng hoá thiết yếu của các tầng lớp nhân dân trong vùng. Người dân Mỹ Đức đem ra chợ bán đủ các mặt hàng nhưng chủ yếu là những sản vật, những thứ có sẵn trong nhà: từ mớ tôm, mớ tép, mớ rau đến con gà, con vịt… Ở các chợ thường có một khu bán những sản phẩm của nghề phụ như: nón, mành, quạt đan, đường ép...; một góc khác của chợ bán bún, đậu phụ, các loại kẹo dân gian: kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo bột, bánh rán, bánh đa. Ngoài ra, chợ còn có những người làm dịch vụ như lò rèn để sửa chữa liềm, cuốc, dao, kéo, bán răng bừa, lưỡi cày; có những người thợ cắt tóc, thợ may, thợ nhuộm. Một góc nhỏ khác của chợ bán thịt lợn. Tuy nhiên, rất ít lượng khách có nhu cầu này vì đây là thực phẩm “cao cấp” thời bấy giờ. Mỗi chợ đều có một khu bán lương thực và ngũ cốc: thóc, gạo, cám cho lợn, đỗ đen, đỗ tương, vừng, lạc, khoai; các chợ đều có một vài hàng xén để bán những vật dụng thông thường như đèn dầu, bát đĩa, vải, kim khâu, kim băng, chỉ, diêm, đá lửa, đinh, guốc, quai guốc, dây chun, cúc áo, kẹp tóc, gương, lược, xà phòng...; có hàng bán vải và quần áo, hàng bán thuốc lào, thuốc lá, trầu cau, vôi...; một số hàng ăn uống bán các món quà quê dân dã, được kê bằng những chiếc ghế dài, mấy chiếc chõng tre.
Sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) tháng 9-1979, những hạn chế của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp bước đầu được nhìn nhận là yếu tố cản trở sức sản xuất và cần phải được xóa bỏ. Những chủ trương có tính chất đổi mới đã tác động trực tiếp và nhanh chóng đến các quan hệ kinh tế. Tháng 10- 1979, Chính phủ ban hành Quyết định 373/CP và 374/CP về xóa bỏ các trạm
Có thể bạn quan tâm!
- Những Vấn Đề Đặt Ra Luận Án Cần Tiếp Tục Nghiên Cứu
- Tình Hình Kinh Tế, Xã Hội Huyện Mỹ Đức Trước Năm 1991
- Tình Hình Sản Xuất Lương Thực Huyện Ứng Hòa Và Huyện Mỹ Đức Năm 1985 Và 1990
- Đường Lối, Chính Sách Của Đảng, Nhà Nước Và Sự Vận Dụng Của Huyện Mỹ Đức Về Phát Triển Kinh Tế, Xã Hội
- Tình Hình Chăn Nuôi Trâu, Bò, Lợn Của Huyện Mỹ Đức Từ Năm 1991 Đến 1995
- Cơ Cấu Ngành Kinh Tế Huyện Mỹ Đức Năm 1991 Và Năm 1995
Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.
kiểm soát “ngăn sông cấm chợ”, “mở lối” cho các loại sản phẩm được trao đổi trên thị trường tự do theo giá thỏa thuận sau khi đã nộp đủ nghĩa vụ cho nhà nước. Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, Mỹ Đức cũng chịu tác động mạnh mẽ do khủng hoảng kinh tế xã hội, sản xuất đình đốn, hàng hóa khan hiếm, lạm phát tăng cao nhưng mạng lưới thương nghiệp và các hoạt động phân phối, lưu thông ở Mỹ Đức vẫn có bước phát triển nhất định. Các hợp tác xã mua bán vẫn tiếp tục tồn tại nhưng gặp không ít khó khăn. Trong điều kiện hàng hóa ngày càng khan hiếm, các hợp tác xã đã chủ động khai thác nguồn hàng từ trong nhân dân như vải vóc, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện để nhân dân tiêu thụ hàng hóa và được cung cấp lại các mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, đây vẫn là giai đoạn kinh tế khó khăn ở Mỹ Đức, các hoạt động buôn bán, dịch vụ ở đây sa sút, nguồn hàng khan hiếm, cung không đáp ứng đủ cầu, lạm phát gia tăng, thương nghiệp quốc doanh giải thể, các hợp tác xã mua bán có dấu hiệu suy giảm. Năm 1985, cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền đã khiến cho những chủ trương đúng đắn về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế không tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc đưa nền kinh tế nước ta sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Khủng hoảng kinh tế - xã hội càng trầm trọng, lạm phát phi mã. Lợi dụng tình hình khó khăn, một bộ phận tư thương tăng cường đầu tư, tích trữ. trong điều kiện đó, các hoạt động buôn bán kinh doanh và dịch vụ của tư nhân có chiều hướng phát triển mạnh. Dù còn phát triển tự phát, nhưng hệ thống dịch vụ, cửa hàng buôn bán của tư nhân đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, góp phần đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng.
Nhìn chung, các ngành kinh tế thương nghiệp, dịch vụ, tài chính... ở huyện Mỹ Đức thời kỳ này chưa phát triển, vẫn chỉ dừng ở mức mang tính chất phục vụ cho sản xuất chính là nông nghiệp.
b) Cơ cấu thành phần kinh tế
Kinh tế của Mỹ Đức thời kỳ này là kinh tế hợp tác xã. Thực hiện theo Chỉ thị số 208-CT/TW, ngày 16-9-1974 của Ban Bí thư Về tổ chức lại sản
xuất nông nghiệp và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, với tinh thần lấy cấp huyện làm địa bàn trung tâm, quy hoạch lại các hợp tác xã bậc cao. Huyện Mỹ Đức từng bước xây dựng hợp tác xã quy mô toàn xã, tiến hành thí điểm tổ chức lại sản xuất ở một số hợp tác xã. Năm 1976, huyện đã hợp nhất 65 hợp tác xã thành 22 hợp tác xã trên quy mô toàn xã, trong đó có 12 hợp tác xã ven núi, chiếm 63% tổng diện tích toàn huyện [8; tr 201]. Hợp tác xã tiếp tục được củng cố và phát triển theo Chỉ thị 208: xây dựng các mô hình hợp tác xã điểm ở những vùng khác nhau, trên cơ sở phổ biến, nhân rộng các hợp tác xã học tập, áp dụng vào địa phương của mình. Vùng ven Đáy, Mỹ Đức đã lấy mô hình hợp tác xã Phù Lưu Tế - vùng ven núi thì xây dựng mô hình hợp tác xã Hợp Tiến... đưa điều khiển học vào chỉ đạo sản xuất; tổ chức lao động theo đội chuyên, bỏ hình thức đội sản xuất khép kín. Cơ sở vật chất các hợp tác xã cũng không ngừng được đầu tư, như: xây dựng sân phơi, nhà kho, trại chăn nuôi, mua thêm máy cày, máy bơm, máy tuốt lúa, máy xay sát... Tính bình quân, mỗi hợp tác xã đã trang bị thêm được 11 máy móc các loại. Đặc biệt một số hợp tác xã yếu kém đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của huyện vẫn còn rất nhiều tồn tại, yếu kém về : “ba yếu quản lý” kinh tế, quản lý xã hội, quản lý công tác đảng viên, các đoàn thể quần chúng và “hai thiếu” về lương thực, thực phẩm và đội ngũ cán bộ giỏi [8; tr 210]. Thực hiện tinh thần của Nghị quyết V của Trung ương Đảng, huyện Mỹ Đức vẫn giữ vững quy mô hợp tác xã toàn xã đến năm 1986. Hợp tác xã nông nghiệp đã làm tốt chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ xã viên sản xuất [67, tr 3].
Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình trong giai đoạn này cũng được xác định rõ ràng hơn và đang phát triển trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
c) Cơ cấu vùng kinh tế
Trước năm 1991, về cơ bản huyện Mỹ Đức chưa phân vùng kinh tế. Với địa thế của 3 vùng: vùng núi, vùng ven đáy và vùng bán sơn địa; nhưng
huyện chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, các xã của huyện Mỹ Đức cơ bản tập trung sản xuất nông nghiệp và làm nghề thủ công truyền thống; chưa có một vùng nào thể hiện sự chuyên môn hóa sản xuất. Điều này, nói lên trình độ chuyên môn hóa và phát triển trong sản xuất của huyện Mỹ Đức vẫn còn rất hạn chế, huyện chưa phát huy các thế mạnh sẵn có của từng địa phương để khoanh vùng kinh tế, tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Tóm lại, kinh tế của huyện Mỹ Đức trước năm 1991 có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, Huyện Mỹ Đức là địa phương có thế mạnh để phát triển kinh tế đa dạng, hình thành một cơ cấu kinh tế nông – công nghiệp – dịch vụ. Tuy nhiên, huyện chưa khai thác đúng mức và sử dụng đạt hiệu quả cao về các tiềm lực để phát triển kinh tế (tài nguyên, nguồn lao động…). Tập trung phát triển nông nghiệp, nhưng mục tiêu đặt ra là kết quả thu được rất hạn chế, về cơ bản nhu cầu về thực phẩm chưa được đáp ứng. Tốc độ phát triển tiểu thủ công nghiệp chậm, chưa kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tỷ trọng hàng phục vụ nông nghiệp ít, chất lượng thấp nên tiêu thụ khó khăn và hầu như không xuất khẩu được với số lượng lớn; tốc độ phát triển kinh tế còn chậm so với tiềm năng vốn có của huyện như: đất đai, lao động và những điều kiện tự nhiên thuận lợi. Cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp còn có khoảng cách khá lớn, trong đó giá trị nông nghiệp toàn huyện đạt 64%, giá trị của công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 36%.
Thứ hai, là một địa phương đa dạng về địa hình, tự nhiên đã ban cho Mỹ Đức tiền đề có thể hình thành ngay các vùng sản xuất, phát triển kinh tế. Nhưng giai đoạn này, Mỹ Đức chưa phân vùng. Vì vậy, công nghiệp của Mỹ Đức không phát triển, ngay cả công nghiệp chế biến chưa hình thành mặc dù huyện có nhiều vùng có khả năng cung cấp nguyên liệu tại chỗ.
Thứ ba, kinh tế Mỹ Đức thời kỳ hạn chế về lực lượng sản xuất và phân phối lưu thông: công cụ lao động còn quá thô sơ, kỹ thuật sản xuất dù có được cải tiến một bước nhưng còn lạc hậu. Việc cơ giới hoá chưa được đẩy mạnh, công tác thuỷ lợi còn yếu ở vùng cao và vũng trũng. Ở nhiều hợp tác xã, quan
hệ sản xuất mới chưa được củng cố vững chắc. Toàn huyện có tới 30% số hợp tác xã yếu kém. Phần lớn các hợp tác xã còn làm ăn theo lối sản xuất nhỏ. Lao động chưa được quản lý chặt chẽ, nông dân chưa tập trung vào sản xuất tập thể và có ý thức tập thể… Các trạm trại quốc doanh của huyện tương đối hoàn chỉnh nhưng chưa gắn chặt chẽ với các hợp tác xã dẫn tới việc cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung trong một thời gian dài.
Trong công tác phân phối lưu thông còn thụ động, không nắm chắc các nguồn hàng vào ra tại địa phương, thiếu dự báo, trông chờ vào các “chính sách” của cấp trên. Chế độ hạch toán kinh tế chưa được thực hiện hoặc thực hiện sai nguyên tắc, mục đích diễn ra khá phổ biến ở các hợp tác xã. Mặt khác hợp tác xã tín dụng, mua bán chưa phát huy đầy đủ chức năng để có thể giúp hợp tác xã nông nghiệp tái sản xuất mở rộng. Sản xuất chưa thực sự được gắn với phân phối lưu thông, hai mặt hoạt động kinh tế chủ yếu này còn hạn chế và thiếu gắn kết. Việc thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều giữa nông dân và Nhà nước còn chưa hợp lý về thời gian, tỷ giá… Nhiều hợp tác xã còn là gánh nặng và kìm hãm sự phát triển chung của địa phương. Quan trọng hơn, mặc dù Mỹ Đức là địa phương có điều kiện tốt về vị trí và giao thông nhưng đã bỏ lỡ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế công thương trên diện rộng với đúng bản chất là một nền kinh tế hàng hoá để tạo sức đột phá cho giai đoạn phát triển sau này.
Tóm lại, trải qua mấy thập kỷ xây dựng theo tư duy, mô hình cũ, kinh tế Mỹ Đức dù đạt một số kết quả song vẫn còn nhiều yếu kém: tăng trưởng thấp (năng suất, sản lượng hầu như không thay đổi trong một thời gian dài); không có đột phá về cơ cấu kinh tế (kinh tế vẫn thuần nông); các thành phần kinh tế không được phát huy đúng mức; chưa định hình được những vùng sản xuất với những sản phẩm đặc trưng, có sức cạnh tranh, nguồn thu không đủ cân đối, lương thực không đủ ăn; nhiều tiềm năng lợi thế không được phát huy, vì vậy Mỹ Đức luôn đứng ở vị trí là một huyện ở mức trung bình, thậm chí là huyện nghèo của tỉnh. Dù một vài nơi trên địa bàn của huyện đã có “cách nghĩ’ và “cách làm” mới nhưng về cơ bản nó vẫn bị mô hình quản lý cũ chi phối, ràng buộc, níu kéo.
Với những kết quả đạt được cũng như những tồn tại trên đây là cơ sở quan trọng để huyện Mỹ Đức tiếp tục thúc đẩy sự chuyển biến kinh tế, xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
2.2.2. Tình hình xã hội
a)Về dân cư - lao động
Theo số liệu của phòng Thống kê huyện Mỹ Đức, dân số của huyện năm 1985 là 126.164 người, năm 1990 là 145.168 người, trong đó nam chiếm 48,92% dân số, nữ chiếm 51,08% dân số, tỷ lệ phát triển dân số bình quân hàng năm là 2,15% (1985) và 2,34% (1990). Trong đó, dân cư tập trung đông hơn ở những xã thuộc khu vực đồng bằng phía Đông ven sông Đáy, đặc biệt là ở vùng nông thôn: 2.945 người ở thành thị và 142.223 người ở nông thôn [30; tr 110 - 114].
Nguồn lao động: Mỹ Đức có nguồn lao động khá dồi dào. Với tỷ lệ tăng tự nhiên cao, nên tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Mỹ Đức duy trì ở mức cao: 51,8% tổng số dân, trong đó lao động trong độ tuổi chiếm 91,5% lao động xã hội và phân bố chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp 79%, chỉ còn 21% lao động ở các ngành nghề khác. Với tỷ lệ lớn dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian lao động thực chỉ chiếm 70 – 75% tổng quỹ thời gian lao động, huyện Mỹ Đức cần phải có chiến lược phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - du lịch hợp lý, nhằm vừa hạn chế các hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm, đảm bảo việc duy trì môi trường và cảnh quan du lịch; vừa giải quyết vấn đề thiếu việc làm cho nhân dân trong vùng.
Mỹ Đức có tỷ lệ dân nông thôn lớn (96,05%). Sự chuyển biến về cơ cấu lao động gần như không đáng kể, tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm hơn 70% tổng số lao động của huyện. Đây là một khó khăn của huyện trong định hướng chuyển đổi kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Vì vậy, cần có chiến lược đầu tư cho giáo dục – đào tạo nghề nhằm hình thành lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu phát triển của Mỹ Đức.
b) Về phân tầng xã hội
Trước thời kỳ đổi mới, Mỹ Đức là một huyện thuần nông nên nông dân là tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội, nghề chính là làm ruộng. Trong
đó, thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ ở huyện hầu hết có nghề chính vẫn là làm nông nghiệp kiêm tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Họ vẫn là nông dân. Đời sống của họ vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, ở huyện còn có một số thanh niên có học thức, phần lớn là con em các tầng lớp trên hoặc con em gia đình khá giả, có điều kiện thoát ly. Tuy số lượng ít, nhưng họ cũng đóng vai trò quan trọng của xã hội.
Huyện Mỹ Đức nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, dân cư trú trên địa bàn chủ yếu là dân tộc Kinh với 99,9% dân số. Một số xã giáp tỉnh Hòa Bình có một bộ phận là dân tộc Mường sinh sống. Nhìn chung, đời sống của đồng bào Mường còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông và khai thác lâm sản.
Từ năm 1975 đến 1986, kết cấu xã hội và cơ cấu lao động ở huyện Mỹ Đức có thay đổi. Tuy nhiên, hình thái kinh tế hợp tác xã chiếm vai trò chủ đạo, vì vậy sự thay đổi này ở mức độ hạn chế. Đại bộ phận dân cư vẫn tham gia hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng, mua bán... lực lượng lao động được quản lý theo kế hoạch. Bên cạnh đó, khi huyện chủ trương xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp có quy mô trên địa bàn như: đóng gạch, nung vôi, thêu, ren... một bộ phận nông dân được đào tạo và họ đã thoát ly khỏi đồng ruộng, trở thành những công nhân nhưng bộ phận này chiếm tỷ lệ nhỏ... Nhìn chung, các tầng lớp nhân dân huyện Mỹ Đức chưa có sự chuyển biến rõ rệt về phân hóa giàu nghèo.
c) Về các lĩnh vực của đời sống xã hội
Trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục: sau năm 1954, huyện có hơn 90% dân số không biết chữ. Phần lớn cán bộ, đảng viên có trình độ học vấn ở các lớp 1 - 2 và lớp 3 [4, tr 12]. Ngành giáo dục thực hiện tốt phong trào thi đua 2 tốt. Năm học 1987 - 1988, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở đạt 97, 6 %; tốt nghiệp phổ thông trung học đạt 90 %; đã có học sinh tham gia đội tuyển dự thi toàn quốc. Cơ sở vật chất phục vụ dạy học từng bước phát triển, hoàn thành 2 ngôi trường cao tầng là trường phổ thông trung học Mỹ Đức C và trường phổ thông cơ sở Hương Sơn A [8; tr 272]. Để có kết quả đó, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.